Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

 Inline image

Ấn tống là tiếng Trung Hoa, có nghĩa là cho, tặng, không bán.

Trong Đạo Phật, danh từ ấn tống thường được dùng để chỉ cho những thứ Kinh điển, sách, tài liệu Phật pháp được in ra để tặng, biếu, cho không, chứ không bán. Người nhận có thể tùy tâm cúng dường hay không đều được.

Người ấn hành Kinh, sách, tài liệu về Phật giáo thường là chư Tăng, Ni, Phật tử phát tâm nhằm vào một hay hai, ba trong các mục đích sau đây:

  1. Góp công đức để hương linh quyến thuộc bên cõi chết được mau siêu sanh Phật quốc.
  2. Tạo phước đức cho con cháu.
  3. Cầu an cho thân bằng quyến thuộc được bình an, tiêu trừ tật bệnh.
  4. Cung ứng thêm những thứ kinh thường tụng để cho người tụng được có đủ, đừng bị thiếu trong các khóa lễ.
  5. Để giúp cho những hành giả học Phật được có thêm những tài liệu Phật pháp để nghiên cứu và học hỏi.
  6. Trong nghĩa vụ và bổn phận phụng trì và phát triển Tam tạng Giáo điển Kinh, Luật, Luận từ ngoại ngữ ra ngôn ngữ quốc gia dân tộc, thì việc cúng dường tịnh tài cho chư Tăng, Ni phiên dịch Pháp tạng, Kinh điểnđược đồng nghĩa với ấn tống.

Trên nguyên lý phước báo, phước báo ấn tống kinh điển Phật là cao nhất vì nó thuộc về lãnh vực Trí Tuệ. Tức là tâm có định, có Tuệ là do đọc và hiểu cuốn Kinh, qua sự học hỏi lời Phật dạy trong Kinh. Nhưng phải ấn tống đúng phép và đúng pháp theo lời Phật dạy thì mới được phước báo.

  1. Ấn tống Kinh đúng phép tắc

 

Inline image

Nói đến ngôi chùa là phải nói đến những nhân sự có trách nhiệm đối với ngôi chùa, đó là vị trụ trì (Tăng, Ni). Trách nhiệm của họ là trông coi cơ sở, hướng dẫn Phật tử sinh hoạt mọi giáo vụ. Do vậy việc ấn tống kinh điển, nếu Phật tử nào muốn phát tâm đều phải hỏi ý kiến những nhân sự tại chùa mình thường lui tới, chứ không thể tự ý in ấn ở đâu đó, rồi đem đến các chùa cứ để bừa rồi gọi là ấn tống.

Hiện này tại các chùa ở hải ngoại, chùa nào cũng có ba thứ kinh Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan bằng văn xuôi, văn vần khác nhau, do phật tử mang đến để mà không xin qua ý kiến của Tăng Ni trụ trì.

Trước sự phát tâm ấn tống các thứ kinh một cách tự do không hỏi ý kiến chư tôn đức của các Phật tử hiện nay, chư tôn đức cũng đành phải im lặng hằng thuận theo Phật tử, không cách nào hơn.

Không những chỉ riêng ba thứ kinh trên được ấn tống với số lượng được xem là "lạm phát", mà còn có cả các nghi thức tụng niệm gọi là kinh Nhựt Tụng cũng đã và đang được ấn tống với số lượng "khủng".

Các tài liệu ấn tống này đều bị thặng dư đến mức tối đa. Thậm chí tại các phòng mạch bác sĩ, nhà thuốc cũng có những thứ kinh nằm lăn lóc qua nhiều ngày mà chẳng thấy suy suyễn, còn nguyên số lượng hằng chục cuốn.

Bên cạnh những cuốn kinh Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư, Vu Lan bằng chữ phiên âm và dịch nghĩa theo văn vần, văn xuôi được dùng và không được dùng đã và đang tràn ngập tại các chùa, còn có những thứ kinh khác nữa bị tràn ngập tại các chùa. Trong đó có cuốn kinh Bạch Y Thần Chú được xem là quá nhiều hơn tất cả. Hàng ngàn cuốn Bạch Y Thần Chú nằm la liệt từng đống trong mọi góc chùa. Lớp cũ được tiếp nối lớp mới đủ màu sắc, đủ cỡ bằng nửa gang tay, mỏng dính, chồng chất lên nhau với lớp bụi trần lâu năm, làm cho những đống kinh Bạch Y Thần Chú bị bạc màu cũ rách. Vì vậy mà thầy trụ trì chùa phải đem hết ra chất thành đống, rồi chắp tay, miệng khấn vái, niệm kinh chú. Sau đó châm lửa vào cho cháy sạch, đem tro bón vào các bụi cây hoa hồng,

Tất cả cách ấn tống kinh Phật nói trên không đúng pháp, không đúng phép. Không đúng pháp, không đúng phép sẽ không được phước báo dù là phước báo hữu lậu vẫn không được. Vì không được sử dụng do dư thừa, lời văn dịch không hay, không đúng, nội dung không theo truyền thống (nghi thức) và làm cho đạo tràng mất thanh tịnh, không trang nghiêm.

Ngược lại, ấn tống đúng pháp, đúng phép, tức là phải thỉnh ý kiến chư Tăng Ni trụ trì để quý ngài xem xét, hướng dẫn, chỉ đạo cho thứ kinh, sách, tài liệu Phật pháp nào đang được sử dụng, hay đang dư thừa không dùng cho việc tụng niệm hay tu tập. Các Ngài sẽ cho biết nên ấn tống các thứ kinh sách nào đang cần cho việc tu tập hay là hướng dẫn cho việc góp tịnh tài cho việc phiên dịch Kinh điển, thì sẽ được phước báo ngay hiện tiền cho cá nhân và cho chư hương linh quyến thuộc được siêu thoát.

  1. Ấn tống kinh theo lời Phật dạy

 

Inline image

Trong các kinh Phật, ta thường đọc lời Phật dạy các hàng đệ tử xuất gia, tại gia là phải tự mình sao chép, khuyên bảo người khác sao chép hay cùng người khác sao chép kinh điển từ một câu kệ ngắn, cho đến bài kinh dài, ra thành nhiều bản, rồi phổ biến đến các tha nhân hiện hữu thực tại và hậu lai, để cho họ theo đó mà tu tập xa lìa các phiền não, ác trược mà giải thoát sinh tử.

Ấn tống kinh theo lời Phật dạy nói trên là nhắm vào các bộ kinh lớn, nhỏ được phiên dịch ra nghĩa lý và những sách giảng luận Phật pháp có chứa đựng nguyên lý giải thoát để trợ giúp cho các hành giả học hỏi, tu tập hơn là để tụng. Cho nên ấn tống theo cách này sẽ được phước báo nhiều hơn, vì đem lại cho các hành giả học Phật được giác ngộ chơn lý, do có trí hiểu biết mà thấy được đạo, hành đạo theo khế lý trong những sách Phật pháp ấn tống. Nếu chưa giác ngộ chơn lý, ít ra sáu căn bản phiền não (tham, sân, si, mạng, nghi và ác kiến) trong tâm hành giả cũng đang tuần tự bị tiêu diệt do Phật tánh đang vươn lên được gọi là kiến đạo, hành đạo. 

 

Inline image

 

Từ chỗ này cho ta thấy những bộ kinh lớn (Bát Nhã, Kim Cang, Hoa Nghiêm, Lăng Nghiệm, A Hàm,… ), cũng như những loại sách giảng luận Phật pháp từ bản dịch cho đến biên khảo rất có giá trị ở mặt tâm thức thấy đạo, hành đạo và đạt đạo đối với hành giả học Phật. Do đó, giữa những thứ Kinh để tụng và những sách giảng luận Phật pháp, thì sách giảng luận Phật pháp được xuất bản và ấn tống nhiều hơn và thường xuyên hơn với số lượng hằng trăm ngàn cuốn tại quốc nội và hải ngoại. Ấy thế vậy mà không thấy dư thừa, vẫn còn thiếu. Những sách giảng luận Phật pháp ở vào thời đại nào, thế hệ nào vẫn có giá trị về trí tuệ cho mọi căn cơ của người Phật tử được phát triển trên bước đường học Phật.

 Những người ấn tống kinh sách, không hạn định ở người có nhiều tiền, ít tiền, mà là những người có tâm hiểu biết rộng lớn, nếu không nói là tâm từ bi, trí tuệ đích thực nên có năng lực khởi lên ý niệm ấn tống đúng theo lời Phật dạy để hướng đến những mục tiêu: hoằng dương chánh pháp vào đời, giác tha cho mọi người, trách nhiệm và bổn phận phụng trì, phát triển kinh tạng giáo điển cho hậu lai. 

 

Inline image

Inline image

Ấn tống đúng theo lời Phật dạy như vậy thì người ấn tống nhất định sẽ gặt hái nhiều phước báo lớn riêng cho mình, quyến thuộc mình và cho cả hương linh, giác linh bà con tộc họ của mình bên kia cõi chết mau được ra khỏi cảnh u đồ, siêu sanh tịnh độ. 

 NHẬN THỨC VÀ KẾT LUẬN

Lời Phật dạy cho các hàng đệ tử xuất gia, tại gia phải tự mình sao chép, khuyên bảo người khác sao chép, in ấn kinh điển Phật pháp ngay khi còn tại thế, là nhằm vào các hàng đệ tử hậu lai sanh ra đời không gặp Phật, chỉ gặp kinh sách Phật pháp. Cho nên các quốc gia hiện nay trên thế giới có đạo Phật, đều có rất nhiều thứ kinh sách giảng luân Phật pháp là do các hàng đệ tử xuất gia, tại gia có tâm hiểu biết công việc hoằng dương chánh pháp vào thế gian là điều cần thiết phải làm đúng theo những điều Phật đã nói trong kinh Pháp Hoa. Những điều đó là:

  1. Chúng sinh ở hậu lai vào thời kỳ mạc pháp không gặp Phật, chỉ gặp Kinh sách Phật pháp.
  2. Cho nên Phật dạy hàng xuất gia, tại gia hiện tại hãy tự mình sao chép, khuyên bảo người khác sao chép kinh điển để tiếp tục tồn tại chánh pháp cho các thế hệ kế tiếp theo đó học hỏi để thấy đạo, hành đạo và đạt đạo.
  3. Vì thế hành giả tìm con đường giải thoát trong đạo Phật bằng giáo pháp ở cách thức tự học hỏi, khảo cứu qua kinh sách giảng luận, thì mới có thể thấy đạo, hành đạo, đạt đạo.
  4. Cho nên con đường giải thoát sinh tử của mọi người đến với đạo Phật vào thời mạt pháp là quả vị Độc Giác (Duyên Giác) tức là tự mình giác ngộ, tự mình học hỏi giáo pháp trong kinh sách là chính yếu, còn nghe giảng pháp chỉ là phụ.

Qua bốn điểm Phật đã thấy trước và đã nói trong kinh Pháp Hoa vừa kể trên, nhất là quả vị Duyên Giác (Độc Giác) cho ta một bài học đích đáng về vấn đề Ấn tống kinh điển đúng pháp theo lời Phật dạy, thì phước báo mới đến thật sự.

Ấn tống Kinh sách, các tài liệu Phật pháp hướng dẫn con người giác ngộ và tu tập, được công đức thù thắng như vậy, nên khi gặp duyên lành thì hãy tinh tấn dũng mãnh phát tâm Bồ đề ấn tống, để trồng cội phước đức cho chính mình và thân bằng quyến thuộc.

 

Inline image  Inline image
 MƯỜI CÔNG ĐỨC ẤN TỐNG KINH SÁCH PHẬT PHÁP

 Những tội lỗi đã tạo từ trước,nhẹ thì được tiêu trừ, nặng thì chuyển thành nhẹ.

  1. Thường được các thiện thần ủng hộ, tránh được tất cả tai ương hoạn nạn, ôn dịch, nước, lửa, trộm cướp, đao binh, ngục tù.
  2. Vĩnh viễn tránh khỏi những quả báo phiền khổ, oán cừu oan trái của đời trước cũng như đời này.
  3. Các vị hộ pháp thiện thần thường gia hộ nên những loài dạ xoa ác quỷ, rắn độc hùm beo tránh xa không dám hãm hại.
  4. Tâm được an vui, ngày không gặp việc nguy khốn, đêm ngủ không thấy ác mộng. Diện mạo hiền sáng, mạnh khỏe an lành, việc làm thuận lợi, được kết quả tốt.
  5. Chí thành hộ pháp, tâm không cầu lợi, tự nhiên y phục đầy đủ, gia đình hòa thuận, phước lộc đời đời.
  6. Lời nói việc làm trời người hoan hỷ, đến đâu cũng được mọi người kính mến ngợi khen.
  7. Ngu chuyển thành trí, bệnh lành mạnh khỏe, khốn nghèo chuyển thành thịnh đạt. Nhàm chán nữ thân, mệnh chung liền được nam thân.
  8. Vĩnh viễn xa lìa đường ác, sanh vào cõi thiện, tướng mạo đoan nghiêm, tâm trí siêu việt, phước lộc tròn đầy.
  9. Hay vì tất cả chúng sanh trồng các căn lành. Lấy tâm cầu của chúng sanh làm ruộng phước điền cho mình. Nhờ công đức ấy đạt được vô lượng phước quả thù thắng. Sanh ra nơi nào cũng thường thấy Phật, nghe Pháp phước huệ rộng lớn, chứng đạt lục thông, sớm thành Phật quả.

 

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm