Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Image result for hình ảnh mùa sen dep

Xuân sang nhưng sen chẳng nở trái mùa vì hương an lành và giải thoát khiến mùa Xuân giữ nguyên vẹn mùa của phước lộc như ý. Như lúc đất trời vào hội, người con Phật ai mà không cảm thấy vui lây khi biết có một người bạn đồng tu cùng đi chung đường tìm về giác ngộ hơn 40 năm, đã vượt qua sóng gió, tìm được chân hạnh phúc trong hạnh nguyện xuất gia, mang lại an lạc thân tâm cho không ít người cầu học. Ni sư Giới Hương, Trú trì chùa Hương Sen ở miền Nam Cali, chính là người Pháp lữ lỗi lạc trong đường tu, đạt được những thành tựu khiến con đường hoằng hóa tại xứ người thêm rộng mở, ánh sáng từ bi thêm được đón nhận khát khao.

Năm xưa, tôi tình cờ quen biết Ni sư và được tặng mấy tác phẩm do Ni sư chấp bút, trong đó có quyển “Ban Mai Xứ Ấn”, thuật lại bước đường du học của Ni sư ở Ấn độ. Tác phẩm này, khi tái bản, được Ôn Hội chủ Thích Mãn Giác, tức thi sĩ Huyền Không, ân cần giới thiệu con người và mảnh đất phát tích dòng Từ như cội nguồn của chân lý giải thoát

Hãy mở mắt nhìn người ơi

Ban mai Ấn độ tuyệt vời đẹp tươi

Lưu trang Phật sử sáng đời

Sông Hằng nước chảy rạng ngời bóng ai

Nghìn năm Phật tổ Như Lai

Sông Hằng lấp lánh bóng Ngài hiện ra.

Tôi đọc quyển sách và nhận ra ngay trong con người mẫu mực của kiên trì, hiến dâng cho lý tưởng, còn ẩn chứa một tâm hồn và trực giác nhạy bén trước ngoại giới, nhận thức nhanh chóng và khát khao tìm đến cái đẹp tiềm tàng trong thế giới bên ngoài và nơi mỗi tha nhân. Cái đẹp được chắt lọc, dung dị, quen thuộc nhưng vẫn có khả năng làm lay động lòng người chính là những hình ảnh, và cảm xúc lặng lẽ bám chặt lấy tâm hồn người Ni sư cầm bút. Đó là tiếng chim khắc khoải ban trưa tại khu nội trú đại học Delhi, gợi lại tiếng chim vườn cũ tưởng như đã chìm sâu trong ký ức quê nhà. Đó là dấu vết nhẹ nhàng nhưng sâu đậm của tình cảm dấy lên từ kẻ xa nhà, một trong những bước đầu mà người xa quê phải đương đầu một cách chật vật dù ít được người bàng quan chia sẻ.

Nhớ lại thuở trước, khi quý Ngài Minh Châu, Huyền Vi du học trên xứ Phật, trải qua rất nhiều phức tạp, khó khăn, cực khổ thì những cố gắng để hội nhập xứ người của Ni sư và chư Tăng Ni của thế hệ bây giờ cũng đáng được ghi nhận, dẫu cho thân phận, hoàn cảnh người nữ tu không còn là điều gây ái ngại nữa.

Trong giới Tăng già, không chỉ nhắc đến “Tăng Ni nhị bộ” như để chỉ cơ cấu bất khả phân của một tập đoàn, mà còn chính thức ghi nhận vai trò đáng kể và vị thế đồng đẳng của Ni giới trong tổ chức. Và nhất là từ khi biết đến Sư bà Đàm Lựu ở chùa Đức Viên, San Jose, rồi qua những sinh hoạt chung ở miền Bắc Cali, tôi vẫn luôn tin tưởng sự đóng góp của quý Sư Cô trẻ tuổi và nỗ lực chung góp phần vào việc phát triển, thăng tiến đạo pháp và lợi ích liên quan đến nhân quần xã hội.

Quả thật, trước sau Ni chúng vẫn là một nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành tựu trong quá khứ, cũng như là một trong những giềng mối của mọi kế hoạch trong tương lai. Sự đồng tâm hợp lực được thể hiện trước mọi thử thách và được phát huy mạnh mẽ trong các công tác giáo dục, văn hoá, xã hội mà những thành phần trong Ni giới là những biểu hiện xuất sắc, đã đáp ứng và nói lên đầy đủ tinh thần hợp tác rộng rãi giữa tứ chúng của nhà Phật.

Từ đây, tôi nghĩ tinh thần phụng sự và hành trạng của Ni sư Giới Hương còn là sự mời gọi thiết tha cho một hướng đi, một mô thức hoạt động, phù hợp với suy nghĩ cùng hoài bão của thời đại. Con đường tâm linh ngày thêm rộng mở chẳng những cho những tâm hồn mộ đạo ưu thời, mà còn rộng rãi đón nhận những ước mơ mới mẻ hình thành trong hoàn cảnh và điều kiện hoàn toàn khác biệt với thế hệ trước. Tôi nghĩ rằng, một vài Sư cô ở Chùa Phổ Từ với kiến thức và khả năng Anh ngữ đáp ứng được nhu cầu, có thể phần nào chia sẻ suy nghĩ và quan niệm trên. Sư cô Phổ Châu còn cho biết thêm, tổ chức Sakyadhita International Association of Buddhist Women (Hội Phụ nữ Phật giáo Thế giới) được thành lập từ năm 1987 tuy chưa cho thấy sự chuyển mình rõ rệt nhưng là sự khởi đầu nhiều hứa hẹn, đặc biệt vì xã hội Tây phương vốn tỏ ra không có thành kiến rõ rệt đối với nữ phái.

Thật thế, đóng góp của Ni sư Giới Hương thật đa dạng trên nhiều lãnh vực, hoạt động có phương pháp, chương trình rõ rệt, và theo trình tự phát triển quen thuộc, nghĩa là từ bước đầu khiêm tốn nhưng vững chắc. Từ một ngôi nhà nhỏ khi tôi đến thăm lần đầu, giờ đã chuyển thành một cơ sở khang trang 10 mẫu, có cây cảnh với các pho tượng được tôn trí quanh vườn, tạo nên một khung cảnh trang nghiêm và thiền vị. Sinh hoạt tu tập hàng ngày tại đây đã tiến dần đến nền nếp quy mô, Ni chúng thường trú quy tụ hơn 10 vị. Người Ni trưởng còn tỏ ra quen thuộc trong lãnh vực hoằng dương và xuất bản. Riêng thư viện Chùa Phổ Từ đang lưu trữ trên 10 tác phẩm làm tài liệu tu học cho chúng xuất gia và tại gia. Có dạo, tôi nghe nói, Ni sư còn ghi tên học môn Văn chương ở đại học Riverside nữa. Thời gian khác, Ni sư còn đi thăm khám đường để ủy lạo, giảng pháp cho những người không may trong vòng lao lý. Nghĩa là trong hướng đi tâm linh, người nữ tu này đã mở thêm được cánh cửa  cần thiết.

Sinh hoạt bên ngoài thật rất tích cực, hăng say mà Ni sư hiếm khi vắng mặt trong các giới đàn, đại hội hay lễ lạc quan trọng ở các chùa tại nhiều nơi. Ni sư luôn hiện diện với nụ cười khoan hòa, độ lượng.

 Nhưng trên hết, vẫn là tâm hạnh cao quí của một người nữ tu có tâm hướng thượng về con đường Giác ngộ, giải thoát. Sau hơn 40 năm, Ni sư Giới Hương đã vượt qua những khó khăn, nghịch duyên tất yếu trên đường tu, để có thể tạo lập Đạo tràng, nuôi dưỡng đồ chúng, làm trọn vai trò, trách nhiệm người Thích nữ của đức Như lai và Tôn giả Kiều Đàm Di.

Nhân ngày đầu năm Canh Tý 2020, tôi xin được góp đôi lời. Trước hết, thành tâm cầu nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ Ni sư được nhiều sức khoẻ, duyên lành đầy đủ, tiếp tục gánh vác Phật sự, xây dựng Ni chúng ở chùa Hương Sen ngày thêm vững mạnh, đem lại lợi lạc chung. Sau nữa, trong tình Pháp lữ, kính chúc Ni sư đạo quả sớm viên thành để làm gương mẫu cho hậu học. Xin chúc mừng hạnh nguyện xuất gia của Ni sư! Trước nắng Xuân mới, thành tâm dâng ngát hương thơm mang phương danh ngôi tự viện Hương Sen, mùi hương bất tận của vườn thiền.

Trước thềm Xuân mới, Hayward, miền Bắc California

 Trụ trì Chùa Phổ Từ và Chùa Phổ Trí,                                                     

 Thích Từ-Lực

 This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Thượng Tọa Từ Lực (bên phải) và Ni sư Giới Hương (bên trái)

Chùa Phổ Từ ngày 3 tháng 3 năm 2013

Từ phải sang: Sư cô Phổ Châu, sư cô Thanh Nguyên, Thượng Tọa Từ Lực và Ni sư Giới Hương (đeo kiếng) tại Chùa Phổ Từ ngày 3 tháng 3 năm 2013

Thượng Tọa Từ Lực (thứ ba bên trái) viếng thăm Sư Bà Như Hương và Ni Sư Giới Hương (phải) tại Chùa Hương Sen cũ ngày 20 tháng 12 năm 2012

Mời xem toàn bài với hình ảnh:  2.28._Xuan_nay_sen_lai_tuoi_them_-_Thich_Tu_Luc.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm