Nhân dịp Ni chúng Chùa Hương Sen làm Tuyển tập “40 Năm Tu Học và Hoằng Pháp của Ni Sư Giới Hương,” từ Hoa Kỳ, Sư Hương tha thiết email gởi thư mời:
“Dear Chánh Tuệ! Em hoan hỉ góp mặt viết bài cho tuyển tập, lưu vài dòng lưu niệm về chúng ta, thương em lắm trong ký ức của huynh đệ, từ thời niên thiếu xuất gia tu học ở Chùa Liên Hoa vào thập niên 1980 cho đến nay em làm việc ở văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TpHCM và Sư Giới Hương từ Hoa Kỳ về dạy học ở Học Viện. Sư Hương muốn có em hiện diện trong sách như một nét son kỷ niệm thuở ban sơ vào đạo, chúng ta cùng nhau gắn bó tu học dưới tình thương che chở của Tôn Sư thượng Hải Triều hạ Âm, bậc Thầy thế độ khả kính đã khai sinh chiếc nôi Phật Pháp cho vài trăm Ni chúng trong đó có Sư Giới Hương (pháp hiệu là Thanh Hương), sư chị Thanh Đức (em gái họ của Sư Giới Hương) và Sư Chánh Tuệ.”
Kính thưa Ni sư Giới Hương, cho phép em dùng hai từ thân thương “Sư chị” và “Sư em” nhé, vì trong trí nhớ của em, Sư chị như một người chị ruột trong nhà và cả trong đạo. Sư chị rất hiền từ, ít nói, yêu thương và dịu dàng, dắt dìu Sư em từ lúc mới chập chững vào chùa tập sự. Trở lại quá khứ, vào cuối năm 1981 em bước chân vào làm Điệu, có lẽ em là “Điệu” đầu tiên của mái chùa Liên Hoa thân yêu vì lúc đó em chỉ mới 11 tuổi. Hình ảnh đáng nhớ trong em đã được sống chung liêu (phòng) với Sư chị Thanh Hương (Sư Giới Hương) và Sư chị Thanh Đức trên tầng gác lửng của chùa. Sư Giới Hương là một Sư tỷ có hạnh xả ly (theo hạnh khổ hạnh của Tổ Ca Diếp) rất lớn. Chiếc áo vạt hò chị mặc sờn vai và nhiều lớp vá chị vẫn cứ mặc. Mỗi người trong chúng chỉ được có 3 bộ đồ vạt khách, chị cũng nhín bớt một áo cho em, nó cũ kỹ lắm mà em trân quý biết chừng nào. Chị có xâu chuỗi dạ quang đeo tay, ban đêm Chánh điện tắt đèn ngồi niệm Phật, xâu chuỗi của Sư chị sáng lên như hào quang, em thích lắm. Vào thời cơ hàn lúc đó, xâu chuỗi là cả một tài sản giá trị lớn của Sư chị mà Sư chị cũng dám cho em để em luôn đeo tay khoe đẹp với mọi người và mới chịu ngồi yên cạnh bên các Sư tỷ lớn để niệm Phật. Hồi đó, em rất thích niệm Phật thông qua xâu chuỗi của Sư chị, nó sẽ bóng sáng hơn nếu em siêng niệm Phật như lời Sư tỷ dặn.
Năm 1981-1985, những chuỗi ngày tu học gần bên Thầy ở Liên Hoa, nơi Sư chị lộ rõ nét đặc biệt: ít nói, chánh niệm và đi đứng: “Có oai khá sợ, có nghi khá kính” (tức rất oai nghi, nghiêm nghị khả kính) nên Thầy giao Sư chị giữ chức Giám Luật trong chùa và Sư chị Giới Hương còn được chọn vào nhóm chuyên tu (20 vị) miên mật với pháp môn Thiền “Phản văn văn tự tánh” và được trình pháp với Sư cụ Đức Nhuận trong vai vế, chị em mình phải gọi là Sư nội. (Ngài từ Bắc vào và trình pháp ở Chùa Vĩnh Nghiêm, Quận 3). Em nhớ thời đó hình ảnh chị rất nhỏ, rất trẻ mà phong thái đỉnh đạt, đi đứng uy dũng không khác vị Thiền sư hay Pháp sư mới từ sơn khê xuống núi, Sư chị thật khoan thai, nhẹ nhàng và tận tụy mọi trách nhiệm mà Thầy giao phó. Trong mắt em, cho đến tận bây giờ, Sư chị đúng là tấm gương sáng về sự miên mật và cố gắng:
HỌC thì học miệt mài, học cho tới cùng.
TU thì tu rốt ráo khó ai theo kịp.
Có thể nói Sư chị Giới Hương chính là tấm gương về cố gắng vượt khó để vươn tới thành công trên con đường tu tập, xứng đáng là tấm gương sáng cho đàn em và hàng đệ tử Ni noi gương học tập.
Tùng bách đã tỏa bóng trên mọi nẻo đường. Mùa Thu tháng 08 năm 2016, Sư Giới Hương trở về quê hương Việt Nam với kiến thức khoa học, thế học và Phật học uyên thâm. Sư chị làm đơn xin tham gia giảng dạy (Môn Anh Văn Phật Pháp mỗi năm 3 tháng) tại Học viện. Em Chánh Tuệ bây giờ là có Tịnh Thất Hải Thanh quận Gò Vấp và đang làm việc tại văn phòng Học Viện và như thế em có dịp liên hệ mọi thứ thủ tục, quy định ở Học viện để giúp người chị thương của mình tham gia công tác với vai trò Giảng viên Học viện cho tới nay.
Chị em đã không gặp nhau gần 30 năm. Sư chị đã học trong nước (nào là Cử nhân Phật học tại Học Viện của Hòa Thượng Minh Châu, Cử Nhân Văn Chương Việt Nam tại Đại học Tổng Hợp…) và nước ngoài (Tiến Sĩ Triết Học Ấn Độ, Cử Nhân Văn Chương tại trường Đại học Mỹ, …). Năm 2016, ngày gặp lại Sư chị tại Học viện Phật Giáo Việt Nam, Sư chị đã thành đạt và trưởng thành, là một vị Ni sư trưởng. Ôi! nhìn thành tích trí tuệ nội điển và ngoại điển cũng như sự cống hiến phong phú của Sư chị cho giáo dục (viết hơn 40 tác phẩm tiếng Anh và Việt, xây chùa trên 10 mẫu đất ở Mỹ, độ 13 đệ tử Ni xuất gia…) em chỉ biết cúi đầu thán phục, chứ không sao theo kịp. Vị trí là thế, kiến giải là vậy, nhưng hai huynh đệ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, Sư chị vẫn là chị, toát lên sự giản dị, từ hòa, lân mẫn và gần gũi với em nhỏ. Còn em luôn hãnh diện tự hào về người Sư tỷ, tấm gương vượt khó trên con đường tu học.
Rồi mùa Hạ nắng ấm tháng 06 năm 2018, nhân duyên đầy đủ, Sư chị làm giấy bảo lãnh em và Ni sư Tâm Thảo (Giảng viên học viện) qua thăm chùa Hương Sen tại Mỹ Quốc. Dù là đi du lịch và nhập hạ cho biết các chùa Mỹ, nhưng Sư chị cũng thỉnh chúng em dạy luật cho chúng Ni Hương Sen với lời giải thích đầy thuyết phục rằng:
“Nhà Phật có câu ‘Tăng đáo Phật lai’, nên quý Tăng, Ni nào có duyên đến chùa Hương Sen, Sư chị đều thỉnh thuyết giảng dạy học, để chia sẻ kinh nghiệm tu tập quý báu của những vị đi trước cho đệ tử xuất gia cũng như tại gia hậu học, nhất là ở nơi khô cằn thiếu Phật pháp này.”
Ai gặp Sư chị là Sư khuyên tu, học, đọc sách, tranh thủ mọi thứ để sống hữu ích, cống hiến, chứ không bao giờ để lãng phí nhiều thời gian cho việc ăn ngon, ngủ kỹ, đi chơi… một cách thoải mái như chúng em.
Nhìn mảnh đất rộng lớn 10 mẫu (mẫu Anh tức khoảng 4 mẫu Việt Nam) để chuẩn bị sắp khai móng xây dựng chùa Hương Sen, Sư nói rằng: “Ước mơ của Sư tỷ Giới Hương, ngôi chùa này sẽ là nơi cư trú tu học cho tất cả các Ni chúng ở nơi đất khách quê người. Sư chị chưa có hoạt động sự kiện gì lớn lao để có kinh phí, chỉ thường đi giảng, viết sách và tích lũy. Phật tử biết thì góp sức để cùng xây dựng một ngôi Ni viện Phật giáo để đời, để ánh sáng Phật pháp của Đức Thế Tôn được hiện hữu khắp nơi, nhất là ở những vùng xa vùng sâu tại Hoa Kỳ này.” Chúng em kính cầu nguyện chư Phật gia hộ không mau thì lâu lâu một chút cũng có ngày mọi Phật sự của Chùa Hương Sen được viên mãn. Em cảm thấy lạc quan và tin tưởng vào sự nhiệm mầu của Tam Bảo sẽ gia hộ cho Hương Sen, một Ni viện tầm cỡ sau này như lòng Sư chị mong muốn.
Một lần nữa, em thành tâm cầu nguyện Ni sư Giới Hương, người chị gương mẫu của em, mãi mãi sức khỏe miên trường để tự thân làm bậc Danh Ni mô phạm, bậc gương mẫu rường cột cho Phật pháp trong hôm nay và mai sau, để chúng em và thế hệ tương lai, những vị sẽ và sắp sửa đi học xa nhà, xa chùa, xa đất nước noi gương Ni sư, để tương lai Phật giáo có thêm những bậc Ni xuất sắc như Sư chị mà em hằng ngưỡng mộ, như chính tên “Giới Hương” của Sư chị vậy.
Cầu chúc Ni sư Giới Hương và chư Ni Chúng tại Chùa Hương Sen (California, USA) và Hương Sen (Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, Tp HCM) thân tâm thường lạc, Phật sự viên mãn, hoàn thành tâm nguyện phụng sự Chư Phật và chúng sinh cả trong nước và nước ngoài như tâm nguyện của Ni Sư đã và đang rất tỏa sáng.
Tịnh Thất Hải Thanh quận Gò Vấp, ngày 19 tháng 03 năm 2020,
Kính bút,
Thích Nữ Chánh Tuệ
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Ni sư Chánh Tuệ (thứ ba từ trái) và Ni Sư Tâm Thảo (thứ năm từ trái)
viếng Chùa Hương Sen, USA, ngày 16 tháng 06 năm 2018
Ni sư Chánh Tuệ dạy luật cho chúng Tỳ Kheo Ni (Sư cô Liên Hiếu,
Sư cô Viên Tiến, SC Viên Chân, SC Viên Trang và SC Viên An)
tại Chùa Hương Sen tháng 06 năm 2018
Từ trái: Ns Chánh Tuệ, Ns Tường Hạnh, Sư cô Giới Viên, Ns Giới Hương, Ni sư Thông Tịnh (chị ruột của NS Chánh Tuệ) và Ns Thanh Nhã,
Tại Hội Nghị Phật Giáo, TpHCM, ngày 03 tháng 11 năm 2018
Từ trái: Ni sư Thông Tịnh, Ns Thanh Nhã, Ns Tường Hạnh, Ns Giới Hương và Ns Chánh Tuệ cùng các đệ tử nhí,
tại Tịnh Thất Hải Thanh, quận Gò Vấp, ngày 03 tháng 11 năm 2018
Mời xem toàn bài với hình ảnh: 3.29._Ky_niem_thoi_nien_thieu_cung_xuat_gia_tu_hoc_-_TN_Chanh_Tue.pdf