Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Sư từ Hoàng Mai đắc pháp, về đến Thiều Châu, thôn tào Khê, không ai biết. Bấy giờ, có nho sĩ Lưu Chí Lược, cúng dường trong hậu. Chí Lược có người cô làm Ni tên Vô Tận Tạng thường tụng Kinh Đại Niết Bàn. Sư vừa nghe qua đã biết ý nghĩa thâm diệu, bèn giải nói. Ni bèn cần quyển Kinh hỏi chữ. Sư bảo:

            - Chữ thì không biết cứ hỏi nghĩa đi.

            Ni bảo:

            - Chữ mà không biết làm sao hiểu nghĩa?

Sư dạy:

- Diệu lý của chư Phật can hệ gì văn tự?

Ni kinh dị, bảo khắp bậc kỳ đức trong làng rằng: “Đây là bậc Đại sĩ,nên thỉnh cúng dường”.

            Bấy giờ, có Tào Thúc Lương cháu nội Ngụy Võ Hầu cùng với dân làng đến lễ bái. Cổ tự Bảo Lâm từ cuối đời Tùy bị tàn phế vì binh lửa, nay ở nền cũ, họ xây lại một ngôi chùa thỉnh Sư đến an trú, chẳng bao lâu đã thành bảo địa. Sư an trú được chín tháng hơn, lại bị bọn ác nhân săn tìm. Sư lánh vào ngọn núi phía trước, bị bọn bên kia phóng hỏa. Sư bèn ẩn thân trong đá mà thoát được. tảng đá ấy nay còn dấu ngồi kiết già của Sư, cùng với lằn y trải ra, do đó mang tên là đá tỵ nạn. sư nhớ lời ngũ Tổ dặn dừng ở Hoài, ẩn ở Hội, nên đã ở hai nơi ấy.

            Tăng Pháp Hải, người ở Khúc Giang thuộc đất Thiều Châu, khi mới đến tham bái Tổ sư, hỏi rằng:

            - Tức tâm tức Phật là sao? Xin thương xót chỉ dạy.

            Sư dạy:

            - Niệm trước không sanh tức tâm, niệm sau không diệt tức Phật. thành hết thảy tướng tức tâm, lìa hết thảy tướng tức Phật. Nếu nói đủ, trọn kiếp không cùng. Hãy nghe kệ của ta:

                        Tức tâm là tuệ

                        Tức Phật là định

                        Định tuệ quân bình

                        Ý thường thanh tịnh

                        Ngộ pháp môn này

                        Do người tập tánh

                        Dụng vốn vô sanh

                        Song tu là chánh.

            Pháp Hải đại ngộ, bèn làm kệ tán thán:

                        Tức tâm nguyên là Phật

                        Không ngộ nên tự khuất

                        Tôi biết nhân định tuệ

                        Song tu lìa các vật.

            Tăng Pháp Đạt người ở Hồng Châu, bảy tuổi xuất gia thường tụng Kinh Pháp Hoa, đến lễ Tổ, đầu không chấm đất.

            Tổ quở rằng:

            - Lạy mà đầu không sát đất, sao bằng đừng lạy. Trong lòng ngươi chắc còn một vật. Ôm giữ cái gì thế?

            Đáp:

            - Niệm Kinh Pháp Hoa đã đến ba ngàn bộ.

            Tổ dạy:

            - Dù niệm tới vạn bộ, hiểu được ý Kinh, cũng không lấy làm đắc thắng, mới là cùng ta đồng hành. Người nay đã phụ sự nghiệp ấy mà tuyệt nhiên không biết lỗi. Hãy nghe kệ của ta:

                        Lạy cốt bẻ cờ kiêu

                        Đầu nếu không sát đất

                        Có ngã tội liền sanh

                        Quên công phước vô lượng.

            Sư lại dạy:

            - Ngươi tên chi?

            - Tên Pháp Đạt.

            - Ngươi tên Pháp Đạt, mà chưa từng đạt Pháp.

            Lại nói kệ rằng:

                        Ngươi nay tên Pháp Đạt

                        Siêng tụng chưa từng nghỉ

                        Luống đọc theo âm thanh

                        Minh tâm mới Bồ Tát

                        Ngươi nay có nhân duyên

                        Ta sẽ vì ngươi nói

                        Tin rằng Phật vô ngôn

                        Hoa sen từ miệng xuất.

            Đạt nghe kệ sám hối mà thưa:

            - Từ nay trở đi, con xin khiêm hạ với tất cả. Đệ tử tụng Kinh Pháp Hoa mà chưa từng hiểu nghĩa, tâm thường nghi. Hòa thượng trí tuệ quảng đại, xin từ bi nói tóm lược nghĩa lý cho con.

            - Pháp Đạt! Pháp tức rất đạt, mà tâm ngươi không đạt. Kinh vốn không nghi, tâm ngươi tự nghi. Kinh này lấy gì làm tông?

            - Bạch, đệ tử căn tánh tối chậm lâu nay chỉ theo văn mà tụng niệm đâu biết tông thú. Xin Hòa thượng chỉ dạy cho.

            - Ta không biết chữ, ngươi thử cầm Kinh đọc một lượt, ta sẻ giảng cho.

            Pháp Đạt bèn cao giọng đọc, đến phẩm Thí Dụ, Sư bảo:

            - Thôi! Kinh này nguyên lai lấy nhân duyên Phật xuất thế làm tông. Dù có nói lắm ví dụ cũng không ngoài ý này. Nhân duyên là sao?      Kinh dạy: “Chư Phật Thế Tôn duy vì một đại sự nhân duyên mà hiện ra đời”. Một đại sự ấy chính là tri kiến Phật vậy. Người đời bên ngoài thì mê chấp tướng, bên trong thì mê chấp không. Nếu có thể nơi tướng mà lìa tướng, nơi không mà lìa không, tức là trong ngoài đều không mê. Ngộ được pháp ấy, một niệm tâm khai, ấy là mở tri kiến Phật. Phật là giác. Giác chia ra bốn môn: Khai giác tri kiến, thị giác tri kiến,ngộ giác tri kiến, nhập giác tri kiến. Nếu nghe khai thị, có thể ngộ nhập, thì giác tri kiến, chơn tánh xưa nay được xuất hiện. Ngươi thận trọng chớ hiểu lầm ý Kinh, thấy Kinh nói khai thị ngộ nhập, mà cho rằng đó là tri kiến Phật, còn ta không có gì. Nếu hiểu như vậy là hủy báng Kinh, chê bai Phật vậy. Phật đã là Phật, đã đủ tri kiến thì còn khai mở làm gì. Ngươi nên tin rằng, Phật tri kiến ấy là chỉ tự tâm ngươi, ngoài ra không có Phật nào khác. Bởi vì hết thảy chúng sanh tự che lấp ánh quang minh của mình, tham ái trần cảnh, vì cơ hội ở ngoài, vì rối loạn bên trong mà chịu rong duỗi, phiền cho Thế Tôn phải xuất khỏi Tam muội mà nói đủ lời khắc khổ để khuyên hãy dừng nghỉ, chớ hướng ngoại tìm kiếm, thì cùng với Phật không khác, nên gọi là khai Phật tri kiến.

            Tôi khuyên mọi người ngay nơi tự tâm mình, thường khai tri kiến Phật. Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng lành tâm ác, tham sân ganh ghét, dua nịnh kiêu căng, tổn người hại vật, như vậy là tự mở cái tri kiến chúng sanh ra. Nếu chánh tâm lại, thường phát sanh trí tuệ, quán chiếu tự tâm, dứt ác làm lành, đó là tự khai tri kiến Phật. các người nên thường khai tri kiến Phật trong từng mỗi niệm, chớ có khai tri kiến chúng sanh gọi là thế gian. Nếu các người cứ chuyên một mực khó nhọc giữ chặt niệm không buông cho là công phu, thì có khác gì loài trâu mến tiếc cái đuôi của nó.

            Pháp Đạt hỏi:

            - Nếu vậy thì chỉ cần hiểu nghĩa lý, không cần tụng Kinh hay sao?

            Sư dạy:

            - Ý Kinh có lỗi gì mà phải ngăn cấm người niệm. Mê ngộ ở nơi người, hại hay là lợi đều do ở nơi mình mà ra. Miệng tụng tâm hành, ấy là chuyển được Kinh. Miệng tụng tâm không hành, ấy là bị Kinh chuyển. Hãy nghe kệ của ta:

                        Tâm mê Pháp Hoa chuyển

                        Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa

                        Tụng Kinh lâu không hiểu

                        Với nghĩa lý thành thù

                        Vô niệm niệm là chánh

                        Có niệm niệm thành tà

                        Có không không đếm xỉa

                        Xe trâu trắng thường ngồi.

            Pháp Đạt nghe kệ đại ngộ, bất giác rơi lệ, bạch Sư rằng:

            - Pháp Đạt từ xưa đến nay, quả thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, mà lại bị Pháp Hoa chuyển.

            Lại bạch:

            - Kinh dạy các bậc đại Thanh Văn đến Bồ Tát đều hợp sức cùng suy lường mà cũng không lường được trí Phật. Nay Ngài bảo kẻ phàm phu chỉ cần tự ngộ tâm thì gọi là tri kiến Phật. Điều ấy nếu không phải bậc thượng căn thì không khỏi nghi hoặc. Lại Kinh dạy ba xe: xe dê, xe hưu và xe trâu trắng, khác nhau thế nào? Xin Hòa thượng từ bi khai thị cho.

            Sư dạy:

            - Kinh thật rõ, chỉ ngươi tự mê. Những người trong ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát sở dĩ không thể suy lường được trí Phật, lỗi chính là tại suy lường. Nhiều người tận lực cùng nhau suy lường thì lại càng thêm sai, Phật vì phàm phu mà nói. Lý này nếu không chịu tin thì phải rút lui khỏi giảng đường theo những vị kia trong Kinh, tuyệt nhiên không biết mình đã ngồi trên xe trâu trắng lại ra ngoài cửa đi tìm ba xe. Huống nữa văn kinh nói rõ với ngươi rằng chỉ có Phật thừa, không có thừa nào khác, dù hai hay ba, cho đến vô số phương tiện diễn nói như nhân duyên, thí dụ v.v… (trong mười hai bộ loại), tất cả pháp này để nói lên một Phật thừa duy nhất. Sao ngươi không tỉnh ngộ ba thừa là giả, vì thời quá khứ mà nói; một thừa là thật, vì thời hiện tại mà nói; chỉ dạy ngươi bỏ giả quay về thật, sau khi quay về thật thì cái thật ấy cũng không có tên. Nên biết bao nhiêu của cải châu báu đều thuộc về ngươi, tùy ngươi thọ dụng đến không còn nghĩ tưởng về cha, cũng không nghĩ tưởng về con, cũng không còn cái tưởng nghĩ về thọ dụng, ấy gọi là trì Kinh Pháp Hoa, từ kiếp này qua kiếp khác tay không rời Kinh, đêm ngày không lúc nào không niệm Kinh vậy.

            Đạt nhờ khai phát, tâm thư thái hoan hỷ làm kệ rằng:

Tụng Kinh ba ngàn bộ

Tào Khê một câu quên

Chưa rõ nghĩa xuất thế

Khó dứt mê nhiều đời

Dê hưu trâu giả đặt

Đầu giữa cuối khéo phô

Ai ngờ trong nhà lửa

Vốn sẵn đấng Pháp Vương.

            Sư dạy:

            - Ngươi từ nay trở đi mới đáng gọi là ông thầy niệm Kinh vậy.

            Pháp Đạt lãnh hội ý chỉ sâu xa, từ đấy tiếp tục tụng Kinh không dứt.

            Tăng Trí Thông, người đất An Phong, Thọ Châu, lúc đầu xem Kinh Lăng Già có đến hơn ngàn lần mà không hiểu ba thân bốn trí, đảnh lễ Sư xin giải nghĩa ấy. Sư dạy:

            - Ba thân là: Thanh tịnh Pháp thân, tức tánh của ông. Viên mãn Báo thân, tức trí của ông. Thiên bách ức Hóa tức thân, hạnh của ông. Nếu lìa bản tánh mà nói ba thân tức là có thân không trí, nếu ngộ ba thân  không có tự tánh ấy gọi là bốn trí Bồ đề. Hãy nghe kệ của ta:

Tự tánh đủ ba thân

Phát minh thành bốn trí

Chẳng rời duyên thấy nghe

Tự nhiên lên đất Phật

Ta nay bảo ông biết

Tin chắc tuyệt không mê

Chớ học kẻ tìm gươm[1]

Trọn ngày nói Bồ đề.

            Thông lại hỏi:

            - Nghĩa của bốn trí là sao, xin cho con được nghe?

            - Đã hiểu ba thân thì cũng rõ luôn bốn trí, sao còn hỏi nữa? Nếu lìa ba thân mà nói bốn trí ấy là có trí không thân, có trí như vậy cũng thành không trí.

            Sư lại dạy bài kệ:

Đại viên cảnh Trí là tánh thanh tịnh

Bình đẳng tánh Trí là tâm không tịnh

Diệu quan sát Trí thấy như không[2]

Thành sở tác Trí giống viên cảnh

Năm tám chuyển quả, sáu bảy nhân

Chỉ dùng tên gọi không thật tánh

Nếu cảnh đổi thay tình không đắm[3]

Tha hồ an trú trong đại định

            Trên đây là chuyển thức thành trí vậy. Giáo lý dạy rằng: Chuyển năm thức trước thành Thành sở tác trí, chuyển thức thứ sáu thành Diệu quan sát trí, chuyển thức thứ bảy thành Bình đẳng tánh trí, chuyển thức thứ tám thành Đại viên cảnh trí. Tuy thức thứ sáu và bảy chuyển trong nhân, năm thức trước và thức thứ tám chuyển ở quả, nhưng chỉ chuyển cái tên mà không chuyển cái bản thể.

            Thông đốn ngộ được tánh trí, trình kệ rằng:

Ba thân: bản thể mình

Bốn trí vốn tâm minh

Thân trí dung không ngại

Theo vật mà hiện hình

Khởi tu đều vọng động

Chấp thủ trái chơn tịnh

Nhờ Sư mà hiểu đạo

Tuyệt hết danh nhiễm ô.

            Tăng Trí Thường ở Tín Châu, Quý Cốc đến tham lễ. Sư hỏi:

            - Ngươi từ đâu đến?

            Đáp:

            - Đệ tử ở gần Hồng Châu, núi Bạch phong, trước đây đến tham lễ Hòa thượng Đại Thông xin chỉ dạy ý nghãi kiến tánh thành Phật, nhưng chưa dứt được nghi, nay đến xin Hòa thượng dạy bảo.

            - Đại Thông Hòa thượng dạy ngươi những gì, thử nói ra xem.

            - Dạ, con tới đã ba tháng mà chưa được Ngài chỉ dạy điều gì cả. Một buổi chiều nọ, vì tha thiết cầu pháp, con một mình vào trượng thất hỏi Hòa thượng, bản tâm bản tánh của con là thế nào. Đại Thông dạy: “Ngươi có thấy hư không chăng?”. Con đáp: “Thấy”. Ngài nói: “Ngươi thấy hư không có tướng mạo không?”. Con trả lời: “Hư không thì vô hình, đâu có tướng mạo gì”. Hòa thượng dạy: “Bản tánh của ngươi cũng như hư không, tuyệt đối không một vật gì có thể thấy được. Như thế gọi là thấy chơn chánh. Không một vật gì có thể biết được, ấy gọi là biết chơn chánh. Không có xanh vàng dài ngắn, chỉ thấy nguồn gốc thanh tịnh, giác thể viên minh, ấy gọi là kiến tánh thành Phật , cũng gọi là tri kiến Phật”.

            Bạch Hòa thượng, đệ tử tuy nghe lời dạy ấy vẫn chưa quyết nghi được, xin Hòa thượng khai thị.

            Sư dạy:

            - Lời dạy của vị Sư kia còn giữ cái kiến tri, nên khiến ngươi chưa hiểu. Ta nay khai thị cho ngươi một bài kệ:

Không thấy một pháp mà còn cái thấy không

Thì không khác đám mây che mặt trời

Không biết một pháp nhưng còn cái biết không

Cũng như giữa thái hư sanh điện chớp

Thấy biết như vậy càng thêm rối loạn

Nhận thức lầm lẫn thì làm sao hiểu được phương tiện

Ngươi hãy trong một niệm tự biết lỗi

Thì ánh linh quang nơi mình thường hiện rõ.

            Trí Thường nghe kệ xong tâm ý khai ngộ, trình kệ rằng:

Tự dưng khởi tri kiến

Chấp tướng cầu Bồ đề

Còn giữ một niệm ngộ

Không hết mê lầm xưa

Tánh thể vốn là giác

Luống theo dòng chiếu soi

Không vào thất Tổ sư

Thì vẫn còn mờ mịt.

            Lại hỏi Sư:

            - Phật dạy ba thừa, lại còn dạy Tối thượng thừa, đệ tử chưa hiểu, xin Ngài chỉ dạy.

            - Ngươi hãy quán tự tâm, chớ chấp vào pháp tướng ở ngoài. Pháp không có bốn thừa, tâm ngươi có sai khác. Kiến văn dần dần mới thông là Tiểu thừa, ngộ pháp hiểu nghĩa là trung, theo pháp tu hành là Đại. Vạn pháp đều thông, vạn pháp đều đủ, không nhiễm trước hết thảy, lìa các pháp tướng, không sở đắc một vật, ấy là Tối thượng thừa. Thừa nghĩa là thực hành, không do miệng tranh luận. Ngươi hãy tự tu, chớ hỏi ta nữa. Hay trong mọi lúc, tự tánh không dời đổi.

            Tăng Chí Đạo, người Quảng Châu, Nam Hải, bạch:

            - Đệ tử từ khi xuất gia, xem Kinh Niết bàn hơn mười năm, mà chưa hiểu đại ý. Xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

          - Ngươi không hiểu chỗ nào?

          - Dạ, đệ tử có thắc mắc về bài kệ:

Chư hành vô thường

Thị sanh diệc pháp

Sanh diệt diệc dĩ

Tịch diệt vi lạc.

(Các hành là vô thường

Đó là pháp sanh diệt

Sanh diệt đã diệt rồi

Thì tịch diệt là vui).

            Sư hỏi:

            - Vì sao thắc mắc?

            - Bạch, hết thảy chúng sanh lẽ ra có hai thân là nhục thân và Pháp thân. Thân vật chất thì vô thường, có sống có chết. Thân tinh thần (Pháp thân) thì thường còn, nhưng vô tri vô giác. Kinh nói sanh diệt hết thì tịch diệt là vui, con không hiểu thân nào tịch diệt, thân nào cảm thọ cái vui ấy. Nếu là thân vật chất, thì khi nó diệt, bốn đại rã rời, toàn là khổ, không thể bảo là vui được. Nếu Pháp thân tịch diệt, thì cũng như cỏ cây ngói đá, ai cảm thọ cái vui? Lại pháp tánh là bản thể của sanh diệt, năm uẩn là dụng của sanh diệt, (nghĩa là) đồng một thể mà có năm dụng, quá trình sanh diệt thường tiếp diễn, từ thể khởi ra dụng gọi là sanh, dụng thâu về thể gọi là diệt. Nếu chấp nhận có tái sanh, thì loài hữu sanh không bao giờ đoạn diệt (chỉ thay đổi thân này qua thân khác). Nếu không chấp nhận có tái sanh, thì cac loài hữu tình trở về trạng thái tịch diệt, không khác vật vô tri vô giác. Như vậy thì tất cả các pháp đều bị Niết bàn (tịch diệt) án ngữ cả rồi, sanh còn không được làm sao có lạc?

            Sư dạy:

            - Ông là con dòng họ Thích, sao lại đem tà kiến chấp đoạn, chấp thường của ngoại đạo mà luận pháp Tối thượng thừa? Cứ như lời ông nói, thì ngoài sắc thân riêng có Pháp thân, do đó bỏ sanh diệt cầu tịch diệt. Ông lại suy luận rằng Niết bàn đã là thường lạc thì phải có thân để thọ dụng cái lạc ấy. Chính vì thế mà sanh ra ôm giữ sanh tử, tham đắm thế lạc. Ông nên biết Phật vì những người mê lầm này – những kẻ ngộ nhận sự phối hợp năm uẩn là cái ta, còn những vật khác là ngoài ta, do đó ưa sống ghét chết, mãi mãi phiêu bạt một cách oan uổng trong vòng luân hồi mà không biết chỉ là mộng huyển giả dối, đảo lại xem Niết bàn là thường lạc là khổ, suốt ngày chỉ theo đuổi cái vui thế tục – Phật vì thương xót những người này mới chỉ ra cái lạc chơn thật của Niết bàn. Niết bàn chơn lạc ấy trong một sát na không có hiện tượng sanh, cũng không có hiện tượng diệt, cũng không có hiện tượng sanh diệt nào để chấm dứt. Ấy gọi là sự hiện khởi trước mắt của tịch diệt. Nhưng ngay lúc hiện khởi ấy cũng không có cái suy lường về hiện khởi, nên gọi là thường lạc. Lạc ấy không có người cảm thọ, cũng không có người không cảm thọ, đâu có cái chuyện một thể năm dụng (như ông nói), huống nữa lại còn bảo niết bàn án ngữ hết mọi sự, khiến cho mọi sự vĩnh viễn không sanh được. Ấy là chê Phật bài bác pháp đó. Hãy nghe kệ của ta:

Vô thượng đại Niết bàn

Viên minh thường tịch chiếu

Phàm ngu cho là chết

Ngoại đạo gọi dứt đoạn

Người cầu pháp Nhị thừa

Lại bảo là vô tác

Đều thuộc về chấp trước

Căn bản của (62) tà kiến

Chỉ là tên giả đặt

Đâu có nghĩa chơn thật

Chỉ có người siêu việt

Liễu tri pháp Niết bàn

Nên không lấy không bỏ

Vì biết rằng năm uẩn

Và ngã ở trong đó

Cùng những sắc tượng ngoài

Và tất cả âm thanh

Đều như mộng như huyễn

Không phân biệt Thánh phàm

Không cho rằng mình hiểu (Niết bàn)

Trừ cả hai biên chấp (có, không)

Bỏ luôn quá, hiện, vị

Thường sử dụng giác quan

Không khởi tưởng (sử dụng)

Phân biệt tất cả pháp

Không khởi tưởng “phân biệt”

Lửa cháy thấu đáy biển

Vào thời gian kiếp hoại

Gió mạnh núi va nhau

Mà Niết bàn chơn lạc

Vẫn không hề thay đổi

Ta nay chỉ gượng nói

Để ông bỏ tà kiến

Ông đừng chấp lời ta

Họa may hiểu vài phần.

            Chí Đạo nghe kệ đại ngộ, vui mừng lễ tạ mà lui.

Thiền Sư Hành Tư, họ Lưu, sanh ở An Thành, người Cát Châu, nghe tiếng Tổ Tào Khê, đến tham lễ, hỏi:

- Phải làm gì để khỏi rơi vào giai cấp?

Tổ hỏi:

 - Ông thường làm gì?

Đáp:

- Thánh đế cũng không làm.

- Vậy ông thuộc giai cấp nào?

- Thánh đế còn không làm, thì còn có giai cấp nào.

Tổ nhận là bậc Pháp khí, cho làm thủ chúng. Một hôm Tổ bảo Hành Tư:

- Ông nên đi du hóa một phương, chớ để đứt mất giống Phật.

Hành Tư sau khi đắc pháp, trở về Cát Châu, núi Thanh Nguyên mà hoằng dương, sau khi mất Ngài được phong thụy là Hoằng Tế Thiền Sư.

            Thiền Sư Hoài Nhượng, người họ Đỗ, ở Kim Châu, lúc đầu yết kiến An Quốc Sư ở Cao Sơn. An bảo đến Tào Khê tham bái Lục Tổ.

            Tổ hỏi:

            - Từ đâu đến?

            - Cao Sơn.

            - Vật gì đến? Vì sao đến?

            - Nói rằng nó giống một vật thì không đúng.

            - Vậy có thể tu chứng không?

            - Tu chứng thì không phải không, nhưng nhiễm ô lại không thật có.

            - Chính cái không nhiễm ô ấy, chư Phật đều hộ niệm! Ông đã được vậy, thì tôi cũng vậy.

            Nhượng hoắc nhiên đại ngộ, hầu cận bên Tổ suốt mười lăm năm, càng ngày càng thâm nhập Phật lý. Về sau, sư đến Nam Nhạc hoằng dương thiền tông, sau khi mất được phong hiệu là Đại Huệ Thiền Sư.

            Vĩnh Gia Huyền Giác thiền sư, người họ Tải, đất Ôn Châu, thuở nhỏ học Kinh Luận, tinh thông pháp môn chỉ quán của Thiên Thai tông, sau nhờ xem Kinh Duy Ma mà phát minh được tâm địa, gặp đệ tử của Tổ là Huyền Sách cùng nhau đàm luận nghĩa lý. Sách thấy lời nói của Sư khế hợp chư Tổ, bèn hỏi:

            - Nhân giả đắc pháp với ai?

            - Khi tôi nghe các Kinh luận Đại thừa thì đều có thầy truyền dạy, nhưng sau được đọc Kinh Duy Ma, ngộ tâm tông của Phật, thì chưa có người chứng minh cho tôi.

            Sách bảo:

            - Trước Phật Oai Âm Vương thì được, sau Phật Oai Âm Vương mà tự ngộ, không có thầy chứng minh, đều là thiên nhiên ngoại đạo.

            - Vậy xin nhân giả chứng minh cho tôi.

            Sách bảo:

            - Lời tôi nhẹ lắm. Tào Khê có Lục Tổ Đại sư, bốn phương đều tụ hội thọ pháp với Ngài. Nếu đi thì tôi đi với.

            Giác bèn cùng đi với Sách tới tham lễ Tổ. Đến nơi, Giác đi quanh ba vòng rồi chống tích trượng đứng. Tổ hỏi:

            - Hễ làm Sa môn thì phải đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh. Đại đức từ đâu tới mà ngạo mạn như vậy?

            Giác nói:

            - Sanh tử là việc lớn, vô thường mau chóng.

            Sư hỏi:

            - Sao không ngay thể tánh mà trực nhận cái không sanh, để liễu đạt cái không chóng?

            - Thể vốn không sanh, liễu vốn không chóng.

            - Đúng đấy, đúng đấy.

            Giác mới đủ oai nghi đảnh lễ Tổ rồi cáo từ.

            Tổ hỏi:

            - Về chóng quá vậy?

            - Vốn tự không động, há lại có mau chóng hay sao?

            Tổ hỏi:

            - Ai biết không động?

            - Ấy là nhân giả tự sanh phân biệt.

            Tổ khen:

            - Ông thật đã đạt cái ý vô sanh.

            - Vô sanh lại có ý sao?

            Tổ hỏi:

            - Nếu không ý thì ai phân biệt?

            - Phân biệt cũng không phải là ý.

            Tổ bảo:

            - Lành thay! Hãy lưu lại một đêm đã.

            Nhân đấy người đương thời gọi là “một đêm giác ngộ”.

            Về sau Giác làm “bài ca chứng đạo” thịnh hành ở thế gian. Khi mất, ngài được ban thụy là Vô Tướng Đại Sư.

            Thiền Sư Trí Hoàng, lúc đầu tham học ngũ Tổ, tự cho đã được chánh định, về ở trong am ngồi suốt hai mươi năm. Đệ tử của Tổ là Huyền Sách đi du phương đến Hà Sóc, nghe danh Hoàng, đến am hỏi:

            - Ông ở đây làm cái gì?

            - Nhập định.

            Sách bảo:

            - Ông nói nhập định, vậy là hữu tâm mà nhập hay vô tâm mà nhập? Nếu vô tâm, thì hết thảy loài vô tình như cỏ cây ngói đá, đáng lẽ cũng nên gọi là đã đạt định, còn nếu hữu tâm mà nhập, thì tất cả các loài hữu tình có tâm thức cũng đáng gọi là đắc định.

            Hoàng nói:

            - Trong khi tôi nhập định, thì không thấy cái tâm hữu vô ấy.

            Sách nói:

            - Không thấy có tâm hữu vô, thì là thường định rồi, còn có xuất nhập gì nữa. Nếu có xuất nhập thì không phải đại định.

            Hoàng không đáp được. Một lúc, Hoàng hỏi:

            - Nhân giả kế thừa pháp của ai vậy?

            - Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê

            Hoàng nói:

            - Lục Tổ lấy gì làm thiền định?

            Sách đáp:

            - Lời dạy của thầy tôi là “Diệu trạm viên tịch”, thể dụng như như, năm ấm vốn không, sáu trần không thật có, không xuất không nhập, không định không loạn. Tánh của thiền là vô trú, nên không trú nơi sự yên lặng của thiền. Tánh của thiền là vô sanh, nên không sanh ý tưởng về thiền. Tâm như hư không, nhưng cũng không có tư tưởng về hư không.

            Hoàng nghe xong, đến bái yết Tổ, Tổ hỏi:

            - Nhân giả từ đâu đến?

            Hoàng trần thuật mọi sự:

            - Sách nói đúng đó.

            Tổ thương xót người đã lặn lội từ xa đến bèn khai thị như sau:

            - Ông hãy để tâm như hư không, mà chớ nắm giữ cái ý tưởng về hư không. Để nó vận hành tự nhiên. Dù khi làm việc hay nghỉ ngơi, hãy để tâm an trú trong không. Đừng phân biệt Thánh phàm chủ khách. Tâm thể và vạn sự luôn luôn ở trong trạng thái như, thế gọi là thường định[4].

            Trí Hoàng nhân đấy đại ngộ, những gì tâm sở đắc trong hai mươi năm qua không còn tác dụng nữa. Đêm ấy, dân chúng Hà Bắc nghe trên không có tiếng nói: “Thiền sư Trí Hoàng hôm nay đắc đạo”.

            Về sau Hoàng từ biệt Tổ, trở về Hà Bắc khai hóa bốn chúng đệ tử.

            Thần Hội đồng tử mười ba tuổi, từ Ngọc Tuyền đến tham lễ Tổ dạy:

            - Bạn từ xa đến thật là khó nhọc, vậy có đem gốc đến được đó không? Nếu có gốc tất biết được chủ. Hãy nói thử coi.

            Hội đáp:

            - Vô trú là gốc, thấy là chủ.

            Tổ dạy:

- Sa di này ăn nói sao lộn xộn!

            Hội hỏi:

            - Hòa thượng tọa thiền, thấy hay không?

            Tổ đánh cho ba gậy, hỏi:

            - Ta đánh, ngươi đau không?

            Hội bạch:

            - Cũng đau cũng không đau.

            Tổ hỏi:

            - Ta cũng thấy cũng không thấy.

            Thần Hội hỏi:

            - Cũng thấy cũng không thấy nghĩa là sao?

            Tổ đáp:

            - Ta thấy là thường thấy lỗi lầm của tự tâm, không thấy là không thấy phải trái tốt xấu của người khác. Cho nên nói cũng thấy cũng không thấy. Còn ngươi nói cũng đau cũng không đau là sao? Ngươi, nếu không đau thì khác gì gỗ đá, nếu đau thì cũng như phàm phu, tất sẽ khởi tâm sân hận. Ngươi nói thấy không thấy ấy là nhị biên, đau không đau là sanh diệt. Ngươi đã không thấy tự tánh lại dám đùa người.

            Thần Hội lại sám hối lỗi lầm. Tổ dạy:

            - Ngươi nếu tâm mê không thấy, thì phải hổi Thiện tri thức để tìm đường. Nếu tâm ngộ, thì đã thấy tự tánh, theo pháp mà tu hành. Đã mê không thấy tự tâm mà còn tới hỏi ta thấy với không thấy. Nếu ta thấy thì ta tự biết, đâu đợi đến cái mê lầm của ngươi. Nếu ngươi tự thấy được thì không cần đợi đến cái mê của ta. Sao không tự biết tự thấy, lại đi hỏi ta thấy với không thấy.

            Thần Hội lại lễ thêm một trăm lạy, cầu xin sám hối, từ đấy siêng năng hầu hạ Tổ không rời. Một hôm Tổ bảo chúng:

             - Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên gọi, không danh tự, không lưng, không mặt, các ngươi có biết không?

            Thần Hội bước ra nói:

            - Đó là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của con đây.

            Tổ dạy:

            - Ta đã bảo nó không tên gọi, không danh tự sao ngươi còn gọi là bản nguyên Phật tánh. Như vậy là ngươi chỉ lấy cỏ che đầu, thành môn đồ của bọn trí giải.

            Sau khi Tổ nhập diệt. Thần Hội vào đất Kinh Lạc hoằng dương pháp Đốn giáo, trước tác bộ Hiển Tông Ký thịnh hành ở thế gian. Ngài có danh hiệu là Hà Trạch Thiền Sư.

            Một vị Tăng hỏi:

            - Tông chỉ của Tổ Hoàng Mai ai được?

            Sư đáp:

            - Người nào hiểu Phật pháp thì được.

            Tăng hỏi:

            - Hòa thượng được không?

            - Tôi không hiểu Phật pháp.

            Một ngày nọ Sư muốn giặt cái y đã được truyền thọ, nhưng không còn suối tốt. Ngài đi ra phía sau chùa khoảng năm trăm dặm thì thấy núi non sầm uất, bàng bạc anh linh tú khí. Sư ấn tích trượng xuống đất, liền có nước vọt lên tụ lại thành một cái ao. Sư bèn quỳ gối mà giặt y trên phiến đá.

            Có vị tăng tên Phương Biện, người đất Thục đến yết kiến. Sư hỏi:

            - Thượng nhân sở trường nghề gì?

            Vị Tăng đáp:

            - Đắp tượng.

            Sư nghiêm mặt bảo:

            - Ngài hãy đắp thử coi.

            Phương Biện hoang mang. Vài ngày sau ông đắp thành một cái tượng bảy tấc rất tinh xảo. Sư cười nói:

            - Ông thật am tường tính chất của điêu khắc, nhưng lại không am tường Phật tánh.

            Sư bèn xoa đầu thọ ký pho tượng, để làm ruộng phước vĩnh viễn cho loài người, rồi lấy y đền công cho Phương Biện. Biện chia cái y ra làm ba mảnh, một đắp cho tượng, một giữ cho mình, còn một gói lại chôn xuống đất phát lời nguyện tương lai sẽ được lại y này lúc tái sanh, trú trì đất ấy để trùng tu ngôi Tam Bảo. Đến đời Tống Gia Hữu năm thứ tám, có vị Tăng Duy Tiên trùng tu chùa, khi đào đất được mảnh y như mới. Pho tượng hiện ở chùa Cao Tuyền, nổi tiếng rất linh ứng.

            Có vị Tăng đọc bài kệ của thiền sư Ngọa Luân:

Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng

Năng đoạn bách tư tưởng

Đối cảnh tâm bất khởi

Bồ đề nhật nhật trưởng.

(Ngọa Luân có nghề hay

Dứt được trăm tư tưởng

Đối cảnh tâm không sanh

Bồ đề ngày càng lớn).

            Sư nghe bài kệ dạy rằng:

            - Bài kệ ấy chưa rõ thấu tâm địa. Theo đó mà làm là tự thêm dây trói buộc đó.

            Nhân đấy Sư đọc kệ:

 Huệ Năng một kỹ lưỡng

Bất đoạn bách tư tưởng

Kiến cảnh tâm sát khởi

Bồ đề tác ma trưởng.

 

(Huệ Năng không nghề hay

Chẳng dứt trăm tư tưởng

Đối cảnh tâm thường khởi

Bồ đề lớn sao được).

 


[1] (đánh dấu thuyền để tìm gươm. DG)

[2]  Kiên phi công: thấy mà không dụng công phân biệt, thấy bằng trực giác “đệ nhất phong đầu”.

[3] Tức đối các cảnh biến thiên mà tâm bất động

[4] Theo bản Anh dịch của ông Mou Lam. Hán không có đoạn này.

---o0o---

Đánh máy: Trần Thị Minh Tâm

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm