Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Về nguồn gốc của Phật A Di Đà, kinh điển Phật giáo có nhiều truyền thuyết. Trong văn học Bản sinh, chỉ độc nhất có truyện tỳ kheo Thủ Đạt và Duy Tiên trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0154, Sinh Kinh 5, Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch, có nói tới.

TIẾT 1.
KHÁI QUÁT

Về nguồn gốc của Phật A Di Đà, kinh điển Phật giáo có nhiều truyền thuyết. Trong văn học Bản sinh, chỉ độc nhất có truyện tỳ kheo Thủ Đạt và Duy Tiên trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0154, Sinh Kinh 5, Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch, có nói tới.

Do tình hình tư liệu quá ít oi này, nó không cung cấp cho ta một mẫu hình nào về nguồn gốc bản sinh của Phật A Di Đà. Trong Đại Tạng Kinh 09, số hiệu 0274, Phật Thuyết Tế Chư Phương Đẳng Học Kinh[1], 1 quyển, cũng do Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch, nhắc lại chuyện nhân quả báo ứng giữa tỳ kheo Tịnh Mạng và tỳ kheo Vị Pháp rất tương tự với chuyện trên.

Tuy nhiên, đây là những truyện nói lên quan hệ giữa Phật Thích Ca với Phật A Di Đà, giải thích vì sao Phật Thích Ca đã sinh ra trong cõi Ta bà ô trược và đã khuyến thỉnh mọi người tín niệm Tịnh độ, chứ chưa phải đề cập đến chính bản thân Phật A Di Đà.

Về loại truyện Bản sinh đề cập chính bản thân Phật A Di Đà, tư liệu hiện còn rất phong phú. Có hơn 19 cốt truyện khác nhau mà quan trọng nhất dĩ nhiên là truyện tỳ kheo Pháp Tạng và truyện vua Vô Tránh Niệm. 

TIẾT 2
TRUYỆN TỲ KHEO PHÁP TẠNG

Truyện tỳ kheo Pháp Tạng rất phổ biến, hiện có ba mươi quyển kinh kể tới với ít nhiều sai khác nhau. Nhưng cốt lõi có thể tóm tắt như sau: Trong thời quá khứ cách đây đã lâu có đức Như Lai Thế Tự Tại Vương ra đời. Bấy giờ có tỳ kheo Pháp Tạng phát nguyện và được đức Phật ấn chứng là sẽ thành Phật A Di Đà trong cõi Tịnh độ.

Truyện này được hiện được tìm thấy trong nguyên điển Sanskrit: आमिताभव्यूह नाम महायान सूत्र Amitābhavyūha nāma mahāyāna sūtra, thường được gọi là सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ [विस्तरमातृका vistaramātṛkā][2],  bản Tây Tạng: ཧྥསཔ ཧོདདྤགམེདཀྱི བྐོདཔ ཤེསབྱ བ ཐེགཔ ཆེནཔོཧི མྡོ  Hphas pa hod dpag med kyi bkod pa shes bya ba theg pa chen pohi mdo và cũng được kể trong các bản dịch Hán văn như: Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 360, Phật thuyết Vô lượng thọ kinh[3], Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0364, Đại A-di-đà kinh[4], Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0361, Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh[5], Đại Tạng Kinh 11, số hiệu 0310, Vô lượng thọ - Như Lai đệ ngũ hội, của Kinh Đại Bảo Tích Kinh[6] và Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0363, Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh[7] v.v..

Đối chiếu các văn bản này chúng ta thấy một vài điểm như sau:

Trong số các bản văn này, Vô lượng thọ kinh, Đại A Di Đà kinh và Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh đặt Như Lai Thế Tự Tại như là vị Phật cuối cùng của một loạt những đức Phật quá khứ mà đứng đầu là Phật Nhiên Đăng hay cũng gọi là Định Quang.

Còn bản आमिताभव्यूह नाम महायान सूत्र Amitābhavyūha nāma mahāyāna sūtra (सुखावतीव्यूहः। Sukhāvatīvyūhaḥ [विस्तरमातृका vistaramātṛkā]),  bản Tây Tạng: ཧྥསཔ ཧོདདྤགམེདཀྱི བྐོདཔ ཤེསབྱ བ ཐེགཔ ཆེནཔོཧི མྡོ  Hphas pa hod dpag med kyi bkod pa shes bya ba theg pa chen pohi mdo, cùng bản dịch Hán Vô lượng thọ Như Lai hội, Đại thừa vô lượng trang nghiêm kinh thì đặt Như Lai Thế Tự Tại Vương là vị Phật đầu tiên của loạt đức Phật ấy mà vị Phật cuối cùng là Nhiên Đăng (Dīpaṃkara).

Đó là sai khác thứ nhất; Sai khác này đã xảy ra trong các kinh có kể chuyện Phật A Di Đà.

Một mặt ta có những kinh như: Đại Tạng Kinh 15, số hiệu 0632, Phật Thuyết Tuệ Ấn Tam Muội Kinh, 1 quyển, Ngô Chi Khiêm dịch[8]; Đại Tạng Kinh 15, số hiệu 0634, Phật Thuyết Đại Thừa Trí Ấn Kinh[9], 5 quyển, Tống Trí Cát Tường đẳng dịch, đã đặt Phật Định Quang như là vị Phật đầu tiên của một loạt các vị Phật mà vị cuối cùng là Huệ Thượng.

Mặt khác, Đại Tạng Kinh 15, số hiệu 0633, Phật Thuyết Như Lai Trí Ấn Kinh[10], 1 quyển, mất tên người dịch, đã đặt Định Quang là vị Phật cuối cùng, còn Huệ Khởi là vị Phật đầu tiên.

Thậm chí Đại Tạng Kinh 19, số hiệu 1011, Phật Thuyết Vô Lượng Môn Vi Mật Trì Kinh[11], 1 quyển, Ngô Chi Khiêm dịch, đã coi Nhiên Đăng là thầy của thái tửVô Niệm Đức Thủ, tiền thân của Phật  A Di Đà, tức Phật Nhiên Đăng là vị thầy của Phật A Di Đà.

Không những có sự sai khác nhau về vị trí của đức Như Lai Thế Tự Tại Vương, hai nhóm kinh trên còn khác nhau khi nói về nguồn gốc của tỳ kheo Pháp Tạng.

Nhóm trước nói rõ Pháp Tạng nguyên là một vị vua, sau khi nghe giáo hóa của đức Thế Tự Tại Vương bèn bỏ ngôi đi xuất gia.

Nguồn gốc vương giả này, nhóm thứ hai không nói tới, mà xác định ngay Pháp Tạng, hay cũng gọi là Pháp Sử, hay cũng gọi là Tác Pháp, mà tên trong bản Sanskrit là धम्मकर​ dhammakara, là một tỳ kheo trong chúng hội của đức Thế Tự Tại Vương.

Sự sai khác về nguồn gốc này cho thấy, tự nguyên ủy, hành trạng của Pháp Tạng tỏ ra không rõ ràng cho lắm và cần phải mô phỏng theo hành trạng và hình ảnh của đức Thích Ca Mâu Ni như đã được quan niệm trong nền văn học Bản sinh cũng như trong những truyền thuyết lịch sử về cuộc đời đức Phật.

Đây là một dấu hiệu kết liên nguồn gốc đức Phật A Di Đà với đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn sự sai khác về vị trí của đức Thế Tự Tại Vương đã đưa ra một số vấn đề.

Trước hết, nhóm kinh thứ nhất tuy đồng ý đặt Nhiên Đăng là vị Phật đầu tiên của một loạt các đức Phật, nhưng số lượng của loạt Phật ấy gồm bao nhiêu vị, thì lại không đồng nhất. Sai khác này có liên hệvới sự sai khác sốl ượng lời nguyện của A Di Đà mà các bản văn ấy ghi lại.

Tiếp đến, hai nhóm trên còn sai khác về thứ tự đức Phật Nhiên Đăng đứng đầu hay đứng cuối các đức Phật quá khứ.

Sự kiện đó nói lên hai lập trường khác nhau về quan hệ giữa đức Phật A Di Đà và đức Phật Thích Ca. Ai cũng biết văn học Bản sinh có một câu chuyện rất đẹp về hành động quên mình của đức Phật Thích Ca đối với đức Phật Nhiên Đăng nên đã được ấn chứng thành Phật. Từ đó trở về sau, hai đức Phật ấy thường được gắn liền với nhau một cách khá thường xuyên, tùy theo quan điểm về liên hệtrước sau giữa hai đức Phật Thích Ca và A Di Đà, mà có sự thay đổi về vị trí của hai đức Phật Nhiên Đăng và Thế Tự Tại Vương.

Nhóm thứ nhất coi Thế Tự Tại Vương là vị Phật cuối cùng của loạt các vị Phật quá khứ trên mà đứng đầu là Phật Nhiên Đăng, bộc lộ rõ ràng xu thế chung là coi đức Phật A Di Đà là một vị Phật trẻ hơn Phật Thích Ca.

Điểm này ta thấy xuất hiện trong hai truyện Bản sinh dẫn trước trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0154, Sinh Kinh 5, Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch[12] và và Đại Tạng Kinh 09, số hiệu 0274, Phật Thuyết Tế Chư Phương Đẳng Học Kinh[13], 1 quyển, cũng do Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch. Nó chứng tỏ hành trạng Phật A Di Đà đã được mô phỏng theo hành trạng của Phật Thích Ca.

Trong khi đó, nhóm thứ hai lật ngược lại thứ tự trước sau của hai vị Phật Nhiên Đăng và Thế Tự Tại Vương để chứng tỏ đức Phật A Di Đà là một vị Phật cổ sơ, xuất sinh cũng như thành Phật trước đức Phật Thích Ca rất nhiều, làm điển hình cho sự nghiệp tìm đạo và chứng đạo của chính Phật Thích Ca.

Ở đây quá trình phát triển tất yếu của tín ngưỡng A Di Đà đã dần dần thể hiện sức mạnh của nó và dần dần chiếm lĩnh vị trí của chính tín ngưỡng của đức PhậtThích Ca. Đức Phật Thích Ca bấy giờ chỉ là người tuyên thuyết cho tín ngưỡng của Phật A Di Đà.

Sự tình này một phần nào giải thích cho sự sai khác số lượng các đức Phật quá khứ giữa hai đức Phật Nhiên Đăng và Thế Tự Tại Vương, bởi vì nếu Phật A Di Đà có một sự ưu việt nào đó, thì cũng giả thiết là có một quá khứ huy hoàng hơn. Từ đó tất nhiên không thể có cùng chung một Phật khai sáng là Nhiên Đăng.

Ngoài những sai khác về số lượng và thứ tựcủa các đức Phật trong quá khứ cũng như về nguồn gốc của Phật A Di Đà, các văn bản thuộc hai nhóm trên lại khác nhau về số lượng, và đôi khi thứ tự, của các lời nguyện của đức Phật A Di Đà.

Vô lượng thanh tịnh bình đẳng giác kinh và Đại A Di Đà kinh chỉ ghi có 24 lời nguyện, trong khi Vô lượng thọ kinh và Vô lượng thọ như lai hội có tới 48. Bản Sanskrit, chỉ có 46 đại nguyện, Tạng bản đã phát triển lên 49 lời nguyện, trong khi Đại thừa vô lượng trang nghiêm kinh chỉ có 36 đại nguyện

Sự sai khác nhau về số lượng này đưa ra nhiều vấn đề rất lôi cuốn trong lịch sử tư tưởng bản nguyện của Phật giáo, trước khi bàn đến những vấn đề đó ở chương tiếp sau, phải xét qua một số những truyện Bản sinh khác mà chủ yếu là truyện vua Vô Tránh Niệm.

TIẾT 3.  
TRUYỆN VUA VÔ TRÁNH NIỆM

Truyện Bản sinh vua Vô Tránh Niệm kể ra trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, Kinh Bi Hoa 2, Bắc Lương Đàm Vô Sấm dịch[14], để trả lời câu hỏi của Tịch Ý về việc tại sao đức Thích Tôn đã ra đời trong một thế giới ô trọc, trong khi các đức Phật khác đã xuất hiện trong những thế giới thanh tịnh.

Lược truyện như sau: cách thời Phật đã lâu, có một vị chuyển luân vương tên Vô Tránh Niệm, có một đại thần tên Bảo Hải thuộc dòng dõi bà-la-môn. Bảo Hải có một người con đi xuất gia và thành đạo hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Khi Như Lai Bảo Tạng đến thành phố A-châu-la[15], Vô Tránh Niệm và các vương tử đã đến thăm và cúng dường ba tháng. Sau Bảo Hải đã khuyên vua phát bồ đề tâm vượt qua khổ hải cứu độ chúng sinh. Vô Tránh Niệm đã phát nguyện và được Phật Bảo Tạng ấn chứng sẽ thành Phật A Di Đà và làm giáo chủ cõi Cực lạc ở phương tây.

Trong nguyên điển Sanskrit của Kinh Bi-Hoa, hiện có, với tựa đề: करुणापुण्डरीक सूत्रम Karuṇāpuṇḍarīka sūtram[16], phẩm दान-विसर्गस् तृतीयः III dāna-visargas tṛtīyaḥ, tìm thấy tương đương với tên Vô Tránh Niệm無諍念 là आरणेमिन् āraṇemin.

Tương đương với करुणापुण्डरीक सूत्रम Karuṇāpuṇḍarīka sūtram là bản Tây Tạng: འཕགས་པ་སྙིང་རྗེ་ཆེན་པོའི་པད་མ་དཀར་པོ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ Ḥphags-pa sñiṅ-rje-chen-poḥi pad-ma dkar-po shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo, thuộc Tây Tạng Đại Tạng Kinh, số hiệu 111[17], do Tây Tạng dịch sư Ye-śes sde và Ấn độ dịch sư Jinamitra, Śīlendrabodhi cọng dịch; và bản Tạng ngữ thứ hai: འཕགས་པ་སྙིང་རྗེ་པད་མ་དཀར་པོ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ Ḥphags-pa sñiṅ-rje pad-ma dkar-po shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo, thuộc Tây Tạng Đại Tạng Kinh, số hiệu 112[18], do Tây Tạng dịch sư Ye-śes sde , và ba Ấn-độ dịch sư: Jinamitra, Surendrabodhi và Prajñāvarma cọng dịch. Nội dung, chi tiết của hai bản này khá tương tự nhau, nhưng thứ tự và cách sắp xếp có nhiều chỗ dị biệt…. Trong hai bản dịch Tạng ngữ này, tìm thấy tên tương đương với từ आरणेमिन् āraṇemin và Vô Tránh Niệm無諍念, đều được dùng là རྩིབྶཀྱི མུ ཁྱུད​ Rtsibs kyi Mu Khyud, có nghĩa là: vành tăm bánh xe.

Còn Vô Tránh Niệm無諍念[19],đó là tên Đàm Vô Sấm dùng trong Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0157, phẩm Đại Thí, của Kinh Bi Hoa 2; còn Đại Tạng Kinh 3, số hiệu 0158, Đại Thừa Bi Phân Đà Lợi Kinh 3[20], mất tên người dịch, thì gọi là Ly Tránh離諍[21].

Hai bản dịch Hán ở trên hiểu là: Vô Tránh 無諍 và Ly Tránh 離諍, là xuất phát từ cách hiểu và phân tích ngữ pháp của từ आरणेमिन् āraṇemin, tức là do tiền tố phủ định từ आ a (không) + रण raṇa (=đấu tranh, chống đối…), nên आरणेमिन् āraṇemin có nghĩa là không có đấu tranh chống đối.

Trong khi đó bản Tây Tạng dịch आरणेमिन् āraṇemin thành རྩིབྶཀྱི མུ ཁྱུད​ Rtsibs kyi Mu Khyud, là do tách Sandi khác nhau, tức bản Tạng ngữ hiểu आरणेमिन् āraṇemin, là thiết lập do अर ara (tăm) + नेमी nemī (vành bánh xe). Nên đã dịch नेमी nemī = མུ་ཁྱུད་ (vành bánh xe), còn अर ara dịch = རྩིཀྱི་ (tăm/căm), do đó आरणेमिन् āraṇemin hay རྩིབྶཀྱི མུ ཁྱུད​ Rtsibs kyi Mu Khyud: có nghĩa vành tăm bánh xe.

Ngoài ra, Đại Tạng Kinh 55, số hiệu 2154, Khai Nguyên Thích Giáo Lục 2, Đường Trí Thăng soạn[22], có ghi Nhàn cư kinh một quyển閑居經一卷, là của Trúc Pháp Hộ rồi chua thêm như sau: "đồng bản dị dịch của kinh Bi hoa lần đầu tiên dịch ra, xem Tăng hựu lục"[23].

Khảo cứu Đại Tạng Kinh 55, số hiệu 2145, Xuất Tam Tạng Kí Tập - 2, Lương Tăng Hữu soạn[24], thì có chép Nhàn cư kinh 1 quyển閑居經一卷là của Trúc Pháp Hộ,[25] nhưng không nói gì về liên quan của nó với kinh Bi hoa.

Ngày nay, Nhàn cư kinh 1 quyển 閑居經一卷, là một bộ phận của Sinh Kinh 2[26], Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch, thuộc Đại Tạng Kinh 03, số hiệu 0154, với nhan đề: Phật thuyết nhàn cư kinh佛說閑居經[27], và nội dung không dính dáng gì đến kinh Bi hoa.

Và Đại Tạng Kinh 49, số hiệu 2034, Lịch Đại Tam Bảo Kỉ[28], 15 quyển, Tùy Phí Trường Phòng soạn, phân ra hai bộ: Nhàn cư kinh, một bộ một quyển và thuộc vào Sanh kinh[29], còn bộ kia mười quyển là "đồng bản dị dịch dị danh của Đại bi phần đà lợi kinh"[30].  

Nói rõ ra, vào khoảng năm 597, kể từ lúc Phí Trường Phòng viết xong Lịch đại tam bảo kỉ,  người ta có nhắc tới một bản dị dịch của kinh Bi hoa mang tên Nhàn cư kinh. Khoan nói tới tính chính xác của thuyết ấy, chỉ cần xét xem, nếu Nhàn cư kinh quả có một liên hệ tới kinh Bi hoa thì làm sao nó lại mang tựa đề nhàn cư閑居?

Nhàn cư 閑居phổ thông là một dịch phẩm của từ Sanskrit: आरण्य ​āraṇya, mà thông thường cũng được phiên âm A-lan-nhã. Vậy, Nhàn cư kinh, nếu quả là dị bản của kinh Bi hoa, thì hẳn phải do đọc lệch tên आरणेमिन् āraṇemin thành आरण्य ​āraṇya.

Vậy thì, आरणेमिन् āraṇemin có thể hiểu theo ba cách:  

(1) Hoặc आ a (không) + रण raṇa (=đấu tranh, chống đối…) để cho ta tên Ly Tránh hoặc Vô Tránh. Còn chữ Niệm trong Vô tránh niệm là một phiên âm của ṇemin.

(2) Hoặc hiểu là do अर ara (tăm) + नेमी nemī (vành bánh xe), để cho tên Tây tạng རྩིབྶཀྱི མུ ཁྱུད​ Rtsibs kyi Mu Khyud, có nghĩa là: vành tăm bánh xe.

(3) Hoặc hiểu आरणेमिन् āraṇemin đọc lệch thành आरण्य ​āraṇya với nghĩa nhàn cư.

Như thế, ba cách hiểu vừa nêu có quan hệ gì với nhau không?

Đầu hết, giữa nhàn cư và vô tránh cũng như ly tránh, tuy có thể nghĩ quan hệ giữa chúng xuất phát từ việc viết sai आरणेमिन् āraṇemin thành आरण्य ​āraṇya, nhưng trên thực tế cũng đã từng có những kết nối giữa hai từ đó với nhau. Thí dụ như ở Đại Tạng Kinh 19, số hiệu 1009, Xuất Sinh Vô Biên Môn Đà La Ni Kinh, 1 quyển, Đường Bất Không dịch[31] vào giữa thế kỷ thứ VIII, trong khi trình bày 4 phương thức để đạt đến đà la ni ấy, đã kể cách đầu tiên là: "Tập a lan nhã và cực vô tránh xứ"[32]. Rõ ràng, trong văn học Phật giáo Sanskrit đã có một nỗ lực truy tìm ngữ nguyên của आरण्य ​āraṇya đến từ आ a (không) + रण raṇa (=đấu tranh, chống đối…). Vì thế, giữa Vô tránh hay Ly tránh và Nhàn cư không phải là không có những liên quan.

Vô Tránh Niệm無諍念 hay आरणेमिन् āraṇemin phổ thông được giải thích là một tên phối hợp giữa hai yếu tố: आरण​ āraṇa: dịch là vô tránh, và णेमिन् ṇemin: phiêm âm là niệm; tuy nhiên, chữ niệm có thể là tàn dư ảnh hưởng của tên thái tử Vô Niệm Đức Thủ 無念德首, tiền thân của Phật Vô Lượng Thọ trong Đại Tạng Kinh 19, số hiệu 1011, Phật Thuyết Vô Lượng Môn Vi Mật Trì Kinh, 1 quyển,  Ngô Chi Khiêm dịch[33].

Và Đại Tạng Kinh 19, số hiệu 1012, Phật Thuyết Xuất Sinh Vô Lượng Môn Trì Kinh[34], 1 quyển, Đông Tấn Phật Đà Bạt Đà La dịch, có tên Vô Niệm Đức Đạo無念德道[35]; trong khi đó, Đại Tạng Kinh 19, số hiệu 1013, A Nan Đà Mục Khư Ni A Ly Đà Kinh[36], 1 quyển, Lưu Tống Cầu Na Bạt Đà La dịch chỉ gọi Vô niệm 無念[37].

Chữ無念vô niệm ở đây là do dịch chữ Sanskrit:  अचिन्त्य​ acintya, bởi vì các bản dịch khác của kinh vừa nói, tức Đại Tạng Kinh 19: số hiệu 1014, Vô Lượng Môn Phá Ma Đà La Ni Kinh[38], 1 quyển, Lưu Tống Công Đức Trực, Huyền Sướng dịch; số hiệu 1015, Phật Thuyết A Nan Đà Mục Khư Ni A Ly Đà Lân Ni Kinh[39], 1 quyển, Nguyên Ngụy Phật Đà Phiến Đa dịch; số hiệu 1017, Phật Thuyết Nhất Hướng Xuất Sinh Bồ Tát Kinh[40], 1 quyển, Tùy Xà Na Quật Đa dịch; số hiệu 1009, Xuất Sinh Vô Biên Môn Đà La Ni Kinh[41], 1 quyển, Đường Bất Không dịch và số hiệu 1018, Xuất Sinh Vô Biên Môn Đà La Ni Kinh, 1 quyển,  Đường Trí Nghiêm dịch[42] đều dịch là bất tư nghị不思議.

Về liên hệ giữa hai bản Tạng dich: འཕགས་པ་སྙིང་རྗེ་ཆེན་པོའི་པད་མ་དཀར་པོ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ Ḥphags-pa sñiṅ-rje-chen-poḥi pad-ma dkar-po shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo[43], và bản Tạng ngữ thứ hai: འཕགས་པ་སྙིང་རྗེ་པད་མ་དཀར་པོ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ Ḥphags-pa sñiṅ-rje pad-ma dkar-po shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo; hai bản có từ tương đương với आरणेमिन् āraṇemin thành là từ: “ རྩིབྶཀྱི མུ ཁྱུད​ Rtsibs kyi Mu Khyud”, đây là do phân tích आरणेमिन् āraṇemin thành अर ara (tăm) + नेमी nemī (vành bánh xe). Cách phân tích này này hiện không thấy xảy ra trong các dịch bản Hán văn, nhưng cũng đưa đến nhiều gợi ý khá lôi cuốn:

Một mặt, từ अर ara (tăm) là do động từ căn: /, với nghĩa chuyển động, đi tới, khiêu khích. Động từ căn /, đạo xuất अर ara với nghĩa màu vàng lợt, mặt trời, ánh bình minh, ánh sáng. Như trong Đại Tạng Kinh 01, số hiệu 0001, Trường A Hàm Kinh, 22 quyển, Hậu Tần Phật Đà Da Xá cộng Trúc Phật Niệm dịch, Kinh Đại Bản chép: “Đức  Phật  Thi-khí  có  cha  tên  Minh  Tướng”[44];

So sánh điểm này với các bản dịch tương đương:

-Đại Tạng Kinh 01, số hiệu 0002, Thất Phật Kinh, 1 quyển,  Tống Pháp Thiên dịch, dùng chữ: A-rô-Ta阿嚕拏[45];

-Đại Tạng Kinh 01, số hiệu 0004, Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự Kinh, 1 quyển, mất tên người dịch, dùng chữ A-luân-Ta阿輪拏[46];

Và lại đem đối chiếu với Kinh Đại Bản, của Trường Bộ Kinh[47] Kinh chép như sau:

“षिखिस्स​, भिक्खवे, भगवतो अरहतो सम्मासम्बुद्धस्स अरुणो नाम राजा पिता अहोसि” (Sikhissa, bhikkhave, bhagavato arahato sammāsambuddhassa aruṇo nāma rājā pitā ahosi.)[48]

“Này các Tỷ-kheo, phụ vương Thế Tôn Thi-khí, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác tên là Aruṇa”

 Vậy vua आरुण​ Aruṇa, phụ thân của Phật Thi Khí có tên liên hệ nào đó với vua आरणेमिन् āraṇemin, tiền thân của Phật A Di Đà.

Đại Tạng Kinh 21, số hiệu 1340, Đại Pháp Cự Đà La Ni Kinh 17[49], Tùy Xà Na Quật Đa dịch, Đại kể chuyện vào thời quá khứ của đại kiếp Thiện Hành Lộ, sau khi Như Lai Sơn Thượng đã nhập diệt, có vị Bồ tát tên Minh Tướng phát đại nguyện muốn tất cả chúng sinh được an lành. Bấy giờ cách thếgiới của Minh Tướng tới cả ngàn ức cõi nước, có đức Phật hiệu Sa La vương, bèn ấn chứng cho Minh Tướng: Trong tương lai trải qua bốn mươi a tăng kỳ kiếp sẽ được thành chánh giác tên Như Lai Vô Lượng Thọ[50].

Như thế, Bồ tát Minh Tướng phải có tên Sanskrit là आरुण​ Aruṇa, tức đồng với Pāli. Quan hệ giữa आरुण​ Aruṇa và आरणेमिन् āraṇemin qua trung gian động từ căn /, do vậy, vị tất là không có ý nghĩa. Cho nên, Tạng bản dịch आरणेमिन् āraṇemin thành từ: “ རྩིབྶཀྱི མུ ཁྱུད​ Rtsibs kyi Mu Khyud”, không phải là không có cơ sở.

Ngoài ra, quan hệ आरणेमिन् āraṇemin - आरुण​ Aruṇa đã xuất hiện thêm một chi tiết khác là trong hai nguời đệ tử của Phật Thi Khí thì một người đã có tên giống như đệ tử của Phật A Di Đà kể ra  trong kinh Bi Hoa. Điều này cũng được nói trong Trường A-hàm và các Đơn hành bản của nó:

- Đại Tạng Kinh 01, số hiệu 0001, Trường A Hàm Kinh 1, Hậu Tần Phật Đà Da Xá cộng Trúc Phật Niệm dịch, Kinh Đại Bản, kể là: A-tì-phù 阿 毗 浮, Tam-bà-bà 三 婆 婆[51].

-Đại Tạng Kinh 01, số hiệu 0002, Thất Phật Kinh, 1 quyển, Tống Pháp Thiên dịch, dùng chữ: Bộ, Tam-bà-phạ 部三婆嚩[52];  

-Đại Tạng Kinh 01, số hiệu 0004, Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự Kinh, 1 quyển, mất tên người dịch, dùng chữ: đệ tử số một là A-tỉ-vụ 阿比務, số hai là Tam-tham 三參[53].

Và so sánh với Kinh Đại Bản, của Trường Bộ Kinh[54] , kinh chép: “Sikhissa, bhikkhave, bhagavato arahato sammāsambuddhassa abhibhūsambhavaṃ nāma sāvakayugaṃ ahosi aggaṃ bhaddayugaṃ”: Này các Tỷ-kheo, hai vị hiền sĩ, đệ nhứt đệ tử của Thế Tôn Sikhĩ, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, tên là Abhibhū và Sambhava”[55].

Kinh करुणापुण्डरीक सूत्रम Karuṇāpuṇḍarīka (Bảo Tích), phẩm thứ tư, tựa đề: बोधिसत्त्व-व्याकरण-परिवर्तश्चतुर्थः bodhisattva-vyākaraṇa-parivartaścaturthaḥ[56], nguyên điển Sanskrit hiện có, có kể chuyện Phật आमितायुष् āmitāyuṣ (Vô Lượng Thọ 無量壽), đã dẫn dắt người con thứ hai của Bảo Hải tên ज्ञानसमंभव​ saṃbhava thành Phật hiệu là व्ऐरोचन​ vairocana  (Đại Nhật). Ở trong bản Tây Tạng của Kinh này, འཕགས་པ་སྙིང་རྗེ་ཆེན་པོའི་པད་མ་དཀར་པོ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ Ḥphags-pa sñiṅ-rje-chen-poḥi pad-ma dkar-po shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo, thuộc Tây Tạng Đại Tạng Kinh, số hiệu 111[57], cũng đề cập truyện kể tương tự.

Qua những bàn cãi trên, tên Vô Tránh Niệm với những liên hệ आरणेमिन् āraṇemin - आरुण​ Aruṇa- अचिन्त्य​ acintya (Vô Tránh Niệm / Minh Tướng / Vô Niệm) đã cho chúng ta thấy thấy truyện Bản sinh đức Phật A Di Đà đã  ăn sâu như thế nào vào truyện Bản sinh của các đức Phật khác và đã biến thể như thế nào qua những thư tịch, văn bản khác nhau. Sự thẩm thấu và vay mượn lẫn nhau chứng tỏ xu thế phát triển của tín ngưỡng từng thời đại, từng địa vực từ nguồn gốc chung.

Cho nên cùng một nhân vật trong cùng một cốt truyện mà ở đây thì được đồng nhất với đức Phật này và ở kia thì lại đồng nhất với đức Phật khác.

Chẳng hạn, chuyện Bản sinh vua དྤལགྱི གྗི བྲྗིད Dpal Gyi gji Brjid (Thắng Oai/ Oai Đức), thì trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0371, Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Kí Kinh, 1 quyển, Tống Đàm Vô Kiệt dịch, thì đồng nhất với Phật A Di Đà[58]; còn trong Đại Tạng Kinh 12, số hiệu 0372, Phật Thuyết Như Huyễn Tam Ma Địa Vô Lượng Ấn Pháp Môn Kinh[59], 3 quyển, Tống Thí Hộ đẳng dịch,thì lại đồng nhất với Phật Thích Ca.

Đây là những điểm chúng ta cần chú ý khi tìm hiểu nguồn gốc của tín ngưỡng A Di Đà.



[1] Đại 09, No. 0274: 佛說濟諸方等學經一卷, 西晉月氏三藏竺法護譯.

[2] Cf. Buddhist Sanskrit Texts No. 17. Cf. Mahāyāna-sūtra-saṃgrahaḥ (part 1), Vaidya, P.L, The Mithila Institute of Post-Graduate Studies and Research in Sanskrit Learning, Darbhanga, 1961

[3] Đại 12, No. 0360, tr. 0265c03: 佛說無量壽經; 曹魏天竺三藏康僧鎧譯.

[4] Đại 12, No. 0364, 佛說大阿彌陀經.

[5] Đại 12, No. 0361: 佛說無量清淨平等覺經 , 後漢月支國三藏支婁迦讖譯.

[6] Đại 11, No. 0310: 大寶積經卷第十七,  大唐三藏菩提流志奉 詔譯, 無量壽如來會第五之. Skt. अर्य​-अमिताभव्युह नम माहायन सूत्र​ Arya-amitābhavyuha nama māhāyana sūtra; Tib.: ཧྥསཔ ཧོདདྤགམེདཀྱི བྐོདཔ ཤེསབྱ བ ཐེགཔ ཆེནཔོཧི མྡོ  Hphas pa hod dpag med kyi bkod pa shes bya ba theg pa chen pohi mdo.

[7] Đại 12, No. 0363: 佛說大乘無量壽莊嚴經, 西天譯經三藏朝散大夫試光祿卿明教大師臣法賢奉 詔譯.

[8] Đại 15, No. 0632, p.0460c:  佛說慧印三昧經一卷, 吳月氏優婆塞支謙譯.

[9] Đại 15, No. 0634: 佛說大乘智印經, 西天三藏寶法大師賜紫沙門智吉祥等奉 詔譯.

[10] Đại 15, No. 0633: 佛說如來智印經一卷, 僧祐云闕譯人今附宋錄.

[11] Đại 19, No. 1011, tr. 0680b03: 佛說無量門微密持經(一名成道降魔得一切智) , 吳月支優婆塞支謙譯.

[12] Đại 03, No. 0154, tr. 0100c02: 生經卷第五 , 西晉三藏竺法護譯.

[13] Đại 09, No. 0274: 佛說濟諸方等學經一卷, 西晉月氏三藏竺法護譯.

[14] Đại 03, No. 0157, tr. 0174b26,ff. : 悲華經卷第二, 北涼天竺三藏曇無讖譯 , 大施品第三之一.

[15] Skt.  आञ्जुर​ Añjura / मञ्जुर​ mañjura, Tib.: གྲོནཁྱེརཡིདྷོཧྣཧྫིན​ gron khyer yidhohn hdzin.

[16] Cf. Mahakarunapundarika Sutra ,  Yamada, School of Oriental and African Studies, London , 1968 ,p. 1-420.

[17] Cf. Tây Tạng Đại Tang Kinh, Kyoto, No.111, 50Cha , p. 56a1-128b7; Cf. Peking: Mdo-sna-tshogs (cu)63a-149a;  奈塘版:Mdo (cha)76a-187b; 德格版:Mdo-sde (cha)56a-128b; 拉薩版:Mdo (cha)86a-209b; 卓尼版:Mdo-maṅ (cha)66a-159a.

[18] Cf. Tây Tạng Đại Tang Kinh, Kyoto, No.112, 50cha, 129a1-297a7; Cf. Peking: Mdo-sna-tshogs (cu)149a-296b;  奈塘版:Mdo(cha)187b-443;  德格版:Mdo-sde (cha)129a-297a; 拉薩版:Mdo-sde (cha)209b-474a; 卓尼版:Mdo-maṅ (cha)159a-350a.

[19] Đại 03, No. 0157, 悲華經卷第二, 北涼天竺三藏曇無讖譯 , 大施品第三之一, p. 0174c20ff. : 於彼劫中有轉輪聖王名無諍念,主四天下.

[20] Đại 03, No. 0158 :大乘悲分陀利經卷第三 , 失三藏名今附秦錄 , 離諍王授記品第六.

[21] Op.cit. p. 0249b15: 笑已,妙光普照無量無邊佛土,示離諍王并餘多億眾生佛剎莊嚴.

[22] Đại 55, No. 2154: 開元釋教錄卷第二 , 庚午歲西崇福寺沙門智昇撰.

[23] Op.cit.p. 0495b18(00): 閑居經一卷(與悲華經等同本異譯初出見僧祐錄)

[24] Đại 55, No. 2145: 出三藏記集錄上卷第二, 釋僧祐撰.

[25] Op.cit.p. 0008c12ff.

[26] Đại 03, No. 0154: 生經卷第二 , 西晉三藏竺法護譯.

[27] Op. cit. p. 0079a29: 佛說閑居經第十三

[28] Đại 49, No. 2034: 歷代三 寶紀,  開皇十七年翻經 學士臣費長房.

[29] Op.cit. (卷第六), p.0064b1: 閑居經一卷 (出生經).

[30] Op.cit. (第十三), p. 0109c01: 十閑居經十卷大悲分陀利經八卷(上二經同本別譯異名).

[31] Đại 19, No. 1009, tr. 0675c05: 出生無邊門陀羅尼經 , 開府儀同三司特進試鴻臚卿肅國公食邑三千戶賜紫贈司空諡大鑒正號大廣智大興善寺三藏沙門不空奉 詔譯.

[32] Op.cit. p. 0677c20: 所謂習阿蘭若極無諍處。

[33] Đại 19, No. 1011: 佛說無量門微密持經(一名成道降魔得一切智), 吳月支優婆塞支謙譯, p. 0681c29ff.: (…) 又彼太子 無念德首。 講說法 者則今西方無量壽 佛是也…

[34] Đại 19, No. 1012, tr. 0682b10: 佛說出生無量門持經, 東晉天竺三藏佛陀跋陀羅譯.

[35] Op.cit. p.0684b05: 王有太子名無念德道; p. 0684b18: 彼時王子無念德道者。今西方無量壽佛是.

[36] Đại 19, số hiệu 1013, tr. 0685a09ff.: 阿難陀目佉尼呵離陀經 ,宋天竺三藏求那跋陀羅譯.

[37] Op.cit. p. 0687b23: 王陀樓 子無念名聞具足者 。即阿彌陀佛是也.

[38] Đại 19, No. 1014, tr. 0688a22: 無量門破魔陀羅尼經 ,  宋西域沙門功德直共玄暢譯.

[39] Đại 19, No. 1015, tr. 0692a07: 佛說阿難陀目佉尼呵離陀鄰尼, 元魏北印度三藏佛馱扇多譯.

[40] Đại 19, No. 1017, tr. 0698b03: 佛說一向出生菩薩經 , 隋天竺三藏闍那崛多譯.

[41] Đại 19, No. 1009, tr. 0675c05: 出生無邊門陀羅尼經 , 開府儀同三司特進試鴻臚卿肅國公食邑三千戶賜紫贈司空諡大鑒正號大廣智大興善寺三藏沙門不空奉 詔譯.

[42] Đại19, No. 1018: 出生無邊門陀羅尼經, 終南山至相寺上座將軍師智嚴重翻譯.

[43] Cf. Tây Tạng Đại Tang Kinh, Kyoto, No.111, 50Cha , p. 56a1-128b7; Cf. Peking: Mdo-sna-tshogs (cu)63a-149a;  奈塘版:Mdo (cha)76a-187b; 德格版:Mdo-sde (cha)56a-128b; 拉薩版:Mdo (cha)86a-209b; 卓尼版:Mdo-maṅ (cha)66a-159a.

[44] Cf. 佛說長阿含經卷第一 , 後秦弘始年佛陀耶舍共竺佛念譯, Đại 01, No. 0001, tr. 0003b11: 尸棄佛父名曰明相… Và lặp lại ở câu tiếp sau của bài chỉnh cú (Op.cit.p.0003b13): 尸棄父明相 Thi khí, cha Minh Tướng.

[45]Cf. 佛說七佛經 , 西天譯經三藏朝散大夫試鴻臚卿傳教大師臣法天奉 詔譯, Đại 01, No. 0002, tr. 0150c16ff: (...) 尸棄如來,父名阿嚕拏王,母同名阿嚕拏: (... ) Thi khí như lai , cha tên A-rô-ta, mẹ đồng tên  A-rô-ta. Và lặp lại ở bài chỉnh cú phía sau (Op.cit.p.0151a02): 尸棄佛世尊, 阿嚕拏王父.

[46] Cf. Đại 01, No. 0004:七佛父母姓字經 , 失譯附前魏譯, p. 0159b26: 式佛,父字阿輪拏剎利王.

[47] D.14.1 Mahāpdānasuttanta.

[48] Dīghanikāyo, Mahāvaggapāḷi 1. (14.) Mahāpadānasuttaṃ, PTS.

[49] T21n1340, tr. 0735c02: 大法炬陀羅尼經卷第十七 , 隋天竺三藏闍那崛多譯

[50] Ibid., tr. 0740a07 : …然是菩 薩亦於將來過四十 阿僧祇劫得成正覺 。名無量 壽如來應供正遍覺 。時彼菩薩得菩提… Lược dẫn: Op.cit. p. 0739c10- p.0740a08.

[51] Đại 01, No. 0001: 佛說長阿含經卷第一 , 後秦弘始年佛陀耶舍共竺佛念譯, p. 0003a08 : 阿毗浮 、三婆, 尸棄 佛子

[52] Cf. 佛說七佛經 , 西天譯經三藏朝散大夫試鴻臚卿傳教大師臣法天奉 詔譯, Đại 01, No. 0002, p. p0151a29-b01: 尸棄如來、應、正等覺大智弟子,名部三婆嚩,聲聞中第一.

[53] Đại 01, No. 0004, 七佛父母姓字經 , 失譯附前魏譯,  p.0160a02: 式佛第一弟子字阿比務,第二弟子字三參.

[54] D.14.1 Mahāpdānasuttanta.

[55] Cf. Dīghanikāyo, Mahāvaggapāḷi 1. (14.) Mahāpadānasuttaṃ, PTS.

[56] Cf. Mahakarunapundarika Sutra ,  Yamada, School of Oriental and African Studies, London , 1968 ,p. 1-420.

[57] Cf. Tây Tạng Đại Tang Kinh, Kyoto, No.111, 50Cha , p. 56a1-128b7; Cf. Peking: Mdo-sna-tshogs (cu)63a-149a;  奈塘版:Mdo (cha)76a-187b; 德格版:Mdo-sde (cha)56a-128b; 拉薩版:Mdo (cha)86a-209b; 卓尼版:Mdo-maṅ (cha)66a-159a.

[58] T12n0371, tr. 0353b06ff.: 觀世音菩薩授記經 , 宋黃龍國沙門曇無竭譯.

[59] Cf. T12n0372, tr. 0357c22: 佛說如幻三摩地無量印法門經 , 西天譯經三藏朝奉大夫試光祿卿傳法大師賜紫臣施護等奉 詔譯

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm