Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Kinh Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập 5 – Kinh Tập

Sutta Nipata

-ooOoo-

Mục Lục

Chương Một – Phẩm Rắn (Uragavagga) Chương Hai – Tiểu Phẩm
1. Kinh Rắn 1. Kinh Châu Báu
2. Dhaniya 2. Kinh Hôi Thối
3. Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng 3. Kinh Xấu Hổ
4. Kinh Kasibbàradvàja, Người Cày Ruộng 4. Kinh Ðiềm Lành Lớn
5. Kinh Cunda 5. Kinh Sùciloma
6. Kinh Bại Vong 6. Kinh Hành Chánh Pháp
7. Kinh Kẻ Bần Tiện 7. Kinh Pháp Bà La Môn
8. Kinh Từ Bi 8. Kinh Chiếc Thuyền
9. Kinh Hemavata 9. Kinh Thế Nào Là Giới
10. Kinh Alavaka 10. Kinh Ðứng Dậy
11. Kinh Kinh Thắng Trận 11. Kinh Ràhula
12. Kinh Vị ẩn sĩ 12. Vangiụsa
  13. Kinh Chánh Xuất Gia
  14. Kinh Dhammika
Chương Ba – Ðại Phẩm Chương Bốn – Phẩm Tám
1. Kinh Xuất Gia 1. Kinh Về Dục
2. Kinh Tinh Cần 2. Kinh Hang Ðộng Tám Kệ
3. Kinh Khéo Thuyết 3. Kinh Sân Hận Tám Kệ
4. Kinh Sundarika Bhàradvàja 4. Kinh Thanh Tịnh Tám Kệ
5. Kinh Màgha 5. Kinh Tối Thắng Tám Kệ
6. Kinh Sabhiya 6. Kinh Gìa Tám Kệ
7. Kinh Sela 7. Kinh Tissametteyya
8. Kinh Mũi Tên 8. Kinh Pasùra
9. Kinh Vàsettha 9. Kinh Màgandiya
10. Kinh Kokàliya 10. Kinh Trước Khi Bị Hủy Hoại
11. Kinh Nàlaka 11. Kinh Tranh Luận
12. Kinh Hai Pháp Tùy Quán 12. Sự Tập Hợp Nhỏ Bé
  13. Những Vấn Ðề To Lớn
  14. Kinh Tuvataka
  15. Kinh Chấp Trượng
  16. Kinh Sàriputta
Chương Năm – Trên Ðường Ðến Bờ Bên Kia
1. Bài Kệ Mở Ðầu 10. Cau Hỏi Của Thanh Niên Todeyya
2. Câu Hỏi Của Thanh Niên Ajita 11. Câu Hỏi Của Thanh Niên Kappa
3. Câu Hỏi Của Thanh Niên Tissametteyya 12. Câu Hỏi Của Thanh Niên Jatukanniụ
4. Câu Hỏi Của Thanh Niên Punnaka 13. Câu Hỏi Của ThanhNiên Bhadràvudha
5. Câu Hỏi Của Thanh Niên Mettagù 14. Câu Hỏi Của Thanh Niên Udaya
6. Câu Hỏi Của Thanh Niên Dhotaka 15. Câu Hỏi Của Thanh Niên Posàla
7. Câu Hỏi Của Thanh Niên Upasiụva 16. Câu Hỏi Của Thanh Niên Magharàja
8. Câu Hỏi Của Thanh Niên Nanda 17. Câu Hỏi Của Thanh Niên Pingiya
9. Câu Hỏi Của Thanh Niên Hemaka 18. Kết Luận

***

Giới Thiệu Kinh Tập (Sutta Nipata)

Hoà thượng Thích Minh Châu

Tập Sutta Nipatà là kinh thứ 5, trong 15 kinh thuộc Bộ Khuddaka Nipàta tức là Tiểu Bộ Kinh. Bộ Tiểu Bộ Kinh gồm có 15 kinh:

  1. Khuddakapàtha (Tiểu Tụng Kinh),
  2. Dhammapada (Pháp Cú),
  3. Udàna (Phật Tự Thuyết Kinh, Cảm Hứng Ngữ),
  4. Itivuttaka (Như Thị Ngữ Kinh, Phật Thuyết Như Vậy),
  5. Vimànavatthu (Thiên Cung Sự Kinh),
  6. Petavatthu (Ngạ Quỷ Sự Kinh),
  7. Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ),
  8. Therigàthà (Trưởng Lão Ni Kệ),
  9. Jàtaka (Bổn Sanh),
  10. Mahàniddesa (Ðại Nghĩa Tích),
  11. Cùlaniddesa (Tiểu Nghĩa Tích),
  12. Patisambhidàmagga (Vô Ngại Giải Ðạo),
  13. Apadàna (Thí Dụ Kinh),
  14. Buddhavamsa (Phật Sử)
  15. Cariyàpitaka (Tiểu Nghĩa Kinh, Sở Hạnh Tạng).

Theo một phân loại khác, Luật Tạng, Luận Tạng và tất cả kinh chưa được sưu tập vào 4 Bộ Nikàyà chính, lập thành Tiểu Bộ Kinh. Các vị thọ trì Trường Bộ Kinh không chấp nhận các kinh Khuddakapàtha, Cariyàpitaka và Apadàna, và phân loại các kinh khác vào Luận Tạng. Các vị thọ trì Trung Bộ Kinh không chấp nhận tập Khuddakapàtha, nhưng chấp nhận các kinh còn lại và phân loại chúng vào Kinh tạng. Theo truyền thống Miến Ðiện, 4 tập khác được cộng thêm vào, như Milindapanha, Suttasamgaha, Petakopadesa và Nettipakarana.

Kinh Tập này gồm có 5 Chương:

  1. Chương I, Phẩm Rắn (Uragavagga) gồm có 12 kinh;
  2. Chương II, Tiểu Phẩm gồm có 14 kinh.
  3. Chương III, Ðại Phẩm gồm có 12 kinh;
  4. Chương IV, Phẩm Tám gồm có 16 kinh;
  5. Chương V,  PhẩmTrên Con Ðường Ðến Bờ Bên Kia, gồm có 17 kinh tất cả.

Tổng cộng kinh này có 5 Chương và 71 bài kinh.

*

Ðặc biệt của tập này gồm những kinh có thể được xem là những kinh xưa nhất, cổ nhất, nghĩa là gần với thời đức Phật nhất. Chúng tôi dựa trên một số yếu tố để xác nhận tánh chất thật sự nguyên thủy của Bộ Suttànipàta này, về cả hai mặt Văn cú và Nội dung.

Trước hết, Tập Suttanipàta viết bằng một thể văn Pàli xưa nhất và cổ kính nhất, so sánh với các thể văn chúng ta thường được gặp trong các Bộ Dìgha Nikàya (Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ). Nhiều thể văn gần với văn Vedà (Vệ Ðà) được tìm thấy rất nhiều trong tập này, nhưng không tìm thấy trong các tập khác, như các danh từ và động từ số nhiều: sitàse, upatthitàse, caramàse. Các hình thức chủ cách số nhiều và sử dụng cách số ít của một số danh từ như: vinicchayà thế cho vinicchayàni, lakkhanà thế cho lakkhanàni, mantà thế cho mantàya. Ngoài ra, chúng ta thường gặp các nguyên mẫu Vedà như vippahàtane, sampayàtave, unnametave rất ít khi được tìm thấy trong các tập kinh khác. Nhiều khi chúng ta thấy một số danh từ đặc biệt như chữ datthu thế cho disvà, atisìtvà thế cho atikkamivà, maga thế cho miga, tumo thế cho so v.v… Những danh từ này rất gần với tiếng Vệ đà không tìm thấy ở các bộ kinh khác. Như vậy, chứng tỏ Tập Suttanipàta được viết trong thời kỳ xưa nhất của ngôn ngữ Pàli, chưa được trau chuốt lưu loát, nhiều âm điệu như ngôn ngữ Pàli sau này. Giá trị cổ kính của ngôn ngữ Pàli trong tập này đánh giá tánh chất nguyên thủy của tập Suttanipàta.

Một yếu tố nữa giúp chúng ta biết giá trị cổ kính của tập này là một số kinh của tập này được tìm thấy trong các bộ kinh khác, và chứng tỏ các kinh khác đã sưu tầm một số kinh hiện có trong bộ Suttanipàta. Ví dụ kinh Seta (Sn. 548-573) được tìm thấy trong Majjhima Nikàya M.i. 146; kinh Vàsettha (Sn. 594-656) được tìm thấy cũng trong Majjhima Nikàya M.ii. 196.

*

Ngoài ra, tập Suttanipàta có ghi chép lại một vài giai đoạn trong đời sống tìm đạo và học đạo của Thái tử, những mẫu chuyện này rất giản dị và mộc mạc, không có xen lẫn thần thông phù phép với những hình ảnh thật đơn sơ và tươi đẹp.

Kinh Xuất gia (Sn. 405-424) diễn tả cuộc gặp gỡ giữa Thái tử với Vua Bimbisàra, khi Thái tử vừa mới xuất gia. Vua Bimbisàra đứng trên lầu nhìn xuống thấy Thái tử đang đi khất thực.

“Bình Sa Vương thấy Ngài,
Ðứng trên sân lầu thượng
Thấy đầy đủ tướng tốt,
Bèn nói lên lời này.” (409)

Sau khi sai sứ giả đi theo để tìm chỗ Thái tử, Vua Bimbisàra liền đi đến gặp Thái tử và thưa:

“Ngài thanh niên tuổi trẻ,
Ngây thơ, bước vào đời,
Cao đẹp được viên mãn,
Thiện sanh giòng Sát lỵ…
Tài sản ta cho ngươi.
Hãy hưởng và trả lời.” (420-421)

Và Thái tử dứt khoát trả lời :

“Giòng họ thuộc mặt trời
Sanh tộc là Thích Ca,
Từ bỏ gia tộc ấy,
Thưa vua Ta xuất gia.
Ta không có thiết tha,
Ðối với các loại dục,
Thấy nguy hiểm trong dục,
Bỏ chúng, là an ổn;
Ta sẽ đi, tinh tấn,
Ý Ta được hoan hỷ.” (423-424)

Kinh Tinh Tấn tiếp theo nói lên sự cám dỗ của Ác ma. Khi Thái tử ngồi dưới cây Bồ đề tu hành, Ác ma đến gần, nói lên giọng từ mẫn :

“Ngươi ốm, không dung sắc
Nhà ngươi gần chết rồi,
Cả ngàn phần, ngươi chết;
Chỉ một phần còn sống.
Hãy sống, sống tốt hơn,
Sẽ làm các công đức.” (426-427)

Thái tử trả lời từ tốn, nhưng không kém phần nghị lực :

“Bà con ác phóng dật,
Ngươi đến đây làm gì?
Với công đức nhỏ bé,
Ta đâu có cần đến!
Ðây có tín, tinh tấn,
Và Ta có trí tuệ,
Như vậy Ta tinh tấn
Sao ngươi hỏi Ta sống.” (431-432)

Và Thái tử nói lên quyết tâm chiến đấu của mình :

“Ôi này Ma Nu Ci!
Ðây là quân đội ngươi,
Ðây quân đội chiến trận
Của giòng họ Kanhà,
Kẻ nhát, không thắng ngươi
Ai thắng ngươi được lạc.
Ta mang cỏ Munja
Vững thay, đáng đời sống
Thà Ta chết chiến trận
Tốt hơn sống thất bại.” (439-440)

Và cuối cùng, Ác ma thất bại trước dũng chí của Thái tử và vừa bỏ đi vừa than:

“Bảy năm ta bước theo
Chân theo chân Thế Tôn,
Không tìm được lỗi lầm
Nói Thế Tôn chánh niệm,
Như quạ bay xung quanh,
Hòn đá như đống mỡ.”
“Có thể có gì mềm?
Có thể có gì ngọt?
Không tìm được vị ngọt
Quạ từ đó bay đi!
Như quạ mổ hòn đá
Ta bỏ Gotama.” (446-448)

Câu chuyện thứ ba nói về ẩn sĩ Asita (A Tư Ðà) đoán tướng cho Thái tử. Asita thấy Chư thiên vui mừng liền hỏi duyên cớ. Chư thiên đáp :

“Tại xứ Lâm tì ni
Trong làng các Thích Ca,
Có sanh vị Bồ tát
Báu tối thắng, vô tỷ.
Ngài sanh, đem an lạc
Hạnh phúc cho loài người,
Do vậy chúng tôi mừng
Tâm vô cùng hoan hỷ.
Ngài, chúng sanh tối thượng
Ngài, loài người tối thắng,
Bậc Ngưu Vương loài người
Thượng Thủ mọi sanh loại.
Ngài sẽ chuyển Pháp luân,
Trong khu rừng ẩn sĩ,
Rống tiếng rống sư tử,
Hùng mạnh, nhiếp loài thú.” (683-684)

Ðạo sư Asita liền vội vàng đi đến Kapilavatthu để được chiêm ngưỡng Thái tử.

“Sau khi thấy Thái tử,
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như Sao ngưu
Vận hành giữa hư không
Sáng chiếu như mặt trời
Giữa trời thu mây tịnh
Ẩn sĩ tâm hoan hỷ
Ðược hỷ lạc rộng lớn.” (687)

Khi thấy Thái tử chói sáng như mặt trời, khi nghĩ đến viễn ảnh chánh pháp được tuyên thuyết, nghĩ đến phận mình già yếu, A Tư Ðà đã phát khóc.

“Khi vị ấy nghĩ đến
Số mệnh của tự mình,
Số mệnh không tốt đẹp,
Vị ấy rơi nước mắt”… (691)

Trước sự lo lắng của các vị Thích Ca, ẩn sĩ A Tư Ðà giải tỏa mối lo lắng:

“Thấy họ Thích lo lắng
Vị ẩn sĩ trả lời:
Ta không thấy bất hạnh
Xảy đến cho Thái tử
Ðối với (Thái tử) ấy,
Chướng ngại sẽ không có.
Vị này không hạ liệt,
Chớ có lo lắng gì.
Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả Bồ đề,
Sẽ chuyển bánh xe Pháp
Thấy thanh tịnh tối thắng
Vì lòng từ thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống Phạm hạnh
Ðược truyền bá rộng rãi
Thọ mạng ta ở đời
Còn lại không bao nhiêu
Ðến giữa đời sống Ngài,
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta sẽ không nghe Pháp
Bậc tinh cần vô tỷ
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau.” (692-694)

*

Yếu tố thứ tư xác nhận sự cổ kính của Kinh Tập này là một số câu văn, một số ví dụ, một số hình ảnh được diễn tả, đã trở thành những câu cách ngôn dân gian.

Biển lớn thì im lặng. Khe nước thời chảy ồn. Cái gì trống kêu to. Cái gì đầy thì yên lặng. Những ví dụ này cho chúng ta thấy những kẻ ít hiểu biết thì hay nói nhiều, những kẻ hiểu biết nhiều thời thường im lặng như 2 câu kệ sau đây :

“Hãy học các giòng nước,
Từ khe núi vực sâu
Nước khe núi chảy ồn
Biển lớn đầy im lặng.” (720)

“Cái gì trống kêu to,
Cái gì đầy, im lặng,
Ngu như ghè vơi nước
Bậc Trí như ao đầy.” (721)

Với những kẻ hay nói, họa sẽ tự miệng sanh, như câu kệ khéo diễn tả dưới đây:

“Phàm con người đã sanh,
Sanh với búa trong miệng,
Kẻ ngu khi nói bậy,
Tự chặt đứt lấy mình.” (657)

Hình ảnh sau đây, có vẻ trào phúng, nói đến đàn quạ thấy hòn đá lầm tưởng là miếng thịt mỡ, đến mổ để tìm cái gì ngọt, khi mổ xong biết mình lầm liền bay đi. Câu kệ châm biếm Ác ma đi theo đức Phật để tìm cơ hội hại Ngài, cuối cùng hại Ngài không được nên bỏ đi.

“Như quạ bay xung quanh
Hòn đá như đống mỡ.
“Có thể có gì mềm?”
“Có thể có gì ngọt?” (447)

“Không tìm được gì ngọt
Quạ từ đó bay đi
Như quạ mổ hòn đá
Ta bỏ Gotama.” (448)

Một câu kệ nữa nói đến sóng biển không sanh ở giữa biển đại dương, cho chúng ta biết, kẻ đã giải thoát bao giờ cũng trầm tĩnh yên lặng, như bài kệ sau đây:

“Như chính giữa trung ương
Của biển cả đại dương,
Sóng biển không có sanh,
Biển hoàn toàn đứng lặng
Cũng vậy, vị tỷ kheo,
Ðứng lặng không giao động
Không có sự bồng bột
Náo nức ở giữa đời.” (920)

Ðức Phật khuyên các người xuất gia, nên sống riêng một mình tinh tấn tu hành, như con tê giác chỉ có một sừng, sống một mình trong rừng.

“Do thân cận giao thiệp
Thân ái từ đấy sanh,
Tùy thuận theo thân ái,
Khổ này có thể sanh.
Nhìn thấy những nguy hại,
Do thân ái sanh khởi,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng”. (36)

“Như nai trong núi rừng
Không gì bị trói buộc,
Tự đi chỗ nó muốn
Ðể tìm kiếm thức ăn,
Như các bậc hiền trí
Thấy tự do giải thoát,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.” (37)

*

Khi đức Phật thuyết pháp, giới thiệu đạo mới của Ngài, Ngài phải đương đầu với hai hệ thống xã hội rất hùng mạnh đang ngự trị trên xã hội Ấn Ðộ bấy giờ, tức là tổ chức Sa môn và tổ chức Bà la môn. Mỗi hệ thống có một số giáo chủ cầm đầu với hội chúng, với chủ thuyết, với phương pháp tu hành sai biệt và nhiều khi mâu thuẫn nhau. Ðức Phật đã mạnh dạn loại bỏ những gì Ngài xem là trở ngại cho con người giác ngộ và giải thoát, và tự mình vạch ra một con đường mới mẻ đặc biệt của Ngài.

Trước hết, đức Phật không chấp nhận đời sống người tu hành mà còn đoán số, đoán mộng, bói toán, ăn các đồ ăn do kệ tụng đem lại :

“Ta không có thọ dụng
Ðồ ăn từ kệ tụng,
Hỡi này Bà la môn,
Ðây không phải là pháp,
Của những người có trí.
Chư Phật đều từ bỏ,
Ca hát các bài kệ.” (480)

“Chớ có dùng bùa chú,
Anthava Vedà,
Chớ tổ chức đoán mộng,
Coi tướng và xem sao,
Mong rằng đệ tử Ta,
Không đoán tiếng thú kêu
Không chữa bệnh không sanh,
Không hành nghề lang băm.” (927)

Ðức Phật cũng không chấp nhận cầu mong điềm lành. Các chư Thiên hỏi đức Phật làm thế nào được điềm lành (Mangalam), đức Phật trả lời bằng 48 hành động tốt, vì chỉ có hành động lành là điềm lành tối thượng, như kinh Mangala sutta đã khéo diễn tả :

“Không thân cận kẻ ngu
Như gần gũi bậc trí,
Ðảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng.” (259)

“Học nhiều nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện, học tập
Nói những lời khéo nói.
Là điềm lành tối thượng.” (261)

“Hiếu dưỡng mẹ và cha
Nuôi dưỡng vợ và con
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng.” (262)

“Bố thí, hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp, không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng.” (263)

“Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong pháp không phóng dật,
Là điềm lành tối thượng.” (264)

“Kính lễ và hạ mình
Biết đủ và biết ơn
Ðúng thời, nghe chánh pháp
Là điềm lành tối thượng.” (265)

Như vậy, đức Phật bác bỏ sự tin tưởng ở điềm lành và khuyến khích làm các hạnh lành, vì các hạnh lành là điềm lành tối thượng.

Thêm một bước nữa, đức Phật không chấp nhận quan điểm của các Bà la môn, tin tưởng ở thuyết thọ sanh tử cho mình là giai cấp đáng tôn trọng nhất, chỉ vì sanh ra từ miệng Phạm thiên và do vậy các giai cấp Sát đế lỵ, Phệ xá và Thủ đà phải tôn trọng phục vụ giai cấp Bà la môn. Ðức Phật chống lại quan điểm thọ sanh này và tuyên bố rằng chỉ do hành động mới đánh giá giá trị con người, xem con người có đáng tôn trọng hay không.

“Bần tiện không vì sanh.
Phạm chí không vì sanh,
Do hành, thành bần tiện,
Do hành thành Phạm chí.” (136)

“Không phải do thọ sanh (*)
Ðược gọi Bà la môn!
Không phải do thọ sanh,
Gọi phi Bà la môn
Chính do sự hành động,
Ðược gọi Bà la môn
Chính do sự hành động
Gọi phi Bà la môn.” (Trung Bộ Kinh)

(*) thọ sanh: đẻ

Bước thêm một bước nữa, đức Phật bác bỏ các luận thuyết, các triết lý suông, vì chúng không thể đưa con người đến giải thoát, an tịnh. Có đến 63 luận thuyết thịnh hành trong thời đức Phật và đức Phật đều bác bỏ chúng, vì chúng chỉ gây thêm tranh luận :

“Các Sa môn tranh luận,
Có đến 63 thuyết,
Các ngôn thuyết văn tự
Y đây, các tưởng khởi.” (538)

“Ai thiên trú trong kiến,
Xem kiến ấy tối thắng
Ở đời đặt kiến ấy
Vào địa vị tối thượng,
Người ấy nói tất cả,
Người khác là hạ liệt,
Do vậy không vượt khỏi
Sự tranh luận ở đời.” (796)

“Những ai muốn tranh luận
Sau khi vào hội chúng,
Chúng công kích lẫn nhau,
Chúng gọi nhau là ngu
Cái làm nó cống cao
Cũng là đất hại nó,
Tuy vậy nó vẫn nói
Lời cống cao kiêu mạn.” (830)

“Không phải từ tri kiến
Từ truyết thống, từ trí
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.” (839)

“Ngươi đã có cuồng tín,
Không đưa đến thanh tịnh
Vì đã có thiên vị,
Với tri kiến tác thành.” (910)

Sau khi bác bỏ mê tín dị đoan, tà kiến, truyền thống, điềm lành, các luận thuyết, tế thần, tế lửa, v.v… Ðức Phật tự mình xây dựng con đường giải thoát, giác ngộ của mình. Và tập Suttanipàta sưu tầm cho chúng ta thấy, những bài kệ diễn tả đức Phật, sai khác với các ngoại đạo sư hiện tại như thế nào.

Trước hết, Ngài là bậc có mắt, cakkhumantu, có pháp nhãn thấy rõ tất cả :

“Ðức Phật thật có mắt
Ðối với tất cả pháp. (161)

“Bậc có mắt xuất hiện
Ðời này và thiên giới
Quét sạch mọi u ám,
Ðộc cư, chứng an lạc.” (956)

“Vị ấy Chánh đẳng giác
Hỡi này Bà la môn,
Bậc có mắt thấy được
Trong tất cả các pháp.” (992)

Ðức Phật là vị có một cái nhìn sáng suốt, một sự hiểu biết thấu triệt, thấy đau khổ trong các chủ thuyết, không chấp nhận chủ thuyết nào, tìm đến chân lý, Ngài thấy được sự an tịnh nội tâm.

“Với Ta không có nói!
Ta nói như thế này,
Sau khi quan sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp
Trong tất cả tri kiến.
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa
Tịch tịnh trong nội tâm.” (837)

“Ai đã chặt sanh hữu,
Không còn gieo giống thêm,
Sanh hữu đã đoạn tận,
Không còn muốn thọ sanh,
Ðược gọi là ẩn sĩ
Một mình đi im lặng,
Bậc ẩn sĩ đã thấy
Con đường tịch tịnh ấy.” (208)

Nếp sống đức Phật giới thiệu là một nếp sống của vị ẩn sĩ, Mâu ni, một vị đã từ bỏ gia đình sống không gia đình, không có trú xứ nào.

“Thân mật, sinh sợ hãi,
Trú xứ sanh bụi bậm
Không trú xứ, không thân
Hình ảnh bậc ẩn sĩ.” (207)

Một vị đã nhiếp phục tham ái và ái dục, không để ái dục chi phối.

“Vị ấy sống viễn ly
Mọi sự việc ở đời…
Như hoa sen có gai,
Sinh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn
Mắc dính và thân ướt,
Như vậy bậc ẩn sĩ
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt.” (845)

Một vị ẩn sĩ không có thiếu thốn, không có tri kiến, không có tà kiến, từ bỏ các chủ thuyết và không có tranh luận với ai ở đời.

“Chính đối với vị ấy,
Ngã, phi ngã đều không
Vị ấy đã tẩy sạch,
Mọi tà kiến ở đời.” (787)

“Một số người nói rằng
Ðây mới là sự thật,
Chứng nói các người khác,
Là trống không giả dối.
Do chấp thủ như vậy,
Chúng tranh luận đấu tranh,
Vì sao bậc Sa môn.
Không cùng nói một lời.” (88)

“Thường trú xả, chánh niệm,
Không nghĩ mình bằng người.
Hơn người thua kém người
Vị ấy không bồng bột.” (855)

Sống đời sống viễn ly, không tham đắm vật gì, vị ẩn sĩ sống đời sống vô hữu, không có “Ta”; không có “của Ta”, thực hành hạnh vô ngã một cách tốt đẹp.

“Vị ấy không con cái,
Thú vật, ruộng, tài sản,
Không có gì nắm lấy,
Là ta, là không ta.” (858)

“Ai không có vật gì,
Không có, không sầu muộn,
Không đi đến các pháp
Vị ấy gọi an tịnh.” (861)

“Không nghĩ: “đây của tôi”
Không nghĩ: “đây của người”
Người không có tự ngã
Không sầu gì không ngã.” (951)

Nhờ thực hành vô ngã, vị ẩn sĩ đi đến an tịnh trong nội tâm:

“Hãy giữ được an tịnh
Về phía từ nội tâm,
Ðã không có tự ngã,
Từ đâu có vô ngã!” (919)

Và đích cuối cùng của con đường tu hành, đối với vị ẩn sĩ là “Niết bàn tịch tịnh”.

“Từ bỏ lòng tham dục,
Ðây tỷ kheo có tuệ,
Chứng bất tử tịch tịnh,
Niết bàn giới, thường trú!” (204)

*

Một điểm son đáng chú ý là tập này có một số kinh rất được phổ thông, và được chư Tăng các nước Nam Tông tụng đọc thường xuyên như kinh Ratanasutta (kinh Châu Báu), kinh Mangalasutta (kinh Ðiềm Lành) và kinh Mettasutta (kinh Từ Bi). Ngoài ra có nhiều bài kinh ngắn gọn, ý tứ hàm xúc, tán thán hạnh ẩn sĩ làm nổi bật đặc điểm của kinh này là tán dương ở đời sống của vị xuất gia tầm đạo, như kinh Rắn, kinh Vị ẩn sĩ, kinh Ràhula, kinh Dhammika, kinh Nàlaka, kinh Paràbhida, kinh Tuvataka, kinh Attadanda, kinh Sàriputta. Những kinh này phần lớn đề cập đến hạnh ẩn sĩ, và như vậy làm nổi bật bối cảnh an tịnh tu hành mà Kinh Tập này đề cao một cách đặc biệt.

Hòa Thượng Thích Minh Châu
Thiền viện Vạn Hạnh
Sài Gòn, 1978 (PL. 2522)

Chương Một – Phẩm Rắn (Uragavagga)

(I) Kinh Rắn (Sn 1)

  1. Ai nhiếp phục phẫn nộ
    Ðang được dấy khởi lên,
    Như dùng chất linh dược,
    Ngăn độc rắn lan rộng
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  2. Ái cắt đứt tham dục,
    Không còn chút dư tàn,
    Như kẻ hái hoa sen
    Sanh ra từ ao hồ.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  3. Ai cắt đứt tham ái,
    Không còn chút dư tàn,
    Làm cho nước cạn khô,
    Dòng nước chảy nhanh mạnh
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  4. Ai phá hoại kiêu mạn
    Không còn chút dư tàn,
    Như nước mạnh tàn phá
    Cây cỏ lau yếu hèn,
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  5. Ai trong các sanh hữu,
    Không tìm thấy lõi cây,
    Như kẻ đi hái hoa,
    Trên cây sung không hoa.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  6. Với ai trong nội tâm,
    Không còn có phẫn hận,
    Ðã vượt thoát ra khỏi,
    Cả hữu và phi hữu.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  7. Với ai những tầm tư,
    Ðược làm cho tan biến
    Nội tâm khéo sửa soạn,
    Không còn chút dư tàn.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  8. Ai không đi quá trớn,
    Cũng không quá chậm trễ,
    Ðã nhiếp phục toàn diện,
    Hý luận chướng ngại này.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  9. Ai không đi quá trớn,
    Cũng không quá chậm trễ,
    Biết rõ được ở đời,
    Sự này toàn hư vọng.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  10. Ai không đi quá trớn,
    Cũng không quá chậm trễ,
    Từ bỏ, không có tham,
    Sự này toàn hư vọng.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  11. Ai không đi quá trớn,
    Cũng không quá chậm trễ,
    Từ bỏ, không tham dục,
    Sự này toàn hư vọng.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  12. Ai không đi quá trớn,
    Cũng không quá chậm trễ,
    Từ bỏ, ly sân hận,
    Sự này toàn hư vọng.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  13. Ai không đi quá trớn,
    Cũng không quá chậm trễ,
    Từ bỏ, ly si ám,
    Sự này toàn hư vọng.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  14. Với ai, các tùy miên,
    Hoàn toàn không hiện hữu,
    Các nguồn gốc bất thiện
    Ðược nhổ lên trừ sạch.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  15. Với ai, không có gì,
    Do phiền não sanh khởi,
    Làm duyên trở lui lại,
    Về lại bờ bên này.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  16. Với ai, không có gì,
    Do rừng ái sanh khởi,
    Tạo nhân khiến trói buộc
    Con người vào tái sanh.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.
  17. Ai đoạn năm triền cái,
    Không sầu khổ bực phiền,
    Vượt qua được nghi hoặc,
    Thoát mũi tên phiền não.
    Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
    Bờ này và bờ kia,
    Như loài rắn thoát bỏ
    Da rắn cũ già xưa.

(II) Kinh Dhaniya (Sn 3)

Dhaniya:

  1. Cơm ta, nấu đã chín,
    Sữa uống, ta vắt xong,
    Mục đồng Dhaniya,
    Ðã nói lên như vậy.
    Trên bờ sông Mahì,
    Ta chung sống đồng cư,
    Chòi lá được khéo lợp,
    Lửa đốt được cháy đỏ.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

  1. Ta đoạn được phẫn nộ,
    Tâm hoang vu không còn,
    Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
    Ðã nói lên như vậy.
    Trên bờ sông Mahì,
    Ta chỉ sống một đêm,
    Chòi lá được rộng mở,
    Lửa đốt được tịch tịnh.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

  1. Ruồi lằn và muỗi mòng,
    Ở đây không tìm thấy,
    Mục đồng Dhaniya,
    Ðã nói lên như vậy.
    Trên cánh đồng cỏ mọc,
    Ðàn bò đi ăn cỏ,
    Dầu cơn mưa có đến,
    Chúng có thể chịu đựng.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

  1. Các bè đã được cột,
    Khéo tác thành tốt đẹp,
    Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
    Ðã nói lên như vậy.
    Ai qua được bờ kia,
    Nhiếp phục dòng nước mạnh,
    Lợi ích của chiếc bè,
    Ðâu còn thấy cần thiết.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

  1. Vợ ta khéo nhu thuận,
    Không có tham dục gì,
    Mục đồng Dhaniya
    Ðã nói lên như vậy.
    Ðã lâu ngày chung sống,
    Vừa đẹp ý đẹp lòng,
    Ta không nghe điều gì,
    Thuộc ác hạnh về nàng.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

  1. Tâm Ta khéo nhu thuận,
    Ðược giải thoát, mở rộng,
    Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
    Ðã nói lên như vậy.
    Lâu ngày tu viên mãn,
    Khéo nhiếp phục chế ngự,
    Trong Ta các pháp ác,
    Không còn được tìm thấy.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

  1. Với lợi tức thâu hoạch,
    Ta tự nuôi sống ta,
    Mục đồng Dhaniya
    Ðã nói lên như vậy,
    Con ta và cả ta,
    Sống chung không bệnh hoạn,
    Ta không nghe điều gì,
    Thuộc ác hạnh về chúng.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

  1. Ta không có làm mướn,
    Cho một ai ở đời,
    Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
    Ðã nói lên như vậy
    Với điều được chứng đắc,
    Ta du hành thế giới,
    Về tiền công cần thiết,
    Không thể có nơi Ta.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

  1. Ðây có các bò cái,
    Ðây có các bò con,
    Mục đồng Dhaniya
    Ðã nói lên như vậy.
    Ðây có những bò mẹ,
    Mang thai, nối giống dòng,
    Ðây có những bò đực,
    Những con chúa đầu đàn.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

  1. Ðây không có bò cái,
    Ðây không có bò con,
    Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
    Ðã nói lên như vậy.
    Ðây không có bò mẹ,
    Mang thai, nối giống dòng,
    Ðây không có bò đực,
    Những con chúa đầu đàn.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

  1. Cây cột được đóng sâu,
    Không còn bị dao động,
    Mục đồng Dhaniya
    Ðã nói lên như vậy.
    Các dây bằng cây lau,
    Ðược bện lại mới chắc,
    Và các con bò con,
    Không thể nào giật đứt.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

  1. Giống như con bò đực,
    Giật đứt các trói buộc,
    Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
    Ðã nói lên như vậy.
    Như voi làm bựt đứt
    Các giây leo héo mục,
    Ta không còn đi đến,
    Chỗ thai tạng tái sanh.
    Nếu là ý người muốn,
    Thần mưa, hãy mưa đi.
  2. Rồi mưa lớn đổ xuống,
    Làm đầy tràn đất trũng,
    Làm tràn ngập đất cao,
    Nghe trời gầm, mưa, thét,
    Mục đồng Dhaniya,
    Nói lên lời như sau:

Dhaniya:

  1. Lợi thay cho chúng ta,
    Ðâu phải là lợi nhỏ,
    Chúng ta được chiêm ngưỡng,
    Bậc Chánh Giác, Thế Tôn.
    Ôi! Kính bậc Pháp nhãn,
    Con xin quy y Ngài,
    Kính bậc Ðại ẩn sĩ,
    Hãy là Thầy chúng con.
  2. Vợ con và cả con,
    Là những người nhu thuận,
    Xin sống đời Phạm hạnh,
    Dưới chân bậc Thiện Thệ.
    Ðược đến bờ bên kia,
    Vượt khỏi sanh già chết,
    Chúng con sẽ trở thành
    Người đoạn tận đau khổ.

Màra:

  1. Ai có các con trai,
    Hoan hỷ với con trai,
    Ðây là lời Ác ma,
    Ðã nói lên như vậy
    Người chủ các con bò,
    Hoan hỷ với con bò.
    Còn người thì hoan hỷ,
    Ðối với sự sanh y,
    Ai không có sanh y,
    không thể có hoan hỷ.

Thế Tôn:

  1. Ai có các con trai,
    Sầu muộn với con trai,
    Bậc Thế Tôn, Chánh Giác,
    Ðã nói lên như vậy.
    Người chủ các con bò,
    Sầu muộn với con bò;
    Sầu muộn của con người,
    Chính do sự sanh y,
    Ai không có sanh y,
    Không thể có sầu muộn.

(III) Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng (Sn 6)

  1. Ðối với các hữu tình,
    Từ bỏ gậy và trượng,
    Chớ làm hại một ai
    Trong chúng hữu tình ấy.
    Con trai không ước muốn,
    Còn nói gì bạn bè,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  2. Do thân cận giao thiệp,
    Thân ái từ đấy sanh,
    Tùy thuận theo thân ái,
    Khổ này có thể sanh.
    Nhìn thấy những nguy hại,
    Do thân ái sanh khởi,
    Hãy sống riêng một mình,
    Như tê ngưu một sừng.
  3. Do lòng từ thương mến,
    Ðối bạn bè thân hữu,
    Mục đích bị bỏ quên,
    Tâm tư bị buộc ràng,
    Do thấy sợ hãi này,
    Trong giao du mật thiết,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  4. Ai nhớ nghĩ chờ mong,
    Ðối với con và vợ,
    Người ấy bị buộc ràng,
    Như cành tre rậm rạp,
    Còn các ngọn tre cao,
    Nào có gì buộc ràng,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  5. Như nai trong núi rừng,
    Không gì bị trói buộc,
    Tự đi chỗ nó muốn
    Ðể tìm kiếm thức ăn.
    Như các bậc Hiền trí,
    Thấy tự do giải thoát,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  6. Giữa bạn bè thân hữu,
    Bị gọi lên gọi xuống,
    Tại chỗ ở trú xứ,
    Hay trên đường bộ hành.
    Thấy tự do giải thoát,
    Không có gì tham luyến,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  7. Giữ bạn bè thân hữu,
    Ưa thích, vui cười đùa,
    Ðối với con, với cháu,
    Ái luyến thật lớn thay,
    Nhàm chán sự hệ lụy,
    Với những người thân ái,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  8. Khắp cả bốn phương trời,
    Không sân hận với ai,
    Tự mình biết vừa đủ,
    Với vật này vật khác,
    Vững chịu các hiểm nguy,
    Không run sợ dao động,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  9. Có số người xuất gia,
    Chung sống thật khó khăn,
    Cũng như các gia chủ,
    Ở tại các cửa nhà,
    Sống vô tư vô lự,
    Giữa con cháu người khác,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  10. Từ bỏ, để một bên,
    Mọi biểu dương gia đình,
    Như loại cây san hô,
    Tước bỏ mọi lá cây,
    Bậc anh hùng cắt đứt,
    Mọi trói buộc gia đình.
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  11. Nếu tìm được bạn lành,
    Thận trọng và sáng suốt,
    Bạn đồng hành chung sống,
    Bạn thiện trú Hiền trí.
    Cùng nhau đồng nhiếp phục,
    Tất cả mọi hiểm nạn,
    Hãy sống với bạn ấy,
    Hoan hỷ, giữ chánh niệm.
  12. Nếu không được bạn lành,
    Thận trọng và sáng suốt,
    Bạn đồng hành chung sống,
    Bạn thiện trú Hiền trí.
    Hãy như vua từ bỏ,
    Ðất nước bị bại vong,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  13. Thật chúng ta tán thán,
    Các bằng hữu chu toàn,
    Bậc hơn ta, bằng ta,
    Nên sống gần thân cận.
    Nếu không gặp bạn này.
    Những bậc không lầm lỗi,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  14. Thấy đồ trang sức vàng,
    Lấp lánh và sáng chói,
    Ðược con người thợ vàng,
    Khéo làm, khéo tay làm,
    Hai chúng chạm vào nhau,
    Trên hai tay đeo chúng,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  15. Như vậy nếu ta cùng
    Với một người thứ hai,
    Tranh luận cãi vã nhau,
    Sân hận, gây hấn nhau,
    Nhìn thấy trong tương lai,
    Sợ hãi hiểm nguy này,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  16. Các dục thật mỹ miều,
    Ngọt thơm và đẹp ý,
    Dưới hình sắc, phi sắc,
    Làm mê loạn tâm tư,
    Thấy sự nguy hiểm này,
    Trong các dục trưởng dưỡng,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  17. Ðây là một mụn nhọt,
    Và cũng là tai họa,
    Một tật bệnh, mũi tên,
    Là sợ hãi cho ta,
    Thấy sự nguy hiểm này,
    Trong các dục trưởng dưỡng,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  18. Lạnh lẽo và nóng bức,
    Ðói bụng và khát nước,
    Gió thổi, ánh mặt trời.
    Muỗi lằn và rắn rết.
    Tất cả xúc chạm này,
    Ðều chịu đựng vượt qua,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  19. Như con voi to lớn,
    Từ bỏ cả bầy đàn,
    Thân thể được sanh ra,
    To lớn tợ hoa sen,
    Tùy theo sự thích thú,
    Sống tại chỗ rừng núi,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  20. Ai ưa thích hội chúng,
    Sự kiện không xảy ra,
    Người ấy có thể chứng,
    Cảm thọ thời giải thoát.
    Cân nhắc lời giảng dạy,
    Ðấng bà con mặt trời,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  21. Ðược giải thoát vượt khỏi,
    Các tri kiến hý luận,
    Ðạt được quyết định tánh,
    Chứng đắc được con đường.
    Nơi ta trí được sanh,
    Không cần nhờ người khác,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  22. Không tham, không lừa đảo,
    Không khát dục, gièm pha,
    Mọi si mê ác trược,
    Ðược gạn sạch quạt sạch.
    Trong tất cả thế giới,
    Không tham ái ước vọng,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  23. Với bạn bè độc ác,
    Hãy từ bỏ lánh xa,
    Bạn không thấy mục đích,
    Quen nếp sống quanh co,
    Chớ tự mình thân cận,
    Kẻ đam mê phóng dật,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  24. Bậc nghe nhiều trì pháp,
    Hãy gần gũi người ấy,
    Bạn người tâm rộng lớn,
    Người thông minh biện tài,
    Biết điều không nên làm,
    Nhiếp phục được nghi hoặc,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  25. Mọi du hí vui đùa,
    Và dục lạc ở đời,
    Không điểm trang bày biện,
    Không ước vọng mong cầu,
    Từ bỏ mọi hào nhoáng,
    Nói lên lời chân thật,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  26. Với con và với vợ,
    Với cha và với mẹ,
    Tài sản cùng lúa gạo,
    Những trói buộc bà con,
    Hãy từ bỏ buộc ràng,
    Các dục vọng như vậy,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  27. Chúng đều là trói buộc,
    Lạc thú thật nhỏ bé,
    Vị ngọt thật ít oi,
    Khổ đau lại nhiều hơn,
    Chúng đều là câu móc,
    Bậc trí biết như vậy,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  28. Hãy chặt đứt, bẻ gãy,
    Các kiết sử trói buộc,
    Như các loài thủy tộc,
    Phá hoại các mạng lưới.
    Như lửa đã cháy xong,
    Không còn trở lui lại,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  29. Với mắt cúi nhìn xuống,
    Chân đi không lưu luyến,
    Các căn được hộ trì,
    Tâm ý khéo chế ngự.
    Không đầy ứ, rỉ chảy,
    Không cháy đỏ bừng lên,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  30. Hãy trút bỏ, để lại,
    Các biểu tượng gia chủ,
    Như loại cây san hô,
    Loại bỏ các nhành lá.
    Ðã đắp áo cà sa,
    Xuất gia bỏ thế tục,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  31. Không tham đắm các vị,
    Không tác động, không tham,
    Không nhờ ai nuôi dưỡng,
    Chỉ khất thực từng nhà.
    Ðối với mọi gia đình,
    Tâm không bị trói buộc,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  32. Từ bỏ năm triền cái
    Che đậy trói buộc tâm,
    Ðối với mọi kiết sử,
    Hãy trừ khử, dứt sạch,
    Không y cứ nương tựa,
    Chặt đứt ái sân hận,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  33. Hãy xoay lưng trở lại
    Ðối với lạc và khổ,
    Cả đối với hỷ ưu,
    Ðược cảm thọ từ trước,
    Hãy chứng cho được xả,
    An chỉ và thanh tịnh;
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  34. Tinh cần và tinh tấn,
    Ðạt được lý chân đế,
    Tâm không còn thụ động,
    Không còn có biếng nhác,
    Kiên trì trong cố gắng,
    Dõng lực được sanh khởi,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  35. Không từ bỏ độc cư,
    Hạnh viễn ly thiền định,
    Thường thường sống hành trì,
    Tùy pháp trong các pháp.
    Chơn chánh nhận thức rõ,
    Nguy hiểm trong sanh hữu,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  36. Mong cầu đoạn diệt ái,
    Sống hạnh không phóng dật,
    Không đần độn câm ngọng,
    Nghe nhiều, giữ chánh niệm.
    Các pháp được giác sát,
    Quyết định, chánh tinh cần.
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  37. Như sư tử, không động,
    An tịnh giữa các tiếng,
    Như gió không vướng mắc,
    Khi thổi qua màn lưới.
    Như hoa sen không dính,
    Không bị nước thấm ướt,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  38. Giống như con sư tử,
    Với quai hà hùng mạnh,
    Bậc chúa của loài thú,
    Sống chinh phục chế ngự.
    Hãy sống các trú xứ,
    Nhàn tịnh và xa vắng,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  39. Từ tâm, sống trú xả,
    Bi tâm, hạnh giải thoát,
    Sống hành trì thực hiện,
    Hỷ tâm, cho đúng thời,
    Không chống đối và chậm,
    Với một ai ở đời.
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  40. Ðoạn tận lòng tham ái,
    Sân hận và si mê,
    Chặt đứt và cắt đoạn,
    Các kiết sử lớn nhỏ
    Không có gì sợ hãi,
    Khi mạng sống gần chung,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.
  41. Có những bạn vì lợi,
    Thân cận và chung sống,
    Những bạn không mưu lợi,
    Nay khó tìm ở đời.
    Người sáng suốt lợi mình,
    Không phải người trong sạch,
    Hãy sống riêng một mình
    Như tê ngưu một sừng.

(IV) Kinh Bhàradvàja, Người Cày Ruộng (Sn 12)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại núi Dakkhinàgini, trong một làng Bà-la-môn tên Ekanàlà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kasibhàradvàja có khoảng năm trăm lưỡi cày sẵn sàng, vì là thời gieo mạ. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến chỗ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang làm việc. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang phân phát đồ ăn. Rồi Thế Tôn đi đến chỗ phân phát đồ ăn, sau khi đến, Ngài đứng một bên, Bà-la-môn Kasibhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một bên để khất thực, liền nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, ta cày và ta gieo, sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và Sa-môn, hãy cày và gieo. Sau khi cày và gieo, hãy ăn!

– Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và cũng gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn.

– Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, hay cái cày, hay lưỡi cày, hay gậy thúc trâu bò, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Vậy mà Tôn giả Gotama nói: “Này Bà-la-môn, Ta có cày và Ta có gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn “.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja nói lên với Thế Tôn bài kệ:

Bhàradvàja:

  1. Người tự nhận Người cày,
    Ta không thấy Người cày,
    Hãy trả lời chúng tôi,
    Ðã hỏi về Người cày,
    Chúng tôi muốn rõ biết,
    Người cày như thế nào?

Thế Tôn:

  1. Lòng tin là hột giống,
    Khổ hạnh là cơn mưa,
    Trí tuệ đối với Ta
    Là ách và lưỡi cày,
    Xấu hổ là cán cày,
    Ý là sợi dây buộc,
    Và niệm đối với Ta
    Là lưỡi cày, gậy thúc.
  2. Với thân khéo phòng hộ,
    Với lời khéo phòng hộ,
    Với món ăn trong bụng,
    Biết tiết độ, chế ngự,
    Ta tác thành chơn thực,
    Ðể cắt dọn cỏ rác,
    Sự giải thoát của Ta
    Thật hiền lành nhu thuận.
  3. Với tinh cần tinh tấn,
    Ta gánh chịu trách nhiệm,
    Ta tự mình đem lại
    An ổn khỏi khổ ách.
    Như vậy, Ta đi tới,
    Không trở ngại thối lui,
    Chỗ nào Ta đi tới,
    Chỗ ấy không sầu muộn.
  4. Cày bừa là như vậy,
    Ðược quả là bất tử,
    Sau cày bừa như vậy,
    Mọi khổ được giải thoát.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja lấy một bát bằng đồng lớn, cho đổ đầy với cháo sữa dâng đức Phật và thưa:

– Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!

Thế Tôn:

  1. Ta không hưởng vật dụng,
    Do tụng kệ đem lại,
    Ðây không phải là pháp,
    Của bậc có chánh kiến
    Chư Phật đều bác bỏ,
    Tụng hát các bài kệ,
    Khi pháp có hiện hữu,
    Truyền thống là như vậy.
  2. Hỡi này Bà-la-môn,
    Người cần phải cúng dường,
    Ðồ ăn vật uống khác,
    Bậc đại sĩ toàn diện,
    Ðã đoạn các lậu hoặc,
    Ðã lắng dịu dao động,
    Ta chính là thửa ruộng,
    Cho những ai cầu phước.

– Vậy, thưa Tôn giả Gotama, con sẽ cho ai cháo sữa này?

– Này Bà-la-môn, Ta không thấy ai ở thế giới, với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, hay trên đời này với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, có thể sau khi ăn, tiêu hóa được món cháo sữa này, trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai. Vậy, này Bà-la-môn, Ông hãy đổ cháo sữa này trên chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm trong nước không có sinh vật.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja đem nhận chìm cháo sữa ấy vào nước không có sinh vật. Cháo sữa ấy khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Ví như một lưỡi cày, phơi cả ngày dưới ánh nắng, được đem quăng xuống nước, lưỡi cày ấy sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Cũng vậy, cháo sữa ấy, khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja hoảng hốt, rợn tóc gáy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con xin qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp, qui y chúng Tỷ-kheo. Mong rằng con được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja được xuất gia với Sa-môn Gotama, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Không bao lâu, do vì mục đích gì, bậc thiên nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú cứu cánh Phạm hạnh ấy. Vị ấy thắng tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa “. Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán.

(V) Kinh Cunda (Sn 16)

  1. Người thợ rèn Cunda,
    Nói lên lời như sau:
    Con hỏi bậc Ðại sĩ,
    Bậc trí tuệ rộng lớn,
    Ðấng Giác ngộ, Pháp chủ,
    Ðã đoạn tận khát ái,
    Bậc tối thượng hai chân,
    Bậc đánh xe tối thắng,
    Xin Ngài nói ở đời,
    Có bao nhiêu Sa-môn?

Thế Tôn:

  1. Chỉ có bốn Sa-môn,
    Không có hạng thứ năm,
    Thế Tôn đáp Cunda,
    Này Cunda, là vậy.
    Ta tỏ bày cho Ông,
    Ðược hỏi điều tự thấy,
    Bậc chiến thắng con đường,
    Bậc thuyết giảng con đường,
    Bậc sống trên con đường,
    Kẻ làm ô uế đạo.

Cunda:

  1. Người thợ rèn Cunda,
    Liền bạch với Thế Tôn:
    Chư Phật nói thế nào,
    Bậc chiến thắng con đường,
    Bậc thiền định con đường,
    Sao gọi không ước lường?
    Con hỏi xin trả lời,
    Vị sống đúng con đường?
    Xin trình bày cho con,
    Kẻ làm đường ô uế.

Thế Tôn:

  1. Ai vượt khỏi nghi hoặc,
    Vị thoát khỏi mũi tên,
    Ưa thích cảnh Niết-bàn,
    Không tham đắm vật gì,
    Bậc lãnh đạo thế giới,
    Chư Thiên và loài Người,
    Chư Phật gọi vị ấy,
    Bậc chiến thắng con đường.
  2. Ai ở đời biết được,
    Pháp tối thượng, tối thượng,
    Nói lên và phân tích,
    Pháp ở đây là vậy.
    Vị chặt đứt nghi hoặc,
    Bậc ẩn sĩ, không dục,
    Bậc Tỷ-kheo thứ hai
    Ðược gọi thuyết con đường.
  3. Ai sống trên con đường,
    Con đường pháp khéo giảng,
    Sống chế ngự chánh niệm,
    Bước đường không lỗi lầm,
    Tỷ-kheo thứ ba này
    Ðược gọi sống trên đường.
  4. Ai sống ưa che đậy,
    Dưới hình thức giới cấm,
    Xông xáo, nhớp gia đình,
    Bạt mạng và man trá,
    Không chế ngự nhiếp phục,
    Sống lắm mồm lắm miệng.
    Người sở hành như vậy
    Là kẻ ô uế đạo.
  5. Vị cư sĩ thâm hiểu
    Các hạng người như vậy,
    Thánh đệ tử, nghe nhiều,
    Có trí tuệ thông hiểu,
    Sau khi rõ biết chúng,
    Tất cả là như vậy.
    Thấy vậy, vững lòng tin,
    Không có bị sút giảm
    Làm sao lại lẫn lộn,
    Kẻ ác với người thiện,
    Làm sao xem giống nhau,
    Bậc tịnh, kẻ không tịnh.

(VI) Kinh Bại Vong (Paràbhava) (Sn 18)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhơn, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn với những bài kệ:

Thiên nhân:

  1. Về bại vong con người,
    Con hỏi Gotama,
    Con đến hỏi Thế Tôn,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Thật dễ hiểu thành công,
    Thật dễ hiểu bại vong,
    Ưa mến pháp, thành công,
    Thù ghét pháp bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ nhất về bại vong,
    Thứ hai, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Ai mến kẻ bất thiện,
    Không ái luyến bậc thiện,
    Thích pháp kẻ bất thiện,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ hai về bại vong,
    Thứ ba, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Người tánh ưa thích ngủ,
    Thích hội chúng, thụ động,
    Biếng nhác, thường phẫn nộ,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ ba về bại vong.
    Thứ tư, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Ai với mẹ hay cha,
    Già yếu, tuổi trẻ hết,
    Tuy giàu không giúp đỡ,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ tư về bại vong.
    Thứ năm, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Ai nói dối lường gạt,
    Sa-môn, Bà-la-môn,
    Hay các khất sĩ khác,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ năm về bại vong.
    Thứ sáu, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Người giàu có tài sản,
    Có vàng bạc thực vật,
    Hương vị ngọt một mình,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ
    Thứ sáu về bại vong.
    Thứ bảy, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Người tự hào về sanh,
    Về tài sản dòng họ,
    Khinh miệt các bà con,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ bảy về bại vong,
    Thứ tám, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Người đắm say nữ nhân,
    Ðắm say rượu, cờ bạc,
    Hoang phí mọi lợi đắc,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ tám về bại vong.
    Thứ chín, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Không vừa đủ vợ mình,
    Ðược thấy giữa dâm nữ,
    Ðược thấy với vợ người,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ chín về bại vong.
    Thứ mười, mong Ngài nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Người tuổi trẻ đã qua,
    Cưới cô vợ vú tròn,
    Ghen nàng không ngủ được,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con rõ,
    Thứ mười về bại vong.
    Thứ mười một, xin nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Ðàn bà, hay đàn ông,
    Rượu chè, tiêu hoang phí,
    Ðược địa vị quyền thế,
    Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

  1. Như vậy, chúng con biết,
    Thứ mười một bại vong.
    Thứ mười hai, xin nói,
    Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

  1. Tài sản ít, ái lớn,
    Sanh gia đình hoàng tộc,
    Ở đây muốn trị vì,
    Chính cửa vào bại vong.
  2. Bại vong này ở đời,
    Bậc trí khéo quán sát,
    Ðầy đủ với chánh kiến,
    Sống hạnh phúc ở đời.

(VII) Kinh Kẻ Bần Tiện (Vasalasuttam) (Sn 21)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, tại trú xứ của Bà-la-môn Aggikabhàradvàja, lửa tế lễ được đốt cháy, đồ cúng dường được dâng cao. Rồi Thế Tôn, trong khi thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, đi đến trú xứ của Bà-la-môn Aggibhàradvàja. Bà-la-môn Aggibhàradvàja thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy bèn nói với Thế Tôn:

– Ở đây kẻ trọc đầu, ở đây kẻ Sa-môn ti tiện, ở đây kẻ bần tiện, hãy đứng lại.

Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Aggibhàradvàja:

– Này Bà-la-môn, Người có biết người bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện không?

– Này Tôn giả Gotama, tôi không biết kẻ bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp như thế nào cho tôi, để tôi được biết về kẻ bần tiện hay các pháp tạo thành kẻ bần tiện.

– Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, Tôn giả!

Bà-la-môn Aggibhàradvàja vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

  1. Người phẫn nộ, hiềm hận,
    Ác nhân, gièm pha người,
    Ác tà kiến, man trá,
    Ðược biết là bần tiện.
  2. Ai ở đây hại vật,
    Một sanh, hoặc hai sanh,
    Không thương xót hữu tình,
    Ðược biết là bần tiện.
  3. Ai làm hại vây hãm,
    Các làng, các thị trấn,
    Kẻ cướp đoạt có tiếng,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  4. Tại làng hay tại rừng,
    Vật sở hữu của người,
    Lấy trộm của không cho,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  5. Ai vay nợ của người,
    Bị đòi liền trốn tránh,
    Ta đâu mắc nợ ngươi,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  6. Ai vì ham vật mọn,
    Kẻ đang đi trên đường,
    Giết hại cướp vật mọn,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  7. Ai vì mình, vì người,
    Hay vì nhân tài sản,
    Làm nhân họ nói láo,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  8. Ai được thấy giữa vợ
    Của bà con, bạn thân,
    Ép buộc hay ưng thuận,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  9. Ai với mẹ hay cha,
    Già yếu, tuổi trẻ qua,
    Tuy giàu không giúp đỡ,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  10. Ai với mẹ hay cha,
    Với anh chị, nhạc mẫu,
    Làm hại, dùng lời mắng,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  11. Ai được hỏi mục đích,
    Lại khuyên lời trái đích,
    Khuyên bảo nên che đậy,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  12. Ai làm các nghiệp ác,
    Muốn không biết mình làm,
    Ai làm hạnh che đậy,
    Ðược biết là kẻ bần tiện.
  13. Ai đến nhà người khác,
    Ăn món ăn ngon lành,
    Lại không đáp lễ lại,
    Ðược biết là bần tiện.
  14. Ai nói dối lường gạt,
    Sa-môn, Bà-la-môn,
    Hay các người nghèo khác,
    Ðược biết là bần tiện.
  15. Dùng lời mắng, không cho,
    Sa-môn, Bà-la-môn,
    Khi thời ăn uống đến,
    Ðược biết là bần tiện.
  16. Ở đời nói không thật,
    Bị si mê che đậy,
    Tham cầu chút lợi nhỏ,
    Ðược biết là bần tiện.
  17. Ai đề cao tự ngã,
    Khi miệt giá trị người,
    Hạ mình với tự cao,
    Ðược biết là bần tiện.
  18. Ai gây hấn, hà tiện,
    Ác dục và xan tham,
    Xảo quyệt, không tàm quí,
    Ðược biết là bần tiện.
  19. Ai phỉ báng đức Phật,
    Hay đệ tử của Ngài,
    Hàng xuất gia, tại gia,
    Ðược biết là bần tiện.
  20. Ai không phải La-hán,
    Tự nhận là La-hán,
    Kẻ trộm Phạm thiên giới,
    Chính tối hạ bần tiện.
    Những hàng bần tiện này,
    Ta nói rõ cho Ông.
  21. Bần tiện không vì sanh,
    Phạm chí không vì sanh,
    Do hành, thành bần tiện,
    Do hành, thành Phạm chí.
  22. Do đây, nên hiểu biết,
    Như Ta trình bày rõ,
    Màtanga được danh,
    Bần tiện, ăn thịt chó.
  23. Danh tối thượng khó đạt,
    Màtanga đạt được,
    Nhiều Sát-ly, Phạm chí,
    Ðến hầu hạ vị ấy.
    139. Vị ấy leo thiên xa,
    Trên đường lớn không bụi,
    Từ bỏ mọi dục tham,
    Ðạt được Phạm thiên giới,
    Thọ sanh không ngăn chận,
    Vị ấy sanh Phạm thiên.
  24. Có những Bà-la-môn,
    Sanh gia đình Ðạo sư,
    Hay sanh những gia đình
    Quyến thuộc với bùa chú,
    Họ vẫn thường được thấy,
    Làm các điều ác nghiệp,
  25. Hiện tại bị khinh miệt,
    Ðời sau sanh ác thú,
    Thọ sanh không ngăn chận,
    Sanh ác thú đáng khinh.
  26. Bần tiện không vì sanh,
    Phạm chí không vì sanh,
    Do hành thành bần tiện,
    Do hành thành Phạm chí.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, ví như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con nay qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp và qui y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời qui ngưỡng.

(VIII) Kinh Từ Bi (Metta Sutta) (Sn 25)

  1. Vị thiện xảo mục đích,
    Cần phải làm như sau:
    Sau khi hiểu thông suốt,
    Con đường an tịnh ấy,
    Có khả năng, trực tánh,
    Thật sự, khéo chân trực,
    Dễ nói và nhu hòa,
    Không có gì cao mạn.
  2. Sống cảm thấy vừa đủ,
    Nuôi sống thật dễ dàng,
    Ít có sự rộn ràng,
    Sống đạm bạc giản dị.
    Các căn được tịnh lạc,
    Khôn ngoan và thật trọng,
    Không xông xáo gia đình,
    Không tham ái, tham vọng.
  3. Các sở hành của mình,
    Không nhỏ nhen vụn vặt,
    Khiến người khác có trí,
    Có thể sanh chỉ trích.
    Mong mọi loài chúng sanh,
    Ðược an lạc, an ổn,
    Mong họ chứng đạt được,
    Hạnh phúc và an lạc.
  4. Mong tất cả những ai,
    Hữu tình có mạng sống,
    Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
    Không bỏ sót một ai,
    Kẻ dài hay kẻ lớn,
    Trung, thấp, loài lớn, nhỏ.
  5. Loài được thấy, không thấy,
    Loài sống xa, không xa,
    Các loài hiện đang sống,
    Các loài sẽ được sanh,
    Mong mọi loài chúng sanh
    Sống hạnh phúc an lạc.
  6. Mong rằng không có ai,
    Lường gạt lừa dối ai,
    Không có ai khinh mạn,
    Tại bất cứ chỗ nào.
    Không vì giận hờn nhau,
    Không vì tưởng chống đối.
    Lại có người mong muốn,
    Làm đau khổ cho nhau.
  7. Như tấm lòng người mẹ,
    Ðối với con của mình,
    Trọn đời lo che chở,
    Con độc nhất mình sanh.
    Cũng vậy, đối tất cả
    Các hữu tình chúng sanh,
    Hãy tu tập tâm ý,
    Không hạn lượng rộng lớn.
  8. Hãy tu tập từ tâm,
    Trong tất cả thế giới,
    Hãy tu tập tâm ý,
    Không hạn lượng rộng lớn.
    Phía trên và phía dưới,
    Cũng vậy, cả bề ngang,
    Không hạn chế, trói buộc,
    Không hận, không thù địch.
  9. Khi đứng, hay khi đi,
    Khi ngồi, hay khi nằm,
    Lâu cho đến khi nào,
    Khi đang còn tỉnh thức,
    Hãy an trú niệm này,
    Nếp sống này như vậy,
    Ðược đời đề cập đến,
    Là nếp sống tối thượng.
  10. Ai từ bỏ tà kiến,
    Giữ giới, đủ chánh kiến,
    Nhiếp phục được tham ái,
    Ðối với các dục vọng,
    Không còn phải tái sanh,
    Ði đến thai tạng nữa.

(IX) Kinh Hemavata (Sn 27)

Sàtàgira:

  1. Nay đúng vào ngày rằm,
    Ngày trai giới, bố-tát,
    Nói vậy là dạ-xoa,
    Tên Sàtàgira,
    Ðêm đã được an trú,
    Ðêm đẹp như cõi trời,
    Hãy gặp Gotama,
    Bậc Ðạo Sư vô thượng.

Hemavata:

  1. Có phải ý vị ấy,
    Tâm nguyện thật khéo phát?
    Nói vậy là dạ-xoa,
    Tên Hemavata,
    Có phải đối sanh loại,
    Có tâm tư như vậy?
    Có phải các tư duy,
    Ðược khéo léo điều phục
    Ðối với các pháp khả ái,
    Và pháp không khả ái?

Sàtàgira:

  1. Ý vị ấy là vậy,
    Tâm nguyện thật khéo phát,
    Nói vậy là dạ-xoa,
    Tên Sàtàgira,
    Ðối với mọi sanh loại,
    Có tâm tư như vậy,
    Như vậy là tư duy,
    Ðược khéo léo điều phục.

Hemavata:

  1. Có phải là vị ấy
    Không lấy vật không cho?
    Nói vậy là dạ-xoa,
    Tên Hemavata,
    Có phải với hữu tình,
    Vị ấy khéo chế ngự?
    Có phải với phóng dật,
    Vị ấy khéo viễn ly?
    Có phải đối thiền định,
    Vị ấy không từ bỏ?

Sàtàgira:

  1. Vị ấy không có lấy
    Những vật không được cho,
    Nói vậy là dạ-xoa,
    Tên Sàtàgira,
    Vị ấy với hữu tình,
    Rất khéo léo chế ngự,
    Vị ấy với phóng dật,
    Thật sự sống viễn ly,
    Ðức Phật đối thiền định,
    Không từ bỏ, sao lãng.

Hemavata:

  1. Có phải là vị ấy,
    Không nói lời nói láo?
    Nói vậy là Dạ-xoa,
    Tên Hemavata,
    Có phải là vị ấy
    Ðoạn tận các trách nhiệm?
    Có phải là vị ấy
    Không nói lời vu khống?
    Có phải là vị ấy
    Không nói lời phù phiếm?

Sàtàgira:

  1. Và thật sự vị ấy,
    Không nói lời nói láo,
    Nói vậy là Dạ-xoa,
    Tên Sàtàgira,
    Ðoạn tận đường ác ngữ,
    Không nói lời vu khống,
    Vị ấy nói những lời
    Sáng suốt, có nghĩa lý.

Hemavata:

  1. Có phải đối các dục,
    Vị ấy không tham ái?
    Ðây là lời Dạ-xoa,
    Tên Hemavata,
    Có phải tâm vị ấy
    Không có bị dao động?
    Có phải tâm vị ấy
    Vượt khỏi sự si ám?
    Có phải thật vị ấy,
    Có mắt đối các pháp?

Sàtàgira:

  1. Vị ấy không tham ái
    Ðối với các dục vọng,
    Ðây là lời Dạ-xoa,
    Tên Sàtàgira,
    Tâm không có dao động,
    Vượt khỏi mọi si ám,
    Ðức Phật thật có mắt
    Ðối với tất cả pháp.

Hemavata:

  1. Có phải là vị ấy
    Ðầy đủ về các minh?
    Ðây là lời Dạ-xoa
    Tên Hemavata,
    Có phải là vị ấy
    Sở hành thật thanh tịnh?
    Có phải là vị ấy
    Các lậu hoặc đoạn tận?
    Có phải là vị ấy
    Không còn có tái sanh?

Sàtàgira:

  1. Sự thật là vị ấy,
    Ðầy đủ với các minh,
    Ðây là lời Dạ-xoa,
    Tên Sàtàgira
    Sở hành thật thanh tịnh,
    Mọi lậu hoặc đoạn tận,
    Thật sự đối vị ấy,
    Không còn có tái sanh.

Hemavata:

  1. (a) Có phải vị ẩn sĩ,
    Với tâm được viên mãn,
    Mọi việc làm vị ấy
    Ðược làm khéo hoàn mãn,
    Có phải người tán thán,
    Một cách đúng Chánh pháp.
    Vị đầy đủ trí đức,
    Ðầy đủ cả hạnh đức.

Sàtàgira:

  1. (b) Thật sự vị ẩn sĩ,
    Với tâm được viên mãn,
    Mọi việc làm vị ấy
    Ðược làm khéo hoàn mãn.
    Thật sự Ông tùy hỉ
    Một cách đúng Chánh pháp,
    Vị đầy đủ trí đức,
    Ðầy đủ cả hạnh đức.

Cả hai:

  1. Thật sự vị ẩn sĩ,
    Với tâm được viên mãn,
    Mọi việc làm vị ấy
    Ðược làm khéo hoàn mãn.
    Chúng ta hãy yết kiến
    Tôn giả Gotama,
    Vị đầy đủ trí đức,
    Ðầy đủ cả hạnh đức.

Hemavata:

  1. Bắp chân giống như nai,
    Thon vững chắc, bền bỉ,
    Giản dị ít nhu cầu,
    Không tham đắm vật gì.
    Hãy đi đến yết kiến
    ẩn sĩ Gotama,
    Vị hành trì thiền định,
    Trong rừng núi xa vắng.
  2. Sống cô độc một mình,
    Như sư tử, như voi,
    Ngài không có tham đắm,
    Không cầu mong các dục.
    Chúng ta hãy đi đến,
    Và hỏi thăm vị ấy
    Về con đường giải thoát
    Khỏi cạm bẫy Ác ma.

Cả hai:

  1. Vị tuyên bố giải thích,
    Vị đạt đến mọi pháp,
    Bậc giác ngộ vượt khỏi
    Hận thù và sợ hãi,
    Chúng ta hãy đến học
    Sa-môn Gotama.

Hemavata:

  1. Do pháp nào có mặt,
    Thế giới được sanh khởi,
    Nói vậy là dạ-xoa,
    Tên Hemavata.
    Do pháp nào có mặt,
    Tác thành sự giao hợp?
    Sự chấp thủ ở đời,
    Là chấp thủ cái gì?
    Do pháp nào có mặt,
    Thế giới bị tàn hại?

Thế Tôn:

  1. Do sáu pháp có mặt,
    Thế giới được sanh khởi,
    Này Hemavata,
    Thế Tôn nói như vậy.
    Do sáu pháp có mặt,
    Tác thành sự giao hợp,
    Sự chấp thủ ở đời,
    Là chấp thủ sáu pháp,
    Do sáu pháp có mặt,
    Thế giới bị tàn hại.

Hemavata:

  1. Do chấp thủ cái gì,
    Ðây thế giới bị hại?
    Ðược hỏi, hãy nói lên,
    Về con đường thoát đời.
    Làm thế nào đau khổ,
    Ðược giải thoát hoàn toàn?

Thế Tôn:

  1. Ðây, năm dục trưởng dưỡng,
    Ý được gọi thứ sáu,
    Bỏ ước muốn ở đây,
    Như vậy, thoát đau khổ.
  2. Ðây, con đường thoát đời.
    Như thật nói Ông rõ,
    Ðường này Ta nói Ông,
    Như vậy, thoát đau khổ.

Hemavata:

  1. Ðây, ai vượt bộc lưu?
    Ðây, ai vượt biển lớn?
    Không chân đứng bám víu,
    Ai không chìm vực sâu?

Thế Tôn:

  1. Ai luôn luôn đủ giới,
    Có tuệ, khéo thiền định,
    Tâm hướng nội, chánh niệm,
    Vượt bộc lưu khó vượt.
  2. Ai từ bỏ dục tưởng,
    Vượt khỏi mọi kiết sử,
    Ai, hỷ, hữu đoạn tận,
    Không chìm vào vực sâu.

Hemavata:

  1. Vị trí tuệ thâm sâu,
    Thấy được đích tế nhị,
    Vị không có sở hữu,
    Không tham đắm dục hữu.
    Hãy yết kiến vị ấy,
    Vị luôn luôn giải thoát,
    Bậc đại sĩ tiến bước,
    Trên con đường Thiên đạo.
  2. Bậc danh xưng vô thượng,
    Bậc thấy đích tế nhị,
    Bậc ban bố trí tuệ,
    Không tham đắm dục tạng.
    Hãy yết kiến vị ấy,
    Vị Toàn trí, Thiện tuệ,
    Bậc Ðại sĩ tiến bước
    Trên con đường Thánh đạo.
  3. Hôm nay thật chúng con
    Ðược thấy điềm tốt lành,
    Ðược hào quang chói sáng,
    Của bình minh tốt lành.
    Vì chúng con được thấy,
    Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác,
    Bậc đã vượt bộc lưu,
    Bậc đã đoạn lậu hoặc.
  4. Ngàn vị dạ-xoa này,
    Có thần lực danh xưng,
    Tất cả xin đi đến
    Y tựa quy ngưỡng Ngài,
    Ngài là bậc Ðạo Sư,
    Vô thượng của chúng con.
  5. Chúng con sẽ bộ hành
    Làng này qua làng khác,
    Thành này qua thành khác,
    Ðảnh lễ bậc Chánh giác,
    Ðảnh lễ thiện pháp tánh,
    Của Chánh pháp vi diệu.

(X) Kinh Alavaka (Sn 31)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Alavi, tại trú xứ của Dạ-xoa Alavaka. Rồi Dạ-xoa Alavaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, hãy đi ra.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi ra.

– Này Sa-môn, hãy đi vào.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi vào. Lần thứ hai, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, hãy đi ra.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi ra:

– Này Sa-môn, hãy đi vào.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi vào.

Lần thứ ba, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, hãy đi ra.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi ra.

– Này Sa-môn, hãy đi vào.

– Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn đi vào.

Lần thứ tư, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, hãy đi ra.

– Này Hiền giả, Ta sẽ không đi ra cho Ông. Ông cần gì hãy làm?

– Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ngài. Nếu Ngài không trả lời cho ta, ta sẽ làm tâm trí Ngài điên loạn, hay ta sẽ bóp nát quả tim của Ngài, hay nắm chân của Ngài, ta sẽ quăng qua bờ sông bên kia sông Hằng.

– Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong thế giới với chư Thiên, với Ác ma và với Phạm thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, lại có thể làm tâm Ta điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ta, hay nắm chân quăng Ta qua bên kia bờ sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, Ông cứ hỏi như ý Ông muốn.

Rồi Dạ-xoa với bài kệ nói với Thế Tôn:

Alavaka:

  1. Ở đời, tài sản gì,
    Tối thắng cho con người?
    Cái gì khéo thực hành
    Ðem lại chơn an lạc.
    Cái gì trong các vị,
    Là vị ngọt tối thượng?
    Nếp sống như thế nào,
    Gọi nếp sống tối thắng?

Thế Tôn:

  1. Ở đời này, lòng tin,
    Tối thắng cho con người,
    Cái gì khéo thực hành,
    Ðem lại chơn an lạc?
    Chánh pháp khéo thực hiện,
    Ðem lại chơn an lạc,
    Sự thật trong các vị,
    Là vị ngọt tối thượng,
    Nếp sống với trí tuệ,
    Là nếp sống tối thắng.

Alavaka:

  1. Thế nào vượt bộc lưu?
    Thế nào vượt biển lớn?
    Thế nào vượt qua khổ?
    Thế nào thật thanh tịnh?

Thế Tôn:

  1. Với tín, vượt bộc lưu,
    Không phóng dật, vượt biển,
    Tinh tấn, vượt đau khổ,
    Với tuệ, được thanh tịnh.

Alavaka:

  1. Thế nào được trí tuệ?
    Thế nào được tài sản?
    Thế nào đạt danh xưng?
    Thế nào cột bạn hữu?
    Ðời này qua đời sau,
    Thế nào, chết không sầu?

Thế Tôn:

  1. Tin tưởng bậc La-hán,
    Tin pháp, đạt Niết-bàn,
    Khéo nghe, được trí tuệ,
    Bậc trí, không phóng dật.
  2. Làm thích đáng trách nhiệm,
    Phấn đấu được tài sản,
    Với sự thật được danh,
    Bố thí cột bạn bè.
  3. Ai là người gia chủ,
    Tin tưởng bốn pháp này,
    Sự thật và Chánh pháp,
    Kiên trì và bố thí,
    Vị ấy sau khi chết,
    Nhất định không sầu muộn.
  4. Hãy hỏi các vị khác,
    Sa-môn, Bà-la-môn,
    Nếu có pháp nào khác
    Ở đời, lại thắng hơn,
    Sự thật và nhiếp phục,
    Bố thí và kham nhẫn?

Alavaka:

  1. Sao nay con rộng hỏi,
    Sa-môn, Bà-la-môn,
    Nay con được rõ biết,
    Hiện, vị lai hạnh phúc.
  2. Vì hạnh phúc cho con,
    Mong rằng bậc Giác Ngộ,
    Hãy đi đến an trú,
    Tại xứ Alavi.
    Nay con đã rõ biết.
    Chỗ nào thí, quả lớn.
  3. Con sẽ đi bộ hành,
    Làng này qua làng khác,
    Thành này qua thành khác,
    Ðảnh lễ bậc Giác Ngộ,
    Ðảnh lễ thiện pháp tánh
    Của Chánh pháp vi diệu.

(XI) Kinh Thắng Trận (Sn 34)

  1. Hoặc là đi hay đứng,
    Hoặc là ngồi hay nằm,
    Hoặc co tay, duỗi tay,
    Như vậy, thân dao động.
  2. Ràng buộc với xương gân,
    Trét thoa với da thịt,
    Thân được da che đậy,
    Như thật không thấy rõ.
  3. Trong một bụng chứa đầy,
    Cục gan, và bọng đái,
    Quả tim và buồng phổi,
    Cả thận, và tỳ tạng.
  4. Nước mũi, và nước miếng,
    Mồ hôi, và nước mỡ,
    Máu, và nước khớp xương,
    Mật, và bạch huyết cầu.
  5. Từ chín nguồn nước này,
    Bất tịnh luôn luôn chảy,
    Từ mắt, đồ bẩn chảy,
    Từ tai, đồ bẩn chảy.
  6. Nước mũi từ lỗ mũi,
    Từ miệng, có khi chảy,
    Chảy mật, và niêm dịch,
    Từ thân, mồ hôi bẩn.
  7. Trong đầu thật trống rỗng,
    Chứa đầy những óc, não.
    Bị vô minh dắt dẫn,
    Kẻ ngu nghĩ tịnh sạch.
  8. Khi bị chết nằm xuống,
    Phồng lên, và xanh bầm,
    Quăng bỏ trong nghĩa địa,
    Bà con không đoái hoài.
  9. Chó, dã can đến ăn,
    Chó sói, các côn trùng,
    Quạ, diều hâu đến ăn,
    Còn có hữu tình khác.
  10. Ðược nghe lời Phật dạy,
    Tỷ-kheo có trí tuệ,
    Vị ấy liễu tri thân,
    Thấy thân đúng như thật.
  11. Ðây thế nào, kia vậy,
    Kia thế nào, đây vậy,
    Ðối với thân trong ngoài,
    Từ bỏ mọi lòng dục.
  12. Từ bỏ lòng tham dục,
    Ðây Tỷ-kheo có tuệ,
    Chứng bất tử, tịch tịnh,
    Niết-bàn giới thường trú.
  13. Thân này với hai chân,
    Bất tịnh và hôi thúi,
    Ðầy xác chết, chảy nước,
    Lại được giữ, nâng niu.
  14. Với thân thể như vậy,
    Ai lại nghĩ đề cao,
    Hay khinh miệt kẻ khác,
    Trừ kẻ không thấy gì.

(XII) Kinh ẩn sĩ (Sn 35)

  1. Thân mật, sanh sợ hãi,
    Trú xứ, sanh bụi bặm,
    Không trú xứ, không thân,
    Hình ảnh bậc ẩn sĩ.
  2. Ai đã chặt sanh hữu,
    Không còn gieo giống thêm,
    Sanh hữu đã đoạn tận,
    Không muốn nó tùy sanh,
    Ðược gọi là ẩn sĩ,
    Một mình đi im lặng,
    Bậc đại sĩ đã thấy,
    Con đường tịch tịnh ấy.
  3. Sau khi ước lượng đất,
    Tìm hiểu được hột giống,
    Không còn muốn tham ái,
    Ðược tiếp tục tùy sanh,
    Vị ấy chân ẩn sĩ,
    Thấy sanh diệt chấm dứt,
    Ðoạn tận mọi lý luận,
    Không rơi vào tính toán.
  4. Ðã rõ mọi trú xứ,
    Không ham trú xứ nào,
    Vị ấy chân ẩn sĩ,
    Không tham, không say đắm.
    Không còn phải ra sức,
    Ðã đạt bờ bên kia.
  5. Bậc chiến thắng toàn diện,
    Bậc toàn tri, thiện tuệ,
    Ðối với tất cả pháp,
    Không còn bị ô nhiễm.
    Bậc từ bỏ tất cả,
    Ái đoạn diệt, giải thoát.
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  6. Vị có trí tuệ lực,
    Giới cấm được đầy đủ,
    Ðịnh tĩnh, thích thiền định,
    Gìn giữ trì chánh niệm,
    Giải thoát các trói buộc,
    Không hoang vu, lậu tận,
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  7. Bộ hành, riêng một mình,
    ẩn sĩ, không phóng dật,
    Trước chê bai, tán thán,
    Không có bị dao động.
    Như sư tử, không sợ,
    Giữa các tiếng vang động.
    Như gió không vướng lưới,
    Như son không dính nước,
    Bậc lãnh đạo mọi người,
    Người không ai lãnh đạo.
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  8. Vị nào biết xử sự,
    Như cột trụ hồ tắm,
    Khi người khác nói lời,
    Lời khen chê cực đoạn,
    Vị không có tham ái,
    Với căn khéo định tĩnh,
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  9. Ai thật tự mình đứng
    Thẳng như cây thoi đưa,
    Nhàm chán các nghiệp ác,
    Quán sát chánh, bất chánh,
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  10. Ai biết tự chế ngự,
    Không làm các điều ác,
    Trẻ và hạng trung niên,
    Bậc ẩn sĩ chế ngự,
    Vị không nên chọc giận,
    Vì không làm ai giận,
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  11. Ai sống nhờ người cho,
    Nhận lãnh đồ khất thực,
    Nhận từ trên, từ giữa,
    Hay từ chỗ còn lại,
    Không đủ để tán thán,
    Không nói lời hạ mình,
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  12. Sống thụ hạnh ẩn sĩ,
    Từ bỏ sự dâm dục,
    Ai lúc còn tuổi trẻ,
    Không bị trói buộc gì,
    Từ bỏ mạn, phóng dật,
    Ðược hoàn toàn giải thoát,
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  13. Rõ biết được thế giới,
    Thấy được lý chân đế,
    Vượt khỏi được bộc lưu,
    Vượt biển lớn như vậy.
    Vị chặt đứt trói buộc,
    Không ỷ lại, vô lậu.
    Các bậc trí nhận thức,
    Vị ấy thật ẩn sĩ.
  14. Hai nếp sống không giống.
    An trú, thật xa nhau,
    Gia chủ, có vợ con,
    Không ngã sở, khéo nhiếp,
    Gia chủ không chế ngự,
    Ngăn chận hữu tình khác,
    Bậc ẩn sĩ luôn luôn,
    Che chở loài hữu tình.
  15. Giống như loại chim công,
    Loại chim có cổ xanh,
    Không bao giờ sánh bằng
    Chim thiên nga nhanh nhẹn.
    Cũng vậy, người gia chủ,
    Không sánh bằng Tỷ-kheo,
    Bậc ẩn sĩ viễn ly,
    Sống thiền định trong rừng.

Chương Hai – Tiểu Phẩm

(I) Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) (Sn 39)

  1. Phàm ở tại đời này,
    Có sanh linh tụ hội,
    Hoặc trên cõi đất này,
    Hoặc chính giữa hư không
    Mong rằng mọi sanh linh,
    Ðược đẹp ý vui lòng,
    Vậy, hãy nên cẩn thận,
    Lắng nghe lời dạy này.
  2. Do vậy các sanh linh,
    Tất cả hãy chú tâm,
    Khởi lên lòng từ mẫn,
    Ðối với mọi loài, người.
    Ban ngày và ban đêm,
    Họ đem vật cúng dường,
    Do vậy không phóng dật,
    Hãy giúp hộ trì họ.
  3. Phàm có tài sản gì,
    Ðời này hay đời sau,
    Hay ở tại thiên giới,
    Có châu báu thù thắng,
    Không gì sánh bằng được,
    Với Như Lai, Thiện Thệ
    Như vậy, nơi Ðức Phật,
    Là châu báu thù diệu,
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  4. Ðoạn diệt và ly tham,
    Bất tử và thù diệu,
    Phật Thích Ca Mâu-Ni,
    Chứng pháp ấy trong thiền.
    Không gì sánh bằng được,
    Với pháp thù diệu ấy.
    Như vậy, nơi Chánh pháp,
    Là châu báu thù diệu,
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  5. Phật Thế Tôn thù thắng,
    Nói lên lời tán thán,
    Pháp thiền định trong sạch,
    Liên tục không gián đoạn,
    Không gì sánh bằng được,
    Pháp thiền vi diệu ấy,
    Như vậy, nơi Chánh pháp,
    Là châu báu thù diệu
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  6. Tám vị bốn đôi này,
    Ðược bậc thiện tán thán,
    Chúng đệ tử Thiện Thệ,
    Xứng đáng được cúng dường.
    Bố thí các vị ấy,
    Ðược kết quả to lớn.
    Như vậy, nơi Tăng chúng,
    Là châu báu thù diệu.
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  7. Các vị lòng ít dục,
    Với ý thật kiên trì,
    Khéo liên hệ mật thiết,
    Lời dạy Gotama!.
    Họ đạt được quả vị,
    Họ thể nhập bất tử,
    Họ chứng đắc dễ dàng,
    Hưởng thọ sự tịch tịnh,
    Như vậy, nơi tăng chúng,
    Là châu báu thù diệu,
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  8. Như vậy cột trụ đá,
    Khéo y tựa lòng đất,
    Dầu có gió bốn phương,
    Cũng không thể dao động,
    Ta nói bậc chơn nhân,
    Giống như ví dụ này.
    Vị thể nhập với tuệ,
    Thấy được những Thánh đế,
    Như vậy, nơi Tăng chúng,
    Là châu báu thù diệu.
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  9. Những vị khéo giải thích,
    Những sự thật Thánh đế,
    Những vị khéo thuyết giảng,
    Với trí tuệ thâm sâu,
    Dầu họ có hết sức,
    Phóng dật không tự chế,
    Họ cũng không đến nỗi,
    Sanh hữu lần thứ tám.
    Như vậy, nơi Tăng chúng,
    Là châu báu thù diệu.
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  10. Vị ấy nhờ đầy đủ,
    Với chánh kiến sáng suốt,
    Do vậy, có ba pháp,
    Ðược hoàn toàn từ bỏ.
    Thân kiến và nghi hoặc,
    Giới cấm thủ cũng không;
    Ðối với bốn đọa xứ,
    Hoàn toàn được giải thoát;
    Vị ấy không thể làm,
    Sáu điều ác căn bản.
    Như vậy, nơi Tăng chúng,
    Là châu báu thù diệu.
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  11. Dầu vị ấy có làm
    Ðiều ác gì đi nữa,
    Với thân hay với lời,
    Kể cả với tâm ý,
    Vị ấy không có thể
    Che đậy việc làm ấy,
    Vị ấy được nói rằng,
    Không thể thấy ác đạo.
    Như vậy, nơi Tăng chúng,
    Là châu báu thù diệu.
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  12. Ðẹp là những cây rừng
    Có bông hoa đầu ngọn,
    Trong tháng ba nóng bức,
    Những ngày hạ đầu tiên,
    Pháp thù thắng thuyết giảng,
    Ðược ví dụ như vậy,
    Pháp đưa đến Niết-bàn,
    Pháp hạnh phúc tối thượng.
    Như vậy, nơi Ðức Phật,
    Là châu báu thù diệu
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  13. Cao thượng, biết cao thượng,
    Cho, đem lại cao thượng,
    Bậc vô thượng thuyết giảng,
    Pháp cao thượng thù thắng.
    Như vậy, nơi đức Phật,
    Là châu báu thù diệu.
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  14. Nghiệp cũ đã đoạn tận,
    Nghiệp mới không tạo nên,
    Với tâm tư từ bỏ,
    Trong sanh hữu tương lai.
    Các hột giống đoạn tận,
    Ước muốn không tăng trưởng,
    Bậc trí chứng Niết-bàn,
    Ví như ngọn đèn này.
    Như vậy, nơi Tăng chúng,
    Là châu báu thù diệu.
    Mong với sự thật này,
    Ðược sống chơn hạnh phúc.
  15. Phàm ở tại đời này,
    Có sanh linh tụ hội,
    Hoặc trên cõi đất này,
    Hoặc chính giữa hư không,
    Hãy đảnh lễ đức Phật,
    Ðã như thực đến đây,
    Ðược loài Trời, loài Người,
    Ðảnh lễ và cúng dường.
    Mong rằng với hạnh này,
    Mọi loài được hạnh phúc.
  16. Phàm ở tại nơi này,
    Có sanh linh tụ hội,
    Hoặc trên cõi đất này,
    Hoặc chính giữa hư không.
    Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
    Ðã như thực đến đây,
    Ðược loài Trời, loài Người,
    Ðảnh lễ và cúng dường.
    Mong rằng với hạnh này,
    Mọi loài được hạnh phúc.
  17. Phàm ở tại nơi này,
    Có sanh linh tụ hội,
    Hoặc trên cõi đất này,
    Hoặc chính giữa hư không.
    Hãy đảnh lễ chúng Tăng
    Ðã như thực đến đây,
    Ðược loài Trời, loài Người,
    Ðảnh lễ và cúng dường.
    Mong rằng với hạnh này,
    Mọi loài được hạnh phúc.

(II) Kinh Hôi Thối (Amagandha) (Sn 42)

Bà-la-môn:

  1. Các bậc Thiện chơn chánh,
    Ăn hạt giống cây thuốc,
    Ăn đậu đũa, đậu rừng,
    Ăn lá, ăn rễ cây,
    Ăn trái các dây leo,
    Nhận được thật đúng pháp.
    Vị ấy không nói láo,
    Vì các dục thúc đẩy.
  2. Ôi ngài Kassapa,
    Ai ăn các món ăn,
    Do người khác bố thí,
    Khéo làm, khéo chưng dọn,
    Trong sạch và thù thắng;
    Ăn lúa gạo thơm ngon.
    Ai ăn uống như vậy
    Là ăn thịt hôi thối.
  3. Này bà con Phạm thiên,
    Chính Ngài tuyên bố rằng:
    Ta không ăn đồ thối,
    Ðể nuôi sống thân Ta.
    Nhưng Ngài ăn món ăn
    Bằng lúa gạo thơm ngon,
    Ăn thịt các loài chim,
    Nấu ăn thật khéo léo
    Ta hỏi Kassapa:
    Ý nghĩa sự kiện này,
    Ngài định nghĩa thế nào,
    Là ăn đồ hôi thối?

Ðức Phật Kassapa:

  1. Sát sanh và hành hình,
    Ðả thương và bắt trói,
    Trộm cắp và nói láo,
    Man trá và lừa đảo,
    Giả bộ kẻ học thức,
    Ði lại với vợ người,
    Ðây là đồ ăn thối,
    Ăn thịt không phải thối.
  2. Ở đời, các hạng người,
    Không chế ngự lòng dục,
    Ðam mê các vị ngon,
    Liên hệ đến bất tịnh,
    Theo chủ nghĩa hư vô,
    Bất chánh khó hướng dẫn,
    Ðây là ăn đồ thối,
    Ăn thịt không phải thối.
  3. Ai thô bạo, dã man,
    Sau lưng nói gièm pha,
    Phản bạn không từ bi,
    Lại cống cao ngạo mạn,
    Tánh không có bố thí,
    Không cho ai vật gì,
    Ðây là ăn đồ thối,
    Ăn thịt không phải thối,
  4. Phẫn nộ và kiêu mạn,
    Cứng đầu và chống đối
    Man trá và tật đố,
    Nói vô ích, huênh hoang,
    Kiêu mạn và quá mạn,
    Thân mật với kẻ ác,
    Ðây là ăn đồ thối,
    Ăn thịt không phải thối,
  5. Ác giói, nợ không trả,
    Làm người điểm chỉ viên,
    Làm những nghề dối trá,
    Ở đây, kẻ giả vờ,
    Ở đây người bần tiện,
    Những người làm ác nghiệp,
    Ðây là ăn đồ thối,
    Ăn thịt không phải thối.
  6. Ở đời đối hữu tình,
    Người không biết kiềm chế,
    Lấy cướp sở hữu người,
    Chú tâm làm hại người,
    Ác giới và tàn nhẫn
    Ác ngữ, thiếu lễ độ,
    Ðây là ăn đồ thối,
    Ăn thịt không phải thối,
  7. Hạng tham ô, thù nghịch,
    Tìm cách để giết hại,
    Luôn luôn hướng về ác,
    Sau chết sanh tối tăm,
    Chúng sanh ấy rơi vào,
    Ðịa ngục đầu xuống trước.
    Ðây là ăn đồ thối,
    Ăn thịt không phải thối,
  8. Không phải do cá thịt,
    Cùng các loại nhịn ăn,
    Không phải do lõa thể,
    Ðầu trọc và bện tóc,
    Không do tro trét mình,
    Mặc da thú khô cứng,
    Không phải do săn sóc,
    Nuôi dưỡng lửa tế tự,
    Không do nhiều khổ hạnh,
    Ðể được chứng bất tử,
    Không bùa chú tế tự,
    Các tế đàn thời tiết,
    Làm con người trong sạch,
    Nếu nghi hoặc chưa đoạn.
  9. Do sống hộ trì căn,
    Với các căn nhiếp phục,
    Vững trú trên Chánh pháp,
    Thích chân trực, hiền hòa,
    Vượt khỏi các tham ái,
    Ðoạn tận mọi khổ đâu,
    Bậc trí không nhiễm dính,
    Ðiều được thấy, được nghe.
  10. Nhiều lần, Thế Tôn thuyết,
    Ý nghĩa lời dạy này,
    Bậc bác học kệ chú,
    Thâm hiểu ý nghĩa ấy.
    Bậc ẩn sĩ nói lên,
    Với những kệ tuyệt diệu,
    Bậc không ăn đồ thối,
    Ðộc lập, khó hướng dẫn.
  11. Nghe xong những lời dạy,
    Lời Thế Tôn khéo nói,
    Chấm dứt ăn đồ thối,
    Ðoạn tận mọi khổ đau,
    Vị ấy đảnh lễ Phật,
    Với tâm ý nhún nhường,
    Thỉnh cầu được cho pháp,
    Xuất gia tại nơi đây.

(III) Kinh Xấu Hổ (Sn 45)

  1. Ai mở miệng tuyên bố:
    Tôi là bạn của anh,
    Sở hành vượt xấu hổ,
    Lại khinh chán bạn mình,
    Không chịu khó gắng làm,
    Công việc có thể làm.
    Cần biết người như vậy,
    Không phải bạn của tôi.
  2. Ai đối với bạn hữu,
    Chỉ làm với lời nói,
    Lời nói đẹp, khả ái,
    Nhưng chỉ lời nói suông,
    Bậc trí biết người ấy,
    Người chỉ nói, không làm.
  3. Người luôn luôn chú ý,
    Nghi ngờ sự thiếu sót,
    Tìm kiếm các nhược điểm,
    Người ấy không phải bạn,
    Với ai có thể nắm,
    Như con nằm trên ngực,
    Người ấy mới thật bạn,
    Không bị ai chia ly.
  4. Ai mong lợi ích quả,
    Tu tập các sự kiện,
    Ðem lại sự hân hoan,
    Tu tập sự an lạc,
    Ðem lại thưởng, tán thán,
    Gánh trách nhiệm làm người.
  5. Uống xong vị viễn ly,
    Uống xong vị an tịnh,
    Không sợ hãi, không ác,
    Hưởng vị ngọt, pháp hỷ.

(IV) Kinh Ðiềm Lành Lớn (Kinh Ðại Hạnh Phúc – Mahamangala Sutta) (Sn 46)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy với bài kệ bạch Thế Tôn:

Thiên nhân:

  1. Nhiều Thiên nhân và Người,
    Suy nghĩ đến điềm lành,
    Mong ước và đợi chờ,
    Một nếp sống an toàn,
    Xin Ngài hãy nói lên
    Về điềm lành tối thượng.

Thế Tôn:

  1. Không thân cận kẻ ngu,
    Nhưng gần gũi bậc trí,
    Ðảnh lễ người đáng lễ
    Là điềm lành tối thượng.
  2. Ở trú xứ thích hợp,
    Công đức trước đã làm,
    Chân chánh hướng tụ tâm,
    Là điều lành tối thượng.
  3. Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
    Khéo huấn luyện học tập,
    Nói những lời khéo nói
    Là điềm lành tối thượng.
  4. Hiếu dưỡng mẹ và cha,
    Nuôi dưỡng vợ và con,
    Làm nghề không rắc rối
    Là điềm lành tối thượng.
  5. Bố thí, hành đúng pháp,
    Săn sóc các bà con,
    Làm nghiệp không lỗi lầm
    Là điềm lành tối thượng.
  6. Chấm dứt, từ bỏ ác,
    Chế ngự đam mê rượu,
    Trong pháp, không phóng dật
    Là điềm lành tối thượng.
    265. Kính lễ và hạ mình,
    Biết đủ và biết ơn,
    Ðúng thời, nghe Chánh pháp
    Là điềm lành tối thượng.
  7. Nhẫn nhục, lời hòa nhã,
    Yết kiến các Sa-môn,
    Ðúng thời, đàm luận pháp,
    Là điềm lành tối thượng.
  8. Khắc khổ và Phạm hạnh,
    Thấy được lý Thánh đế,
    Giác ngộ quả Niết bàn
    Là điềm lành tối thượng.
  9. Khi xúc chạm việc đời,
    Tâm không động, không sầu,
    Không uế nhiễm, an ổn
    Là điềm lành tối thượng.
  10. Làm sự việc như vậy,
    Không chỗ nào thất bại,
    Khắp nơi được an toàn,
    Là điềm lành tối thượng.

(V) Kinh Sùciloma (Sn 47)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú tại Gayà, ở Tamkitamanca tại trú xứ của Dạ-xoa Sùciloma. Lúc bấy giờ, Dạ-xoa Khara, Dạ-xoa Sùciloma đi qua Thế Tôn không bao xa. Dạ-xoa Khara nói với Dạ-xoa Sùciloma: Ðây là Sa-môn. Ðây không phải là Sa-môn. Ðây là Sa-môn hay là Sa-môn giả hiệu. Rồi Dạ-xoa Sùciloma đi đến Thế Tôn, sau khi đến cọ xát thân Thế Tôn. Thế Tôn tránh né thân của mình, rồi Dạ-xoa Sùciloma nói với Thế Tôn:

– Có phải Sa-môn sợ ta?

– Này Hiền giả, Ta không sợ Ông, nhưng xúc phạm với Ông là ác.

– Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ngài, nếu Ngài không trả lời cho ta, ta sẽ làm cho tâm Ngài điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ngài, hay nắm chân của Ngài, ta sẽ quăng qua bờ bên kia sông Hằng.

– Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong thế giới chư Thiên, với chư Thiên, Ác ma và Phạm Thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, lại có thể làm cho tâm Ta điên loạn hay bóp nát quả tim của Ta, hay nắm chân của Ta, sẽ quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, Ông cứ hỏi Ta như ý Ông muốn.

Rồi Dạ-xoa Sùciloma với câu kệ nói với Thế Tôn:

Sùciloma:

  1. Từ những nguyên nhân nào,
    Tham và sân khởi lên?
    Không ưa thích, ưa thích,
    Sợ hãi từ đâu sanh?
    Từ đâu được sanh khởi,
    Các suy tầm của ý,
    Như đứa trẻ độc ác,
    Thả cho con quạ bay?

Thế Tôn:

  1. Từ những nguyên nhân này,
    Tham, sân được khởi lên,
    Không ưa thích, ưa thích,
    Sợ hãi từ đây sanh,
    Từ đây được sanh khởi,
    Các suy tầm của ý,
    Như đứa trẻ độc ác,
    Thả cho con quạ bay.
  2. Sự hiện hữu của ngã,
    Chính do thân ái sanh,
    Như các loại cây bàng,
    Do thân cây bàng sanh.
    Sự triền phược các dục,
    Thật rộng lớn vô cùng,
    Như cây Màluvà,
    Tỏa rộng lan khắp rừng.
  3. Hãy nghe! Này Dạ-xoa,
    Những ai được rõ biết
    Từ đâu, khiến sanh khởi,
    Họ tẩy sạch nhân ấy.
    Họ vượt qua dòng nước,
    Chảy mạnh khổ vượt này,
    Trước chưa được vượt qua,
    Không còn có tái sanh.

(VI) Kinh Hành Chánh Pháp (Sn 49)

  1. Pháp hạnh và Phạm hạnh,
    Ðược gọi là tối thượng hạnh,
    Nếu là người xuất gia,
    Bỏ nhà, sống không nhà.
  2. Nếu bản tánh lắm mồm,
    Ưa làm hại như thú,
    Ðời sống ấy ác độc,
    Làm ngã tăng bụi trần.
  3. Tỷ-kheo ưa cãi nhau,
    Bị vô minh che đậy,
    Không biết pháp luật dạy,
    Pháp do Phật tuyên thuyết.
  4. Bị vô minh lãnh đạo,
    Hại bậc tu tập ngã,
    Không biết đường ô nhiễm,
    Ðưa đến cõi địa ngục.
  5. Vị Tỷ-kheo như vậy,
    Rơi vào chỗ đọa xứ,
    Ði đầu thai chỗ này,
    Ðến đầu thai chỗ khác,
    Ði từ tối tăm này,
    Ðến chỗ tối tăm khác.
    Vị ấy sau khi chết,
    Rơi vào chỗ khổ đau.
  6. Như hố phân đầy tràn,
    Sau nhiều năm chất chứa,
    Cũng vậy, kẻ uế nhiễm,
    Thật khó lòng gột sạch.
  7. Hỡi này các Tỷ-kheo,
    Hãy biết người như vậy,
    Hệ lụy với gia đình,
    Ác dục, ác tư duy,
    Ác uy nghi cử chi,
    Ác sở hành, hành xứ.
  8. Tất cả đều đồng tình,
    Tránh xa ngưòi như vậy,
    Hãy thổi nó như bụi,
    Hãy quăng nó như rác.
  9. Hãy đuổi kẻ nói nhiều,
    Kẻ Sa-môn giả hiệu,
    Sau khi đuổi ác dục,
    Ác uy nghi hành xứ.
  10. Hãy giữ mình trong sạch,
    Chung sống kẻ trong sạch,
    Sống thích đáng, chánh niệm,
    Rồi hòa hợp, sáng suốt,
    Hãy chấm dứt khổ đau.

(VII) Kinh Pháp Bà-la-môn (Sn 50)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nhiều Bà-la-môn đại phú ở Kosala già yếu, cao niên, trưởng lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã gần mãn cuộc đời, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, hiện nay còn có những Bà-la-môn nào được thấy là theo pháp Bà-la-môn của những Bà-la-môn thời xưa?

– Này các Bà-la-môn, hiện nay không còn thấy các Bà-la-môn theo pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa?

– Lành thay, Tôn giả Gotama hãy nói cho pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa. Nếu Tôn giả Gotama không thấy gì phiền phức.

– Vậy này các Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, Tôn giả.

Các Bà-la-môn đại phú ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

  1. Các ẩn sĩ thời xưa,
    Chế ngự, sống khắc khổ,
    Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
    Hành lý tưởng tự ngã.
  2. Phạm chí, không gia súc,
    Không vàng bạc lúa gạo,
    Học hỏi là tài sản,
    Họ che chở hộ trì,
    Kho tàng tối thượng ấy.
  3. Ðồ ăn được sửa soạn,
    Ðược đặt tại ngưỡng cửa,
    Với lòng tin, họ soạn
    Ðể cúng bậc Thánh cầu.
  4. Với vải mặc nhiều màu,
    Với giường nằm trú xứ,
    Từ quốc độ giàu có,
    Họ đảnh lễ Phạm chí.
  5. Không bị ai xâm phạm
    Là Phạm chí thời ấy,
    Không bị ai chiến hại,
    Họ được pháp che chở,
    Không ai ngăn chận họ,
    Tại ngưỡng cửa gia đình.
  6. Từ trẻ đến bốn tám,
    Các Phạm chí thời xưa,
    Họ sống hành Phạm hạnh,
    Tầm cầu minh và hạnh.
  7. Các vị Bà-la-môn,
    Không đến giai cấp khác,
    Không mua người làm vợ,
    Chung sống trong tình thương,
    Họ đi đến với nhau,
    Trong niềm hoan hỷ chung.
  8. Ngoại trừ thời gian ấy,
    Thời có thể thụ thai,
    Là người Bà-la-môn,
    Không đi đến giao cấu.
  9. Họ tán thán Phạm hạnh,
    Giới, học thức, nhu hòa,
    Khắc khổ và hòa nhã,
    Bất hại và nhẫn nhục.
  10. Vị tối thắng trong họ,
    Là Phạm thiên, nỗ lực,
    Vị ấy không giao hợp,
    Cho đến trong cơn mộng.
  11. Ở đời, bậc có trí,
    Học theo hạnh vị ấy,
    Họ tán thán Phạm hạnh,
    Giới đức và nhẫn nhục.
  12. Họ xin cơm, sàng tọa,
    Vải mặc, bơ và dầu,
    Thâu nhiếp thật đúng pháp,
    Họ tổ chức tế tự,
    Trong lễ tế tự ấy,
    Họ không giết bò cái.
  13. Như mẹ và như cha,
    Như anh, như bà con,
    Bò là bạn tối thượng,
    Từ chúng, sanh được vị.
  14. Bò cho ăn, cho sức,
    Cho dung sắc, cho lạc
    Biết được lợi ích này,
    Họ không giết hại bò.
  15. Họ đoan trang thân lớn,
    Có dung sắc, danh xưng,
    Bản tánh là nhiệt tình,
    Trong hành thiện dứt ác,
    Họ còn sống ở đời,
    Dân chúng hưởng an lạc.
  16. Giữa họ có đảo lộn,
    Họ thấy vật nhỏ nhen.
    Thấy huy hoàng nhà vua,
    Thấy trang sức phụ nữ.
  17. Các cỗ xe khéo làm,
    Thắng với ngựa thuần thục,
    Trang hoàng với tấm thảm,
    Nhiều sắc lại nhiều màu.
    Các trú xứ phòng ốc,
    Khéo chia, khéo ngăn cách.
  18. Ðàn bà mập vây quanh,
    Chúng người đẹp hầu hạ,
    Bà-la-môn tham đắm,
    Tài sản lớn của người.
  19. Ðọc các bài kệ tụng,
    Họ đến Okkàla,
    Ngài được tài sản lớn,
    Ngài được lúa gạo nhiều.
    Hãy thiết lập tế đàn,
    Vì tài sản ngài lớn,
    Hãy thiết lập tế đàn,
    Vì tiền bạc ngài lớn.
  20. Rồi vua, bậc lãnh tụ,
    Vương chủ các xa binh,
    Ðược các Bà-la-môn
    Nhiếp phục và cảm hóa,
    Tổ chức các tế đàn,
    Về ngựa và về người,
    Quăng con nêm, nước thánh,
    Với các cửa then cài.
    Lễ tế đàn này xong,
    Họ cho các Phạm chí,
    Rất nhiều loại tài sản.
  21. Bò, giường nằm, áo mặc,
    Nữ nhân trang sức đẹp,
    Các cỗ xe khéo làm,
    Thắng với ngựa thuần thục,
    Trang hoàng với tấm thảm,
    Nhiều sắc lại nhiều màu.
  22. Các trú xứ đẹp đẽ,
    Khéo chia, khéo ngăn cách,
    Ðầy các loại lúa gạo,
    Họ cho các Phạm chí,
    Rất nhiều là tài sản.
  23. Ở đây, được tài sản,
    Phạm chí thích cất chứa,
    Lòng dục chúng thỏa mãn,
    Khát ái càng tăng trưởng,
    Họ lại đọc kệ tụng,
    Họ đến Okkàka.
  24. Như nước, đất và vàng,
    Tài sản và lúa gạo,
    Cũng vậy là các bò,
    Ðối với các loài, người.
    Chúng là những vật dụng,
    Cần thiết cho hữu tình.
    Hãy thiết lập tế đàn,
    Vì tài sản ngài lớn,
    Hãy thiết lập tế đàn,
    Vì tiền bạc ngài lớn?
  25. Rồi vua, bậc lãnh tụ,
    Vương chủ các xa binh,
    Ðược các Bà-la-môn,
    Nhiếp phục và cảm hóa,
    Tổ chức các tế đàn,
    Trăm ngàn bò bị giết
  26. Không phải với bàn chân,
    Cũng không phải với sừng.
    Con bò hại một ai,
    Chúng được khéo nhiếp phục
    Như con dê, con cừu,
    Chúng cho nhiều ghè sữa,
    Tuy vậy, vua ra lệnh,
    Nắm sừng bắt lấy chúng,
    Giết chúng bằng dao gươm.
  27. Rồi chư Thiên, Tổ tiên,
    Ðế Thích, A-tu-la,
    Với các hàng Dạ-xoa,
    Ðồng thanh cùng la lớn,
    Như vậy là phi pháp,
    Khi gươm giết hại bò.
  28. Trước đã có ba bệnh,
    Dục, ăn không đủ già,
    Do giết hại muôn thú,
    Chúng lên đến chín tám.
  29. Trượng phạt phi pháp này,
    Từ xưa truyền đến nay,
    Vật vô tội bị giết,
    Còn người lễ tế đàn,
    Thối thất khỏi Chánh pháp,
  30. Vậy tùy pháp cổ này,
    Bị bậc trí khiển trách,
    Chỗ nào lễ tế đàn,
    Như vậy, được xem thấy,
    Quần chúng liền chỉ trích,
    Các vị lễ tế đàn.
  31. Như vậy, pháp bị hoại,
    Hạng Thủ-đà, Phệ-xá,
    Bị phân ly chia rẽ,
    Các hạng Sát-đế-lị
    Bị chia năm, chẻ bảy
    Còn vợ khinh rẽ chồng.
  32. Các Sát-lị hoàng tộc,
    Các bà con Phạm thiên,
    Cùng với hạng người khác,
    Ðược gia tộc che chở,
    Họ bỏ quên sanh chủng,
    Họ rơi vào các dục.

Khi nghe nói vậy, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn;

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, trình bày rõ những gì bị che kín chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối đễ những ai có mắt có thể nhìn thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama với nhiều pháp môn trình bày giải thích. Chúng con xin quy y Tôn giả Gotama quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.

(VIII) Kinh Chiếc Thuyền (Sn 55)

  1. Từ vị nào một người,
    Rõ biết được Chánh pháp,
    Hãy đảnh lễ vị ấy,
    Như chư Thiên, Inda,
    Vị ấy được đảnh lễ,
    Tâm tư sanh hoan hỷ,
    Nghe nhiều, học hỏi nhiều,
    Thuyết trình chơn diệu pháp.
  2. Vị sáng suốt chú tâm,
    Suy tư và quán sát
    Thực hành pháp tuỳ pháp,
    Trở thành vị hiểu biết,
    Thông minh và thận trọng,
    Không phóng dật, vị ấy,
    Theo gương vị như vậy.
  3. Ai phục vụ kẻ ngu,
    Ngu si, tâm bé nhỏ,
    Mục đích chưa đạt được,
    Lại ganh tị tật đố,
    Chính ở đây Chánh pháp,
    Không phát triển tu tập,
    Chưa vượt thoát nghi hoặc,
    Người ấy bị tử vong.
  4. Như người nhảy xuống sông,
    Dòng sông nước ngập tràn,
    Nước sông, nhớp đục ngầu,
    Dòng nước chảy nhanh mạnh
    Người ấy bị lôi cuốn,
    Theo dòng nước trôi đi,
    Làm sao nó có thể,
    Giúp người khác vượt dòng.
  5. Cũng vậy, với người nào,
    Pháp không được tu tập,
    Không quán sát ý nghĩa,
    Của những vị nghe nhiều,
    Tự mình không rõ biết,
    Nghi hoặc chưa vượt qua,
    Làm sao nó có thể,
    Giúp người khác thiền định.
  6. Như người được leo lên,
    Chiếc thuyền mạnh vững chắc,
    Ðược trang bị đầy đủ,
    Mái chèo và tay lái;
    Người như vậy ở đây,
    Giúp nhiều người ngược dòng,
    Rõ biết những phương tiện,
    Thiện xảo và sáng suốt.
  7. Như vậy, bậc sáng suốt,
    Luôn luôn tự tu tập,
    Bậc nghe nhiều hiểu nhiều,
    Không còn bị dao động,
    Vị ấy giúp đỡ được,
    Các người khác tu thiền,
    Làm khởi lên nguyên nhân,
    Tha thiết muốn nghe pháp.
  8. Do vậy, hãy thân cận,
    Bậc chân nhân hiền sĩ,
    Bậc sáng suốt, có trí,
    Bậc nghe nhiều học nhiều.
    Sau khi biết mục đích,
    Cố gắng khéo hành trì,
    Rõ biết được Chánh pháp,
    Vị ấy được an lạc.

(IX) Kinh Thế Nào là Giới (Sn 56)

  1. Thế nào là giới đức?
    Thế nào là chánh hạnh?
    Cần phải làm tăng trưởng.
    Thân khẩu ý nghiệp nào?
    Ðể người chánh nhập cuộc,
    Ðạt được đích tối thượng?
  2. Kính lễ bậc trưởng thượng,
    Không ganh tị một ai,
    Cần phải biết thời gian,
    Ðể yết kiến Ðạo sư,
    Biết được đúng thời khắc,
    Thuyết pháp bắt đầu giảng,
    Hãy cẩn thận lắng nghe,
    Lời giảng được khéo nói.
  3. Hãy đi đến đúng thời,
    Trước mặt vị Ðạo Sư,
    Từ bỏ tánh cứng đầu,
    Với thái độ khiêm tốn,
    Hãy nhớ nghĩ ức niệm,
    Hãy chơn chánh hành trì,
    Mục đích và Chánh pháp,
    Chế ngự và Phạm hạnh
  4. Vui thích trong Chánh Pháp
    Hoan hỷ trong Chánh Pháp,
    An trú trên Chánh pháp,
    Biết phân tích Chánh pháp,
    Sở hành không làm gì,
    Có lời uế nhiễm pháp,
    Chịu hướng dẫn lãnh đạo,
    Lời trung thực khéo nói.
  5. Bỏ cười đùa, lắm miệng,
    Khóc than và sân hận,
    Làm những điều man trá,
    Lừa đảo, tham, kiêu mạn,
    Bồng bột và bạo ngôn,
    Cứng rắn và đam mê,
    Sống từ bỏ tất cả,
    Ly say đắm, kiên trì.
  6. Thức tri được cốt lõi,
    Những lời đươc khéo nói,
    Ðươc nghe khéo thức tri,
    Cốt lõi của thiền định,
    Với con người hấp tấp,
    Lại phóng dật buông lung,
    Trí tuệ, đều được nghe,
    Không có thể tăng trưởng.
  7. An vui thích Chánh pháp,
    Do bậc Thánh tuyên thuyết,
    Họ trở thành vô thượng,
    Về lời ý và nghiệp,
    Họ an tịnh nhu hòa,
    An trú trên thiền định,
    Chứng đạt được cốt lõi,
    Pháp được nghe, trí tuệ.

(X) Kinh Ðứng Dậy (Sn 57)

  1. Hãy đứng dậy, ngồi dậy,
    Với người mộng ích gì?
    Kẻ bệnh ngủ làm gì?
    Khi mũi tên phiền lụy.
  2. Hãy đứng dậy, ngồi dậy,
    Hãy kiên trì học tập,
    Ðạt cho được an tịnh,
    Ðừng để cho thần chết,
    Biết Ông là phóng dật,
    Mê hoặc, chinh phục Ông.
  3. Chư Thiên và loài Người,
    Sống y chỉ tầm cầu,
    Hãy vượt ái dục này,
    Chớ để thời khắc qua,
    Khi thời khắc đã qua,
    Bị sầu khổ địa ngụ.
  4. Phóng dật là bụi nhơ,
    Bụi do phóng dật khởi,
    Với minh, không phóng dật,
    Tự mình rút mũi tên

(XI) Kinh Ràhula (Sn 58)

Thế Tôn:

  1. Thường chung sống người hiền,
    Thầy có khinh miệt không?
    Người cầm đuốc loài Người,
    Ðược thầy tôn trọng không?

Ràhula:

  1. Thường chung sống người hiền,
    Con không có khinh miệt.
    Người cầm đuốc loài Người,
    Thường được con tôn trọng.

Thế Tôn:

  1. Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
    Khả ái và đẹp ý,
    Với lòng tin xuất gia,
    Hãy trở thành con người,
    Làm chấm dứt khổ đau.
  2. Thân cận với bạn lành,
    Sống trú xứ xa vắng,
    Viễn ly không ồn ào,
    Hãy tiết độ ăn uống
  3. Y áo, đồ khất thực,
    Vật dụng và sàng tọa,
    Chớ có tham ái chúng,
    Chớ trở lui đời này.
  4. Chế ngự trong giới bổn,
    Phòng hộ trong năm căn,
    Hãy tu tập niệm thân,
    Sống với nhiều nhàm chán.
  5. Hãy từ bỏ tịnh tướng,
    Hệ lụy với tham ái,
    Tu tập tâm bất tịnh,
    Nhất tâm, khéo định tĩnh.
  6. Hãy tu tập vô tướng,
    Bỏ đi, mạn tùy miên,
    Do nhiếp phục kiêu mạn,
    Ngươi sẽ sống an tịnh.

Như vậy, Thế Tôn thường giáo giới Tôn giả Ràhula với những bài kệ này.

(XII) Kinh Vangìsa (Sn 59)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế tôn sống ờ Alavi, tại điện Aggàlava. Lúc bấy giờ, giáo sư thọ sư của Tôn giả Vangìsa, tên là Nigrodhakappa tại điện Aggalava, mệnh chung không bao lâu. Rồi Tôn giả Vangìsa, trong khi thiền định độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Không biết bậc giáo thọ sư của ta có hoàn toàn nhập Niết-bàn hay không hoàn toàn nhập Niết-bàn?”. Rồi Tôn giả Vangìsa vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Vangìsa bạch Thế Tôn:

– Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, con khởi lên tư tưởng như sau: “Không biết bậc giáo thọ sư của con có hoàn toàn nhập Niết Bàn hay không, hoàn toàn nhập Niết-bàn?”

Rồi Tôn giả Vangìsa, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay vái chào Thế Tôn và với bài kệ, nói lên với Thế Tôn:

Vangìsa:

  1. Con hỏi bậc Ðạo Sư,
    Bậc trí tuệ tối thượng,
    Ai chặt đứt nghi hoặc,
    Ngay trong đời hiện tại?
    Tại Aggàlava,
    Tỷ-kheo đã mệnh chung,
    Có danh vọng danh xưng,
    Nhập Niết bàn tịch tịnh.
  2. Nigrodhakappa,
    Chính là tên vị ấy,
    Chính Thế Tôn đặt tên,
    Cho vị Phạm chí ấy,
    Vị ấy đảnh lễ Ngài,
    Sống tầm cầu giải thoát,
    Tinh cần và tinh tấn,
    Kiên cố thấy Chánh Pháp.
  3. Bạch Thích Ca, chúng con
    Ðệ tử Ngài, tất cả
    Chúng con đều muốn biết
    Bậc Pháp nhãn biến tri,
    An trú tại chúng con,
    Sẵn sàng để được nghe,
    Ngài Ðạo sư chúng con,
    Ngài là bậc Vô thượng.
  4. Hãy đoạn nghi chúng con,
    Cho con biết vị ấy,
    Ðã được tịch tịnh chưa
    Bậc trí tuệ rộng lớn,
    Hãy nói giữa chúng con,
    Bậc có mặt cùng khắp,
    Như Thiên chủ Ðế Thích,
    Lãnh đạo ngàn chư Thiên.
  5. Phàm những cột gút gì,
    Ở đây, đường si ám,
    Dự phần với vô trí,
    Trú xứ cho nghi hoặc;
    Gặp được đức Như Lai,
    Họ đều không còn nữa.
    Mắt này mắt tối thắng,
    Giữa cặp mắt loài Người.
  6. Nếu không có người nào,
    Ðoạn trừ các phiền não,
    Như gió thổi tiêu tan
    Các tầng mây dưới thấp,
    Màn đen tức bao trùm,
    Tất cả toàn thế giới,
    Những bậc có hào quang,
    Không có thể chói sáng.
  7. Bậc trí là những vị
    Tạo ra những ánh sáng,
    Con xem Ngài như vậy.
    Ôi! Bậc trí sáng suốt,
    Chúng con đều cùng đến,
    Bậc tu hành thiền quán,
    Giữa hội chúng, chúng con,
    Hãy nói về Kappa!
  8. Hãy gấp phát tiếng lên,
    Tiếng âm thanh vi diệu,
    Như con chim thiên nga,
    Giương cổ lên để hót,
    Phát âm từng tiếng một,
    Với giọng khéo ngân nga,
    Tất cả bạn chúng con,
    Trực tâm nghe lời Ngài.
  9. Vị đoạn tận sanh tử,
    Không còn chút dư tàn,
    Vị tẩy sạch phiền não,
    Con cầu Ngài thuyết pháp,
    Kẻ phàm phu không thể
    Làm theo điều nó muốn.
    Bậc Như Lai làm được,
    Ðiều được ước định làm,
  10. Câu trả lời của Ngài
    Thật đầy đủ trọn vẹn,
    Ðược chơn chánh nắm giữ,
    Bậc chánh trực trí tuệ.
    Ðây chắp tay cuối cùng,
    Con khéo vái chào Ngài,
    Chớ làm con si ám,
    Bậc trí tuệ tối cao.
  11. Sau khi đã được biết
    Thánh pháp thượng và hạ,
    Chớ làm con si ám,
    Bậc tinh tấn tối cao,
    Như vào giữa mùa hè,
    Nóng bức khát khao nước,
    Chúng con ngóng trông lời,
    Hãy mưa sự hiểu biết.
  12. Kappa, sống Phạm hạnh,
    Nếp sống có mục đích,
    Phải chăng sống như vậy
    Là sống không uổng phí?
    Vị ấy chứng tịch tịnh,
    Hay còn dư tàn lại,
    Ðược giải thoát thế nào,
    Hãy nói chúng con nghe!

Thế Tôn:

  1. Vị ấy trên danh sắc,
    Ðã đoạn tận tham ái,
    Thế Tôn ở nơi đây
    Ðã trả lời như vậy,
    Vượt qua được già chết,
    Không còn có dư tàn,
    Thế Tôn nói như vậy,
    Bậc tối thắng thứ năm.

Vangìsa:

  1. Nghe vậy, con tịnh tín,
    Với lời nói của Ngài,
    Bậc ẩn sĩ thứ bảy?
    Và lời hỏi của con.
    Không phải là vô ích!
    Và vị Bà-la-môn
    Không có lừa dối con.
  2. Nói gì thời làm vậy,
    Thật xứng đệ tử Phật,
    Chặt đứt lưới rộng chắc
    Của thần chết xảo quyệt.
  3. Ôi! Thế Tôn, Kappa
    Thấy căn nguyên chấp thủ,
    Thật sự đã vượt qua
    Thế lực của Ma vương,
    Thế lực thật khó vượt.

(XIII) Kinh Chánh xuất gia (Sn 63)

Người hỏi:

  1. Tôi hỏi bậc ẩn sĩ,
    Có trí tuệ rộng lớn,
    Ðã vượt qua bờ kia,
    Tịch tịnh, tự an trú.
    Làm sao một Tỷ-kheo,
    Bỏ nhà, bỏ các dục,
    Lại có thể chơn chánh
    Du hành ở trên đời?

Thế Tôn:

  1. Ai nhổ lên điềm lành,
    Như vậy, Thế Tôn đáp
    Các sao băng mộng mị,
    Và các tướng lành dữ,
    Vị ấy đoạn trừ được,
    Các lỗi lầm điềm lành;
    Tỷ kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  2. Tỷ-kheo nhiếp phục tham,
    Ðối với các dục vọng,
    Tại thiên giới, nhân giới,
    Vượt hữu, chứng tri pháp;
    Tỷ kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  3. Tỷ kheo bỏ hai lưỡi,
    Bỏ phẩn nộ, xan tham,
    Với tùy thuộc chống đối,
    Ðoạn tận thật hoàn toàn,
    Tỷ kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  4. Sau khi đã từ bỏ,
    Cả ái và phi ái,
    Không chấp thủ một ai,
    Không y chỉ chỗ nào,
    Giải thoát được hoàn toàn
    Các kiết sử trói buộc,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  5. Ai không tìm lõi cây,
    Ðối với các sanh y,
    Có thể nhiếp phục tham,
    Ðối với các chấp thủ,
    Vị ấy không y chỉ,
    Không để ai dắt dẫn,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  6. Với lời và với ý,
    Và với cả nghiệp làm,
    Không chống đối một ai,
    Chơn chánh biết diệu pháp,
    Thường cố gắng hướng đến,
    Ðường Niết bàn tịch tịnh,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  7. Tỷ-kheo không tự cao,
    Khi người đảnh lễ mình,
    Dầu có bị nhiếc mắng,
    Không khởi tâm tức tối,
    Ðược đồ ăn của người,
    Không có sự tham đắm,
    Tỷ kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  8. Tỷ-kheo sau khi đoạn,
    Tham dục và sanh hữu,
    Từ bỏ, không làm hại,
    Không trói buộc một ai,
    Vị ấy vượt nghi hoặc,
    Ðã rút ra mũi tên,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  9. Tỷ-kheo sau khi biết,
    Ðiều thích đáng cho mình,
    Không làm hại một ai,
    Có mặt ở trên đời,
    Sau khi đã biết pháp
    Như thật, như thế nào,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  10. Với ai, các tuỳ miên,
    Không còn có tồn tại,
    Và cội gốc bất thiện,
    Ðược nhổ lên tận trừ,
    Vị ấy không tham dục,
    Không có hy cầu gì.
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  11. Ai đoạn tận lậu hoặc,
    Ðoạn trừ cả kiêu mạn,
    Mọi con đường tham dục,
    Ðược chế ngự nhiếp phục,
    Ðược nhiếp phục tịch tịnh,
    Tự ngã được an lập,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  12. Có lòng tin, nghe pháp,
    Thấy được quyết định tánh,
    Bậc hiền không phe phái,
    Giữa rất nhiều phe phái,
    Có thể nhiếp phục được,
    Tham, sân và hận thù,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  13. Thanh tịnh và chiến thắng,
    Kéo lên màn che kín,
    Tự tại trong các pháp,
    Ðến bờ kia, bất động,
    Ðoạn diệt các sở hành,
    Thiện xảo trong chánh trí,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  14. Trong những thời quá khứ,
    Trong những thời vị lai,
    Vượt qua các chủ thuyết,
    Trí tuệ thật thanh tịnh,
    Với tất cả mọi xứ,
    Ðược hoàn toàn giải thoát.
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.
  15. Rõ biết được Pháp cú,
    Chứng tri được Chánh pháp,
    Thấy được sự mở rộng,
    Ðoạn tận các lậu hoặc,
    Ðối tất cả sanh y,
    Ðược trừ diệt hoàn toàn,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.

Người hỏi:

  1. Bạch Thế Tôn, chắc chắn,
    Thực sự là như vậy,
    Tỷ-kheo được chế ngự,
    Ðã an trú như vậy,
    Ðã nhiếp phục hoàn toàn,
    Tất cả các kiết sử,
    Tỷ-kheo ấy chơn chánh
    Du hành ở trên đời.

(XIV) Kinh Dhammika (Sn 66)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nam cư sĩ Dhammika đi đến Thế Tôn với năm trăm nam cư sĩ, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Dhammika nói lên những bài kệ với Thế Tôn:

Dhammika:

  1. Kính thưa Gotama,
    Bậc trí tuệ rộng lớn,
    Con xin kính hỏi Ngài,
    Vấn đề đặc biệt này:
    Với vị đệ tử Ngài,
    Làm thế nào là thiện?
    Nếu là vị xuất gia,
    Bỏ nhà, sống không nhà,
    Hay là vị có nhà,
    Sống đời nam cư sĩ?
  2. Ngài rõ biết đường đi,
    Cùng mục đích tối hậu,
    Của Thế Tôn đời này,
    Và thế giới chư Thiên.
    Không ai so sánh Ngài,
    Bậc thấy nghĩa thù diệu,
    Chính Ngài được tôn xưng,
    Là đức Phật thù thắng.
  3. Ngài biết tất cả trí,
    Ngài trình bày Chánh pháp,
    Vì lòng thương, từ mẫn,
    Ðối với mọi chúng sanh,
    Ngài mở rộng bức màn,
    Bậc có mắt mọi nơi
    Không cấu uế, thanh tịnh,
    Ngài chói toàn thế giới.
  4. Vị vua loài Nàgà
    Tên Eràvano,
    Ðã đến gần bên Ngài,
    Ðược nghe: Ngài chiến thắng.
    Vị ấy tìm đến Ngài,
    Ðể nghe lời khuyên nhủ,
    Sau khi nghe, thích thú
    Nói lên lời: Lành thay!.
  5. Vua Vessavana,
    Kuvera đến Ngài,
    Tìm hiểu hỏi han Ngài
    Về vấn đề diệu pháp,
    Ðược hỏi, ôi bậc trí,
    Hãy nói lên cho vua!
    Sau khi nghe, vị ấy,
    Cũng thích thú, ưa thích.
  6. Các bậc ngoại đạo này
    Ưa luận tranh khẩu chiến,
    Các tà mạng ngoại đạo,
    Hay các Ni-kiền Tử,
    Tất cả không vượt qua,
    Hơn thắng trí của Ngài,
    Như người đang đứng lại,
    Không thắng kẻ đi mau.
  7. Các Bà-la-môn này,
    Ưa luận tranh khẩu chiến,
    Có những bậc Phạm-chí,
    Ðã đến tuổi trưởng thượng,
    Tất cả đều trói buộc,
    Bởi tư tưởng của Ngài,
    Kể cả những hạng người,
    Tự phụ nói khoe khoang.
  8. Pháp này là tế nhị,
    Ðem lại nguồn an lạc,
    Ðã được bậc Thế Tôn
    Khéo nói, khéo thuyết giảng,
    Tất cả mọi hạng người,
    Ðều thích thú ưa nghe,
    Ðược hỏi, hãy nói lên,
    Ôi đức Phật tối thượng.
  9. Các vị Tỷ-kheo này,
    Ðang ngồi đây tất cả,
    Kể cả nam cư sĩ,
    Tất cả đều chờ nghe,
    Hãy để họ nghe pháp,
    Bậc Vô uế Giác ngộ,
    Như chư Thiên nghe lời,
    Vàsava khéo nói!

Thế Tôn:

  1. Tỷ-kheo, hãy nghe Ta,
    Ta khiến các Thầy nghe,
    Pháp đoạn trừ điều ác,
    Tất cả hãy trọ trì,
    Với ai thấy ý nghĩa,
    Nghĩ ngợi có suy tư,
    Hãy sống theo chánh hạnh,
    Thích hợp với xuất gia.
  2. Tỷ-kheo chớ ra ngoài,
    Trong thời gian phi thời,
    Hãy vào làng khất thực,
    Ðúng thời, thì hãy đi,
    Ai đi đứng phi thời,
    Bị bẫy sập trói buộc.
    Do vậy các đức Phật,
    Không có đi phi thời.
  3. Các sắc và các tiếng,
    Các vị, hương và xúc,
    Chính những loại pháp ấy
    Làm mê hoặc chúng sanh.
    Hãy nhiếp phục, lòng dục,
    Ðối với các pháp ấy,
    Hãy vào cho đúng thời,
    Ðể dùng buổi ăn sáng.
  4. Tỷ-kheo được đúng thời,
    Các đồ ăn khất thực,
    Hãy đi về một mình,
    Ngồi tại chỗ an tịnh,
    Suy tư hướng nội tâm,
    Ý không chạy ra ngoài,
    Làm cho thoát ra khỏi,
    Mọi chấp thủ tự ngã.
  5. Nếu vị ấy có nói,
    Với một vị đệ tử,
    Hay nói với một vị
    Một Tỷ-kheo nào khác,
    Hãy nói cho vị ấy,
    Sự thù diệu Chánh pháp,
    Không có nói hai lưỡi,
    Không bài xích một ai,
  6. Nhưng có những hạng người,
    Dùng khẩu chiến bằng lời,
    Những hạng người tuệ nhỏ,
    Chúng ta không tán thán,
    Triền phược trói buộc họ,
    Từ chỗ này chỗ kia,
    Ở đây họ dẫn tâm,
    Ðưa tâm đi quá xa.
  7. Ðồ khất thực, tinh xá,
    Cùng sàng tọa trú xứ,
    Nước để trừ bụi nhớp,
    Y áo Tăng-già-lê,
    Sau khi nghe Chánh pháp,
    Do Thiện Thệ thuyết giảng,
    Bậc đệ tử thắng tuệ,
    Quán sát, hãy dùng chúng.
  8. Do vậy đồ khất thực,
    Sàng tọa và trú xứ,
    Nước để trừ bụi nhớp,
    Y áo Tăng-già-lê,
    Ðối với những pháp ấy,
    Ðừng để cho dính nhiễm.
    Tỷ-kheo như giọt nước,
    Không dính trên lá sen.
  9. Trách nhiệm của gia chủ,
    Ta cũng nói các Ông,
    Làm theo đúng như vậy,
    Ðệ tử là tốt lành.
    Pháp Tỷ-kheo toàn diện,
    Khó thành tựu đầy đủ,
    Vì là người gia chủ,
    Phải làm nhiều việc đời.
  10. Chớ giết loài hữu tình,
    Chớ bảo người giết hại,
    Hay chấp nhận kẻ khác,
    Giết hại các người khác,
    Ðối với mọi sanh loại,
    Từ bỏ các hình phạt,
    Ðối với kẻ mạnh bạo,
    Như đối kẻ run sợ.
  11. Rồi hãy quyết từ bỏ,
    Lấy của không được cho,
    Ðệ tử khéo sáng suốt,
    Vật gì, vật của ai,
    Chớ khiến người khác lấy,
    Chớ chấp nhận lấy trộm.
    Hãy từ bỏ, chấm dứt,
    Mọi của cải không cho.
  12. Hãy từ bỏ, tránh xa
    Ðời sống phi Phạm hạnh,
    Như bậc trí tránh né,
    Lửa cháy hố than hừng.
    Nếu tự mình bất lực,
    Không thể sống Phạm hạnh,
    Thời chớ có xâm phạm
    Vợ của các người khác.
  13. Khi đi đến hội chúng,
    Hay đi đến đoàn chúng,
    Hay một mình một người,
    Chớ nói lời nói láo,
    Chớ khiến người nói láo,
    Chớ chấp nhận nói láo,
    Tất cả điều không thật,
    Hãy tránh xa từ bỏ.
  14. Chớ sống theo nếp sống,
    Uống rượu và say rượu,
    Với vị là cư sĩ,
    Ðã chấp nhận pháp này,
    Chớ khiến nguời uống rượu,
    Chớ chấp thuận uống rượu
    Sau khi biết uống rượu,
    Cuối đường là điên cuồng.
  15. Chỉ kẻ ngu say rượu,
    Mới làm các điều ác,
    Và khiến các người khác,
    Sống buông lung phóng dật,
    Hãy từ bỏ, tránh xa
    Xứ phi công đức này,
    Khiến điên cuồng si mê,
    Làm kẻ ngu thỏa thích.
  16. Chớ có giết hữu tình,
    Chớ lấy của không cho,
    Chớ nói láo không thật,
    Chớ uống rượu say mê,
    Từ bỏ phi Phạm hạnh,
    Không hành trì dâm dục
    Không có ăn ban đêm,
    Không ăn lúc phi thời.
  17. Chớ mang các vòng hoa,
    Chớ dùng các nước thơm,
    Hãy nằm trên mặt đất,
    Trên thảm chiếu trải dài,
    Tám hạnh này được gọi
    Là hạnh ngày trai giới,
    Do đức Phật giảng dạy,
    Ðể chấm dứt khổ đau.
  18. Từ nay ngày trai giới,
    Chia nửa tháng hai phần,
    Ngày mười bốn, mười lăm,
    Hay ngày tám mỗi tháng,
    Với tâm ý hoan hỷ,
    Thực hành thần thông pháp
    Gồm có đủ tám phần,
    Khéo đầy đủ vẹn toàn.
  19. Do vậy, vào buổi sáng,
    Thực hành ngày trai giới,
    Bậc có trí sáng suốt,
    Với tâm tư tín thành,
    Với tâm ý tùy hỷ,
    Cúng dường Tỷ-kheo Tăng,
    Với món ăn đồ uống,
    Hợp với khả năng mình.
  20. Hãy nuôi dưỡng mẹ cha,
    Hợp pháp và đúng pháp,
    Và cũng đúng với pháp,
    Hãy làm nghề buôn bán,
    Người gia chủ như vậy,
    Sở hành không phóng dật,
    Ðược sanh làm Thiên nhân,
    Tên là: “Tự chói sáng”.

Chương Ba – Ðại Phẩm

(I) Kinh Xuất Gia (Sn 72)

Ananda:

  1. Xuất gia, tôi tán thán,
    Như Pháp nhãn xuất gia,
    Sau khi Ngài quán sát,
    Chấp thuận hạnh xuất gia.

406.Trói buộc, sống gia đình,
Tụ hội mọi bụi đời,
Phóng khoáng, đời xuất gia,
Thấy vậy nên xuất gia.

  1. Sau khi Ngài xuất gia,
    Thân ác nghiệp Ngài tránh,
    Từ bỏ lời nói ác,
    Mạng sống Ngài thanh tịnh.
  2. Phật đi đến Vương Xá,
    Ðến chỗ núi bao vây,
    Tại nước Ma-kiệt-đà,
    Ngài sống hạnh khất sĩ,
    Mang theo thật đầy đủ,
    Các tướng tốt quang minh.
  3. Bình Sa vương thấy Ngài,
    Ðứng trên sân lầu thượng,
    Thấy đầy đủ tướng tốt,
    Bèn nói lên lời này:
  4. Các Ông hãy chăm sóc
    Người đẹp, lớn, thanh tịnh,
    Thành tựu với hạnh đức,
    Chỉ nhìn vừa một tầm.
  5. Mắt nhìn xuống, chánh niệm,
    Gia đình không hạ tiện,
    Hãy cho sứ giả theo,
    Tỷ-kheo sẽ đi đâu?
  6. Ðược sai, sứ giả ấy
    Ði theo sau lưng Ngài,
    Tỷ-kheo sẽ đi đâu?
    Trú xứ sẽ chỗ nào?
  7. Khất thực, từng nhà một,
    Căn hộ trì chế ngự,
    Bình bát được mau đầy,
    Tỉnh giác và chánh niệm.
  8. Sau khi đi khất thực,
    Ẩn sĩ ra khỏi thành,
    Leo lên Pandava,
    Sẽ trú xứ tại đấy.
  9. Thấy vị ấy đến chỗ,
    Các sứ giả ngồi chờ,
    Còn một vị đi về,
    Kể lại chuyện vua hay.
  10. Ðại vương, Tỷ-kheo ấy,
    Phía đông Pandava,
    Ngồi như cọp, bò chúa,
    Như sư tử trong hang.
  11. Nghe sứ giả, đức vua
    Với cỗ xe thù thắng,
    Vội vàng ra khỏi thành,
    Ði đến Pandava.
  12. Ði được, vua đi xe,
    Rồi xuống xe đi bộ,
    Ðức vua tiến lại gần,
    Và vào chỗ Ngài ở.
  13. Ngồi xuống, vua nói lên
    Lời hỏi thăm chào đón,
    Lời lẽ chào đón xong,
    Vua nói lên nghĩa này.
  14. Người thanh niên tuổi trẻ,
    Ngây thơ, bước vào đời,
    Ðẹp cao được đầy đủ,
    Thiện sanh dòng Sát-ly.
  15. Trang hoàng binh đội ngũ,
    Trước mắt cả binh đoàn,
    Tài sản ta cho Người,
    Hãy hưởng và trả lời
    Về vấn đề thọ sanh.

Thế Tôn:

  1. Trên sườn núi Tuyết sơn,
    Sống dân tộc đoạn trực,
    Tài sản nghị lực đủ,
    Ở xứ Kosala.
  2. Dòng họ thuộc mặt trời,
    Sanh tộc là Thích-ca,
    Từ bỏ gia tộc ấy,
    Thưa vua, Ta xuất gia,
    Ta không có tha thiết,
    Ðối với các loại dục.
  3. Thấy nguy hiểm trong dục,
    Bỏ chúng, là an ổn,
    Ta sẽ đi, tinh tấn,
    Ý Ta, được hoan hỷ.

(II) Kinh Tinh Cần (Sn 74)

Thế Tôn:

  1. Bên sông Ni-liên-thuyền,
    Ta tinh cần tinh tấn,
    Cố gắng, Ta thiền định,
    Ðạt an ổn khổ ách.
  2. Ác ma đến gần Ta,
    Nói lên lời từ mẫn,
    Ông ốm không dung sắc,
    Ông đã gần chết rồi.
  3. Cả ngàn phần, Ông chết,
    Chỉ một phần còn sống,
    Hãy sống, sống tốt hơn,
    Sẽ làm các công đức.
  4. Như Ông sống Phạm hạnh,
    Hãy đốt lửa tế tự,
    Hãy chất chứa công đức,
    Ông tinh tấn làm gì?
  5. Khó thay, đường tinh tấn,
    Khó làm, khó đạt được.
    Ác ma đứng gần Phật,
    Nói lên những kệ này.
  6. Thế Tôn đã đáp lại
    Lời Ác ma như sau:
    Bà con ác phóng dật,
    Ngươi đến đây làm gì?
  7. Với công đức nhỏ bé,
    Ta đâu có cần đến?
    Với ai cần công đức,
    Ác ma đáng nói chúng.
  8. Ðây có tín, tinh tấn,
    Và Ta có trí tuệ,
    Như vậy, Ta tinh tấn,
    Sao Ngươi hỏi Ta sống?
  9. Gió này làm khô cạn,
    Cho đến các dòng sông,
    Làm sao khô cạn máu,
    Khi Ta sống tinh tấn?
  10. Dầu máu có khô cạn,
    Mật, đàm Ta khô cạn,
    Dầu thịt có hủy hoại,
    Tâm Ta càng tịnh tín,
    Ta lại càng vững trú,
    Niệm, tuệ và thiền định.
  11. Do Ta sống như vậy,
    Ðạt được thọ tối thượng,
    Tâm không cầu các dục,
    Nhìn chúng sanh thanh tịnh.
  12. Dục, đội quân thứ nhất.
    Thứ hai, gọi bất lạc,
    Thứ ba, đói và khát,
    Thứ tư, gọi tham ái.
  13. Năm, hôn trầm thụy miên,
    Thứ sáu, gọi sợ hãi,
    Thứ bảy, gọi nghi ngờ,
    Tám, dèm pha ngoan cố.
  14. Lợi, danh và cung kính,
    Danh vọng được tà vạy,
    Ai tự đề cao mình,
    Hủy báng các người khác.
  15. Ôi, này Na-mu-ci,
    Ðây là quân đội Ngươi,
    Ðây quân đội chiến trận,
    Của dòng họ Kanhà,
    Kẻ nhát, không thắng Ngươi,
    Ai thắng Ngươi, được lạc.
  16. Ta mang cỏ munja,
    Vững thay, đây đời sống,
    Thà Ta chết chiến trận,
    Tốt hơn, sống thất bại.
  17. Bị thấy đắm ở đây,
    Số Sa-môn, Phạm chí,
    Không biết được con đường,
    Bậc giới đức thường đi.
  18. Thấy khắp quân đội dàn,
    Ác ma trên lưng voi,
    Ta bước vào chiến trận,
    Không để ai chiếm đoạt.
  19. Ðội ngũ quân nhà Ngươi,
    Ðời này và chư Thiên,
    Không một ai thắng nổi,
    Ta đến Ngươi với tuệ,
    Như hòn đá dập nát,
    Chiếc bát chưa nung chín.
  20. Nhiếp phục được tâm tư,
    Khéo an trú chánh niệm,
    Ta sẽ đi bộ hành,
    Nước này qua nước khác,
    Ðể huấn luyện rộng rãi,
    Cho những người đệ tử.
  21. Không phóng dật, tinh cần,
    Họ hành lời Ta dạy,
    Dầu Ngươi không muốn vậy,
    Họ vẫn sẽ đi tới,
    Chỗ nào họ đi tới,
    Chỗ ấy không sầu muộn.

Ác-ma:

  1. Bảy năm, ta bước theo,
    Chân theo chân Thế Tôn,
    Không tìm được lỗi lầm,
    Nơi Thế Tôn chánh niệm.
  2. Như quạ bay xung quanh,
    Hòn đá như đống mỡ,
    Có thể có gì mềm?
    Có thể có gì ngọt?
  3. Không tìm được gì ngọt,
    Quạ từ đó bay đi,
    Như quạ mổ hòn đá,
    Ta bỏ Gotama.
  4. Bị sầu muộn chi phối,
    Cây đàn rơi khỏi nách,
    Kẻ Dạ-xoa ác ý,
    Tại đấy liền biến mất.

(III) Kinh Khéo Thuyết (Sn 78)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana… Thế Tôn nói như sau:

– Thành tựu bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, lời nói được khéo nói, không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chỉ nói lời khéo nói, không nói lời vụng nói; chỉ nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; chỉ nói lời khả ái, không nói lời phi khả ái; chỉ nói lời đúng sự thật, không nói lời không đúng sự thật. Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, lời nói là được khéo nói không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách.

Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong bậc Ðạo Sư lại nói thêm như sau:

  1. Bậc Thiện nhân nói lên,
    Lời khéo nói tối thượng,
    Thứ hai, nói đúng pháp,
    Thứ ba, nói khả ái
    Không nói phi khả ái,
    Thứ tư, nói chân thật
    Không nói không chân thật.

Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Ý nghĩ này đến với con, bạch Thiện Thệ.

– Hãy nói lên ý kiến ấy, này Vangìsa!.

Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên lời tán thán với những bài kệ thích ứng:

Vangìsa:

  1. Hãy nói lên lời nói,
    Không thiêu đốt tự ngã,
    Không làm hại người khác,
    Lời nói ấy khéo nói.
  2. Hãy nói lời khả ái,
    Nói lời khiến hoan hỷ,
    Không mang theo ác hại,
    Khiến người khác ưa thích.
  3. Chân thật, lời bất tử,
    Ðây thường pháp là vậy,
    Họ nói, bậc Thiện nhân,
    An trú trên chân thật,
    Trên mục đích, trên pháp.
  4. Lời gì đức Phật nói,
    An ổn, đạt Niết-bàn,
    Ðoạn tận các khổ đau,
    Ðấy lời nói tối thượng.

(IV) Kinh Sundarika Bhàradvàja (Sn 80)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở phía dân chúng Kosala, trên bờ sông Sundarikà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja đốt lửa thiêng trên bờ sông Sundarikà và đang cử hành các tế lễ lửa. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradavàja, sau khi đốt lửa thiêng, sau khi cử hành các lễ tế lửa, từ chỗ ngồi đứng dậy và ngó xung quanh bốn phương nghĩ rằng: “Ai có thể ăn đồ ăn còn lại của lễ tế tự này?”.

Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, không bao xa, đầu che trùm lại; thấy vậy, tay trái cầm đồ tế tự còn lại, tay mặt cầm cái bình nước, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja liền mở đầu ra. Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja nghĩ rằng: “Ðầu trọc là vị này. Một kẻ đầu trọc là vị này”, và muốn đi trở lại. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja suy nghĩ: “Ở đây, cũng có một số Bà-la-môn trọc đầu. Vậy ta hãy đi đến vị này và hỏi về thọ sanh”. Rồi Bà-la-môn Sundaikabhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn:

– Thọ sanh của Tôn giả là thế nào?

Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja những bài kệ:

Thế Tôn:

  1. Ta không phải Phạm chí,
    Cũng không phải con vua,
    Cũng không phải buôn bán,
    Không phải là ai hết,
    Do liễu tri giai cấp,
    Của các hàng phàm phu,
    Ta kẻ trí ở đời,
    Bộ hành, không sở hữu.
  2. Mang áo Tăng-già-lê,
    Ta sống, không gia đình,
    Với tóc được cạo sạch,
    Tự ngã được an tịnh,
    Ở đời Ta không nhiễm,
    Với các thiếu niên nào,
    Không xứng đáng, Ông hỏi,
    Hỏi Ta về thọ sanh.

Bà-la-môn:

  1. Thật sự, thưa Tôn giả,
    Các vị Bà-la-môn
    Thường hỏi Bà-la-môn,
    Có phải người Phạm chí?

Thế Tôn:

Nếu Ông nói lên rằng:
Ông là Bà-la-môn,
Và nếu Ông hỏi Ta
Không phải Bà-la-môn,
Vậy Ta sẽ hỏi Ông
Về Sàvitti này,
Gồm có mười hai câu,
Và hai mươi bốn chữ.

Bà-la-môn:

  1. Do y tựa vào gì,
    Các ẩn sĩ, loài Người,
    Sát-đế-lị Phạm chí,
    Ðã tổ chức tế đàn,
    Cho các hàng chư Thiên,
    Rộng rãi trong đời này?

Thế Tôn:

Vị nào đạt cứu cánh,
Vị nào hiểu Vệ-đà,
Trong lễ tế đàn này,
Thọ hưởng đồ cúng dường,
Ta tuyên bố, nói rằng
Lễ ấy được tăng thịnh.

Bà-la-môn:

  1. Chắc chắn tế đàn ấy,
    Cúng dường được tăng thịnh.
    Vì chúng ta thấy được,
    Vị am hiểu Vệ-đà,
    Nếu chúng ta không thấy,
    Ðược một ngưòi như Ông,
    Một người khác thọ hưởng
    Ðồ cúng dường tế đàn.

Thế Tôn:

  1. Vì Ông, này Phạm chí,
    Ðến Ta vì cần thiết,
    Với mục đích rõ ràng,
    Vậy nay Ta hỏi Ông,
    Ông có thể tìm được
    Một bậc trí ở đây,
    An tịnh, không sân hận,
    Không khổ, không tầm cầu?

Bà-la-môn:

  1. Tôi vui trong tế đàn,
    Tôn giả Gotama,
    Tôi tha thiết ao ước,
    Ðược cúng dường tế đàn,
    Nhưng tôi không được biết,
    Tôn giả hãy dạy tôi!
    Hãy nói lên cho tôi,
    Chỗ cúng dường tăng thịnh.

Thế Tôn:

Vậy này Bà-la-môn,
Hãy lắng tai mà nghe,
Ta nay sẽ vì Ông,
Tuyên thuyết pháp vi diệu.

  1. Chớ hỏi về thọ sanh,
    Hãy hỏi về hạnh đức,
    Thật vậy, từ củi gỗ,
    Một ngọn lửa được sanh,
    Từ gia đình thấp kém,
    Bậc ẩn sĩ, có trí,
    Ðược huấn luyện thuần thục,
    Ðược xấu hổ chế ngự.
  2. Ðược chân thật huấn luyện,
    Ðược nhiếp phục chế ngự,
    Bậc đạt đến hiểu biết,
    Phạm hạnh được viên thành,
    Hãy đúng thời cúng dường,
    Ðồ cúng dường vị ấy.
    Vậy vị Phạm chí nào
    Muốn nguyện cầu công đức,
    Hãy tổ chức tế đàn,
    Với cúng dường như vậy.
  3. Những vị nào, bỏ dục,
    Du hành, không gia đình,
    Khéo chế ngự nhiếp phục,
    Như con thoi trực chỉ.
    Ðúng thời đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự,
    Vị Phạm chỉ cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy,
    Hãy tổ chức tế đàn,
    Với cúng dường như vậy.
  4. Những vị đã ly tham,
    Các căn khéo định tĩnh,
    Như trăng được giải thoát,
    Khỏi nanh vuốt Ràhu,
    Hãy đúng thời cúng dường,
    Ðồ cúng dường vị ấy,
    Vậy vị Phạm hạnh nào,
    Muốn nguyện cầu công đức,
    Hãy tổ chức tế đàn,
    Với cúng dường như vậy.
  5. Không tham dính vật gì,
    Họ du hành ở đời,
    Luôn luôn giữ chánh niệm,
    Từ bỏ ngã sở kiến,
    Hãy đúng thời cúng dường,
    Ðồ cúng dường vị ấy.
    Vậy vị Phạm chí nào,
    Muốn cầu nguyện công đức,
    Hãy tổ chức tế đàn,
    Với cúng dường như vậy.
  6. Ai từ bỏ các dục,
    Tự nhiếp phục, du hành.
    Ai biết sự chấm dứt,
    Của sanh và sự chết,
    Tịch tịnh và mát lạnh.
    Mát lạnh như nước hồ.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  7. Bình đẳng kẻ bình đẳng,
    Xa lánh không bình đẳng,
    Như Lai chứng đạt được,
    Trí tuệ không giới hạn,
    Không bị dính, uế nhiễm,
    Ðời này hay đời sau.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  8. Trong ai không man trá,
    Không sống với kiêu mạn,
    Ai không có tham dục,
    Không của ta, không cầu,
    Phẫn nộ được đoạn trừ,
    Tự ngã thật tịch tịnh,
    Vị Bà-la-môn ấy,
    Cấu uế, sầu muộn đoạn,
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  9. Ai đoạn diệt hoàn toàn
    Mọi trú xứ của ý,
    Không còn có nắm giữ,
    Sự vật gì ở đời,
    Không còn có chấp thủ,
    Ðời này hay đời sau.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  10. Tâm ai thật định tĩnh,
    Vượt khỏi được bộc lưu,
    Rõ biết được Chánh pháp,
    Với tri kiến tối thượng,
    Lậu hoặc được đoạn trừ,
    Mang thân này tối hậu.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  11. Với ai, các hữu lậu,
    Và lời nói thô ác,
    Ðược đoạn tận chấm dứt,
    Không còn có tồn tại,
    Vị ấy đạt hiểu biết,
    Giải thoát mọi khía cạnh.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  12. Giữa những người nhiễm trước,
    Vị ấy không nhiễm trước,
    Giữa chúng sanh kiêu mạn,
    Vị ấy không kiêu mạn,
    Liễu tri được đau khổ,
    Kể cả ruộng và đất.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  13. Không dựa vào ước vọng,
    Vị ấy thấy viễn ly,
    Vượt qua sự hiểu biết,
    Cùng tri kiến người khác,
    Ðối với mọi sở duyên,
    Vị ấy đều không có,
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  14. Vị ấy chứng tri được
    Các pháp gần hay xa,
    Ðược đoạn trừ, chấm dứt,
    Không còn có hiện hữu,
    An tịnh, không chấp thủ,
    Ðược hoàn toàn giải thoát
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  15. Thấy được sự đoạn tận,
    Sanh diệt các kiết sử,
    Trừ được đường tham dục,
    Không còn lại dư tàn.
    Thanh tịnh, không lỗi lầm,
    Không cấu uế, không nhiễm.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  16. Ai không thấy tự ngã,
    Với tự ngã của mình,
    Ðịnh tâm và chánh trực,
    Kiên trì không dao động,
    Vị ấy không có dục,
    Không cứng cỏi, phân vân.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.
  17. Với ai không còn nữa,
    Nguyên nhân của si mê,
    Biết rõ và thấy rõ,
    Ðối với hết thảy pháp,
    Và mang nặng thân này,
    Thân này thân cuối cùng.
    Chứng đạt Chánh Ðẳng Giác,
    Vô thượng an ổn xứ,
    Ðạt cho đến như vậy,
    Bậc Dạ-xoa thanh tịnh.
    Như Lai thật xứng đáng,
    Ðồ cúng dường tế tự.

Bà-la-môn:

  1. Ðây đồ con cúng dường,
    Ðồ cúng dường chân thật,
    Con đã tìm thấy được,
    Bậc trí đức như vậy,
    Phạm thiên hãy chứng giám,
    Thế Tôn hãy chấp nhận,
    Thế Tôn hãy thọ hưởng,
    Ðồ cúng dường của con.

Thế Tôn:

  1. Ta không có thọ dụng
    Ðồ ăn từ kệ tụng,
    Hỡi này Bà-la-môn,
    Ðây không phải là pháp,
    Của những người có trí,
    Chư Phật đều từ bỏ,
    Ca hát các bài kệ,
    Chỗ nào pháp an trú,
    Hỡi này Bà-la-môn,
    Ðấy chính là truyền thống.
  2. Ông cần phải cúng dường,
    Ðồ ăn, đồ uống khác,
    Bậc Ðại sĩ toàn vẹn,
    Ðoạn tận các lậu hoặc,
    Ðã đoạn tận trao hối,
    Không còn bị dao động,
    Ngài chính là thửa ruộng,
    Cho người cầu công đức.

Bà-la-môn:

  1. Thế Tôn, con muốn biết,
    Người có tin như con,
    Ai có thể hưởng thọ,
    Ðồ cúng dường của con,
    Trong khi lễ tế đàn,
    Con phải tìm đến ai?
    Lời Ngài dạy thế nào,
    Con sẽ đạt cho được.

Thế Tôn:

  1. Với ai, không xông xáo,
    Với ai, tâm không động,
    Giải thoát khỏi các dục,
    Với ai bỏ hôn trầm,
  2. Lãnh đạo kẻ biên giới,
    Thiện xảo trong sanh tử,
    Ẫn sĩ đầy đủ tuệ,
    Ðã đến lễ tế đàn.
  3. Nhiếp phục kiêu ngạo xong,
    Hãy chắp tay đảnh lễ,
    Cúng dường đồ ăn uống,
    Cúng dường vậy tăng trưởng.

Bà-la-môn:

  1. Ngài là bậc Giác Ngộ,
    Xứng đáng được cúng dường,
    Ngài là ruộng phước đức,
    Vô thượng, không gì hơn,
    Vị tiếp nhận cúng dường,
    Xứng đáng toàn thế giới.
    Bố thí cho Tôn giả,
    Kết quả thật to lớn.

Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, hay phơi bày ra những gì bị che kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con nay quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Hãy cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama. Hãy cho con thọ đại giới.

Và Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja… trở thành một vị A-la-hán.

(V) Kinh Màgha (Sn 86)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, trên núi Gijjhakàta. Rồi thanh niên Màgha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, con là người bố thí, là thí chủ, rộng rãi, mong muốn được yêu cầu. Con tầm cầu tài sản đúng pháp, sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, con cho một nguời, con cho hai người, con cho ba người, con cho bốn người, con cho năm người, con cho sáu người, con cho bảy người, con cho tám người, con cho chín người, con cho mười người, con cho hai mươi người, con cho ba mươi người, con cho bốn mươi người, con cho năm mươi người, con cho một trăm người, con cho nhiều hơn nữa. Thưa Tôn giả Gotama, con cho như vậy, con bố thí như vậy, con có được nhiều phưóc đức không?

– Này thanh niên, Con cho như vậy, Con bố thí như vậy Con được nhiều phước đức. Này thanh niên, ai là người bố thí, là người thí chủ rộng rãi, mong muốn được yêu cầu, ai tầm cầu tài sản đúng pháp sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, ngưòi ấy cho một người… cho một trăm người, cho nhiều hơn nữa, người ấy được nhiều công đức.

Rồi thanh niên Màgha nói lên lời Thế Tôn những bài kệ:

Thanh niên Màgha:

  1. Thanh niên Màgha thưa:
    Tôn giả Gotama,
    Con hỏi bậc Hiền hòa,
    Mặc cà sa không nhà,
    Ai ưa muốn được cầu,
    Là thí chủ, gia chủ
    Mong muốn được phước đức,
    Bố thí, mong cầu phước.
    Ở đây, thí người khác,
    Ðồ ăn và đồ uống,
    Tại đâu nên bố thí,
    Ðể đồ cúng được tịnh.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn bèn trả lời:
    Này thanh niên Màgha,
    Ai ưa muốn được cầu,
    Là thí chủ, gia chủ,
    Mong muốn được phước đức,
    Bố thí, mong cầu phước,
    Ở đây, thí người khác
    Ðồ ăn và đồ uống,
    Người ấy cần phải thí,
    Người xứng đáng cúng dường.

Màgha:

  1. Thanh niên Màgha thưa:
    Tôn giả Gotama,
    Ai ưa muốn được cầu,
    Là thí chủ, gia chủ,
    Mong muốn được phước đức,
    Bố thí, mong cầu phước,
    Ở đây, thí người khác
    Ðồ ăn và đồ uống,
    Thế Tôn hãy nói con
    Nên cúng dường cho ai?

Thế Tôn:

  1. Những ai sống ở đời,
    Thật sự không nhiễm trước,
    Hoàn toàn không sở hữu,
    Tự ngã được nhiếp phục,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  2. Những ai đã chặt đứt,
    Mọi kiết sử trói buộc,
    Nhiếp phục được giải thoát,
    Không dao động, mong cầu.
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  3. Những ai đã giải thoát
    Mọi kiết sử trói buộc,
    Nhiếp phục được giải thoát,
    Không khổ, không mong cầu,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  4. Vị nào đã đoạn tận,
    Tham, sân và cả si,
    Các lậu hoặc đã đoạn,
    Phạm hạnh đã thành tựu,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  5. Ai sống không man trá,
    Và không có kiêu mạn,
    Những vị sống không tham,
    Không ngã sở, không cầu,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  6. Những ai đối với ai,
    Không rơi vào hệ lụy,
    Vượt khỏi được bộc lưu,
    Du hành không ngã sở,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự,
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  7. Với ai không tham ái,
    Một vật gì ở đời,
    Không ái hữu, phi hữu,
    Ðời này hay đời sau,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  8. Những ai từ bỏ dục,
    Sống không có gia đình,
    Khéo léo biết chế ngự,
    Như con thoi, chính trực,
    Ðúng thời, đối vị ấy.
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  9. Những ai, ly tham ái,
    Các căn khéo định tĩnh,
    Như mặt trăng thoát khỏi,
    Nanh vuốt của Ràhu,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  10. Những ai được an tịnh,
    Ly tham, ly phẩn nộ,
    Sau khi bỏ đời này,
    Không còn có sanh thú,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  11. Ðoạn sanh tử đã xong,
    Không còn chút dư tàn,
    Nghi ngờ và phân vân,
    Tất cả được nhiếp phục,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  12. Những ai sống ở đời
    Tự mình làm hòn đảo,
    Không có vật sở hữu,
    Giải thoát được trọn vẹn,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự.
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  13. Những ai ngay đời này,
    Như thật rõ biết được,
    Ðây đời sống cuối cùng,
    Không còn có tái sanh,
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.
  14. Ai đạt tuệ tối thượng,
    Ưa thiền, giữ chánh niệm,
    Ðạt được sự giác ngộ,
    Chỗ quy ngưỡng nhiều người.
    Ðúng thời, đối vị ấy,
    Hãy cúng đồ tế tự,
    Vị Phạm chí cầu phước,
    Hãy bố thí như vậy.

Màgha:

  1. Thật sự câu con hỏi,
    Không trống không, vô ích,
    Thế Tôn nói cho con,
    Những ai đáng cúng dường.
    Ở đây Ngài đã biết,
    Sự thật như thế nào.
    Như vậy chính là pháp,
    Ngài được biết như vậy.
  2. Rồi thanh niên Màgha,
    Lại thưa thêm như sau:
    Ai ưa muốn được cầu,
    Là thí chủ, gia chủ,
    Mong muốn được phước đức,
    Bố thí, mong cầu phước,
    Ở đây, thí người khác,
    Ðồ ăn và đồ uống,
    Thế Tôn hãy nói con,
    Pháp tế tự hoàn toàn.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói Màgha,
    Hãy tế đàn, tế tự,
    Phải làm cho trong sạch,
    Hoàn toàn mọi tâm tư,
    Ðối người lễ tế đàn,
    Ðối tượng là đồ cúng,
    Hãy an trú ở đây,
    Từ bỏ sự sân hận.
  2. Vị ấy đoạn tận tham,
    Nhiếp phục cả sân hận,
    Tu tập tâm từ bi,
    Vô lượng khắp tất cả,
    Với hạnh không phóng dật,
    Ngày đêm luôn tu tập,
    Cùng khắp mọi phương hướng,
    Biến mãn vô lượng tâm.

Màgha:

  1. Ai trong sạch, giải thoát,
    Ai còn bị trói buộc,
    Ai với tự thân mình,
    Ði đến Phạm Thiên giới?
    Vì không biết, con hỏi.
    Hãy nói lên, ẩn sĩ,
    Mong Thế Tôn chứng giám,
    Cho con ngày hôm nay,
    Con được thấy Phạm thiên,
    Ngài đối với chúng con,
    Thật sự Ngài ngang bằng,
    Với Phạm thiên không khác,
    Ôi! Bậc chói hào quang,
    Làm thế nào được sanh,
    Lên cảnh giới Phạm thiên?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn đáp Màgha:
    Ai tổ chức tế đàn,
    Ðầy đủ cả ba phần,
    Tế đàn ấy tăng thịnh,
    Với những người được cúng.
    Xứng đáng được cúng dường.
    Tế đàn như vậy xong,
    Chơn chánh muốn được cầu,
    Ta nói vị ấy sanh,
    Tại cảnh giới Phạm thiên.

Khi nói được như vậy, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!.

Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!… Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(VI) Kinh Sabhiya (Sn 91)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, du sĩ Sabhiya, một du sĩ ngoại đạo, được một Thiên nhân trước kia là bà con huyết thống, nói lên những câu hỏi sau đây: “Này Sabhiya, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, khi được hỏi những câu hỏi này, trả lời cho Ông, thời Ông hãy sống Phạm hạnh với người ấy”.

Rồi du sĩ Sabhiya, sau khi học những câu hỏi ấy từ vị Thiên nhân ấy, phàm có những Sa-môn, Bà-la-môn nào có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư đồ chúng được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kacsapa, Makkhali Gosàla, Ajita Kesa Kambali, Pakudha Kacàyana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nàtaputta, Sabhiya đi đến các vị ấy và hỏi những câu hỏi ấy. Các vị ấy, được du sĩ Sabhiya hỏi những câu hỏi ấy, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Họ vặn hỏi trở lại du sĩ Sabhiya. Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: “Các vị Tôn giả, Sa-môn, Bà-la-môn ấy có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư, đồ chúng được biết đến, có danh vọng, có ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa… Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn họ vặn hỏi trở lại ta. Vậy ta haỹ trở lui đời sống hạ liệt, thọ hưởng các dục”. Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: “Có Sa-môn Gotama này, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, sáng lập ra giáo phái, được quần chúng ái mộ, vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này. Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: “Các vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã già, đã lớn tuổi, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi quá nửa đời người, đã đạt đến mức cuối tuổi thọ, là những bậc trưởng lão, được nhiều người biết đến, xuất gia đã lâu ngày, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa… Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Và họ vặn hỏi trở lại ta. Không biết Sa-môn Gotama có thể trả lời những câu hỏi này của ta. Sa-môn Gotama còn trẻ và mới được xuất gia”. Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: “Không nên gạt bỏ, không nên khinh thường một Sa-môn vì vị ấy còn trẻ tuổi; nếu vị Sa-môn còn trẻ, nhưng vị ấy có đại thần, đại uy lực. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này”.

Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya bộ hành ra đi đến Ràjagaha, tiếp tục bộ hành, đi đến Vương Xá Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên du sĩ Sabhiya nói lên với Thế Tôn những bài kệ:

Sabhiya:

  1. Sabhiya nói rằng:
    Tôi đến, có nghi ngờ,
    Hy vọng có thể hỏi
    Những câu hỏi với Ngài.
    Mong Ngài chấm dứt được,
    Những câu hỏi cho tôi.
    Những câu được tôi hỏi,
    Hãy thứ lớp giải đáp.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn đáp du sĩ:
    Ông từ xa đi đến,
    Hy vọng có thể hỏi,
    Những câu hỏi với Ta,
    Ta sẽ chấm dứt được,
    Những câu hỏi cho Ông
    Những câu được Ông hỏi,
    Ta thứ lớp giải đáp.
  2. Du sĩ Sabhiya,
    Hãy hỏi Ta câu hỏi,
    Tuỳ theo ý Ông muốn,
    Ông hỏi câu hỏi nào,
    Ta sẽ chấm dứt được,
    Câu hỏi ấy cho Ông.

Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta không bao giờ có được cơ hội, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn khác. Nay cơ hội này được Sa-môn Gotama tạo ra cho ta, hân hoan, hoan hỷ, phấn chấn, hỷ lạc ” Sabhiya hỏi Thế Tôn câu hỏi:

Sabhiya:

  1. Sabhiya hỏi rằng:
    Tôn giả Gotama,
    Do đạt được những gì,
    Ðược gọi là Tỷ-kheo?
    Nhờ gì, gọi nhu hòa?
    Thế nào gọi chế ngự?
    Và phải như thế nào,
    Ðược gọi bậc Giác ngộ?
    Ðược con hỏi như vậy,
    Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn bèn đáp lại:
    Hỡi này Sabhiya,
    Ai chính với con đường,
    Do tự mình tạo ra,
    Ði đến sự tịch mịch,
    Vượt qua các nghi hoặc,
    Từ bỏ, đoạn tận hẳn
    Cả hữu và phi hữu,
    Phạm hạnh đã thành tựu,
    Tái sanh đã đoạn tận,
    Vị ấy được xứng danh,
    Gọi là vị Tỷ-kheo.
  2. Vị trú xả, chánh niệm,
    Tại bất cứ chỗ nào,
    Vị không làm hại ai,
    Cùng khắp cả thế giới,
    Vượt bộc lưu, tịnh ý,
    Không có bị dao động,
    Vị nào không đột khởi,
    Vị ấy gọi nhu hòa.
  3. Vị nào có các căn,
    Ðược huấn luyện tu tập,
    Cả nội và cả ngoại,
    Trong tất cả thế giới,
    Vị nào thông suốt được
    Ðời này và đời sau,
    Ðúng thời, nghi điều phục,
    Vị ấy gọi chế ngự.
  4. Ai phân tích các kiếp,
    Toàn diện và hoàn toàn,
    Luân chuyển cả hai mặt,
    Chết đi và sanh lại,
    Bụi bặm được dứt sạch,
    Không uế nhiễm, thanh tịnh,
    Ðạt được sanh đoạn diệt,
    Vị ấy gọi Phật-đà.

Rồi du sĩ Sabhiya, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, hoan hỷ, hân hoạn, phấn khởi, phát sanh hỷ tâm, liền hỏi Thế Tôn thêm câu nữa.

Sabhiya:

  1. Sabhiya hỏi rằng:
    Tôn giả Gotama,
    Do đạt được những gì,
    Ðược gọi là Bà-la-môn?
    Nhờ gì, gọi Sa-môn?
    Thế nào là tắm sạch?
    Và phải như thế nào?
    Ðược gọi là voi chúa?
    Ðược con hỏi như vậy,
    Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn liền đáp lại:
    Hỡi này Sabhiya,
    Ai loại khỏi ra ngoài,
    Tất cả các ác pháp,
    Không uế, khéo định tĩnh,
    Kiên trì, vững an trú,
    Vượt qua được luân hồi,
    Hoàn toàn về mọi mặt,
    Không y chỉ vị ấy,
    Ðược gọi Bà-la-môn.
  2. Ðược an tịnh, tịch tịnh,
    Ðoạn tận cả thiện ác,
    Không cấu uế, rõ biết,
    Ðời này và đời sau,
    Chế ngự và nhiếp phục,
    Cả vấn đề sanh tử,
    Vị đức tánh như vậy,
    Ðược gọi là Sa-môn.
  3. Ai gột sạch, tắm sạch
    Tất cả các ác pháp,
    Kể cả trong lẫn ngoài,
    Khắp tất cả thế giới,
    Giữa chư Thiên, loài Người,
    Bị thời kiếp chi phối,
    Không rơi vào thời kiếp,
    Ðược gọi đã tắm sạch.
  4. Ai không làm điều ác,
    Mọi điều ác ở đời,
    Tất cả các kiết sử,
    Không dính mắc, trói buộc,
    Khắp tất cả mọi nơi,
    Không dính, không trói buộc,
    Vị đức tánh như vậy,
    Ðược gọi là voi chúa.

Rồi du sĩ Sabhiya lại hỏi thêm câu nữa:

Sabhiya:

  1. Sabhiya hỏi rằng:
    Tôn giả Gotama,
    Thế nào chư Phật gọi
    Vị chiến thắng đất ruộng,
    Do gì, gọi là thiện?
    Thế nào gọi bậc trí,
    Và phải như thế nào
    Ðược gọi là ẩn sĩ?
    Ðược con hỏi như vậy,
    Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn bèn đáp lại:
    Hỡi này Sabhiya,
    Ai quán sát nhiếp phục,
    Ruộng đất thật toàn diện
    Chư Thiên và loài Người,
    Là đất ruộng Phạm thiên,
    Giải thoát được trói buộc,
    Cội gốc mọi đất ruộng,
    Vị đức tánh như vậy,
    Ðược gọi thắng đất ruộng.
  2. Ai quán sát nhiếp phục,
    Kho tàng thật toàn diện,
    Chư Thiên và loài Người,
    Là đất ruộng Phạm thiên,
    Giải thoát được trói buộc,
    Cội gốc mọi kho tàng,
    Vị đức tánh như vậy,
    Ðược gọi vị thiện xảo.
  3. Ai quán sát nhiếp phục,
    Cả hai tâm và ý,
    Cả nội và cả ngoại,
    Về trí tuệ thanh tịnh,
    Nhiếp phục chế ngự được,
    Các pháp đen và trắng,
    Vị đức tánh như vậy,
    Ðược gọi bậc Hiền trí,
  4. Sau khi đã biết được,
    Pháp bất thiện, pháp thiện,
    Cả nội và cả ngoại,
    Trong tất cả thế giới,
    Vị ấy được cúng dường,
    Chư Thiên và loài Người,
    Vượt qua lưới trói buộc,
    Vị ấy gọi ẩn sĩ.

Rồi du sĩ Sabhiya… lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:

Sabhiya:

  1. Sabhiya hỏi rằng:
    Tôn giả Gotama,
    Do đạt được những gì
    Ðược gọi bậc có trí?
    Nhờ gì, gọi tùy trí?
    Thế nào xưng tinh tấn?
    Thế nào được danh xưng,
    Là vị đã thuần thục?
    Ðược con hỏi như vậy,
    Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn liền đáp lại:
    Hỡi này Sabhiya,
    Ai quán sát Vệ-đà,
    Hoàn toàn và toàn diện,
    Ðược Sa-môn, Phạm chí,
    Ðạt được rất đầy đủ,
    Vị ấy gọi ly tham,
    Trong tất cả cảm thọ,
    Do vượt qua Vệ-đà,
    Ðược gọi bậc Vệ-đà?
  2. Do quán sát, quán triệt,
    Các hý luận, danh sắc,
    Kể cả nội và ngoại,
    Về cội gốc bệnh hoạn,
    Vị ấy thoát trói buộc,
    Cội gốc các bệnh hoạn,
    Vị đức tánh như vậy
    Ðược gọi vị rõ biết
  3. Vị ở đời từ bỏ
    Tất cả các pháp ác,
    Với tinh tấn vượt qua,
    Mọi khổ đau địa ngục,
    Vị ấy có tinh tấn,
    Có tinh cần, siêng năng,
    Vị đức tánh như vậy,
    Ðược gọi vị có trí.
  4. Với ai các trói buộc,
    Bị bựt đứt, huỷ hoại,
    Nguồn gốc các tham ái,
    Vị ấy được giải thoát,
    Khỏi tất cả gốc tham,
    Vị đức tánh như vậy,
    Ðược gọi vị thuần thục.

Rồi du sĩ Sabhiya.. lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:

Sahiya:

  1. Sabhiya hỏi rằng:
    Tôn giả Gotama,
    Do đạt được những gì,
    Ðược gọi vị được nghe?
    Nhờ gì, gọi bậc Thánh?
    Sở hành như thế nào,
    Như thế nào được tên,
    Là một người du sĩ?
    Ðược con hỏi như vậy,
    Mong Thế Tôn trả lời.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn bèn đáp lại:
    Hỡi này Sabhiya!
    Do ở đời được nghe,
    Thắng tri tất cả pháp,
    Pháp có lỗi, không lỗi,
    Phàm mọi pháp ở đời,
    Là vị đã chiến thắng,
    Ðoạn nghi, được giải thoát,
    Trọn vẹn không dao động,
    Ðược gọi, vị có nghe.
  2. Sau khi đoạn, chặt đứt,
    Mọi lậu hoăc chấp trước,
    Vị ấy sau khi biết
    Không đi đến thai tạng,
    Ðoạn trừ và từ bỏ,
    Ba loại tưởng bùn nhơ,
    Không đi vào thời kiếp,
    Ðược gọi là bậc Thánh.
  3. Vị nào ở nơi đây,
    Thành tựu các giới hạnh,
    Thiện xảo mọi lãnh vực,
    Rõ biết được Chánh Pháp,
    Cùng khắp cả mọi nơi,
    Không chấp trước, giải thoát,
    Không sân hận một ai,
    Ðược gọi là có hạnh.
  4. Ai không làm các nghiệp
    Ðưa đến quả đau khổ
    Phía trên và phía dưới,
    Bề ngang và chặng giữa,
    Sống với sự liễu tri,
    Từ bỏ, không chấp nhận,
    Man trá và kiêu mạn,
    Tham ái và phẫn nộ,
    Làm cho đến cùng tận,
    Cả danh và cả sắc,
    Vị này đã đạt được,
    Tên gọi là du sĩ.

Rồi du sĩ Sabhiya hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy; hoan hỷ, hân hoan, phấn chấn, hỷ duyệt sanh khởi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thương y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, trước mặt Thế Tôn, thốt lên những câu kệ thích đáng:

  1. Ôi, bậc tuệ rộng lớn!
    Nhiếp phục sự tụ họp,
    Các Sa-môn tranh luận,
    Có đến sáu (mươi) ba thuyết,
    Các ngôn thuyết văn tự,
    Y đây các tưởng khởi,
    Vị ấy vượt qua được,
    Dòng nước mạnh sanh tử.
  2. Ngài đi đến tận cùng,
    Ðến bờ kia đau khổ,
    Bậc La-hán, Chánh Giác,
    Con nghĩ Ngài lậu tận,
    Ngài chói sáng, thông minh.
    Với trí tuệ rộng lớn,
    Ngài đoạn tận đau khổ,
    Ðưa con qua bờ kia.
  3. Ngài thấy, Ngài biết rõ
    Những điều con nghi ngờ,
    Ngài giúp con vượt qua,
    Con xin đảnh lễ Ngài,
    Bậc ẩn sĩ đạt được,
    Con đường thật an tịnh,
    Ôi, bà con mặt trời!
    Không hoang vu, nhu hòa.
  4. Ðiều xưa con nghi ngờ,
    Ðều được Ngài giải đáp,
    Ôi, bậc có Pháp nhân!
    Ngài thật là ẩn sĩ
    Bậc Chánh Ðẳng, Chánh Giác,
    Ngài không còn triền cái.
  5. Với Ngài, mọi ưu não,
    Ðược phá tan, đoạn diệt,
    Ngài tịnh tịch, chế ngự,
    Tâm kiên trì, thành thực.
  6. Ngài là bậc long tượng,
    Trong các hàng long tượng,
    Ngài là đại anh hùng
    Chư Thiên đều hoan hỷ,
    Cả hai Nàrada,
    Và cả Pabbatà,
    Ðều hoan hỷ tín thọ,
    Lời thuyết giảng của Ngài.
  7. Chúng con xin đảnh lễ,
    Con người thuần thục nhất,
    Chúng con xin đảnh lễ,
    Con người tối thượng nhất,
    Trong cảnh giới Trời, Người,
    Không ai sánh được Ngài,
  8. Ngài chính là Ðức Phật,
    Ngài chính là Ðạo Sư,
    Ngài là bậc ẩn sĩ,
    Ðã chiến thắng Ác ma,
    Ngài chặt đứt tuỳ miên,
    Ðã vượt qua sanh tử,
    Ngài giúp chúng sanh này,
    Vượt qua bể sanh tử.
  9. Ngài vượt khỏi sanh y,
    Ngài phá tan lậu hoặc,
    Ngài là bậc sư tử,
    Không chấp thủ, chấp trước,
    Mọi sợ hãi, hoảng hốt,
    Ngài đoạn tận, trừ diệt.
  10. Như hoa sen tươi đẹp.
    Nước không thể dính vào,
    Cũng vậy cả thiện ác,
    Cả hai không dính Ngài,
    Ôi anh hùng vĩ đại,
    Xin Ngài duỗi chân ra,
    Sabhiya chúng con,
    Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư.

Rồi du sĩ Sabhiya lấy đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!… Con xin quy y Thế Tôn, Pháp và chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, mong cho con thọ đại giới.

– Này Sabhiya, ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này cần phải sống biệt trú trong bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng ở đây, Ta biết sự sai biệt giữa các chúng sanh.

– Bạch Thế Tôn, nếu những ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này, sống biệt trú bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo, con sẽ sống biệt trú bốn năm. Sau bốn năm, nếu tâm con thỏa thuận hãy cho xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành Tỷ-kheo.

Du sĩ Sabhiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới… rồi Tôn giả Sabhiya trở thành một vị A-la-hán.

(VII) Kinh Sela (Sn 102-112)

(Xem kinh Sela, Trung Bộ Kinh, Tập II)

(VIII) Kinh Mũi Tên (Sn 112)

  1. Sinh mạng của loài Người,
    Ở đời không ai biết,
    Không tướng, nhiều phiền toái,
    Nhỏ nhoi, liên hệ khổ.
  2. Không có sự gắng nào,
    Khiến sống thoát khỏi chết,
    Sau khi già là chết,
    Pháp hữu tình là vậy.
  3. Như các trái chín muồi,
    Có sợ bị rơi sớm,
    Cũng vậy, người được sanh,
    Thường có sợ bị chết.
  4. Như người thợ làm ghè
    Làm chén bát đất sét,
    Cuối cùng, bể tất cả,
    Mạng sống người là vậy.
  5. Trẻ tuổi và lớn tuổi,
    Người ngu và kẻ trí,
    Tất cả đi đến chết,
    Cuối cùng rồi cũng chết.
  6. Những ai chết chi phối,
    Ði qua đến đời sau,
    Cha không cứu được con,
    Hay bà con cứu nhau.
  7. Hãy xem, các bà con
    Ðứng nhìn và than khóc,
    Từng người, đi đến chết,
    Như bò mang đi giết,
  8. Như vậy, thế giới này
    Bị già chết chi phối,
    Do vậy, bậc nhiều trí,
    Biết đời, nên không sầu
  9. Ai không biết con đường,
    Ðường đến và đuờng đi,
    Do không thấy hai ngã,
    Than khóc, không lợi ích.
  10. Nếu thật sự than khóc,
    Ðem lại lợi ích gì,
    Kẻ ngu tự hại mình,
    Người có mắt sẽ làm.
  11. Không với sầu, nước mắt,
    Khiến nội tâm an tịnh,
    Khổ càng tăng trưởng thêm,
    Thân càng bị gia hại.
  12. Ốm yếu, sắc da tái,
    Tự mình hại chính mình,
    Kẻ chết không được hộ,
    Than khóc thật vô ích.
  13. Chúng sanh không bỏ sầu,
    Càng gặp nhiều đau khổ,
    Càng rên khóc kẻ chết,
    Càng bị sau chi phối.
  14. Hãy xem các người khác
    Ði theo hạnh nghiệp mình,
    Rơi vào giới thần chết,
    Hữu tình đầy hoảng sợ.
  15. Loài Người còn mong ước,
    Thế này hay thế khác,
    Nhưng sự việc xảy ra,
    Hoàn toàn thật sai khác,
    Như vậy tánh không có,
    Xem định tánh của đời.
  16. Nếu loài Người sống được,
    Sống hơn một trăm năm,
    Rồi không có bà con,
    Ở đây, bỏ mạng sống.
  17. Do vậy, sau khi nghe
    Bậc La-hán thuyết giảng,
    Hãy nhiếp phục than van,
    Khi thấy kẻ bị chết,
    Hãy suy nghĩ như sau,
    Ta không còn vị ấy.
  18. Như nhà lửa bị cháy,
    Nhờ nước, lửa dập tắt,
    Cũng vậy, bậc Hiền trí,
    Có tuệ trí, thiện xảo,
    mau chóng nhiếp phục sầu,
    Như bông gió thổi bay.
  19. Ai tự tìm hạnh phúc,
    Hãy tự mình rút tên,
    Mũi tên là than khóc,
    Tham cầu tư ưu sầu.
  20. Ai đã rút mũi tên,
    Không nương tựa nhờ cậy,
    Tâm vị ấy đạt được,
    Sự an lành an tịnh,
    Vượt khỏi mọi ưu sầu,
    Tâm không sầu, tịch tịnh.

(IX) Kinh Vàsettha (Sn 115)

(Kinh này giống với kinh Vàsettha, số 98 của Trung Bộ Kinh, Tập II)

(X) Kinh Kokàliya (Sn 123)

Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn của ông Anàthapindika. Rồi Tỷ-kheo Kokàliya đi đến Thế Tôn sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kokàliya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Sàiputta và Moggallàna là ác dục, bị ác dục chinh phục.

– Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna.

Lần thứ hai, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có lòng tin và tin tưởng, đối với con, Sàriputta và Moggalàna là ác dục, bị ác dục chinh phục.

– Này Kokàaliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna

Lần thứ ba, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn… Hiền thiện là Sàriputta và Moggallàna…

Rồi Tỷ-kheo Kokàliya từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tỷ-kheo Kokàliya ra đi không lâu, toàn thân của Tỷ-kheo Kokàliya nổi lên những mụt to bằng hạt cải; sau khi lớn lên bằng hột đậu; chúng lớn lên bằng hột đậu lớn; sau khi lớn bằng hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng hòn đá; sau khi lớn lên bằng hòn đá, chúng lớn lên bằng trái táo; sau khi lớn lên bằng trái táo, chúng lớn lên bằng trái àmala; sau khi lớn lên bằng trái àmala, chúng lớn lên bằng trái vilva; sau khi lớn lên bằng trái vilva, chúng lớn lên bằng trái billi, chúng bị phá vỡ, mủ và máu chảy ra.

Rồi Tỷ-kheo Kokàliya do bệnh này bị mệnh chung. Bị mệnh chung, Tỷ-kheo Kokàliya sanh trong địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna.

Rồi Phạm thiên Sahampati sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya phải sanh vào địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna.

Phạm thiên Sahampati nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.

Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, hồi hôm Phạm thiên Sahampati, khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta, sau khi đến đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati bạch với Ta: “Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya đã mệnh chung và Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya sau khi mệnh chung đã sanh địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna”.

Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.

Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, bao nhiêu là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng?

– Thật dài, này Tỷ-kheo, là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng, không dễ gì tính được bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, hay bao nhiêu trăm ngàn năm.

– Bạch Thế Tôn, có thể tính được chăng bằng ví dụ?

Thế Tôn đáp:

– Có thể được, này Tỷ-kheo. Này Tỷ-kheo, ví như có hột đậu mè nặng hai mươi khàrika, theo đo lường nước Kosala. Ví dụ sau một trăm năm, một người lấy ra một lần một hột mè. Này Tỷ-kheo, còn mau hơn là bao hột mè, nặng hai mươi ngàn khàrika ấy, theo đo lường của nước Kosala, đi đến tiêu hao, đi đến hao mòn do phương tiện ấy, so sánh với tuổi thọ ở địa ngục Abbuda. Này Tỷ-kheo hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Abbuda; bằng một tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda, bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ababa. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ahaha bằng một tuổi thọ ở địa ngục Atata. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Atata bằng một tuổi thọ ở địa ngục Kumuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Kumuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Uppala (Hoa sen xanh). Này các Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Uppala bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pundarika (Hoa sen). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Pundarika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pudumà. Này Tỷ Kheo Kokàliya sanh tại địa ngục Pudumà với tâm hận thù Sàripputta và Moggallàna.

Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ lại nói thêm:

  1. Phàm con người đã sanh,
    Sanh với búa trong miệng,
    Kẻ ngu khi nói bậy,
    Tự chặt đứt lấy mình.
  2. Ai khen kẻ đáng chê,
    Ai chê người đáng khen,
    Tự chất chứa bất hạnh,
    Do lỗ miệng của mình,
    Chính do bất hạnh ấy,
    Nên không được an lạc.
  3. Nhỏ thay bất hạnh này,
    Trong canh bạc rủi may,
    Do quăng con xúc xắc,
    Tài sản bị hoại vong,
    Lớn hơn bất hạnh này,
    Tự mình gây cho mình,
    Với người có ác ý,
    Ðối chư Phật, Thiện Thệ.
  4. Trải thời gian trăm ngàn
    Ở Nirabbuda,
    Ba mươi sáu và năm
    Ở tại Abbuda,
    Với lời và ác ý,
    Ai phỉ báng bậc Thánh,
    Người ấy sẽ rơi vào
    Các cõi dữ địa ngục.
  5. Kẻ nói không chân thật,
    Ði đến cõi địa ngục,
    Ai tự mình có làm,
    Lại nói: “Tôi không làm”,
    Cả hai sau khi chết,
    Ðều được xem đồng đẳng,
    Hành động họ hạ liệt,
    Ðời sau, đồng làm người.
  6. Ai khởi lên ác tâm,
    Ðối người không ác ý,
    Ðối người sống thanh tịnh,
    Không có gì uế nhiễm,
    Ác ấy trở lui lại,
    Ðến với kẻ ngu ấy,
    Như bụi bặm nhỏ nhiệm
    Quăng ngược chiều gió thổi.
  7. Ai hệ lụy đắm trước,
    Các chủng loại tham dục,
    Người ấy với lời nói,
    Chỉ trích các người khác,
    Không lòng tin, xan lẫn,
    Không rộng rãi với người,
    Xan tham và keo kiết,
    Quen thói nói xấu người.
  8. Này Ông, miệng ác độc,
    Không chân thật, không thánh,
    Kẻ giết hại sanh linh,
    Kẻ ác, kẻ làm ác,
    Người hạ liệt, bất hạnh,
    Thuộc về loại hạ sanh,
    Ở đời, chớ nói nhiều
    Ông là dân địa ngục.
  9. Ông rắc rải bụi trần,
    Khiến mọi người bất hạnh,
    Ông nói xấu bậc hiền,
    Làm ác điều tội ác,
    Sau khi Ông đã làm
    Rất nhiều điều ác hạnh,
    Ông đi đến vực thẳm,
    Trong thời gian dài dài
  10. Hành động bất cứ ai,
    Không đi đến tiêu diệt,
    Rồi nó cũng đến Ông,
    Bắt gặp được nghiệp chủ,
    Kẻ ngu làm điều ác,
    Ðời sau thấy mình khổ.
  11. Nó đi đến tại chỗ
    Bị đánh bằng roi sắt,
    Tại chỗ có cọc sắt,
    Với cạnh lưỡi bén nhọn
    Ở đấy nó có được
    Các món ăn thích đáng,
    Giống như những hòn sắt,
    Ðược nung nấu cháy đỏ,
  12. Tại đấy không ai nói
    Lời nhẹ nhàng an ủi,
    Không có ai vội vã,
    Ðến che chở hộ trì,
    Họ bước vào hầm lửa,
    Ðang cháy đỏ hừng hực.
  13. Với lưới, kẻ giữ ngục,
    Trùm kín bao phủ họ,
    Tại đấy với gậy sắt,
    Họ hành hạ đánh đập,
    Họ đi qua vực đen,
    Tối tăm không thấy đường,
    Như đi qua đám mù,
    Ðang dầy đặc tràn rộng.
  14. Họ đi đến bước vào
    Các chum ghè bằng sát,
    Họ bước vào hầm lửa,
    Ðang cháy đỏ hừng hực,
    Tại đấy, họ bị nấu,
    Trong thời gian lâu dài,
    Họ nổi lên chìm xuống,
    Trong những hầm lửa ấy.
  15. Rồi kẻ làm điều ác,
    Bị nung nấu tại đấy,
    Giữa đống mủ và máu,
    Xen kẽ và lẫn lộn,
    Tùy theo phương hướng nào,
    Nó theo chiều hướng nằm,
    Ở đấy, bị rửa nát,
    Khi bị xúc chạm vào.
  16. Trong nước, chỗ trú ẩn
    Của các loài côn trùng,
    Kẻ làm các điều ác,
    Bị nung nấu tại đấy,
    Cho đến những bờ bến
    Không có cho nó đi,
    Vì chum ghè mọi phía,
    Ðều tròn đầy như nhau.
  17. Trong rừng đầy lá gươm,
    Sắc bén và mũi nhọn,
    Họ đi vào rừng ấy,
    Chân tay bị chém đứt
    Sử dụng các câu móc,
    Chúng móc lưỡi dài ra
    Rồi những kẻ ngục tối
    Hành hạ đánh giết họ,
  18. Họ đi vào cảnh giới,
    Gọi Vêtarani,
    Khó vượt qua, tràn đầy,
    Lưỡi dao, búa sắc bén,
    Tại chỗ ấy, kẻ ngu,
    Bị rơi, bị rớt vào,
    Những kẻ làm điều ác,
    Sau khi tạo nghiệp ác.
  19. Tại đấy, các chim thú,l
    Ăn thịt kẻ rên la,
    Những bầy, đàn quạ đen,
    Ðen thui và lốm đốm,
    Các loài chó, dã can,
    Cùng với các chim kên,
    Các diều hâu, chim quạ,
    Xé xác những kẻ ấy.
  20. Thật rất là đau khổ
    Nếp sống này, tại đấy,
    Nếp sống kẻ làm ác,
    Loài Người thấy được vậy,
    Do vậy, ở đời này,
    Với mạng sống còn lại,
    Là người làm công việc,
    Không biếng nhác thụ động.
  21. Những hột mè mang lại,
    Ðịa ngục Paduma,
    Ðược kẻ trí đếm kỹ,
    Số đến Nahuta,
    Lên đến số năm tỷ,
    Tức năm ngàn vạn triệu,
    Còn nữa lên đến số,
    Một trăm hai mươi ức.
  22. Khổ cho đến như vậy,
    Ðịa ngục được nói đến,
    Tại đấy cần phải sống,
    Lâu cho đến như vậy.
    Như vậy, giữa những người,
    Trong sạch, thiện tốt lành,
    Hãy luôn luôn hộ trì,
    Lời nói và ý nghĩa.

(XI) Kinh Nàlaka (Sn 131)

  1. ẩn sĩ Asita,
    Trong lúc giữa ban ngày,
    Thấy chúng các chư Thiên
    Cõi trời Ba mươi ba,
    Họ hoan hỷ vui vẻ,
    Với y áo, thanh tịnh,
    Họ cung kính In-đa,
    Các vị ấy cầm áo
    Với nhiệt tình nói lên,
    Những lời khen tán thán.
  2. Thấy chư Thiên hoan hỷ,
    Dõng dạc và phấn chấn,
    Với tâm tư cung kính,
    Ở đây, vị ấy nói.

Asita:

Vì sao chúng chư Thiên
Lại nhiệt tình hoan hỷ?
Họ cầm áo vui múa,
Là do nhân duyên gì?

  1. Trong thời gian chiến trận,
    Với các Asura,
    Dững sĩ được thắng trận
    Asura bại trận,
    Thời gian ấy họ không,
    Lông tóc dựng ngược dậy,
    Họ thấy gì hy hữu,
    Chư Thiên hoan hỷ vậy.
  2. Họ la lớn ca hát,
    Và họ tấu nhạc trời,
    Họ múa tay, vỗ tay,
    Họ múa nhảy vũ điệu,
    Nay ta hỏi các Ông,
    Trú đảnh núi Meru,
    Các Ngài hãy mau chóng,
    Giải tỏa điều ta nghĩ.

Chư Thiên:

  1. Tại xứ Lumbini
    Trong làng các Thích-ca,
    Có sanh vị Bồ Tát,
    Báu tối thắng, vô tỷ,
    Ngài sanh, đem an lạc,
    Hạnh phúc cho loài Người,
    Do vậy chúng tôi mừng,
    Tâm vô cùng hoan hỷ.
  2. Ngài, chúng sanh tối thượng,
    Ngài loài Người tối thắng,
    Bậc Ngưu vương loài Người,
    Thượng thủ mọi sanh loại;
    Ngài sẽ chuyển Pháp luân,
    Trong khu rừng ẩn sĩ,
    Rống tiếng rống sư tử,
    Hùng mạnh nhiếp loài thú.
  3. Sau khi nghe lời ấy,
    ẩn sĩ Asita,
    Liền vội vàng bước xuống,
    Và đi đến đầu đài,
    Của đức vua Tịnh Phạn.
    Ðến nơi Ngài ngồi xuống,
    Nói với các Thích-Ca:
    “Hoàng tử nay ở đâu,
    Ta nay muốn thấy Ngài”.
  4. Thấy Thái tử chói sáng
    Rực rỡ như vàng chói
    Trong lò đúc nấu vàng,
    Ðược thợ khéo luyện thành,
    Bừng sáng và rực rỡ,
    Với dung sắc tuyệt mỹ,
    Họ Thích trình Thái-tử,
    Cho ẩn sĩ Tư-đà.
  5. Sau khi thấy Thái tử
    Chói sáng như lửa ngọn,
    Thanh tịnh như sao ngưu
    Vận hành giữa hư không,
    Sáng chiếu như mặt trời
    Giữa trời thu, mây tịnh,
    Ẩn sĩ tâm hân hoan
    Ðược hỷ lạc rộng lớn.
  6. Chư Thiên cầm ngôi lọng
    Ðưa lên giữa hư không,
    Cây lọng có nhiều cành,
    Có hàng ngàn vòng chuyền.
    Họ quạt với phất trần,
    Có tán vàng, lông thú,
    Nhưng không ai thấy được,
    Kẻ cầm lọng, phất trần.
  7. Bậc ẩn sĩ bện tóc,
    Tên Kà-ha-xi-ri,
    Thấy Thái tử nằm dài
    Trên tấm chăn màu vàng,
    Như đồng tiền bằng vàng,
    Lại trên đầu Thái tử
    Có lông trắng đưa lên,
    Tâm ẩn sĩ phấn khởi,
    Ðẹp ý, lòng hân hoan
    Ðưa tay bồng Thái tử.
  8. Sau khi ẩm bồng lên
    Con trai dòng họ Thích,
    Bậc cầu đạo tìm hiểu,
    Vượt khổ, nhờ tướng, chú,
    Tâm tư được hoan hỷ,
    Thốt lên lời như sau:
    Vị này bậc Vô thượng,
    “Tối thượng loài hai chân”.
  9. Khi vị ấy nghĩ đến,
    Số mệnh của tự mình,
    Số mệnh không tốt đẹp,
    Vị ấy rơi nước mắt,
    Thấy vậy, các Thích Ca,
    Hỏi ẩn sĩ đang khóc;
    “Có sự gì chướng ngại
    Sẽ xảy cho Thái tử?”.
  10. Thấy họ Thích lo lắng,
    Vị ẩn sĩ trả lời:
    “Ta không thấy bất hạnh
    Xảy đến cho Thái tử,
    Ðối với Thái tử ấy,
    Chướng ngại sẽ không có,
    Vị này không hạ liệt,
    Chớ có lo lắng gì.
  11. Thái tử này sẽ chứng
    Tối thượng quả Bồ đề,
    Sẽ chuyển bánh xe pháp,
    Thấy thanh tịnh tối thắng,
    Vì lòng tử thương xót,
    Vì hạnh phúc nhiều người,
    Và đời sống Phạm hạnh,
    Ðược truyền bá rộng rãi.
  12. Thọ mạng ta ở đời
    Còn lại không bao nhiêu,
    Ðến giữa đời sống Ngài
    Ta sẽ bị mệnh chung.
    Ta không được nghe pháp,
    Bậc tinh cần vô tỷ,
    Do vậy ta sầu não,
    Bất hạnh và khổ đau”.
  13. Sau khi khiến họ Thích,
    Sanh hoan hỷ rộng lớn,
    Bậc sống theo Phạm hạnh,
    Bước ra khỏi nội thành.
    Vị ấy vì lòng từ,
    Thương con trai của chị,
    Khích lệ nó học pháp,
    Bậc tinh cần vô tỷ.
  14. Khi Ông nghe tiếng Phật,
    Từ người khác nói lên,
    Bậc đã đạt Bồ-đề,
    Ðã đi con đường pháp,
    Hãy đi đến chỗ ấy,
    Hỏi kỹ về đạo pháp,
    Và sống đời Phạm hạnh,
    Dưới bậc Thế Tôn ấy.
  15. Như vậy, được khuyên bảo,
    Bởi vị nghĩ hạnh phúc,
    Vị thấy ở tương lai,
    Ðường tối thắng thanh tịnh.
    Do vậy Nà-la-ka,
    Với phước đức chất chứa,
    Sống với căn hộ trì,
    Chờ đợi bậc chiến thắng.
  16. Khi nghe tin Pháp luân,
    Ðược bậc chiến thắng chuyển,
    Ðến thấy được hoan hỷ,
    Bậc ẩn sĩ Ngưu vương,
    Hỏi Mâu ni tối thắng,
    Pháp Mâu ni tối thượng,
    Như A-xi-ta khuyên
    Trong buổi gặp gỡ trước.

(Kệ mở đầu đã xong)

  1. Lời A-xi-ta này,
    Con biết là như thật,
    Con hỏi Gotama,
    Ðường giải thoát mọi pháp.
  2. Không nhà, con đi đến
    Tìm hạnh người khất sĩ,
    Con hỏi bậc ẩn sĩ
    Hãy nói lên cho con,
    Con đường đạo tối thượng,
    Ðưa đến đạo Mâu-ni,
  3. Thế Tôn đáp như sau:
    Khó hành, khó thực hiện,
    Là đạo hạnh Mâu ni,
    Ta sẽ cho Ông biết,
    Hãy đến lắng tai nghe,
    Ta sẽ nói cho Ông,
    Hãy vững trí, an thần,
    Hãy kiên trì bền chí.
  4. Hãy tu hạnh Sa-môn,
    Không để bị dao động,
    Giữa khen chê trong làng,
    Hãy chế ngự tâm sân,
    Sống hạnh thật an tịnh,
    Không cống cao kiêu mạn.
  5. Tiếng cao thấp phát ra,
    Như ngọn lửa trong vườn,
    Nữ nhân hay cám dỗ,
    Chớ cám dỗ ẩn sĩ.
  6. Hãy từ bỏ dâm dục,
    Xả mọi dục cao thấp.
    Ðối hữu tình yếu mạnh,
    Không đối nghịch, tham đắm.
  7. Ta thế nào, họ vậy,
    Họ thế nào, Ta vậy,
    Lấy ngã làm ví dụ,
    Chớ giết, chớ bảo giết.
  8. Hãy bỏ dục, bỏ tham,
    Ðây phàm phu bị nắm,
    Bậc có mắt hành đạo,
    Vượt địa ngục, loài Người.
  9. Bụng đói, ăn chừng mực,
    Ít dục, không tham lam.
    Vị ấy không ham dục,
    Không dục, thật tịch tịnh.
  10. Sau khi đi khất thực,
    Ẩn sĩ vào rừng sâu,
    Ði đến dưới gốc cây,
    Sửa soạn ngồi an tịnh.
  11. Bậc Hiền trí hành thiền,
    Hoan hỷ trong rừng sâu,
    Hành thiền dưới gốc cây,
    Thỏa mãn sở thích mình.
  12. Khi đêm hết, sáng đến,
    Cần phải đi đến làng,
    Chớ hân hoan khất thực,
    Ðồ mang từ làng đi.
  13. ẩn sĩ không đi gấp,
    Ðến làng, giữa gia đình,
    Tìm ăn, cắt nói chuyện,
    Không nói chuyện liên hệ.
  14. Nếu được, thật là tốt,
    Không được, cũng là tốt,
    Nghĩ vậy, cả hai mặt,
    Vị ấy trở về cây.
  15. Ði với bát cầm tay,
    Không câm, dáng như câm,
    Chớ khinh, đồ cho ít,
    Không chê người đem cho.
  16. Bậc Sa-môn thuyết giảng,
    Con đường cao và thấp,
    Nhưng đến bờ bên kia,
    Không có hai con đường,
    Tuy vậy chớ nghĩ rằng,
    Ðường này chỉ là một.
  17. Với ai, không có tham,
    Tỷ-kheo cắt dòng nước,
    Ðoạn tận hành thiện ác,
    Vị ấy không sầu não.
  18. Thế Tôn lại nói thêm:
    Ta dạy cho các Ông
    Thức tri hạnh ẩn sĩ,
    Hãy tu như lưỡi dao,
    Với lưỡi ấn nóc họng,
    Hãy hạn chế bao tử.
  19. Tâm chớ có thụ động,
    Nhưng chớ nghĩ quá nhiều.
    Không hôi hám, độc lập,
    Sống cứu cánh Phạm hạnh
  20. Hãy tập ngồi một mình,
    Sống đúng hạnh Sa-môn.
    Sống một mình được gọi
    Là hạnh bậc ẩn sĩ,
    Nếu tự mình tìm được
    Thoải mái trong cô độc.
  21. Hãy chói sáng mười phương,
    Sau khi nghe tiếng nói,
    Của các bậc hiền sĩ,
    Hãy hành thiền, bỏ dục,
    Mong đệ tử của Ta,
    Tăng trưởng tâm và tín.
  22. Hãy học các dòng nước,
    Từ khe núi vực sâu.
    Nước khe núi chảy ồn,
    Biển lớn động im lặng.
  23. Cái gì trống kêu to,
    Cái gì đầy yên lặng,
    Ngu như ghè vơi nước,
    Bậc trí như ao đầy.
  24. Khi Sa-môn nói nhiều,
    Nói liên hệ đến đích,
    Tự biết nên thuyết pháp,
    Tự biết nên nói nhiều.
  25. Ai biết, biết tự chế,
    Ai biết, không nói nhiều,
    Vị ấy là ẩn sĩ,
    Xứng đáng hạnh ẩn sĩ,
    Vị ấy là ẩn sĩ,
    Ðạt được hạnh ẩn sĩ.

(XII) Kinh Hai Pháp Tuỳ Quán (Sn 139)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Ðông Viên, tại lâu đài mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ, trong ngày trai giới Uposatha, vào ngày rằm, trăng tròn, trong đêm rằm, Thế Tôn ngồi giữa trời với chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn nhìn xung quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, nói với các Tỷ-kheo:

– Này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng, đưa đến giác ngộ; này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng đưa đến giác ngộ ấy do lý do gì các Thầy nghe những pháp ấy? Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể được hỏi như vậy, các Thầy có thể trả lời cho những người câu hỏi ấy như sau: “Vì muốn có như thật trí đối với hai pháp”. Và nếu các Thầy nói: “Thế nào là hai?”. – “Ðây là khổ, đây là khổ tập”, đây là tuỳ quán thứ nhất. “Ðây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt”, đây là tùy quán thứ hai.

Này các Tỷ-kheo, như vậy do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.

Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Ai không tuệ tri khổ,
    Và hiện hữu của khổ,
    Và chỗ khổ hoàn toàn
    Ðược đoạn tận không dư,
    Vị ấy không biết đường,
    Ðưa đến khổ an tịnh.
  2. Không có tâm giải thoát,
    Không có tuệ giải thoát,
    Vị ấy không có thể
    Ðoạn tận sanh và già.
  3. Những ai tuệ tri khổ
    Và hiện hữu của khổ
    Và chỗ khổ hoàn toàn
    Ðược đoạn tận không dư,
    Vị ấy biết con đường,
    Ðưa đến khổ an tịnh.
  4. Ðầy đủ tâm giải thoát,
    Với trí tuệ giải thoát,
    Những vị ấy có thể
    Với trí tuệ giải thoát,
    Ðoạn tận sanh và già.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có chân chánh tuỳ quán hai pháp, theo một pháp môn khác không?” Các Thầy cần phải trả lời: “Có thể có”. Có thể có như thế nào? “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên sanh y”, đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. “Do sự đoạn diệt, ly tham, các sanh y không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán thứ hai.

– Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tuỳ quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.

Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Chính do duyên sanh y,
    Các khổ được sanh khởi,
    Tất cả các khổ đau,
    Sai biệt ở trên đời,
    Ai chính do vô minh
    Tạo lên sự sanh y,
    Kẻ ngu ấy gặp khổ
    Nối tiếp nhau sanh trưởng,
    Do vậy vị hiểu biết,
    Không tạo lên sanh y,
    Tuỳ quán được hiện hữu
    Của sanh và của khổ.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có chân chánh tùy quán hai pháp theo một pháp môn khác không?” Các Thầy cần phải trả lời: “Có thể có”. Có thể có như thế nào? “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên vô minh”, đây là tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai.

Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.

Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo sư lại nói thêm:

  1. Những ai tiếp tục rơi,
    Dòng luân chuyển sanh tử,
    Ðến hữu này hữu khác,
    Sanh thú do vô minh.
  2. Vô minh này, đại si,
    Ðưa đến luân chuyển dài,
    Chúng sanh, minh đạt được,
    Không còn phải tái sanh.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên các hành”, đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham, các hành không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo sư lại nói thêm:

  1. Phàm khổ gì hiện hữu,
    Tất cả duyên các hành,
    Do đoạn diệt các hành,
    Khổ không có hiện hữu.
  2. Do biết nguy hiểm này,
    Khổ do duyên các hành,
    Tịnh chỉ tất cả hành,
    Do phá hoại các tưởng,
    Như vậy, khổ được diệt,
    Biết như thực là vậy.
  3. Bậc Hiền trí chánh kiến,
    Hiểu biết, với chánh trí,
    Nhiếp phục Ma kiết sử,
    Không đi đến tái sanh.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức”, đây là tùy quán pháp thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham thức không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai.

Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, bậc Ðạo sư lại nói thêm:

  1. Phàm khổ gì hiện hữu,
    Tất cả do duyên thức,
    Với thức được đoạn diệt,
    Khổ không có hiện hữu.
  2. Do biết nguy hiểm hày,
    Khổ do duyên các thức,
    Tỷ-kheo tịnh chỉ thức,
    Không dục ái, tịch tịnh.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:…. “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên xúc”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham xúc không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai.

Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Những ai, xúc chi phối,
    Chạy theo dòng sanh hữu,
    Những người hành tà đạo,
    Xa vời diệt kiết sử.
  2. Những ai liễu tri xúc,
    Nhờ trí, thích an tịnh,
    Do họ thắng tri xúc,
    Không dục ái, tịch tịnh.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thọ”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham thọ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Với lạc thọ, khổ thọ,
    Hay bất khổ, bất lạc;
    Nội thọ và ngoại thọ,
    Phàm có cảm thọ gì.
  2. Biết được đây là khổ,
    Giả dối bị hủy hoại.
    Thấy các xúc hoại diệt,
    Như vậy, đây ly tham,
    Tỷ-kheo diệt các thọ,
    Không dục ái, tịch tịnh.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên ái”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham ái, không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chán tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Người có ái bạn đường,
    Bị luân chuyển dài dài,
    Ðến hữu này, hữu khác,
    Luân chuyển không dừng nghỉ.
  2. Do biết nguy hiểm nầy,
    Chính ái tác thành khổ,
    Ly ái, không chấp thủ,
    Chánh niệm, Tỷ-kheo hành.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:…. “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thủ”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham thủ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Do duyên thủ, có hữu,
    Do hữu, đi đến khổ,
    Từ sanh nên có chết,
    Ðây hiện hữu của khổ.
  2. Do vậy, bậc Hiền trí,
    Diệt thủ, nhờ chánh trí,
    Nhờ thắng trí sanh diệt,
    Không đi đến tái sanh.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên khởi xướng”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Do đoạn diệt ly tham khởi xướng không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Phàm khổ gì hiện hữu,
    Tất cả duyên khởi xướng,
    Do đoạn diệt khởi xướng,
    Khổ không có hiện hữu.
  2. Do biết nguy hiểm này,
    Khổ do duyên khởi xướng,
    Từ bỏ mọi khởi xướng,
    Không khởi xướng, giải thoát.
  3. Do đoạn tận hữu ái,
    Tâm Tỷ-kheo tịch tịnh,
    Vượt khỏi sanh luân chuyển
    Vị ấy không tái sanh.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức ăn”, đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham thức ăn không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Phàm khổ gì hiện hữu,
    Tất cả duyên thức ăn,
    Do đoạn diệt thức ăn,
    Khổ không có hiện hữu.
  2. Do biết nguy hiểm này,
    Khổ do duyên thức ăn,
    Liễu tri mọi thức ăn,
    Không y mọi thức ăn.
  3. Nhờ chánh trí không bệnh,
    Ðoạn diệt các lậu hoặc,
    Thọ dụng các thức ăn,
    Giác sát, trú Chánh pháp,
    Vị đạt được trí tuệ,
    Không rơi vào ước lượng.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên dao động”, đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. “Do đoạn diệt, ly tham dao động không có dư tàn, khổ không có hiện hữu”, đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Phàm khổ gì hiện hữu,
    Tất cả duyên dao động,
    Do đoạn diệt dao động,
    Khổ không có hiện hữu.
  2. Do biết nguy hiểm này,
    Khổ do duyên dao động,
    Do vậy, bỏ dao động,
    Chận dừng lại các hành,
    Không có gì chướng ngại
    Không chấp thủ, chánh niệm,
    Vị Tỷ-kheo bộ hành,
    Khắp tất cả chân trời.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:… “Ai có nương tựa, thì bị dao động”, đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. “Ai không có nương tựa, không bị dao động”, đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Không nương tựa, không động,
    Nương tựa có chấp thủ,
    Chấp hữu này, hữu khác,
    Không chinh phục luân chuyển.
  2. Sau khi rõ biết được,
    Nguy hiểm tai hại nầy,
    Trong các sự nương tựa,
    Có sợ hãi lớn lao,
    Không nương tựa y chỉ,
    Không chấp thủ, chánh niệm,
    Vị Tỷ-kheo bộ hành,
    Khắp tất cả chân trời.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có như thế nào?” Này các Tỷ-kheo “Các pháp vô sắc an tịnh hơn các sắc pháp”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. “Sự đoạn diệt an tinh hơn các pháp vô sắc”, đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Chúng sanh thuộc sắc giới,
    Chúng sanh trú vô sắc,
    Không tuệ tri đoạn diệt,
    Chúng đi đến tái sanh.
  2. Những ai liễu tri sắc,
    Khéo an trú vô sắc,
    Giải thoát trong đoạn diệt,
    Họ từ bỏ sự chết.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có như thế nào?” Này các Tỷ-kheo, “Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: “Ðây là sự thật”, cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này là hư vọng”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, “Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: “Ðây là hư vọng”, cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này là chân thật”, đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Hãy xem thế giới nầy,
    Với thế giới chư Thiên,
    Hoan hỷ với phi ngã,
    An trú trên danh sắc,
    Nghĩ rằng danh sắc này
    Là chân thật không ngụy.
  2. Dầu họ nghĩ thế nào,
    Khi danh sắc đổi khác,
    Danh sắc là hư vọng,
    Giả dối sống tạm bợ,
  3. Niết-bàn không hư ngụy,
    Bậc Thánh chân thật biết,
    Họ thắng tri chân thật,
    Không ái dục, tịch tịnh.

Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: “Có thể có như thế nào?” Này các Tỷ-kheo, “Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: “Ðây là an lạc”, cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này là khổ”, đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, “Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: “Ðây là khổ”, cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: “Cái này là lạc”, đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.

Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

  1. Sắc, tiếng, hương, vị, xúc,
    Tất cả những pháp này,
    Khả lạc, hỷ, khả ý,
    Khi nào chúng hiện hữu.
  2. Thế giới với chư Thiên
    Xem chúng là khả lạc,
    Khi chúng bị hoại diệt,
    Mới thấy chúng là khổ.
  3. Bậc Thánh thấy là lạc,
    Khi có thân đoạn diệt,
    Ðây hoàn toàn trái ngược,
    Ðiều mọi giới được thấy.
  4. Ðiều người khác gọi lạc,
    Bậc Thánh gọi là khổ,
    Ðiều người khác gọi khổ,
    Bậc Thánh biết là lạc,
    Hãy xem pháp khó biết,
    Kẻ không thấy mê mờ.
  5. Kẻ bị che, tối tăm,
    Kẻ không thấy, tối mù,
    Bậc thiện, được rộng mở,
    Bậc thấy, được ánh sáng,
    Kẻ ngu dầu có gần,
    Cũng không biết con đường,
    Cũng không có thiện xảo,
    Ðối Chánh pháp Phật dạy.
  6. Bị hữu tham chiến bại,
    Bị trôi theo dòng hữu,
    Rơi vào Ma chi phối,
    Pháp này khó chánh giác.
  7. Ai ngoài các bậc Thánh,
    Xứng đáng đạo chánh giác.
    Do chánh trí đạo ấy
    Chứng vô lậu Niết-bàn.

Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỉ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi pháp này được giảng, tâm của hơn sáu mươi Tỷ-kheo giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Chương Bốn – Phẩm Tám

(I) Kinh về Dục (Sn 151)

  1. Ai ao ước được dục,
    Nếu dục được thành tựu,
    Chắc tâm ý hoan hỷ,
    Ðược điều con người muốn.
  2. Nếu người có dục ấy,
    Ước muốn được sanh khởi,
    Các dục ấy bị diệt,
    Bị khổ như tên đâm.
  3. Ai tránh né các dục
    Như chân tránh đầu rắn,
    Chánh niệm vượt thoát được,
    Ái triền này ở đời.
  4. Người nào tham đắm dục,
    Ruộng đất, vàng, bò, ngựa,
    Người nô tỳ, phục vụ,
    Nữ nhân và bà con.
  5. Như người không sức lực,
    Bị các dục chinh phục,
    Tai họa dẫm đạp nó,
    Khổ đau bước theo nó,
    Như nước ùa tràn vào,
    Chiếc thuyền bị vỡ nát.
  6. Do vậy người thường niệm,
    Từ bỏ các loài dục,
    Bỏ dục, vượt bộc lưu,
    Tát thuyền đến bờ kia.

(II) Kinh Hang Ðộng tám kệ (Sn 151)

  1. Chúng sanh vào trong hang,
    Chấp chặt bị bao trùm,
    Người có thái độ vậy,
    Chìm sâu trong si mê.
    Hạnh viễn ly với nó,
    Như vậy thật xa vời,
    Các dục ở trong đời,
    Không dễ gì đoạn tận.
  2. Dục cầu làm nhân duyên,
    Bị lạc hữu trói buộc,
    Họ rất khó giải thoát,
    Không thể có người khác,
    Ðến giải thoát cho mình,
    Họ cầu việc đã qua,
    Họ mong việc chưa lại;
    Họ tham đắm các dục,
    Những dục này hiện tại,
    Và những dục quá khứ.
  3. Ai tham đắm các dục,
    Bị trí buộc si mê,
    Họ xan tham keo kiết.
    An trú trên bất chánh,
    Khi rơi vào đau khổ,
    Họ sầu muộn than khóc,
    Ở đây sau khi chết,
    Tương lai sẽ thế nào?
  4. Do vậy ở tại đây,
    Con người cần học tập,
    Những gì mình biết được,
    Là bất chánh ở đời.
    Do nhân duyên như vậy,
    Mà sống không bất chánh,
    Vì rằng bậc Thánh nói:
    Ngắn thay, sanh mạng này.
  5. Ta thấy ở trên đời,
    Loài Người run, sợ hãi,
    Ði đến khát ái này,
    Trong những loại sanh hữu.
    Phàm những người thấp kém,
    Than van trước miệng chết,
    Chưa viễn ly khát ái,
    Ðối với hữu, phi hữu.
  6. Hãy nhìn những người ấy,
    Run sợ trong tự ngã,
    Như cá chỗ ít nước,
    Trong dòng sông khô cạn,
    Thấy được sự kiện này,
    Hãy sống không của ta,
    Không làm sự việc gì,
    Khiến tham đắm các hữu.
  7. Hãy nhiếp phục ước muốn,
    Ðối với hai cực đoan,
    Nhờ liễu tri các xúc,
    Không còn có tham đắm,
    Cái gì tự ngã trách,
    Cái ấy không có làm,
    Bậc trí không bị nhớp,
    Bởi những gì thấy nghe.
  8. Do liễu tri các tưởng,
    Vượt qua khỏi bộc lưu,
    Bậc Mâu-ni không nhiễm,
    Ðối với mọi chấp thủ,
    Với mũi tên rút ra,
    Sở hành không phóng dật,
    Không cầu mong đời này,
    Không mong ước đời sau.

(III) Kinh Sân Hận tám kệ (Sn 153)

  1. Thật có một số người
    Nói lên với ác ý,
    Và thật cũng có người,
    Nói lên ý chân thật.
    Dầu có lời nói gì,
    ẩn sĩ không liên hệ,
    Do vậy bậc Mâu-ni,
    Không chỗ nào hoang vu.
  2. Người ước muốn dắt dẫn,
    Thiên trú điều sở thích,
    Làm sao từ bỏ được,
    Ðiều tà kiến của mình,
    Khi tự mình tác thành,
    Quan điểm riêng của mình,
    Như điều nọ được biết,
    Hãy để nó nói vậy.
  3. Người không có ai hỏi,
    Lại nói cho người khác,
    Biết đến những giới cấm,
    Của tự cá nhân mình.
    Bậc thiện xảo nói rằng,
    Như vậy không Thánh pháp,
    Nếu ai tự nói lên
    Lời tán thán tự ngã.
  4. Vị Tỷ-kheo an tịnh,
    Sống hết sức tịch tịnh,
    Khi tán thán giới đức,
    Không nói “Tôi là vậy”.
    Bậc thiện xảo nói rằng
    Như vậy là Thánh pháp
    Với vị ấy đề cao,
    Ở đời, không khởi lên.
  5. Với những ai các pháp,
    Ðược sửa soạn tác thành,
    Ðược đặt ra phía trước,
    Không phải không tranh luận,
    Khi đã thấy lợi ích,
    Trên tự thân của mình,
    Y đấy, duyên dao động,
    Ðạt được sự tịch tịnh.
  6. Ðối với các thiên kiến,
    Không dễ gì vượt qua,
    Thẩm sát các pháp xong,
    Mới tác thành chấp trước.
    Do vậy là con người,
    Ðối với trú xứ ấy,
    Có khi quyết từ bỏ,
    Có khi chấp nhận Pháp.
  7. Vị tẩy sạch loại bỏ,
    Không tìm được ở đời,
    Các kiến được sửa soạn,
    Ðối với hữu, phi hữu.
    Bỏ man trá, kiêu mạn,
    Vị tẩy sạch loại bỏ,
    Vị ấy đi với gì,
    Vị ấy không chấp thủ.
  8. Với ai có chấp thủ,
    Bị chỉ trích trong Pháp,
    Với ai không chấp thủ,
    Lấy gì có thể nói?
    Chính đối với vị ấy,
    Ngã, phi ngã đều không,
    Vị ấy đã tẩy sạch,
    Mọi tà kiến ở đời.

(IV) Kinh Thanh Tịnh tám kệ (Sn 154)

  1. Ta thấy vị thanh tịnh,
    Vị tối thượng, không bệnh,
    Sự thanh tịnh con người,
    Với tri kiến, đạt được.
    Nắm giữ quan điểm này.
    Xem đấy là tối thượng,
    Vị này sẽ xem trí,
    Là tùy quán thanh tịnh.
  2. Nếu thanh tịnh con người,
    Do tri kiến đạt được,
    Hay với trí vị ấy,
    Từ bỏ sự đau khổ
    Vị ấy có sanh y,
    Ngoài Thánh đạo được tịnh,
    Vị ấy nói như vậy,
    Do tri kiến cá nhân.
  3. Bà-la-môn không nói,
    Ngoài Thánh đạo được tịnh,
    Với điều được thấy nghe,
    Giới đức, được thọ tưởng;
    Với công đức, ác đức,
    Vị ấy không nhiễm trước,
    Từ bỏ mọi chấp ngã,
    Không làm gì ở đời.
  4. Từ bỏ tri kiến cũ,
    Y chỉ tri kiến mới,
    Ði đến sự tham đắm,
    Không vượt qua ái dục;
    Họ nắm giữ chấp trước,
    Họ từ bỏ xa lánh,
    Như khỉ thả cành này,
    Rồi lại nắm cành khác,
  5. Người tự mình chấp nhận,
    Các chủng loại giới cấm,
    Ði chỗ cao chỗ thấp,
    Sống bị tưởng chi phối;
    Người có trí rộng lớn,
    Nhờ trí tuệ, quán pháp,
    Có trí, không đi đến
    Các pháp cao và thấp.
  6. Vị ấy đạt thù thắng,
    Trong tất cả các pháp,
    Phàm có điều thấy, nghe,
    Hay cảm thọ, tưởng đến;
    Với vị tri kiến vậy,
    Sống đời sống rộng mở,
    Không bị ai ở đời,
    Có thể chi phối được.
  7. Họ không tác thành gì,
    Họ không đề cao gì,
    Họ không có nói lên,
    Ðây tối thắng thanh tịnh,
    Không dính líu tham đắm,
    Mọi chấp trước triền phược,
    Họ không tạo tham vọng,
    Bất cứ đâu ở đời.
  8. Với vị Bà-la-môn
    Ðã vượt khỏi biên giới,
    Sau khi biết và thấy,
    Không có kiến chấp trước.
    Tham ái không chi phối,
    Cũng không tham, ly tham,
    Vị ấy ở đời này,
    Không chấp thủ gì khác.

(V) Kinh Tối Thắng tám kệ (Sn 156)

  1. Ai thiên trú trong kiến,
    Xem kiến ấy tối thắng,
    Ở đời đặt kiến ấy,
    Vào địa vị tối thượng.
    Người ấy nói tất cả,
    Người khác là hạ liệt,
    Do vậy không vượt khỏi,
    Sự tranh luận ở đời.
  2. Khi nó thấy lợi ích,
    Ðến với tự ngã nó,
    Ðối với vật thấy nghe,
    Giới đức hay thọ tưởng;
    Vị ấy ở tại đấy,
    Liền chấp trước nắm giữ,
    Nó thấy mọi người khác,
    Là hạ liệt thấp kém.
  3. Người y chỉ kiến ấy,
    Thấy người khác hạ liệt,
    Bậc thiện nói như vậy,
    Ðấy là sự trói buộc;
    Do vậy đối thấy nghe,
    Thọ, tưởng hay giới cấm,
    Bậc Tỷ-kheo không có
    Y chỉ, nương tựa vào.
  4. Chớ có tác thành ra
    Tri kiến ở trên đời,
    Từ ở nơi chánh trí,
    Hay từ nơi giới đức,
    Không bận tâm so sánh,
    Tự ngã bằng người khác,
    Không có suy nghĩ đến,
    Ðây “liệt ” hay đây “thắng”.
  5. Ðoạn tận, từ bỏ ngã,
    Không chấp thủ sự gì,
    Không tác thành, dựng nên,
    Nương tựa ở nơi trí,
    Chân thật giữa tranh chấp
    Không theo phe phái nào,
    Vị ấy không đi theo
    Một loại tri kiến nào.
  6. Với ai, hay cực đoan,
    Không có hướng nguyện gì,
    Với hữu và phi hữu,
    Hay đời này đời sau,
    Vị ấy không an trú,
    Tại một trú xứ nào,
    Từ bỏ mọi chấp thủ,
    Ðối với tất cả pháp.
  7. Ðối vị ấy ở đây,
    Những gì được thấy nghe,
    Ðược cảm thọ tưởng đến,
    Chút suy tưởng cũng không;
    Vị Bà-la-môn ấy
    Không chấp thủ tri kiến,
    Không ai ở đời này
    Có thể chi phối được.
  8. Họ không tác thành gì,
    Họ không đề cao gì,
    Các pháp không được họ,
    Chấp trước nắm giữ gì
    Không một Phạm chí nào,
    Bị giới cấm dắt dẫn,
    Ði đến bờ bên kia,
    Vị ấy không trở lui.

(VI) Kinh Già (Sn 158)

  1. Sinh mạng này ngắn thay,
    Trong trăm năm, rồi chết,
    Nếu ai sống hơn nữa,
    Rồi cũng chết vì già.
  2. Loài Người sầu vì ngã,
    Mọi chấp thủ vô thường,
    Trống không là đời này,
    Thấy vậy sống không nhà.
  3. Vì loài Người nghĩ rằng
    Cái này là của tôi,
    Cái ấy bị sự chết,
    Làm hoại diệt hư tàn.
    Biết vậy, bậc Hiền trí,
    Không gọi, không hướng đến,
    Cái này ngã của ta,
    Cái này là của ta.
  4. Như những gì hiện lên,
    Trong giấc ngủ mộng mị,
    Con người khi tỉnh dậy,
    Không còn thấy được gì.
    Cũng vậy ở đời này,
    Người được ưa, ái luyến,
    Rồi sẽ chết mất đi,
    Không ai còn thấy được.
  5. Các loại hạng người ấy
    Ðược thấy và được nghe,
    Nên họ được gọi tên,
    Tên này hay tên khác.
    Với người đã chết đi,
    Chỉ được gọi tên không,
    Vì chỉ có tên suông,
    Sẽ được còn tồn tại.
  6. Tham đắm cái của ta,
    Họ không có từ bỏ,
    Sầu khổ và than van,
    Cùng xan tham keo kiết.
    Do vậy bậc ẩn sĩ,
    Sau khi bỏ chấp thủ,
    Ðã sống một đời sống,
    Thấy được sự an ổn.
  7. Ðối với vị Tỷ-kheo
    Sống thanh vắng một mình,
    Sống tu tập tâm ý,
    Hướng đến hạnh viễn ly,
    Nếp sống vậy được nói,
    Hòa hợp với vị ấy,
    Và không nêu tự ngã,
    Trong hiện hữu của mình.
  8. Vị ẩn sĩ không tựa,
    Không y chỉ một ai,
    Không làm thành thương yêu,
    Không tác thành ghét bỏ.
    Do vậy trong sầu than,
    Trong xan tham keo kiết,
    Như nước trên lá cây,
    Không dính ướt làm nhơ.
  9. Giống như một giọt nước,
    Không dính ướt hoa sen,
    Như nước trên bông sen,
    Khôn dính ướt làm nhơ.
    Ðối với vật thấy nghe,
    Ðược cảm thọ tưởng đến,
    Cũng vậy bậc ẩn sĩ
    Không dính ướt tham đắm.
  10. Do vậy bậc tẩy sạch,
    Không có suy tư đến,
    Ðiều được thấy được nghe,
    Ðược cảm thọ tưởng đến.
    Vị ấy muốn thanh tịnh,
    Không có dựa gì khác,
    Vị ấy không tham đắm,
    Cũng không có ly tham.

(VII) Kinh Tissametteyya (Sn 160)

  1. Tissa Metteyya,
    Tôn giả nói như sau:
    Thế Tôn hãy nói lên,
    Sự tai hại của người,
    Ðắm say về dâm dục,
    Sau khi nghe, chúng con
    Sẽ học tập lời Ngài,
    Lời dạy về viễn ly.
  2. Thế Tôn nói như sau:
    Hỡi này Metteyya,
    Ai đắm say dâm dục,
    Quên mất lời giảng dạy,
    Rơi vào đường tà vạy,
    Nếp sống ấy không thánh.
  3. Ai trước sống một mình,
    Nay rơi vào dâm dục,
    Như xe bị nghiêng ngã,
    Người ấy ở trong đời,
    Ðược gọi là phàm phu,
    Ðược gọi là hạ liệt.
  4. Tiếng tốt có từ trước,
    Người ấy bị tổn giảm,
    Thấy vậy hãy học tập,
    Từ bỏ sự dâm dục.
  5. Chi phối bởi suy tư,
    Trầm ngâm như kẻ nghèo,
    Nghe tiếng trách người khác,
    Như kẻ bị thất vọng.
  6. Bị người khác buộc tội,
    Nó làm các đao kiếm,
    Trở thành người tham lớn,
    Chấp thủ điều vọng ngôn.
  7. Ðược danh là Hiền trí,
    An trú sống một mình,
    Nếu rơi vào dâm dục,
    Sầu não như kẻ ngu.
  8. Thấy nguy hại như vậy,
    Bậc ẩn sĩ trước sau,
    Kiên trì sống cô độc,
    Không thực hành dâm dục.
  9. Hãy học tập viễn ly,
    Ðây hạnh thánh tối thượng,
    Không nghĩ mình tối thắng,
    Dầu gần được Niết-bàn.
  10. Sở hành bậc ẩn sĩ,
    Trống không, không mong dục,
    Bậc vượt khỏi bộc lưu,
    Ðược các người ở đời,
    Bị tham dục trói buộc,
    Ganh tị và thèm muốn.

(VIII) Kinh Pasùra (Sn 161)

  1. Ở đây chính thanh tịnh,
    Họ thuyết giảng như vậy,
    Họ nói trong pháp khác,
    Không có sự thanh tịnh,
    Họ nói chỗ y chỉ,
    Ở đây là thanh tịnh,
    Họ rộng rãi an trú,
    Trong sự thật của mình.
  2. Những ai muốn tranh luận,
    Sau khi vào hội chúng,
    Họ công kích lẫn nhau,
    Họ gọi nhau là ngu,
    Họ đi đến người khác,
    Và khởi lên tranh luận,
    Họ muốn được tán thán,
    Họ gọi chúng thiện xảo.
  3. Ham mê thích tranh luận,
    Ở giữa các hội chúng,
    Ước muốn được tán thán,
    Họ sợ hãi thất bại,
    Khi bị đánh thất bại,
    Họ trở thành rủn chí,
    Bị chê, họ nổi giận,
    Kẻ tìm lỗi người khác.
  4. Khi các nhà thẩm sát,
    Phê bình các câu hỏi,
    Tuyên bố cuộc tranh luận,
    Ði đến chỗ thất bại,
    Kẻ nói lời hạ liệt,
    Than khóc và sầu não,
    Họ rên rỉ than van,
    Nó đã đánh bại ta.
  5. Giữa các vị Sa-môn,
    Các tranh luận khởi lên,
    Trong các tranh luận này,
    Có chiến thắng chiến bại.
    Do thấy rõ như vậy,
    Không vui thích tranh luận
    Dầu có được tán thán,
    Cũng không lợi ích gì.
  6. Hay trong tranh luận này,
    Nó được lời tán thán,
    Sau khi đã nói lên,
    Chính giữa các hội chúng.
    Do vậy nó vui cười,
    Nó tự hào kiêu hãnh,
    Ðạt được mục đích ấy,
    Như tâm ý nói lên.
  7. Cái làm nó cống cao,
    Cũng là đất hại nó,
    Tuy vậy nó vẫn nói,
    Lời cống cao kiêu mạn,
    Khi thấy được như vậy,
    Hãy đừng có tranh luận,
    Bậc thiện xảo nói rằng,
    Thanh tịnh không do vậy.
  8. Cũng như bậc anh hùng,
    Nuôi dưỡng đồ ăn vua,
    La hét muốn tìm cầu,
    Một địch thủ anh hùng,
    Ôi anh hùng hãy tránh,
    Chỗ nào có vị ấy,
    Từ trước đã không có,
    Sự đấu tranh như vậy.
  9. Những ai chấp tri kiến,
    Tranh luận về kiến ấy,
    Tuyên bố thuyết giảng rằng:
    Chỉ đây là sự thật,
    Ông hãy nói với họ,
    Ở đây không tranh luận,
    Ông hãy nói thêm rằng
    Ở đây không địch thủ.
  10. Cuộc chiến đấu đã tàn,
    Những ai sống như vậy,
    Không có sự va chạm,
    Giữa kiến này kiến khác,
    Hỡi này Pasùra!
    Ông được gì nơi họ,
    Với người không chấp thủ,
    Một sự gì tối thượng?
  11. Vậy Ông hãy đi đến,
    Suy tư ngẫm nghĩ kỹ,
    Với tâm ý suy tư,
    Trên những loại tri kiến,
    Hãy hoà đồng chung hợp,
    Với bậc đã tẩy sạch,
    Ông không có thể không
    Cùng vị ấy tiến bước.

(IX) Kinh Màgandiya (SN 163)

Thế Tôn:

  1. Sau khi thấy khát ái,
    Bất lạc và tham đắm,
    Không thể có ưa muốn,
    Ðối với sự dâm dục.
    Sao, với bao đầy tràn,
    Nước tiểu, phân uế này,
    Ta không có ước muốn,
    Với chân động chạm nó.

Màgandiya:

  1. Nếu Ngài không ước muốn:
    Ngọc báu như thế này,
    Nữ nhân được mong cầu,
    Bởi rất nhiều đế vương,
    Hãy nói như thế nào,
    Là tri kiến của Ngài,
    Giới cấm và sinh mạng,
    Cùng sự hữu phát sanh.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn liền trả lời,
    Cho Màgandiya,
    Với Ta không có nói,
    Ta nói như thế này,
    Sau khi quán sát kỹ
    Sự chấp thủ trong pháp,
    Trong tất cả tri kiến,
    Ta không có chấp trước,
    Ta thấy sự cất chứa,
    Tịch tịnh trong nội tâm.

Màgandiya:

  1. Màgandiya nói:
    Các lý thuyết quyết định,
    Ngài nói vị ẩn sĩ,
    Không nắm giữ thuyết nào.
    Còn về ý nghĩa này,
    Của hai chữ nội tịnh,
    Thế nào là bậc Hiền trí,
    Hiểu biết hai chữ ấy?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói như sau:
    Này Màgandiya,
    Không phải từ tri kiến,
    Từ truyền thống, từ trí,
    Không phải từ giới cấm,
    Thanh tịnh được đem đến.
    Người ta nói như vậy,
    Nhưng cũng không phải là
    Không kiến, không truyền thống,
    Không trí, không giới cấm,
    Từ bỏ tất cả chúng,
    Không chấp thủ sự gì,
    Bậc thiện không y chỉ,
    Không ước muốn sanh hữu.

Màgandiya:

  1. Màgandiya nói:
    Nếu không từ tri kiến,
    Từ truyền thống, từ trí,
    Không phải từ giới cấm,
    Thanh tịnh được đưa đến.
    Người ta nói như vậy,
    Cũng không phải không kiến,
    Không truyền thống, không trí,
    Không giới luật giới cấm,
    Thanh tịnh được đem đến
    Con nghĩ rằng pháp vậy,
    Là pháp kẻ ngu si,
    Vì rằng thật có người,
    Nhờ kiến đến thanh tịnh.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói như sau:
    Này Màgandiya,
    Nếu y vẫn tri kiến,
    Ông còn tiếp tục hỏi,
    Chính do những chấp thủ,
    Ði đến sự ngu si,
    Từ đó, Ông không thấy,
    Một chút gì về tưởng,
    Do vậy, Ông chớ thấy,
    Tất cả là ngu si.
  2. Bằng ta thắng hơn ta,
    Hay thấp kém hơn ta,
    Ai suy nghĩ như vậy,
    Do vậy đấu tranh khởi,
    Ai không bị dao động
    Bởi ba vấn đề ấy,
    Như vậy, đối vị ấy,
    Không bằng, không thù thắng.
  3. Sao Bà-la-môn ấy
    Lại nói: “Ðây sự thật “,
    Ðây chính là nói láo,
    Ðể gây nên tranh luận,
    Với ai không hề có,
    Bằng nhau, không bằng nhau.
    Do đâu nó có thể,
    Mắc vào tranh luận được.
  4. Ðoạn tận mọi nhà cửa,
    Sống là kẻ không nhà,
    Ẩn sĩ không thân thiết,
    Với một ai ở làng,
    Trống không các dục vọng,
    Không xem trọng sự gì,
    Không nói chuyện tranh luận,
    Với một ai ở đời.
  5. Vị ấy sống viễn ly,
    Mọi sự việc ở đời,
    Bậc Long tượng không chấp,
    Và không nói đến họ.
    Như hoa sen có gai,
    Sanh ra ở trong nước,
    Không bị nước và bùn,
    Mắc dính và thấm ướt.
    Như vậy bậc ẩn sĩ,
    Nói an tịnh, không tham,
    Không bị dục và đời,
    Mắc dính và thấm ướt.
  6. Bậc trí, không do kiến,
    Cũng không do thọ tưởng,
    Ði đến sự kiêu mạn,
    Không có tham dự vào,
    Không để cho hành động,
    Cho truyền thống dắt dẫn,
    Không để bị chi phối,
    Trong trú xứ của ý.
  7. Người không ưa thích tưởng,
    Không có bị trói buộc,
    Vị được tuệ giải thoát,
    Không có sự si mê,
    Và những ai chấp thủ,
    Tư tưởng và tri kiến,
    Người ấy sống xung đột,
    Với mọi người ở đời.

(X) Kinh Trước khi bị hủy hoại (Sn 166)

Người hỏi:

  1. Người sống đời an tịnh,
    Kiến và giới thế nào?
    Con hỏi Gotama,
    Là bậc người tối thượng.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn đáp như sau:
    Ly ái trước thân hoại,
    Không y chỉ ban đầu,
    Không y chỉ cuối cùng,
    Không kể đến vật giữa,
    Không có ưa thích nào.
  2. Không phẫn nộ, không sợ,
    Không khoa đại, không hối,
    Nói hòa nhã, không động,
    Bậc ẩn sĩ thận ngôn.
    Không ước vọng tương lai,
    Không sầu muộn quá khứ,
    Thấy viễn ly giữa xúc,
    Không để kiến dắt dẫn.
  3. Sống riêng, không man trá,
    Không thích, không xan tham,
    Không xông xáo nhàm chán,
    Không đi đến hai lưỡi.
  4. Không mê vật khả ái,
    Cũng không có quá mạn,
    Nhu hòa, nhưng ứng biện,
    Không vọng tín, không tham.
  5. Không tu tập vì lợi,
    Không được lợi, không sân,
    Không bị ái kích thích,
    Không đam mê các vị.
  6. Thường trú xả, chánh niệm,
    Ở đời, không nghĩ mình,
    Bằng hơn hay thua người,
    Vị ấy, không bồng bột.
  7. Không y chỉ một ai,
    Biết pháp, không y chỉ,
    Vị ấy không có ái,
    Ðối với hữu, phi hữu.
  8. Ta gọi vị an tịnh,
    Không mong cầu các dục,
    Vị ấy không triền phược,
    Vượt khỏi các tham trước.
  9. Vị ấy không con cái,
    Thú vật, ruộng, đất đai,
    Không có gì nắm lấy,
    Là ta, là không ta.
  10. Phàm phu có buộc tội,
    Hoặc Sa-môn, Phạm chí,
    Vị ấy không quan tâm,
    Trong lời nói không động,
  11. Không tham, không xan lẫn,
    Ẩn sĩ không nói cao,
    Không nói bằng, nói thấp,
    Không đi đến thời kiếp,
    Vì vị ấy vượt khỏi,
    Sự chi phối thời kiếp.
  12. Ai không có vật gì,
    Không có, không sầu muộn,
    Không đi đến các pháp,
    Vị ấy gọi an tịnh.

(XI) Kinh Tranh luận (Sn 168)

Người hỏi:

  1. Từ đâu được khởi lên,
    Các tranh luận, đấu tranh,
    Than van và sầu muộn,
    Cùng với tánh xan tham,
    Mạn và tăng thượng mạn,
    Kể cả với hai lưỡi,
    Từ đâu chúng sanh nhiều,
    Mong Ngài hãy nói lên.

Thế Tôn:

  1. Từ ái sanh khởi nhiều,
    Các tranh luận, đấu tranh
    Than van và sầu muộn,
    Cùng với tánh xan tham,
    Mạn và tăng thượng mạn,
    Kể cả với hai lưỡi,
    Các tranh luận, đấu tranh,
    Ðều liên hệ xan tham,
    Những lời nói hai lưỡi,
    Khởi lên từ tranh luận.

Người hỏi:

  1. Do những nhân duyên nào,
    Khả ái sanh ở đời?
    Hay những tham lam nào,
    Ðược lưu hành ở đời?
    Ước vọng và thành đạt,
    Là do nhơn duyên nào?
    Khiến loài Người được sanh,
    Trong thời gian tương lai?

Thế Tôn:

  1. Do ước muốn là nhân,
    Khả ái sanh ở đời,
    Hay với những tham lam,
    Ðược lưu hành ở đời,
    Ước vọng và thành đạt,
    Do ước muốn làm nhân,
    Khiến loài Người được sanh,
    Trong thời gian tương lai.

Người hỏi:

  1. Ước muốn sanh ở đời
    Là do nhân duyên nào?
    Hay cả những quyết định,
    Do nhân nào được sanh?
    Phẫn nộ và vọng ngữ,
    Cùng với cả nghi hoặc,
    Hoặc là những pháp nào,
    Ðược Sa-môn nói đến?

Thế Tôn:

  1. Khả ý, bất khả ý,
    Ðược gọi vậy ở đời,
    Do y chỉ nơi chúng,
    Ước muốn được sanh khởi.
    Sau khi thấy trong sắc,
    Cả hữu và phi hữu,
    Chúng sanh mới làm được,
    Những quyết định ở đời.
  2. Phẫn nộ và vọng ngữ,
    Cùng với cả nghi hoặc,
    Những pháp này lưu hành,
    Khi pháp đôi có mặt,
    Kẻ nghi hãy học tập,
    Trên con đường chánh trí,
    Sau khi biết các pháp,
    Do Sa-môn thuyết giảng.

Người hỏi:

  1. Khả ý, bất khả ý,
    Là do nhân duyên nào,
    Do cái gì không có,
    Họ không có hiện hữu.
    Còn về ý nghĩa này,
    Về phi hữu và hữu,
    Hãy nói cho chúng con,
    Nguyên nhân gì chúng sanh?

Thế Tôn:

  1. Do nhân duyên cảm xúc,
    Khả ý, bất khả ý,
    Nếu không có cảm xúc,
    Họ cũng không hiện hữu,
    Còn về ý nghĩa này,
    Về phi hữu và hữu,
    Ta nói cho Ông rõ,
    Nguyên nhân này, chúng sanh.

Người hỏi:

  1. Còn cảm xúc ở đời,
    Do nhân gì sanh khởi,
    Hay các loại chấp thủ,
    Do từ đâu sanh nhiều,
    Do cái gì không có,
    Ngã sở hữu không có,
    Cái gì không hiện hữu,
    Khiến không có cảm xúc?

Thế Tôn:

  1. Do duyên danh và sắc,
    Nên có các cảm xúc,
    Do nhân các ước muốn,
    Nên có những chấp thủ,
    Nếu ước muốn không có,
    Ngã sở hữu cũng không,
    Do sắc không hiện hữu,
    Khiến không có cảm xúc.

Người hỏi:

  1. Sở hành như thế nào,
    Sắc pháp không hiện hữu,
    An lạc và khổ đau,
    Thế nào không có mặt,
    Hãy nói lên cho con,
    Không có như thế nào,
    Chúng con muốn được biết,
    Tâm ý con nói vậy.

Thế Tôn:

  1. Không có tưởng các tưởng,
    Không có tưởng vô tưởng,
    Phi tưởng cũng không có,
    Vô hữu tưởng cũng không.
    Do sở hành như vậy,
    Sắc pháp không hiện hữu,
    Do nhân duyên các tưởng,
    Hý luận được hình thành.

Người hỏi:

  1. Ngài đã nói chúng con,
    Những điều chúng con hỏi,
    Có điều nữa hỏi Ngài,
    Mong Ngài trả lời cho,
    Bậc Hiền trí nói rằng,
    Như thế này tối thượng,
    Nghĩa là ở đời này,
    Sự thanh tịnh Dạ-xoa
    Hay là chúng muốn nói,
    Có điều gì khác nữa?

Thế Tôn:

  1. Bậc Hiền trí nói rằng,
    Như thế là tối thượng,
    Nghĩa là ở đời này,
    Sự thanh tịnh Dạ-xoa,
    Như có người nói rằng,
    Chính là sự hoại diệt,
    Lại một số thiện nhân,
    Nói rằng: “Không dư y”.
  2. Biết được những pháp ấy,
    Ðều nương tựa y chỉ,
    Biết vậy bậc ẩn sĩ,
    Suy tư trên y chỉ,
    Biết được, nên giải thoát,
    Không đi đến tranh luận,
    Bậc Hiền không tìm đến,
    Cả hữu và phi hữu.

(XII) Những vấn đề nhỏ bé (Sn 171)

Người hỏi:

  1. Mỗi người tự thiên chấp,
    Về tri kiến của mình,
    Do chấp thủ sai biệt,
    Bậc thiện xảo nói lên,
    Ai biết như thế này,
    Vị ấy biết được pháp,
    Ai chỉ trích điểm này,
    Vị ấy không hoàn toàn.
  2. Do chấp thủ như vậy,
    Họ tranh luận với nhau,
    Họ nói kẻ khác ngu.
    Không có khéo thiện xảo.
    Trong những lời nói này,
    Lời nói ai chân thật,
    Hay tất cả vị này,
    Là những bậc khéo nói?

Thế Tôn:

  1. Nếu không có chấp thuận,
    Pháp của các người khác,
    Nói kẻ khác là ngu,
    Tuệ như vậy thấp kém.
    Tất cả là ngu si,
    Có tuệ thật thấp kém.
    Tất cả tri kiến này.
    Ðều chỉ là thiên chấp.
  2. Nếu các cuộc tranh luận,
    Ðược tri kiến gạn lọc,
    Trí tuệ được thanh tịnh,
    Thiện xảo trí sáng suốt,
    Họ không có một ai,
    Là trí tuệ hạ liệt,
    Và tri kiến của họ,
    Ðược hoàn toàn viên mãn.
  3. Ta không có nói rằng:
    “Ðây chính là sự thật”.
    Các người ngu với nhau,
    Cùng nhau nói như vậy,
    Với tri kiến tự mình,
    Họ nói là chân thật,
    Do vậy các người khác,
    Ðược họ xem là ngu.

Người hỏi:

  1. Một số người nói rằng:
    “Ðây mới là sự thật”
    Họ nói các người khác,
    Là trống không, giả dối,
    Do chấp thủ như vậy,
    Họ tranh luận đấu tranh,
    Vì sao bậc Sa-môn,
    Không cùng nói một lời?

Thế Tôn:

  1. Sự thật chỉ có một,
    Không sự thật thứ hai,
    Người hiểu biết tranh luận,
    Với người có hiểu biết,
    Nhưng chân thật họ khen,
    Chỉ sự thật của họ,
    Do vậy bậc Sa-môn,
    Không cùng nói một lời.

Người hỏi:

  1. Vì sao họ nói lên,
    Những chân thật sai khác,
    Vì sao bậc thiện xảo,
    Lại nói lời tranh luận,
    Nếu các sự thật ấy,
    Là nhiều và sai biệt,
    Hay họ chỉ nhớ đến,
    Những suy luận của họ.

Thế Tôn:

  1. Thật sự các sự thật,
    Không có nhiều sai biệt,
    Từ các luồng tư tưởng,
    Về thường còn ở đời,
    Do họ suy nghĩ đến,
    Tư tưởng các tri kiến,
    Họ nói có hai pháp,
    Sự thật và giả dối.
  2. Các pháp được thấy nghe,
    Ðược giữ giới, thọ tưởng,
    Họ y cứ pháp này,
    Họ suy tư, nhìn thấy,
    An trú các quyết định,
    Họ chê cười người khác,
    Họ nói các người khác,
    Là ngu si bất thiện.
  3. Vì rằng đối người khác,
    Nó xem là ngu si,
    Tự mình gọi chính mình,
    Là thiện xảo tốt đẹp,
    Do chính mình khen mình,
    Vị ấy gọi thiện xảo,
    Khinh thường các người khác,
    Lời người ấy là vậy.
  4. Vị ấy quá say mê,
    Với tri kiến của mình,
    Nên trở thành kiêu mạn,
    Viên mãn tự ý mình,
    Tự mình với tâm ý,
    Làm lễ quán đảnh mình,
    Do vậy, bị say mê,
    Trong tri kiến của mình.
  5. Nếu người khác nói rằng:
    Nó là hạng hạ liệt.
    Như vậy đối tự mình,
    Kẻ kia cũng liệt tuệ,
    Nếu tự nó sáng suốt,
    Bậc Hiền trí hiểu biết,
    Không có ai ngu si,
    Giữa các bậc Sa-môn.
  6. Những ai tuyên bố pháp,
    Sai khác với pháp này,
    Ði ngược lại thanh tịnh,
    Không là người hoàn toàn,
    Như vậy các ngoại đạo,
    Tuyên bố thật rộng rãi,
    Do lòng tham tri kiến,
    Họ quá sức đam mê.
  7. Những ai tuyên bố rằng,
    Chính đây là thanh tịnh,
    Họ nói không thanh tịnh,
    Trong các pháp sai khác.
    Như vậy các ngoại đạo,
    An trú thật rộng rãi,
    Họ kiên trì tuyên bố,
    Con đường riêng của mình.
  8. Ai kiên trì tuyên bố,
    Con đường riêng của mình,
    Sao ở đây có thể,
    Nói người khác là ngu?
    Vị ấy tự chê mình,
    Ðem lại tiếng liệt tuệ,
    Người khác nói nói ngu,
    Không được pháp thanh tịnh.
  9. An trú trên quyết định,
    Tự mình lượng sức người
    Vị ấy ở trên đời,
    Chỉ tăng thêm tranh luận,
    Ai từ bỏ tất cả,
    Mọi quyết định, chủ trương,
    Không bị người ở đời,
    Chê là kẻ liệt tuệ.

(XIII) Những vấn đề to lớn (Sn 174)

Người hỏi:

  1. Với những ai thiên vị,
    Ðối với những tri kiến này,
    Chỉ đây là sự thật,
    Họ cãi cọ tranh luận,
    Tất cả những người ấy,
    Ðem lại sự chỉ trích,
    Hay chính tại ở đây,
    Họ được lời tán thán?

Thế Tôn:

  1. Ðây chỉ là nhỏ bé,
    Không đủ đem an tịnh,
    Ta nói về hai quả
    Của các loại đấu tranh.
    Sau khi thấy như vậy,
    Chớ có nên tranh luận,
    Nên thấy rằng an ổn,
    Không phải đất tranh luận.
  2. Phàm những thế tục này,
    Ðược sanh giữa phàm phu,
    Bậc trí không dựa vào,
    Tất cả thế tục này,
    Ðã không có quan tâm,
    Sao nay tìm quan tâm,
    Sao có thể kham nhẫn,
    Với vật được thấy nghe.
  3. Bậc xem giới tối thượng,
    Nói tịnh nhờ chế ngự,
    Chấp thủ giới cấm xong,
    Họ an trú như vậy.
    Ở đây họ tu tập,
    Do đây được thanh tịnh,
    Họ chỉ khéo nói năng,
    Họ bị hữu dắt dẫn.
  4. Nếu có ai vi phạm,
    Giới hạnh và giới cấm,
    Người ấy sẽ run sợ,
    Vì sở hành khiếm khuyết.
    Ở đây người ấy than,
    Cố gắng được thanh tịnh,
    Như lữ hành lạc đoàn,
    Như kẻ bỏ gia đình.
  5. Ðối với giới cấm thủ,
    Sau khi đoạn tất cả,
    Cùng với các sở hành,
    Có tội,không có tội,
    Không còn có cố gắng,
    Thanh tịnh, không thanh tịnh,
    Hãy sống hạnh viễn ly,
    Không chấp thủ an tịnh.
  6. Người y chỉ khổ hạnh,
    Người y chỉ nhàm chán,
    Kẻ dựa vào nghe thấy,
    Hay dựa vào thọ tưởng,
    Họ là hạng nói lớn,
    Tán thán sự thanh tịnh,
    Chưa đoạn được tham ái,
    Ðối với hữu, phi hữu.
  7. Với ai có nỗ lực,
    Cầu mong và ham muốn,
    Họ mới phải run sợ,
    Với những kiến của mình,
    Với những ai ở đời,
    Không có sanh và chết,
    Do gì, khiến họ sợ,
    Họ tham vọng cái gì?

Người hỏi:

  1. Có những người tuyên bố,
    Pháp này là tối thượng,
    Nhưng người khác lại nói,
    Pháp ấy là hạ liệt.
    Ai nói lời chân thật,
    Giữa hai hạng người này,
    Hay tất cả hạng này,
    Ðều là hạng khéo nói?
  2. Với pháp tự của mình,
    Nói pháp này viên mãn
    Chỉ trích pháp người khác,
    Là thấp kém hạ liệt,
    Do chấp thủ như vậy,
    Họ luận tranh đấu tranh,
    Mọi thế tục tự mình,
    Họ nói là chân thật.

Thế Tôn:

  1. Nếu có bị người khác,
    Khinh rẻ là hạ liệt,
    Như vậy giữa các pháp,
    Không gì thù thắng sao?
    Kẻ phàm phu nói rằng
    Pháp người khác hạ liệt,
    Cương quyết tự đề cao,
    Pháp mình không hạ liệt.
  2. Như mọi người tôn thờ,
    Chánh pháp của tự mình,
    Giống như họ tán thán,
    Mọi sở hành bản thân,
    Tất cả những lời nói
    Trở thành lời chân thật,
    Sự thanh tịnh đối họ,
    Tự mỗi người tác thành.
  3. Với người Bà-la-môn,
    Không người khác lãnh đạo,
    Sau khi đã nghiên cứu,
    Chấp thủ trong các pháp,
    Do vậy nên vị ấy
    Vượt khỏi các tranh luận,
    Không thấy pháp người khác,
    Có thể thù thắng hơn.
  4. Họ nói: “Tôi thấy, biết,
    Cái này là như vậy”.
    Họ đi đến quan điểm,
    Thanh tịnh nhờ tri kiến,
    Vị ấy đã thấy vậy,
    Cần gì kiến người khác,
    Vượt qua được quan điểm,
    Thanh tịnh nhờ pháp khác.
  5. Người có mắt thấy được,
    Cả danh và cả sắc,
    Sau khi thấy được họ,
    Sẽ biết họ là vậy,
    Hãy để họ được thấy,
    Các dục nhiều hay ít,
    Bậc thiện xảo không nói,
    Thanh tịnh là nhờ dục.
  6. Người đã gọi cuồng tín,
    Không đưa đến thanh tịnh,
    Vì đã có thiên vị,
    Với tri kiến tác thành,
    Y chỉ nơi cái gì,
    Nơi đấy là tinh sạch,
    Người tuyên bố thanh tịnh,
    Thấy ở đấy như vậy.
  7. Phạm chí không rơi vào,
    Thời gian và ước lượng,
    Không theo các tri kiến,
    Không bà con với trí,
    Biết được các thế tục,
    Do phàm phu chấp thủ,
    Các người khác học hỏi,
    Vị ấy sống hỷ xả.
  8. Không chấp thủ triền phược,
    ẩn sĩ sống ở đời,
    Giữa tranh luận khởi lên,
    Không theo phe phái nào,
    Sống an tịnh, hỷ xả,
    Giữa những người không tịnh,
    Các người khác học hỏi,
    Vị ấy sống không học.
  9. Từ bỏ lậu hoặc cũ,
    Không tạo lậu hoặc mới,
    Không đi đến ước muốn,
    Không cuồng tín chấp thủ,
    Vị Hiền trí như vậy,
    Thoát khỏi các tà kiến,
    Không tham dính ở đời,
    Không bị ngã chỉ trích.
  10. Không có sự thù hằn
    Ðối với tất cả pháp,
    Phàm có thấy nghe gì,
    Cùng với tưởng và thọ,
    ẩn sĩ không hệ lụy,
    Ðã đặt gánh nặng xuống
    Không liên hệ thời gian,
    Không chấm dứt, không cầu,
    Thế Tôn nói như vậy.

(XIV) Kinh Tuvataka (Con đường mau chóng) (Sn 179)

Người hỏi:

  1. Con hỏi bậc Ðại tiên,
    Bậc bà con mặt trời,
    Con đường đến viễn ly,
    Con đường đến an tịnh,
    Tỷ-kheo sau khi thấy,
    Làm thế nào mát lạnh,
    Không có sự chấp thủ,
    Một vật gì ở đời?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn đáp như sau:
    Hãy chặt đứt hoàn toàn,
    Gốc rễ các hý luận,
    Mọi tư tưởng “tôi là “,
    Tất cả phải chấm dứt,
    Phàm có nội ái nào,
    Sau khi nhiếp phục chúng,
    Thường chánh niệm học tập.
  2. Phàm có loại pháp gì,
    Ðược thắng tri hoàn toàn,
    Hoặc thuộc về nội pháp,
    Hay thuộc về ngoại pháp,
    Chớ có làm kiên trì,
    Bất cứ một pháp nào,
    Trạng thái ấy không gọi,
    Sự mát lạnh của tịnh.
  3. Chớ có nghĩ như sau:
    Cái kia là tốt hơn,
    Ðây là hạ liệt hơn,
    Hay đây là ngang bằng,
    Do phải bị xúc chạm,
    Với các sắc sai biệt,
    Hãy chớ để tự mình,
    An trú trên vọng tưởng.
  4. Hãy giữ được an tịnh,
    Về phía tự nội tâm,
    Tỷ-kheo không cầu tìm,
    An tịnh từ chỗ khác,
    Với người được an tịnh,
    Từ phía tự nội tâm,
    Ðã không có tự ngã,
    Từ đâu có vô ngã.
  5. Như chính giữa trung ương,
    Của biển cả đại dương,
    Sóng biển không có sanh,
    Biển hoàn toàn đứng lặng,
    Cũng vậy, này Tỷ-kheo
    Hãy đứng lặng không động,
    Không tạo nên bồng bột,
    Ðối sự gì ở đời.

Người hỏi:

  1. Vị có mắt rộng mở
    Ðã tuyên bố rõ ràng,
    Pháp có thể chế ngự,
    Mọi nguy hiểm khó khăn,
    Bậc Hiền thiện mong Ngài,
    Tuyên bố rõ con đường,
    Hay về biệt giải thoát,
    Hoặc về pháp thiền định?

Thế Tôn:

  1. Chớ có những con mắt,
    Ðầy dẫy những tham đắm!
    Hãy chận đứng lỗ tai,
    Nghe câu chuyện của làng.
    Lại chớ nên đắm say,
    Các mùi vị ngon lành,
    Chớ xem là của ta,
    Mọi sự vật ở đời!
  2. Trong khi được cảm giác,
    Với các loại cảm xúc,
    Tỷ-kheo không than van,
    Bất cứ một điều gì.
    Vị ấy không cầu mong,
    Dầu lại sanh hữu nào,
    Và không có run sợ,
    Rơi vào các kinh hoàng.
  3. Các đồ ăn thâu được,
    Cùng với các đồ uống,
    Các món ăn nhai được,
    Các đồ vải mặc được,
    Chớ có cất chứa chúng,
    Những đồ vật nhận được,
    Chớ có quá lo âu,
    Nếu không thâu được chúng.
  4. Hãy tu tập thiền định
    Chớ làm kẻ lang thang,
    Chớ ưa thích trạo cử,
    Ðừng rơi vào phóng dật,
    Ðối với các chỗ ngồi,
    Cùng với các chỗ nằm,
    Tỷ-kheo hãy an trú,
    Những chỗ không tiếng động.
  5. Ngủ nghỉ có chừng mực,
    Chớ có ngủ quá nhiều,
    Hãy luôn luôn tỉnh thức,
    Nỗ lực và nhiệt tâm,
    Hãy từ bỏ biếng nhác,
    Man trá, cười, chơi đùa,
    Hãy từ bỏ dâm dục,
    Bỏ ưa thích trang điểm.
  6. Chớ có dùng bùa chú,
    A-thar-va Vệ-đà,
    Chớ tổ chức đoán mộng,
    Coi tướng và xem sao,
    Mong rằng đệ tử Ta,
    Không đoán tiếng thú kêu,
    Không chữa bệnh không sanh,
    Không hành nghề lang băm.
  7. Tỷ-kheo không run sợ,
    Khi bị người chỉ trích,
    Cũng không có cống cao,
    Khi được khen tán thán,
    Hãy từ bỏ tham ái,
    Cùng với tánh xan tham,
    Kể luôn cả phẫn nộ,
    Cùng với nói hai lưỡi.
  8. Tỷ-kheo không an trú,
    Trong nghề nghiệp bán buôn,
    Lại không có chỉ trích,
    Bất cứ tại chỗ nào,
    Khi ở tại thôn làng,
    Không tức giận một ai,
    Chớ có vì lợi dưỡng,
    Nói chuyện với quần chúng.
  9. Tỷ-kheo không nên nói,
    Khoa trương quá mức độ,
    Và cũng không nói lời
    Có dụng ý lợi dưỡng.
    Chớ có học tập theo,
    Lối sỗ sàng trâng tráo,
    Chớ có thốt ra lời
    Khiêu khích xung đột ai!
  10. Chớ có bị dắt dẫn,
    Rơi vào lời nói láo,
    Không cố ý làm nên,
    Ðiều man trá giả dối,
    Chớ có khinh người khác,
    Về vấn đề sinh mạng,
    Về vấn đề trí tuệ,
    Và vấn đề giới hạnh.
  11. Sau khi phẫn uất nghe
    Nhiều ngôn từ lời lẽ
    Của các vị Sa-môn,
    Hay những kẻ phàm phu,
    Chớ có phản ứng họ,
    Với những lời thô ác,
    Bậc hiền lành an tịnh,
    Không phản pháo một ai.
  12. Sau khi rõ biết được
    Pháp này là như vậy,
    Tỷ-kheo hãy học tập,
    Sáng suốt và chánh niệm,
    Rõ biết sự mát lạnh,
    Ðược gọi bậc “an tịnh “,
    Chớ có sống phóng dật,
    Trong lời dạy Cù-đàm.
  13. Bậc đã được chiến thắng,
    Không ai chiến thắng nổi
    Tự mình thấy được pháp,
    Không nghe theo tin đồn,
    Do vậy hãy học tập
    Luôn luôn không phóng dật,
    Với tâm tư cung kính,
    Lời dạy đức Thế Tôn,
    Thế Tôn nói như vậy.

(XV) Kinh Chấp trượng (Sn 182)

Thế Tôn:

  1. Từ người cầm các trượng,
    Sợ hãi được sanh ra,
    Hãy xem các loài người,
    Trong khi đấu tranh nhau,
    Ta sẽ nói sợ hãi,
    Như Ta đã được biết.
  2. Thấy loài, người vùng vẫy,
    Như cá trong nước cạn,
    Thấy họ chống đối nhau,
    Ta rơi vào sợ hãi.
  3. Ðời toàn không lõi cây,
    Mọi phương đều dao động
    Muốn cho mình ngôi nhà,
    Ta không thấy nhà ở.
  4. Cuối cùng là xung đột,
    Thấy vậy Ta chán ngắt,
    Ðây Ta thấy mũi tên,
    Khó thấy, gắn vào tim.
  5. Ai bị mũi tên đâm,
    Chạy khắp mọi phương hướng,
    Ai rút mũi tên ra,
    Không chạy, liền ngồi xuống.
  6. Ở đây sự học tập,
    Ðã được nói rõ lên,
    Phàm triền phược ở đời,
    Chớ liên hệ với chúng,
    Ðâm thủng dục hoàn toàn,
    Tự học tập Niết-bàn.
  7. Chân thật không xông xáo,
    Không man trá, hai lưỡi,
    Không phẫn nộ, ẩn sĩ,
    Vượt tham ác, xan tham.
  8. Người nghĩ đến Niết-bàn,
    Bỏ ngủ, nhác, thụy miên,
    Không sống với phóng dật,
    Không an trú, quá mạn.
  9. Không rơi vào nói láo,
    Không tham ái các sắc,
    Cần liễu tri quá mạn,
    Sống từ bỏ bạo ác.
  10. Không hoan hỷ việc cũ,
    Không nhẫn chịu sự mới,
    Trong tổn giảm không sầu,
    Không liên hệ tham ái,
  11. Ái, Ta gọi bộc lưu,
    Mong cầu gọi bọt nước,
    Sở duyên gọi biến kể,
    Bùn dục khó vượt qua.
  12. ẩn sĩ không rời chân,
    Phạm chí trú đất liền,
    Vị từ bỏ tất cả,
    Thật được gọi an tịnh.
  13. Biết vậy, gọi người biết,
    Biết rồi không y pháp,
    Chơn chánh sống ở đời,
    Không tham ái một ai.
  14. Ai ở đây vượt dục,
    Ái khó vượt ở đời,
    Không sầu, không tham muốn,
    Cắt dòng không trói buộc.
  15. Trước Ông làm khô cạn
    Sau Ông không vật gì,
    Ở giữa không nắm giữ,
    Ông sẽ sống an tịnh.
  16. Toàn diện đối danh sắc,
    Không gì nghĩ “của ta”
    Không có gì không sầu,
    Không có già ở đời.
  17. Không nghĩ “đây của tôi “,
    Không nghĩ “đây của người “,
    Người không có tự ngã,
    Không sầu vì không ngã.
  18. Không tàn bạo, không tham,
    Không dục, thường đồng đẳng,
    Ðược hỏi Ta nói lên,
    Lợi ích bậc bất động.
  19. Bậc ly dục rõ biết,
    Vị ấy không sở hành,
    Thoát ly, không tinh cần,
    Thấy an ổn khắp nơi.
  20. Bậc ẩn sĩ, không nói,
    Bằng nhau, thua, hơn nhau,
    An tịnh, ly xan tham,
    Không nhận, không bác bỏ.
    Thế Tôn giảng như vậy.

(XVI) Kinh Sàriputta (Xá-lợi-phất) (Sn 185)

Sàriputta:

  1. Trước con chưa từng thấy,
    Chưa ai từng được nghe,
    Tiếng nói thật ngọt ngào,
    Như tiếng bậc Ðạo Sư,
    Từ cõi Ðâu-suất đến,
    Xá-lợi-phất nói vậy.
  2. Bậc có mắt xuất hiện,
    Ðời này và thiên giới,
    Quét sạch mọi u ám,
    Ðộc cư, chứng an lạc.
  3. Bậc Giác ngộ, độc lập,
    Như thật, không man trá,
    Ngài đến ở đời này,
    Lãnh đạo các đồ chúng,
    Từ nhiều người trói buộc,
    Con đến với câu hỏi.
  4. Vị Tỷ kheo nhàm chán,
    Sống an tọa, trống không,
    Tại gốc cây, nghĩa địa,
    Hay núi rừng hang sâu.
  5. Tại chỗ cao thấp ấy,
    Có bao nhiêu sợ hãi,
    Khiến Tỷ kheo không run,
    Tại trú xứ vắng lặng?
  6. Bao nguy hiểm ở đời,
    Tỷ Kheo cần chinh phục,
    Trong hướng đi bất tử,
    Tại trú xứ xa vắng?
  7. Ngôn ngữ và hành xứ
    Của vị ấy là gì?
    Có bao nhiêu giới cấm,
    Tỷ Kheo cần tinh tấn?
  8. Chấp nhận học tập gì,
    Vị Tỷ Kheo nhất tâm,
    Thông minh, giữ chánh niệm,
    Tẩy sạch các cấu uế,
    Trên tự ngã của mình,
    Như thợ lọc vàng bạc?

Thế Tôn:

  1. Này Sàriputta,
    Thế Tôn bèn trả lời:
    Với người biết nhàm chán,
    Có gì là khoan khoái!
    Khi sử dụng sàng tọa,
    Tại chỗ tịnh trống không,
    Với ai muốn giác ngộ,
    Sống đúng với tùy pháp,
    Ta sẽ nói người ấy,
    Như Ta đã quán tri.
  2. Vị Tỷ kheo có trí,
    Chánh niệm sống biên địa,
    Không có sợ năm điều,
    Ðáng sợ hãi ở đời.
    Các loại ruồi, mối bay
    Cùng các loài bò sát,
    Xúc chạm của loài người,
    Cùng các loại bốn chân.
  3. Vị ấy không nên sợ,
    Tri kiến của người khác,
    Khi đã được thấy biết,
    Nhiều sợ hãi của chúng,
    Bậc tìm đến chí thiện,
    Thấy được các nguy hiểm
    Cần phải lo khắc phục
    Tất cả nguy hiểm khác.
  4. Khi thọ lãnh bệnh hoạn,
    Khi cảm xúc đói khổ,
    Với lạnh và cực nóng,
    Cần phải nhiếp phục chúng,
    Bị chúng cảm xúc nhiều,
    Kẻ không bỏ nhà cửa
    Cần tinh tấn cần mẫn,
    Lòng hết sức kiên trì.
  5. Chớ ăn trộm, ăn cắp,
    Chớ nói lời nói láo,
    Hãy cảm xúc từ tâm,
    Ðối kẻ yếu, kẻ mạnh,
    Khi rõ biết tâm tư,
    Trong tình trạng dao động,
    Hãy gột sạch, tẩy sạch,
    Phần hắc ám đen tối.
  6. Chớ để bị chi phối,
    Bởi phẫn nộ, quá mạn,
    Hãy đào chúng tận gốc,
    Và an trú như vậy,
    Ðối những gì khả ái,
    Hay đối không khả ái,
    Hãy hoàn toàn nhiếp phục,
    Chớ để bị chi phối.
  7. Thiên trọng về trí tuệ,
    Hoan hỷ trong chí thiện,
    Hãy chận đứng loại bỏ,
    Nguy hiểm ách nạn ấy,
    Hãy khắc phục bất lạc,
    Ðối trú xứ vắng lặng,
    Hãy khắc phục bốn pháp,
    Khiến sầu muộn khóc than.
  8. Ta sẽ ăn những gì,
    Và được ăn tại đâu.
    Thật khó khăn ta ngủ,
    Nay ta ngủ tại đâu?
    Với những tư tưởng ấy,
    Vị ấy có thể than,
    Bậc hữu học, không nhà,
    Hãy nhiếp phục trừ chúng.
  9. Với đồ ăn, vải mặc,
    Ðúng thời, thâu hoạch được,
    Cần ước lượng vừa đủ,
    Với mục đích thỏa mãn,
    Chế ngự đối với chúng,
    Sống nhiếp phục trong lòng,
    Dầu phẫn uất, không nói,
    Những lời độc thô ác.
  10. Với mắt cúi nhìn xuống,
    Chân không đi lang thang,
    Chú tâm vào thiền định,
    Với rất nhiều tỉnh giác,
    Cố gắng tu tập xả,
    Tự ngã khéo định tĩnh,
    Hãy cắt đứt trừ khử,
    Các nghi ngờ hối tiếc.
  11. Bị buộc, tội bằng lời,
    Chánh niệm, tâm hoan hỉ,
    Phá hoại sự cứng rắn,
    Giữa các đồng Phạm hạnh,
    Nói lên những lời nói,
    Hiền thiện và đúng thời,
    Không để tâm suy tư,
    Các chủ thuyết người khác.
  12. Lại nữa, năm loại vua,
    Hiện có ở trên đời,
    Hãy học nhiếp phục chúng.
    Luôn luôn giữ chánh niệm.
    Ðối với sắc và tiếng,
    Ðối với vị và hương,
    Cùng đối các cảm xúc,
    Hãy chế ngự tham ái.
  13. Hãy chế ngự ước muốn,
    Ðối với những pháp ấy,
    Vị Tỷ kheo chánh niệm,
    Tâm tư khéo giải thoát,
    Rồi đúng thời vị ấy,
    Chơn chánh suy tư pháp,
    Với chuyên tâm nhất trí,
    Hãy đoạn tận hắc ám.
    Thế Tôn nói như vậy.

Chương Năm – Phẩm Con Ðường Ðến Bờ Bên Kia

(I) Bài kệ mở đầu (Sn 190)

  1. Từ thành phố đẹp đẽ,
    Của các Kô-xa-la,
    Có vị Bà-la-môn,
    Thông đạt các chú thuật,
    Hướng tầm vô sở hữu,
    Hướng phía Nam bước tới.
  2. Trong nước Át-xa-ka,
    Gần xứ A-la-ka,
    Vị ấy sống trên bờ,
    Sông Gô-đa-và-rà,
    Nuôi sống bằng trái cây,
    Bằng đồ ăn lượm vặt.
  3. Gần chỗ vị ấy ở,
    Có làng đất rộng rãi,
    Với tài sản thâu thập,
    Tổ chức tế đàn lớn.
  4. Ðại tế đàn lễ xong,
    Vị ấy trở về am,
    Trong khi bước vào am,
    Một Phạm-chí khác đến.
  5. Chân sưng húp, run rẩy
    Ðầy bùn, đầu lấm bụi,
    Người ấy bước đến gần,
    Và xin năm trăm tiền.
  6. Sau khi thấy vị ấy,
    Ba-va-ri mời ngồi,
    Hỏi thăm, thiện, an lạc
    Rồi nói lời như sau:

Bàvarim:

  1. Những gì tôi cho được,
    Tôi đã cho tất cả,
    Phạm chí hãy tin tôi,
    Tôi không có năm trăm.

Phạm-chí:

  1. Nếu điều ta xin Ông,
    Tôn giả không đáp ứng,
    Sau bảy ngày, đầu Ông
    Sẽ bị vỡ, bảy mảnh!
  2. Sau khi làm chú thuật,
    Kẻ man trá tuyên bố,
    Những lời nói đáng sợ,
    Nghe những lời nói ấy,
    Phạm-chí Ba-va-ri
    Cảm thấy lòng đau khổ.
  3. Gầy ốm, không uống ăn,
    Bị tên sầu muộn đâm,
    Với tâm tư như vậy,
    Ý khó vui trong thiền,
  4. Thấy lo sợ buồn khổ,
    Một Thiên nhân đi đến,
    Muốn bạn được hạnh phúc,
    Nói với Ba-va-ri.

Thiên nhân:

  1. Kẻ man trá muốn tiền,
    Không rõ biết về đầu,
    Về đầu, đánh bể đầu,
    Trí ấy nó không có.

Bàvarim:

  1. Này bạn,nếu bạn biết,
    Hãy nói câu hỏi tôi,
    Về đầu, đánh bể đầu,
    Chúng tôi nghe lời người.

Thiên nhân:

  1. Tôi không biết việc này,
    Trí này, tôi không có,
    Về đầu, đánh bể đầu,
    Bậc chiến thắng thấy được.

Bàvarim:

  1. Vậy ai có thể biết,
    Trên quả đất tròn này,
    Về đầu, đánh bể đầu,
    Thiên nhân, nói tôi biết.

Thiên nhân:

  1. Từ thành Ka-pi-la,
    Bậc lãnh đạo thế giới,
    Xuất hiện ra ở đời,
    Là con cháu, hậu duệ,
    Của vua Ok-ka-ka
    Thích tử, chiếu hào quang.
  2. Vị ấy Chánh Ðẳng Giác,
    Hỡi này Bà-la-môn,
    Ðã đi đến bờ kia,
    Ðối với tất cả pháp,
    Ðạt được cả sức mạnh,
    Của tất cả thắng trí,
    Bậc có mặt thấy được
    Trong tất cả các pháp.
    Ðạt được sự diệt tận,
    Của tất cả các pháp,
    Ðược giải thoát, diệt tận,
    Ðối với các sanh y.
  3. Bậc Giác ngộ, Thế Tôn,
    Bậc có mắt thuyết pháp,
    Hãy đến hỏi vị ấy,
    Vị ấy sẽ trả lời.
  4. Nghe tiếng Chánh Ðẳng Giác,
    Ba-va-ri phấn khởi,
    Sầu muộn được giảm bớt,
    Ðược hoan hỷ rộng lớn.
  5. Vị Ba-va-ri ấy,
    Hoan hỷ và phấn khởi,
    Cảm thấy lòng cảm động,
    Hỏi vị thiên nhân ấy.

Bàvarim:

995b. Ở tại thôn làng nào,
Ở tại thị trấn nào,
Ở tại quốc độ nào,
Lãnh đạo thế giới trú?
Tại đấy, tôi sẽ đi,
Ðảnh lễ bậc Giác ngộ,
Bậc Vô thượng loài Người.

Thiên nhân:

  1. Ở tại Xa-vat-thi,
    Trong thành Kô-xa-la,
    Bậc chiến thắng an trú,
    Với trí tuệ rộng lớn,
    Với hiểu biết thù thắng,
    Rộng rãi và cùng khắp.
    Vị ấy là Thích tử,
    Không gánh nặng vô lậu,
    Bậc Ngưu vương loài Người,
    Biết rõ về đỉnh đầu,
    Biết rõ đánh vỡ đầu.
  2. Rồi vị Bà-la-môn,
    Cho gọi các đệ tử,
    Là những vị thông đạt,
    Về bùa chú kệ tụng.

Bàvarim:

997b. Hãy đến, các thanh niên,
Ta sẽ nói, hãy nghe,
Những lời ta nói lên.

  1. Vị ấy rất khó gặp,
    Rất hiếm hiện ở đời,
    Nay sanh ra ở đời,
    Ðược danh bậc Chánh giác,
    Hãy đi gấp Xá-vệ,
    Thấy được bậc Vô thượng.

Các đệ tử:

  1. Kính thưa Bà-la-môn,
    Thế nào chúng con biết,
    Sau khi thấy vị ấy,
    Biết vị ấy là Phật,
    Chúng con chưa được biết
    Hãy nói chúng con biết!

Bàvarim:

  1. Trong những kệ bùa chú,
    Ðược truyền lại đến nay,
    Có nói đến tướng tốt,
    Của một bậc Ðại nhân,
    Có nói ba mươi hai,
    Trọn đủ, được liên tục.
  2. Ai có trên tay chân,
    Ðủ tướng đại nhân ấy,
    Chỉ có hai sanh thú,
    Không có cái thứ ba.
  3. Nếu trú tại gia đình,
    Chinh phục quả đất này,
    Không dùng trượng, dùng kiếm,
    Giáo hóa đúng Chánh pháp.
  4. Nếu vị ấy xuất gia,
    Bỏ nhà, sống không nhà,
    Rộng mở màn vô minh,
    Vị ấy, được trở thành,
    Bậc Chánh đẳng Chánh giác,
    Bậc Ứng cúng, Vô thượng.
  5. Với tâm ý, hãy hỏi,
    Sanh, tánh tướng của ta,
    Kệ chú, đệ tử ta,
    Về đầu, đánh bể đầu.
  6. Nếu vị ấy là Phật,
    Thấy rõ, không che kín,
    Với lời, vị ấy đáp,
    Các câu hỏi bởi ý.
  7. Nghe lời Ba-va-ri,
    Mười sáu người đệ tử,
    Tất cả là Phạm chí,
    Tên là A-ji-ta,
    Tis-xa-mêt-tê-ya,
    Pun-na-ka, Mết-gu,
    Cùng với Ðo-ta-ka,
    Và U-pa-xi-va,
    Nan-da, Hê-ma-ka,
    Tô-đê-ya, Kap-pa,
    Với Ja-tu-kan-ni,
    Là bậc danh Hiền trí.
  8. Và Bha-drà-vu-đa,
    Cùng với U-da-ya,
    Phạm Chí Po-xà-la,
    Và Mo-gha-rà-jà,
    Là bậc có trí tuệ,
    Cùng với Pin-gi-ya,
    Là vị đại ẩn sĩ,
    Tất cả những vị ấy.
  9. Mỗi người có đồ chúng,
    Có danh xưng ở đời,
    Tu thiền, ưa thiền định,
    Bậc có trí sáng suốt,
    Mang theo những dấu tích,
    Ðời sống trước của mình.
  10. Ðảnh lễ Ba-va-ri,
    Thân phía hữu hướng Ngài,
    Tất cả đều bện tóc,
    Mặc áo vải da thú,
    Mặt hướng về phía Bắc,
    Tất cả chúng ra đi.
  11. Trước hết, họ đi ngang,
    Ðến Pa-tít-thà-na,
    Của xứ A-la-ka,
    Rồi Ma-hi-xa-ti,
    Tiếp đến Uj-jê-ni,
    Và đến Gô-nad-đăng,
    Tiếp đến Vê-đi-xăng,
    Va-na-xa-ha-yăng,
  12. Ði đến Kô-xăm-bi,
    Ði đến Xa-kê-ta,
    Rồi đến Xa-vat-thi,
    Là thành phố tối thượng,
    Kế đến Xê-ta-vyam,
    Ka-pi-la-vat-thu,
    Rồi đến tòa lâu đài,
    Tên Ku-xi-na-ra,
    Rồi đi đến Pa-va,
    Và thành phố Bhô-ga,
    Tiếp đến Vê-xá-ly,
    Thành phố Ma-ga-đa,
    Rồi Pa-xe-na-ka,
    Ngôi điện đẹp, khả ái.
  13. Như người khát, nước mát,
    Như người buôn, lợi lớn,
    Như nóng bức, bóng mát,
    Họ gấp leo ngọn núi.
  14. Thế Tôn, trong lúc ấy,
    Dẫn đầu chúng Tỷ-kheo,
    Ngài đang thuyết Chánh pháp,
    Cho các vị Tỷ-kheo,
    Giống như con sư tử,
    Rống tiếng rống trong rừng.
  15. A-ja-ta thấy Phật,
    Như mặt trời vàng chói,
    Như mặt trăng ngày rằm,
    Ðược tròn đầy viên mãn.
  16. Và thấy tay chân Ngài,
    Ðầy đủ các tướng tốt,
    Hoan hỷ đứng một bên,
    Hỏi câu hỏi tâm ý.

Ajita:

  1. Hãy nói về thọ sanh,
    Nói dòng họ, các tướng,
    Về tối thượng kệ chú,
    Phạm chí đọc bao nhiêu?

Thế Tôn:

  1. Tuổi thọ trăm hai mươi,
    Dòng họ Bà-va-ri,
    Trên tay chân, ba tướng,
    Thông đạt ba Vệ-đà.
  2. Về tướng và truyền thuyết,
    Về tự vựng, lễ nghi,
    Tụng đọc được năm trăm,
    Ðạt tối thượng diệu pháp.

Ajita:

  1. Bậc Vô thượng, đoạn ái,
    Hãy nói lên tường tận
    Các tướng Ba-va-ri,
    Ðể chúng con không nghi.

Thế Tôn:

  1. Lưỡi che kín mặt mày,
    Giữa hàng mi, lông trắng,
    Có da bọc âm tàng,
    Hãy biết vậy, thanh niên.
  2. Không nghe câu hỏi gì,
    Chỉ nghe câu trả lời,
    Quần chúng rất ngạc nhiên,
    Chắp tay tự suy nghĩ.

Dân chúng:

  1. Thiên, Phạm thiên, Ðế thích,
    Hay Xu-jam-pa-ti
    Ai, với ý hỏi Ngài,
    Xin nói cho được biết?

Ajita:

  1. Ba-va-ri tìm hỏi,
    Về đầu, đánh bể đầu,
    Thế Tôn hãy trả lời,
    Ðoạn nghi hoặc chúng con?
    Ôi, thưa bậc Tiên nhân!

Thế Tôn:

  1. Vô minh là đỉnh đầu,
    Hãy hiểu biết như vậy,
    Minh là đánh bể đầu,
    Liên hệ dục tinh tấn,
    Với lòng tin, chánh niệm,
    Liên hệ với thiền định.
  2. Với cảm thọ lớn mạnh,
    Thanh niên tự chế ngự,
    Ðắp áo da một bên,
    Với đầu, đảnh lễ chân.

Ajita:

  1. Phạm chí Ba-va-ri,
    Cùng đệ tử, thưa Ngài,
    Tâm phấn khởi, đẹp ý,
    Lễ chân, bậc có mắt.

Thế Tôn:

  1. Phạm chí Ba-va-ri,
    Hãy sống được an lạc,
    Cùng với các đệ tử!
    Mong Ông sống an lạc,
    Thọ mạng được lâu dài,
    Hỡi này kẻ thanh niên.
  2. Ba-va-ri và Ông,
    Có mọi nghi ngờ gì,
    Cơ hội đến, hãy hỏi,
    Tùy theo ý Ông muốn.
  3. Ðược bậc Chánh Ðẳng Giác,
    Cho cơ hội tốt đẹp,
    A-ji-ta liền ngồi,
    Chắp tay hỏi Như Lai,
    Hỏi câu hỏi thứ nhất,
    Chính ngay tại chỗ ấy,
    Kệ mở đầu đã xong.

(II) Câu hỏi của thanh niên A-ji-ta (Sn 197)

Ajita:

  1. Tôn giả A-ji-ta:
    Do gì, đời bị che,
    Do gì, không chói sáng,
    Hãy nói lên cái gì,
    Làm uế nhiễm cuộc đời,
    Cái gì sợ hãi lớn?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn liền đáp lại:
    Ðời bị vô minh che,
    Do xan tham, phóng dật,
    Ðời không được chói sáng,
    Ta nói do mong cầu,
    Nên đời bị uế nhiễm,
    Chính là sự đau khổ,
    Nên có sợ hãi lớn.

Ajita:

  1. Tôn giả A-ji-ta:
    Mọi nơi dòng nước chảy,
    Cái gì ngăn dòng nước?
    Hãy nói lên cái gì?
    Chế ngự được dòng nước?
    Cái gì đóng dòng nước?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn liền đáp lại:
    Hỡi này A-ji-ta,
    Các dòng nước ở đời,
    Chánh niệm ngăn chận lại,
    Chánh niệm được Ta gọi,
    Chế ngự các dòng nước,
    Và chính do trí tuệ,
    Ðóng lại các dòng nước.

Ajita:

  1. Tôn giả A-ji-ta:
    Trí tuệ và chánh niệm,
    Cùng với danh và sắc,
    Kính thưa bậc Tôn giả,
    Hãy nói điều con hỏi,
    Từ đâu chúng bị diệt?

Thế Tôn:

  1. Câu hỏi gì Ông hỏi,
    Hỡi này A-ji-ta,
    Ta sẽ đáp cho Ông,
    Chỗ nào danh và sắc,
    Ðược đoạn diệt hoàn toàn,
    Không còn lại dư tàn,
    Chính do đoạn diệt thức,
    Danh sắc được đoạn diệt.

Ajita:

  1. Những ai biết tư sát,
    Các pháp thuộc hữu vi,
    Cùng với bậc hữu học,
    Và phàm phu ở đời,
    Ðược hỏi, Ngài hãy nói,
    Về nếp sống của họ?
    Bậc thận trọng sáng suốt,
    Hãy nói lên, thưa Ngài!

Thế Tôn:

  1. Chớ tham đắm các dục,
    Giữ tâm tư an tịnh,
    Thiện xảo trong các pháp,
    Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
    Sống đời sống xuất gia.

(III) Các câu hỏi của thanh niên Tissametmeyya (Sn 199)

Yissa:

  1. Tissa Met-tey-ya:
    Ai thỏa mãn ở đời,
    Với ai không dao động,
    Ai thắng tri hai biên,
    Ở giữa, không dính líu,
    Ai Ngài gọi đại nhân,
    Ở đời, ai vượt khỏi,
    Thêu dệt các ái nhiễm?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn liền đáp rằng:
    Hỡi này Met-tê-ya!
    Giữa dục, sống Phạm hạnh,
    Không ái, luôn chánh niệm,
    Tỷ-kheo lặng tính toán,
    An tịnh, không dao động.
  2. Ai thắng tri hai biên,
    Chặng giữa, nhờ suy tư,
    Không dính líu bị nhiễm,
    Ta gọi là đại nhân,
    Vị ấy, ở đời này,
    Vượt khỏi sự thêu dệt,
    Các ái nhiễm tham muốn.

(IV) Câu hỏi của thanh niên Punnaka (Sn 199)

Punnaka:

  1. Tôn giả Pun-na-ka:
    Với ai không dao động,
    Thấy rõ được cội gốc,
    Con đến với câu hỏi,
    Liên hệ đến mục đích,
    Bậc ẩn sĩ, loài Người,
    Sát-đế-ly, Phạm chí,
    Do họ y chỉ gì,
    Tế đàn cho chư Thiên.
    Ðã tổ chức rộng lớn?
    Con hỏi bậc Thế Tôn,
    Hãy trả lời cho con.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn bèn đáp rằng:
    Hỡi này Pun-na-ka!
    Bậc ẩn sĩ loài Người,
    Sát-đế-ly, Phạm chí,
    Ðã tổ chức rộng lớn,
    Tế đàn cho chư Thiên.
    Khi họ thành già yếu,
    Họ tổ chức tế đàn,
    Vì rằng họ hy vọng,
    Ðược sanh ở đời này,
    Hỡi này Pun-na-ka!

Punnaka:

  1. Tôn giả Pun-na-ka:
    Bậc ẩn sĩ loài Người,
    Sát-đế-ly, Phạm chí,
    Ðã tổ chức rộng lớn,
    Tế đàn cho chư Thiên.
    Thế Tôn nghĩ thế nào,
    Họ không có phóng dật
    Trên con đường tế đàn,
    Họ vượt qua già chết,
    Ðược hay không, thưa Ngài,
    Con hỏi đức Thế Tôn,
    Con mong Ngài trả lời?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn trả lời rằng:
    Hỡi này Pun-na-ka,
    Họ hy vọng, tán thán,
    Họ cầu nguyện, cúng lễ,
    Họ cầu nguyện các dục,
    Do duyên vì lợi dưỡng,
    Chuyên tâm lo tế đàn,
    Ưa thích, tham sanh hữu,
    Họ không vượt già chết,
    Ta nói lên như vậy.

Punnaka:

  1. Tôn giả Pun-na-ka:
    Nếu chúng chuyên tế đàn,
    Nhưng không thể vượt qua,
    Già chết với tế đàn,
    Thời ai sống ở đời,
    Trong thế giới Nhơn, Thiên,
    Ðã vượt qua già chết,
    Ai được vậy, thưa Ngài,
    Con hỏi đức Thế Tôn,
    Ngài trả lời cho con?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn trả lời rằng:
    Hỡi này Pun-na-ka,
    Ai tính toán cao thấp,
    Ước lượng vậy ở đời,
    Ai không bị dao động,
    Bất cứ đâu ở đời,
    An tịnh, không phun khói,
    Không phiền não, không cầu,
    Vị ấy vượt già chết,
    Ta nói lên như vậy.

(V) Câu hỏi của thanh niên Mettagu (Sn 201)

Mettagu:

  1. Tôn giả Mêt-ta-gu:
    Con xin hỏi Thế Tôn,
    Mong Thế Tôn trả lời,
    Vấn đề con đã hỏi,
    Con nghĩ Ngài hiền trí,
    Tự ngã đã tu tập,
    Từ đâu, ở trong đời,
    Ðau khổ này khởi lên,
    Với nhiều loại như vậy?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn trả lời rằng:
    Hỡi này Mêt-ta-gu,
    Ông hỏi ta vấn đề,
    Sanh khởi của khổ đau,
    Ta sẽ nói cho Ông,
    Như Ta đã được biết,
    Chính do duyên sanh y,
    Nên khổ được khởi lên,
    Với nhiều loại như vậy,
    Khác biệt ở trong đời.
  2. Những ai vì vô minh,
    Tác thành các sanh y,
    Kẻ ngu tạo đau khổ,
    Tiếp tục được sanh khởi,
    Do vậy kẻ hiểu biết,
    Không nên tạo sanh y,
    Vì thấy sự sanh khởi,
    Của sanh và đau khổ.

Mettagu:

  1. Ðiều chúng con đã hỏi,
    Ngài đã đáp chúng rồi,
    Nay xin hỏi câu khác,
    Mong Ngài giải đáp cho,
    Thế nào bậc Hiền trí,
    Vượt khỏi dòng nước mạnh,
    Vượt khỏi sanh và già,
    Cùng sầu muộn than khóc,
    Mong rằng bậc ẩn sĩ,
    Hãy khéo trả lời con,
    Ðúng như Ngài đã biết,
    Pháp nhĩ là như vậy?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn trả lời rằng:
    Hỡi này Mêt-ta-gu,
    Ta sẽ nói cho Ông,
    Pháp thiết thực hiện tại,
    Không do trao truyền lại,
    Sau khi biết pháp ấy,
    Vị ấy sống chánh niệm,
    Vượt tham ái ở đời.

Mettagu:

  1. Thưa bậc Ðại ẩn sĩ,
    Con hết sức hoan hỷ,
    Chánh pháp vô thượng ấy,
    Sau khi biết pháp ấy,
    Sống gìn giữ chánh niệm,
    Vượt tham ái ở đời.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn đáp lại rằng:
    Hỡi này Mêt-ta-gu,
    Phàm Ông rõ biết gì,
    Trên dưới, ngang ở giữa,
    Hãy từ bỏ hoan hỷ,
    Hãy từ bỏ trú xứ,
    Chớ để cho ý thức,
    An trú trên sanh hữu.
  2. An trú vậy, chánh niệm,
    Tỷ-kheo không phóng dật,
    Sau khi bỏ sở hành,
    Ðưa đến ngã, sở hữu.
    Ðối với sanh và già,
    Sầu muộn và than khóc,
    Ở đây, biết được vậy,
    Hãy từ bỏ đau khổ.

Mettagu:

  1. Con cảm thấy hoan hỉ,
    Lời nói bậc Ðại sĩ;
    Ðoạn tận được sanh y,
    Ðược Ngài khéo tuyên thuyết.
    Chắc chắn đức Thế Tôn,
    Ðã đoạn tận đau khổ,
    Vì pháp này được Ngài,
    Rõ biết là như vậy.
  2. Những vị ấy hãy đoạn,
    Hãy từ bỏ đau khổ,
    Những người ấy được Ngài
    Thường thường dạy, giáo hóa.
    Con xin đảnh lễ Ngài,
    Hãy đến, bậc Long tượng,
    Mong Thế Tôn thường hằng,
    Giáo hóa dạy dỗ con.

Thế Tôn:

  1. Vị Bà-la-môn nào,
    Ðược thắng tri, có trí,
    Không có sở hữu gì,
    Không ái luyến dục hữu,
    Chắc chắn vị như vậy,
    Vượt qua bộc lưu này,
    Ðã đến được bờ kia,
    Không cứng cỏi không nghỉ.
  2. Người ấy sau khi biết,
    Thông suốt được Thánh điển,
    Không dính ái triền này,
    Về hữu và phi hữu,
    Vị ấy ly tham ái,
    Không phiền lụy không cầu,
    Ta nói rằng vị ấy,
    Ðã vượt khỏi sanh già.

(VI) Câu hỏi của thanh niên Dhotaka (Sn 204)

Dhotaka:

  1. Tôn giả Dhô-ta-ka:
    Con xin hỏi Thế Tôn,
    Mong Ngài trả lời cho,
    Con chờ đợi lời Ngài,
    Kính thưa bậc Ðại sĩ,
    Nghe lời Ngài tuyên bố,
    Chúng con sẽ tự mình,
    Học tập giới Niết-bàn.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn đáp lại rằng:
    Hỡi này Dhô-ta-ka,
    Ở đây Ông nhiệt tâm,
    Sáng suốt và chánh niệm,
    Từ đây, nghe tuyên bố,
    Tự học tập Niết-bàn.

Dhotaka:

  1. Con thấy ở thế giới,
    Chư Thiên và loài Người,
    Sở hành của Phạm chí,
    Không một gì sở hữu.
    Con đảnh lễ chính Ngài,
    Bậc có mắt cùng khắp,
    Kính thưa bậc Thích tử,
    Hãy giải thoát cho con,
    Tất cả mọi nghi ngờ.

Thế Tôn:

  1. Hỡi này Dhô-ta-ka,
    Ta sẽ không đi đến,
    Giải thoát cho một ai,
    Có nghi ngờ ở đời,
    Khi pháp được Ông biết,
    Là tối thượng tối thắng,
    Như vậy Ông vượt khỏi,
    Dòng nước chảy mạnh này.

Dhotaka:

  1. Hãy giáo hóa, từ mẫn,
    Ôi bậc đại Phạm thiên,
    Ðể con được rõ biết,
    Pháp viễn ly vô thượng,
    Như vậy con sẽ sống,
    Như trời không áp bức,
    Sở hành ở đời này,
    An tịnh và độc lập.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn liền nói rằng:
    Hỡi này Dho-ta-ka,
    Ta sẽ giảng cho Ông,
    Pháp tịch tịnh hiện tại;
    Không do xưa truyền lại,
    Sau khi biết pháp này,
    Hãy sống, giữa chánh niệm
    Vượt tham ái ở đời.

Dhotaka:

  1. Con cảm thấy hoan hỷ,
    Pháp bậc Ðại sĩ giảng,
    Pháp tịch tịnh vô thượng;
    Sau khi biết pháp này,
    Con sẽ sống chánh niệm,
    Vượt tham ái ở đời.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn lời đáp lại:
    Hỡi này Dho-ta-ka,
    Phàm Ông rõ biết gì,
    Cao, thấp, ngang, chặng giữa,
    Sau khi được rõ biết,
    Tham ái này ở đời,
    Chớ tạo nên khát ái
    Với hữu và phi hữu.

(VII) Câu hỏi của thanh niên Upasiva (Sn 205)

Upasiva:

  1. Tôn giả U-pa-si-va:
    Kính thưa bậc Thích tử,
    Một mình, không y chỉ,
    Con không thể vượt khỏi,
    Dòng nước lớn mạnh này,
    Kính thưa bậc Biến nhãn,
    Hãy nói cho sở duyên,
    Y chỉ sở duyên này,
    Có thể vượt qua khỏi,
    Dòng nước chảy mạnh này.

Thế Tôn:

  1. Ðây lời dạy Thế Tôn:
    Này U-pa-si-va,
    Biết gìn giữ chánh niệm,
    Không mong đợi vật gì,
    Ông sẽ vượt bộc lưu,
    Nương tựa: “không có gì “,
    Ngày đêm ngươi nhận thấy,
    Ðoạn dục, ly nghi ngờ,
    Ái diệt là Niết-bàn.

Upasiva:

  1. U-pa-si-va nói:
    Ai là người ly tham,
    Ðối với tất cả dục,
    Y chỉ không có gì,
    Từ bỏ mọi gì khác,
    Ðược giải thoát hoàn toàn,
    Tưởng giải thoát tối thượng,
    Tại đấy vị ấy trú,
    Không tiếp tục đi tới.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói như sau:
    Này U-pa-si-va,
    Ai hoàn toàn ly tham,
    Ðối với tất cả dục,
    Y chỉ không có gì,
    Từ bỏ mọi gì khác,
    Ðược giải thoát hoàn toàn,
    Tương giải thoát tối thượng,
    Tại đấy, vị ấy trú,
    Không tiếp tục đi tới.

Upasiva:

  1. Nếu vị ấy tại đấy,
    An trú không đi tiếp,
    Trong một số nhiều năm,
    Ôi bậc có biến nhãn!
    Nếu vị ấy tại đấy,
    Ðược mát lạnh giải thoát,
    Với vị được như vậy,
    Còn có thức hay không?

Thế Tôn:

  1. Ðây lời Thế Tôn nói:
    Hỡi U-pa-si-va!
    Cũng giống như ngọn lửa,
    Bị sức gió mạnh thổi,
    Ði đến chỗ tận cùng,
    Không có thể ước lượng,
    Cũng vậy, vị ẩn sĩ,
    Ðược giải thoát danh thân,
    Ði đến chỗ tận cùng,
    Không có thể ước lượng.

Upasiva:

  1. Vị đi đến tận cùng,
    Có phải không hiện hữu,
    Hai vị ấy thường hằng,
    Ðạt được sự không bệnh,
    Lành thay, bậc ẩn sĩ,
    Hãy trả lời cho con,
    Có vậy, con hiểu được,
    Pháp như thật Ngài giảng.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói như sau:
    Hỡi U-pa-si-va,
    Người đi đến tận cùng,
    Không thể còn ước lượng,
    Với gì, nói đến nó,
    Không còn có cái ấy,
    Khi tất cả các pháp,
    Ðã được nhổ hẳn lên,
    Mọi con đường nói phô,
    Ðược nhổ lên sạch hết.

(VIII) Các câu hỏi của thanh niên Nanda (Sn 207)

Nanda:

  1. Tôn giả Nan-da nói:
    Quần chúng có nói rằng:
    Có ẩn sĩ ở đời,
    Ngài nghĩ như thế nào?
    Chúng gọi là ẩn sĩ
    Vị có đầy đủ trí?
    Hay vị đầy đủ mạng?

Thế Tôn:

  1. Các bậc thiện nói rằng:
    Ở đời này Nan-da,
    Không phải vì tri kiến,
    Vì truyền thống, vì trí
    Ðược gọi là ẩn sĩ,
    Ta chỉ gọi ẩn sĩ,
    Những ai diệt quân lực,
    Không phiền não, không cầu.

Nanda:

  1. Tôn giả Nan-đa thưa:
    Có Sa-môn, Phạm chí,
    Nói rằng sự thanh tịnh
    Là nhờ thấy, nhờ nghe;
    Có người lại nói rằng:
    Thanh tịnh do giới cấm;
    Có người lại nói rằng:
    Thanh tịnh do nhiều pháp.
    Bạch Thế Tôn, như vậy,
    Là sở hành của chúng,
    Vậy Ngài nghĩ thế nào,
    Chúng có thể vượt qua,
    Sanh và già thưa Ngài,
    Con kính hỏi Thế Tôn,
    Mong Ngài trả lời con.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói: Nan-đa!
    Sa-môn, Phạm chí này,
    Nói rằng sự thanh tịnh
    Là nhờ thấy, nhờ nghe;
    Có người lại nói rằng:
    Thanh tịnh do giới cấm;
    Có người lại nói rằng:
    Thanh tịnh do nhiều pháp.
    Dầu chúng ở tại đây,
    Với sở hành như vậy,
    Ta nói chúng không vượt,
    Khỏi sanh và khỏi già.

Nan-da:

  1. Tôn giả Nan-đa thưa:
    Sa-môn, Phạm chí này,
    Nói rằng sự thanh tịnh
    Là nhờ thấy, nhờ nghe;
    Có người lại nói rằng:
    Thanh tịnh do giới cấm;
    Có người lại nói rằng:
    Thanh tịnh do nhiều pháp.
    Thưa ẩn sĩ, Ngài nói:
    Chúng không vượt bộc lưu,
    Vậy ai có thể được,
    Giữa thế giới Trời, Người,
    Có thể vượt qua được,
    Sanh và già, thưa Ngài,
    Con xin hỏi Thế Tôn
    Mong Ngài trả lời con.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói: Nan-đa
    Ta không nói tất cả,
    Sa-môn, Bà-la-môn
    Bị sanh già che lấp.
    Những ai ở đời này,
    Ðoạn tận khắp tất cả,
    Ðiều được nghe được thấy,
    Ðược cảm tưởng, giới cấm,
    Và đoạn nhiều pháp khác,
    Liễu tri ái, vô lậu,
    Ta nói những người ấy,
    Vượt qua được bộc lưu.

Nanda:

  1. Con cảm thấy hoan hỷ,
    Lời Ðại sĩ Cù-đàm,
    Ðược Ngài khéo thuyết giảng,
    Về chấm dứt sanh y,
    Những ai ở đời này,
    Ðoạn tận khắp tất cả,
    Ðiều được nghe, được thấy,
    Ðược cảm tưởng, giới cấm,
    Và đoạn nhiều pháp khác,
    Liễu tri ái, vô lậu,
    Ta nói những người ấy,
    Vượt qua khỏi bộc lưu.

(IX) Các câu hỏi của thanh niên Hemaka (Sn 209)

Hemaka:

  1. Tôn giả He-ma-ka:
    Những ai trong thời trước,
    Ðã trả lời cho con,
    Về lời dạy Cù-đàm,
    Trước đã như thế nào,
    Sau sẽ là như vậy,
    Tất cả đều truyền thống,
    Tất cả tăng suy tư.
  2. Ðây, con không hoan hỷ,
    Ngài nói Pháp cho con,
    Ôi mong bậc ẩn sĩ,
    Nói Pháp đoạn khát ái,
    Biết xong, sống chánh niệm,
    Vượt ái trước ở đời.

Thế Tôn:

  1. He-ma-ka ở đây,
    Ðối các Pháp khả ái,
    Ðược nghe và được thấy,
    Ðược cảm tưởng, nhận thức,
    Tẩy sạch ước muốn tham,
    Là Niết-bàn, bất tử.
  2. Biết vậy, giữ chánh niệm,
    Hiện tại, đạt mát lạnh,
    Vị ấy thường an tịnh,
    Vượt chấp trước ở đời.

(X) Câu hỏi của thanh niên Todeyya (Sn 210)

Todeyya:

  1. Tôn giả Tô-đê-ya:
    Ai sống không dục vọng,
    Ai sống không có ái,
    Ai vượt khỏi nghi hoặc,
    Giải thoát của vị ấy,
    Giải thoát như thế nào?

Thế Tôn:

  1. Ðây lời nói Thế Tôn:
    Hỡi nãy Tô-đê-ya,
    Ai sống không dục vọng,
    Ai sống không có ái,
    Ai vượt khỏi nghi hoặc
    Giải thoát của vị ấy
    Không có gì là khác.

Todeyya:

  1. Vị sống không ước vọng
    Hay sống có ước vọng,
    Vị ấy có trí tuệ,
    Hay tác thành trí tuệ,
    Ôi kính bậc Biến nhãn,
    Hãy trả lời con rõ,
    Ðể con có thể biết,
    Thế nào là ẩn sĩ,
    Ôi kính bậc Thích tử.

Thế Tôn:

  1. Vị sống không ước vọng,
    Không có ước vọng nào,
    Vị ấy có trí tuệ,
    Không tác thành trí tuệ,
    Như vậy, Tô-đê-ya,
    Hãy biết bậc ẩn sĩ,
    Không có sở hữu gì,
    Không tham dính dục hữu.

(XI) Câu hỏi của thanh niên Kappa (Sn 211)

Kappa:

  1. Tôn giả Káp-pa nói:
    Những ai đứng giữa nước,
    Trong dòng nước mạnh chảy,
    Giữa sợ hãi lớn lao,
    Thưa Ngài hãy nói lên,
    Hòn đảo cho những kẻ,
    Bị già chết chinh phục,
    Ngài nói con hòn đảo,
    Ðể không có khổ khác,
    Giống như đau khổ này.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói Kap-pa,
    Những ai đứng giữa nước,
    Trong dòng nước mạnh chảy,
    Giữa sợ hãi lớn lao,
    Ta nói Ông hòn đảo,
    Cho những ai đang bị,
    Già và chết chinh phục.
  2. Hòn đảo vô song này,
    Không sở hữu, chấp trước,
    Ta nói Ông Niết-bàn,
    Già chết được đoạn diệt,
  3. Biết vậy, giữ chánh niệm,
    Hiện tại đạt mát lạnh,
    Không rơi vào ma lực,
    Không tùy tùng theo ma.

(XII) Câu hỏi của thanh niên Jatukanni (Sn 212)

Jatukanni:

  1. Ja-tu-kan-ni nói:
    Ðược nghe bậc anh hùng,
    Không tham đắm dục vọng,
    Nên con đã đến đây,
    Ðể hỏi bậc vô dục,
    Ðã thoát khỏi bộc lưu,
    Bậc sanh với con mắt,
    Hãy nói đường an tịnh,
    Thế Tôn hãy như thật,
    Nói cho con được biết.
  2. Chinh phục dục vọng xong,
    Thế Tôn sống ở đời,
    Như mặt trời chiếu sáng,
    Cõi đất với hào quang,
    Bậc trí tuệ rộng lớn,
    Hãy nói pháp cho con,
    Kẻ trí tuệ bé nhỏ,
    Do rõ biết pháp này,
    Ở đây, con đoạn được,
    Kể cả sanh và già.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói như sau:
    Hỡi Ja-tu-kan-ni!
    Hãy nhiếp phục lòng tham,
    Ðối với các dục vọng;
    Hãy nhìn hạnh xuất ly,
    Ðưa đến sự an ổn;
    Chớ chấp chờ, từ bỏ,
    Sự vật gì ở đời.
  2. Những gì có trước Ông,
    Hãy làm nó khô cạn,
    Ðừng có sự vật gì,
    Ở phía đàng sau Ông,
    Ở giữa, Ông không chấp,
    Ông sẽ sống an tịnh.
  3. Hỡi này Bà-la-môn!
    Ðối với danh và sắc,
    Hoàn toàn không tham đắm,
    Không có các lậu hoặc,
    Chính do lậu hoặc này,
    Bị thần chết chi phối.

(XIII) Câu hỏi của thanh niên Bhadràvudha (Sn 213)

Bhadràvudha:

  1. Bha-đra-vu-đa nói:
    Con có lời yêu cầu,
    Bậc Thiện Tuệ nói lên,
    Bậc bỏ nhà, đoạn ái,
    Bất động, bỏ hỷ ái,
    Giải thoát, vượt bộc lưu,
    Thời gian, không chi phối,
    Nghe xong, bậc Long tượng,
    Từ đây, họ ra đi.
  2. Quần chúng sai biệt ấy,
    Từ quốc độ tụ họp,
    Họ ao ước khát vọng,
    Ðược nghe lời của Ngài,
    Ôi anh hùng chiến thắng,
    Ngài hãy khéo trả lời,
    Pháp Ngài dạy thế này,
    Như vậy họ hiểu biết.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói như sau:
    Này Bha-đra-vu-đa!
    Hãy nhiếp phục tất cả,
    Mọi tham ái chấp thủ,
    Trên, dưới cả bề ngang,
    Và kể luôn chặng giữa,
    Những ai có chấp thủ,
    Sự gì ở trong đời,
    Chính do sự việc ấy,
    Ác ma theo người ấy.
  2. Do vậy, bậc hiểu biết,
    Không có chấp thủ gì,
    Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
    Trong tất cả thế giới,
    Phàm có sở hữu gì,
    Vị ấy không mong ước,
    Nhìn xem quần chúng này,
    Là chúng sanh chấp thủ,
    Trong lãnh vực của Ma,
    Bị tham dính chấp trước.

(XIV) Câu hỏi của thanh niên Udaya (Sn 214)

Udaya:

  1. Tôn giả U-da-ya:
    Con đến với câu hỏi,
    Về tất cả mọi pháp,
    Ðể hỏi bậc tu thiền,
    Bậc an tọa không bụi;
    Trách nhiệm đã làm xong,
    Bậc không có lậu hoặc,
    Ðã đạt bờ bên kia,
    Hãy nói trí giải thoát
    Ðể phá hoại vô minh.

Thế Tôn:

  1. Ðây lời Thế Tôn nói:
    Hỡi này U-đa-ya,
    Ðoạn ước muốn, dục vọng,
    Và cả hai loại ưu,
    Và trừ bỏ hôn trầm,
    Ngăn chận mọi hối hận.
  2. Ta nói trí giải thoát,
    Ðể phá hoại vô minh,
    Thanh tịnh nhờ xả niệm,
    Suy tư pháp đi trước.

Udaya:

  1. Ðời cái gì trói buộc,
    Cái gì, đời vận hành?
    Do đoạn được cái gì,
    Ðược gọi là Niết-bàn?

Thế Tôn:

  1. Ðời bị hỷ trói buộc,
    Suy tầm là sở hành,
    Do đoạn được khát ái,
    Ðược gọi là Niết-bàn.

Udaya:

  1. Người sở hành chánh niệm,
    Thức được diệt thế nào?
    Con đến hỏi Thế Tôn,
    Nghe lời Thế Tôn nói.

Thế Tôn:

  1. Ai không có hoan hỷ,
    Với nội và ngoại thọ,
    Sở hành chánh niệm vậy,
    Thức đạt được hoại diệt.

(XV) Câu hỏi của thanh niên Posàla (Sn 215)

Posàla:

  1. Tôn giả Po-sa-la:
    Vị nói về quá khứ,
    Bất động nghi hoặc đoạn,
    Ðã đến bờ bên kia,
    Con đến với câu hỏi
    Hỏi về hết thảy pháp.
  2. Với ai, sắc tưởng diệt,
    Ðoạn tận hết thảy thân,
    Nhìn thấy nội và ngoại,
    Thật sự không có gì,
    Con hỏi bậc Thích-ca,
    Thế nào người như vậy,
    Có thể bị dắt dẫn?

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn bèn đáp rằng:
    Hỡi này Pô-sa-la,
    Như Lai được thắng trí,
    Tất cả nhờ thức trú,
    Rõ biết vị an trú,
    Giải thoát, đạt cứu cánh.
  2. Biết được sự tác thành,
    Thuộc về vô sở hữu,
    Biết hỷ là kiết sử,
    Do thắng tri như vậy,
    Tại đấy, thấy như vậy,
    Ðây là trí như thật,
    Của vị Bà-la-môn,
    Ðã thành tựu Phạm hạnh.

(XVI) Câu hỏi của thanh niên Mogharàja (Sn 216)

Mogharàja:

  1. Mo-gha-rà-ja nói:
    Ðã hai lần con hỏi,
    Bậc có mắt, họ Thích,
    Ngài chưa trả lời con,
    Nhưng con được nghe rằng,
    Cho đến lần thứ ba,
    Vị Thiên nhân ẩn sĩ,
    Sẽ trả lời cho con.
  2. Ðời này và đời sau,
    Phạm thiên giới, thiên giới,
    Con không rõ quan điểm,
    Gotama lừng danh.
  3. Vị thầy được thù diệu,
    Con đến với câu hỏi,
    Cần nhìn đời thế nào,
    Ðể thần chết không thấy.

Thế Tôn:

  1. Này Mô-gha-ra-ja,
    Hãy nhìn đời trống không,
    Luôn luôn giữ chánh niệm,
    Nhô lên ngã tùy kiến,
    Như vậy vượt tử vong,
    Hãy nhìn đời như vậy,
    Thần chết không thấy được.

(XVII) Câu hỏi của thanh niên Pingiya (Sn 217)

Pingiya:

  1. Tôn giả Pin-gi-ya:
    Con đã già, yếu đuối,
    Không còn có dung sắc,
    Mắt không thấy rõ ràng,
    Tai không nghe thông suốt,
    Ðể con khỏi mệnh chung,
    Với tâm tư si ám,
    Mong Ngài nói Chánh pháp,
    Nhờ rõ biết pháp ấy,
    Chính tại ở đời này,
    Con đoạn tận sanh già.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn đáp lại rằng:
    Hỡi này Pin-gi-ya,
    Thấy được sự tác hại,
    Trong các loại sắc pháp,
    Chúng sanh sống phóng dật,
    Bị phiền lụy trong sắc,
    Do vậy, Pin-gi-ya,
    Ông chớ có phóng dật,
    Hãy từ bỏ sắc pháp
    Chớ đi đến tái sanh.

Pingiya:

  1. Bốn phương chính, bốn phụ,
    Cộng thêm trên và dưới,
    Như vậy có mười phương,
    Và trong thế giới này,
    Không có sự việc gì,
    Mà Ngài không được thấy,
    Không nghe, không nghĩ đến,
    Và không được thức tri,
    Hãy nói đến Chánh pháp,
    Nhờ rõ biết pháp này,
    Con ngay tại đời này,
    Ðoạn tận được sanh già.

Thế Tôn:

  1. Thế Tôn nói như sau:
    Hỡi này Pin-gi-ya!
    Thấy chúng sanh loài Người,
    Rơi vào trong khát ái,
    Bị già nua đốt cháy,
    Bị già nua chinh phục
    Do vậy, Pin-gi-ya,
    Ông chớ có phóng dật
    Hãy từ bỏ khát ái,
    Không còn bị tái sanh.

(XVIII) Kết luận

Thế Tôn nói như vậy. Trong khi ở tại Magadha, tại điện Phà-xa-na-ka, Thế Tôn được mười sáu Bà-la-môn đệ tử của Bàvani tìm đến, được hỏi nhiều câu hỏi và Ngài đã trả lời. Nêu từng câu hỏi một, sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp, thì có thể đi đến bờ bên kia của già chết. Những pháp này có thể đưa người qua bờ bên kia, cho nên pháp môn này cũng được gọi là Pàràyanam: “Con đường đưa đến bờ bên kia”.

  1. Phạm chí Ajita,
    Tissa-Met-tayya,
    Phạm chí Pun-na-ka,
    Cùng với Met-ta-gù,
    Thanh niên Dhotaka,
    Và Upasiva,
    Nan-đa, He-ma-ka,
    Cả hai vị thanh niên.
  2. To-dey-ya, Kap-pà;
    Và Ja-tu-kha-ni,
    Với Bhad-rà-vu-dha
    Phạm chí U-da-ya
    Phạm chí Po-sà-la,
    Với Mo-gha-rà-ja
    Là bậc đại Hiền trí,
    Cùng với bậc đại sĩ,
    Tên là Pin-gi-ya.
  3. Những vị này đi đến,
    Ðức Phật, bậc Tiên nhân,
    Bậc hạnh đức đầy đủ,
    Những vị này đi đến,
    Bậc giác ngộ tối thượng,
    Hỏi câu hỏi tế nhị.
  4. Ðức Phật đã như thật,
    Trả lời các vị ấy,
    Tùy theo các câu hỏi,
    Và bậc đại ẩn sĩ
    Trả lời những câu hỏi,
    Khiến các Bà-la-môn,
    Ðược hoan hỷ vui thích.
  5. Họ được vui, hoan hỷ,
    Nhờ Phật, bậc có mắt,
    Nhờ bà con mặt trời,
    Họ hành trì Phạm hạnh,
    Dưới chỉ đạo hướng dẫn,
    Bậc trí tuệ tuyệt diệu.
  6. Theo từng câu hỏi một,
    Tùy đức Phật thuyết giảng,
    Ai như vậy hành trì,
    Ði được từ bờ này,
    Ðến được bờ bên kia.
  7. Ði được từ bờ này,
    Ðến được bờ bên kia,
    Tu tập đạo vô thượng,
    Và chính con đường ấy,
    Ðưa đến bờ bên kia,
    Do vậy được tên gọi,
    Con đường đến bờ kia.

Rồi Tôn giả Pingiya đi về Godhàvari và nói lại với Bà-la-môn Bàvari những điều đã xảy ra.

Pingiya:

  1. Tôn giả Pin-gi-ya:
    Con sẽ đọc tụng lên
    Con đường đến bờ kia,
    Ngài được thấy thế nào,
    Ngài nói lên thế ấy,
    Bậc vô cấu, quảng trí,
    Bậc lãnh đạo không dục,
    Bậc Niết-bàn an tịnh,
    Làm sao do nhân gì,
    Ngài nói điều không thật.
  2. Bậc đã đoạn trừ hết,
    Uế nhiễm và si mê,
    Bậc đã diệt trừ sạch,
    Kiêu mạn và gièm pha,
    Con sẽ nói tán thán,
    Âm thanh vi diệu ấy.
  3. Bậc quét sạch u ám,
    Phật-đà, bậc Biến nhãn,
    Ðã đến, tận cùng đời,
    Ðã vượt qua sanh hữu,
    Bậc không có lậu hoặc,
    Ðoạn tận mọi đau khổ,
    Vị được gọi sự thật,
    Hỡi vị Bà-la-môn,
    Con được hầu vị ấy.
  4. Như chim bỏ rừng hoang,
    Ðến ở rừng nhiều trái,
    Cũng vậy con từ bỏ,
    Những bậc thấy nhỏ nhen,
    Con đạt đến biển lớn,
    Chẳng khác con thiên nga.
  5. Những ai trong đời khác,
    Ðã nói cho con nghe,
    Lời dạy bậc Cù-đàm
    Như vậy đã xảy ra,
    Như vậy sẽ xảy đến,
    Tất cả là tin đồn,
    Chỉ làm tăng nghi ngờ.
  6. Chỉ một vị an trú,
    Quét sạch các hắn ám,
    Sanh trưởng gia đình quý,
    Vị ấy chiếu hào quang,
    Cù-đàm, bậc quảng tuệ,
    Cù-đàm, bậc quảng trí.
  7. Ai thuyết pháp cho con,
    Pháp thiết thực hiện tại,
    Ðến ngay không chờ đợi,
    Ái diệt, vượt đau khổ,
    Vị ấy không ai sánh.

Bàvari:

  1. Hỡi này Pin-gi-ya,
    Sao Ông lại không thể,
    Sống xa lánh vị ấy,
    Chỉ trong một chốc lát,
    Bậc Cù-đàm quảng tuệ,
    Bậc Cù-đàm quảng trí,
  2. Vị thuyết pháp cho người,
    Pháp thiết thực hiện tại,
    Ðến ngay không chờ đợi,
    Ái diệt, vượt đau khổ,
    Vị ấy không ai sánh.

Pingiya:

  1. Hỡi này Bà-la-môn,
    Con không có thể được,
    Sống xa lánh vị ấy
    Chỉ trong một chốc lát,
    Gotama quảng tuệ,
    Gotama quảng trí.
  2. Vị thuyết pháp cho con,
    Pháp thiết thực hiện tại,
    Ðến ngay không chờ đợi,
    Ái diệt, vượt đau khổ,
    Vị ấy không ai sánh.
  3. Chính con thấy vị ấy,
    Với ý, với con mắt,
    Ngày đêm không phóng dật,
    Kính thưa Bà-la-môn,
    Con trải qua suốt đêm
    Ðảnh lễ, kính vị ấy,
    Do vậy con nghĩ rằng,
    Con không xa vị ấy.
  4. Với tín và với hỷ,
    Với ý luôn chánh niệm,
    Không làm con xa rời,
    Lời dạy Gotama!
    Chính tại phương hướng nào,
    Bậc quảng tuệ đi đến,
    Chính ở phương hướng ấy,
    Con được dắt dẫn đến.
  5. Với con tuổi đã già,
    Yếu đuối, không sức mạnh,
    Do vậy thân thể này,
    Không đến được chỗ ấy,
    Với tâm tư quyết chí,
    Con thường hằng đi đến.
    Vì rằng thưa Phạm chí,
    Ý con cột vị ấy.
  6. Nằm dài trong vũng bùn,
    Vùng vẫy, vật qua lại,
    Con đã bơi qua lại,
    Ðảo này đến đảo khác,
    Con đã thấy đức Phật,
    Vượt bộc lưu, vô lậu.

Ðến đây, khi chúng đang nói, đức Phật hiện ra và nói:

Thế Tôn:

  1. Cũng như Vak-ka-li
    Nhờ tin, được giải thoát,
    Với Bhad-rà-vu-dha,
    A-la-vi, Cù-đàm,
    Cũng vậy, Ông đã được,
    Giải thoát nhờ lòng tin.
    Hỡi này Pin-gi-ya,
    Ông sẽ đi đến được,
    Ðến được bờ bên kia,
    Của thế giới thần chết.

Pingiya:

  1. Ðược nghe lời ẩn sĩ,
    Con tăng trưởng tịnh tín,
    Bậc Chánh đẳng Chánh giác,
    Ðã vén lên tấm màn,
    Không cứng cỏi, biện tài.
  2. Thắng tri các chư Thiên,
    Biết tất cả cao thấp,
    Bậc Ðạo Sư chấm dứt,
    Tất cả các câu hỏi,
    Với những ai tự nhận,
    Còn có chỗ nghi ngờ.
  3. Không run rẩy, dao động,
    Không ai có thể sánh,
    Chắc chắn con sẽ đi,
    Tại đây, con không nghi,
    Như vậy, thọ trì Ta
    Như tâm người tín giải.

Phẩm “Con đường đi đến bờ bên kia ” đã xong.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm