VAI TRÒ CỦA CHƯ NI VIỆT NAM
TẠI HẢI NGOẠI NGÀY NAY
Kể từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, chính Ngài đã cho người nữ xuất gia tại thành Tỳ Xá Ly và Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni đầu tiên do Thánh Ni Kiều Đàm Di lãnh đạo. Suốt mấy trăm năm như thế Giáo Đoàn Ni nầy tồn tại ở Ấn Độ cho đến khi Công chúa Shanghamita, con gái Vua A Dục cùng Hoàng Tử Mahinda mang Phật Giáo vào Tích Lan ở thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch, thì tại đây Tỳ Kheo Ni cũng đã được thành lập ngay từ những ngày đầu tiên ấy. Thế nhưng bây giờ ở thế kỷ thứ 21 nầy có ai đó đi tìm nguồn gốc hay sự hiện hữu của giáo đoàn Tỳ Kheo Ni tại Tích Lan thì hầu như không còn liên tục như xưa nữa. Chắc chắn rằng dấu chân truyền thừa ấy đã tiếp tục truyền từ Tích Lan qua Trung Hoa và từ Trung Hoa được truyền sang Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản từ những thế kỷ đầu tiên Dương Lịch ấy.
Việt Nam chúng ta ảnh hưởng bởi tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa rất mạnh ngay từ những ngày tháng đầu Phật Giáo mới có mặt tại Giao Châu, thời của Ngài Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác, Ma Ha Tăng Kỳ Vực và vai trò của chư Ni cũng không kém phần quan trọng trong vấn đề truyền thừa theo tinh thần luật Thanh Văn Tứ Phần, nhưng kèm theo đó thực hành Bồ Tát hạnh, nên cả chư Tăng và chư Ni bên Đại Thừa Phật Giáo đều thọ lãnh thêm giới Bồ Tát xuất gia để dễ mang Phật Giáo vào nhân gian. Mãi cho đến đầu thế kỷ thứ 11, dưới triều đại Nhà Lý, Đại Việt chúng ta có Ni Sư Diệu Nhân, người vốn xuất thân từ hoàng tộc, nên tài đức vẹn toàn và kể từ đó, nghĩa là cách nay hơn 1.000 năm lịch sử, việc truyền thừa của Ni giới tại Việt Nam vẫn được liên tục cho đến ngày nay. Ở thời điểm cuối thế kỷ thứ 20 tại Việt Nam có Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Diệu Không, Ni trưởng Hải Triều Âm, Ni trưởng Trí Hải v.v… là những bậc Danh Ni được trong cũng như ngoài nước nể phục qua những tác phẩm biên dịch, chú giải, trước tác thơ văn có liên quan đến Phật Giáo cũng như vấn đề tế độ cho chư Ni xuất gia học đạo.
Kể từ những năm 1950 về sau nầy Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đã gửi chư Tăng và chư Ni ra ngoại quốc để tu học tại Ấn Độ, Nhật Bản, Tích Lan v.v… nên một số chư Ni cũng đã đóng góp vai trò giữ gìn mối đạo của Việt Nam chúng ta không phải là nhỏ qua việc tiếp Ni độ chúng để truyền thừa qua việc làm chùa, quy y thọ giới cho cư sĩ tại gia, truyền giới Bát Quan Trai, truyền Sa Di Ni Giới, truyền giới Thức Xoa hay Tỳ Kheo Ni cho người Việt cũng như người ngoại quốc. Những vị Ni đầu tiên có mặt tại ngoại quốc phải kể đến Ni trưởng Thích Nữ Như Chánh du học Nhật Bản, sau đó sang Hoa Kỳ và viên tịch tại đó; Ni trưởng Mạn Đà La du học Nhật Bản và sang Pháp hoạt động một thời gian dài; Ni trưởng Trí Hải du học tại Hoa Kỳ, sau về làm việc cho viện Đại Học Vạn Hạnh ở Sài Gòn.
Từ năm 1975 trở về sau nầy có rất nhiều chư Ni Việt Nam sang ngoại quốc qua con đường vượt biên, vượt biển như Sư Bà Đàm Lựu, trước năm 1975 du học tại Đức, sau 1975 sang Hoa Kỳ xây dựng nên chùa Đức Viên tại San Jose, California; Sư bà Diệu Từ tỵ nạn qua Nhật Bản và sau đó di cư sang Hoa Kỳ, trú tại Sacramento và Nam California; Sư bà Thích Nữ Giác Hương; Sư Bà Thích Nữ Như Hòa; Sư bà Thích Nữ Nguyên Thanh v.v… đó là những vị Ni tiêu biểu cho thời gian đầu ở Hoa Kỳ sau năm 1975. Tại Âu Châu sau năm 1975 có Sư bà Thích Nữ Như Tuấn, trước đây tỵ nạn tại Thụy Sĩ, nay thì làm Viện chủ chùa Phổ Hiền, Strassbourg Pháp Quốc. Sư bà Thích Nữ Diệu Tâm, Viện Chủ Bảo Quang Ni Tự tại Hamburg, Đức Quốc. Sau nầy có thêm chư Ni ra đi tỵ nạn đã trở thành Ni trưởng, Ni sư, Sư cô v.v… ở Úc Châu, Âu Châu và Mỹ Châu không phải là ít và từ năm 1994 trở về sau nầy Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã gửi rất nhiều chư Tăng Ni sang Ấn Độ, Đài Loan, Đại Hàn, Hoa Kỳ, Úc, Nhật v.v… du học và thế hệ sau nầy đa phần tốt nghiệp Cử nhân, Cao học, Tiến Sĩ, nên đã giúp cho vai trò của chư Ni càng ngày càng có tiếng nói vững chãi nhiều hơn qua việc đứng lớp tại các trường Đại học, Trung học ở trong cũng như ngoài nước để giảng cho sinh viên về Phật Giáo hay cũng có nhiều vị Ni viết sách, dịch kinh, đồng thời cũng có nhiều vị Ni giảng pháp rất lôi cuốn quần chúng như Sư bà Giới Châu, Ni sư Giới Hương, Ni sư Minh Liên, Ni sư Tịnh Quang v.v… Cứ như vậy mà tiếp tục sự nghiệp hoằng hóa độ sanh thì vai trò của người nữ trong giới xuất gia Việt Nam của chúng ta sẽ được tăng tiến nhiều hơn.
Cách đây chừng 10 năm tại Đại Học Hamburg, Đức Quốc đã tổ chức mấy ngày thảo luận về vai trò của các vị Tỳ Kheo Ni theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. Lúc ấy có Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng tham dự. Khách mời từ Việt Nam có Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát thuyết trình bằng tiếng Anh về đề tài Ni Sư Diệu Nhân, Triều Lý. Hòa thượng Thích Quảng Ba từ Úc, Sư cô Thích Nữ Hạnh Trì từ Hoa Kỳ, Quý Thượng tọa và chư Ni từ Đài Loan cũng như cá nhân chúng tôi cũng được mời tham dự. Sau mấy ngày thảo luận tất cả các truyền thống Phật Giáo Đại Thừa và ngay cả Ngài Bodhi theo truyền thống Nam Tông cũng đồng ý cho chư Ni ngoại quốc theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng nên được chính thức thọ giới Tỳ Kheo Ni theo tinh thần Tứ Phần Luật.[1] Nhưng cuối cùng thì Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: “Vấn đề nầy không phải chỉ một mình Ngài quyết định được, mặc dầu Ngài rất hoan hỷ tán đồng, nhưng Tây Tạng không phải chỉ có một truyền thống mà cả 4 truyền thống Phật Giáo của Tây Tạng đều đồng ý thì việc ấy mới thành tựu và Ngài kết luận rằng: “Phải chi còn Đức Phật ở đây thì đỡ cho Ngài quá.”
Đây là câu chuyện có thật và từ đó đến nay Phật Giáo Tây Tạng vẫn chưa chính thức có những đàn giới để truyền cho giới tử ngoại quốc giới Tỳ Kheo Ni và cách trả lời đơn giản nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma là Tây Tạng không có việc truyền thừa của Ni Giới từ xưa đến nay, nên tại Tây Tạng ngày nay không chính thức có Tỳ Kheo Ni. Bởi lý do nầy nên chư Ni người Tây phương khi xuất gia với truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng họ chỉ được thọ 8 giới hay 10 giới Sa Di Ni là cùng. Ai muốn tiến xa hơn nữa phải qua các truyền thống Phật Giáo Đại Thừa khác như Trung Hoa, Việt Nam hay Đại Hàn để cầu thọ giới Thức Xoa hay Tỳ Kheo Ni.
Như vậy tổng quan chúng ta có thể nhận định rằng: Phật Giáo Đại Thừa là Phật Giáo dấn thân rất khế hợp với căn cơ của người Tây Phương trong hiện tại, nhất là người nữ Việt Nam cũng phải hãnh diện rằng: Mình được làm nữ tu sĩ Phật Giáo Việt Nam, trở thành những vị Tỳ Kheo Ni để lãnh đạo quần chúng, gánh vác việc của Tăng Già giống như chư Tăng không khác. Có như vậy Phật Giáo Việt Nam mới được đứng vững đến ngày hôm nay; trong khi đó các nước Phật Giáo theo Kim Cang Thừa như Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ v.v... mãi cho đến ngày nay vai trò của người nữ tu xem như còn vắng bóng. Đó là chưa kể đến vai trò của người nữ trong các xứ Phật Giáo Nam Tông như: Thái Lan. Miến Điện, Tích Lan, Lào, Cam Bốt, vv... vẫn còn rất là khiêm nhường, vì cộng đồng của chư Tăng chưa chấp nhận.
Như vậy chư Ni Việt Nam dầu ở trong hay ngoài nước hãy nên lấy đây làm niềm tin để tiếp tục dấn thân trong tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa thì tiếng nói cũng như vai trò của người nữ càng ngày càng được quan tâm nhiều hơn nữa. Có như vậy trong thất chúng Đệ Tử của Phật mới được trọn vẹn đầy đủ. Đó là: Cư Sĩ Nam, Cư Sĩ Nữ, Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa, Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni.
Viết xong bài nầy tại chùa Pháp Tạng, thủ đô Wien, Áo Quốc
vào ngày 23 tháng 11 năm 2019
Thích Như Điển
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
[1] Tứ phần luật có nghĩa là: Dharmagupta-vinaya (S). Ngài Đàm vô Đức soạn bộ Tứ phần luật phân làm 4 quyển: tỳ kheo pháp, tỳ kheo ni pháp, tư tứ đẳng pháp (cách đứng, ngồi, ăn, ngủ, an cư, xưng tội), phòng xá đẳng pháp (phép vê cất am thất, chùa).
https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/tu-phan-luat-k18374.html?keys=l