Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Coral Reef With Shoals Of Tropical Fish by Pete Atkinson

NI SƯ THUẦN TUỆ - THIỀN NGHI ĐỈNH ĐẠC

Trụ trì Thiền Viện Diệu Nhân (Miền Bắc California)

  1. Thiền viện Diệu Nhân

Vào năm 2002, ngày 4 tháng 7, sau khi chấp thuận việc dâng cúng nhà và đất với diện tích hơn 10 acres của sáu chị em Lục Hòa, Hòa Thượng Trúc Lâm Tôn Sư Thích Thanh Từ đã cho thành lập Hội Thiền Học Diệu Nhân (Dieu Nhan Buddhist Meditation Association, Inc.), trực thuộc Thiền viện Viên Chiếu tại quê nhà Việt Nam. Hòa Thượng Tôn Sư giao trách nhiệm Trụ trì Thiền viện Diệu Nhân cho Ni trưởng Thích Nữ Như Đức.  Mục đích là đáp ứng nhu cầu cho mọi người trong đạo tràng có nơi nương tựa tu học và phát huy giáo pháp của Đức Phật, đặc biệt là tu tập theo Thiền Tông Việt Nam, đường lối Trúc Lâm Yên Tử. Bốn tháng sau, Hòa Thượng đến làm lễ đặt viên đá xây dựng Chánh điện vào ngày 16 tháng 11 năm 2002. Từ đó Thiền viện Diệu Nhân[1] chính thức ra đời.

Năm 2012, Ni trưởng Như Đức cử Ni sư Thích nữ Thuần Tuệ làm Trụ trì Thiền Viện Diệu Nhân và Ni sư Thích nữ Thuần Bạch làm Phó trụ trì.

Thiền Viện Diệu Nhân

4241 Duncan Hill Road, Rescue, CA 95672

Tel: 530-676-7108; 530-409-8336; 916-222-8784

P.O. Box 265, Rescue, CA 95672

Fax: 530-672-2497

Website: www.dieunhan.net

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

  1. Thời khóa biểu hàng ngày

3:45 AM:         Thức chúng

4:00 - 6:00:      Tọa thiền

6:30 - 6:50:      Tập thể dục

7:15:                Tiểu thực

8:30 - 10:30:    Công tác

11:30:              Quá đường

1:00 PM:         Chỉ tịnh

2:00:                Thức chúng

2:30 -3:40:       Học kinh luận

4:30:                Dược thực

5:45:                Sám hối

6:30  8:00:       Tọa thiền

9:30:                Chỉ tịnh

---------------------------------    

Thời khóa học          

Thứ Hai:          Học Kinh Đại bát Niết bàn - Thầy Viên Chiếu / T.Sư Trung Hoa – NS Thuần

                                                                                                                         Bạch (cách tuần)                              

Thứ Ba:           Ngày tu tập thinh lặng

Thứ Tư:           Chiều: CD HT Trúc Lâm – Thiền Tông VN (40’)

                        Tối: Chứng Đạo Ca –  NS Thuần Tuệ

Thứ Năm:        Thỉnh nguyện hoặc Sinh Hoạt Chúng (cách tuần)

Thứ Sáu:          Lớp học Ni chúng: Kinh Di Giáo

Thứ Bảy:         Học CD Thầy Thông Phương //  Kinh Lăng Nghiêm – NS Thuần Tuệ (cách tuần)

  1. Sinh hoạt hoằng pháp

Thiền viện Diệu Nhân có các sinh hoạt sau:

  1. Ngày Tu Tập vào thứ Bảy mỗi hai tuần cho phật tử người Việt.
  2. Lớp Monday Class cho các bạn trẻ và Phật tử Mỹ vào mỗi tối thứ Hai.
  3. Khóa tu Mùa Xuân và Khóa tu Mùa Thu hằng năm, thời gian 4 ngày mỗi khóa, trong tương lai có thể dài ngày hơn.
  4. Thỉnh thoảng có những buổi picnic tu học ngoài trời, những đêm ngắm trăng uống trà luận đạo trong sân chùa, tạo điều kiện thích hợp cho giới trẻ và các Thiền sinh đến tu học.
  5. Hướng dẫn tu tập Thiền trong tù (Volunteer Sangha) trong chương trình Buddhist Pathways Prison Project ở Folsom State Prison.
  6. Giảng dạy và hướng dẫn Khóa tu ở các tiểu bang khác ở Mỹ và Canada, Anh, Pháp, Bỉ, Đức…
  7. Giảng dạy ở các Khóa Huấn luyện GĐPT.

Phật tử Diệu Nhân tuy không nhiều nhưng từ trẻ đến già đều hết lòng tu học, nhiệt tâm nhiệt tình chung lo xây dựng đạo tràng. 

Thiền viện Diệu Nhân có được như ngày hôm nay là nương nhờ ân đức sâu dày của Hòa thượng Tôn Sư Thích Thanh Từ, sự che chở hộ trì của chư Tôn Đức Thiền phái Trúc Lâm, Ban Lãnh chúng và đại chúng Thiền viện Viên Chiếu, sự chia sẻ gánh vác ủng hộ của Phật tử. Thiền viện Diệu Nhân với tâm nguyện tu tập tiếp bước Hòa thượng Tôn sư, duy trì một tâm trường viễn, chia sẻ niềm vui trong tu tập đến những ai cùng chung con đường trở lại bản tâm.

  1. Tông chỉ Thiền Giáo đồng hành
  • Thiền viện Diệu Nhân thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, do Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ khôi phục từ năm 1970.
  • Nền tảng của tu tập là Giáo pháp Đức Phật Thích Ca.

            Chủ trương: “Thiền, Giáo đồng hành”.

Thiền tông không rời Kinh, vì Thiền là tâm của Phật, Kinh là miệng của Phật. Đức Phật tâm miệng không khác thì Thiền và Giáo không sao tách rời được.

Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam không theo các tông phái chi nhánh Thiền tông Trung Hoa sau này, như tông Tào Động, Lâm Tế, Qui Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn.

Thiền Trúc Lâm Việt Nam, với căn bản là các Kinh Luận, kết hợp ba cái mốc quan trọng trong dòng lịch sử truyền thừa Thiền tông từ Trung Hoa đến Việt Nam.

Mốc thứ nhất là Nhị Tổ Huệ Khả, mốc thứ hai là Lục Tổ Huệ Năng, mốc thứ ba là Sơ Tổ Trúc Lâm. Hòa hội với giáo pháp Đức Phật dạy, cùng chỗ thấy, chỗ ngộ và sự ứng dụng tu hành của ba vị Tổ này thành phương pháp tu Thiền trong các Thiền viện.

Hòa thượng Trúc Lâm đưa vào ứng dụng tu tập bằng những lối tu:

  1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
  2. Đối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ.
  3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
  4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả. Ứng dụng Cương lĩnh Pháp tu Thiền Biết có chân tâm.

Đây là bốn phương tiện Hòa thượng Trúc Lâm tạm lập để hướng dẫn người tu. Tùy theo căn cơ trình độ nhanh chậm, cao thấp của hành giả mà lối ứng dụng có khác.

  • Thiền viện Diệu Nhân nương theo tông chỉ Hòa thượng Trúc Lâm đã chỉ dạy, ứng dụng tu tập và hướng dẫn phật tử các đạo tràng.
  1. Ni sư Thuần Tuệ

Ni sư Thuần Tuệ (thế danh Tôn Nữ Tịnh Tâm) sanh năm 1958, trong một gia đình Phật giáo thuần thành ở Huế. Nhờ có Ba Mẹ hướng dẫn, mỗi ngày cả nhà đều có thời tụng kinh và ngồi thiền. Từ lúc 10 tuổi, Ni sư đã tự ăn chay, 14 tuổi xin đi tu nhưng Ba Mẹ muốn học xong Đại học mới cho xuất gia. Ni sư là nữ sinh trường Trung học Đồng Khánh - Huế, Trường Đại học Sư Phạm Huế, Anh ngữ. Gia đình có 5 người xuất gia theo Hòa thượng Trúc Lâm (ba mẹ, hai chị và Ni sư Thuần Tuệ).

  • Năm 1981, xuất gia theo Hòa thượng Trúc Lâm thượng Thanh hạ Từ tại Thiền viện Chân Không (Vũng Tàu, Việt Nam).
  • Năm 1984, Ni sư thọ đại giới Tỳ Kheo Ni tại Đại Giới Đàn Đồng Nai
  • Gần 30 năm từ khi xuất gia, Ni sư được phước duyên theo Hòa thượng Tôn sư thượng Thanh hạ Từ tu học ở các thiền viện như:
  • Năm 1981: Thiền Viện Bát Nhã – Chân Không (Vũng Tàu)
  • Năm 1983 - 1994: Thiền viện Viên Chiếu (Long Thành, Đồng Nai)
  • Năm 1994 - 2010: Giáo Thọ Ni ở Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng (Đà Lạt)
  • Đến khi Hòa thượng về lại Thiền viện Thường Chiếu năm 2010, Ni sư Thuần Tuệ về lại Thiền viện Viên Chiếu. Lúc đó, Ni trưởng Như Đức (Trụ trì Thiền Viện Viên Chiếu) cử Ni sư qua Mỹ để đảm trách Phật sự mới, Trụ trì Thiền Viện Diệu Nhân (Rescue, California).
  • Từ năm 2012 đến nay: Ni sư đã tận tâm hướng dẫn đời sống tâm linh cho Ni chúng và các Thiền sinh Phật tử, hết lòng xây dựng Thiền Viện ngày một khang trang và có nhiều điều kiện tốt hơn cho Ni chúng và cho các Khóa Thiền đại chúng.

Hiện nay, Ni chúng Diệu Nhân có 10 vị. Hằng tuần có khoảng 30 đến 50 Phật tử về học Thiền tại Thiền viện và hàng trăm vị từ các nơi về trong những ngày Lễ lớn (Phật Đản, Vu Lan...) hay khóa Tu Mùa Thu, Mùa Đông, v.v...

  • Tác phẩm và dịch phẩm của Ni sư Thuần Tuệ:
  • Tâm Bình Thường (2016)
  • Từ Một Tâm Trong Lặng (2019)
  • Keys to Buddhism (2008) – Zen Master Thích Thanh Từ (Chìa Khóa Học Phật) (chuyển Anh ngữ)

Được ươm mầm hạt giống Thiền từ thời niên thiếu với Hòa thượng Tôn sư Trúc Lâm cùng Ni trưởng Như Đức và Chư Tôn Đức trong Thiền Phái Trúc Lâm, Ni sư Thích nữ Thuần Tuệ nhẹ nhàng, đĩnh đạc trong các oai nghi (thân giáo), ân cần tận tâm chia sẻ nếp sống Thiền (khẩu giáo) đến các Thiền sinh với mọi lứa tuổi và sắc dân. Lối hướng dẫn Thiền của Ni sư đơn giản, rõ ràng, ứng dụng thực tế, đưa người thẳng trở lại “tánh Phật” - “chủ nhân ông chính mình” (ý giáo). Tiếng thơm pháp lạc của Ni sư, Ni chúng, con cháu của Tổ Ni Diệu Nhân (thế kỷ 11 và 12) ngày càng vang xa khắp Hoa Kỳ, Việt Nam và các nơi trên thế giới trong thế kỷ 21 này.

Một ngàn năm trước Ngài hiện tiền

Một ngàn năm sau vết son còn lưu dấu

Gió thanh lương bát ngát đưa hương

DIỆU NHÂN Ni Tổ muôn đời kính ơn.

Chùa Hương Sen, ngày 24, tháng 06, năm 2020

Kính ghi,

Thích Nữ Giới Hương

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

NGOẠ VÂN AM[2]

(Thích Nữ Thuần Tuệ)

Ngọa Vân Am !

Ngọa Vân Am !

Dốc núi bạt ngàn trúc biếc

    Chênh vênh

            bậc đá

               chênh vênh

Đường đi dài sao lòng vẫn nhẹ thênh

Lồng lộng gió

              đầu non

                 Am Mây Ngủ.

 

Câu chuyện ngày xưa, 

                             nơi rừng hoang thú dữ

Người tìm chỗ ẩn thân

Lánh cung đình, 

                        lánh thế sự xa gần

Chỉ gìn giữ “niềm lòng vằng vặc”

Trời xanh xanh

    Non cao chất ngất

Bóng mây trải dài suốt cả tháng năm

Bóng mây phủ mờ lấp dấu thời gian

Nơi thất nhỏ

      thênh thang một trời tĩnh lặng.

 

Hôm nay chúng con trở về

Tìm dấu chân xưa chốn Tổ

Vạch lá cây rừng lần theo lối nhỏ

bước từng bước

gập ghềnh

            cao thấp

                        thấp cao

Thương quá thương !

            gậy trúc gầy hao !

Ngàn năm cũ

             người qua đây mở lối

Thân già như cây cỗi

Vẫn lo tìm kế sống dài lâu [1]

Cho đàn cho cháu ngàn sau.

 

Ôi, thất nhỏ Ngọa Vân !

        trên đỉnh non cao ngất

Hôm nay có cụm mây nào

                         về nghiêng đầu ngủ

Ngọa Vân ơi !

        lòng ta ấp ủ

Chí nguyện nào cao ngất ngọn Đông Sơn

Chí nguyện nào gian khó chẳng thể sờn

Người đi  trước

       ai người hay tiếp bước …

 

Ngày xưa

   đường lên núi đi không thấy lối

Bảy trăm năm rồi,

     dấu chân Người sao vẫn rõ như in.

Để hôm nay chúng con trở về

Không phải chỉ với lòng tin

Mà còn cả cái gì rất sống

Nguồn mạch nào

  ngàn năm qua vẫn không hề ngưng đọng

Vẫn chảy trôi

                    chảy trôi …

Ngày hôm nay, giữa bát ngát đất trời

Con đang

               còn thấy

Mây giăng ngang am nhỏ

Bao la trải đầu muôn cỏ

rừng trúc lá bạt ngàn xanh

Trong nắng trong gió vẫn chưa dứt tiếng kinh

Bài tâm kinh

     không lời không chữ

Bài tâm kinh mỗi người đều sẵn đủ

Chưa từng thiếu vắng bao giờ.

 

Am Ngọa Vân !

Am ở núi hoang sơ ?

         hay Am ở ngay đây

                     giữa lòng con sáng tỏ ?

Mỗi khoảnh khắc

             tiếp nhau khơi mở

Không có những cánh cửa ngăn

 của quá khứ

     hiện tại

       tương lai

Không lối mòn

     này một

       này hai

Không tiếng nói

        đây tôi

           đây bạn …

 

Ngọa Vân Am !

một trời tĩnh lặng !

Sáng trong nhịp đời

      trôi chảy

               mênh mông

Hoa lá hiện tiền

      rỗng suốt tâm không

Con đang ở

               Ngọa Vân Am

                                    Mây Ngủ.

 

                                         (1995)

 

[1] Trong năm cuối đời, Sơ Tổ Trúc Lâm leo khắp các núi tìm kiếm các hang động… Ngài bảo: “Ta thời tiết đã đến, muốn tạo cái kế lâu dài vậy”.

[1] Diệu Nhân là tên vị Thiền sư Ni Việt Nam (1041–1113), đời thứ 17, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.

Theo sử liệu, Ni Sư tên Lý Thị Ngọc Kiều, là con gái lớn của Phụng Càn vương Lý Nhật Trung (con Vua Lý Thái Tông). Thuở nhỏ bà thiên tư thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, được Vua Lý Thánh Tông nuôi trong cung, phong làm Công chúa. Sau khi chồng mất, bà tự nguyện thủ tiết. Một hôm bà nhận ra các pháp thế gian đều là mộng ảo phù hoa nên đã đem cho hết các đồ trang sức, rồi xin xuất gia và thọ giới Bồ Tát với Thiền sư Chân Không, cầu học tâm yếu. Thiền sư Chân Không cho bà pháp hiệu Diệu Nhân và dạy Trụ trì Ni viện Hương Hải ở làng Phù Đổng, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội). Hằng ngày, Ni Sư Diệu Nhân gìn giữ giới luật và hành thiền được chánh định, Tăng chúng thời bấy giờ đều xem trọng.  Ni Sư là người đứng đầu thế hệ thứ 17 của Thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi thời Nhà Lý.

Năm Hội Tường Ðại Khánh thứ 4 (1113), ngày mùng 1 tháng 6 đời Vua Lý Nhân Tông, Ni sư Diệu Nhân có bệnh, nói kệ dạy chúng, ngồi kiết già viên tịch, thọ 72 tuổi.

[2] Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), sau khi hoàn thành việc bình Bắc, định Nam, con trai trưởng là Thái tử Trần Anh Tông đã tự mình gánh vác việc lãnh đạo đất nước. Năm 1299, Vua xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ.

Sau khi trao truyền Y, Bát cho Pháp Loa, năm 1307, Điều Ngự lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân (Am Mây Ngủ). Năm 1308, Ngài viên tịch tại đây, Bảo Sát theo di chúc, hỏa thiêu Ngài ngay tại am Ngọa Vân. Pháp Loa cho xây dựng Phật Hoàng tháp để lưu giữ một phần xá lợi của Ngài.

Ngọa Vân là một đỉnh núi nằm trên núi Bảo Đài, thuộc dãy Yên Tử, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Hòa Thượng Thanh Từ trong lễ đặt viên đá

xây dựng Thiền Viện Diệu Nhân ngày 16 tháng 11 năm 2002

Thiền Viện Diệu Nhân trong mùa Đông tuyết trắng

Ni Sư Thuần Tuệ ở lối lên Thiền viện, dưới tán lá phong đỏ mùa Thu

Phát lộc cho phật tử vào tết Nguyên Đán 2020

Ni Sư Thuần Tuệ (đang tươi cười cầm bao lì xì)

 

Ni sư Giới Hương  (phải) và đệ tử Sư cô Viên Tiến (trái)

viếng thăm Ni Sư Thuần Tuệ (chính giữa) và Chư tôn đức Ni

tại Thiền Viện Diệu Nhân ngày 23 tháng 08 năm 2020

 

Quý Ni trưởng, Ni sư từ Thiền viện Viên Chiếu (Việt Nam) sang hướng dẫn

Khóa tu Mùa Thu 2019 tại Thiền Viện Diệu Nhân

(Hàng trước từ trái sang phải): NS Thuần Bạch, NS Hạnh Như,

Ni trưởng Giải Thiện, Ni trưởng Như Đức, NS Hạnh Huệ, NS Thuần Tuệ.

 

Thiền trà Đêm Phật Thành Đạo năm 2019

 

Tọa thiền

 

Pháp đàm tại Montreal năm 2019

 

Hướng dẫn khóa tu tại Belgium năm 2020

 

Ni sư Thuần Tuệ (thứ tư chính giữa)

Cùng Ni chúng TV Diệu Nhân, năm 2020

(Từ trái) Ni sư Thuần Bạch, Ni sư Thuần Tuệ, Ni sư Giới Hương

Và Sư cô Viên Tiến tại Chánh điện

Thiền Viện Diệu Nhân ngày 23 tháng 08 năm 2020

 

Mời đọc toàn bài với hình ảnh: 2.19._Ni_Su_Thuan_Tue_-_Thien_Vien_Dieu_Nhan_-_TN_Gioi_Huong.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm