Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Quy mệnh hay Thành tâm quy kính các bậc A la hán trong thế gian.

Vài dòng tham khảo về ý nghĩa của các âm Hán Phạn trong câu Phật học (6) dưới đây:

Nam mô, lô kê , A-La-Hán đa nẩm.

Nam mô là phiên âm Hán Phạn được viết ra từ chữ Namo trong Phạn ngữ. Namo viết theo mẩu devanāgarī: नमो. Namo là hợp biến phóng xuất âm (visarga sandhi) của chữ namaḥ, नमः mà thành.

Trong Phạn ngữ người ta thường dùng những chữ dưới đây để chào nhau:

नमस्ते (namaste) | नमोनमः (namo namaḥ) | नमस्कारः (namaskāraḥ).

Trong Phật học chữ : Namah (नम), Namas (नमस्), hay Namo (नमो) có nghĩa là đem thân tâm về qui ngưỡng Phật, Pháp, Tăng.

Namas có gốc từ động từ  √ नम् nam.

Namas_1 (नमस्), ở dạng trung tính, có nghĩa: Kính chào, tôn kính, ngưỡng mộ. Trên phương diện giới từ hay liên từ: chúc tụng, ca ngợi, tán tụng.

Namas_2 (नमस्), là thân động từ phản thân của namas nhóm một, có nghĩa: vinh danh, và khi làm trực bổ cách: làm danh dự, chào hỏi, kính trọng, ngưỡng mộ.

Động từ căn √ नम् nam có nghĩa: uốn cong, nghiêng xuống, chào, vinh danh, được uốn cong, tự quy phục, nhượng bộ.

Lô kê là phiên âm Hán Phạn được viết ra từ chữ loketrong Phạn ngữ. Loke thuộc về cách vị trí số ít trong bảng chia thân từ loka-ở dạng nam tính và -lokam là thán từ. Loke viết theo mẩu devanāgarī: लोक्.

लोक loka (nam tính)có gốc từ động từ căn √ लोक् lok. लोक  loka có những nghĩa như sau: nơi chốn, chỗ để, thế giới, vũ trụ, trái đất, ở dưới đây, dân tộc… lokās (số nhiều): nhân loại, xã hội, con người...

Động từ căn √ लोक्  lok có những nghĩa tùy theo thể chia thì của nó để dùng: thấy, nhìn xem, xem như, được biết, xem…

Arhatanam là phiên âm Hán Phạn được viết ra từ chữ arhatānām trong Phạn ngữ. Arhatānām có gốc từ [arhat] và arhatānām viết theo mẩu devanāgarī: अर्हतानाम्. 

अर्हत् arhat có gốc từ động từ căn √ अर्ह् arh . अर्हत्  arhat có những nghĩa như sau: có công đáng khen, tốt, hay, giỏi, đáng, xứng đáng, đáng tôn kính, đáng kính, một bực thánh đáng kính.

Động từ căn √ अर्ह्  arh có những nghĩa tùy theo thể chia thì của nó để dùng: đáng được tôn kính, có quyền được hưởng cái gì đó, được phép làm cái gì đó, có quyền, có khả năng làm… 

Trong Phật học  अर्हत्  arhat có nhiều định nghĩa tùy theo kinh thí dụ:  

Theo Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 21 giải thích rằng: "ứng thân hóa độ hết thảy chúng sanh, đoạn tận hết thảy lậu hoặc, nên gọi là A La Hán".

Theo Câu Xá Luận quyển 24: "A La Hán là một trong bốn quả vị của Thanh Văn còn gọi là Tứ quả Sa Môn, A La Hán là quả vị cao nhất được phân làm hai loại: Hướng A La Hán và Quả A La Hán.

Theo Thiện Kiến Luật Tỳ Bà Sa quyển 4: "Có thể đi ngoài sự vận hành của bánh xe Tam giới, xa lìa hết thảy các ác nghiệp, không còn tàng chứa... nên gọi là A La Hán".

Theo Tạp A Tỳ Đàm, Câu Xá Luận có 6 loại A La Hán: Thoái Pháp A La Hán | Tư Pháp A La Hán | Hộ pháp A La Hán | An trụ pháp A La Hán | Kham đạt pháp A La Hán | Bất Động Pháp A La Hán.

Trong Tương Ưng Kinh tập 3: "Này Ràdha, có năm thủ uẩn này, Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Ràdha! Khi nào Tỳ Kheo sau khi như thật biết rõ, sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi vị Tỳ Kheo là bậc A La Hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí".

Ngoài ra A La Hán còn có những nghĩa khác như: người đã đoạn tận diệt trừ hết thảy phiền não suy tư (Sát tặc) | người đã chứng đắc Niết Bàn, không còn thọ sanh trong trong Tam giới (Bất sanh) | người đã đoạn trừ hết thảy phiền não, ứng thọ sự cúng dường của nhân thiên (Ứng cúng)…và cũng là một trong mười danh hiệu của Phật.

Các vị A la hán đệ tử đầu tiên của Đức Phật Thích Ca chính là nhóm năm(pañcavargīyaपञ्चवर्गीय) anh em Kiều Trần Như:

A nhã kiều trần như (ajnata kaundinya अज्ञात कौण्डिन्य) hay Kiều trần như (kaundinya कौण्डिन्य) | A thấp (aśvajit अश्वजित्) | Bạt đề hay Bà đề (bhadrika भद्रिक) | Thập lực ca diếp (daśabala kaśyapa  दशबल    कश्यप) | Ma nam (mahānāman महानामन्) hay Ma nam  câu lợi (mahānāman kulika  महानामन्  कुलिक).

Catvāry āryasatyāni चत्वारि  आर्यसत्यानि ý Việt được hiểu là: Bốn sự thật cao qúy hay Tứ diệu đế mà Đức Phật đã thuyết pháp, cho năm anh em A nhã Kiều Trần Như nghe lần đầu tiên, tại vườn Lộc Uyển, về phía bắc thành Ba la nại, sau khi Ngài thành đạo.

Tứ diệu đế là kinh nghiệm giác ngộ của Phật Thích Ca Mâu ở Bodh Gaya  và cũng là nội dung chính của bài kinh đầu tiên, mang tên Chuyển pháp luân trong Phật học. Tứ diệu đế là giáo lý cơ bản nội hàm dùng để giải thích mọi hiện tượng nhân sinh vũ trụ được quy nạp từ thập nhị nhân duyên, là con đường trung đạo duy nhất giải thoát sinh tử luân hồi : KHỔ ĐẾ| TẬP ĐẾ | DIỆT ĐẾ | ĐẠO ĐẾ.

Đức Phật đã giải thích rất rõ rệt cho năm anh em A nhã Kiều Trần Như để hiểu sự thực của 4 điều:  Khổ, Tập, Diệt, Đạo và mỗi điều được chia làm 3 luân và 3 luân nhân cho 4 điều ra thành 12 điều gọi là 12 thể. Ngài dùng một cụm từ, lặp đi, lặp lại nhiều lần trong ba luân của mỗi điều, để nhấn mạnh những điều chưa từng thấy, chưa từng được nghe trước kia.

Ba luân của Khổ đế: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, Uất ức, bực tức trong lòng, không bày tỏ ra được, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa những người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ… Chấp thủ vào thân ngũ uẩn là nguồn gốc của đau khổ. Đây là khổ.

 1. Những điều chưa từng thấy, chưa từng được nghe trước kia, bây giờ đã được phát sinh, bằng sự thấy rõ, biết rõ, biết không sai lầm, không còn hoài nghi. Đây là sự Khổ có thật.

 2. Khi sự Khổ có thật, thì nên biết rằng có Khổ.

 3. Sự Khổ mà người ấy đã thấy rõ rồi.

Ba luân của Tập đế: Ái Dục trong lòng là nhân làm tái sanh trong luân hồi và có 3 loại : Ái dục trần thế dục giới là tâm thiết tha khao khát, bám níu cái này hay cái kia trong đời sống. Ái dục sanh trong sắc giới là đeo níu theo sự sinh tồn. Ái dục sanh trong vô sắc giới là đeo níu theo sự không sinh tồn. Đây là nguyên nhân sanh ra Khổ.

 1. Những điều chưa từng thấy, chưa từng được nghe trước kia, bây giờ đã được phát sinh, bằng sự thấy rõ, biết rõ, biết không sai lầm, không còn hoài nghi. Đây là nguyên nhân sanh ra Khổ.

 2. Khi biết nguyên nhân sanh ra Khổ, thì nên hiểu rõ mặt của Ái dục.

 3. Ái dục mà người ấy đã thấy rõ rồi.

Ba luân của Diệt đế: Nhờ Bát Chánh Ðạo mà mọi gốc của tham ái được tận diệt toàn vẹn thì sự khổ cũng được tận diệt. Đây là Diệt Khổ.

 1. Những điều chưa từng thấy, chưa từng được nghe trước kia, bây giờ đã được phát sinh, bằng sự thấy rõ, biết rõ, biết không sai lầm, không còn hoài nghi. Đây là sự Diệt Khổ có thật.

 2. Khi sự Diệt Khổ có thật, thì hiểu rõ Diệt.

 3. Diệt mà người đã hiểu rõ rồi.

Ba luân của Đạo đế: Phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ và được gọi là Bát chính đạo và nó gồm có: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh. Đây là Đạo Đế.

 1. Những điều chưa từng thấy, chưa từng được nghe trước kia, bây giờ đã được phát sinh, bằng sự thấy rõ, biết rõ, biết không sai lầm, không còn hoài nghi. Đây là Đạo có thật.

 2. Khi Đạo có thật, thì nên hiểu rõ Đạo.

 3. Đạo mà người hiểu rõ, đầy đủ rồi.

Vì vậy, Khổ cần được hiểu một cách thấu triệt và nên từ bỏ tham ái một cách dứt khoát, để Niết Bàn phải được nhận ra, thì con đường dẫn đến diệt Khổ được phát triển đúng ý nghĩa. Đức Phật đã làm đầy đủ điều này. Do đó, Ngài được gọi là người hoàn toàn giác ngộ.

Qua những câu định nghĩa về thuật ngữ A la hán ở trên. Bây giờ là phần ý Việt:

Nam mô, lô kê, A-La-Hán đa nẩm.

Namo loke arhata-nam.

Namo loke arhatānām.

Quy mệnh hay Thành tâm quy kính các bậc A la hán trong thế gian.

Kính bút

TS Huệ Dân.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm