Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

Nam mô A-Di-Đà Phật.

    Nhân câu hỏi của Phật tử Tuấn Anh như sau thầy có trả lời như sau:

       CÂU HỎI CỦA TUẤN ANH:

   Bạch Thầy! Theo như sư Thầy giảng hôm Chủ nhật 26 tháng 11 năm 2019 vừa rồi tại chùa, thầy làm lễ cầu siêu và thầy nói tụng kinh A-Di-Đà 49 ngày liên tục thì Gia tiên cửu huyền thất tổ sẽ siêu sinh tịnh độ chứ không phải là 49 ngày sau khi mất. Việc này liệu thực hư ra sao ạ ?

    TRẢ LỜI:

  Câu hỏi của con rất là hay và nhân vì lời hỏi của con mà người khác nghe được lợi lạc. Trước tiên con phải biết, ai nói gì ta cứ nghe và sau đó đem Kinh điển Phật ra mà đối chiếu mới biết là đúng hay sai chẳng nên phản ứng thành ra mất nghĩa khí, lại mắc lỗi bất kính. Không ai bằng Phật và chư đại Bồ-Tát nên tốt nhất ta nên tin vào Kinh nhé.

    Con phải lấy Kinh Vu lan và Kinh Địa Tạng ra đọc tụng nghiên cứu .

     Con sẽ thấy trong 49 ngày khi mất tức là trong thời gian thân Trung ấm, thần thức người mất còn trong dịp được chờ phán quyết nên người thân có thể tụng Kinh, làm công đức hồi hướng cho họ mà vì thế họ được lợi lạc mà vãng sinh về Tây phương Cực-lạc hay các cảnh giới lành. Còn sau 49 ngày thì họ phải theo nghiệp mà đi, mọi việc đều do Vua Diêm La Vương phán xét, họ không còn được như trong thời gian 49 ngày nữa. Họ không phải muốn về nhà thì về mà chỉ có dịp vào Lễ Vu lan như Phật nói từ 12 giờ đêm 14 đến 12 giờ đem 15 tháng 7 âm lịch mà thôi. Vì vậy, nói như vậy là sai giáo lý của Kinh Phật nói. Các thầy làm thế chỉ là phương tiện để mọi người đến cúng dường tịnh tài mà thôi. Cho nên, mình nói bảo Phật nói là phạm tội đó. Cẩn cẩn trọng.  Con mở Kinh Vu lan và Kinh Địa-Tạng ra con đọc nhé.

   Trong Kinh Địa-Tạng, ở Phẩm Thứ nhất Thần Thông Trên Cung Trời Đao Lợi đã nói:

      "Thánh-Nữ lại hỏi: Do duyên cớ gì mà nước trong biển này sôi sùng sục và có những người tội cùng các thú dữ như thế?” Vô-Ðộc đáp rằng: “Ðây là những chúng sinh tạo ác ở cõi Diêm-Phù-Ðề mới chết, quá bốn mươi chín ngày không người kế tự để làm công đức hầu cứu vớt khổ nạn cho; lúc sống, họ lại không làm được nhân lành nào cả; vì thế nên cứ theo bổn nghiệp mà chiêu cảm lấy địa ngục, tự nhiên họ phải lội qua biển này trước. Cách biển này mười vạn do-tuần về phía Ðông lại có một cái biển, những sự thống khổ ở đó còn gấp bội chốn này. Phía Ðông của biển đó lại có một cái biển nữa, sự thống khổ ở đó càng trội hơn. Do ác-nhân của Tam Nghiệp cảm vời ra và gọi chung là biển nghiệp, chính là chốn này vậy”.

     Cũng trong Kinh Địa-Tạng, ở trong Phẩm LỢI ÍCH CHO KẺ CÒN NGƯỜI MẤT Ngài Địa-Tạng ở trước Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói: "Các chúng sinh đó, cứ theo nghiệp ác đã gây tạo mà suy lường quả báo chiêu cảm, tất phải đọa vào ác đạo; song nhờ quyến thuộc vì người lâm-chung mà tu nhân Thánh này, các tội đó thảy đều tiêu sạch. Như sau khi người ấy đã chết, nếu lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thì có thể làm cho người chết đó vĩnh viễn xa lìa chốn ác đạo, được sinh vào cõi trời hoặc cõi người, hưởng sự vui thù thắng vi diệu; quyến thuộc hiện tại cũng được vô lượng lợi ích. Vì lẽ đó nên nay con đối trước Ðức Phật Thế-Tôn, cùng Thiên-Long Bát-Bộ, nhân và phi nhân v.v...mà khuyên bảo các chúng sinh trong cõi Diêm-Phù-Ðề: vào ngày lâm-chung, cần phải cẩn thận, chớ giết hại và chớ gây tạo ác duyên, cũng đừng bái tế quỷ thần, cầu xin vọng lượng. Vì sao thế? Vì việc sát hại cho đến tế bái đó không có mảy may năng lực lợi ích cho người mất, mà chỉ kết thêm tội duyên, làm cho nặng thêm mà thôi. Giả sử người chết đó, trong đời vị-lai hoặc đời hiện tại, đắc được phần Thánh Quả, sẽ sinh vào cõi trời, cõi người; nhưng vì lúc lâm-chung bị hàng quyến thuộc gây tạo ác nhân, làm cho người chết cũng mắc lấy ương lụy, phải đối biện, chậm sinh vào chốn tốt lành. Huống chi là người sắp chết lúc sống chưa từng có chút thiện-căn, phải y theo bản-nghiệp mà tự đọa vào ác đạo! Hàng quyến thuộc nỡ nào làm tăng nghiệp tội của người ấy? Ví như có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, lại vác theo đồ vật nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận gởi ít món đồ nữa, vì thế mà càng khốn đốn, nặng nề thêm”. "Như có người nam hoặc người nữ nào, lúc sống đã không tu thiện-nhân mà lại tạo nhiều nghiệp tội, sau khi mạng chung lại được hàng quyến thuộc vì người chết mà tu tạo phước lợi lớn nhỏ; thì tất cả Thánh sự, trong bảy phần công đức, người chết được một phần, còn sáu phần thuộc về người sống hiện lo tu tạo đó. Vì thế cho nên, các thiện-nam thiện-nữ ở hiện-tại và vị-lai, nghe lời nói vừa rồi đó nên cố gắng tự tu hành, thì được hưởng trọn phần công đức.

     Ðại quỷ Vô-Thường không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ, chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, sau khi thẩm định xong thì cứ y theo nghiệp mà thọ sinh. Trong lúc chưa biết ra sao đó thì đã ngàn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo! Người chết đó khi chưa được thọ sinh, ở trong bốn mươi chín ngày luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục quyến thuộc tu tạo phước lực để cứu vớt cho. Quá ngày ấy rồi thì cứ theo nghiệp mà thọ báo. Nếu là tội nhân thì phải trải qua trong trăm ngàn năm, không có ngày được giải thoát; còn nếu là năm tội Vô-Gián thì phải đọa vào đại-địa-ngục, chịu mãi những sự đau khổ trong ngàn kiếp muôn kiếp".

     "Lại nữa, này ông Trưởng-Giả! Sau khi những chúng sinh gây nghiệp tội như thế mạng chung, hàng cốt nhục quyến thuộc vì họ mà làm chay cúng dường để trợ giúp nghiệp đạo, thì khi thức ăn chưa làm xong cùng trong lúc đang làm, chớ có đem nước gạo, lá rau đổ vung vãi nơi đất, cho đến các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật và chư Tăng thì chẳng được ăn trước. Nếu ăn trái phép và không được tinh sạch kỹ lưỡng, thì người chết đó trọn không được trợ lực nào cả. Nếu có thể kỹ lưỡng giữ gìn tinh sạch đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng, thì trong bảy phần công đức, người chết hưởng được một phần. Này ông Trưởng-Giả! Vì thế nên những chúng sinh trong cõi Diêm-Phù, sau khi cha mẹ hay người quyến thuộc chết, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm cầu khẩn, thì những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích cả". Nói lời này xong, tại cung trời Ðao-Lợi có ngàn muôn ức na-do-tha quỷ thần của cõi Diêm-Phù-Ðề đều phát tâm vô-lượng Bồ-Ðề(65). Ông Trưởng-Giả Ðại-Biện làm lễ mà lui ra.”

    Còn Trong Kinh Vu-Lan đã nói:

Nói xong Phật mới

Bảo Mục-Liên rằng:

“Ngày rằm tháng bảy,

Là ngày Tự-tứ

Mười phương chúng Tăng.

Mỗi người nên vì

Hiện thời cha mẹ,

Hoặc là tiền-kiếp

Cha mẹ bảy đời,

Mắc vòng khốn khổ,

Trong đường ách nạn.

Mà sắm cho đủ:

Trăm thức món ăn,

Năm thứ trái cây,

Hương, dầu, đèn nến,

Giường chiếu để nằm,

Bồn đựng nước tắm,

Mỗi thức, mỗi vật,

Ngon tốt tuyệt trần,

Sắp thành một lễ

Dâng cúng chư vị

Đại-Đức mười phương.

Hiển nhiên ngày ấy,

Các vị Thánh-chúng:

Hoặc bậc thiền-định

Ở chốn thâm sơn,

Hoặc bậc đã chứng

Bốn đạo quả lớn;

Hoặc bậc kinh-hành

Rừng xanh mật niệm;

Hoặc là những bậc

Đã được sáu phép

Tự-tại thần-thông,

Ra công giáo hóa

Chứng quả Thanh-Văn

Hay là Duyên-Giác;

Hoặc bậc Bồ-Tát

Thập-địa đại-nhân,

Tạm xuống cõi Trần,

Làm thầy Tỳ-Kheo,

Trong hàng đại-chúng;

Đều đồng một lòng,

Chứng giám hiếu-tâm

Thọ cơm hòa-la.

Tất cả các vị

Thánh-chúng vừa kể,

Đều đã tới chỗ

Đạo đức rộng sâu,

Giới hạnh thanh khiết.

Bởi thế cho nên,

Dâng cúng chúng Tăng,

Ngày rằm tháng bảy,

Thì nào cha mẹ

Ở nơi hiện thế,

Quyến-thuộc xa gần,

Đều được ra khỏi

Ba đường khổ não,

Là cõi địa-ngục,

Ngã-quỷ, Súc-sinh,

Ứng thời giải thoát,

An nhiên, tự-tại.

Hiện-thế cha mẹ,

Đang lúc sinh tiền

Chắc chắn sẽ được

Phước lạc trăm năm.

Lại nữa cha mẹ

Bảy kiếp về trước,

Ắt cũng sẽ được

Sinh về cõi Trời,

Hưởng phước vi-diệu”.

Lúc ấy Phật mới

Truyền dạy chúng Tăng

Khắp cả mười phương,

Những lời sau đây:

“Mỗi khi gia-chủ

Dâng lễ Vu-Lan,

Bổn phận chúng Tăng

Là phải trước hết

Tận tâm chú nguyện

Cầu cho bảy đời

Mẹ cha thí-chủ

Mau được giải thoát,

Kế đó theo phép,

Ngồi thiền, định-ý,

Sau rốt mới ăn.

Lại nữa nên nhớ:

Trước khi thọ thực,

Thì phải cúng dâng

Các món tịnh chay 

Dâng trước tượng Phật

Hoặc tại bàn Phật,

Ở tháp, ở Chùa.

Chú nguyện xong rồi,

Mới tự thọ thực”.

Khi Phật nói phép

Cứu tế xong rồi,

Thì ngài Mục-Liên

Cùng các Bồ-Tát

Đều rất vui mừng,

Bao nhiêu buồn rầu

Khóc than thảm thiết

Của ngài Mục-Liên,

Tức thời tiêu hết.

Cũng  trong ngày ấy,

Thân-mẫu Mục-Liên

Được thoát khỏi kiếp

Ngã-quỷ khổ cực.

Mục-Liên cung kính

Lại bạch Phật rằng:

“Sinh mẫu đệ-tử

Nay đã thoát khổ,

Cũng nhờ ân đức

Tam-Bảo thập phương,

Và của Thế-Tôn

Cùng bao Tăng-chúng,

 Từ rày về sau,

Nếu có những người,

Theo Phật tu-trì,

Mà lòng mong muốn

Dùng lễ Vu-Lan

Cứu độ tất cả

Hiện tại phụ-mẫu,

Cho đến bảy đời

Cha mẹ kiếp trước,

Có thể được chăng?”

Phật bèn nói rằng:

“Hay lắm! Hay lắm!

Ta vừa muốn nói

Mà con lại hỏi,

Thật là thích hợp

Với tấm lòng Ta.

Thiện-nam-tử ơi!

Bất luận nam nữ

Trong hàng Tỳ-Kheo,

Các đấng Quốc-vương,

Thái-tử, Đại-thần

Tam công tể tướng,

Trăm quan, dân thứ,

Nếu phát tâm lành,

Làm hạnh hiếu từ,

Thì trước hết phải,

Vì cha, vì mẹ

Sở sinh đời nay,

Và vì cha mẹ,

Bảy đời đã qua

Đến rằm tháng bảy,

Là ngày hoan hỷ

Của Phật thập phương,

Và thời Tự-tứ,

Chúng Tăng khắp nơi,

Dùng cơm đồ ăn,

Trăm vị thơm ngon,

Thiết tiệc Vu-Lan

Dâng cúng chư Tăng,

Chí thành cầu nguyện:

Cha mẹ đời này,

Sống lâu trăm tuổi,

Khỏi đau khỏi ốm,

Khổ não mọi điều.

Nhẫn đến cha mẹ

Bảy đời quá-khứ,

Cũng thoát khổ não,

Nơi đường Ngã-quỷ,

Và được sinh về

Nơi cõi Nhân, Thiên,

Hưởng phước vui vẻ

Vô hạn vô-biên.

Những ai là người

Đệ-tử của Phật,

Tu hạnh hiếu từ

Thì trong tâm phải,

Nhớ mãi mẹ cha,

Hoặc trong kiếp này,

Hoặc bảy kiếp trước,

Mỗi năm hễ đến,

Tháng bảy ngày rằm,

Nên lấy lòng hiếu

Thiết lễ Vu-Lan

Cúng Phật, chúng Tăng,

Để báo mẹ cha

Công ơn nuôi dưỡng.

Vì thế cho nên,

Hễ là đệ-tử

Của Phật Như-Lai

Nên vâng lời này

Làm theo phép ấy.

Mục-Liên Tỳ-Kheo

Bốn hàng đệ-tử,

Nghe lời Phật dạy,

Vui vẻ phụng hành.

Nam mô Đại-Hiếu Mục-Kiền-Liên Bồ-Tát.

 

  Tuấn Anh yêu quí !

         Quan Kinh Vu Lan con thấy rõ, Phật vì thương xót chúng sinh, vì lợi thỉnh cầu tha thiết của Ngài Mục Kiền Liên nên đã cho chúng ta Kinh Vua Lan này và cho tất cả hương linh đang sống trong U minh giới từ 12 giờ đêm hôm 14 đến 12 giờ đêm hôm 15 được về gia đình để người thân làm lễ chay, may y, In Kinh, đúc tượng cúng dường Phật và Chư Tăng hồi hướng cho mà được siêu thoát vào cảnh giới an lành, hoặc đầu thai trở lại làm người tu hành tiếp mà thoát ly sinh tử luân hồi.

    Cho nên, làm lễ cầu siêu giá trị nhất chính là khi người thân mất trong 49 ngày hoặc vào ngày Đại-lễ Vu lan rằm tháng bẩy. Còn những ngày khác làm cầu siêu chỉ là lợi ích phần nhiều cho người sống là trong 7 phần sáu phần người sống hưởng còn người chết chỉ hưởng 1 phần mà thôi.

     Tất nhiên là tụng Kinh ngày nào cũng là rất tốt, nhưng cầu siêu cho ông bà cha mẹ là điều rất đáng nên làm nhưng làm vào ngày nào chứ không phải hôm nào thích thì làm lễ cầu siêu nhé. Cách tốt nhất là làm khi người thân mất trong 49 ngày hay ngày giỗ kỵ của họ và tốt nhất là ngài đại lễ Vu lan tháng bẩy âm lịch hàng năm. Vì thế, con đã thấy lời vị thầy kia nói đúng hay sai hay chỉ đúng một phần nào rồi phải không con?

            Chúc con tinh tấn tu hành, chăm lo nghiên cứu Kinh điển thâm sâu, làm lợi ích cho mình và cho mọi người quanh mình nhé.

           Hà lan, ngày 28 tháng 11 năm 2019

                   Chào con.

                          Thầy Quảng Tịnh

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm