Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Redwood Trees, light beams, forest

NỮ NHI NGỘ KHÔNG?

  1. PHI LỘ

Đây là một chủ đề khá phức tạp cũng rất nhạy cảm, nó đã gây nhiều tranh luận không chỉ riêng cho Phật Giáo mà hầu như tất cả tôn giáo của nhân loại, đã đang được đề cập tới với cả rừng sách vở lẫn trong vài kinh điển bởi những bật lãnh đạo tôn giáo, thiện tri thức, thần học, và học giả trí thức trên thế giới.

Tôi chủ quan, ngay các Cao Tăng không giải thích nổi mà chính những Thánh Ni cũng không biết giải thích thế nào ổn thỏa? 

Hay ai tu nấy biết?

Chưa ngộ nên không biết.

Ngộ rồi cũng không biết.

Cho nên im lặng VÔ?

Vì vậy, như thường lệ, tôi quá bỉ ngạn, bắt chước Tào Tháo về nhà hỏi ý kiến vợ, người hiền thê biết tất cả, và sẵn sàng cố vấn miễn phí.

Phàm những chuyện đại sự trong thiên hạ nên về nhà hỏi vợ, vợ bảo sao cứ làm ngược lại ắt sẽ thành công.” (Cao Cao)

Viết thì dễ dàng, chỉ cần hỏi trí tuệ, cái chi chi đó, thỉnh thoảng, nó đến đi tùy tâm, cái vô học mà biết. 

Chỉ cần nhờ trí tuệ đó, tạm thời khai mở giác quan Túc Mạng Minh, hóa thân từ nam ra nữ.  Thấy cái Ngã này đã trải qua nhiều số kiếp, và nhất là thấy được cái gốc sanh tử từ trước đến giờ. Có khi nào “Tôi” đã từng là “Lan” cắt đứt dây chuông chạy trốn “Điệp” đi tu vì thất tình không?

Lâu rồi không dùng kiến chiếu yêu để soi cái bản lai yêu quái, đẹp nhất tam giới, và cái diện mục tiêu diêu Cực lạc của chính mình.

Tôi cũng đang đi kiếm tôi đây. Tôi đến với tôi không báo trước.  Tôi đi khỏi tôi không từ giã.

Thấy hình, tôi tưởng là tôi hóa thân nhưng tôi vẫn luôn luôn là tôi.

Ai là tôi?

Đây không phải tôi giả bộ kiêm nhường nhưng đúng là sự thật như rứa.

Vì trong lúc xuất thần hóa thân, tôi không là tôi nữa mà là hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, nghe luôn cả tiếng vỗ tay của độc thủ đại hiệp.

Nếu tôi bảo tôi có trí tuệ, có thể họ nói tôi tự tôn. Nhưng nếu tôi nói tôi “vô học,” họ tưởng tôi nói láo.

If I tell you I'm good, probably you will say I'm boasting. But if I tell you I'm not good, you'll know I'm lying.” ― Bruce Lee

  1. Cúng dường một phát nha

Không biết nhân duyên nào mà Ni Sư Thích Nữ Giới Hương ở Tây Phương, nhân dịp kỷ niệm 40 năm hoằng pháp của Ngài; tình cờ gặp đúng trong lúc nạn dịch thế giới, Novel CCP Coronavirus trong lúc Social Distance; lại emailed yêu cầu tôi múa rìu qua mắt thợ; để lòi nguyên hình cái dốt của bần đạo, “tôi,”

Ngài hạ bút, “Rất mong Đh Trứ hoan hỉ cho 1 bài ngắn cũng được về hình tượng Ni giới trong Thiền hay kinh hay thực tế tại Mỹ.

GH biết Đh Trứ có cái nhìn sâu sắc về đề tài này, nếu Đh Trứ hoan hỉ mấy bữa nay cấm cung ở nhà vì virus, xin đầu tư giùm cho 1 bài nha.

Tựa tuyển tập: Sự đóng góp của Ni Giới cho Đạo Phật hay cho sự giác ngộ.” Ni Sư Thích Nữ Giới Hương, Trụ Trì Hương Sen Buddhist Temple, Perris, California.

Thực ra, tôi cũng đã có đề cập qua về công án, bất khả tư nghị ổn thỏa này từ lâu rồi, nhưng chưa nghiên cứu thấu đáo hay đào sâu tận tường về chủ đề này vì thiếu kiến thức và kinh nghiệm bản thân.

Nhưng có thể đây là cái nghiệp mà trí tuệ bắt tôi phải viết như tôi đã thật tình tâm sự cùng độc giả là tôi vốn dĩ độn căn, ngu muội.  Một chữ Vô còn không biết viết. Nói gì pháp luận cao siêu.

Hơn nữa, tính tôi ưa an nhàn, tự do, tự tại, lười biếng, không muốn bị câu chấp bởi vô môn quan pháp.

Tôi không y kinh, hay ly kinh giảng nghĩa ...Vô.

Lăng Già trăng lặng lẽ,

Không bờ không bến độ.

Biết không, không thấy có,

Tam muội thảnh thơi chơi.

(Lê Huy Trứ)

Ta nhẹ nhàng đi cũng như khi ta nhẹ nhàng đến, ta vẫy tay chào không một chút vấn vương.” Tào Tháo

Điều thú vị nhất là thế nhân không bao giờ hiểu nổi tôi vì chính tôi cũng không hiểu thấu tôi dù trước nay tôi vẫn là tôi.

Ta,

Không đến, không đi,

Không ra, không vào,

Không trong, không ngoài,

Mà Ta ở giữa,

Ta.

(Lê Huy Trứ)

  1. Nhập Đề

Thú thật, tôi chưa bao giờ có một chút kiến thức về “Hình tượng Ni giới trong Thiền hay kinh hay thực tế tại Mỹ.” Tôi cũng chưa có dịp để chứng kiến “Sự đóng góp của Ni Giới cho Đạo Phật hay cho sự giác ngộ.”

Tuy nhiên, trí tuệ không cần học mà tự nó có tánh thấy biết.  Chân lý không cần phải tuyên truyền mà tự nó có tính thuyết phục.

Chúng sinh đều có trí tuệ nhưng căn tánh bất đồng.

Trí tuệ là điều kiện căn bản đưa đến giác ngộ.

Trí tuệ bất khả truyền mà ta chỉ biết cách kích động nó hay nó tự kích thích ta?

 

Kẻ trí tuệ như trăng trên trời,

Ánh sáng bao la sáng phủ trần gian,

Nếu người tu nhận thức yếu quyết đó thì chớ nên phân biệt,

Như khói chiều man mác phủ mù non.

(Cảm hoài kỳ 2, Bảo Giám Thiền sư, dịch nghĩa: Lê Huy Trứ, 7/1/2018)

Trí huệ trong sáng như trăng sao,

Quang minh trần thế chiếu vô cùng.

Người tu thiết yếu không phân biệt,

Khói núi sương lam thanh tịnh tâm.

( Họa Tá Vận của Lê Huy Trứ)

Tôi chắc chắn, các Ni Sư trên thế giới luôn luôn âm thầm, đóng góp trầm lặng cho đạo và đời với vô lượng công đức mà không cầu báo đáp?

Tuy vậy, tôi vẫn không hiểu, đi tu có thú vị gì mà mấy vị này lại tình nguyện đi tu trong thời đại mạt pháp, nhất là ở Mỹ?

Mà không có ai tu thì làm gì còn có xây chùa cho chúng thập phương thăm viếng, kiến Phật, nghe kinh, cầu xin, và tìm an tâm?

Có thực mới vực được đạo. Hay, có đạo mới vực được thực?

Cái hóc búa hơn nữa là đề tài, “Thiền, kinh, sự giác ngộ của các Ni” như thế nào?

Ai tu nấy biết?

Sướng khổ tự biết.

Còn tu sẽ chứng,

Không tu khó chứng.

(Lê Huy Trứ)

Trên “thực tế tại Mỹ,” “hình tượng Ni giới” nào Ngộ chưa?

Ngộ “đóng góp” (cúng dường) sướng hay khổ?

Tôi không phải là Ni, làm sao tôi có thể biết Ni có ngộ không?

Mà Ni không phải tôi, làm sao Ni biết tôi biết Ni có ngộ?

Thế nào đi nữa thì tu phải có căn duyên mới tu được chứ không phải đi tu để trốn nợ đời thì khó mà tu tới nơi, tới chốn.

Tu khó hơn, không tu.

Tu là lội ngược dòng đời.  Không tu là trôi theo dòng đời.

 

  1. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

Cũng như tất cả chúng nhân sinh trên thế gian, chúng ta đều nhận thấy vai trò của nữ nhân khá quan trọng trong cuộc sống của tất cả chúng ta kể cả Đức Phật Siddhārtha Gautama (Tất-Đạt-Đa Cồ-Đàm) cũng không ngoại lệ.  Tình mẫu tử là nguồn sống,  nuôi dưỡng hầu như tất cả mọi chúng sinh.

Từ Hoàng Hậu Maya, Thân mẫu của Đức Thế Tôn; kế là dì ruột, vợ thứ của cha mình là Mahā-Pajāpatī Gotamī; và người vợ xinh đẹp của Ngài là Yasodharāđã có ảnh hưởng quan trọng trong cuộc sống của Thái Tử Siddhārtha.

Điều tương phản nội tâm, “Một hôm giữa đêm tối, lúc đó con trai mình là Rahula (La-hầu-la) cũng vừa mới sinh không lâu, Siddhārtha nhất định thực hiện ước nguyện của mình từ trước. Một mình trong đêm vị Hoàng tử Siddhārtha ngắm nhìn đám phụ nữ ngủ vùi trong hậu cung, nằm la liệt trong các "tư thế thật chướng mắ Người thì xõa tóc, nằm vật như bị voi xéo; người thì ngáy, hai chân giạng ra thật khiếm nhã; một số nằm mê man như xác chết, hai mắt trợn ngược chỉ thấy tròng trắng, một số khác thì miệng há hốc, nước dãi lòng thòng... Siddhārtha bèn rời khỏi lâu đài, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con mới sinh!

Hiển nhiên, đây là một quyết định phi thường của bậc vĩ nhân và cũng là một hành động điên rồ, xuẩn động đối với những kẻ phàm phu như chúng ta – không biết hưởng thụ sự sung sướng lại đi tìm cái khổ thân, vô gia cư, màn trời chiếu đất. 

Ngộ nhỡ không tìm được chân lý như những tiền nhân thì quả thật quá điên rồ?

Dĩ nhiên, thế gian không bao giờ biết tới bậc giác ngộ Thích Ca Mâu Ni Phật.

Từ cổ chí kim, trên thế gian, “Anh hùng không qua khỏi ải mỹ nhân.”  hay, “Nhất tiếu khuynh nhân thành, Tái tiếu khuynh nhân quốc.”

Ái dục, luyến ái là nguyên nhân mà đa số chúng ta muốn tái sinh để hưởng thụ dù biết “yêu là chết trong lòng một tí.”

Bài hát phổ thông của Nhật minh họa cái mãnh lực yêu quái, lôi cuốn khó cưỡng này:

Hai tiểu thơ bán lụa ở Kyoto

Cô chị hai mươi em mười tám

Chiến binh giết người bằng gươm giáo

Hai cô giết người bằng đôi mắt

(Trần Đình Hoành dịch)

*

Tuy nhiên, dưới con mắt thiên nhãn thông của bậc giác ngộ thì,

Da phấn, tóc thơm với má đào,

Khi nhìn, ai cũng thấy nao nao.

Thực chất chỉ toàn xương với thịt,

Giết người đau đớn chẳng cần dao.

(Trần Nhân Tông)

Cuộc sống của Đức Phật "gắn liền" với sự hiện diện của người phụ nữ qua ba sắc thái, thứ nhất là tình mẫu tử: Hoàng hậu Maya sinh ra Ngài, người Dì cho bú và nuôi nấng, cô gái Sujata hiến dâng một bát sữa, một người làm điếm hiến dâng thực phẩm cho Ngài và Tăng đoàn; thứ hai là sự phù du của thân thể người phụ nữ: Hoàng hậu Maya chết sau khi sinh, những người phụ nữ trong cung mệt lả ngủ vùi trong đêm; thứ ba là sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới: Đức Phật chấp nhận cho mẹ nuôi của mình được phép bước theo con đường của Tăng đoàn và xác nhận là người phụ nữ cũng đạt được Giác Ngộ như nam giới.[1]

Bởi vì, “Sự phân biệt giới tính chẳng qua cũng chỉ đơn giản là một quy ước hoàn toàn vô nghĩa, chỉ là kết quả mang lại từ sự thèm khát dục tính và ảo giác, luôn nhận chìm con người mà thôi. Khi nào đạt được Giác Ngộ, tức là "quán thấy đúng đắn được mọi sự vật cũng chỉ là như thế", thì người ta sẽ không còn gán cho giới tính một tầm quan trọng nào nữa cả.”[2]

Trong Kinh Tạng có ghi lại cuộc tranh luận nổi tiếng giữa một Tỳ kheo Ni là Soma, người đã đạt được Niết bàn (nirvana) nhờ luyện tập thiền định và loại bỏ được mọi sự thèm khát - và Thần Mâra biểu trưng cho sự Tham Dục và Cái Chết. Thần Mâra nói với người Tỳ kheo Ni như sau:

 "Cõi của những người trí tuệ [tức là Niết-bàn] / thật hết sức khó để đạt được / Cõi ấy người phụ nữ sẽ chẳng bao giờ đạt được!"

 Người Tỳ kheo Ni vặn lại:

 "Làm phụ nữ thì có gì là thấp kém đâu? Một khi đã tập trung được tâm thức thì tất mọi sự cảm nhận cũng sẽ trở nên trong sáng.

Này Mâra, nếu thâm tâm ta cứ luôn thắc mắc:

"Ta có phải là người phụ nữ hay một gã đàn ông thì đấy chính là cách mà ta ăn nói bằng ngôn ngữ của mi đấy. Một khi sự thèm khát dục tính đã bị toàn toàn loại bỏ thì bóng tối dầy đặc cũng sẽ tan biến hết. Và này, Thần Chết ơi, cả mi cũng sẽ bị hủy diệt!"

Trong Kinh Samyutta Nikaya,Tương Ưng Bộ Kinh; I, 5, 6, cũng có khẳng định về điều này, và cũng được xem là do Đức Phật phát biểu:

"Chỉ có Cỗ Xe (Đạo Pháp) mới là quan trọng.  Dù là nam hay nữ bất cứ ai biết nhờ vào Cỗ Xe đều đạt được Niết bàn."

Bài kệ dưới đây của bà mẹ nuôi Đức Phật là Prajâpati sau khi đạt được Giác Ngộ và nhớ lại các tiền kiếp của mình:

"Tôi từng làm mẹ, làm con, làm cha, làm bà... Trước đây nào tôi có biết được những chuyện ấy đâu. [Lúc đó] tôi chỉ biết bước theo con đường của tôi [trong cõi luân hồi]; Thế rồi tôi được diện kiến Đấng Thế Tôn! Thân xác này là thân xác cuối cùng. Tôi sẽ không còn quay lại nữa để mà tái sinh hết kiếp này sang kiếp khác."

Hoàng Phong chú thích, “Nghiệp đưa đến sự tái sinh dưới thể dạng con người là một loại nghiệp chủ yếu. Trong khi các nghiệp khác mang tính cách thứ yếu, chẳng hạn như các nghiệp khiến tái sinh dưới các thể dạng nam, nữ, ái nam, ái nữ, đồng tình luyến ái, xinh đẹp, xấu xí, thông minh, đần độn, hung dữ, hiền lành, sinh ra trong các gia đình nghèo khó hay giàu sang, trong một quốc gia Phật giáo, Ki-tô giáo hay Hồi giáo, v.v... Dầu sao các tác động của nghiệp cũng thật hết sức phức tạp, trong khi đó trí thông minh con người không vượt xa hơn được sự vận hành sinh học của não bộ, do đó không sao có thể phân tích và nắm bắt được hết các tác động trùng trùng điệp điệp của nghiệp.

Sự tương liên và tương tác giữa mọi hiện tượng (interdependence/conditioned co-production/lý duyên khởi)- là một sự vận hành vô cùng phức tạp xuyên qua không gian và thời gian, trong khi đó trí "thông minh" của con người, dù đạt được một trình độ giác ngộ khả quan đi nữa, cũng không thể nào đủ sức "gỡ rối" được sự tương kết chằng chịt đóKết quả chính xác tạo ra bởi nghiệp là một trong bốn chủ đề không thể "hiểu thấu" (inconnaissable/unknowable) được, tương tự như đối với trường hợp nguồn gốc của cõi samsâra (luân hồi)...,(nghiệp ngay sau khi được tạo ra sẽ không giữ nguyên tiềm năng của nó) - bởi vì nghiệp cũng "vô thường" như tất cả các hiện tượng khác -  mà tức khắc tương tác với các nghiệp khác đã được ghi khắc trên dòng tri thức từ trước, và sau đó sẽ còn tiếp tục bị biến đổi bởi các nghiệp xảy đến trong tương lai. Vì thế kết quả do nghiệp quá khứ tạo ra sẽ không nhất thiết phản ảnh "một" hành động hay "một" nghiệp nhất định nào trong quá khứ cả, mà đúng hơn là từ một "tổng thể" của thật nhiều nghiệp tạo ra bởi thật nhiều "hành động", kể cả "tư duy" và "tác ý" của một cá thể trong quá khứ.

  1. NI ĐOÀN

Kinh điển ghi lại từ tục truyền, Đức Phật ban đầu từ chối không cho những phụ nữ đi tu, và gia nhập Tăng Đoàn. Mãi cho đến khi Ngài Ananda đã nhiều lần thỉnh cầu Đức Phật, thì Phật mới chấp nhận, và sau đó Ngài đã đề ra nhiều giới luật khắt khe hơn cho Ni Đoàn các Tỳ kheo Ni.

Theo Minh Chính tổng hợp: “Nhiều người cũng cho rằng Đức Phật có lý do gì đó và đã có phân biệt nam nữ. Sự thật là không phải vậy. Ý của Đức Phật là phụ nữ nếu đi tu là phải hy sinh rất nhiều những bổn phận và những quan hệ tình cảm sâu đậm của một người phụ nữ đối với gia đình và con cái. Vì vậy, rất khó và sẽ là những sự hy sinh quá lớn cho bản thân họ và người thân nếu những phụ nữ xuất gia đi tu. Ví đơn giản nhất là những phụ nữ có gia đình con cái nếu xuất gia đi tu, thì hoàn cảnh của những đứa con ở lại thật là đáng lo và khổ sở, trong khi đó nếu một người cha đi tu, thì người mẹ vẫn chăm sóc được cho gia đình và con cái một cách chu toàn, vì tình mẫu tử lúc nào cũng lo toan cho con cái tốt hơn là người cha.

Phải đến năm năm sau khi thành lập Tăng đoàn (sangha,) “Lần đầu tiên mới thấy thành lập một tập thể gồm những người phụ nữ từ bỏ [gia đình] (bhikhuni) (Tỳ kheo Ni), tất cả là nhờ sự quyết tâm của người mẹ nuôi của chính Đức Phật. Thế nhưng những người phụ nữ này phải tuân thủ nhiều giới luật hơn so với những người đồng tu nam giới, và trong số đó có những giới luật kỳ thị giới tính một cách thật gắt gao. Người mẹ nuôi của Đức Phật rất thất vọng, thế nhưng Đức Phật vẫn cứng rắn.

Trong số các đệ tử tu tại gia, cũng có nhiều người là phụ nữ, và chính họ là những người chu cấp miếng ăn cho những người từ bỏ [gia đình], quả họ là những người mẹ đã nuôi dưỡng Tăng đoàn. Trong số này có những người mẹ rất nổi tiếng, chẳng hạn như người phụ nữ Ambapāli, tuy làm điếm nhưng lại là một người cúng dường thật tích cực. Đức Phật cư xử với người phụ nữ này không khác gì một người quyền quý!... Đức Phật cũng cho biết rằng nữ giới cũng có thể thăng tiến trên "Đường Giải Thoát", không khác gì nam giới, và thực tế cũng đã cho thấy nhiều phụ nữ từng đạt được các cấp bậc thật cao trên Con Đường, thực hiện được thể dạng Giác Ngộ của người arhat (A-la-hán), tức là kết quả tối thượng trên đường tu tập của Phật giáo cổ xưa (tức là Phật giáo Theravāda, nguyên nghĩa của chữ này là "Con Đường của những người xưa", thường được gọi không chính xác là "Phật giáo nguyên thủy", "Nam Tông", v.v).”[3]

Đức Phật đã nhìn xa trông rộng về điều này. Cho nên sự từ chối ban đầu của Đức Phật là vì những lý do đó và có thể là để cho những người phụ nữ phải suy xét kỹ lưỡng mọi bề trước khi rời bỏ nhà đi tu.”

Đây chẳng qua chỉ là suy luận rất “ngoại giao” của những kẻ hiện sinh, suy bụng họ ra bụng Phật, chứ chưa thấy Ngài dạy như thế trong kinh điển.

  1. NHI NỮ NGỘ KHÔNG?

Trong bài, Người nữ có thể chứng đạt sự giác ngộ, giải thoát trong kiếp hiện tại hay không?  Do Minh Chính tổng hợp, “Một số tu sĩ nữ, tức Tỳ kheo Ni, thời đó đã được Đức Phật khen ngợi rất nhiều ví như Tỳ kheo Ni Bhikkhuni Patacara tinh thông bậc nhất về Luật Tạng và Tỳ kheo Ni Bhikkhuni Khema thông thái bậc nhất về trí tuệ giác ngộ. Trong số những phụ nữ là những Phật tử tại gia (Upasikas, Ưu-bà-di) có cô Visakha là bậc nhất về lòng bố thí cúng dường cho Đức Phật và Tăng Đoàn, cô Samavati là người đức hạnh bậc nhất về lòng từ bi.”

Theo Phật Giáo thì chúng sinh, kể nam và nữ giới, đều hàm chứa cùng Phật Tánh hay cùng có tiềm năng Giác Ngộ nhưng căn trí thì bất đồng.  

Theo quan niệm hơi trái ngược của Kim Cương Thừa (Vajrayāna) “Mỗi một người nam hay nữ đều sẵn đủ hai nguồn năng lượng mẫu tính và phụ tính. Khía cạnh năng lượng phụ tính chính là tâm đại từ bi vô lượng, và năng lượng mẫu tính chính là đại trí tuệ toàn tri - cội nguồn của vạn pháp.

Hai nguyên lý mẫu tính và phụ tính là tương sinh tương hợp và bất khả phân, chính vì thế mà mọi hữu tình đều bình đẳng, vốn sẵn đủ Phật Tính và đều có khả năng giác ngộ thành Phật.

Vajrayana/Kim Cương Thừa là một trong ba "thừa," còn gọi là "Cỗ xe" hay "Con đường" Phật Giáo. Hai thừa kia là Hinayana/Tiểu Thừa và Mahayana/Đại Thừa. Vajrayana/Kim Cương Thừa có nghĩa là "Cỗ xe bằng kim cương," với bản thể tối hậu thật rắn chắc không thể hư hoại tương tự như kim cương của tất cả chúng sinh và mọi sự vật.  Kinh sách tiếng Việt thường lầm lẫn Kim Cương Thừa với "Mật Tông" là một "Giáo phái" được thành lập tại Trung Quốc dưới thời Nhà Đường. 

[1] Người Phụ Nữ và Nữ Tính Trong Phật Giáo (La femme et le féminin dans le bouddhisme). Dominique Trotignon. Hoang Phong chuyển ngữ. https://thuvienhoasen.org/a24546/nguoi-phu-nu-va-nu-tinh-trong-phat-giao

[2] Như trên.

[3] Như trên.

Kim Cương Thừa (Vajrayāna) nhấn mạnh tới nguyên lý Mẫu tính giác ngộ thông qua những hình ảnh Phật mẫu Bát nhã, Phật mẫu Tara, biểu trưng cho cội nguồn của vạn pháp. Cho nên được gọi là mẹ của hết thảy chư Phật. Đặc trưng của nguyên lý Mẫu tính là năng lực hàm chứa, sản sinh và sáng tạo. Phật mẫu không phải là một ý chí sáng tạo ra quy luật và thế giới mà chính là bản thể của thế giới.

Trong Kim Cương Thừa, tầm quan trọng và năng lực giác ngộ của người nữ được thể hiện thông qua các Thangka, Mandala, các biểu tượng và pháp khí. Hình ảnh Kim Cương Thánh Mẫu, Dakini trong tư thế vũ điệu thắng lạc hoặc an tọa trong tư thế thiền định với khế ấn đặc trưng, trang hoàng bằng những bảo man quý báu, những mảnh xương và vương miện bằng xương hoặc bằng hoa.

Điều này khẳng định chắc chắn khả năng đạt được giác ngộ quả tức thân thành Phật ngay trong một đời của người nữ là điều có thể.

Trong Mật Điển tán thán tầm quan trọng và khả năng thiền  định của nữ giới, như các bậc Yogini, Dakini, Yogini nghĩa là hành giả nữ thực hành yoga, người nữ với năng lực thần thông hay Bản Tôn Thánh Mẫu. Dakini vượt trên nhận thức thông thường, đó là những “Không Hành Mẫu”, các Ngài du hí tự tại trong tự tính pháp giới. Các Ngài còn là bậc trì giữ trí tuệ, hiện thân của đức Phật mẫu Bát Nhã, mẹ của chư Phật.

Nữ hành giả Yogini vĩ đại trong lịch sử Kim Cương Thừa như Đức Yeshe Tsogyal, bậc trí tuệ đa văn đệ nhất giống như Ngài Ananda; Yogini Niguma, nữ đại thành tựu giả đã sáng lập sáu pháp Yoga của Niguma; Gelongma Palmo, người sáng lập pháp thực hành Nyungnay- pháp đại thành tựu Avalokiteshvara; Machig Labdron (1055-1152) bậc thượng thủ Truyền thừa Chod,... được ghi lại một cách minh xác trong lịch sử là những minh chứng cho chân lý rằng: Sự thành tựu giác  ngộ nơi người nữ ngay trong một đời là một thực tế.”

Đại Thừa lại có khuynh hướng biểu trưng nhân dạng Đức Phật bằng các ảnh tượng cho thấy Ngài là một chúng sinh ái nam ái nữ (androgyne/androgynous), hay đúng hơn là mang một tiềm năng có thể là nam giới nhưng cũng có thể là nữ giới. Các ảnh tượng biểu trưng Đức Phật dưới các hình tướng nhân dạng (anthropomorphic) (thật ra cũng chỉ bắt đầu xuất hiện vào khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch), thường mặc áo rất mỏng ôm sát người, cho thấy một "chỗ trống", không mang dấu hiệu nam tính nào cả (trước thế kỷ thứ I, Đức Phật được biểu trưng bằng một chiếc Ngai hay một chiếc bệ trống không, hoặc bằng cội cây Bồ-đề, hoặc dấu hai bàn chân..., cho biết sự hiện diện của Ngài trước đây trên thế gian này và cũng là cách nêu lên sự tịch diệt của Ngài. Trong suốt năm thế kỷ đầu tiên trong lịch sử phát triển của Phật giáo, Đức Phật không hề được biểu trưng bởi các ảnh tượng mang hình tướng nhân dạng).” 

  1. HÌNH ẢNH NI GIỚI TRONG THIỀN, VÀ KINH KỆ

Trong Phật Giáo không phải chỉ có phẩm tính trí tuệ là duy nhất được đồng hóa với người phụ nữ, mà tình thương yêu (maitri, lòng từ tâm, tình nhân ái) cũng đã từng biểu tượng của tình mẫu tử, như đã được đề cao trong Kinh Từ Bi rất nổi tiếng:

" Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.

Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách.”[1]

Therigāthā  (tức là "Các tiết thơ của các Ni sư Trưởng lão" - chữ Theri/Ni sư Trưởng lão/ Senior Nun, là tước vị dành cho những vị Ni trưởng hay sư bà đạo cao đức trọng. Therigāthā  là một tập kinh trong Khuddaka Nikâya/Tiểu Bộ Kinh, Hán dịch là "Trưởng lão Ni kệ" là một tập trong Kinh Tạng, gom góp các "bài hát nói lên sự Giác Ngộ" (tức là các trước tác dưới thể văn vần, còn gọi là các bài "tụng"  hay "kệ", thuật lại cuộc đời và sự Giác Ngộ của các Tỳ kheo Ni trưởng lão thời bấy giờ), của khoảng vài chục vị Tỳ kheo Ni. Đây là các bài thơ mang tính cách khá công thức, thuật lại sự thành đạt của họ, và trong đó cũng thường thấy nêu lên những gì mà họ đã phải từng trải trên đường tu tập cũng như trong cuộc sống xã hội trước đây của họ. Trong Kinh Tạng, tập kinh này được xếp chung với một tập kinh khác dành cho nam giới (tập Theragâthâ/Trưởng lão Tăng kệ), sự kiện này cho thấy một sự công bằng thật rõ rệt giữa nam và nữ giới, ít nhất là trên nguyên tắc.  

 

Tập sách trên đây (Trưởng lão Ni kệ) quả đáng quan tâm, vì đấy là tập sách duy nhất trong kinh điển Phật giáo dành cho người phụ nữ - trong khi đó thì Vinaya (Tạng Luật) chỉ nêu lên các giới luật mà họ phải tuân thủ, hầu giúp họ đối phó với các cảnh huống có thể xảy đến với họ. Rất nhiều bài kệ trong tập Therigatha (Trưởng lão Ni kệ) nêu lên các hoàn cảnh trước đó trong cuộc đời của chính họ, và đã lưu lại cho chúng ta hôm nay nhiều bằng chứng cụ thể về thân phận của người phụ nữ Ấn nói chung vào những thời kỳ xa xưa đó.”[2]

Kệ là đoản kinh, có thể nhật tụng. Thiền Tông đọc kệ để mong giác ngộ.  Những bài kệ Thiền là phương tiện, nhằm giúp hành giả ngộ đạo bằng con đường trực giác, tâm truyền tâm. Cho nên, Thiền kệ không hẳn là thơ văn bác học phổ thông. 

“Kệ: Còn gọi là thi kệ là những bài thơ mang nội dung truyền đạt tư tưởng nhà Phật. Kệ có khi chỉ là những câu rất ngắn như tục ngữ nhưng thông thường là những bài thơ, nhằm truyền bá tư tưởng nhà Phật. Thi kệ gần như là những bài thuyết pháp ngắn mà sâu sắc để dạy đệ tử.”[3]

Sau đây là những kệ Thiền, xin kính tặng các Ni Cô, và Ni Sư, tiểu long nữ, và các cư sĩ nữ tại gia. 

Đặc biệt, cúng dường Ni Sư Thích Nữ Giới Hương, các Ni Sư, Ni Cô, Ni tiểu, và những người làm công quả của chùa Hương Sen nơi bờ bên nớ. 

Cứ dựa theo chân kinh bí kíp ni mà tu hí.  Bảo đảm kim cương bất dịch hoại.  Trước hết là “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, social distance,” để vận dụng chân khí, tham thiền nhập định.  Phải làm đúng như rứa mới giác ngộ, đạt Chánh đẳng Chánh giác.  Còn làm “dỡm” thì có thể bị hôn trầm, tẩu hỏa nhập ma, tiêu diêu cực lạc, đừng đổ thừa “Bụt nhà không thiêng” đấy nhá.

Thành được chánh giác, ít khi dựa vào tu hành,

Vì tu hành chỉ là giam cầm cái ưu việt của trí tuệ.

[Chỉ cần] nhìn thấy đạo lý huyền diệu của hòn ngọc ma ni,

Thì đúng như mặt trời rực rỡ trên không.

(Cảm hoài, kỳ I, Bảo Giám Thiền sư)

Họa Tá Vận của Lê Huy Trứ

Đắc đạo không hẳn nhờ tu hành,

Tu trụ tâm, hành trí tuệ si

Quán đắc Quan Âm viên diệu pháp

Ánh hồng lấp lánh nhất sao mai.

6.TÂM NÀY ĐÂY CHẢY MỘT DÒNG THÔI                     

Giã từ thế gian vô thường, tự mình thắp đuốc trí tuệ đi vào vô môn quan nơi bờ bên kia để nhập Niết bàn, không còn nuối tiếc, cố ngoái lại mong tìm ra người chèo đò lẫn con thuyền Bát Nhã đã đưa mình sang ngang để mong đáo bỉ ngạn.

Mượn chỉ đưa diều lên khỏi gió

Buông thuyền lúc khách đã sang sông

(Vô Danh)

Tâm này đây chảy một dòng thôi. Trên đầu mây bay, dưới bến sông thẫm, hành giả ấy xuống tóc để lại cuối sông.  Gió Đông hiu hắt bên sông, hành giả một khi quá giang không quay lại.

Ni tu từ thuở kiếp nào?

Thương cha nhớ mẹ tóc lìa cuối sông

Phương Tây có bến Hương Sen

Ngược dòng Ni đứng bên bờ đại dương

Qua sông ngắt vội hương đời

Thả bè theo gió sóng đùa Chân Không

Sóng về xóa dấu chân di,

Bỗng dưng Ni đã bên bờ Chân Như

Tâm này chỉ một lòng thôi

Giới Hương sở trụ trên tà áo nâu

Ấn tay nở nụ hương đào

Nghiêng nghiêng Tịnh độ bốn phương tuyệt vời

Mỉm cười niêm đóa sen này

Liễu dương Cam lộ từ bi diệu hiền

Nghiêng soi đáy biển nhạt nhòa

Nom hoài chẳng thấy Ngã là bóng ta?

Thế gian cõi mộng vô thường

Buông bè lúc đã sang bờ bến ni

Ni lên tột đỉnh tứ thiền

Sao Mai sớm mọc cho Ngài hóa thân.

(Lê Huy Trứ)

  1. HÓA THÂN (NIRMĀNAKĀYA)

Hoang Phong chuyển ngữ: Đức Phật sau khi đạt được Giác Ngộ đã vượt lên trên tất cả mọi quy ước nhị nguyên thuộc thân xác cũng như trong tâm thần (vượt thoát mọi hình thức đối nghịch: Thân xác không còn là đàn ông hay đàn bà, tâm thần không phát lộ một cảm tính nào liên hệ đến giới tính).

Đức Phật không nam tính cũng không nữ tính, do đó Ngài có thể hiển hiện dưới cả hai thể dạng này (nói chung Đức Phật có thể hiện ra dưới mọi hình tướng - trong trường hợp vừa kể là nam hay nữ giới - hầu cảm hóa chúng sinh, các hình tướng này gọi là các "hóa thân" (nirmānakāya) của Ngài), và đấy cũng là cách nói lên hai phẩm tính cao nhất của Phật giáo: Là trí tuệ siêu việt (Prajñā) (nữ tính) mang lại sự Giải Thoát và lòng từ bi tối thượng (nam tính), hiển lộ qua các "phương tiện thiện xảo" mà Đức Phật với tư cách là một "Vị Phật Tối Thượng" (Samyak-Sambuddha/Tam-miệu Tam Phật-đà), một vị "Phật toàn năng và hoàn hảo", hội đủ khả năng thuyết giảng cho người khác bằng kinh nghiệm Giác Ngộ của chính mình.

Nam tính và nữ tính đều được xem như cùng hiện hữu bên trong thân xác của mỗi chúng sinh; nhưng thân xác đó không phải là thân xác thô thiển do cha mẹ sinh ra mà là "thân xác tinh tế" tỏa ra một năng lượng tinh khiết thâm nhập vào thân xác "quy ước" (tức là thân xác thô thiển). Thân xác "tinh tế" là sự hiển lộ của "Phật Tính" (bản thể của chư Phật), tàng ẩn bên trong tất cả chúng sinh, và mục đích của việc tu tập là làm hiển lộ bản thể ấy. Tính cách không phân biệt [giới tính] không phải chỉ là đặc tính của chư Phật đã thành đạt, mà là nền tảng tự nhiên hiện hữu nơi mỗi chúng sinh.

  Trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Đề Bà Đạt Đa[4] có kể tích chuyện “Long Nữ hiến châu (rồng nữ). Long Nữ dâng viên bảo châu cúng Đức Phật, biểu thị việc chứng quả viên mãn. Long Nữ có 1 viên long ngọc báu, giá trị bằng 3 nghìn đại thiên thế giới, dâng lên cúng dường Đức Phật, Phật liền nhận.

Long Nữ nói với Bồ Tát Trí Tích và Tôn Giả Xá Lợi Phất rằng:

Tôi dâng cúng viên ngọc báu, Đức Thế Tôn nhận, việc ấy có mau không?

Đáp: Mau lắm.

Long Nữ nói: Các Ngài hãy dùng sức thần xem tôi thành Phật còn mau hơn việc ấy.”

Trong Nữ giới và khả năng giác ngộ thành Phật, “Theo quan kiến Kim cương thừa, mỗi một người nam hay nữ đều sẵn đủ hai nguồn năng lượng mẫu tính và phụ tính. Khía cạnh năng lượng phụ tính chính là tâm đại từ bi vô lượng và năng lượng mẫu tính chính là đại trí tuệ toàn tri - cội nguồn của vạn pháp. Hai nguyên lý mẫu tính và phụ tính là tương sinh tương hợp và bất khả phân, chính vì thế mà mọi hữu tình đều bình đẳng, vốn sẵn đủ Phật tính và đều có khả năng giác ngộ thành Phật.”

Tôi mạo muội giải thích như sau:

Chúng ta thường nghe “the X and Y chromosomes, also known as the sex chromosomes.” Đại khái theo khám phá khoa học, con gái di truyền X chromosome từ người cha với XX genotype.  Con trai di truyền Y từ người cha với XY. Người mẹ chỉ truyền X chromsome cho trai và gái.[5]

Điều khám phá trên đây của khoa học nhân văn liên quan gì đến sự giác ngộ của nhân sinh, nhất là phụ nữ?

Nếu chúng ta dùng mô hình khoa học kinh tế, cung cầu. Cung tỷ lệ nghịch với Cầu. Lý tưởng là cán cân cung cầu quân bằng (equilibrium.)

Vậy thì cái gì là trung hòa trong cơ thể con người?

Theo Lão Giáo, khi mà Thái Cực (âm dương) quân bằng, và khi mà giác ngộ là khi mà Thái Cực trở thành nhất nguyên.

Theo Phật Giáo, đó là lúc nhị nguyên trở nên bất nhị. Lúc mà âm dương (nam nữ) trở thành nhất như. Lúc mà hành giả đạt được Lục Thần Thông, giác ngộ.

Đó là lúc mà X Chromosome = Y Chromosome trong người nam.

Và lúc mà một trong hai X Chromosome “hóa thân” thành Y Chromosome trong phái nữ.

Cho nên, tôi muốn sáng tỏ ý kinh là không phải người nữ phải hóa thân ra thân nam tử mới được thành Phật như đa số độn căn, phân biệt nam nữ. Mà thân nữ nhi đó cần Y Chromosome từ X Chromosome “hóa thân” để quân bằng thân tâm ý, đạt tới Lục Thần Thông, và rồi thì giác ngộ.

Có thể, những người bán nam, bán nữ tự nhiên có khả năng tâm linh bén nhạy hơn những nam nữ thông thường?

Đó có thể cũng là lý do mà hành giả phải diệt dục, từ bỏ luyến ái.  Bậc giác ngộ với thân trung tính, không đực không cái.  Quan Thế Âm cũng là Tara Bồ Tát chính là biểu tượng của ấn chứng này.

Tóm lại, khi thân tâm ý hợp nhất, âm dương quân bằng, thì tâm an.  Khi tâm an thì kiến tính.  Khi kiến tính thì thấy bản lai vô sở, vô trụ.  Khi vô sở, vô trụ thì nhi sinh kỳ tâm.  Khi nhi sinh kỳ tâm thì chứng Lục Thần Thông.  Khi chứng Lục Thần Thông thì hiểu thấu lẽ huyền vi của vũ trụ.  Khi đồng nhất với vũ trụ thì giác ngộ.  Khi giác ngộ không thì đạt tới Chính đẳng chính giác thành Phật.

Kinh Phật súc tích trong vài câu mà giảng đi giảng lại, nhật tụng tới tụng lui, với cả rừng kinh sách, hơn cả hơn ngàn năm nay mà vẫn không mấy ai ‘ngộ năng.’ (ngộ nhanh)

Trong Kinh Kim Cang[6], Đức Phật dạy rằng không trụ chỗ nào mà sanh tâm (Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm).

Câu giải thích của Dr. Birendra Kumar Mishra dưới đây về equilibrium in biology có thể phật giáo hóa như thế này:

Hành thâm Bát Nhã.  Quán tự tại.  Chiếu kiến vũ trụ giai không.”

“Sắc bất thị không.  Không bất thị sắc.”[7] 

Ngay cả, vô thường cũng không.  Ngay cả, không cũng không luôn.

Nó dẫn đến trạng thái cân bằng cơ thể. Trạng thái của trung đạo, khuynh hướng vô thường là tánh không.[8]

Tôi chưa ngộ, tại sao tôi biết như vậy?

Tôi không biết.  Tôi không muốn biết nhưng trí tuệ biết.  Trí tuệ bắt tôi viết như vậy.

Tuy nhiên, thấy như vậy nhưng nó không phải như vậy mà nó như thị tri kiến.

Cho nên, câu hỏi Nhi Nữ Ngộ Không là vô nghĩa.

Câu trả lời tốt nhất là im lặng.  Vì im lặng cũng là một cách trả lời...tuyệt đối.

  1. TẠM KẾT

Phật Giáo được truyền từ Tây qua, và Bắc xuống, rồi phát triển sâu rộng trong Đại Việt,  bây giờ là Việt Nam, khoảng từ thế kỷ thứ I sau Tây Lịch, và thường được nhiều triều đại xem là "quốc giáo."  Cùng với Khổng Giáo, và Lão Giáo từ Trung Hoa, tam giáo trở thành đồng nguyên, hòa hợp hòa bình trong tinh thần hài hòa dân tộc.

Trải qua bao nhiêu thăng trầm hưng vong trong lịch sử, Tăng Đoàn, và Ni Đoàn Phật Giáo cũng như Giáo Pháp của Đức Phật vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.  Phật Giáo được công nhận là một tôn giáo phổ thông hạng ba sau Catholic, và Muslim vì thiếu tổ chức, không hiếu thắng, kém hiếu chiến.

Cái khuyết điểm lớn nhất là đa số diễn giả Phật Pháp thiếu sáng tạo, chỉ biết nhai đi nhai lại những cái “biết rồi khổ quá nói mãi” trong kinh điển với mớ kiến thức lệ thuộc, và đống trí tuệ giới hạn.

Đa số vẫn chưa tự giải thoát khỏi “khuôn vàng thước ngọc” của “Y kinh giảng nghĩa tam thế Phật oan.  Lìa kinh nhất tự tức đồng ma thuyết.”

Có thể vì tưởng còn đeo “vòng kim cô” ảo của các Tổ trên đầu nên họ chưa dám “tục diệm truyền đăng?”  

Đây chính thị là lý do mà Phật Pháp không hấp dẫn, khó hiểu đối với giới trẻ ưa thực tế, và ganh đua trên đời sống hiện đại.

Phật Pháp “thương mại” hấp dẫn lớp già, vô dụng, sợ chết, cầu an, cầu siêu sinh cùng với những kẻ cúng dường để cầu phước, cầu tài, cầu lợi bởi bản tính tham lam, ích kỷ, và dị đoan. 

Hình tượng Ni giới trong đạo cũng như đời tuy rất khiêm nhường trong lịch sử thăng trầm của hoằng pháp nhưng nó lại có tầm mức quan trọng ngấm ngầm trong sự thịnh suy của lịch sử dân tộc.  Nhất là trong thời đại mạt pháp hiện nay.

Ngay cả bây giờ ở Mỹ, và hải ngoại, Ni giới đã đang chia sẻ, xả thân đóng góp tích cực cho đạo pháp, xã hội,và cộng đồng trong tinh thần văn hóa dân tộc.

Điều khó khăn chung cho Phật Giáo quốc ngoại lẫn quốc nội là làm thế nào hoằng pháp vô thượng, bố thí pháp cho thế hệ trẻ trên thế giới.  Làm sao để dễ dàng thích hợp với những thế hệ trẻ, và nhất là thích ứng với hoàn cảnh, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, cùng lối suy nghĩ, và nhu cầu tâm linh trong những xã hội văn minh của những quốc gia sở tại.  

Nhất là làm sao có thể đào tạo những Ni Cô trẻ với kiến thức lẫn trí tuệ cao để thay thế lớp Trưởng thượng, về hưu?  Tỳ kheo Ni, trong thời đại mạt pháp bây giờ, giữ cho tâm không bị chi phối lẫn cám dỗ vật chất để tu hành đã là vạn sự gian nan.  Người tu hành nếu không có trình độ, căn bản trí thức, và trí tuệ cùng tu hành chân chính thì rất khó mà hoằng pháp, giảng kinh, nói gì tới cứu độ chúng sinh. 

Kinh tế, tài chánh chính là trở ngại lớn nhất cho những người tu hành nơi “thị tại môn tiền náo.”  Nhất là phải ganh đua với những tôn giáo khác như là một cạnh tranh thương mãi.

Có thực mới vực được đạo.

Không có những mạch sống này thì thế giới, quốc gia, xã hội, gia đình, cá nhân, nhân loại cũng sẽ đưa đến tê liệt, sụp đổ sá gì tổ chức tôn giáo. 

Điển hình là thế giới đại dịch China Communist Party Coronavirus đang gây chết chóc, sợ hãi, và đang làm tê liệt tất cả mọi sinh hoạt thường nhật của hoàn cầu bây giờ.

Bậc chân tu hiếm như lá mùa Thu.  Nhưng người có căn tu thì thời nào cũng có.

Phật Tử nên tìm những bậc tu hành chân chính này để giúp đỡ nhau tu hành, người có công kinh kệ, kẻ có của cúng dường, và nhất là cùng nhau hoằng dương Phật Pháp.

Những bậc thiện tri thức, cư sĩ nam nữ tại gia, những người có trí tuệ với những tác phẩm pháp luận có nhiệm vụ hộ pháp vô tư trong cùng nhiệm vụ chấn hưng Phật Pháp. 

Đa số, những triết lý Phật Giáo, lẫn diễn giải kinh điển với tinh thần luận lý, và khoa học được truyền bá rất bác học nhưng hài hòa, trong sáng trên internet bởi những chân nhân, Bồ tát này thay vì tại Phật tự. Những người đóng góp bất vụ lợi này thật sự chính là Kim Chỉ Nam cho thế hệ hiện đại trên thế giới.

Mùa Virus Corona tại Virgnia, May 20 2020

                      Lê Huy Trứ

                                                                                                 This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

References:

[1] Kinh Thương Yêu (Từ Bi) do Sư Ông Nhất Hạnh dịch. http://tuyenphap.com/kinh-thuong-yeu-kinh-tu-bi-metta-sutta-1189

[2] Người Phụ Nữ và Nữ Tính Trong Phật Giáo (La femme et le féminin dans le bouddhisme). Dominique Trotignon. Hoang Phong chuyển ngữ. https://thuvienhoasen.org/a24546/nguoi-phu-nu-va-nu-tinh-trong-phat-giao

[3] Mạc Vị Xuân Tàn Hoa Lạc Tận Đình Tiền Tạc Dạ Nhất Chi Mai, chú thích, Nguyễn Cẩm Xuyên.

[4] Kinh Pháp Hoa, 12. Phẩm Đề Bà Đạt Đa. Hòa Thượng Trí Tịch dịch. Phật Học Viện Quốc Tế. 1988. https://thuvienhoasen.org/a586/12-pham-de-ba-dat-da

[5] Nhiễm sắc thể X và Y (X and Y Chromosomes by) Roseanne F. Zhao, Ph.D. NIH M.D./Ph.D. Partnership Training Program Scholar.

https://www.genome.gov/27557513/the-y-chromosome-beyond-gender-determination:

Bộ gen của con người được tổ chức thành 23 cặp nhiễm sắc thể (22 cặp nhiễm sắc thể và một cặp nhiễm sắc thể giới tính). Mỗi cặp bố mẹ đóng góp một nhiễm sắc thể mỗi cặp. Nhiễm sắc thể X và Y, còn được gọi là nhiễm sắc thể giới tính, xác định giới tính sinh học của một cá thể: con cái thừa hưởng nhiễm sắc thể X từ bố cho kiểu gen XX, trong khi con đực thừa hưởng nhiễm sắc thể Y từ bố cho kiểu gen XY (chỉ có mẹ truyền nhiễm sắc thể X). Sự hiện diện hay vắng mặt của nhiễm sắc thể Y là rất quan trọng vì nó chứa các gen cần thiết để ghi đè mặc định sinh học - sự phát triển của nữ giới - và gây ra sự phát triển của hệ thống sinh sản nam.

Hơn nữa, trong số các cộng đồng bản địa Bắc Mỹ nhất định, giới tính được nhìn nhận nhiều hơn về tính liên tục so với các thể loại, với sự thừa nhận đặc biệt của những người "hai tinh thần", bao gồm cả phẩm chất và đặc điểm nam tính và nữ tính.

[6] Pháp Ngữ trong Kinh Kim Cang. Thích Nữ Giới Hương. (Tái bản lần 4). Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2019

https://thuvienhoasen.org/a25272/phap-ngu-trong-kinh-kim-cang

[7] Bát Nhã Tâm Kinh. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch Việt.

 https://thuvienhoasen.org/a21196/bat-nha-ba-la-mat-da-tam-kinh

[8] Cân bằng trong sinh học là gì? Tiến sĩ Birendra Kumar Mishra, ngày 26 tháng 11 năm 2016 nói rằng. Đó là một trạng thái cân bằng cơ thể cho một động vật di chuyển tích cực, khi các lực bên trong và bên ngoài ở trạng thái cân bằng.

Giải trình: Nó dẫn đến một hệ thống ổn định. Tình trạng cân bằng, xu hướng thay đổi là không có

1.25.Nư_Nhi_Ngô_Không-Le_Huy_Tru.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm