Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Các vị Bồ tát tại gia tuy sống trong nhà thế tục nhưng không đắm nhiễm dục lạc thế gian, không vướng mắc vào thị phi, danh lợi, tình ái… Có thể nói các vị ấy thân chưa xuất gia nhưng tâm đã xuất gia. Dù còn mang hình thức thế tục nhưng lại có ý chí xuất trần, đời sống phạm hạnh trong sạch như băng tuyết, lòng từ bi rộng lớn, chí nguyện cao thượng luôn vì Phật pháp và chúng sinh (tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc, thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết) .

Kinh Bát Đại Nhân Giác do Pháp sư An Thế Cao dịch từ Phạn sang Hán vào khoảng năm 148 Tây lịch (niên hiệu Kiến Hòa năm thứ 2, đời Hán Hoàn Đế-Trung Quốc). Pháp sư An Thế Cao đã trích từ kinh tạng Nguyên thủy (bản chữ Phạn) những tinh yếu của Phật pháp, trong đó có tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân trong kinh Trung A hàm và biên soạn lại thành bài kinh Bát Đại Nhân Giác.

Pháp sư An Thế Cao là người nước An Tức -một quốc gia cổ đại ở Tây Vực, nay thuộc Iran (BaTư )(*) và Pakistan (Có nơi nói lãnh thổ nước An Tức xưa, nay một phần thuộc Iran, một phần thuộc Afghanistan (A Phú Hãn). Vì hiện nay Iran giáp với Pakistan và Afghanistan về phía đông). Ngài đến kinh đô Lạc Dương (Trung Quốc) vào thời Hậu Hán (25-220 Tây lịch), đời Hán Hoàn Đế (132-167), là một trong những dịch giả có công lớn trong việc dịch kinh điển từ chữ Phạn sang chữ Hán thời bấy giờ.

Nội dung của kinh Bát Đại Nhân Giác chủ yếu phát triển từ kinh Bát Niệm (Tám điều suy niệm của bậc đại nhân), kinh số 74 thuộc Trung A Hàm, tương đương với kinh Anuruddha sutta hay Tám điều tư niệm của bậc đại nhân, thuộc kinh Tăng Chi Bộ, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ. Kinh Bát Đại Nhân Giác là giáo lý nền tảng căn bản của Phật giáo, trong đó chú trọng tinh thần nhập thế tự lợi, lợi tha trong tư tưởng Bồ tát đạo của Phật giáo Phát triển.

Kinh Bát Đại Nhân Giác là giáo lý nền tảng của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển:

*Giác ngộ bản chất con người và thế giới:

Trên bước đường tự giác và giác tha (tự mình giác ngộ, giúp người khác giác ngộ), tự lợi và lợi tha (tự làm lợi ích cho mình và làm lợi ích cho người khác), điều cơ bản đầu tiên là phải có nhận thức đúng, tích cực, tức có Chánh kiến, chi phần đầu tiên trong Bát Chánh Đạo (phần tinh hoa của Đạo Đế-một trong Bốn chân lý-Tứ Đế(**)).

Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, nhận thức về thế gian (vũ trụ quan, thế giới quan), về con người (nhân sinh quan) của Phật giáo được cô đọng trong điều quán niệm thứ nhất (Đệ nhất giác ngộ): Vũ trụ vạn hữu luôn ở trong tình trạng biến đổi, không có gì thường hằng, có những sự biến đổi mà con người có thể cảm nhận, thấy biết, nhưng cũng có những sự biến đổi mà con người không thể cảm nhận, thấy biết (sự biến đổi trong từng sát na, từng giây, từng phút và sự biến đổi trong những khoảng thời gian dài như vài trăm năm, vài triệu năm…). Sự biến đổi này Phật giáo gọi là vô thườngsinh diệt biến dị (hiện tượng đổi khác, sinh ra rồi mất đi, chuyển biến từ dạng này sang dạng khác).

Cõi nước (quốc độ), thế giới con người đang sống hay hành tinh xanh này cũng vô thường vì nó mong manh, tạm bợ, thời gian tồn tại của nó có giới hạn mặc dù so với đời người thì nó tồn tại lâu hơn nhiều. Hiện giờ thế giới này, trái đất này mặc dù vẫn tồn tại nhưng nó đã trải qua rất nhiều biến đổi: địa chất biến đổi, khí hậu biến đổi, đời sống con người biến đổi, môi trường sinh thái biến đổi (tài nguyên rừng bị tàn phá; ô nhiễm môi trường nước, không khí; thủng tầng ozon ở Nam Cực và Bắc Cực; nhiệt độ trái đất tăng, trái đất nóng lên; băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan chảy nhanh; mực nước biển dâng cao v.v..).

Con người cũng là một hiện tượng trong thế gian, một thành phần của thế gian (hữu tình thế gian, phân biệt với vô tình thế  gian, khí thế gian-thế giới tự nhiên, đồ vật và những loài không có tình thức), bản chất của con người là khôngvô ngã (do nhiều yếu tố, nhân duyên tạo thành, không có tự thể, không có chủ tể), cho nên sinh mạng và đời sống con người cũng vô thường, nó luôn thay đổi, phải trải qua bốn giai đoạn lớn là sinh, già, bệnh, chết. Ngoài ra, trong quá trình diễn ra đời sống, con người phải trải qua biết bao thay đổi khác.

Con người và thế giới vạn hữu (tứ đạingũ ấm-ngũ uẩn) vốn vô ngã (cũng đồng nghĩa với không), vốn vô thường, nên mong manh, không bền vững (nguy thúy), luôn luôn biến đổi. Tuy sự thật là thế, nhưng vì chấp ngã, thấy con người và thế giới là thực hữu trong khi con người và thế giới chỉ là những hiện tượng luôn luôn biến đổi, do điều kiện nhân duyên mà có mặt (sinh), lại do điều kiện nhân duyên mà đổi khác (biến dị), mất đi (diệt). Vì tham ái muốn mọi sự mọi vật thường hằng bất biến, muốn nắm giữ (thủ) những gì mình yêu thích (ái, dục), cho nên con người tạo nghiệp ác, bất thiện (ý suy nghĩ điều xấu, ác; thân làm việc xấu, ác; miệng nói lời hại người, hại mình), biến tâm mình thành nguồn sinh ra nhiều điều bất thiện, thân mình thành rừng tội lỗi (tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu).

Nếu nhận thức đúng về con người và thế giới tức là đã có chánh kiến, chánh tư duy, từ đó tinh tấn tu tập, thường suy niệm, quán chiếu để thành tựu tuệ giác giác ngộ (trí tuệ), thì người Phật tử (xuất gia lẫn tại gia) sẽ dần dần thoát khỏi phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử (như thị quán sát, tiệm ly sinh tử).

*Thực trạng đời sống và nguyên nhân của thực trạng đó:

Hiện thực đời sống con người là ham muốn nhiều (đa dục), tâm không biết đủ, chỉ biết tham cầu (tâm vô yểm túc, duy đắc đa cầu), cho nên con người thường khổ. Những nỗi khổ niềm đau của kiếp người, trên con đường sinh tử (sinh rồi tử, tử rồi sinh, mãi luân hồi trong lục đạo) đều có nguồn gốc từ tham dục. Vì tham dục (yêu chuộng bản thân, tham tiền bạc của cải, sắc đẹp, quyền lực, địa vị, danh tiếng, uống ăn, hưởng thụ…) mà tạo nghiệp, gây tội ác, từ đó trôi nổi trong biển sinh tử luân hồi. Nếu biết “thiểu dục vô vi” (không tạo nghiệp, hành động không xuất phát từ tâm mong cầu, tham muốn) thì thân tâm tự tại (không bị bất cứ điều gì ràng buộc, hệ lụy, không khổ não).

Các vị Bồ tát hay các bậc đại nhân (người có tâm lượng lớn, có trí tuệ lớn) đều như thế, các vị ấy thường biết tri túc (tâm vô cầu, vô dục), các vị ấy sống bình an, vui vẻ với cái nghèo (sống giản dị, thanh đạm) mà giữ đạo, tu hành Phật pháp, chỉ lấy trí tuệ làm sự nghiệp (Bồ tát thường niệm tri túc, an bần thủ đạo, duy tuệ thị nghiệp).

Khác với thế gian thường xem tài sản của cải, danh tiếng, quyền lực, địa vị là sự nghiệp, Bồ tát chỉ xem trí tuệ giải thoát là sự nghiệp. Bởi vì chỉ có trí tuệ mới giúp con người thoát khổ, chấm dứt con đường sinh tử luân hồi triền miên.

Đời sống con người vui ít khổ nhiều, những niềm vui có được cũng tạm bợ, không dài lâu. Tuy nhiên, không có bao nhiêu người giác ngộ được căn nguyên những nỗi khổ niềm đau trong cuộc sống. Đa phần đều cho rằng do thiếu tiền bạc, của cải, những điều kiện vật chất, những phương tiện, tiện nghi, thiếu hưởng thụ mà khổ. Kỳ thực đó không phải là cái gốc của khổ, mà cái gốc của khổ là do tham muốn nhiều, do tâm không biết đủ, không biết tự mãn nguyện. Con người đi từ tham muốn này đến tham muốn khác, dục vọng cứ leo thang thì biết bao giờ tâm mới yên ổn, an lạc. Tâm con người cứ bị ngũ dục, lục trần thúc đẩy, sai khiến, dẫn dắt đi quẩn quanh trong vòng vui-khổ.

*Con đường tu học hay pháp hành của Bồ tát:

Sau khi đã giác ngộ, thấy biết bằng trí tuệ đâu là nguyên nhân khổ, vui trong cuộc đời, thấy biết bản chất của đời sống, vị Bồ tát tinh tấn nỗ lực trong việc học pháp, hành pháp. Vị Bồ tát biết rõ rằng, hễ lười biếng giải đãi thì không tránh khỏi rơi vào dục lạc thế gian (giải đãi trụy lạc). Bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, khi tâm không có chánh niệm, không có phòng hộ thì ngũ dục, lục trần có cơ hội tác động, chi phối hành giả. Hành giả tu tập thấy rất rõ điều này, khi không có chánh niệm, không an trú vào các thiện pháp thì tâm dao động, rối loạn, các phiền não tham, sân, si, mạn… sinh khởi. Phiền não có mặt thì đồng thời khổ não, bất an có mặt. Do đó muốn tâm thanh tịnh không còn phiền não nhiễm ô, cũng tức là không còn khổ não, thì hành giả phải siêng năng tinh tấn học và hành các thiện pháp, không xao lãng việc tu học. Có tinh tấn hành trì chánh pháp mới có đủ định lực, tuệ giác hàng phục nội ma ngoại chướng (những phiền não, nghiệp chướng và sự ngăn trở, phá hoại của tà ma, ngoại đạo), thoát ra khỏi ngục tù ấm giới (thân người và cõi thế gian như nhà lửa này).

Các vị Bồ tát luôn quan tâm trau giồi đạo đức, phạm hạnh (giới) và trí tuệ (huệ), không ngừng cầu tiến, vì một khi chưa đạt quả vị Vô thượng Bồ đề thì vẫn còn phải học.

Theo Phật giáo Nguyên thủy thì hàng thánh A la hán được gọi là bậc vô học (không cần phải học nữa vì đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, việc cần làm đã làm xong). Nhưng theo Phật giáo Phát triển thì các bậc thánh A la hán vẫn còn cần phải học. Những gì các vị ấy học là các pháp hành để có đủ trí tuệ, biện tài làm lợi ích cho chúng sinh và tiến lên quả vị Phật, đem lại an lạc hạnh phúc lớn cho tất cả (Bồ tát thường niệm: quảng học đa văn, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu biện tài, giáo hóa nhất thiết, tất dĩ đại lạc). Nếu không có trí tuệ, biện tài thì Bồ tát không có năng lực độ sinh rộng lớn. Nếu không có trí tuệ và phước báu vô lượng thì không thành tựu quả vị Phật, vì Phật là bậc phước trí nhị nghiêm, là thầy của trời, người, là bậc đã từng tu tập và tạo lập công đức trong vô số kiếp. Phật và các vị thánh A la hán đều giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, nhưng trí tuệ và phước báu, năng lực độ sinh giữa Phật và các vị thánh A la hán còn một khoảng cách rất xa.

Để thành tựu tâm đại bi, xả bỏ lòng vị kỷ, đồng thời tạo công đức phước báo cho mình và lợi lạc tha nhân, vị Bồ tát thường hành pháp bố thí gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí là bố thí tiền bạc, của cải, vật dụng, phương tiện đời sống, tức giúp đỡ, sẻ chia về phương diện vật chất. Pháp thí là bố thí giáo pháp giải khổ, giáo dục đạo đức, truyền trao kinh nghiệm sống, nghề nghiệp, cách thức mưu sinh chân chính. Vô úy thí là dùng lời nói, hành động, việc làm đem lại sự bình an, đem lại niềm tin, nghị lực sống cho người khác; dùng sức mạnh hoặc trí tuệ, biện tài giúp người khác vượt qua khó khăn, sợ hãi…Vô úy thí và pháp thí có liên hệ với nhau. Đôi khi có sự bổ sung, hỗ tương lẫn nhau giữa tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Bồ tát thấy rõ tâm những người nghèo khổ, khốn khó thường hay sinh khởi phiền não tham lam, sân si, ganh ghét, đố kỵ, bất mãn, tự ti…, họ oán trách trời đất, oán trách người thân, bạn bè, oán trách gia đình, xã hội v.v..Những người này cũng dễ dàng gây tạo tội ác, làm điều bất thiện, kết bè đảng với bạn xấu để tìm vui hoặc làm việc bất chính (bần khổ đa oán, hoạnh kết ác duyên). Vì thế cho nên Bồ tát giúp đỡ họ về vật chất (có miếng cơm manh áo, nhà cửa hoặc phương tiện lao động, sản xuất-đây gọi là tài thí), giúp đỡ họ về tinh thần (an ủi, khuyên nhủ, chở che, dạy cách mưu sinh, trao truyền kiến thức, kinh nghiệm, giáo dục đạo đức..., đây gọi là pháp thí và vô úy thí)… Khi bố thí, thực hiện các việc từ thiện, Bồ tát làm với tâm bình đẳng, không có ý niệm phân biệt kẻ thân người thù, kẻ thương người ghét, kẻ xấu ác hay người hiền lương… Bất cứ ai có nhu cầu cần sự giúp đỡ, sẻ chia, Bồ tát đều ban tài thí hoặc pháp thí, vô úy thí tùy điều kiện, tùy khả năng mình có. Bồ tát bố thí với tâm từ bi cứu khổ ban vui, với tinh thần vô ngã (Bồ tát bố thí, đẳng niệm oán thân, bất niệm cựu ác, bất tắng ác nhân).

Các vị  Bồ tát tại gia tuy sống trong nhà thế tục nhưng không đắm nhiễm dục lạc thế gian, không vướng mắc vào thị phi, danh lợi, tình ái… Có thể nói các vị ấy thân chưa xuất gia nhưng tâm đã xuất gia. Dù còn mang hình thức thế tục nhưng lại có ý chí xuất trần, đời sống phạm hạnh trong sạch như băng tuyết, lòng từ bi rộng lớn, chí nguyện cao thượng luôn vì Phật pháp và chúng sinh (tuy vi tục nhân, bất nhiễm thế lạc, thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết) . Với tâm chí như thế thì chắc chắn về sau các vị Bồ tát tại gia này sẽ xuất gia.  

Một vị Bồ tát hay bậc đại nhân là người giác ngộ được cõi sinh tử (thế gian) như nhà lửa đang thiêu đốt khiến cho chúng sinh chịu nhiều khổ não, những nỗi khổ đó không thể nào kể hết. Vị Bồ tát phát khởi tâm đại bi cứu độ khắp tất cả, nguyện thay thế chúng sinh chịu vô lượng khổ, dùng trí tuệ, biện tài giúp cho chúng sinh mọi loài đều an lạc. Tâm tâm niệm niệm của vị Bồ tát luôn hướng đến đạo quả Bồ đề và hóa độ chúng sinh (Sinh tử xí nhiên, khổ não vô lượng, phát Đại thừa tâm, phổ tế nhất thiết, nguyện đại chúng sinh, thọ vô lượng khổ, linh chư chúng sinh, tất cánh đại lạc).

Cứu khổ, ban vui, vì lợi lạc chúng sinh là chí nguyện của Bồ tát. Dù chỉ là một vị Bồ tát sơ phát tâm vẫn có chí nguyện đó, nếu không thì không phải là Bồ tát. Bồ tát đạo hay con đường của Bồ tát, pháp hành của Bồ tát là tự giác và giác tha, hay tự lợi và lợi tha song hành không tách biệt. Cho nên pháp môn tu của Bồ tát là Lục độ vạn hạnh, là Tứ nhiếp pháp, là Tứ hoằng thệ nguyện, là Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới v.v..

Kinh Bát đại nhân giác chính là những điều mà chư Phật và các vị Bồ tát, các bậc đại nhân đã từng giác ngộ, theo đó tu tập mà thành tựu đạo quả và trở lại thế gian giáo hóa, tế độ chúng sinh. Các vị cũng dạy Tám điều giác ngộ này cho chúng sinh, giúp chúng sinh nhận thức đúng, thấy rõ sự thật thế gian, bản chất của đời sống, giúp chúng sinh biết rõ con đường tu tập giải thoát khỏi phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử (Như thử bát sự, nãi thị chư Phật Bồ tát đại nhân chi sở giác ngộ, tinh tấn hành đạo, từ bi tu tuệ, thừa pháp thân thuyền, chí Niết bàn ngạn. Phục hoàn sinh tử, độ thoát chúng sinh, dĩ tiền bát sự, khai đạo nhất thiết, linh chư chúng sinh giác sinh tử khổ, xả ly ngũ dục, tu tâm Thánh đạo).

Nếu người đệ tử Phật thường tụng niệm, nhớ nghĩ tám điều giác ngộ này, sẽ diệt được vô lượng tội (vì tâm không còn tạo nghiệp, tâm được chuyển hóa trở nên thanh tịnh), thẳng tiến đến đạo quả Vô thượng Bồ đề, chứng thành Phật quả, chấm dứt đường sinh tử, mãi mãi thường an trú trong Niết bàn tịnh lạc (Nhược Phật đệ tử, tụng thử bát sự, ư niệm niệm trung, diệt vô lượng tội, tiến thú Bồ đề, tốc đăng Chánh giác, vĩnh đoạn sinh tử, thường trú khoái lạc).

                                                                           Phan Minh Đức   

*Nước Ba Tư nằm ở phía tây nam châu Á, chính thức đổi thành Iran vào năm 1935.

**Tứ Đế hay Tứ Diệu Đế, Tứ Thánh Đế: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế.              

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm