Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

First Cherry Blossoms Usher in Spring at Bklyn Botanic Garden | BK Reader

CHIẾC ÁO GIẢI THOÁT

CHO TRƯỞNG NỮ CỦA NHƯ LAI

Đức Thế Tôn là đấng cha lành của bốn loài (thấp sanh, noãn sanh, thai sanh, và hoá sanh). Tiếp bước cha lành là các trưởng tử của Như Lai, các Ngài đã, đang, và sẽ tác Như Lai sứ và hành Như Lai sự, không việc gì quan trọng hơn đó là tiếp dẫn hậu lai báo Phật ơn đức. Tăng Già hay Tăng Đoàn đều được Đức Thế Tôn gọi với một mỹ từ triều mến là trưởng tử của Như Lai như tiếng lòng của người cha già phát ra từ trái tim thương yêu vô bờ bến đối với đàn con nhỏ. Trưởng tử của Như Lai gồm có Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni. Trong khi Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na, Ưu Bà Tắc, và Ưu Bà Di được ví như là thứ tử của Như Lai, các người con thứ đương nhiên phải nương vào con trưởng để cùng tiến bước trên con đường giác ngộ, giải thoát. Tỳ Kheo Ni trực thuộc trong hệ thống Tăng già được đứng vào hàng trưởng tử của Như Lai. Tuy nhiên, để Ni Đoàn đứng vào hàng Tăng già cũng như là trưởng tử của Như Lai, ngoài việc thọ Cụ túc Ni Giới ra còn phải có thêm yếu tố quan trọng và quý báu, đó là Bát Kỉnh Pháp.[1]

Bát Kỉnh Pháp không những giúp cho Ni Giới đủ tư cách làm trưởng tử của Như Lai cũng có nghĩa là thầy của trời và người, mà còn giúp cho Ni Giới tu hành thành tựu tất cả các quả vị trên bước đường giác ngộ, giải thoát. Bát Kỉnh Pháp ví như một chiếc áo không thể thiếu cho những hành giả Ni thật lòng và quyết tâm tu tập tìm cầu giác ngộ, giải thoát. Nếu Ni Giới không mặc vào chiếc áo Bát Kỉnh Pháp giải thoát thì Ni Giới vĩnh viễn sẽ không phải là trưởng tử của Như Lai cũng như sẽ không đi đến đích của sự giải thoát. Vì sao? Vì Bát Kỉnh Pháp được đúc  kết từ thành quả quý báu vô cùng tận đó là sự kết hợp vĩ đại của lòng từ bi vô lượng vô biên cùng trí tuệ giác ngộ siêu việt của Đức Thế Tôn, nhằm đưa Ni Giới lên tầm quả vị như những quả vị mà chư Tăng tu tập đạt được, và cũng như chư Phật mười phương ba đời.

Đức Thế Tôn là bậc vô thượng y Vương, giáo pháp của Ngài là những bài thuốc vô lượng vô biêv, bởi vì chúng sanh có quá nhiều khổ đau phiền não. Căn cứ theo tư tưởng Đại thừa của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa,[2] thì Đức Thế Tôn thị hiện giữa cõi đời ngũ trược ác thế này cũng ví như trận mưa lớn, nước mưa xuống thì bình đẳng như nhau. Nước mưa chỉ thuần một vị ngọt vị giải thoát, nhưng cỏ cây nhỏ lớn khác nhau nên sự hấp thụ nước mưa không giống nhau. Bởi vì chúng sanh không thể một bước liền nhảy vào ngay mảnh đất Như Lai, cho nên phải tiệm tu từng bước mà đi trên con đường giải thoát. Chính vì vậy mà Đức Thế Tôn mới tùy bệnh mà cho thuốc, ví dụ như người thợ rèn thì Ngài dạy tu sổ tức, còn người làm việc nơi nghĩa trang thì Ngài dạy quán bất tịnh...Tuy phương pháp có khác nhau nhưng chung quy cũng giúp cho hành giả đạt được các quả vị giải thoát như nhau. Nghiệp lực của người nam thì không giống người nữ, đó là tại sao Sa Di Ni phải học thêm giai đoạn Thức Xoa Ma Na nữa thì mới được thọ Cụ túc Ni giới. Tăng chỉ có 250 giới còn Ni thì có 348 giới, phải thêm cả Bát Kỉnh Pháp[3] nữa.

1- Một Tỳ Kheo Ni, dầu có trăm tuổi hạ khi gặp Thầy Tỳ Kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ Kheo.

2- Một Tỳ Kheo Ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị Tỳ Kheo trong bất kỳ trường hợp nào.

3- Tỳ Kheo Ni không được ngăn Tỳ Kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ Kheo. Trái lại, Tỳ kheo được quyền cử tội Tỳ kheo Ni.

4- Muốn thọ trì Cụ túc giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni

5- Nếu Tỳ Kheo Ni phạm tội hữu dư (Tăng tàn) thì phải đến trước hai bộ Tăng thực hành pháp Ý hỷ (Ma na đỏa) trong thời gian nửa tháng.

6- Nửa tháng phải đến bên Tỳ Kheo Tăng cần cầu dạy bảo.

7- Không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ Kheo ở.

8- Khi an cư xong, phải đến Tỳ Kheo Tăng cầu ba sự tự tứ: Thấy, nghe và nghi.

Như chúng ta đều biết đạo Phật là đạo tự giác tự nguyện, đạo Phật không ép ai tu cũng như không ép buộc Tăng thọ giới hay ép buộc Ni thọ giới mà là do chúng ta khao khát cần cầu thọ giới. Khi chúng ta được thọ giới đầy đủ thì cũng ví như chúng ta có đủ phương tiện để tu. Như một chiếc xe nếu muốn đi từ điểm A đến điểm B thì phải có đủ xăng. Nếu thiếu xăng thì vĩnh viễn chúng ta sẽ không bao giờ đến đích, cũng vậy nếu là tu sĩ mà không có thọ giới đầy đủ thì trên đường đạo sẽ khó mà thành tựu. Nhân nói về đề tài Bát Kỉnh Pháp nên mới đưa ra một vài câu hỏi cho vui thôi; dĩ nhiên nơi đây không cần câu trả lời mà là cần sự quán chiếu, chiêm nghiệm của từng độc giả. Có phải là đa số Ni giới cho là Bát Kỉnh Pháp là do Đức Thế Tôn thiên vị cho Tăng hay thiên vị cho Ni giới? Có bao giờ Ni Giới đặt câu hỏi là chư Tăng nghĩ gì về Bát Kỉnh Pháp? Chẳng hạn như là điều thứ nhất của Bát Kỉnh Pháp là một Tỳ Kheo Ni, dầu có trăm tuổi hạ khi gặp Thầy Tỳ Kheo Tăng mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ Kheo. Nếu ta nhìn vào điều thứ nhất này với tư tưởng phàm phu nhuốm đầy màu của danh lợi của giai cấp thì ta không thể tránh khỏi sự bức xúc bất bình vì tại sao vị Trưởng Lão Ni có một trăm tuổi hạ mà phải đi đảnh lễ chịu lép vế trước một tân Tỳ Kheo còn non trẻ...thế đấy không tu chánh kiến và chánh niệm thì sẽ nghĩ như thế đấy.

 Thật ra, tu tập không phải chỉ có lên trên Chánh điện tọa thiền, tụng kinh thì mới gọi là tu, mà tu là tu trong từng hơi thở, suy nghĩ và hành động. Lễ lạy là phương pháp thực hành tu tập đấy, đứng về mặt tâm linh mà nói khi một vị Tăng nhận lãnh sự lễ lạy của môt vị Ni thì thử hỏi vị Tăng được gì? Hay là thiệt hại cho vị Tăng đó về mặt tâm linh nếu như vị Tăng vụng tu không biết quán chiếu để tiêu trừ bản ngã mà còn tự cao, tự hào thì vị Tỳ Kheo đó chắc chắn sẽ bị tổn hại sa đọa. Vị Tỳ Kheo Ni mà lễ lạy vị Tăng đó thì chắc chắn sẽ hoàn toàn lợi ích mà không có một tí gì thiệt hại cả, vì vị Tỳ Kheo Ni đó đã làm đúng theo lời của Đức Phật dạy. Vì vô ngã là Niết Bàn mà, bản ngã càng lớn thì khổ đau, phiền não càng nhiều, trầm luân sa đọa càng sâu. Như vậy là Đức Thế Tôn đã hoàn toàn thiên vị cho Ni hơn là Tăng rồi...

 Còn lại bảy pháp tiếp theo cũng vậy, càng ngày Đức Thế Tôn càng đặt trọng trách càng nặng lên vai cho chư Tăng. Nhớ lại lúc còn Tăng sinh học về Bát Kỉnh Pháp thì các huynh đệ trang lứa với nhau đều nhìn nhau bằng ánh mắt có vẻ như bức xúc, và than thở sao Thế Tôn lại thiên vị cho Ni giới thế... Hoà Thượng giáo thọ sư mới nói: “Đó thấy chưa...bên Ni thì nói Đức Thế Tôn thiên vị cho Tăng (không có giữ bát kính pháp) còn bên Tăng thì nói Ngài Thiên vị bên Ni (vì Ni được giữ Bát kính pháp). Đúng là cái bọn phàm phu thì đừng trách sao cứ mãi khổ đau trầm luân sa đọa.” Kể ra để cho chư Ni thấy rằng bên Tăng có những suy nghĩ tích cực về Bát kính pháp như thế nào...Vì đa phần chư Ni toàn là hiểu theo quan điểm của chư Ni mà chư Ni chưa bao giờ hiểu cái hiểu của chư Tăng là hiểu về Bát Kỉnh Pháp như thế nào.

Nói thì nói cho vui cho hiểu về nhau mà thôi chứ chư Tăng không bao giờ xem thường hay trốn tránh nhiệm đối với chư Ni. Vì đã là đệ tử Phật thì đâu ai dám cãi lời giáo huấn của Ngài nên tất cả đều là pháp tu pháp thực hành. Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát trong kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa thì Ngài không có tu học gì nhiều cả mà Ngài dành trọn đời để thực hành hạnh tu lễ lạy bất cứ ai Ngài gặp và trì mãi câu nói; “Tôi không dám khinh quý Ngài, vì quý Ngài đều sẽ thành Phật” nên tôi đây xin lễ lạy quý vị. Cho dù bồ tát có bị chửi bới hay bị đánh đập như thế nào thì Ngài kiên quyết hành trì không buông bỏ pháp tu đảnh lễ này. Thật đúng như trong Kinh Pháp Hoa diễn tả rằng vị Bồ tát ấy đã “Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, và ngồi tòa Như Lai.” Từ bi lớn làm nhà (Nhà Như Lai), tất cả pháp không, không chấp trước (áo Như Lai), không dính mắc làm nơi an trụ (ngồi tòa Như Lai) hay còn gọi là nương theo đường lối tu đó để tu hành. Như Lai đã ban cho Ni Giới chiếc áo giải thoát Bát Kỉnh Pháp quá tuyệt vời hay còn gọi là áo Như Lai đấy. Thử hỏi trên cõi đời này có chiếc áo nào cao quý hơn áo Như Lai? Vì sao quý? Áo Như Lai là chiếc áo vô tướng, cho nên nếu mặc được chiếc áo vô tướng này thì mới đi được đến quả vị vô tướng giải thoát. Phàm phu chúng sanh từ vô thỉ đã sống và bám víu sâu đậm vào hình tướng vào giai cấp địa vị, vào danh lợi cho nên mới cần đến chiếc áo vô tướng để quét sạch hết những bụi bặm của lợi danh để tiến lên vô tướng giải thoát. Một khi chư Ni mặc vào chiếc áo Như Lai Bát Kỉnh Pháp thì có thể vượt qua ba cõi[4] ra khỏi sáu đường[5] mà đến được mảnh đất Niết Bàn vô Ngã vị tha, xứng đáng là trưởng tử của Như Lai, cũng là bậc thầy gương mẫu của trời, người.

Các nhà học giả từ cổ chí kim được mệnh danh nhà văn hóa xã hội như các nhà triết học, các triết gia tâm lý học, cho đến Khổng Tử, Nho học thì chưa có một triết gia nào hay một nhà cách mạng văn hóa nào mà có tư tưởng đi đôi với thực hành triệt để về giải thoát cho người nữ như Đức Phật, và thêm vào đó quả vị của nữ giới cũng được Đức Phật nâng lên ngang tầm như chư Phật và Đức Thế Tôn. Ngài đã từng dạy hai câu nói nổi tiếng về bình đẳng: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ” và “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Tuy quả vị giải thoát bình đẳng như nhau nhưng nghiệp lực tâm thức không ai giống ai nên đường đi có ngắn dài, thành tựu có sớm có trễ là chuyện đương nhiên. Thế mà gần đây khoảng vài thập niên trở lại thì có một số bài viết cũng như vài bài thuyết trình được truyền tải trên internet với nội dung là tranh đấu quyền bình đẳng cho Ni Giới v.v... Mình cũng lấy làm lạ cũng vào xem vào đọc thấy rằng người diễn thuyết cũng như tác giả các bài viết đưa ra lý luận cũng dẫn chứng cũng rất khí thế lý luận cũng ngợp trời.

Các vị đó tự tin đến mức làm cho độc giả, khán giả nghĩ là các tác giả đó còn hay còn giỏi hơn là Đức Thế Tôn. Nếu không hay không giỏi hơn Đức Thế Tôn thì sao lại bài xích kêu ca cứ y như là nạn nhân bị đàn áp hơn nghìn thế kỷ...nghĩ thật mà xót thương cho Đức Thế Tôn, xót thương cho chánh pháp của Ngài. Đức Thế Tôn đã trải qua vô lượng kiếp tu hành mới có được những lời dạy quý báu đó để cống hiến cho đời, cống hiến cho chúng sanh chỉ mong sao chúng sanh theo bản đồ đó mà ra khỏi ngục tù tam giới thế mà có vài chúng sanh vô minh lại lấy oán báo ơn, đem dạ tiểu nhân mà nhận định sai tâm Phật thánh (khi họ cho rằng Đức Phật có thành kiến khắt khe với phụ nữ với Bát kính pháp). Cũng ví như bài thuốc quý, thuốc hay mình không thích dùng thì để cho người khác dùng mà trị bệnh, không nên la lối rồi quy chụp gọi đó là thuốc độc, để cho hàng nghìn thế hệ sau không dám uống thuốc đó vì nghe đồn đó là thuốc độc thì tội lỗi vô cùng tận. Người học Phật phải biết rằng thà phá giới tội còn nhẹ hơn là phá kiến, vì phá giới chỉ có hại bản thân một mình mình thôi, nhưng phá kiến là hại cho hàng bao thế hệ thì tội lỗi không biết sao mà đo lường được.

Chẳng hạn như trong nho học, đức Khổng Tử có dạy người nữ về tam tòng và tứ đức. Tam tòng là con gái khi còn ở nhà thì nương cha, xuất giá thì nương chồng, chồng chết thì nương con (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), còn tứ đức là công, ngôn, dung, hạnh. Chuyện về tứ đức thì khỏi phải nói vì đó là những yếu tố cao quý để làm cho người nữ trở thành người con gái quý giá cao cả, còn tam tòng thì đây là cái mà đa phần là bị thiên hạ lên án chỉ trích không phải tất cả mà chỉ là đa số, đa số những người học nửa vời, nghiên cứu không đến nơi đến chốn. “Tam tòng” nghĩa là người con gái khi ở nhà thì nương tựa vào cha, khi theo chồng thì nương tựa chồng, chồng mà có chết đi thì nương tựa vào con. Khổng Tử ông ta quá nhân từ, quá thương yêu người nữ, vì người người nữ yếu đuối sống một mình thì rất khổ sở trước nghịch cảnh của cuộc đời, nên ông mới dạy người cha, người chồng, người con trai phải có trách nhiệm che chở bảo bọc cho người nữ. Ta đã thấy rất rõ ràng là người nữ được người nam là người cha, người chồng, người con trai che chở suốt đời. Thế mà có rất nhiều người lên án chỉ trích chê bai Đức Khổng Tử, rõ ràng là sướng họ không muốn mà họ muốn tìm cái khổ. Ở cái giai đoạn không còn là thiền định kiên cố nữa mà đấu tranh kiên cố, thì việc đấu tranh đòi này đòi nọ là chuyện nó phải như vậy, nói cho cùng cho tận cũng chỉ là đau lòng mà thôi, vì nếu thật tu để tìm cầu giải thoát thì không có gì để nói, bằng ngược lại thì có chết đi sống lại nghìn kiếp thì chỉ có đấu tranh mãi thôi chứ có biết tu hành là gì đâu.

Tóm lại, nói đến Bát Kỉnh Pháp thì không thể nào không nhắc lại lời dạy của Ngài Thích Tuệ Sỹ: “Trong xã hội ngày nay, với hệ thống kinh luận và đặc biệt là hệ thống luật tạng, chúng ta giữ được điều gì thì giữ, chứ đừng nói rằng điều đó không còn phù hợp thời đại mà muốn làm gì thì làm. Còn nếu đủ sức sửa các điều luật để Tăng Ni tu tập cho hợp với thời đại khoa học, nhưng phải đảm bảo rằng điều đó chắc chắn người tu tập sẽ đạt đến thánh quả thì cứ làm”. Tuy nói  Bát Kỉnh Pháp là lời dạy nhưng thật ra đó là một lời tuyên ngôn, lời khẳng định mang đậm chất kinh điển, là khuôn vàng thước ngọc cho những ai thật học, thật tu, thật tìm cầu giác ngộ giải thoát. Được thân người rất khó mà gặp đươc Chánh pháp thì càng khó hơn, khi đã gặp Chánh pháp rồi mà không chịu tu còn nghi ngờ đủ thứ thì thiệt là đáng thương.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

California, 27/12/2017

Thích Quảng Thuận

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

[1] Bát kính pháp. Tứ Phần Luật – Tỳ Kheo Ni Giới Bổn Lược Ký Tập Yếu. Dịch giả Tỳ Kheo Ni Huyễn Huệ. Thành Hội TPHCM. Phật lịch 2541-1997.trang 11-12.

[2] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập Hán Dịch. Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh Việt Dịch.

Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản 1988 - PL 2530

 https://thuvienhoasen.org/a567/kinh-dieu-phap-lien-hoa

[3] Bát kính pháp. Như trên.

[4] Ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

[5] Sáu đường: Trời, người, atula, súc sanh, ngạ quỹ và địa ngục.

1.5._Chiec_ao_giai_thoat_cho_truong_nu_cua_Nhu_Lai_-_Thich_Quang_Thuan.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm