Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

8 Epic Mountains In Alabama That Will Drop Your Jaw

LỜI GIỚI THIỆU

NI TRƯỞNG thượng GIÁC hạ HƯƠNG

Chùa Vạn Hạnh (Seattle)

          Gần ba tháng, đáp ứng tình trạng đóng cửa của chính phủ để phòng chống dịch bệnh do Vi-rút Corona hoành hành, tất cả các lãnh vực đều phải bế quan, ngừng hoạt động, trong đó có Phật giáo, các tự viện không mở cửa để khách thập phương đến bái sám tu tập. Chùa Vạn Hạnh cũng vậy, Phật tử không đến sinh hoạt, các Phật sự tạm dừng, chỉ có Thầy trò trong tự viện sớm tối trì tụng Chú Đại Bi, Kinh Phổ Môn cầu nguyện Quán thế Âm Bồ tát gia hộ cho thế giới hòa bình nhân sinh an lạc, ôn dịch covid-19 chóng qua đi.

          Trong thời gian trì niệm, dáng vẻ diệu hiền của Quán thế Âm Bồ tát, cúi xuống vỗ về che chở cứu khổ chúng sanh cứ ảnh hiện trong tôi, chợt nhận được lời mời của Ni sư Giới Hương, nhờ viết đoạn văn giới thiệu cho tập sách “Ni Giới Việt Nam tại Hoa kỳ”, tôi chợt nghĩ: “Ni giới là những người con gái của Đức Phật, là những“sứ giả tình thương”  noi gương Mẹ hiền Quán Âm đang thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả, xoa dịu những nỗi đau của những phụ nữ gặp hoàn cảnh bất trắc trong cuộc sống nói riêng và việc hoằng pháp độ sanh ở xứ người nói chung, cần lắm sự chung tay góp sức của Ni giới, hợp thành một đoàn thể Ni là những người mang tâm nguyện lớn, đem chân lý của đạo từ bi vào đời sống con người.

          Là bậc tiền bối, vị Ni đi trước, để thể hiện sự đồng cảm, và để khích lệ, sách tấn chư Ni trẻ tôi đã mạo muội nhận lời, “Ni Giới Việt Nam tại Hoa kỳ” tập sách như một sợi dây gắn kết chư Ni sống ở Hoa kỳ, chung sức trong các Phật sự, cùng nhau hoàn thành bổn phận của những người con gái Đức Phật dành trọn một đời tu hành trong lối sống thanh bần giản dị, nhưng không ngừng trau dồi tư duy, thăng hoa lên đỉnh cao của trí tuệ, mới mang được chân lý trong những lời dạy vàng ngọc của Đức Phật, hướng con người tới chân thiện mỹ. Nhưng tôi cũng biết để hoàn thành nhiệm vụ của một sứ giả Như Lai, những người con gái của Đức Phật vướng phải không ít thử thách và khó khăn.

          Nghiên cứu về lịch sử và văn hóa của Phật giáo, xem xét cách Phật giáo đã đương đầu với một bối cảnh lịch sử của Ấn độ; cách Phật giáo uyển chuyển tồn tại mà không bị ảnh hưởng của xã hội và văn hóa ở Ấn Độ, trong suốt thời kỳ Đức Phật còn tại thế cũng như sau khi Ngài diệt độ. Phật giáo không chỉ hiện hữu ở nơi khởi nguồn, mà Phật giáo được truyền bá đến nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, Phật giáo đã thích ứng với những tiêu chuẩn xã hội, văn hóa, và thế giới quan của những xứ sở mà ở đó Phật giáo đã đâm chồi kết rễ, phát triển đến đỉnh cao, qua đó chúng ta thấy rõ sự vi diệu của Phật Pháp, cũng như năng lực hoằng dương Phật giáo của liệt vị Tổ sư.

          Cái nhìn khái quát lịch sử này giúp chúng ta hiểu rõ hơn đặc tính duyên sinh, nét độc đáo và khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Phật giáo khi truyền bá từ quốc gia này đến quốc gia khác, nó vẫn giữ được những đặc tính riêng của mình, và cũng có thể điều chỉnh hình thức bên ngoài cho phù hợp với nền văn hóa đang phổ biến ở đó. Đây là chìa khóa vạn năng để chúng ta tháo mở các khó khăn khi truyền bá Phật pháp đến nhiều quốc gia, có nhiều phong tục tập quán khác nhau.

          Từ sau năm 1975, theo làn sóng di dân, Tăng, Ni Việt Nam ra nước ngoài tu tập, hoằng pháp rất đông, sống rải rác trên khắp các châu lục, nhưng nhiều nhất và đông nhất vẫn là Hoa kỳ. Ni giới Việt Nam sang Hoa kỳ bằng nhiều cách: Vượt biên, theo diện bảo lãnh của gia đình hay tôn giáo, du học Ấn Độ, được các hội đoàn mời sang Hoa kỳ hoằng pháp… vì vậy số lượng Ni chúng ở Mỹ vượt trội hơn các quốc gia khác, điều đó mang lại cho Chúng Ni niềm hoan hỷ, nhưng cũng không ít sự trăn trở:

          Ni giới Việt Nam ở Hoa kỳ đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp tu hành và hoằng pháp độ sinh trước những thay đổi và thách thức của một xã hội mới trong thời đại mới?

          Ni giới có đủ năng lực, trí tuệ áp dụng tính “tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên” mà các vị Cao Tăng Thạc Đức đã làm?

          Chư Ni! chúng ta có làm được chăng? Hoằng pháp trong một đất nước văn minh, nhiều cám dỗ như nước Mỹ?

          Hoằng pháp ở Mỹ quốc, đây là một thử thách cũng là cơ hội của Ni chúng. Không riêng gì thời đại của chúng ta, mà thử thách và cơ hội thì luôn xuất hiện ở mọi không gian và thời gian, quan trọng là chúng ta có quyết tâm để hoàn thành xứ mệnh của người xuất gia hay không?

Dầu phải chịu muôn ngàn gian khổ
Con dốc lòng vì đạo hy sinh
Nương từ quang tìm đến bảo thành
Đặng tự giác, giác tha viên mãn.
      

  Trước khi đạt được: “Quán Thế Âm danh vang khắp mười phương thế giới” thì Ngài cũng từng là một Quan Âm thị kính phải nhẫn chịu nhiều oan khuất, ngang trái, và cũng từng là Công chúa Diệu Thiện hứng chịu nhiều đau khổ do chính cha ruột không có tín tâm với Phật pháp ra sức đày đọa… Quán Thế Âm Bồ tát đã vượt qua muôn trùng thử thách mới thành tựu được đạo quả Bồ đề, làm vị Bồ tát tầm thanh cứu khổ.

          Đức Tổ sư Kiều Đàm Di là vị Tỳ kheo Ni đầu tiên, bậc thượng thủ, lãnh đạo Ni đoàn thời Phật tại thế. Vào một buổi sáng, đó là lần khất thực cuối cùng của Ni trưởng Kiều Đàm Di cùng với hội chúng Thánh Ni, trước khi Ngài bái biệt đức Thế Tôn để Niết bàn, họ ôm bát khất thực quanh thành Vesāli như thường lệ. Có rất đông cận sự nữ đã chận đường quỳ lạy, khóc lóc xin Ngài đừng vội nhập Niết bàn, Ni trưởng đã an ủi các cận sự nữ cũng như hội chúng Tỳ kheo Ni có mặt lúc bấy giờ:

“ Từ khi lìa khỏi điện ngọc, cung vàng với những công nương dòng dõi Sakyā với ôi chân trần lê thê rướm máu, xin đi theo đức Chánh Đẳng Giác, ta đã học hiểu giáo pháp nhiệm mầu, đã thực hành giáo pháp ấy một cách trọn vẹn. Hiện tại, mọi bổn phận đã làm xong, mọi gánh nặng trên vai đã được đặt xuống, sự tái sanh trầm luân đã được liễu tri và mọi đau khổ phiền não đã được diệt tận. Từ đấy, đời sống không gia đình đã cho ta sự giải thoát như hư không, sự tự do của những cánh chim trời. Mục đích phạm hạnh đã được thiết lập kiên cố, mà ở đấy, chẳng có gì trói buộc ta được nữa, dù cảnh người, cảnh trời, ma vương, chư thiên hay Phạm thiên vương. Vậy thì thử hỏi còn gì ở trần gian ba cõi này có thể làm ta phải dính chân, lưu luyến? Niết-bàn vô dư ở bậc lão Ni trên một trăm tuổi chẳng lẽ không hợp thời, không phải lúc hay sao?”

           Đã dự vào chúng hội Tỳ kheo Ni, chúng ta không ai là không biết bối cảnh xã hội Ấn Độ trọng nam khinh nữ thời bấy giờ, bức tường kiến chấp ấy rất cao và rất chắc, vượt qua nó để được xuất gia và tồn tại cho đến ngày viên mãn hạnh nguyện của người xuất gia, không phải là việc dễ làm, nhưng  bậc Tổ Sư Ni của chúng ta đã vượt qua để trở thành vị Tỳ kheo Ni đầu tiên, và là Tỳ kheo Ni đầu tiên chứng quả A la hán, trở thành người lãnh đạo Ni đoàn thời Đức Phật tại thế, và hơn thế nữa dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh tổ Kiều Đàm Di, nhiều vị Tỳ kheo Ni chứng đắc quả vị A-la-hán, có uy tín trong quần chúng, Ni đoàn phát triển nhanh chóng và lớn mạnh, được Đức Phật tán thán, được cư sĩ và dân chúng ca ngợi, kính ngưỡng.

          Gương xưa còn đó, Ni chúng muốn tồn tại và lớn mạnh ngoài sự tu tập của mỗi cá nhân để có năng lực vượt qua khó khăn, tăng trưởng tuệ giác, rất cần nương vào sức mạnh của đoàn thể Ni và sự dẫn dắt của những bậc Lão Ni Trưởng thượng. Tập sách “Ni Giới Việt Nam tại Hoa kỳ” hội đủ các điều đó, tuy chỉ mới là sự hợp tác trên lãnh vực sách báo, nhưng cũng là điểm khởi đầu cho các hoạt động khác của Ni chúng sau này, không phân biệt hệ phái đang hiện hữu trên đất nước Hoa Kỳ chung nhau hoàn thành Phật sự.

          Tập sách có sự tham gia của nhiều cây bút trẻ trong hàng Ni giới, Ni sư Giới Hương làm chủ biên, Ni sư có bằng Tiến sĩ ở Ấn độ và đã cho ra nhiều đầu sách có giá trị. Chúng tôi xin tán thán công đức này của chư Ni, và mong trên chặng đường dài truyền bá Phật pháp nơi xứ người, chư Ni cùng chung tay trong các Phật sự, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi  những vị Ni nhiệt tâm vì Ni chúng, cho đến các hàng nữ cư sĩ Phật tử, kẻ công người của, tiếp sức với nhau cho các Phật sự của Ni giới sau này, cùng nhau xây dựng một đoàn thể Ni kề vai sát cánh cho việc Hoằng Pháp ở Hoa kỳ ngày càng tốt đẹp. 

          Sau cùng chúng tôi xin cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho chư Ni chân cứng đá mềm, đạt nhiều thành quả tốt đẹp trên bước đường hoằng dương chánh pháp. 

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát tác đại chứng minh.

Chùa Vạn Hạnh, ngày 06 tháng 06 năm 2020                            

Tỳ kheo Ni TN Giác Hương

Xin mời xem toàn bài với hình ảnh:  0.iii._Loi_gioi_thieu_cua_Ni_truong_TN_Giac_Huong_Seatle.pdf

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm