Đức Phật A Di Đà thường được kết hợp với sự vãng sinh của những người chết. Cho nên, Kern và Matsumoto Bunzabùro đã tìm nguồn gốc của A Di Đà trong tín ngưỡng Yama của Veda.
Tiết 1.
LUẬN THUYẾT BA – TƯ
Như đã thấy ở chương I, đức Phật A Di Đà đã được nhấn mạnh như một đức Phật ánh sáng. Trong những danh hiệu của đức Phật này, yếu tố ánh sáng đã xuất hiện một cách khá thường xuyên.
Do đó, vào những năm đầu của thế kỷ XX, những người nghiên cứu hầu như đã nhất trí đi tìm nguồn gốc của tín ngưỡng A Di Đà trong tín ngưỡng và thần thoại của dân tộc Iran.
Tiêu biểu có một số ý kiến như sau:
- Học giả người Anh Laurence Austine Waddell (1854-1938), cho rằng tín ngưỡng A Di Đà là một phát triển của thần thoại mặt trời trong tôn giáo Iran[1].
- Nhà ngôn ngữ, học giả người Anh Joseph Edkins (1823 - 1905), coi nó xuất phát từ tính ngưỡng Ormazd, trong khi Beal lại tìm thấy Vô Lượng Quang đến từ vị thần ánh sáng Mithrsa, còn Vô Lượng Thọ thì từ vị thần thời gian vô lượng Zurvana Akarana của tôn giáo Zarathustra[2].
-Pelliot và Lévi cũng đồng tình để nghĩ rằng, tín ngưỡng A Di Đà đã có một liên hệ nào đó với tín ngưỡng bày tỏ trong thánh điển Avesta của Zarathustra.
Thuyết nguồn gốc Iran này ngày nay không được chú trọng mấy, một mặt vì nền văn hiến Avesta không có nhiều giá trị bảo chứng ngôn ngữ, và mặt khác vì có những chứng cớ cho phép tìm hiểu nguồn gốc Ấn độ của chính bản thân Phật A Di Đà.
Về nền văn hiến Avesta, tuy có nói đến ánh sáng và đời sống thọ mạng như hai đặc tính của Ormazd, vị thần sáng tạo ramọi thứ tốt lành, nó đã không cho ta một sựliên hệngôn ngữhọc nào giữa Ormazd và A Di Đà, trong khi những những tư liệu Ấn độ lại cung cấp những chứng cớ cho sự liên hệ giữa A Di Đà với những vị thần của Vệ đà.
TIẾT 2.
LUẬN THUYẾT TRONG TÔN GIÁO ẤN ĐỘ
2.1. Thuyết thần Viṣnu
Đức Phật A Di Đà thường được kết hợp với sự vãng sinh của những người chết. Cho nên, Kern và Matsumoto Bunzabùro đã tìm nguồn gốc của A Di Đà trong tín ngưỡng Yama của Veda.
Nhưng phải đợi đến khi Wogihara công bố những kết quả nghiên cứu liên hệ giữa tín ngưỡng Di Đà và Viṣnu, ta mới có một quan điểm rõ ràng về nguồn gốc của A Di Đà.
Viṣnu là một vị thần mặt trời. Ở điểm cao nhất của bầu trời (padaṃ paramaṃ) có một nguồn suối अम्रंत amṛta (cam lồ) là thứ rượu soma. Các vị thần uống vào đều trở thành bất tử. Yama là kẻ đầu tiên sinh vào cõi ấy[3].
Vậy thì, Viṣnu vừa là vị thần ánh sáng, vừa là vị thần bất tử, hai đặc tính hoàn toàn thích hợp với Phật A Di Đà. अमित amita là một dạng tục ngữ của अम्रंत amṛta, tức Cam lồ bất tử.
Do đó, tín ngưỡng A Di Đà có thể xuất phát từ tín ngưỡng Viṣnu, một vị thần đã xuất hiện từ thời Veda.
Theo Wogihara thì từ nguyên ủy, A Di Đà được quan niệm như sống lâu không lường, tức आमितायुष् āmitāyuṣ (Vô Lượng Thọ 無量壽), rồi sau do ảnh hưởng của tín ngưỡng mặt trời, được quan niệm thêm là một vị Phật ánh sáng không lường, tức अमितप्रभ Amitaprabha (Vô Lượng Quang 無量光).
Thuyết nguồn gốc Ấn độ này không phải không có ít nhiều giá trị. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng tín ngưỡng A Di Đà thực sự xuất hiện từ tín ngưỡng Viṣnu thì tỏ ra quá đơn giản, bởi vì nếu chỉ cần tìm nguồn gốc của những đặc tính gán cho Phật A Di Đà thì nó cũng chưa giải quyết được vấn đề nguồn gốc của chính tín ngưỡng ấy ở trong Phật giáo.
2.2. Thuyết thần Varūṇa và Varana
Trong Vệ đà, thần mặt trời gọi là Varūṇa ở thế giới phía tây có tên Sukha. Varūṇa cũng là vị thần bất tử. Như vậy chỉ Varūṇa thôi cũng đã hội đủ hai điều kiện अमितप्रभ Amitaprabha (Vô Lượng Quang 無量光) và आमितायुष् āmitāyuṣ (Vô Lượng Thọ 無量壽).
Trong Avesta, Varūṇa đã trở thành Varana vị thần của ánh sáng và thọ mạng vô lượng.
Từ đó, khi Varūṇa biến thành vị thần tối cao trong tín ngưỡng của người Ấn độ và Iran, thì không thể nào không có những ảnh hưởng nhất định trên Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo miền tây bắc Ấn độ lúc ấy đang chịu quyền cai trị của người Iran qua trung gian vương quốc An tức.
Những kinh điển nói về Phật A Di Dà hiện nay như Vô lượng thọ kinh đã bộc lộkhá nhiều dấu vết ảnh hưởng Iran vừa nói.
Nhưng trước khi bàn rộng vấn đề này, ta phải nghiên cứu thêm các truyền thuyết về Phật A Di Đà trong kinh điển Phật giáo. Cho nên, một quan điểm khác đề xuất thuyết nguồn gốc Ấn độ trong Phật giáo.
[1] Cf. Emmerick, RE, "Buddhism amongst Iranian peoples" in: Yarshater, Ed, Cambridge History of Iran, vol 3.2, Cambridge, CUP, 1983; Foltz, R, Religions of the Silk Road: Overland trade and Cultural exchange from Antiquity to Fifteenth Century, New York: St. Martins Press, 1999
[2] Cf. Boyce, Mary (1957), Some reflections on Zurvanism, Bulletin of the School of Oriental and African Studies; Frye, Richard (1959), Zurvanism Again, The Harvard Theological Review, London, Cambridge.
[3] Cf. A History of Indian Philosophy by Surendranath Dasgupta, cambridge at the university press, 1922.