Gia đình tôi theo đạo Phật. Từ nhỏ, tôi đã thường được Mẹ dẫn đi chùa, nhất là vào dịp cuối tuần. Tôi thích lắm, lúc đó tôi nào có biết Đạo là gì, chỉ biết tới chùa là đựơc tung tăng chạy chơi với các bạn cùng tuổi, rồi đựơc ăn cơm chay, ngon ơi là ngon, mà ăn bao nhiêu chén cũng đựơc, các sư cô cũng không bao giờ la đâu.
Mẹ tôi hay dắt mấy chị em tôi vào chánh điện, bảo chúng tôi quỳ xuống lạy Phật, thật nghiêm trang, cung kính, thì “Phật sẽ che chở cho các con”. Rồi Mẹ tôi đưa cho mỗi đứa mấy đồng bạc cắc, kêu tụi tôi từng đứa một đến bỏ vào thùng Tam bảo. Tôi hỏi Mẹ, “Tại sao phải làm vậy hở Mẹ?”, thì Mẹ tôi nói, “Tuy là tiền Mẹ đưa cho con, nhưng chính tay con bỏ vào thùng, miệng con niệm danh hiệu Đức Phật, đó là cái duyên con gieo với Ngài, thì mai này khi lớn lên, Chư Phật sẽ gia hộ cho con có được sự hạnh phúc bình an…”. Lúc đó còn nhỏ lắm, nên tôi cũng không hiểu hết những lời Mẹ nói, nhưng vì tò mò nên mấy chị em chúng tôi cứ đứng xếp hàng một, rồi lần lượt bỏ tiền vào thùng như lời Mẹ dặn.
Nhưng có lẽ tôi thích nhất là ngày Phật Đản, mà hồi đó tụi nhóc chúng tôi cứ gọi là “Ngày sinh nhật Phật”. Tại sao ư? Vì năm nào vào ngày đó, Mẹ cho chúng tôi mặc đồ đẹp, đến chùa thật sớm, chạy nhảy chơi xung quanh chùa, trong khi Mẹ và các cô chú vào trong chánh điện niệm Phật, xong lễ thì đựơc ăn bữa tiệc chay thiệt ngon. Nhưng điều đặc biệt mà đám nhỏ tụi tôi luôn luôn háo hức chờ đợi vào ngày này, đó là “Lễ Tắm Phật”. Đám nhóc chúng tôi chen lấn nhau mà xếp hàng, đứa nào cũng muốn mình là người đầu tiên đựơc xối gáo nước lên mình tượng Đức Phật nhỏ xíu thiệt là dễ thương. Tôi vẫn còn nhớ mãi có một năm, tôi và nhỏ bạn dành nhau khi đứng xếp hàng, nên la ó um sùm, và cuối cùng thì hai đứa “oảnh tù tì” xem ai được tắm Phật trước. Tôi “tù xầm” thắng, nên khoái chí và hí hửng lắm. Khi tới lượt tôi, sư cô múc đưa tôi một gáo nước nhỏ xíu từ một thùng nước, kêu tôi xối bên vai phải của tượng Phật, tôi làm theo, mà lòng sướng rơn. Xong rồi, khi tôi hớn hở dợm bước đi, thì sư cô gọi lại và đưa tôi một gáo nhỏ nữa, bảo tôi xối bên vai kia của Phật. Tôi ngạc nhiên lắm, nhưng cũng làm, mà vừa làm tôi vừa để ý, thì thấy rằng gáo nước này sư cô múc từ một thùng nước khác. Tôi lấy làm lạ, nên khi về nhà tôi hỏi mẹ. Mẹ tôi bảo, “Mẹ cũng không rõ nữa, nhưng sư cô bảo sao con cứ làm vậy đi, đừng thắc mắc…”. Tôi chưa chịu, hỏi lại, “Người ta xếp hàng đông quá Mẹ, thế tại sao mỗi người lại phải xối 2 lần, 2 gáo nước, bên vai phải rồi vai trái nữa, vậy có phải là mất thêm thời gian không?”. Mẹ tôi không nói gì, thì bà chị tôi xen vô, “Có gì đâu mà thắc mắc, mình phải tắm Phật cho đều hai bên chứ, nếu chỉ xối nước một bên thì bên kia còn dơ thì sao?” Tôi cười to. “À há, đúng rồi, mình tắm là phải tắm cả hai bên thân thể, mới sạch đều hai bên chứ...”.
Bao nhiêu năm tháng trôi qua, cái câu hỏi con nít ngày nào dường như tôi đã quên bẵng đi. Tình cờ mới đây, trong một dịp đi chùa, tôi có dịp trò chuyện với một vị Thầy. Nhân mùa Phật Đản, khi Thầy giảng cho mọi người nghe về Lễ Tắm Phật, bỗng dưng điều thắc mắc mấy chục năm trước lại hiện về. Tôi đem câu hỏi ngày xưa ra hỏi Thầy, thì Thầy hỏi lại tôi, “Thế khi con xối hai gáo nước, con có chạm tay vào nước, để biết là nước nóng hay lạnh không?” Thật tình là lúc đó, tôi không hề biết nước lạnh, ấm ra sao cả. Thế là Thầy giải thích cho tôi nghe, về ý nghĩa của nghi lễ Tắm Phật như sau ...
Theo truyền thuyết, ngay khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh, có hai vị Long vương đến phun hai dòng nước tắm cho Thái tử. Một vị phun dòng nước lạnh và một vị phun dòng nước nóng. Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của cuộc sống hằng ngày, mà tất cả mọi người sanh ra trên thế gian này phải chịu đựng. Thái tử Tất Đạt Đa đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh và nóng đó, sau này trở thành Đức Phật Thích Ca.
Trong kinh sách, Đức Phật dạy rằng: người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an nhiên tự tại, thì người đó là một vị Phật trong tương lai. Đây là ý nghĩa hết sức thâm trầm vi diệu của Đạo Phật. Trong kinh sách, những cảnh thuận nghịch của cuộc đời được gọi là: bát phong. Bát là tám, phong là ngọn gió. Bát phong chia làm bốn cặp, mỗi cặp gồm hai cảnh giới thuận nghịch, đó là: lợi lộc và suy sụp, hủy báng và danh dự, xưng tán và chỉ trích, khốn khổ và lạc thú.
Trên đời này, cảnh khổ quá nhiều: Sanh, Lão, Bệnh, Tử là khổ, cầu mong không được, thương yêu phải chịu chia lìa, thù ghét gặp nhau, thân thể ốm đau, tâm loạn động bất an cũng đều khổ. Còn hưởng thụ các lạc thú trên đời, cũng không ít việc đưa đến phiền não, khổ đau sau đó.
Trong Phật giáo, thường có nhiều hình thức nghi lễ, nhằm mục đích truyền bá giáo lý sâu rộng trong nhân gian, giúp đỡ mọi người xây dựng cuộc sống hiện tại được an lạc và hạnh phúc hơn. Nghi lễ tắm Phật dựa vào truyền thuyết hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Đạt Đa trong ngày đản sanh nói trên.
Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. Đây chính là ý nghĩa sâu xa của nghi lễ tắm Phật và việc tu tập theo đạo Phật vậy...
Nhân ngày Lễ Phật đản, mong rằng mỗi người chúng ta luôn luôn có được cái Tâm bình tĩnh thản nhiên, để đương đầu với mọi thuận cảnh cũng như mọi nghịch duyên của cuộc đời...
Chúc mọi người đều có một cuộc sống an lạc, để khi mãn trần duyên, có thể ra đi một cách bình an...