KIM CANG BÁT NHÃ TRONG DÒNG LỊCH SỬ
Thích Thái Hòa
Nhà xuất bản Hồng Đức 2016
Ngỏ
Lịch sử là bài học kinh nghiệm luôn luôn có giá trị đối với mọi tư duy, nhận thức và hành hoạt trong đời sống của con người. Không có lịch sử con người sẽ không bao giờ lớn khôn, vì sao? Vì không có lịch sử thì không có sự trải nghiệm. Không có sự trải nghiệm thì không có kinh nghiệm để lớn khôn.
Không lớn khôn, thì không thể nào có trí lực để hiểu được cuộc sống của chính mình, của mọi người và muôn vật. Không có hiểu biết, thì không thể thương quý. Không có thương quý, thì không có sự trân trọng, giữ gìn và bảo vệ.
Quá khứ tuy đã qua, nhưng nếu không có quá khứ ta sẽ không bao giờ có hiện tại và không có hiện tại, ta sẽ không bao giờ có tương lai. Tương lai của ta như thế nào, nó liên hệ chặt chẽ với những suy nghĩ và hành động của ta trong hiện tại và hiện tại là kết quả tất yếu của tư duy và hành động từ quá khứ đem lại.
Kim-Cang Bát- Nhã trong dòng lịch sử Quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là những ý niệm, chúng tương tác với nhau trong dòng chảy nhân duyên, nhân quả. Nên, ta nhìn quả mà thấy nhân hay ta nhìn nhân mà thấy quả. Nhân quả là dòng chảy tương tục chưa bao giờ dừng lại nơi dòng chảy của tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Ta hãy nhìn nhân và quả như chính nó. Chính nó được tạo nên và tác động từ những cái phi nó. Cái phi nó không có tên gọi, nhưng chính cái đó có năng lực tạo thành các tên gọi và tạo thành dòng lịch sử của thế gian và xuất thế gian.
Kinh Kim Cang Bát Nhã từ khi đức Thế Tôn dạy cho Tôn giả Tu-bồ-đề và thính chúng lúc bấy giờ, tại Tinh-xá Kỳ-viên ở Thành Phố Xá-vệ, về việc phát Bồ đề tâm, an trú chơn tâm và nhiếp phục vọng tâm đã được chư Tô kết tập, phiên dịch, giải giảng, chú thích và tu tập chứng ngộ trải qua nhiều thời đại và nhiều quốc gia khác nhau đã tạo thành một dòng chảy lịch sử về Nghĩa Không của Kim Cang Bát Nhã.
Niết-bàn hay Đệ-nhất Nghĩa-không, thì chỉ có một, nhưng Không-nghĩa lại có vô lượng nghĩa. Chân Như chỉ có một, nhưng an trú Chân như, thì lại có vô lượng pháp môn. Trong vô lượng pháp môn ấy, thì pháp môn an trú ở nơi chỗ “vô trú” là sự an trú tối thượng. Vô trú thì làm gì có khứ lai, sinh diệt.
“Vô trú” là tâm không bị kẹt mắc đối với năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới; “Vô trú” là tâm không bị mắc kẹt đối với các vọng tưởng ngã, nhân, chúng sanh và thọ giả; “Vô trú” là tâm không bị mắc kẹt đối với những ý niệm có không, thường đoạn, lai khứ, đồng nhất và dị biệt; “Vô trú là tâm không bị mắc kẹt vào những ý niệm ngã và vô ngã, pháp và vô pháp, không phải pháp và không phải vô pháp; “Vô trú” là tâm không bị mắc kẹt đối với sinh tử hay niết bàn, phiền não hay bồ đề, chúng sanh hay phật. “Vô trú” là vì tự tánh của tâm và muôn vật xưa nay vốn rỗng lặng thanh tịnh và châu biến cùng trong dòng lịch sử khắp, chẳng hề có khứ lai, sinh diệt, tại Thánh không tăng, tại phàm không giảm.
“Vô trú” là vậy, nên Kim Cang Bát Nhã luôn luôn là dòng chảy “vô trú”. Vô trú thì trong, hữu trú thì đục. Vô trú thì vô cùng, hữu trú thì hữu tận. Vô trú thì tự do, hữu trú thì bị buộc ràng. Tất cả những gì có được trong cuốn sách này đều là vô trú đúng như tự tánh của chính nó mà không phải vô trú của những ý niệm nhị nguyên sắc không, trong đục. Nên, mọi chữ nghĩa, tên gọi trong cuốn sách này đều là mây ngàn gió nội, bóng nguyệt dòng sông, bọt nước đổ dốc, ánh chớp lưng trời hay là tiếng rống của chú trâu đá giữa đêm trường cô tịch. Biết vậy, cơm tự chín và thơm. Không biết vậy, nhọc công nấu hoài mà cơm vẫn sống và khê.
Chùa Phước Duyên - Huế, ngày 20 - 8 - 2016
Tỷ Khưu - Thích Thái Hòa