KIM THÁNH THÁN
Trùng tuyên
Kinh Phật hoá Tôn-đà-la-nan-đà nhập đạo
Bản Hán : Kim Thánh Thán [ ? -1661]
Bản Việt : Nhượng Tống [ ? -1948]
Trích từ Mái Tây ( Tây sương ký )
Chú thích : Đặng Hữu Phúc
…Phật nói
Hết thảy chúng sinh
Ở trong bể khổ
Vì nhân nghĩ càn
Gây duyên lăn-lộn …
Duy-Nhiên thế - tôn hỏi :
Thế nào là vì nhân nghĩ càn
Gây duyên lăn-lộn
Phật nói : Được lắm !
Nhà ngươi để ý
Ta giảng cho nghe :
“ Cõi đời vốn là
Một bể không lớn
Thường tự hòa-hợp ,
Không phép gặp mặt ;
Thường tự vắng-lặng ,
Không phép biệt-ly ;
Không có Ta , Nó ,
Không phải không kể…
Nhất-thiết đều-đủ ,
Không thể kể được..
Nhưng mà chúng-sinh ,
Vì cớ vô-minh ,
Chẳng giữ tính mình…
Tự-nhiên nghiệp-chướng ,
Như sức gió thổi
Xin cho nghĩ càn
Chăm-chui tỷ- mỷ .
Bắt đầu từ chỗ
Không ta trong sạch ,
Suy xằng tính bậy ,
Bảo đây là ta !...
Đã có ta rồi ,
Ngoài ra chúng nó
Không phải là ta ,
Tự-nhiên không thể
Không gọi là người .
Vì thế lần-lượt ,
Bao nhiêu những kẻ ,
Không phải là Ta
Mà gọi là Người
Cũng đều suy-tính ,
Và đều tự bảo :
Đây chính là Ta .
Đã đều tự bảo
Đây chính là Ta ,
Thì đối với Ta ,
Tự nhiên chúng nó
Đều cho là Ta
Không phải chúng nó …
Không phải chúng nó ,
Thì tất chúng nó
Không thể không lại
Gọi Ta là người …
Bọn chúng-sinh ấy
Cùng sinh một nước
Hoặc một bộ lạc
Có khi một nhà…
Đối lẫn với nhau
Sinh lòng mến-yêu
Vì cớ mến-yêu
Sinh ra không-biết
Khăng-khít lâu ngày
Gây nên ân-nghĩa
Ân sâu nghĩa nặng
Bày ra lời nói
Hoặc khi tựa vai
Hoặc khi kề đùi
Hoặc khi giắt tay
Hoặc khi ôm-ấp
Nhẹ lời sẽ tiếng
Chỉ bể thề non
Rằng tôi ở đời
Chỉ yêu một người …
Mà một người ấy,
Tức là mình đó !
Tôi thực không yêu
Một người nào khác …
Và lại nói rằng :
Nay tôi với mình
Tức là một người
Không có phân biệt…
Và lại nói rằng :
Mình không phải mình !
Tôi không phải tôi !
Mình mới là tôi !
Tôi mới là mình !
Khi đã nói ra
Những lời như thế
Đôi tình yêu-mến
Như đôi nai khát
Chạy vào đống lửa !
Không thích lời can
Của người ngoài cuộc
Cũng không để cho
Những người ngoài cuộc
Được biết chuyện mình…
Ở ngay trong nhà
Xây một lầu cao…
Sửa sang trang-sức
Cho rất xinh-đẹp
Giữa đặt giường êm
Hai đầu bày gối …
Ống tiêu , ống địch ,
Đàn , sáo , tì-bà ,
Các thứ âm-nhạc
Bày ra không thiếu …
Rồi đó hai người
Ngồi ở trong lầu
Lấy đêm làm ngày
Lấy ngày làm đêm
Nhất-thiết những việc
Người đời thường làm
Thì hai người ấy
Cũng đều làm cả
Rồi đến những chuyện
Người đời chưa làm
Nhưng hai người ấy
Cũng đều làm cả
Bốn mặt lầu ấy
Đều xây tường cao
Thang , bậc dưới lầu
Cất bỏ không để
Không để cho ai
Có thể nom-dòm
Cũng không để ai
Được lên tiếng gọi…
Hạng chúng-sinh ấy
Chìm ở trong bể
Lăn-lộn nghĩ càn…
Vì nhân nghĩ càn
Làm chuyện lăn-lộn…
Vì duyên lăn-lộn
Lại sinh nghĩ càn
Nghĩ càn ! Nghĩ càn !
Lăn-lộn ! Lăn-lộn !
Hạng chúng-sinh ấy
Sa vào trong đó
Kể từ một kiếp ,
Cho đến hai kiếp ,
Ba kiếp , bốn kiếp ,
Rồi hàng nghìn kiếp
Như kẻ say rượu
Mờ-mịt mê-man…
Bệnh ấy ít thuốc
Có chữa sao nổi !... “
Thế-Tôn đương ngồi
Liền đứng ngay dậy
Sụt-sùi khóc mếu
Lại thưa Phật rằng
Lạy đức Đại-từ !
Hạng chúng-sinh ấy
Sao độ được họ ?
Phật dạy : được lắm !
Nhà ngươi để ý
Ta nói cho nghe :
“ Hạng chúng-sinh ấy
Không thể độ thoát !
Dù đức Như-lai
Đại-từ đại-bi ,
Nhiều cách thuyết pháp
Rất là khôn-khéo
Cũng không làm sao ,
Độ thoát được chúng !
Huống chi kém ngài :
Bọn tu-đà-hằng
Bọn tỳ-đà-xá
Bọn tích-chi-phất
Có làm thế nào
Mà độ chúng thoát ? “
Thế-Tôn khi ấy
Lại thưa Phật rằng :
Lạy đức Đại-từ !
Hạng chúng –sinh ấy ,
Như lời Phật dạy ,
Thì không bao giờ
Được độ thoát sao ? “
Phật rằng : “ Được lắm !
Nhà ngươi để ý
Ta nói cho nghe :
Hạng chúng-sinh ấy ,
Độ sao được thoát !
Ví phỏng kiếp trước
Có dày phúc đức
Thì họa may ra ,
Có độ thoát chăng !
Có thể độ được
Nhưng là chúng nó ,
Lại tự độ lấy
Chứ không phải ai
Có thể độ được !
Thế nào lại bảo :
Đáng không độ thoát ,
Bỗng được độ thoát ?
Mà lại là chúng ,
Tự độ lấy thoát ;
Chứ người ở ngoài ,
Không thể độ được ?
Nhà ngươi để ý ,
Ta giảng cho nghe !
Hạng chúng-sinh ấy ,
Đương lúc lăn-lộn ,
Phúc-đức kiếp trước ,
Bỗng-dưng tới nơi …
Thì chúng nó sẽ ,
Cùng nhau ly-biệt …
Hoặc vì việc quan ,
Mà sinh ly-biệt …
Hoặc vì lệnh vua ,
Mà sinh ly-biệt !
Hoặc vì cha mẹ ,
Có việc sai-bảo ,
Mà sinh ly-biệt !
Hoặc vì giặc-giã
Gây chuyện binh-đao ,
Mà sinh ly-biệt !
Hoặc vì kẻ thù ,
Tìm phương hãm-hại ,
Mà sinh ly-biệt !
Hoặc vì kẻ mạnh ,
Ra tay bắt hiếp
Mà sinh ly-biệt !
Hoặc tự chán-ghét ,
Mà sinh ly-biệt
Hoặc nghe gièm-pha ,
Mà sinh ly-biệt ,
Có khi hoặc vì ,
Nghiệp-báo đã hết ,
Kẻ chết , người sống ,
Ly-biệt mãi mãi !
Nhà ngươi để ý :
Ly-biệt là thứ ,
Trí-thức rất hay ,
Cho bọn chúng-sinh ,
Nghĩ càn lăn lộn .
Ấy là thuốc hay ,
Chữa bệnh mê-đắm.
Ấy là dao sắc ,
Cắt giây ái-ân ,
Ấy là đường phẳng ,
Dọn sạch chông-gai .
Ấy là lệnh-xá ,
Tha tội trói-buộc .
Nhà ngươi để ý :
Hết thảy chúng-sinh ,
Rất khổ ly-biệt ,
Rất khó ly-biệt ,
Rất trọng ly-biệt ,
Rất giận ly-biệt ! …
Nhưng vì nhờ sức ,
Phúc-đức kiếp trước
Cho nên tất phải
Có lúc ly-biệt .
Một khi ly-biệt ,
Ly-biệt hết thảy!
Thẩn-thơ ngồi rồi ,
Như mơ chợt tỉnh .
Trong lòng nhẹ-nhõm
Chẳng cũng sướng sao !
Nhà ngươi để ý :
Ví phỏng chúng nó ,
Từ ngày kiếp trước
Không có phúc-đức
Thì đến kiếp này ,
Không ly-biệt nổi
Đã không ly-biệt ,
Tất lăn-lộn mãi
Sinh chán ghét nhau …v.v. “
[ Chú thích: Đặng Hữu Phúc ]
[1] Cõi đời vốn là, Một bể không lớn [=Thế gian hằng như, Như đại không hải ], Thường tự hoà hợp, Không phép gặp mặt, Thường tự vắng lặng, Không phép biệt ly.
[ Thường tự hoà hợp nên không có cái pháp tên là pháp hội hiệp (= phép gặp mặt )—(phép = pháp ) ]
[Thường tự vắng lặng nên không có cái pháp tên là biệt-ly (= phép biệt-ly)]
|| Không biết = vô minh
||. Nghĩ càn = vọng-tưởng = điên-đảo tưởng
|| Lăn-lộn = trao-đảo
|| Nghĩ càn lăn-lộn = trao-đảo vọng-tưởng .
-----------------------------------------------------------------------
[2] Có bốn thứ trầm-luân :
(1) Trầm-luân do dục tham ( desire )
(2) Trầm-luân do dục hữu (existence ; becoming) : mong cầu hiện hữu , mong cầu tái sinh
(3) Trầm-luân do vô-minh ( ignorance) : chấp thủ vào ngã [self grasping ] là gốc rễ của sinh-tử luân chuyển .Gồm chấp thủ vào cá-biệt ngã [self grasping of person] và pháp ngã [ self grasping of phenomena].Vô-minh là biết sai , không phải chỉ có nghĩa là không biết .
(4) Trầm-luân do tà-kiến ( wrong view) : không có chánh tín với lý duyên khởi [= lý duyên sinh, lý nhân duyên=dependent origination; relational origination; dependent arising; interdependent arising, cause and effect]; tin vào Đấng tạo lập hữu ngã thường hằng , bản ngã thường hằng ; hoặc tin vào đoạn diệt [không có nhân quả , không có đời trước đời sau , chết là hết, không có giải thoát ]
-------------------------
[3] Nhân duyên
Chúng-sinh hay sự , vật có ra hình-sắc đều do sự tạo-tác tiếp nối của 12 nhân duyên .
Mười hai tiếp-nối [= links] của một vòng duyên khởi : 1. vô-minh 2. hành 3. thức 4.danh sắc 5. sáu xứ (=lục nhập) 6. xúc 7. thọ 8. ái 9.thủ 10.hữu 11.sinh 12.lão tử .
Trong The Middle Way [2009] Đức Dalai Lama giảng –theo ngài Long Thọ
(1) vô-minh [ ignorance] , (8) ái [craving]và (9) thủ [grasping] là nguồn gốc của khổ đau dưới hình thức những phiền não [afflictions] ;
trong khi đó (2) hành [volition] và (10) hữu [becoming] là nguồn gốc của khổ đau dưới hình thức tác hành tạo nghiệp [ karmic action] .
Bảy còn lại , (3) thức [conciousness] ,(4) danh và sắc[name and form], (5) sáu xứ [sources] , (6) xúc [ contact] , (7) thọ[feeling] ,(11) sinh [ birth] và (12) lão và tử [aging and death] tạo thành chân lý về khổ [ = khổ đế]
-----------------------------
[4] Kinh Trung Bộ nói về lý tính Duyên khởi :
Cái này có, nên cái kia có; Cái này sinh, nên cái kia sinh; Cái này không có, nên cái kia không có; Cái này chấm dứt, nên cái kia chấm dứt .
[ Majjhima Nikaya II,32 : This being, that becomes; from the arising of this, that arises; this not becoming , that does not become; from the ceasing of this, that ceases.]
--------------------------------
[5] Kinh Đại-thừa nói về lý tính duyên sinh : Salistambasutra (Sanskrit)
[Xá-Lê-Sa-Đảm-Ma kinh] =Kinh Duyên-Sinh [=Phật thuyết Đại-thừa Đạo-can kinh ].
Thích-Tâm-Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt [Saigon 1957; in lại trong: Chư Kinh Tập Yếu Tập I , Thích-Tâm-Châu , Toronto, Canada, 2004 , gồm 21 bản kinh ngắn]
Đạo-can nghĩa là lúa nếp. Đức Phật nhân trông thấy cánh đồng lúa nếp Ngài nói ra kinh này .
“ …Đại Bồ-tát Di-Lặc đáp lại Cụ Thọ Xá-Lỵ-Tử rằng :
Nay Phật, Pháp Vương , Chánh-Biến-Tri bảo các vị Tỳ-khưu : ‘Nếu ai thấy được Nhân-duyên , tức là người ấy thấy được Pháp ; nếu ai thấy được Pháp tức là người ấy thấy được Phật’ , vậy trong này thời cái gì là Nhân-duyên ? Nói là Nhân-duyên, thời : “đây có nên kia có , đây sinh nên kia sinh”.
Như : Vô-minh duyên cho Hành, Hành duyên cho Thức, Thức duyên cho Danh-sắc, Danh-sắc duyên cho Lục-nhập, Lục-nhập duyên cho Xúc, Xúc duyên cho Thụ, Thụ duyên cho Ái, Ái duyên cho Thủ, Thủ duyên cho Hữu , Hữu duyên cho Sinh, Sinh duyên cho Lão-tử, sầu, thán, khổ, ưu, não, sinh khởi được. Như thế , là chỉ sinh-khởi sự kết-tụ những khổ đau lớn-lao , thuần-nhất, cùng cực vậy.
Cũng trong này,Vô-minh diệt nên Hành diệt, Hành diệt nên Thức diệt, Thức diệt nên Danh-sắc diệt, Danh-sắc diệt nên Lục-nhập diệt, Lục-nhập diệt nên Xúc diệt, Xúc diệt nên Thụ diệt, Thụ diệt nên Ái diệt, Ái diệt nên Thủ diệt , Thủ diệt nên Hữu diệt, Hữu diệt nên Lão-tử, sầu, thán, khổ, ưu, não , cũng diệt được. Như thế là chỉ diệt sự kết-tự những khổ đau lớn-lao, thuần-nhất,cùng cực là được. Đó là Đức Thế-Tôn nói ra pháp Nhân –duyên vậy .
-------------------------------------
[6] Phật nói về lão-bệnh -tử
‘’ Các đệ tử ơi !
Ta thuở bé giàu-sang như thế . Ta sống trong cảnh huy-hoàng như thế .Mà tư-tưởng ta lại nảy ra như thế này :
người thường-tục, ngu-muội, mặc dầu biết phải có lúc già-nua, và không thoát được khỏi năng-lực của sự già-nua, lại ghét, lại gớm-nhờm, chán-ngán , khi trông thấy một kẻ khác già-nua. Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình.
Còn ta, ta cũng phải già, không thoát được già. Vậy , đã mà cũng phải già, không thoát được già, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán, khi ta trông thấy một người khác già hay không ? Không có lẽ ta như thế .
Rồi trong khi ta ngẫm-nghĩ như thế riêng cho ta, thời, các đệ tử ơi !
Bao nhiêu những cái vui của tuổi thanh-niên, không lià tuổi thanh niên, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu-tan hết ở nơi ta.
Một người thường-tục, ngu-muội , mặc dầu biết mình phải có lúc chịu bệnh , lại gớm-nhờm, chán ngán, khi trông thấy một kẻ khác bị bệnh tật giày-vò . Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình .
Còn ta, ta cũng phải có lúc chịu bệnh và không thoát khỏi năng lực của tật-bệnh, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán, khi ta trông thấy một người khác bị tật-bệnh giày-vò hay không ? Không có lẽ ta như thế .
Rồi trong khi ta ngẫm-nghĩ như thế riêng cho ta, thời, các đệ-tử ơi!
Bao nhiêu những cái vui của sự mạnh-khoẻ , không rời sự mạnh-khoẻ, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu-tan hết ở nơi ta .
Một người thường-tục, ngu-muội , mặc dầu biết mình phải có lúc chết và không thoát được năng-lực của sự chết , lại ghét, lại gớm-nhờm, chán-ngán, khi trông thấy một kẻ khác bị làm vật hy-sinh cho sự chết. Rồi lòng ghét ấy quay trở về mình.
Còn ta, ta cũng phải có lúc chết, không thoát khỏi năng lực của sự chết . Vậy đã mà phải có lúc chết, không thoát được khỏi năng-lực của sự chết, ta có nên ghét, nên gớm, nên chán, khi ta trông thấy một người khác bị làm vật hy-sinh cho sự chết hay không ? Không có lẽ ta như thế .
Rồi trong khi ta ngẫm-nghĩ như thế , thời , các đệ-tử của ta ơi ! bao nhiêu những cái vui của đời sống, không lià đời sống, bao nhiêu những cái vui ấy lại tiêu-tan hết ở nơi ta .”
[ Phan Văn Hùm- Triết học Phật giáo trang 24-- dẫn từ kinh Anguttara nikaya -- dẫn bởi Oldenberg---dịch ra chữ pháp do Foucher ]
-------------------------------------
[7] Phật nói về ba kiến chấp nguy hại
“ Này các Tì kheo, các Bà la môn và ngoại đạo có ba kiến chấp nguy hại như sau :
- Phàm tất cả các cảm giác mà con người lĩnh thọ hoặc hạnh phúc hoặc đau khổ, hoặc không hạnh phúc cũng không đau khổ, tất cả đều do nghiệp quá khứ [ Túc mạng luận ] .
- Phàm tất cả cảm giác mà con người lĩnh thọ hoặc hạnh phúc hoặc đau khổ, hoặc không hạnh phúc cũng không đau khổ, tất cả đều do không nhân không duyên [ Ngẫu nhiên luận ]
- Phàm tất cả cảm giác mà con người lĩnh thọ hoặc hạnh phúc hoặc đau khổ, hoặc không hạnh phúc cũng không đau khổ, tất cả đều do đấng tạo hoá [ Thần ý luận ]
Này các Tì kheo , ta nói với chúng như sau : Như vậy thời theo các tôn giả , do “ nghiệp quá khứ “ do “ ngẫu nhiên vô cớ “ và do “đấng tạo hoá “ mà con người trở thành sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi [ nói chia rẽ ] , nói lời phù phiếm; do những nguyên nhân trên mà con người trở thành tham lam, sân hận, si mê và tà kiến .
Này các Tì kheo, với những ai dựa vào “đấng tạo hoá”, dựa vào “ nghiệp quá khứ” dựa vào “ tự nhiên, ngẫu nhiên” cho là lí do chân thật thì nên biết rằng họ là người tà kiến và nguy hại hơn nữa là họ sẽ không có ước muốn, không có tinh thần “đây là việc phải làm, đây là việc không nên làm ..” và họ sẽ sống thất niệm , buông lung tội ác với tâm không hộ trì .
Này các Tì kheo đó là ba chủ trương của ngoại đạo, họ vẫn chấp chặt, bảo thủ quan điểm sai lầm ấy . [ Tăng chi I ]
[8] Nói Duyên khởi nghĩa là nói các pháp [= phenomena; events; process] có hiện hữu hiện hoạt [= actual existence ] nhưng các pháp đều không có tự tính [ empty || empty of what ? || empty of intrinsic existence; empty of inherent existence ] nghĩa là không có hiện hữu tự lập [ existence by their own rights ], không có hiện hữu độc lập [ independent existence ] đối với các pháp khác, nghĩa là lệ thuộc vào nhân duyên và do trùng trùng duyên khởi mà biến hiện .
Không nên xem tính không, tính-không –có-tự-tính này là tự-tính, hoặc một thứ tự-tính .
Nói các pháp đều không, là nói các pháp không có tự tính, các pháp không có tính quyết-định, các pháp là pháp trở thành [=becoming], là pháp biến-dịch [=changing], là đang trên đường trở thành. Nếu các pháp có tự-tính thì sẽ không biến dịch, không trở thành.
Trung luận XXIV.16 : Nếu thấy hữu-tình hiện-hữu có tự-tính, tức là thấy hữu-tình hiện-hữu chẳng do nhân duyên .
|| Tính không là danh-từ giả-định, tên tạm-gọi [=imputational term].
Ngã, cá-biệt ngã [atman ; self] là một thực-thể hoàn toàn hư-cấu [a completely fictious entity]—là cái mà đạo phật luận giải và phủ định .
Người [pudgala ; person] là tên tạm gọi cho tổ hợp của sắc, thọ, tưởng , hành , và thức; Đạo Phật không tranh luận gì về điểm này .
Gốc rễ của luân hồi là do chấp ngã—cá-biệt ngã và pháp ngã .
Nói Duyên khởi tức là phủ-định cá-biệt ngã và pháp ngã , phủ định Đấng tạo lập và Đấng tạo lập hữu ngã thường hằng .
Nói Duyên khởi cũng là nói Tánh Không , cũng là nói Chân Không Diệu Hữu, cũng là nói Trung Đạo , cũng là nói Như Huyễn .
[Dependent Origination = Emptiness (=Openness) = Middle Way = Illusion]
[9] Hữu Vô :
Các biểu ngữ về kiến chấp : có 360 vọng kiến (false views) và 62 tà kiến (wrong views) của các triết gia (=nhà ngoại đạo), có thể tóm tắt thuộc hai nhóm có và không ( hữu và vô, thường hằng và đoạn diệt--being and non-being, to be and not to be, eternalism and nihilism).
Nhập Lăng già Đại thừa kinh tuyên bố là “…Các triết gia cũng như những kẻ sơ trí, họ tôn quý cái nhị biên giữa có và không (they cherish the dualism of being and non-being)”.
Trung luận XV.6 :
Nếu người thấy hữu, vô
Thấy tự tính , tha tính
Như thế thì chẳng thấy
Phật pháp chân thật nghĩa .
Trung luận V.6
Nếu không có cái có,
Làm sao có cái không .
Có , không , đã không có,
Ai biết có , biết không .
Trung luận V.7.
Cho nên biết hư không
Phi hữu cũng phi vô
Phi tướng phi sở tướng
Năm giới kia cũng thế
[ năm giới kia= năm đại kia = đất , nước , gió , lửa và thức giới
|| cũng thế = cũng như hư không giới ]
Trung luận V.8.
Kẻ sơ trí thấy pháp
Hoặc hữu hoặc phi hữu
Nên đã không thể thấy
Tĩnh chỉ của kiến chấp
[10] Cái gì thay đổi , cái đó là chiêm bao.Có hai thứ chiêm bao: nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao. Cái gì không thay đổi , cái đó là chân lý.
Ta đã làm chi đời ta ,
Nhớ ôi ngọc trắng ngày chưa cát lầm
tuy thế : Ta vẫn còn nguyên một hiện tại này
Nghìn sông nghìn nước nghìn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm trời
ta nên
ta về gặp lại tình ta
dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân
ta sống trong căn nhà hữu danh nhưng vẫn ở trong quê hương tịch lặng vô ngôn [Triệu luận - Đại sư Tăng Triệu ], quê hương bản lai diện mục, quê hương bản giác, quê hương tính bản phật phổ hiền.
–[ ta về gặp lại tình ta – dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân--thiền sư Viên-Minh] || ta về gặp lại tình ta =ta về gặp lại tính bản phật phổ hiền ||.
[Phổ Hiền= Samantabhadra =All Good One = All-around Goodness ].
------------------------------------------------
Tam quy theo Truyện Thủy Hử của Thi Nại Am
quy thứ nhất : giữ tính phật
quy thứ hai : theo chánh pháp
quy thứ ba : kính thầy mến bạn
--------------------------------------
Tất cả hãy phát huy
lành thay đức lớn
gốc tuệ sâu dày
sức nguyện trang nghiêm
ngày khác Hội Thượng Linh Sơn
nhìn hoa cùng cười
thiện tai đại đức
tuệ căn thâm hậu
nguyện lực trang nghiêm
dị nhật Linh Sơn Hội Thượng
niêm hoa tương tiếu
---------------------------------------
[11] Thẩn thơ ngồi rồi , Như mơ chợt tỉnh
Bồ-tát Long Thọ --Trung luận . VII.34
[ Nagarjuna and the Philosophyof Openness : Nancey McCagney]
As illusion , as dream , as an imaginary city in the sky ,
So have arising , endurance , and destruction been illustrated.
[ Nagarjuna : Kenneth K. Inada]
It is like an illusion , a dream , or an imaginarycity in the sky .
In such away , ( the concepts of ) origination , duration , and cessation have been described.
---------------------------
[ Thích Tuệ Sỹ ]
Như huyễn tượng , như chiêm bao , như thành phố giữa hư không ,
cũng vậy, những gì xuất hiện , tồn tại , rồi hủy hoại .
|| Trung luận : Thanh Mục (thích ) [Cưu Ma La Thập , Hán dịch -
- Thiện Siêu ,Việt dịch ]
Như huyễn cũng như mộng , như thành Càn-thát-bà ,
nói sinh , trụ , diệt, tướng nó cũng như vậy .
[12] Đức Phật Cồ Đàm thương xót hữu tình nên nói pháp nhân duyên
Trung luận XXVII. 29-30 [ Hai bài tụng cuối]
|| [ Trung luận -- Thiện Siêu dịch ]
(29) Vì tất cả pháp rốt ráo đều không , vậy thời ở chỗ nào , vào lúc nào , và ai khởi lên các kiến chấp cho rằng thế gian là thường , vô thường ,v.v…ấy.
(30) Đấng Đại Thánh Chúa Cồ Đàm , vì thương xót chúng sinh mà nói pháp duyên sinh ấy , để chấm đứt tất cả các thứ kiến chấp. Con nay xin cúi đầu kính lễ Phật .
-----------------------------------
|| [HT Thích Duy Lực dịch ]
(29) Vì nhất thiết pháp không
Những kiến chấp thế gian
Ở nơi nào , lúc nào ,
Ai khởi những kiến chấp
( hữu , vô , thường ,biên,v.v …)
(30) Đức Phật Đại thánh chủ
Thương xót ( chúng sinh ) thuyết pháp này
Đoạn tất cả kiến châp
Nay tôi đảnh lễ Phật
--------------------------------------------
[13] Một khi ly biệt , ly biệt hết thảy
Có kiến chấp về ly-biệt [ tỉ- dụ : người ly-biệt , người bị ly -biệt , sự ly-biệt ]
Một khi ly-biệt [thì hãy ] ly-biệt hết thảy.
Lià kiến chấp về “ly-biệt “ và cũng lià kiến chấp về “ ly-biệt hết thảy “ thì chính là : lià , lià lià [=lià cái lià] , lià lià lià ,lià lià lià lià , …lià hết thảy ; đó là đoạn tất cả kiến chấp .
---------------------------------
[14] Con đường Bồ tát :
Đoạn tất cả kiến chấp , trí chẳng trụ hữu vô , mà khởi tâm đại-bi , ngày nào hư không còn, tôi vẫn còn ở lại , tu lục-độ vạn-hạnh, với gốc tuệ sâu dày , với sức nguyện trang nghiêm ,cùng chung sức an lập , một nhân gian tịnh độ, quả hải của vạn đức , tình và cả vô tình , đều cùng thành phật đạo : bản phật phổ hiền .
--------------------------
[15] Kinh Lăng Già
Xa lià chấp đoạn thường
Pháp thế gian như mộng
Trí chẳng trụ hữu vô
Mà khởi tâm đại bi
-------------------------------------------------------
[16] Bồ tát Long Thọ --Ca Tụng Pháp Giới
[ Tán Pháp Giới Tụng ]
Tôi kính lễ pháp giới
Trú trong mỗi hữu tình
Nhưng họ không nhận biết
Nên nhân duyên ba cõi
[cõi dục , cõi sắc , cõi vô sắc] [Tụng 1]
---------------------------------------------------------
Do tịnh hóa vô-minh
Nguyên-nhân tâm ba cõi [tâm=a-lại-da thức]
Tịnh hóa là niết-bàn
Và hơn nữa : pháp-thân [Tụng 2]
--------------------------------------------------------
‘Vô-thường’, ‘khổ’, ‘không’
Cả ba tịnh hóa tâm
Pháp tốt nhất tịnh tâm
Là pháp vô tự-tính [Tụng 26]
---------------------------------------------------------
Giác chẳng xa , chẳng gần ,
Và chẳng đến , chẳng đi
Trú : hoặc thấy, không thấy ,
Trong mù sương phiền-não [Tụng 49]
---------------------------------------------------------
Thật-chứng trí bát-nhã
Đạt vô-thượng tịch-tĩnh
Thế nên kinh tạng nói:
Trú : tuệ-tri chính mình . [Tụng 50]
[pháp giới = phật tính =…] [ĐHP dịch]
------------------------------------------------------------
Nagarjuna—In Praise of Dharmadhatu
[ Commentary by Karmapa the third ,Translated &Introduced by
Karl Brunnholzl -2007 ]
I bow to you, the dharmadhatu ,
Who resides in every sentient being ,
But if they aren’t aware of you
They circle through this triple being [Stanza 1]
------------------------------------------------------------
Due to just that being purified
What is such circling’s cause ,
This very purity is then nirvana.
Likewise, dharmakaya is just this . [Stanza 2]
--------------------------------------------------------
‘Impermanence’,’suffering’, ‘empty’,
These three, they purify the mind .
The dharma purifying mind the best
Is the lack of any nature . [Stanza 26]
--------------------------------------------------------
Enlightenment is neither far or near ,
And neither does it come nor go.
It’s whether it is seen or not
Right in the midst of afflictions. [Stanza 49]
--------------------------------------------------------
By dwelling in the lamp of prajna ,
It turns into peace supreme.
So the collection of sutras says :
‘By exploring your self, you should rest!’ [Stanza 50]
------------------------------------------------------------------------
[17] Chân không [ =emptiness] , cũng là chân không diệu hữu [= openness] , cũng là tự do tuyệt đối [=absolute freedom] không có tự tính , có thể tạm biểu tượng như hư-không mà nắng không làm cho khô , mưa không làm cho ướt [Bồ tát Long Thọ], nhưng có hiện hữu hiện hoạt [=actual existence ] , và về phương diện hoạt dụng [=activity aspect ] mở ra các biến hiện theo nhân duyên [open to manifestations upon conditions], nghĩa là chân không và tự do tuyệt đối luôn luôn tôn trọng tác dụng của nhân duyên, tương ưng của nhân qủa, nghĩa là không bao giờ xoá bỏ trách nhiệm phổ quát [= trách nhiệm nhân quả | Có trời mà cũng có ta | Trời = Con tạo = Lý nhân duyên ].
Osho cũng giảng : mỗi hữu-tình chỉ là tâm-thức tuyệt-đối [ absolute consciousness] , tự-do tuyệt-đối [absolute freedom ]
[18] Đức Dalai Lama thứ 14, trong “The Middle Way“(2009) có dạy, nếu chỉ thực hành từ bi hỷ xả và mười nghiệp thiện thì vẫn chưa phải là thực hành phật pháp -- thực hành phật pháp là tu tập đi đến giải thoát.
Ngài cũng dạy-- nền tảng cuả lý tính Duyên khởi về phương diện hiển hiện [apparent aspect] giúp hữu-tình tích-tập phúc-đức [ accumulate merit] và nền tảng của lý tính duyên khởi về phương diện trống thông [=empty aspect ] giúp hữu-tình tích-tập trí-tuệ [ accumulate wisdom]
.[trống thông = rỗng thông vô tự tính = thông viên = dung thông = vô ngại = empty = open = free-- thế nên có thể tích-tập trí-tuệ ---ĐHP].
[19] Bồ tát Long Thọ cũng dạy tích-tập phúc và tuệ là tư lương cho con đường giải thoát, và Đức Phật thương xót hữu-tình nên đã giảng nhân duyên và ai thấy nhân duyên là thấy phật , thấy bốn thánh đế, thấy đạo Bồ-đề .
[ Nagarjuna-Verse XXIV,40—translated by K. K. Inada ].
“One who rightly discerns relational origination will, indeed , rightly discern universal suffering , its origination, its extinction, and the way to enlightenment “.
“ Ai quán sâu sắc đúng đắn duyên khởi sẽ , thật sự , quán sâu sắc đúng đắn sự đau khổ phổ quát [=mọi nơi , mọi thời ] , sự sinh khởi của nó, sự hoàn toàn chấm dứt của nó , và con đường đến Bồ-đề . [Bồ-đề=Giác]
[20] Trong-mù-sương-phiền-não
Cõi đời vốn là, một bể không lớn , thế gian hằng như , như đại không hải ,
Giác chẳng gần , chẳng xa, |Và , chẳng đến , chẳng đi, | Trú : được thấy , không thấy , | Trong mù sương phiền-não |.
[21] Không có niết-bàn ngoài nơi có luân-hồi ; không có luân-hồi ngoài nơi có niết-bàn . [Kinh Lăng-già]
[22] Bồ-tát Long-thọ kính lễ Đức Phật giảng pháp nhân duyên—trong mở dầu Trung-luận :
I pay homage to the Fully Awakened One,
the supreme teacher who has taught
the doctrine of relational origination,
the blissful cessation of all phenomenal thought constructions.
( Therein , every event is “marked” by):
non-origination , non-extinction ,
non-destruction , non-permanence,
non-identity , non-differentiation,
non-coming (into being) , non-going (out of being).
[Nagarjuna : Kenneth K. Inada , 1993 ]
-----------------------------------------------
Dedication
I greet the best of teachers , that Awakened One ,
who taught liberation , the quieting of phenomena ,
interdependent origination which is ;
nonceasing and nonarising, nonmomentary and nonpermanent,
nonidentical and nondifferent , noncoming and nongoing .
[Nagarjuna and the Philosophy of Openness: Nancy McCagney, 1997]
--------------------------------------------------------------------------------------
Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Chẳng thường cũng chẳng đoạn
Chẳng một cũng chẳng khác
Chẳng đến cũng chẳng đi
Nói lên được pháp nhân duyên ấy
Khéo diệt trừ các thứ hý luận
Tôi cúi đầu kính lễ Phật , đã thuyết ,
Nhân duyên cao nhất trong các thuyết .
------------------------------------------------------
Ngài Thanh-Mục viết : Với hai bài kệ tán thán Phật này là đã nói tóm tắt Đệ Nhất nghĩa đế. [ Trung luận- Thanh -Mục thích ; Bản dịch Thiện Siêu
--------------------------------------------------------------------------------------------
Bài tụng tán thán Đức Phật mở đầu bản Trung-luận, có thể tạm dịch [ĐHP] từ hai bản dịch Anh ngữ [dịch từ bản Sanskrit] dẫn trên , như sau :
Tôi kính lễ Đức Phật ,
vị đạo sư tối thượng ,
giảng lý tính duyên khởi ,
tĩnh chỉ của hiện-tượng
và cấu trúc của tưởng ,
chính là sự giải thoát ,
là diệu lạc niết bàn ,
chẳng sinh cũng chẳng diệt ,
chẳng thường cũng chẳng đoạn ,
chẳng một cũng chẳng khác ,
chẳng đến cũng chẳng đi
[ ĐHP dịch ].
-----------------------------------------------------------------------------------
Nguồn: Đặc San Hiện Thực số 20/2010 năm thứ 6 , trang 89-112.
Quán Âm Buddhist Monastery. Vietnamese Buddhist Magazine.
ISBN 1176-8258 . Published in Sydney, Australia.