Bước vào tuổi những tuổi sáu mươi, tôi mời đạo tràng chùa
Tri Lễ đến tụng kinh. Em tôi bảo: “Sinh nhật mà tụng
kinh!”. Tôi cười: “Dâng tổ tiên một biến kinh”. Trời mưa,
đạo tràng xa đến chỗ tôi, ai cũng ướt. Tôi xúc động! Họ là
những người nhặt chai bao (đồng nát), nghèo nhưng tâm tu
học Phật giàu. Vài gia đình được sự giúp đỡ của Nguyễn
Hoàng Minh Loan (Trà My). Quỹ từ mẹ và các em của chị
bên Mỹ gửi về cho người nghèo. Nhà Trà My làm quạt thư
pháp. Trên lầu thờ Phật, hàng tháng ngày mùng Tám âm
lịch đạo tràng Ba Mươi chùa Tây Lộc, Huế đến tu học. Dạo
Tết, chị mua nếp, đậu xanh, đậu phụng san sẻ cho nhà
nghèo. Tôi cũng có phần, khi chị xúc nếp cho tôi, chị đọc
câu thơ cuối trong bài thơ của tôi:
BÍ ẨN CỦA BIỂN
Tôi tập rỗng lặng
Lòng cứ đầy lên bao điều ước
Chạm trống không và ngại trắng tay
Tôi cố làm thật đầy
Loanh quanh có có không không
Đời vẫn cạn, tay trắng, trắng hơn
Tôi hỏi lòng biển
Sao biển không bao giờ cạn
Biển trả lời:
Hãy biết ban cho
N.N.A
Trong Tết, Trà My cho tôi chiếc xe đạp. Ra Giêng, con trai
chị bị mất xe đạp. Vợ tôi bảo tôi đem chiếc xe đạp cho con
chị. Chiếc xe này nhiều lần muốn đi. Hôm con gái tôi đi
học, quên ở trường, ông Kiên cai trường cất qua đêm. Ông
thường giữ hộ áo ấm, mũ học sinh quên. Rồi, thằng con tôi,
cu No (tâm thần phân liệt thể nhẹ) đạp xe đi xem pháo hoa
đêm Ba mươi Tết, nó gửi xe, trở ra tìm chỗ gửi xe không
ra, đành đi bộ về nhà lúc 3 giờ. Mùng Mười đồn Công an
Phú Thuận trả xe đạp cho tôi, sau khi tôi viết Giấy nhận xe
và trả lời vài câu nghiệp vụ. Vừa rồi, con tôi bị mất xe đạp.
Vợ tôi điện cho tôi hay khi tôi tu một mình trên Cốc riêng:
“Phúc bị mất xe đạp...”. Tôi trả lời: “Mừng cho họ có thêm
vài lon gạo. Họ nghèo mới ăn cắp”. Trước đây, nhà tôi bị
mất xe đạp, tôi hùng hùng hổ hổ đi tìm. Nay nhu nhược thế
lại hay. Vợ tôi, một giáo viên tốt bụng, thấy học trò trời rét
ăn mặc phong phanh, kiếm áo ấm cũ cho. Tháng trước, trò
Hoài Bắc, bố nằm viện, mẹ Hoài Bắc gửi nhờ cô giáo, vợ
tôi chở về nhà ăn trưa, nấu nước tắm, chải tóc, chiều chở
em đi học, hơn 1 tuần. Mẹ Hoài Bắc xin gửi tiền ăn. Vợ tôi
không nhận… Hạnh - vợ tôi vẫn nuôi thằng con riêng tâm
thần của tôi. Tôi nói: “Mẹ con cho thằng No ăn một chén
sau này cu Phúc được hai chén”. Vợ tôi bảo: “Cho No ăn
một chén sau cu Phúc và bé An ăn mười chén”. Tôi rất cảm
động lòng từ và đức độ của Hạnh. Vợ tôi không chỉ nuôi
dưỡng con cái tôi, còn lo cho bàn thờ, chạp giỗ tổ tiên và
mẹ chồng (mẹ tôi). Hạnh không cần đất đai, không có thừa
tự gì cả dù là con dâu trưởng trong họ. Bao giờ cũng vô tư
đóng góp phần nhiều và hết lòng với họ Nguyễn của tôi.
Trong thời kỳ mẹ tôi đau ốm, tôi có đến 7 em dâu, tôi muốn
động viên các em trai, em dâu và không muốn ai động vào
thân xác mẹ tôi sau khi mẹ tôi vừa ra đi. Tôi làm bài thơ
khi mẹ tôi chưa mất, tôi phải nói tôi, sợ các em tôi nói tôi
cầu mẹ chết. Tôi dán bài thơ ở cửa phòng mẹ tôi nằm:
Dặn Con
Cuộc tử sinh
Chảy một đời số phận
Trái đất buồn
Quay tít triệu tỷ năm
Ngày không thở
Là ngày về đất
Biết cúi đầu tịnh niệm
A Di Đà…
Khi cha biệt
Trái đất quay không tiếc
Một tạm ngừng
Triệu vẫn còn đi
Các con hãy
Để cha nằm yên đấy
Tám giờ trôi
Nhất niệm
A Di Đà…
Đừng động đậy
Đừng đổi dời thân xác
Cuộc bãi dâu, mưa nắng đã rồi
Hãy đồng niệm hồng danh
Đức Phật
Tiễn cha về kiếp mới
Vãng sanh tu.
N.N.A
(Con dâu chăm sóc mẹ chồng công đức vô lượng)
Trà My gửi 100 chiếc quạt cúng dường thầy Nguyên Kim ở
chùa Cổ Lâm, Seattle, WA.USA. Ông Trương từ Mỹ về gửi
Trà My 400USD, tiền của thầy Nguyên, gửi về làm từ
thiện. Trà My, chị Huệ, chị Hòa và tôi đi cúng dường. Đến
chùa Tây Lộc mời những người nghèo đến phát tiền. Bà
con mỗi người mỗi cảnh, Anh Nguyễn Thọ ở 142 Lương
Ngọc Quyến, Huế, có con 4 tuổi, chờ mổ tim ở Bệnh viện
Trung ương Huế, chị Trà My phân anh 400.000 đồng. Anh
Thọ nói: “45 triệu để mổ tim, em đã xin đủ, giờ mong các
Bác sĩ giúp thêm ít thuốc thang thôi”. Nguyễn Bảo Lộc ở
phường Trường An, tâm thần, được 20USD. Ông Nguyễn
Đình Phụng đạp xe thồ ngang qua, vào xin, được tặng
100.000 đồng. Tôi hỏi ông Đặng Ngọc Chữ ở La chữ,
huyện Hương Trà: “Sao chú biết đây phát tiền mà đến?”,
“Cô Trà My gọi điện thoại. Thỉnh thoàng cô gọi đến nhận
tiền, khi nhận gạo”.
Chúng tôi lên chùa Đức Sơn - Trung tâm Nuôi dạy Trẻ Mồ
Côi (NDTMC), cách Huế 7km, phường Thuỷ Bằng, thị xã
Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế, thường xuyên nuôi
dưỡng trên dưới 200 em nghèo, mồ côi, tuổi từ sơ sinh đến
trưởng thành. Xưa, chùa Đức Sơn (1964) là một Niệm Phật
đường, các ni cô khai phá, tu bổ, xây dựng. Niệm Phật
đường thành chùa Đức Sơn và một Cô nhi viện nuôi dạy trẻ
mồ côi. Mấy chục năm qua sư cô cô Minh Tú vẫn duy trì
quà tặng cho các em mồ côi, nhà nghèo và khuyết tật trong
vùng. Cụ thể, niên khóa 2011-2012, tặng trường Tiểu học
Thủy Xuân, 30 bộ áo quần mới giúp học sinh
nghèo…Chúng tôi được gặp sư cô Minh Tú, cúng dường
Trung tâm 200USD. Nhóm từ thiện tiếp tục lên chùa Trầm
Hương...
Tôi tự tu thiền từ năm 1972, không minh sư, bị mắc thiền
bệnh “Rối loạn nhân cách” nói nhiều, thờ ơ với cuộc đời.
Trà My khuyên tôi đi chùa, học pháp, theo đạo tràng đi
tụng kinh… Mẹ của chị gửi cho tôi tháng 200 VNĐ cùng
02 lít dầu hỏa khuyến tôi tu học và giữ đèn đỏ suốt 24/24
giờ trên hai bàn thờ Phật. Chị kể lời của ni cô Hiền Diệu:
“Cô tụng kinh nhiều khi cô không hiểu hết nghĩa của kinh.
Tuy nhiên cô thấy như dùng chiếc rá múc nước, mỗi lần
múc nước chiếc rá không giữ được nước nhưng sạch hơn.”.
Anh bạn tôi, một nhà thơ thiền, có lần cùng dự Trại Sáng
Tác với tôi, bảo tôi; “Sống sạch, viết sạch”. Tôi từng nhặt
của anh một cái bóp đựng hơn 3 cây vàng và tám triệu đồng
tiền mặt, trả lại anh, thành bạn anh từ đó. Tôi hỏi anh: “Anh
đi sáng tác đem theo nhiều tiền vậy?”. Anh nói: “Mình bán
miếng đất nhỏ trên Định Quán cho cô em gái, nghe dự Trại
mình thẳng đến đây luôn chưa kịp về nhà”. Nói chuyện đất,
ông bạn tôi nói, ông có nhiều miếng đất, khi giải phóng ông
có hai chiếc xe Jeep, một chiếc được trưng dụng, miếng đất
ông đang ở rộng hơn 2000m2 ngay bên thành phố. Còn tôi
có 3000m2 đất và ngôi nhà Tranh, khi tôi đi Kinh tế mới,
3000m2 của tôi được trưng dụng cùng nhà của ba tôi. Đến
nay, nếu còn chỉ một ít, tôi có thể gỡ ăn đến mãn đời không
hết. Thấy tôi buồn buồn. Ông bạn tôi nói: “Phù du, thôi An
ơi!”. Giờ, tôi nghe lời dạy của ni cô, tôi tập tụng kinh, tự
dùng rá múc nước rửa tội mình và tập sống sạch, viết sạch
như ông bạn của tôi dặn.
Những ngày đầu năm, mở chuyến đi làm từ thiện, đem ít
nhiều niềm vui đến với người, người vui mình cũng vui.
Con gái út của tôi là Nguyễn Nguyên An, năm rồi dự thi
Môn Tiếng Việt, được Giải Nhì thành phố, sau đó Giải Nhì
tỉnh và Học kỳ I này bé học đạt vị thứ Nhất lớp. Bé có lòng
tử tế với mọi người, không biết hại ai, biết yêu thương
những sinh linh nhỏ bé. Hôm đi lên tượng Phật Bà Quan
Âm, bé cầm xấp tiền lẻ được lì xì phát hết cho những người
nghèo, hết tiền lại xin bố mẹ, để phát tiếp. Tôi nghĩ, đó là
nhờ công đức của Hạnh, nhờ tôi ăn chay trường, tu học con
tôi mới có lòng tốt như thế! Chúng tôi tập cho đi để rỗng
lặng, khi rỗng lặng mới đựng đầy an vui…
Tịnh cốc Tây An, 21022013
N.N.A
Địa chỉ liên lạc: NGUYỄN VĂN VINH (NNA) - 50 Trần
Thái Tông, Huế -Tel: 01688971486