Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Pyramid Lake The Largest Natural Lakes in Nevada #Pyramid #Lake #Largest  #Natural #Lakes #Nevada #Travel | Nevada travel, Pyramids, Truckee river

HÌNH ẢNH CỦA QUÝ NI SƯ

Lời tác giả:

Để tìm hiểu về cách sinh sống và sự hành hoạt của quý Ni sư ở hải ngoại như Hoa Kỳ (nói riêng) và Canada, Úc, Pháp, Đức.v.v…(nói chung); bằng cách nào khi mà với đà phát triển về Khoa học, Kỷ thuật; và nhất là về nền Văn hóa đa dạng cũng như qua lối sống quá văn minh, tiến bộ của các nước Âu Mỹ hiện tại, để quý Ni sư có thể hội nhập vào cuộc sống mới ở hải ngoại (tu tập và sinh sống): Vừa phù hợp với thời đại của xã hội hiện mình đang sống, vừa phù hợp với truyền thống của Phật giáo và cũng vừa phù hợp với vị thế của Ni Giới trong lòng Giáo Hội… và nhất là với hàng Phật tử Việt ở hải ngoại đã luôn hằng quan tâm đến Quý Ni sư ở  hải ngoại, là những “Trưởng tử của Như Lai.”

Và đó là những điều mà chúng con xin trình bày thật khái quát những gì mà chúng con đã biết theo sự hiểu biết của chính mình; cũng như chúng con đã có được “duyên may” hầu chuyện với quý Chư Thiền Đức Ni, mà chúng con hằng quen biết…Và  thêm vào đó là những gì mà chúng con đã “sưu tầm” trên mạng Internet qua những trang nhà của Phật giáo, với những bài viết sẵn của quý Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và quý Phật tử…

Là một Huynh trưởng Gia Đình Phật tử, đã ngoài 70 tuổi, cũng như đã khoác tà áo lam cả gần cuộc đời với 70 năm dài, chúng con xin mạo muội viết lên những ý nghĩ và sự hiểu biết thô thiển về Quý Ni sư ở Hoa Kỳ qua bài viết “Hình Ảnh của Quý Ni sư.”

.Chúng con xin đê đầu đảnh lễ sám hối trước với quý Chư Thiền Đức Ni. Kính xin quý  Ngài từ bi chỉ dạy…Mô Phật.

  1. NI GIỚI TỪ THỜI PHẬT

 

Bottom of Fo1.- Ni Giới từ thời Phật thành tựu đạo quả

Như chúng ta biết, sau khi đức Thế Tôn đắc đạo, chứng quả vô thượng Bồ đề, Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề khẩn cầu Ngài cho hàng nữ giới xuất gia và đã được Thế Tôn từ bi cho phép. Từ đó, hình ảnh Ni đoàn bắt đầu xuất hiện và đã trở thành một trong bảy chúng[1] của Đức Phật. Theo đà phát triển của xã hội, Phật pháp được truyền bá đến khắp nơi qua hai con đường chính là Nam và Bắc truyền. Tại các nước Phật giáo Bắc truyền, giáo đoàn Tỳ Kheo Ni được hình thành và phát triển, tồn tại song song với sự phát triển của Tăng đoàn; đối với các nước Phật giáo Nam truyền, hình ảnh Tỳ Kheo Ni đã bị mai một và thất truyền bởi nhiều yếu tố nội tại lẫn ngoại tại. Đối với Việt Nam, Ni giới xuất hiện khá sớm; nhưng chính thức được hình thành khoảng trên dưới 10 thế kỷ và tồn tại song hành với sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam.

Bất kỳ giai tầng nào trong xã hội, con người sinh ra và lớn lên không thể không nhận được sự giáo dục từ nhiều lĩnh vực khác nhau, từ gia đình đến ngoài xã hội. Do đó, Ni Chúng cũng là một bộ phận không thể tách rời của xã hội, càng không thể tách rời khỏi Giáo Hội. Trong tiến trình hình thành và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni giới được các cấp Giáo hội quan tâm và tạo điều kiện phát triển và đã có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp hoằng pháp, độ sanh. Nguyện vọng chung của Ni giới là mong muốn được hỗ trợ để phát triển Đạo pháp và tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho Giáo hội. Như thế thì vấn đề giáo dục không thể không được đề cập đến trong xu thế phát triển hiện nay của Giáo hội.[2]

2.- Ni Giới trong thời kỳ Ni đoàn mới thành lập

Đức Phật đức Phật chấp nhận cho nữ giới xuất gia và là một trong những thành viên của Giáo đoàn với việc phải tuân hành 8 điều kiện (Bát Kính pháp)[3]. Trải qua quá trình tinh tấn tu tập, cuối cùng chư Tỳ Kheo Ni cũng đạt được Thánh quả nên được Thế Tôn tán thán công hạnh và sự thành tựu pháp học, pháp hành của Ni chúng qua hình ảnh chư Tỳ kheo Ni: Tỳ kheo Ni Đại Ái Đạo - Trí tuệ đệ nhất, và dưới sự lãnh đạo của Ngài Đại Ái Đạo đã có không ít Ni chúng xuất sắc như: Tỳ kheo Ni Thức Ma - Thần thông đệ nhất; Ưu Bát Hoa Sắc - Đầu Đà đệ nhất; Cơ Lợi Xá Kiều Đàm Di - Thiên nhãn đệ nhất; Ba Đầu Lan Xà Na - Trì luật đệ nhất, vv… và 500 vị Ni chúng đều chứng được Thánh quả A La Hán.[4]

Sự chứng đạo của Ngài Đại Ái Đạo và 500 vị Tỳ kheo Ni là một thành quả của quá trình giáo dục nội tại, và Ngài Đại Ái Đạo đã trực tiếp hướng dẫn cho hàng đệ tử của mình chuyển hóa mọi phiền não khổ đau đạt được Niết bàn tịch tĩnh trong cuộc sống hiện tại. Con đường giáo dục ấy thật là vĩ đại và trác tuyệt biết bao, đã để lại cho hậu thế hình ảnh một bậc Tổ Ni của dòng họ Thích mà những người con Phật đều quý kính qua mọi thế hệ.[5]

Căn cứ theo sự tường thuật trong Kinh Luật,[6] Ni đoàn được thành lập dưới sự lãnh đạo của Tôn giả Đại Ái Đạo, tuân theo sự giám sát của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng. Giáo đoàn Ni Giới đầu tiên được thành lập, cũng là giáo đoàn Ni Giới tạo một Thánh hạnh rực rỡ trong thời kỳ Phật còn tại thế.

Ni chúng phần lớn xuất thân từ dòng dõi Vương phi, quý tộc, nhưng một khi đã quyết chí xuất gia, chư vị đều thật tâm và dốc lòng cầu đạo giải thoát, cộng thêm sự giáo dục của Đức Thế Tôn - bậc Thầy trí tuệ siêu phàm, nên trong quá trình chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, hầu hết 500 vị Ni tùy tùng của Ngài Đại Ái Đạo tùy theo sở hành của từng vị mà mỗi người đạt được quả vị khác nhau. Quá trình chuyển hóa tâm thức này, theo cách nói chúng ta ngày nay đó là sự giáo dục tâm linh.

Tức là khi đã xuất gia, chư Tỳ Kheo Ni đã thực hành tuyệt đối lời dạy của đức Phật để khắc phục những lỗi lầm của 3 nghiệp (thân, khẩu và ý) và hướng đến mục đích tối hậu. Đó là đạt được sự giác ngộ trong đời sống thực tại; đó cũng là công việc mà trong quá khứ Chư Thiền Đức Ni tiền bối đã làm và hàng Ni giới hậu học kế thừa cũng noi gương theo để tiếp nối các Ngài. Đời sống hằng ngày của Ni đoàn bấy giờ chỉ chuyên vào công việc tu tập như tụng kinh, tọa thiền, khất thực, thọ trai, nghe pháp v.v...

  1. NI GIỚI Ở HẢI NGOẠI

Không biết Phật giáo Việt Nam được truyền ra hải ngoại từ lúc nào. Nhưng khoảng đầu những thập niên 1980- 2000 Phật giáo ở hải ngoại nói chung và ở Hoa kỳ nói riêng bắt đầu phát triển mạnh và nhanh.

Theo sự suy nghĩ của tác giả bài nầy, có lẽ trên đường phát triển, Phật giáo truyền bá ra hải ngoại theo hai con đường:

1.- Vào khoảng 1980s, các Tăng, Ni đi ra nước ngoài theo cách “vượt biển” … Khi qua ở trại tỵ nạn đã cùng với một số Cư sĩ, Phật Tử lập chùa.

2.- Khoảng vào những năm 2000 trở về sau; một số chư Tăng Ni trẻ được các chùa Tự viện bảo lãnh qua Mỹ hoằng pháp.

Ở Hoa Kỳ thì hình như bước đầu đa phần Chư Tôn Đức Ni tụ hội ở tiểu bang California.

Được định cư và sống tại đất nước Hoa Kỳ là một điều mơ ước cho nhiều người. Vì khi mà chúng ta đã được định cư ở nước Mỹ thì đó là cả một cơ hội “ngàn vàng” cho những ai muốn tiến thân để “đổi đời” cống hiến.

Vì Hoa Kỳ là một đất nước tự do, thịnh vượng với nền khoa học kỷ thuật văn minh, tiến bộ và một nền giáo dục hiện đại qua các trường cao đẳng, các trường đại học, ở đó họ sẵn sàng chu cấp học bổng cho những ai hội đủ điều kiện, Đó là một cơ hội tốt để con người học hỏi nâng cao kiến thức, để hầu có một tương lai tốt đẹp cho cuộc sống.

Và đó cũng là một cơ hội tốt nếu chư Ni chịu khó học hỏi, tìm hiểu để hầu ứng dụng và thích ứng thì nó sẽ là một công cụ hữu hiệu trong sứ mệnh hoằng pháp vậy.

Giống như ở Việt Nam, tại Hoa kỳ, số lượng của Chư Ni Phật giáo Bắc Tông (Đại thừa) rất đông, kế đó là Khất sĩ, còn Nguyên Thủy thì gần như không thấy. Giáo đoàn Tỳ kheo Ni từng bước được thành lập và không ngừng phát triển cho đến ngày nay.

1.- Ni Giới ở hải ngoại vào thời ban đầu:

Sau khi Phật giáo chính thức được truyền ra hải ngoại và nhất là ở Hoa Kỳ; thì bắt đầu từ đó hình bóng của những Tăng Ni đã từng bước, từng bước hòa quyện với cuộc sống của xã hội mới. Nhưng vào thời gian đầu thì Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại số lượng Tăng Ni, nhất là hàng Ni giới xuất gia rất ít ỏi (có thể nói là rất hiếm hoi);  nhưng càng về sau nầy số Tăng  Ni càng nhiều (như đã nói ở trên là nhờ các chùa và Tự viện đã bảo lãnh từ quê nhà qua), thêm vào đó là nhờ niềm tin vào đạo nên các chùa và tự viện đã đào tạo được  một số Tăng Ni, hầu để hoằng dương Đạo pháp.  Nhưng hình ảnh Ni chúng vào thập niên 1980s quá ít.

Như chúng ta cũng đã biết, trên đà phát triển thì Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với văn hóa với tập quán và lịch sử dân tộc Việt ta, và cũng luôn phát triển, dầu ở vào quốc độ và môi trường nào;  nhưng do vì khác phong tục, tập quán, văn hóa và nhất là khác ngôn ngữ, cho nên Phật giáo trong giai đoạn đầu ở hải ngoại đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoằng dương và truyền bá đến những người địa phương, cũng như nhất là những con em trẻ của chúng ta ở vào “thế hệ thứ hai, thứ ba” đã sinh ra và lớn lên ở nơi mà chính chúng ta đang ở. Đó là Mỹ, Anh, Pháp Canada, Úc  và Đức.v.v…Vì đa phần các cháu đều chịu ảnh hưởng văn hóa, và ngôn ngữ của Âu Mỹ, các cháu đã không nói và hiểu được tiếng Việt,  hoặc có nói được cũng rất khó khăn. Và thêm vào đó, chư Tôn Đức Tăng Ni, đa phần là không thông thạo ngoại ngữ. Đó chính là một sự trở ngại rất lớn cho vấn đề hoằng pháp vậy.

 

2.- Ni Giới trẻ ở hải ngoại chuẩn bị gì cho tương lai?

Có khi nào chúng ta tự hỏi: “Hành trang để hàng Tăng Ni trẻ (nói chung) và hàng Ni giới trẻ (nói riêng) ở hải ngoại, bước vào con đường hoằng pháp, lợi lạc quần sanh là những gì?”

- “Bằng cấp, Học vị của thế gian ư?”

- Thưa không, những điều này chưa phải là cứu cánh của người xuất gia, người xuất gia trẻ trong thời đại này còn phải trang bị cho mình đức hạnh trang nghiêm.

Đúng vậy, đức hạnh là một đức tính cao đẹp, không thể chối cãi được, cho dù ở vào thời gian và không gian nào; Vì đức hạnh là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, nhất là đức hạnh của Nữ giới lại là một điều rất đáng được trân quý vậy. Muốn có đức hạnh thì giới hạnh phải trang nghiêm, giới hạnh nghiêm túc thì đức hạnh mới sáng ngời được.

            Chỉ có giới luật mới tạo nên đức hạnh của người tu sĩ, mới xây dựng được một “Thiên nhơn chi đạo sư”, một Tăng Ni trẻ năng động nhưng tài đức toàn diện.

Trong xã hội tiến bộ này, hàng Tăng Ni trẻ, nhất là hàng Ni giới, ngoài nền tảng giới luật vững chắc, còn phải mẫu mực về đạo đức, trình độ Phật pháp vững vàng. Song song bên cạnh đó cũng cần trau dồi kiến thức thế học (tức là phải có một trình độ học vấn vững chải và nhất là phải thông thạo ngoại ngữ). Dù không phải là cứu cánh nhưng đó chính là phương tiện cần thiết để cho người Tu sĩ có đủ điều kiện, hầu phục vụ cho con đường hoằng dương chánh pháp và để ứng xử thỏa đáng với mọi căn cơ trình độ của chúng sanh; nhất là trong giai đoạn này ở hải ngoại, vì hiện gìờ rất nhiều các bạn trẻ và tầng lớp trí thức (Việt, và người ngoại quốc) đến muốn học hỏi, nghiên cứu Phật pháp ngày càng nhiều.

Nhưng chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: “Kiến thức thế gian cần nhưng chưa đủ, nó không giúp chúng ta giải thoát khổ đau”. Chỉ khi nào chúng ta thực hành giáo huấn của Như Lai, khi đó ta mới có trí tuệ sáng suốt để thẩm định lại kiến thức nào của thế gian có thể sử dụng được.

 

3.- Đạo đức của Tăng Ni trẻ trong thời hiện đại

Thời đại hiện nay, người Tăng sĩ trang bị kiến văn không có nghĩa là chỉ thu thập kiến thức Phật pháp qua kinh luật luận, mà còn phải học hỏi nhiều lĩnh vực kiến thức bên ngoài thế gian từ kiến thức chuyên môn đến kiến thức phổ thông. Con đường học tập kiến văn do vậy, là con đường dài của đời sống, trong đó mỗi giây phút đều là thời gian quý báu để người Tăng Ni học hiểu về kiến thức và về ý nghĩa của cuộc đời. Hình ảnh tinh tấn không ngừng nghỉ, không từ gian lao để tìm cầu học đạo của Thiện Tài là nhân vật chính trong Phẩm Nhập Pháp Giới của Kinh Hoa Nghiêm giúp cho Tăng Ni tự sách tấn mình thêm lên.[7]

Nhưng đối với Tăng Ni, nhất là Ni Chúng thời bây giờ, ở nơi hải ngoại nầy, ngoài cách tu tập của “truyền thống”  ra, Ni giới còn đối mặt nhiều những trở ngại cho chính cuộc sống của mình và muốn vươn lên để cố vượt qua bao thách thức và chông gai trước mắt, hầu có thể tồn tại ở một xã hội quá phức tạp. Và phải đối diện với không biết bao nhiêu sự nhiêu khê của xã hội mà mình đang sống hiện tại.

Ngoài trọng trách “hành Như Lai sứ, tác Như Lai sự”, hàng Ni Giới, nhất là những Ni Giới trẻ còn có trách nhiệm chung đối với sự phát triển của Phật giáo ở hải ngoại.

Tại hải ngoại, có nhiều cơ hội và tương lai trước mắt nếu Ni Giới chúng ta chịu khó tìm hiểu, học hỏi (ngoài trường Đời) và dấn thân, tu học, hòa đồng (trong Đạo) để tìm cách sinh tồn cũng như phát triển khả năng của chính mình, để khẳng định tinh thần “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Nều như việc Ni Chúng trẻ tìm mọi cách để cố vươn lên trong xã hội mới mà mình đang sống bằng cách đi làm hoặc đi học thêm (như vậy là đang dấn thân vào Đời và hòa trộn với thế giới ở ngoài đời.  Đó là một điều mà trước đây luôn gây cho người đời sự ngạc nhiên và nhiều vị Tôn túc, Thầy tổ lo lắng, thì ngày nay, hình ảnh những Ni trẻ tại các trường Đại học, trong các buổi sinh hoạt xã hội đã được xuất hiện và thậm chí có vị biểu lộ là những sinh viên xuất sắc.

Đây là điều đáng mừng vì hàng Ni Chúng trẻ biết năng động hội nhập vào xã hội. Các vấn đề xã hội được giới Ni trẻ quan tâm, chủ động phát huy, tạo nguồn sinh khí mới, một cách nhìn mới trong môi trường giáo dục Phật giáo.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được đó, điều làm cho các bậc Tôn túc phải suy tư lo lắng nhiều là đạo đức. Vì đó chính là phẩm hạnh của Nữ giới và cũng chính là giá trị truyền thống mà chư Phật, chư Tổ bao đời truyền dạy. Vậy “Đức Hạnh” chính là điều tất yếu mà Ni giới phải luôn nêu  cao và cố gìn giữ, để có đủ điều kiện sống với tinh thần nhập thế, hòa đồng với xã hội mà vẫn giữ đạo được, để đưa Đạo vào Đời. Một khi Đời Đạo hòa quyện nhau thì khi đó sẽ nâng cao giá trị cao đẹp của một Thích tử. [8]

  1. Vài kiến nghị:

Để thành tựu con đường hoằng pháp, con xin mạo muội có vài kiến nghị như sau:

-  Thứ nhất: Quý Ni sư khéo vận dụng và ứng dụng thời đại công nghệ khoa học phát triển có chọn lọc vào trong giáo lý của Đức Phật để các sự kiện tổ chức, hoằng dương Phật pháp được hài hòa và phát triển theo thời đại.

- Thứ hai: Phải nên quan tâm các Phật tử, ban tình thương, ánh sáng phật pháp và các điều kiện khác. Để ý nhu cầu họ cần, để cung cấp cho đúng.

- Thứ ba: Quý Ni sư nhất là Ni giới trẻ khi ra hành đạo nên nương theo những gương sáng của chư Tôn Đức Ni tiền bối để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức thì việc hoằng pháp mới mang lại giá trị cao.

- Thứ tư: Mặc dầu ở vào hoàn cảnh nào Ni giới trẻ của chúng ta cũng nên phấn đấu tự thân, vạch ra một đường hướng tu tập và hoằng pháp lành mạnh, một phương pháp ứng dụng khoa học không lỗi thời. Nếu cần tra cứu những tài liệu ở trên mạng internet. nên xử dụng đúng mục đích, không nên “lạm dụng” bàn tán những chuyện vu vơ, thiếu bổ ích, hoặc chia sẻ những hình ảnh điệu đà không phù hợp với đạo hạnh của tu sĩ Phật giáo, tạo phản cảm. Vì như thế chỉ làm mất thời gian tu học và gây ảnh hưởng không tốt đẹp đến uy tín của Đạo Phật.

 

III. THAY LỜI KẾT

 Ở trong một môi trường xã hội văn minh và đang trên đà phát triển về kỷ nghệ, cũng như hiện đại hóa về mọi mặt mà đôi khi đã làm cho con người chúng ta phải chóng mặt vì “chạy theo không kịp.” Nói như vậy cũng không có nghĩa là người Tu sĩ Phật Giáo Việt Nam cứ ngồi đó để tự thỏa mãn và đề cao mình, bất chấp đến những biến động của xã hội chung quanh. Nội dung giác ngộ và giải thoát mà đức Phật thân chứng dĩ nhiên là cao thâm vô lượng. Tuy nhiên, công tác diễn bày nội dung thâm diệu ấy để chuyển hóa căn cơ của từng thời đại là trọng trách của những người con Phật mà tiêu biểu là những Tăng Ni Phật giáo. Muốn làm tròn sứ mệnh trọng đại này, người tu sĩ Phật Giáo Việt Nam phải tự nâng cao khả tính để ít nhất đứng ngang tầm thời đại, nếu không muốn nói là phải đi trước tầm thời đại. Nâng cao khả tính bằng cách nào? Đó là bằng kiến văn và giới hạnh, hay trí tuệ và giới đức, như đã trình bày trong phần trên đây.

Liên Hoa Temple, February-2020

Đầu Xuân Canh Tý

Tâm Tường - Lê Đình Cát

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Nguồn Tham khảo

  • Ni Giới và thời đại - Cư Sĩ Minh Mẫn (trang nhà phatgiao.org.vn)
  • Ni Giới trong thời kỳ mới thành lập - Ni Sư Thích Nữ Như Nguyện

(trang nhà Giác Ngộ Online)

  • Người Tăng sĩ với Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại - Thượng Tọa Thích Tâm Hòa

giảng tại chùa Bát Nhã Santa Ana, California.

  • Ni Giới và xã hội mới ở hải ngoại - Ni Sư Thích Nữ Giới Hương

(giảng tại chùa Điều Ngự, Wesminster, California)

http://www.huongsentemple.com/index.php/ung-dung/ni-gioi/3890-vai-tro-ni-gioi-

[1] Bảy chúng đệ tử Phật: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức-xoa-ma-na, Sadi, Sadini, Cư sĩ nam và Cư sĩ nữ.

[2] Ni Giới và thời đại, của Cư Sĩ Minh Mẫn (trang nhà phatgiao.org.vn).

[3] Bát kính pháp. Tứ Phần Luật – Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Lược Ký Tập Yếu. Dịch giả Tỳ Kheo Ni Huyễn Huệ. Thành Hội TPHCM. Phật lịch 2541-1997, trang 11-12.

[4] Tấm gương đạo hạnh của bậc Trưởng Lão Ni – Tinh thần Bát Kỉnh Pháp – Thích Nữ Như Thủy. https://giacngo.vn/

[5] Ni Giới trong thời kỳ mới thành lập, của Ni Sư Thích Nữ Như Nguyện (trang nhà Giác Ngộ Online).

[6] Tứ Phần Luật – Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Lược Ký Tập Yếu. Dịch giả Tỳ Kheo Ni Huyễn Huệ. Thành Hội TPHCM. Phật lịch 2541-1997

[7] Vai trò Ni Giới ở Hải Ngoại, Ni Sư Thích Nữ Giới Hương giảng tại chùa Điều Ngự, Wesminster, California, ngày 16 tháng 6 năm 2029.

http://www.huongsentemple.com/index.php/ung-dung/ni-gioi/3890-vai-tro-ni-gioi-2

[8] Người Tăng sĩ với Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, Thượng Tọa Thích Tâm Hòa giảng tại chùa Bát Nhã, Santa Ana, California.

1.10._Hinh_anh_cua_Quy_Ni_Su-_Tam_Tuong.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm