Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Đại thừa Kinh giáo ngày ngày phải đọc tụng, cách đọc thế nào? Bạn chỉ đọc một môn chủ yếu mà bạn đang tu, không nên đọc quá nhiều, đọc được quá rộng, tâm của bạn sẽ bị loạn. Mục đích của đọc Kinh là gì? Mục đích là ở tu Định, khai mở Trí Tuệ, cho nên đọc tụng Đại thừa là tu hành, y theo phương pháp,theo y quy mà làm, làm cho tâm cung kính của chính mình hiển lộ ra.

Xã hội ngày nay con cái bất hiếu với cha mẹ, học sinh bất kính với thầy giáo, pháp hội giảng kinh chúng ta còn có lễ tiết long trọng, nghinh thỉnh pháp sư, cái biểu hiện này phải thường làm để cho đại chúng trong xã hội xem thấy. Dạy họ tôn sư trọng đạo, khi thầy giáo sắp lên lớp phải cung kính mà lễ thỉnh, biểu thị lòng chân thành của mình, một phần tôn kính được một phần lợi ích, mười phần cung kính được mười phần lợi ích, nếu như học sinh không có tâm cung kính với thầy giáo, thầy giáo có hay hơn cũng không được lợi ích. Chúng ta dùng cái nghi thức này để giáo hóa chúng sanh, có phải vị pháp sư giảng kinh có cái ý muốn được mọi người cung kính hay không? Không phải vậy, là chúng ta đang diễn kịch, diễn cho một số người không hiểu được lễ tiết, không hiểu được quy củ, diễn cho họ xem, chúng ta đang làm diễn viên, họ là người xem diễn, phải làm cho thật giống, để cho họ xem rồi sanh tâm cảm động, được thức tỉnh, biết được nên phải dùng cái tâm như vậy để đối với thầy giáo, biết phải nên lấy tâm hiếu thuận đối với cha mẹ, làm ra gương tốt cho người khác xem. Một học sinh chỉ có thể học một bộ kinh, không được đọc hai bộ kinh, chúng ta là một môn thâm nhập, cho nên mỗi người đều có thành tựu, nếu như khóa mục của bạn quá nhiều, việc học của bạn là Phật học thường thức, một thứ cũng không thể dùng được! Biện pháp của tôi thì sao? Không cần mời nhiều thầy giáo, cũng không cần xếp nhiều khóa trình, mỗi một học sinh chuyên môn học một bộ kinh, nhất định không được học bộ kinh thứ hai.

Với phương pháp này của tôi thì trong bốn năm, bốn năm học một bộ Kinh thì mỗi người đều sẽ học tốt, một bộ Kinh này nếu chân thật nỗ lực thực hành đến mười năm, bạn liền biến thành chuyên gia, bạn học Kinh A Di Đà thì bạn chính là Phật A Di Đà sống, bạn học kinh Phổ môn thì bạn là Bồ Tát Quán Âm sống. Khắp thế giới giảng Kinh Di Đà, không có người giảng hay hơn bạn, giảng Phổ Môn phẩm, không có người nào hơn được bạn.

Bạn nên là chuyên gia, không nên làm thông gia, thông không nổi, nhất định phải chuyên. Ngày nay chúng ta phải bồi dưỡng nhân tài, giảng kinh hoằng pháp, đây là việc cần thiết cấp bách, toàn thế giới đều phải cần đến. Phương pháp giảng kinh không khó, tôi đã nói qua với các vị đồng tu, các vị đều có thể tự thể nghiệm, trong ba tháng nhất định thành tựu, có thể có thành tích tương đối tốt.

Khó nhất là ở đâu, khó nhất là ở đức hạnh, bạn có thể vứt bỏ danh vọng lợi dưỡng, có thể vứt bỏ hưởng thụ năm dục sáu trần, khó chính là ở chỗ này, cái điểm này bạn không làm được thì tuy là bạn học giảng kinh nhưng cả đời bạn không thể chuyên sâu. Hay nói cách khác, cả đời bạn có thể giảng kinh nhưng giảng cũng không được sâu sắc.

Dùng lời hiện tại mà nói, không có độ sâu, nếu như muốn có độ sâu, có Trí Tuệ thì nhất định phải đoạn phiền não, phải thật tu hành, cho nên phương pháp giáo học kinh nghiệm của người xưa rất tốt, những phương pháp mà người ngày nay nghĩ ra thì chưa hề trải qua khảo nghiệm của thời gian, đều đang là thử nghiệm,thăm dò, nếu lỡ xảy ra vấn đề thì cả đời này của chúng ta chẳng phải lỡ mất rồi sao?

Ở trên kinh Phật nói rất hay: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Thân người khó được mà dễ mất, mất đi thân người rồi thì biết đến khi nào mới có lại được thân người cơ chứ! Chẳng thể nói là đời sau, có thể không biết là bao nhiêu kiếp, mấy mươi kiếp, mấy trăm kiếp, trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.

Cơ duyên không dễ gì được, ngày nay được rồi, được rồi mà sơ suất đánh mất thì đó là tội lỗi của chúng ta, được rồi thì phải biết trân trọng, phải biết nắm giữ, nhất định không thể để mất đi, ở ngay trong đời này nhất định phải tùy thuận lời dạy của Phật.

Ngày nay chúng ta chuyên nương vào giáo học của Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ, đọc tụng đại thừa, mỗi ngày chúng ta đọc Kinh Vô Lượng Thọ, khi bạn dùng tâm chân thành cung kính đọc kinh nhiều lần thì nơi nơi đều có chỗ ngộ, cảm nhận sẽ rất đặc biệt, nếm được pháp vị, bạn sẽ tụng kinh được rất thoải mái, an vui, phiền não giảm, trí tuệ tăng. Còn nếu như đọc kinh với tâm khinh mạng, bạn đọc rồi thì sẽ sanh phiền não.

Vậy nếu có dư thời gian thì có thể bước vào kinh giáo Đại thừa khác hay không? Vẫn có thể, nhưng bộ kinh này phải có quan hệ với pháp môn tu của chính mình, giúp chúng ta có thể lý giải thâm nhập sâu hơn, vậy thì có thể xem, thế nhưng với sơ học thì không được, người xưa quy định, lúc nào thì bạn có thể xem thêm kinh sách? Năm năm về sau! Ngay trong năm năm đầu thì bạn phải chuyên đọc một bộ kinh, không được đọc hai bộ kinh.

Tôi ở Đài Trung tiếp nhận giáo học của Lý lão sư, phải tuân thủ cái quy củ này, ngay trong năm năm chuyên đọc một bộ kinh, trong một bộ kinh này thành tựu Giới Định Huệ, cái Huệ này là Căn Bản Trí mà trên Kinh Bát Nhã đã nói: Căn Bản Trí là vô tri, “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri”. Vô tri là Căn Bản Trí. Cho nên chúng ta học Phật trước phải cầu vô tri. Bước thứ hai mới cầu vô sở bất tri.

Trên Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài đồng tử biểu diễn cho chúng ta ở trong hội của Văn Thù Bồ Tát cầu Căn Bản Trí, Giới Định Huệ tam học. Sau khi đạt được, Bồ Tát Văn Thù không chịu cho Ngài tiếp tục ở lại, bảo Ngài ra ngoài cầu học, đây chính là 53 vị nổi tiếng, 53 vị này thành tựu Hậu Đắc Trí cho Thiện Tài Đồng Tử. Hậu Đắc Trí chính là Vô sở bất tri, sáu căn của bạn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, chỉ sanh Trí Tuệ, không sanh phiền não giống như Đại Sư Huệ Năng trong Đàn Kinh, khi Ngài gặp mặt Ngũ Tổ ở Hoàng Mai thì nói với Ngũ Tổ rằng: “Trong tâm đệ tử thường sanh Trí Tuệ”. Đó là nguyên nhân gì? Ngài đã có Căn Bản Trí, thấy sắc, nghe tiếng liền sanh Trí Tuệ, không sanh phiền não. Ngày nay nếu chúng ta gặp mặt Ngũ Tổ nhất định phải cuối đầu buồn khổ mà nói: “Trong lòng đệ tử thường sanh phiền não.” – Làm sao giống được! Người trước đã làm ra một tấm gương tốt thì chúng ta phải biết làm thế nào học tập.

Câu sau cùng: “Khuyến tấn hành giả”. Đây chính là tích cực, tích cực hơn người, phải khuyên người phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Khổ nạn lớn nhất của chúng sanh là gì? Chính là đối với đạo lý của vũ trụ nhân sanh không rõ ràng, đối với quan hệ giữa người và người, giữa người cùng hoàn cảnh tự nhiên, giữa người cùng thiên địa quỷ thần, tất cả đều không hề biết gì! Chúng sanh lại thường tùy thuận phiền não tập khí của chính mình, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp, chịu khổ báo oan uổng…

Bạn nói xem, đáng thương biết bao! Chúng ta hiểu được rồi thì chúng ta phải có nghĩa vụ, có sứ mạng giúp đỡ những người này giác ngộ, giúp đỡ những người này quay đầu, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật vậy. Ngày ngày tích cực vì xã hội, vì chúng sanh mà giảng kinh nói pháp.

Giảng kinh nói pháp chính là lên lớp, chính là giáo học, vĩnh viễn không hề nghỉ ngơi, nơi nào có người thỉnh nơi đó có người đi, liền phải đi. Phật pháp là Sư đạo, Sư đạo là phải được tôn trọng, nếu có người chịu nghe, chịu học thì Thầy mới đến dạy, nếu họ không chịu nghe, không chịu học thì chớ dại, tại sao vậy? Mọi người có tâm đến cầu học, họ có được lợi ích, không có tâm muốn cầu học, nếu bạn đem Phật pháp tặng cho họ, người ta sẽ xem thường bạn, không hề xem bạn là người đáng trọng, thậm chí còn nhục mạ bạn…Họ vẫn tạo tội nghiệp.

Có người nói người học Phật pháp thì nhất định phải bỏ đi tự cao, trong tình huống này thì không phải vậy, đây là Sư đạo, cho nên chúng ta cần phải hiểu đạo lý này: Chỉ cần có người cầu học thì nhất định người thầy giáo phải thành tâm, thành ý để giúp đỡ học sinh, thành toàn học vấn cho họ, nhất định không thể cự tuyệt.

Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta xem thấy trên kinh điển, chưa từng có nói một lần cự tuyệt người đến thỉnh pháp, nếu có người đến cầu pháp mà chúng ta cự tuyệt họ thì đây là lỗi lầm. Cho nên tất cả những việc Thế Tôn làm đều là tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Vậy chúng ta phải thường thường nghĩ đến Thích Ca Mâu Ni Phật, hướng đến Thế Tôn Ngài mà học tập thì không hề sai.

Sau cùng Thế Tôn đã nêu ra tổng kết: Ba sự việc này, ba điều – mười một câu, gọi là Tịnh Nghiệp Tam Phước. Đặc biệt dặn dò bà Vi Đề Hy, bà Vi Đề Hy là đại biểu cho tất cả chúng ta:“…Bà có biết không? Ba loại nghiệp này, ba loại tịnh nghiệp, đó là Chánh Nhân Tịnh Nghiệp của ba đời chư Phật – quá khứ, hiện tại và vị lai.”

Câu nói này rất là quan trọng, chúng ta mới liền hiểu rõ ra rằng: Không luận bạn tu học pháp môn nào: Hiển giáo, Mật giáo, Tông môn giáo hạ…cho đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn. Ba điều này là nền tảng, đây là chánh nhân Tịnh Nghiệp, nếu như không có cái nền tảng này, không luận tu học pháp môn nào, đều là uổng công, đều là không thành tựu. Ba điều này giống như chúng ta xây nhà vậy, trước tiên phải đóng cọc móng, cho dù bạn xây nhà cao bao nhiêu, cho dù xây dựng hình dáng thế nào, nền móng là cần thiết, không có nền móng thì thành tựu gì cũng không có.

Chúng ta phải cố gắng phản tỉnh, cố gắng nghĩ lại, chúng ta học Phật, học đã nhiều năm như vậy rồi, tại sao hôm nay vẫn là như thế này? Không hề tiến bộ. Xem qua Cao Tăng truyện, xem qua Cư Sĩ truyện, người ta ba năm đến năm năm, khai ngộ thì khai ngộ, chứng quả thì chứng quả, chúng ta đã học nhiều năm như vậy, cái gì cũng không được, bình tâm nghĩ lại thì do chính là không có xây nền móng, đã bỏ mất đi ba điều này cho nên học Phật từ đâu mà học vậy? Phải từ Tịnh Nghiệp Tam Phước, từ ba điều này mà học.

Ghi chú:

Tịnh nghiệp tam phước:

1. Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp.
2. Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi.
3. Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại thừa, khuyến tấn hành giả.

Trích Khai Thị Trọng Yếu Tập 1
Pháp Sư Tịnh Không giảng
Cư Sĩ Tịnh Thái biên soạn

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm