Sinh ra giữa cuộc đời này có được thân người là một phước duyên lớn. Gặp nhau, biết và kính quý nhau là một nhân duyên khác nữa, càng cao quý hơn là gặp nhau trong sự thiện lành, cùng chung chí hướng, trong ngôi nhà Phật pháp nhiệm màu. Sự hội ngộ đó, thật đặc biệt, cần có trong tất cả chúng ta. Tôi biết về Ni sư Thích Nữ Giới Hương như trong muôn trùng nhân duyên khác nhau. Thông qua những tác phẩm nhiều giá trị tư liệu nghiên cứu, những bài viết chuyển tải sự thấy nghe đạo đời ở đó đây, các ca khúc chứa đầy vị ngọt đậm chất chân tình, ân nghĩa, và luôn thảnh thơi trong hương vị đạo, đã được nghe, đọc trước khi tôi có cơ duyên hội kiến với Ni sư.
Có những tác phẩm khảo luận giá trị trong giáo pháp của đức Phật như: Bồ-tát và Tánh Không Trong Kinh Tạng Pali và Đại Thừa; A-Hàm: Mưa pháp chuyển hóa phiền não, (2 tập); Pháp Ngữ của Kinh Kim Cang; Tập Thơ Nhạc Nắng Lăng Nghiêm..., v.v.và còn nhiều tác phẩm, nhiều thể loại, ngôn ngữ khác nữa (mời đọc ở www.huongsentemple.com), đó là một thành quả lớn lao, đánh dấu một thời gian dài khắc niệm, nỗ lực tu học của Ni sư mà tôi đã được đọc. Qua những tác phẩm chứa đựng nhiều nguồn tư liệu nghiên cứu quý báu đó, tôi được biết thêm chặng đường tầm sư học đạo, những gì Ni Sư đã dấn thân trong suốt hơn 40 năm qua, giữa đường đạo thênh thang, có hoa trái giác ngộ, nhưng cũng chứa chan nhiều chông gai này. Rất hân hạnh, chúng tôi có lần diện kiến, viếng chùa Hương sen, tại thành phố Perris đầy gió, dư nắng và luôn khô cằn, trong một dịp lễ Vu Lan, an vị hồng chung, thánh tượng Quán Thế Âm lộ thiên và một số kiến trúc khác. Ni sư mới bước chân về đây mới hơn 1 năm mà đã kiến tạo xây dựng một đạo tràng tương đối khang trang, để có nơi chốn cho Ni chúng và phật tử đến tu học.
Điều chúng tôi muốn nói ở đây, Tôi và Ni Sư không đồng môn, đồng lớp, và càng không nhiều cơ hội làm việc chung, chỉ có chung là cùng sống trong ngôi nhà chánh pháp bao la, cùng nhìn về một hướng và là hàng xóm của nhau (Chùa Bảo Sơn cách Chùa Hương Sen khoảng 30 phút lái xe). Tuy nhiên, chúng tôi có một sự quý kính đặc biệt dành cho Ni sư và hội chúng Chùa Hương Sen. Tôi muốn liệt kê ở đây vài điểm sở trường về Ni sư Giới Hương:
1.SỞ HỌC- để có được kiến thức mênh mông là một chuyện cũng không dễ dàng với rất nhiều người, ngoài bẩm tính thông minh, những căn cơ thiên phú, người học cần có nhứt là sự kiên trì và cần cù, quyết tâm nỗ lực đeo đuổi. Thiên tài chính là sự cần cù bền bỉ học hỏi. Thời gian đầu tư việc học của Ni sư rất nhiều, cho đến hôm nay đã là giảng viên đại học, nhưng Ni sư vẫn không bỏ sự đeo đuổi việc học ở trường lớp, để đào sâu kiến thức Đông Tây. Đây là một điều đáng được kính trọng. Có rất nhiều Tăng Ni cũng có tâm huyết và điều kiện để đến trường lớp, tuy nhiên vì hoàn cảnh Phật sự, chùa chiền dở dang, và nhiều nhân duyên khác ảnh hưởng, cho nên không thể tiếp tục bền bỉ đeo đuổi ước muốn của mình. Đây là một cái gương cho nhiều tầng lớp Tăng Ni trẻ soi rọi, cũng là cách mà Ni Sư sẽ hướng dẫn lại cho Tăng Ni sinh và đệ tử của mình trong hiện tại và tương lai. Bởi lẽ, chim đủ hai cánh để bay xa, người có hai chân để đi lại. Người xuất gia học đạo có nhiều trí và đức thì mới có thể thành tựu được nhiều Phật sự.
2.DẤN THÂN- phụng sự là một hạnh lớn trong muôn hạnh của người xuất gia. Người xuất gia mà không thường xuyên nuôi dưỡng tâm hạnh này mọi lúc, và phát nguyện thực hiện hạnh lớn này thì quả là thiếu xót. Phụng sự Tam bảo và dấn thấn độ đời làm lợi lạc quần sanh, trang nghiêm Phật giới là trách nhiệm và sự nghiệp của người xuất gia học đạo. Nếu không làm được thì chỉ là củi mục, tro lạnh trong ngôi nhà Phật pháp. Từ khi rời Ấn Độ sau nhiều năm nghiên tầm học hỏi tại đó, Ni sư đã dấn thân phụng sự, đi từ chùa này sang chùa khác, nơi này nơi kia ở hải ngoại để truyền tải thông điệp giải thoát của Đức Phật. Ngôi chùa Hương Sen ngụ ở vùng bán sa mạc, một nơi chưa có nhiều người Việt, ít cộng đồng Phật tử, mà dấn thân tạo dựng, gióng trống pháp, rung chuông Thiền đó là một việc rất khó, nhất là đối với một nữ nhi như Ni sư. Tâm hạnh này đáng kính trọng biết bao!
3.NĂNG ĐỘNG – âm thầm là mẫu người tôi nhận thấy ngay từ ban đầu khi gặp được Ni sư. Sự năng động này không câu nệ, bất chấp thời gian, xa gần, lúc nào có cơ hội để phụng sự thì sẵn sàng, dù là chuyện lớn hay nhỏ của chư Tăng Ni, Phật tử và Giáo hội giao phó. Tính năng động này, rất cần có trong mẫu người xuất gia- hoằng pháp thời hiện đại. Với sự biến chuyển nhanh của xã hội hôm nay, khó cho phép người xuất gia ngồi yên trong tự viện để phụng sự và hành Phật đạo. Tâm hạnh này chính là những cốt lõi mà đức Phật đã từng hướng dẫn cho hàng đệ tử của Ngài, đặc biệt trong công tác hoằng pháp..
4.KHIÊM CUNG- cầu tiến là một đức tính đặc biệt nữa của Ni sư, một tính hạnh cần có của người xuất gia, mà không phải ai cũng có thể thực hạnh được, nhất là những vị có được học vị cao, có sự thông tuệ hơn người. Người có giới hạnh, có hiểu biết thì mới có đủ khả năng để thực hiện tâm hạnh khiêm cung cầu tiến này.
Rất nhiều và rất nhiều điều, chúng tôi muốn nói về Ni sư Giới Hương, có thể nói một mẫu người xuất gia trong thời hiện đại, cần phải có Hạnh- Trí hơn người. Tôi luôn quý trọng và thiết nghĩ rằng, Ni sư là một tấm gương cho nhiều người xuất gia trẻ tuổi cần học hỏi và noi theo tâm hạnh này, thì chúng sanh lợi lạc biết bao. Việc được học nhiều, có nhiều kiến thức chưa hẳn đã giúp cho một người sớm viên thành đạo quả. Ngược lại học mà không hành thì kết quả gặt hái được trên đường đạo rất khó, không khéo chỉ thêm chướng đạo. Tri hành hợp nhất là nền tảng tiến tu và một quy trình phải có để đi trên con đường giác ngộ.
Kỷ niệm một chặng đường hành đạo, ghi lại những gì đã qua, thiết nghĩ là không cần thiết đối với sự giải thoát chứng ngộ, tuy nhiên để đánh dấu một chặng đường đã đi và có một hướng đi cho thế hệ mai sau, quả thật cần thiết biết bao!
Với lòng tri ân những gì có được trên con đường thênh thang học đạo, chúng tôi mạo muội viết đôi tâm tình đầy ngưỡng mộ, góp sắc hương trong tuyển tập kỷ niệm 40 năm xuất gia và hành đạo của Ni sư, như món quà gửi tặng Ni sư Thích Nữ Giới Hương và toàn thể Ni chúng, Phật tử chùa Hương Sen vào mùa Xuân năm Canh Tý- 2020.
Mùa Đông Cali, ngày 27 tháng 12 năm 2019
Viện chủ Chùa Bảo Sơn
Thích Huệ giáo
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Sư cô Viên Chân, Ni sư Giới Hương và Thượng Tọa Huệ Giáo (chính giữa)
Thầy Quảng Đạo… tụng kinh Phật đản tại San Diego Park, ngày 11/5/2014
Thượng Tọa Huệ Giáo (trái), Thầy Quảng Đạo, Thầy Ân Giao
Hòa Thượng Phước Thuận, Ni sư Diệu Tánh đang làm lễ
Vu Lan tại Chùa Hương Sen ngày 24/8/2014
Mời xem toàn bài với hình ảnh: 2.26.Huong_Sen_toi_da_den-_Thich_Hue_Giao.pdf