NI GIỚI TRẺ
VỚI MÔ HÌNH HOẰNG PHÁP NĂNG ĐỘNG
Trong xã hội hiện nay, đời sống vật chất ngày một nâng cao, nền khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc, bên cạnh ưu điểm cũng mang đến nhiều hệ lụy. Đa phần giới trẻ có xu hướng sống ảo, tẻ nhạt với người xung quanh, ít giao lưu tiếp xúc. Đây là nguy hại rất lớn đối với xã hội, bởi tỷ lệ thanh thiếu niên trầm cảm, cô đơn và tự ti ngày một gia tăng. Theo thống kê của Vietnamnet, năm 2015 Việt Nam hiện có khoảng 200.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ. Bà Nguyễn Tuyết Hạnh, Phó Chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN) chia sẻ tại buổi Hội thảo khoa học “Truyền thông về chứng tự kỷ”, cho biết: “Hiện nay, có 166 trẻ em thì có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Đây là số lượng lớn và đang rất cần được quan tâm, can thiệp sớm”. Trên Báo Người Lao Động, Bác sĩ Lê Quốc Nam – Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Sức khỏe & Tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh, cũng thể hiện sự lo ngại về sự “Rối loạn tâm lý có thể dẫn đến trầm cảm” của học sinh Trung học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lên đến trên 20%, một tỷ lệ rất đáng suy ngẫm.
Trước thực trạng tiêu cực này, tu sĩ cần góp sức xây dựng nền tảng đạo đức thông qua các khóa tu để giới trẻ cảm nhận được giá trị cuộc sống, nâng cao ý thức trách nhiệm, biết yêu thương, giúp đỡ mọi người, sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, có định hướng vươn lên trong xã hội, mang tinh thần hội nhập với đời sống hiện đại mà không lãng quên truyền thống cha ông.
Bởi vậy, xây dựng mô hình khóa tu năng động và đào tạo đội ngũ Ni giới trẻ với vai trò người hướng dẫn là cần thiết cho chiến lược hoằng pháp lâu dài của Phật giáo, đồng thời cũng đóng góp thiết thực vào sự nghiệp giáo dục nguồn nhân lực tương lai cho đất nước.
I.PHƯƠNG THỨC HOẰNG PHÁP NĂNG ĐỘNG TRÊN TINH THẦN NHẬP THẾ CỦA PHẬT GIÁO
- Điều kiện cần và đủ của người hướng dẫn khóa tu
Giá trị cuộc sống không đặt đơn thuần ở vật chất mà còn cả tinh thần; ngoài truyền thống đạo đức gia đình, ý thức hệ xã hội, đời sống tâm linh ảnh hưởng rất lớn trong việc trưởng thành nhân cách đạo đức của giới trẻ. Vì thế, Ni giới trẻ có vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn thanh thiếu niên tại các khóa tu, phát huy được tính năng động theo tinh thần hoằng dương chánh pháp:
“Này Ananda, vị Ðạo sư với lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, tìm cầu hạnh phúc cho họ, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Ðây là hạnh phúc cho các ông, đây là an lạc cho các ông". Các đệ tử của vị ấy chịu nghe theo, chịu lóng tai, không chú tâm vào hướng khác, và không ngược lại đi xa lời dạy của bậc Ðạo sư. Như vậy, này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Ðạo sư, với tâm thân hữu, không phải với tâm thù nghịch. Do vậy, này Ananda, hãy đối xử với Ta, với tâm thân hữu, chớ với tâm thù nghịch và như vậy sẽ là hạnh phúc, là an lạc lâu dài cho các ông.”[1]
Người hướng dẫn (Ni giới trẻ) với “tâm thân hữu” luôn chan hòa yêu thương của người mẹ, nghiêm túc, kỷ cương của người cha, tận tâm chỉ dạy của người thầy, hòa đồng gần gũi của người bạn để vận dụng đúng người, đúng việc có thể đem đến những kết quả khả quan trong và sau khóa tu.
Khóa tu thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào năng lực, đạo lực và tâm lực của đội ngũ nhân sự. Theo Thượng Tọa TS. Thích Viên Trí: Hoằng pháp phải hội đủ hai yếu tố quan trọng: Nội dung hoằng pháp và con người hoằng pháp.Về giảng sư: Bởi lẽ, phẩm chất của các vị Giảng sư trong lãnh vực hoằng pháp đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vì ảnh hưởng của Phật giáo tích cực hay tiêu cực, mạnh mẽ hay yếu ớt, rộng lớn hay hạn chế luôn phụ thuộc vào đạo đức, trình độ kiến thức, đặc biệt là sức mạnh nội tâm của đội ngũ Giảng sư.” Vì thế, Giảng sư cần phải có: Tầm nhìn giáo dục, khả năng vận dụng và nội tâm tu tập.
Hòa thượng Thích Giác Toàn đã khái quát “Phẩm chất của vị Giảng sư”, ngoài yếu tố sức khỏe tốt, thái độ hiền hòa, dáng vẻ uy nghi thì những phẩm chất cơ bản cần có là: Niềm tin Tam bảo; Từ bi, nhẫn nhục và vô úy; kiến thức sư phạm, kỹ năng diễn giảng; trình độ văn hóa, kiến thức thế tục; phải biết dùng một số phương tiện hiện đại phục vụ cho việc giảng pháp: Sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình, băng đĩa, phim ảnh… Như vậy, đối với vị Giảng sư hoằng dương giáo nghĩa là cần có đạo hạnh, được đào tạo chuyên môn và thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng trên.
Với vai trò hướng dẫn khóa tu, vừa là Giảng sư, vừa là người điều hành sinh hoạt, chúng tôi tái sắp xếp các tiêu chí trên đồng thời bổ sung thêm một số kỹ năng gồm:
- ii) Điều kiện người hướng dẫn khóa tu:
- Tác phong và tư cách chuẩn mực
- Sức khỏe tốt
- Ngôn ngữ linh hoạt và giọng nói biểu cảm
- Từ bi, nhẫn nhục và tự tin
- Am hiểu kiến thức cơ bản về Phật pháp lẫn thế pháp
- Nắm chắc kiến thức về tâm lý của lứa tuổi thanh thiếu niên
iii) Kỹ năng người hướng dẫn khóa tu cần có:
- Ứng biến tình thế
- Sinh hoạt cá nhân và nhóm
- Quản lý điều hành hội chúng
- Sử dụng các phương tiện kỹ thuật số
- Quan sát, lắng nghe
- Tổ chức, thiết kế, dẫn chương trình
Một Ni giới trẻ hướng dẫn khóa tu hội đủ những điều kiện, kỹ năng trên có thể cuốn hút thanh thiếu niên, đồng thời dùng thân giáo để các bạn trẻ học tập thông qua sự giản dị, nhiệt tình, gần gũi, “Vì hoằng pháp chắc chắn không phải là áp đặt một số giáo lý cho người nghe, mà nên cho họ những gì họ cần”. Chỉ có như vậy, giảng sư có thể hiểu được giới trẻ nghĩ gì, thích gì, cần gì, muốn gì, làm gì… để hướng dẫn đạt hiệu quả.
II.XÂY DỰNG MÔ HÌNH KHÓA TU THÍCH ỨNG VỚI ĐỘ TUỔI
Xây dựng khóa tu năng động không chỉ là sự hỗ trợ tích cực xã hội mà còn phát huy được lợi thế hoằng pháp quy nạp giới trẻ về với đạo đức. Đức Phật gọi điều này là tùy theo căn cơ mà nói pháp: “Thế Tôn trong khi với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng lợi căn, độn căn; có hạng tánh thuận, tánh nghịch; có hạng dễ dạy, khó dạy; một số thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác, và sự nguy hiểm của các hành động lỗi lầm.”[2] Vì thế, Phật giáo vào đời theo nhiều phương cách khác nhau, dùng phương tiện quyền xảo, tùy căn cơ chúng sanh mà hóa độ, tùy duyên hành đạo để hòa đạo với đời.
1) Phương diện tổ chức
Thông qua thực tiễn tổ chức khóa tu trên 10 năm tại nhiều địa phương, chúng tôi thiết nghĩ mô hình khóa tu cần phải hội tụ đủ các yếu tố sau:
- a) Về mặt hành chánh: Khóa tu sẽ được diễn ra từ 4-7 ngày, trước hết Trụ trì cần đề đạt về việc tổ chức khóa tu và được sự đồng ý của Ban Trị sự Phật giáo trực thuộc và chính quyền sở tại. Đồng thời cũng cần phải thông tin đến các ban, ngành về: Địa điểm, thời gian, số lượng, độ tuổi tham dự, chương trình, nội dung khóa tu… nhằm có biện pháp và hình thức hỗ trợ an ninh, trật tự trong quá trình khóa tu diễn ra.
- b) Về mặt nhân sự:Ban tổ chức chịu trách nhiệm về mặt tổng thể của khóa tu, điều hành và quan sát một cách bao quát. Các tiểu ban bao gồm những thành viên năng động, có trách nhiệm trong công việc, chịu trách nhiệm trực tiếp từng bộ phận của khóa tu.
2) Phương diện nội dung
Nội dung chương trình giảng dạy, sinh hoạt do Tự viện tổ chức đề ra, có sự nhất trí của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện tại địa phương. Vì “ngành hoằng pháp chưa định hình được “giáo trình” hoằng pháp rõ ràng cho từng đối tượng, từng lứa tuổi. Hoạt động của Ban hoằng pháp tại các tỉnh thành Phật giáo hiện nay có vẻ mang tính phong trào, thời vụ, mà chưa có tính chiến lược lâu dài, đặc biệt là chưa có chương trình giảng dạy và hướng dẫn cụ thể dành cho đối tượng thanh thiếu niên.”
3) Về mặt chương trình: Mỗi Tự viện tổ chức phải soạn thảo chương trình sinh hoạt riêng cho khóa tu. Hiện nay, vẫn chưa có giáo trình cụ thể, nên chúng tôi dựa trên một số chương trình đã được tổ chức thành công ở một số Tự viện, để đề ra mô hình khóa tu năng động với ba tiêu chí: “Tu học - nghe pháp - vui chơi” để thích ứng với độ tuổi.
4) Tu học: Các khóa lễ chính trong ngày nên sử dụng những bài kinh ngắn, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu, lời văn nhẹ nhàng như: Lời Cầu nguyện buổi sáng, Kinh Phước Đức, Kinh Hạnh Phúc, Kinh Vu Lan, Kinh Báo Hiếu… Nghi lễ đơn giản nhưng tôn kính trang nghiêm, thời lượng mỗi khóa lễ khoảng 30-45 phút. Bên cạnh đó, tập cho giới trẻ ngồi theo dõi hơi thở (thiền), thiền hành, kinh hành để tĩnh tâm; hướng dẫn các oai nghi khóa tu cho thanh thiếu niên như: chấp tay xá chào, cách lạy, quỳ, đi, đứng, nằm, ngồi, cung cách ăn uống chánh niệm, sinh hoạt cá nhân, tập thể, các hiệu lệnh tập trung, thức dậy, ngủ nghỉ… để Tu sinh làm quen với nếp sống thiền môn quy củ. Mục đích tu học là hướng cho giới trẻ có tinh thần tự giác, nghe, học, thực hành để cảm nhận được giá trị an lạc trong nếp sống tri túc nơi cửa đạo.
5) Nghe pháp: Song song việc tu học là những buổi nghe pháp do các vị Giảng sư đảm trách, việc chọn lựa Giảng sư thích hợp với độ tuổi của khóa tu là vô cùng cần thiết. Các thời thuyết pháp phải đảm bảo hai điều kiện: Đúng thời lượng quy định (60 phút); nội dung gần gũi, dễ hiểu, sinh động nhưng phải chuyển tải được ý nghĩa của chủ đề khóa tu mà ban tổ chức đề ra, có thể pháp thoại qua hình thức giao lưu với các tu sinh, hoặc hiện đại hóa các bài giảng bằng cách trình chiếu trên màn ảnh (slideshow, PPT or youtube).
Giảng sư nên tìm hiểu thông tin về hội chúng để có ứng xử thích hợp, sử dụng giáo lý, ngôn từ, kiến thức phổ thông, phù hợp độ tuổi, dễ hiểu, chính xác, không nói quá dài, kể những câu chuyện thí dụ bằng ngôn ngữ thời đại với nội dung vui tươi. Giảng sư nên có tầm nhìn bao quát, tạo điều kiện cho hội chúng tham gia tích cực vào nội dung thuyết giảng, tạo không khí vui tươi, nhẹ nhàng và gợi mở những cảm xúc tích cực. Mục đích là gợi hứng thú, cởi mở, hấp dẫn để giới trẻ lắng nghe những điều bổ ích, gợi lại những đức tính tốt, trao đổi những vấn đề còn vướng trong lòng để định hướng cuộc sống mới.
6) Sinh hoạt tập thể: Trong các khóa tu, phần sinh hoạt tập thể rất quan trọng, sự đồng bộ của tập thể sẽ thể hiện được cách thức tổ chức có phương pháp hay không. Người hướng dẫn sẽ vận dụng kỹ năng sinh hoạt nhóm để dẫn dắt những cá nhân cùng nhau sinh hoạt chung, phát huy được tính tổ chức, tôn trọng lẫn nhau, nhạy bén, tự tin, lắng nghe, thể hiện mình... Thông qua hoạt động tập thể, Tu sinh có thể xóa bỏ khoảng cách cá nhân để đồng tu, đồng học, đồng chơi, đồng sinh hoạt tập thể một cách nhất quán trên tinh thần đoàn kết.
7) Sinh hoạt cá nhân: Mang theo những thói quen sinh hoạt thường nhật nơi gia đình, tu sinh bước vào môi trường mới, cách sinh hoạt cá nhân cũng trở nên khác biệt: Từ việc ngủ nghỉ, thức dậy cho đến giặt giũ quần áo, vật dụng cá nhân đều phải kỷ cương, nề nếp, ngăn nắp, tuân thủ theo khung thời gian chương trình quy định. Ban tổ chức cần quan tâm hướng cho khóa sinh quen dần với nếp sống tự lập tích cực.
8) Vui chơi: Khóa tu mùa Hè được xem là một trong những hoạt động tích cực trong xu hướng nhập thế của Phật giáo bởi hiệu quả thu hút giới trẻ cao vào tính năng động của mô hình. “Nếu chúng ta có những sinh hoạt Phật giáo thích hợp với giới thanh niên trẻ trong xã hội, họ có thể đến với chúng ta, vì thấy những gì chúng ta dạy không khác lạ với cuộc đời, nhưng có phần vượt trội là giúp họ thêm bình tĩnh, thêm sáng suốt, thêm nghị lực để phấn đấu, tồn tại tốt đẹp trong vòng quay tất bật, căng thẳng của nếp sống đô thị.” Trên tinh thần hoằng pháp năng động, các khóa tu đều xây dựng sân chơi bổ ích, giúp cho giới trẻ phát huy khả năng bản thân, kích thích sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng thuyết trình để các bạn trẻ có thể tự tin hơn trong cuộc sống.
Thiết kế các nhóm trò chơi cần phải đầy đủ tính năng phong phú, đa dạng, đồng thời để thích hợp với môi trường sinh hoạt Phật giáo, các trò chơi có thể biến đổi tên gọi để tăng tính thu hút và mang nhiều ý nghĩa giáo dục:
- a) Nhóm trò chơi mang tính trí tuệ, kiến thức:Giúp cho người tham gia ôn lại những kiến thức căn bản; hình thành cách ứng biến nhạy bén thông minh, khả năng suy luận, phán đoán… Trò chơi nên thiết kế như các game show thực tế để tạo nên sự hấp dẫn, khơi dậy tính tìm tòi học hỏi. Ví dụ như: Game show “Hồi trống pháp”, “S-Buddhists”, “Rung chuông chùa”…
- b) Nhóm trò chơi mang tính nghệ thuật, năng khiếu: Thông qua trò chơi, chúng ta có thể khuyến khích những năng khiếu đang tìm ẩn như: Thiết kế, hội họa, lắp ráp, văn nghệ, thời trang… với nội dung tích cực, mang tính nghệ thuật, thể hiện được nét đẹp hồn nhiên của tuổi trẻ, đồng thời giúp các bạn tự tin trước công chúng, có cơ hội thể hiện năng khiếu bản thân.
- c) Nhóm trò chơi vận động:Giúp cho các khóa sinh vận động tinh thần lẫn thể lực, rèn luyện tính kiên nhẫn, sự linh hoạt trong công việc. Nhóm trò chơi vận động bao gồm vận động nhẹ (người tham gia phải có sự khéo léo, nhạy bén, kiên nhẫn… Ví dụ: trò chơi “lựa đậu” đổi tên thành “cô Tấm thiền môn”; trò chơi “thổi ly” đổi tên thành “thổi bay nghiệp chướng”) và vận động mạnh (dùng nhiều sức lực tốc độ, kỹ thuật như: “kéo co” (cân tài cân sức); “nhảy bao bố” (tiến về bờ giác).
- d) Nhóm rèn luyện kỹ năng:Gồm bảo vệ môi trường (nhóm được chia từng khu vực để thu gom rác thải làm sạch môi trường xung quanh), tự bảo vệ (học một số động tác võ thuật cơ bản để tự vệ, học cách sơ cứu, phòng cháy chữa cháy…), tư duy và thể hiện (viết nhật ký, lưu bút khóa tu), thiết kế chương trình (lễ thắp nến tri ân, lễ hội Cổ Phật khất thực, lễ hội Phiên chợ quê hương)… Mỗi năm, nội dung khóa tu luôn luôn phải đổi mới, Ban tổ chức phải luôn vận động, cập nhật chương trình đáp ứng tiêu chí đặc sắc về nội dung, ấn tượng về hình thức, đa dạng về thể loại và mang lại hiệu quả thiết thực nhất cho khóa sinh, cảm giác hỷ lạc để cảm thụ trọn vẹn ý nghĩa của chương trình.
III. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ
Trong những năm qua, có cơ hội hướng dẫn một số khóa tu do Tự viện tổ chức hoặc do Ban Trị sự Phật giáo huyện tổ chức, chúng tôi nhận thấy, giới trẻ rất cần sự nhiệt tình, quan tâm, gần gũi và tấm lòng của Ban tổ chức khóa tu thể hiện đúng nơi, đúng lúc để nối kết giữa các khóa sinh, khóa sinh với nhóm, với các tình nguyện viên, với ban tổ chức. Những nối kết đó tùy thuộc vào người hướng dẫn khóa tu, đặc biệt là Ni giới trẻ. Vì thế, tổ chức nên khóa tu đã khó, duy trì những khóa tu như vậy càng khó khăn hơn; người tổ chức phải cân nhắc, nỗ lực để khóa tu giới trẻ lưu lại những ấn tượng khó phai và một lần tham dự sẽ là tiền đề cho những lần kế tiếp.
Thực tế, tham gia khóa tu, không phải bạn trẻ nào cũng tự nguyện, một số bạn do gia đình ép buộc, dụ dỗ, ham vui, có bạn đã tham gia khóa tu nhiều nơi, cũng có người lần đầu tiên được vào chùa. Mỗi bạn trẻ là một cá thể, một thế giới riêng, quen sống với bản năng đời thường, bước vào môi trường hoàn toàn mới, những “phản ứng phụ” như: Khép kín, tẻ nhạt, buồn, khóc, lẻ loi, nhớ nhà, ít giao lưu, ít tham gia sinh hoạt tập thể. Đây chính là thời điểm quan trọng nhất đối với các bạn trẻ, Ban tổ chức nói chung, các tiểu ban trực tiếp quản lý gồm tình nguyện viên, tiểu ban quản tu sinh, tiểu ban kiểm soát, tiểu ban sinh hoạt - hoạt náo… phải kịp thời nắm bắt “tín hiệu” tạo nhịp cầu thông giao để các bạn trẻ trải lòng bước vào môi trường sinh hoạt mới. Ranh giới ngại ngùng giữa các khóa sinh dần được cởi mở, sẻ chia thông qua các hoạt động tập thể, gắn kết với nhau trong những phút giây chia tay đầy nước mắt. Có như vậy, khóa tu khép lại, các bạn trẻ mới hiểu ra đã “được và nhận” quá nhiều từ khóa tu.
Hiện nay, Ni giới cả ba hệ phái: Bắc tông, Khất sĩ và Nam tông đều đang sở hữu nguồn nhân lực trẻ, năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết. Đó “Gọi là “tiềm năng Ni giới”, chúng tôi muốn ám chỉ nguồn năng lực, phương pháp, tính hiệu quả và các giá trị đóng góp của Ni giới có thể đạt đến mức cao nhất mà một hành giả Tăng có thể đạt được, đang còn nằm trong dạng thức “chờ nhân duyên” khi điều kiện xã hội và cộng nghiệp của Tăng đoàn chưa cho phép thiết lập các phương pháp hay kế hoạch cụ thể nào có thể mở cửa cơ hội cho những người đồng hành khác phái của mình đóng góp vào công cuộc hoằng hóa Phật giáo” [TS. Thích Nữ Huệ Liên].
Trong thời đại hội nhập, Ni giới trẻ năng động cần tự khai thác tiềm năng sẵn có như lời Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, hãy sống tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa mình, không nương tựa một ai khác, lấy Chánh pháp làm ngọn đèn, lấy Chánh pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa một gì khác!”[Kinh Trường bộ 2: 353]. Trên tinh thần “tự mình nương tựa mình”, một số chùa Ni cả nước đã và đang tổ chức khóa tu mùa Hè hằng năm cho giới trẻ. Khu vực miền Bắc có chùa Vẽ - Hoa Linh với trên 700 tu sinh cho mỗi khóa; Miền Nam số lượng các cơ sở tổ chức khá lớn như Quan Âm Tu viện – TP. Hồ Chí Minh, Ni viện Long Hoa – Long An, Chùa Long Quang – TP. Cần Thơ, chùa Tam Bảo – Tiền Giang, Tịnh xá Ngọc Lâm – thị trấn Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tịnh xá Ngọc Trước – Bến Tre, Tịnh xá Viên Quang – Lâm Đồng, chùa Vạn Phước – Bà Rịa - Vũng Tàu... Đặc biệt, Ni viện Viên Không do Sư cô Liễu Pháp Trụ trì – Ni viện đầu tiên của hệ phái Nam tông tổ chức khóa tu mùa hè lần thứ 3 (năm 2017) cho giới trẻ trong 7 ngày, với khuôn viên rộng thoáng, các khóa sinh có không gian thực tập thiền, sống hòa với thiên nhiên, nghe pháp, học tiếng Anh và tham gia vào các trò chơi rèn luyện kỹ năng... Đây là bước tiến thời đại của Ni giới Phật giáo Nam tông, đã và đang từng bước song hành cùng Ni giới hệ phái Bắc tông, Khất sĩ phát triển Phật sự của đoàn thể Ni giới Việt Nam.
Sau những khóa tu, Ban tổ chức đều nhận thấy hiệu quả lớn: Các bạn trẻ đã thay đổi chính bản thân mình, biết làm chủ những hành động thân khẩu, mở rộng tình thương đến với các loài xung quanh. Đối với tập thể, họ biết hòa kính, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đối với gia đình, hứa hẹn họ sẽ là những người con hiếu thảo; đối với nhà trường đó sẽ là những học trò chăm ngoan. Tuy còn khiêm tốn, nhưng đây vẫn là tín hiệu rất khả quan về một quá trình giáo dục giữa chủ thể (khóa sinh) với điều kiện của môi trường sống (chương trình khóa tu), và ngược lại.
Để duy trì và phát huy mạnh mẽ cho mô hình hoằng pháp năng động, Ni giới trẻ rất cần sự hỗ trợ từ Phân ban Ni giới Trung ương, các phân ban Ni giới trực thuộc tỉnh, thành, huyện, thị tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ chuyên môn về kỹ năng cho Ni giới trẻ nhằm học hỏi, trau dồi, phát huy vai trò chủ đạo với mô hình hoằng pháp năng động như trên. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, tinh thần nhập thế của Phật giáo mở ra những nẻo đường hoằng pháp đa dạng cho Ni giới trẻ có cơ hội được cống hiến. Ngoài việc tu tập tự thân, Ni giới trẻ nếu như được đào tạo một cách chuyên nghiệp, rèn luyện thêm những tố chất bản lĩnh, tự tin, kỹ năng linh hoạt năng động sẽ là những cánh tay nối dài kế tục các bậc Danh Ni trong vai trò hoằng pháp thời hiện đại.
Thích Nữ Viên Giác
[1] Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikāya). Vol 3. Trang 314. Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. PL 2536. Dl 1992.
[2] Kinh Tương Ưng. Tôn giả Anuruddha. Vol 1. II. Phẩm Thứ Hai. . Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam. Trang 304.