Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

LỜI TỰA

Cửa Tử là cửa mà mọi người đều phải bước qua ! Vì sự bí mật cùa nó mà lắm người nơm nớp, lo âu và sợ hãi ! Họ sợ không biết mình sẽ đi về đâu, sẽ đến đâu và sẽ làm gì ? Họ sợ mình đã phạm lỗi ít nhiều, nay mình chết rồi, mình phải chịu sự hình phạt nào cho xứng đáng ? Mình có bị ngồi bàn chông, đầu đội chậu máu không ? Mình có bị cắt tai, cắt lưỡi không ? Ôi ! nghĩ tới bao nhiêu thì sợ hãi bấy nhiêu !

Nhưng quí bạn chớ quá kinh hoàng và buồn bực ! Biết rằng: Có tội phải trừng: nhưng trước lòng bác ái và minh triết của Đức Từ Phụ, tội nhơn phải đi vào qui luật tùy theo tội của mình nặng, nhẹ. Chính cái luật thiêng liêng đó dìu dắt mình bước qua các “ải”, rồi cũng chính cái luật thiêng liêng đó đưa mình từ từ đến cõi Bồng Lai Tiên Cảnh ! Các cửa “ải” nầy cũng như những viên đá nam châm thu hút tội nhơn. Hễ tội nhỏ thì cái “ải” nhỏ; tội lớn thì cái “ải” lớn. Mấy cái “ải” nầy tượng trưng bảy cảnh của cõi Trung giới, thanh, trược khác nhau. Cảnh thứ bảy thấp nhất sánh với cái ải lớn. Nó có một thứ từ điển xấu xa, và những vong linh thô tục; nó thu hút những người ô trược, say sưa, trộm cướp và dâm dật v.v…

Còn cảnh thứ nhất thì thanh bai, tốt đẹp, nhẹ nhàng, siêu việt. Nó thu hút những linh hồn trong sạch, hiền hòa, đạo đức. Chỉ có thể thôi ! Chớ thật ra, Đức Thượng Đế không có phạt ai cả ! Không có cưa ai cả ! Vì lẽ thứ nhất, người chết đâu còn có xác mà cưa ? Vì lẽ thứ nhì : Đức Từ Phụ của chúng ta giàu lòng bác ái đâu nỡ cưa con, nấu dầu con, mà Ngài để cho con tự sửa mình. Nếu con không sửa mình cứ làm sái, thì con sẽ bị rút vào cảnh thấp, chung sống với đồng bọn thấp hèn; đợi bao giờ cho tánh xấu sẽ tiêu mòn và sẽ trở thành tiêu cực trong mấy ngàn năm dài đăng đẳng: vì không được bồi bổ - (tỷ như thèm ăn, thèm uống rượu, thèm tà dâm mà không được thỏa mãn) - bấy giờ linh hồn mới nhẹ nhàng mà thăng lên cảnh cao hơn. Sự đền tội xem dường quá nhẹ, nhưng nó kéo dài như vô tận, có khi cả chục ngàn năm trong cảnh bất mãn: vì các tánh xấu không có dịp hoành hành, mà phải trở thành tiêu cực. Thời gian dài ấy rất cần kíp cho tội lỗi tiêu mòn ! Nhưng trong khi đền tội đó, nếu có được một vị cứu tinh nào đến chỉ daỵ cách thức tu hành để tự cải sửa, thì tội sẽ tiêu mòn mau lẹ. Nhơn đó, sự cầu nguyện cho người chết có được các vị Thiên Thần giúp đỡ, chỉ dạy, là điều cần kíp !

Hỡi quí bạn đang buồn rầu kia ! Hãy vui lên và tràn trề hy vọng được cứu rỗi, nếu quí bạn sẵn sàng quên mình, độ chúng, đem tình thương xóa bỏ mọi lỗi lầm của kẻ khác và dang tay ôm vào lòng mình tất cả mọi người dưới thế gian !

Tác giả : NGUYỄN THỊ HAI

ĐỜI SỐNG BÊN KIA CỬA TỬ

1.- DẪN KHỞI

Đề tài “Đời sống bên kia cửa tử” liên hệ đến mỗi người chúng ta: vì lẽ một ngày kia tất cả chúng ta đều phải từ bỏ cõi trần để qua thế giới khác. Vả lại hiện nay, trong chúng ta không ai mà không mất một người thân yêu, và không khỏi đôi lần bi khóc. Chúng ta đau khổ trước cảnh lâm chung của người quí mến. Chúng ta chẳng còn biết chi là sự vui vẻ ở đời nữa ! Chúng ta không còn ước vọng gì gặp lại người quá vãng nữa ! Chúng ta tưởng chừng như người ấy hóa ra mây khói, rồi tiêu tan đi mất ! Tưởng tới chừng nào, lòng dạ chúng ta như nung, như nấu: vì chúng ta không hiểu được người mất đó ra thể nào ? Và nếu người ấy không tiêu mất, thì ở tại đâu ? Tình trạng của y ra sao ? Đó là những câu hỏi mà chúng tôi rán trình bày cho quí vị hôm nay, dưới ánh sáng Thông Thiên Học. Chúng tôi mong sao những chân lý về “Đời sống bên kia cửa tử” sẽ mang đến cho quí vị một niềm an ủi sâu xa và giải đặng nỗi lòng sầu muộn của quí vị. Vậy xin quí vị hãy bình tâm một lát để suy gẫm những lời của các huynh trưởng trong Hội Thông Thiên Học như bà Blavatsky, ông Olcott, bà Annie Besant và ông C.W.Leadbeater v.v. . . mà chúng tôi đã ra công góp nhặt.

Trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng tôi xin lược giải về sự chết.

2.- SỰ CHẾT

Con người là một sinh linh gồm có hai phần :

  1. a) Phần thể xác hữu hoại.
  2. b) Phần linh hồn trường tồn.

Con người không phải là xác thịt; nó vốn là y phục của con người mặc. Khi y phục cũ, rách, dùng không được nữa, thì con người vứt nó đi để may cái mới. Sự chết là sự cởi cái áo rách đó.

Con người quả thật là linh hồn, là một điểm linh quang của Đức Thượng Đế. Linh hồn đã sống biết mấy vạn kiếp rồi, trước khi nó mặc bộ áo quần nầy, mà ta gọi là xác thịt. Và khi xác thịt đó tan ra tro bụi, thì linh hồn vẫn sống đời đời kiếp kiếp. Cái kiếp sống dưới thế gian nầy chẳng qua là một ngày của đời sống linh hồn. Bởi vậy người từ trần đâu có mất. Y chỉ bỏ xác thịt mà thôi.

Nhưng nơi đây, chúng tôi xin nói thêm một chút nữa.

Chẳng phải đợi đến lúc lâm chung, con người mới bỏ bộ y phục bằng nhục thể đó đâu. Mỗi đêm trong lúc ngủ, con người phải lìa nó một ít lâu, rồi dùng cái

Vía (là một cái thể thanh hơn xác thịt) để ngao du. Mắt phàm thấy không đặng cái Vía, trừ những người sống trong cái Vía (như những vong linh hay người ngủ) mới thấy đặng nó mà thôi, bởi vì những vật nào đồng tánh chất mới thấy nhau đặng. Vậy ngủ cũng giống như chết. Nhưng có khác nhau một chút là: sau giấc ngủ, hồn còn trở vô nhập xác, chớ khi thác rồi, thì hồn bỏ xác luôn, không trở lại nữa.

Chết tỷ như cởi áo choàng ngoài. Mà hễ cởi cái áo choàng ngoài ra, thì con người còn cái áo trong. Cái áo trong đó ví như cái Vía. Cái Vía làm bằng chất khi thanh hơn xác thịt. Nhờ xác thịt linh hồn mới thông đồng với cõi trần đặng. Cái Vía cũng hữu ích như xác thịt vậy. Nhờ nó, linh hồn thông đồng với cõi Trung giới đặng. Nếu không có cái Vía, linh hồn làm sao tiến hóa trong cõi ấy ? Nhưng chớ tưởng rằng: cõi Trung giới là mơ hồ và ở xa xăm lắm mà người ta không thể lên tới được. Không, cõi Trung giới cũng ở xung quanh ta đây, nó thấu nhập cõi trần và ló ra khỏi cõi ấy; để tạo thành cõi Trung giới với 7 lớp khí khác nhau. Ngoài cõi Trung giới, còn nhiều cõi khác cao xa hơn; song linh hồn người mới chết lên đó chưa được. Ta đã nói ở trước rằng: khi ta mặc áo choàng là ta ở cõi trần; và khi ta cởi áo choàng ra là ta ở cõi Trung giới. Con người của ta vẫn cứ y nguyên như trước. Ta không thay đổi gì cả. Cũng như ta đi đâu về, khi tới nhà, ta cởi áo choàng ra, hỏi ta có thấy mình thình lình bay bổng lên chót núi cao chăng ? Ta cũng vẫn đứng ở chỗ cũ mà thôi. Bởi vậy, lúc người bỏ xác thịt rồi, cũng vẫn còn ở trong nhà; chỉ có khác một chút là y thấy được cõi Trung giới, chớ không thấy được cõi trần. Y thấy cái Vía đồ vật trần gian, chớ không phải đồ vật thực sự.

Vậy, người khuất mặt không có xa ta đâu. Họ vẫn ở bên cạnh ta, mà ta không thấy đặng: là vì họ ở trong cái Vía, làm bằng chất Thanh khí, khác biệt với chất hồng trần của xác thịt; nó chẳng kích thích được nhãn quang của ta nên ta thấy không đặng.

Nếu ta tin ở lòng bác ái của Đức Từ Phụ, thì sẽ yên lòng mà giao phó đời ta trong tay Ngài. Trong lúc ta sống, Ngài ưu đãi ta – (nếu đời ta cao thượng) – thì không có lý do gì, khi ta chết, Ngài lại cất lộc ta, và làm cho ta phải bị đau khổ sao ?

Nếu ta có được đức tin nầy, thì ta không còn sợ chết nữa. Sự chết chỉ là một giai đoạn cần yếu cho sự tiến hóa của ta. Nó không phải là kẻ nghịch của ta, mà là một người bạn tốt; và cõi chết không phải một nơi kẻ du hành đi không bao giờ trở lại… Nó cũng không phải là nơi tăm tối, u minh, đưa người đến khoảng trống không, ghê rợn; và hễ ai bị rơi vào đó, thì phải mất tiêu !

Thông Thiên Học có sứ mạng giải đáp những điều trên đây. Nó tuyên bố rằng: cõi tử chẳng phải là một vực thẳm, mà là một thế giới ánh sáng và linh hoạt hơn cái đô thị mà ta sinh sống đây. Chính ta đã bày vẽ ra những chuyện ma quỉ rợn người, để nhát sợ trẻ em. Nếu ta chịu sưu tầm học hỏi về cõi Trung giới, thì những đám mây mù bao phủ ta sẽ tan mất, và ta sẽ thấy Tử Thần không có vẻ hung ác, với lưỡi hái sáng ngời như đang sắp chặt đầu ai; mà là một vị Thiên Thần xinh tươi, đẹp đẽ, cầm chiếc chìa khóa vàng để mở cửa cho ta thấy một thế giới vĩ đại hơn và linh hoạt hơn.

3.- SỰ TRƯỜNG CỬU CỦA LINH HỒN

Nhưng quí vị sẽ nói rằng :

- “Phải, những điều nói đó tốt đẹp quá, thơ mộng quá, nhưng làm sao cho chúng tôi tin mới được chớ !”

- Quí vị nói rất đúng. Vậy xin quí vị hãy theo dõi chúng tôi, rồi quí vị sẽ thấy được một phần nào cái thực trạng của sự tử.

Người nào có công thu nhặt thì không thiếu gì bằng cớ.

Từ nghìn xưa, ông cha của ta đều thí nghiệm và công nhận rằng: người chết không bao giờ mất. Họ vẫn còn sống, và còn sống mạnh hơn lúc ở trần nữa. Những vụ ma hiện hình, dời đồ vật, những lời báo một của người chết được thực hiện, những cuộc xây bàn, cầu cơ, giáng bút, là những bằng cớ hiển nhiên mà ai là người Việt Nam cũng đều biết.

MỸ QUỐC

Chính tại Mỹ quốc, vào năm 1848, quần chúng lưu ý đến những hiện tượng thần linh lần thứ nhất. Người ta nghe tiếng động trong nhiều nhà. Người ta thấy bàn ghế dời chỗ, do một sức mạnh vô hình. Chúng tự nhiên dở hỏng chơn, bay tuốt lên trần nhà hoặc giả chúng tự ên đập mạnh xuống đất. Thiên hạ xôn xao bàn tán. Có một vị khán giả có sáng kiến để cho chơn bàn nhảy đồm độp trên 25 chữ cái, rồi đọc lên thành câu để nói chuyện với những người khuất mặt. Trước những câu hỏi khó khăn, cái bàn ấy đều giải đáp được. Có khi vong linh đẩy cái bàn trên 25 chữ cái để nói đúng ngày giờ mình chết và chỗ ở khi xưa của mình.

Những hiện tượng thần linh nầy lan tràn ra mau lẹ, choán trọn cả xứ Hoa Kỳ lúc bấy giờ, khiến những nhà khoa học cho đó là một nguyên nhân dị đoan, gây rối và hăm dọa lẽ phải cùng sự hòa bình của dân chúng. Họ nhất định quan sát chúng nó kỹ lưỡng để tố giác với chánh quyền. Trong mấy vị nầy, có quan tòa thượng thẩm Edmonds ở New York kiêm giáo sư Hóa học tại Mapes của Hàn lâm viện Quốc gia và kiêm Chủ tịch Quốc hội. Sau khi quan sát sưu tầm và khảo sát, ông phải buộc lòng tuyên bố rằng: “Những hiện tượng thần linh là một điều có thật”. Đến năm 1852, có một lá đơn thỉnh nguyện, do 15 ngàn người ký tên, đệ lên Đại Hội Nghị Washington để yêu cầu công nhận và tuyên bố một cách chánh thức sự có thật của những hiện tượng thần linh đó [1].

Có một nhà thông thái trứ danh tên là Robert Hare, giáo sư đại học ở Pensylvanie (Mỹ quốc) có viết một quyển sách rất có giá trị nhan đề “Experiment investigations of the spirit manifestations” (Sự sưu tầm thực nghiệm về những hiện tượng thần linh). Trong đó ông hoàn toàn công nhận sự trường tồn của linh hồn.

Một nhà thông thái khác tên là Robert Dal Owen, văn sĩ nổi tiếng cũng hợp tác với phong trào thần linh. Ông có viết nhiều quyển sách rất có giá trị. Một trong nhiều quyển ấy, nhan đề là “Foot falls on the boundary of another world” (Bước qua biên giới của một cõi khác) làm chấn động cả thế giới.

Hiện nay: “phong trào thần linh học” đã quen thuộc với dân chúng Hoa Kỳ. Nó có hàng triệu người tham dự.

ANH QUỐC

Chính bên Anh Quốc, người ta phân tích một cách tỉ mỉ và có phương pháp những hiện tượng thần linh. Nhiều nhà thông thái Anh đã sưu tầm rất công phu và nhẫn nại về nó.

Năm 1869, có một nhóm người thông thái, thuộc về Hội Biện Chứng Pháp tại Luân Đôn gọi là La Société des recherches psychiques de Londres bầu cử một ban quản trị gồm có 33 người, toàn là những nhà tên tuổi, trí thức lỗi lạc như Sir John Lubblock (của Hội Hoàng Gia), Henri Lewes, Huxley, Wallace, Grookes v.v. . . để quan sát những hiện tượng đó một cách khoa học: vì họ cho rằng chúng nó chỉ là sự tưởng tượng của một trí óc dị đoan phi lý mà thôi.

Sau 18 tháng thí nghiệm và sưu tầm, ban quản trị mới làm một bản phúc trình công nhận sự hiện tồn của linh hồn. Chẳng những bản phúc trình nầy có nói về những cái gõ của bàn ghế, những dụng cụ âm nhạc tự nhiên phát lên âm điệu, mà còn diễn tả tỉ mỉ về ma hiện hình nữa. Trong đó có câu nầy: “Chúng tôi thấy ma hiện hình, có khi chỉ hiện ra cái mặt hoặc bàn tay mà thôi. Những hình hiện nầy giống như những hình sống, do sự linh hoạt và sự uyển chuyển của chúng nó”.

Một trong ba nhân viên của Hội là ông A. Russel Wallace - một đối thủ xứng đáng của Darwin. Sau khi ông Darwin chết, thì ông A. R. Wallace là đại diện cao cấp nhất của cơ quan Tiến hóa luận (Evolutionnisme) tiếp tục sưu tầm. Những sưu tầm của cơ quan nầy đều có ghi chép trong quyển sách của ông, nhan đề “Miracles and Modern spiritualism” (Sự phi thường và thần linh học tân tiến). Quyển sách ấy rất có giá trị bên kia trời Âu.

Còn một nhân viên tên tuổi của Hội nữa là ông William Crookes. Ông thuộc về Hàn lâm viện Hoàng gia. Ông có chụp hình được những bầu vũ trụ và nhờ ông mà ta thấy được mặt trăng một cách rõ rệt hơn. Ông có phát minh được một chất hóa học gọi là Thallium. Ông còn phát minh đặng trạng thái thứ tư của vật chất nữa, nên ông chiếm một ngôi vị tại Vĩ Nhân Đài của Anh quốc. Tên ông đứng bên tên ông Newton và ông Herschell là những nhân vật nổi tiếng khắp hoàn cầu.

Ông W. Crookes đã phí 4 năm trường để nghiên cứu về những hiện tượng thần linh. Ông có làm những khí cụ để kiểm soát một cách khoa học và rất tế nhị. Ông có dùng kính chụp hình đặc biệt có chất Magnésium để chụp hình ma. Trong quyển sách của ông nhan đề “Recherches sur le Spiritisme” (Tìm hiểu về Thần linh học) có phân tích nhiều thứ hiện tượng mà ông đã được mục kích, cũng như: sự cử động của những đồ vật nặng, những bàn bay lên dính trên trần nhà, đờn không ai đánh tự nhiên kêu, những hình ma hiện, những cây viết treo lên tường tự nhiên viết thành chữ v.v. . .

Có một hồn ma thiếu nữ, trẻ, đẹp, tự xưng là Katie King hiện lên với hình thể đầy đủ, mỗi buổi tối, trong nhiều tháng như vậy, để nói chuyện với ông bà Crookes và những vị khán giả khác. Cô chịu nhiều thứ thí nghiệm như: để cho người ta rờ, bắt mạch, chụp hình. Và khi xong rồi, cô từ từ biến tan mất ! Sự kỳ lạ nầy đã được ông W. Crookes điều tra tỉ mỉ, rõ ràng trong quyển sách của ông.

Ngoài ông Crookes ra, còn nhiều vị bác học như Myers, Gurney và Podmore của hội “Tìm hiểu Thần linh” (Society for psychical Researches) đã phí 30 năm trường để điều tra tận tường về Thần linh học; và tất cả đều công nhận rằng: “Người chết có trở về”. Có nhiều nhà trí thức lỗi lạc của Anh quốc viết sách để bào chữa và biện hộ cho Thần linh học như: ông Stainton Mases, Giáo sư Đại học Oxford, xuất bản hai quyển sách Psychography và Spirit identity.

Ông Oliver Lodge, Đại học Viện trưởng Birmingham (Recteur de l’Université de Birmingham), ông Varley Kỹ sư trưởng của Sở Bưu điện, ông A. de Morgan chủ tịch hội toán học ở Luân đôn, tác giả quyển “From Matter of Spirit” và ông Challis Giáo sư Đại học Cambridge, ông Barett Giáo sư Đại học Dublin đều phí nhiều năm khảo cứu về Thần linh học và đời sống bên kia cửa tử.

Ông Myers tại Cambridge có viết một quyển sách xuất bản hồi năm 1903, nhan đề là “Human personality and its survival of bodily death” (Bản ngã con người và sự trường tồn của nó sau khi xác thân chết). Sách nầy trình bày có phương pháp và đầy đủ những hiện tượng thần linh [2].

Ông Oliver Lodge Đại học Viện trưởng Birmingham có nói trong bài diễn thuyết của ông tại Browning Settlement ngày 22 tháng 11 năm 1914 như vầy:

“Chắc chắn là: sau khi bỏ xác chúng ta vẫn còn sống . . . Tôi nói như thế là vì tôi biết chắc rằng: Những người bạn thân của tôi đã từ trần mà vẫn còn sống; chính tôi đã có trò chuyện với họ y hệt như tôi nói chuyện với quí vị trong giảng đường nầy. Họ là nhà khoa học nên họ có cho tôi nhiều bằng cớ chứng thực rằng: họ quả còn sống sau khi bỏ xác lại trần.

Vậy tôi nói với quí vị, một cách hết sức mạnh dạn, với đức tin vững chắc rằng: chúng ta vẫn còn sống sau khi chết và những người quá vãng vẫn tiếp tục lo lắng đến những gì xảy ra tại cõi trần nầy. Họ còn biết nhiều chuyện ở thế gian hơn chúng ta biết. (trích trong Annales des Sciences psychiques, Janvier 1916).

Ý QUỐC

Chẳng những phong trào Thần linh học nổi lên tại Y pha nho, Đức quốc, mà còn tại Ý quốc nữa.

Tờ báo Milan nhan đề: Italia del Papolo xuất bản ngày 18 tháng 11 năm 1892, có đăng một bản phúc trình do các nhà thông thái ký tên để nhận thực như: các ông Schiaparelli giám đốc Thiên văn viện tại Milan, Aksakof, cố vấn chánh trị Nga. Bác sĩ Carl du Prel. Munich, Angelo Brofferie giáo sư triết học, Gerosa, giáo sư Vật lý học tại Portici, Ermacora và G. Finzi, tấn sĩ Vật lý học, Charles Richet giáo sư Đại học Y khoa, Lambroso, giáo sư Đại học Y khoa v.v. . .

Trong bản phúc trình đã có kể những hiện tượng như sau:

“Dời đồ vật không nhờ tay người, ghế bàn bay bổng, đờn tự nhiên khải. Trên đất sét hoặc trên giấy rắc khói đen có dấu tay in mà không thấy người. Một bàn tay hiện ra trong ánh sáng.

Ánh sáng xanh leo lét hiện lên, người đồng tử đang ngồi trên ghế, tự nhiên bị nhấc bổng lên khỏi mặt bàn, những khán giả cảm biết như có ai rờ rẫm mình, mà không thấy người, một gương mặt râu ria hiện lên”

Giáo sư Milési tại Đại học đường La Mã có viết rằng: “Có một vong linh nói với tôi: Tại sao ông lại phí thì giờ về chuyện nhỏ mọn nầy ? Tôi có thể cho ông thấy mặt mẹ ông. Nhưng trước đó, ông phải nhớ đến mẹ ông một cách mãnh liệt.

Tôi làm theo lời chỉ dẫn.

Thình lình, trong ánh sáng tờ mờ của bóng đèn đỏ, tôi thấy, giữa hai tấm màn, hiện lên một hình người, đứng hơi nghiêng nghiêng, có choàng một cái khăn. Ấy là mẹ tôi. Người đi xung quanh bàn để đến gần tôi, nói những lời mà nhiều người nghe được. Sau cùng người nói với tôi “mio fiol” (con của tôi ơi) rồi vén khăn choàng hôn tôi”.

PHÁP QUỐC

Có những nhà thông thái khảo cứu về Thần linh học như các ông L. Denis, tác giả quyển “Après la Mort” (Sau khi chết), Camille Flammarion tác giả quyển “L’inconnu et les problèmes psychiques” (Cõi lạ và những vấn đề thần linh) và Allan Kardec tác giả của những sách “Le livre des médium” (Sách về đồng tử), “L’Evangile selon le Spiritisme” (Phúc âm theo Thần linh học), “Le Ciel et l’Enfer selon le Spiritisme” (Thiên đàng và Địa ngục theo Thần linh học), “La Genèse” (Thỉ nguyên thuyết).

Vào năm 1889 và 1900 tại Paris có mở những Đại Hội nghị quốc tế về nhân sinh học có rất nhiều người tham gia. Có cả trăm đại biểu từ các xứ trên thế giới đến quan sát. Những ký giả của 80 tờ báo lớn ở Pháp quốc đều có mặt. Những nhà trí thức trứ danh, những vị đại diện cho chánh phủ cùng các bậc anh tài của thế hệ như: Bác sĩ, Chánh án, Giáo sư, Mục sư, Linh mục của những nước Âu châu đều đến đó để điều tra. Sau cùng, tất cả không thể nghi ngờ được sự hiện tồn của “ma”.

VIỆT NAM

Còn bên xứ Việt Nam ta thì có biết bao là hiện tượng thần linh. Nào là cơ bút, nào là ma hiện, nào là đồng cốt v.v. . . Bên Đạo Cao Đài, Hòa Hảo không ai mà phủ nhận được những hiện tượng thần linh.

THÔNG THIÊN HỌC

Sự sưu tầm về Thần linh học hiện đại đưa đến cho ta nhiều bằng chứng về đời sống bên kia cửa tử. Ta biết có một số người cho rằng: Thần linh học chỉ toàn là giả dối để phỉnh gạt đời. Tuy nhiên, nhà Thông Thiên Học trứ danh là Đức Giám mục C. W. Leadbeater quả quyết trong quyển “La Vie après la Mort” của ông như vầy: “Sự giả dối và sự phỉnh gạt có thể có trong vài trường hợp cầu hồn. Nhưng cũng có nhiều nơi thí nghiệm chơn chánh. Vậy người nào có đủ ngày giờ và nhẫn nại sẽ tìm được trong đó nhiều điều hữu ích. Vả lại, Thần linh học còn có một văn hóa vĩ đại để khảo xét nữa. Nếu người ta muốn, cứ tìm đến ngọn ngành như tôi đã làm. Có nhiều người không chịu đem công khó ra tìm tòi để hiểu – (đó là công việc riêng của họ) – Nhưng trước khi họ chưa quan sát thì họ không có quyền nhạo báng những kẻ đã thấy và đã công nhận những hiện tượng thần linh là có thật”.

Còn một bằng chứng rất hiển nhiên và rất hấp dẫn về sự sống bên kia cửa tử là bằng chứng Thông Thiên Học hiện nay. Bên Thông Thiên Học có nhiều nhà biết xuất Vía, cũng có người có thần nhãn. Những vị nầy lão thông các cõi vô hình, họ liên lạc trực tiếp với những người khuất mặt và những Đấng Chơn Sư: là vì họ đã biết xử dụng những quyền năng ẩn tàng trong người của họ. Nhà Thông Thiên Học không bao giờ ép buộc ai phải tin theo lập luận hay giáo lý của mình. Họ chỉ nói rằng: “Chúng tôi quan sát nhiều với một sự cố gắng vĩ đại. Chúng tôi trình bày những gì chúng tôi biết. Quí vị chớ nên tin liền những lời chúng tôi nói. Quí vị cứ tìm hiểu vấn đề một cách sâu xa và tự sưu tầm lấy, rồi quí vị sẽ có được một sự quả quyết như chúng tôi đây”.

4.- GIỜ LÂM CHUNG

Chúng ta biết rằng: con người là một sinh linh phức tạp. Ngoài cái xác ra, con người còn có thể Phách, Vía, Trí, Chân thân, Kim thể, Tiên thể và phần Hồn.

Chúng nó liên kết với nhau rất là chặt chẽ, làm cho con người trở thành một bầu võ trụ có đủ quyền năng của Đại Võ Trụ. Sau khi xác thân chết rồi, thì linh hồn rút ra khỏi xác.

Vậy trong giờ phút lâm chung có xảy ra sự gì ? Linh hồn làm sao ra khỏi ngục tù xác thịt ? Con người có cảm tưởng và cảm giác gì trong lúc quan trọng nầy ? Chính là điều mà chúng ta cần phải biết: vì tất cả chúng ta, một ngày kia, đều phải từ giả cõi trần mà qua cõi Trung giới.

Tùy theo đặc tánh và đức hạnh của con người mà những cảm giác và cảm tưởng đều khác nhau. Linh hồn ra khỏi xác luôn luôn chậm chạp. Hễ con người càng bận bịu vật chất trần gian nhiều chừng nào thì sự giải thoát của linh hồn ra khỏi xác thịt lâu chừng nấy. Giờ lâm chung là giờ đau đớn cho kẻ nào tin chết là mất tất cả. Y bám vào sự sống một cách tuyệt vọng ! Y ngờ vực trong giờ phút quan trọng nầy. Y tưởng thấy một thế giới ghê sợ và rùng rợn mở ra trước mắt như một vực thẳm, nên y không muốn rời bỏ cõi trần. Nhân đó mới có một sự chiến đấu ghê hồn giữa vật chất sắp tàn và linh hồn cố giữ nó lại. Đôi khi linh hồn bám chặt vào xác chết cho tới nó rã bấy và cảm thấy giòi tửa rút rỉa da thịt mình !

Còn đối với người nào sống một cuộc đời chánh trực, nhơn từ, đã chiến thắng vật chất và tràn đầy hi vọng ở tương lai, thì chết là giải thoát, là hạnh phúc. Những dây liên lạc giữa vật chất với linh hồn tháo mở lần lần, và y không cảm thấy điều gì rối loạn. Y bước vào cõi Trung giới như vừa tỉnh một giấc ngủ ngon lành.

Trong khi từ giã xác thân, mọi người, dù đức hạnh hay hung ác, đều thấy cuộn phim đời của mình diễn ra trước mắt. Vong linh thấy mình té ngã chỗ nào, thành công chỗ nào. Y thấy những cảnh đổ máu do y gây ra, những cơn đau khổ, đam mê mà y đã trải qua. Y cũng thấy những hành vi hi sinh và nhơn đức của y nữa. Y biết được cái dĩ vãng đem đến cho y cái hiện tại nầy. Và cái hiện tại đó sẽ đưa y đến cảnh tương lai.

Đó là giờ phút quan trọng của buổi lâm chung. Chỉ trong chốc lát, vong linh thấy trọn cả kiếp sống đã qua. Rồi y tự làm quan tòa cho y - một vị quan tòa của Đức Thượng Đế !

Dù sự kiểm soát đó có đau khổ cho thế mấy đi nữa, nó cũng rất hữu ích: bởi vì nó là cái khởi điểm cần thiết cho sự tiến hóa của con người.

Lúc bấy giờ, linh hồn ở giữa hai cảm giác:

1) Cảm giác trước vật chất dần tan.

2) Cảm giác trước đời sống mới lạ, hiện tỏ ra trong ánh sáng – không phải thứ ánh sáng đặc biệt rọi khắp cùng, không có cái gì che khuất nó đặng. Hễ người xấu, thì thấy ánh sáng không tỏ; còn người tốt, thì thấy mình chứa chan ánh sáng.

Người nào hiền lành, nhơn ái, hiểu rõ luật trời và sống một cuộc đời đức hạnh, thì hồn xuất ra khỏi xác, thấy mình được thứ ánh sáng đó bao vây. Nó thâm nhập y, khiến cho lòng y được lâng lâng, nhẹ nhàng, sung sướng dường như y có được một sức mạnh hơn, một sự trẻ trung và khỏe khoắn hơn. Nhờ biết luật trời, nên vong linh không lo lắng và sợ sệt. Với tấm lòng đầy hoan lạc, y quay về cõi cao hơn, đem tư tưởng lành rải xuống cho những người dương thế đang bao xung quanh xác chết của y mà than khóc. Y càng thương họ nhiều hơn. Y thấy một cái thế giới vĩ đại đã mở ra trước mắt và những người mà y yêu mến thuở nào. Y thấy họ trẻ lại, linh hoạt hơn và đẹp đẽ hơn; cả thảy đều đến đón tiếp y một cách vui mừng; họ chỉ dẫn cho y những cảnh lạ lùng. Họ dắt y vượt lên cảnh cao hơn, tùy theo mực độ tiến hóa của y. Nơi đây, y nhận định rõ ràng. Y hết còn ngờ vực nữa. Những quan năng mới lạ tỉnh thức trong lòng y; và một kiếp sống sung sướng, hạnh phúc của y sẽ bắt đầu từ đây !

Còn những người đã sống dưới thế gian một đời sống không chí hướng nhất định – (số nầy rất nhiều); - họ không có làm tội ác gì trọng đại, và cũng không có làm điều lành gì đáng kể, thì khi ra khỏi xác, trước nhất, họ lâm vào một trạng thái uể oải và buồn rầu vô hạn ! Họ do dự, nhát sợ; họ không thấy rằng: họ được tự do; nhưng dù có thấy đi nữa, họ cũng chưa dám xử dụng sự tự do của họ. Họ cứ mãi đứng yên một chỗ. Họ tiếp tục đau khổ và khóc than với những người xung quanh họ. Thời gian đó kéo dài không biết là bao lâu . . . Sau cùng, có những vong linh khác tiến hóa hơn đến dắt dẫn và chỉ dạy họ, cho họ thoát ra khỏi cơn ngờ vực để họ đoạn tuyệt với sự trói buộc trần gian, và để họ lên cõi cao hơn và ít u tối hơn.

Những người hung dữ, khi từ bỏ xác thân, thì thấy cảnh lu mờ hơn người thường nhơn. Y lại bị hỗn loạn trong đau khổ.

Thường thường linh hồn ra khỏi xác mau lẹ, sau cơn bịnh hoạn lâu ngày; bởi vì sự bịnh hoạn triền miên đó giải tỏa lần lần những sợi dây trói buộc linh hồn với vật chất.

Những cái chết bất đắc kỳ tử là những cái chết dữ dội giữa lúc xác thân còn đang khỏe mạnh, làm cho linh hồn đau khổ và hỗn loạn, khi ra khỏi xác thân.

Nhưng, trường hợp những người chiến sĩ bỏ thây nơi chiến trường không giống với trường hợp của kẻ tự vận, hoặc cái chết nào dữ dội khác. (Đoạn nầy sẽ nói rõ sau).

5.- ĐỜI SỐNG BÊN KIA CỬA TỬ.

NHỮNG ĐẶC ĐIỂM

Nếu ta quan sát về tình trạng đời sống con người trên cõi Trung giới, thì ta sẽ thấy hai yếu tố chánh đại nầy, là:

1) Thời gian sống trên cõi Trung giới lâu hay mau.

2) Tâm thức biểu lộ trên mỗi cảnh của cõi Trung giới.

Vong linh ở mỗi cảnh Trung giới lâu hay mau là tùy ở số Thanh khí [3] của cảnh ấy rút vào xác thịt con người lúc sanh tiền. Nếu số Thanh khí ấy nhiều, nghĩa là dục tình của cái Vía còn nặng, thì con người ở lâu; còn nếu số Thanh khí ấy ít, nghĩa là dục tình của cái Vía được tinh lọc, thanh bai hơn, thì con người ở mau. Bao giờ dục tình xấu xa của con người nằm im lại, chúng nó không còn tác động nữa, thì con người sang qua cõi Thượng giới tức là cõi Thiên Đàng.

Lúc con người còn sống dưới trần là lúc chính mình tạo ra đặc tính của thể Vía, bằng những dục tình, ham muốn, đam mê, cảm xúc, tư tưởng và tập quán của xác thân. Một cái Vía ô trược là kết quả của một đời sống ô trược. Mà hễ cái Vía ô trược thì nó rung động nặng nề: nó chỉ kích động đặng những lớp Thanh khí thô kịch của cõi Trung giới mà thôi. Nhơn đó, mà sau khi chết, con người vì liên đới chặt chẽ với chất trược của cái Vía, nên phải ở cảnh thấp của cõi Trung giới. Bao giờ chất Thanh khí kia tan dần, con người mới mong bước qua cảnh thanh nhẹ hơn, sáng sủa hơn.

Trái lại, một cái Vía thanh nhẹ, - do một đời sống dưới thế gian khiết bạch, - không bao giờ kích động phần trược của cõi Trung giới; và con người chỉ cảm ứng với những ảnh hưởng thanh của các cảnh cao trên cõi âm cảnh mà thôi. Vì lẽ đó, mà đời sống trên Trung giới được tốt đẹp và hạnh phúc. Người như thế tiến hóa mau lẹ.

Tâm thức của con người ứng đối đặng một cảnh nào trên Trung giới là tùy thuộc ở cách sống dưới trần gian liên quan đến chất Thanh khí của cõi ấy. Tỷ như khi còn sống, cái Vía con người có chất thanh của cảnh thứ ba của cõi Trung giới, thì khi thác rồi, tâm thức y ứng đối đặng với những làn rung động của cảnh ấy.

Nếu trong lúc sống dưới trần, con người để cho dục tình lôi cuốn, hoàn toàn lệ thuộc bản ngã, không hướng chút nào về trí thức và tinh thần, thì cái Vía sống rất lâu trên cõi Trung giới. Tế bào của chúng nó rất khít khao, khó mà tan rã đặng. Nhơn đó, con người kéo dài đời sống của cái Vía trong đau khổ.

Còn trái lại, khi con người chủ trị đặng dục tình, trong lúc sinh tiền, và phàm nhơn phủ phục trước Chơn Nhơn, thì cái Vía tự nhiên được trong sạch, không còn chi phải tinh lọc nơi cõi Trung giới nữa; nhơn đó, nó mau tan rã, để giải thoát vong linh sắp bước qua miền Thượng giới.

Người thường nhơn chưa đoạn tuyệt được dục tình thấp hèn trước khi bỏ xác, nên cần phải lưu lại một thời gian vô giới hạn, nơi mỗi cảnh, để chờ cho được phần Thanh khí cái Vía (đồng tính với chất Thanh khí của cảnh ấy) tan mòn hóa thành tiêu cực mới sang qua cảnh trên kế đó.

Nói một cách tổng quát, khi nào cái Vía bỏ được phần Thanh khí trược, thì nó sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, và tâm thức con người sẽ cảm ứng đặng những sự thanh cao của cõi trên kế đó. Vậy người ta có thể nói rằng: “Khi trọng lượng của cái Vía bớt, thì nó sẽ thăng lên cõi cao. Nó đi từ miền trược đến miền thanh, cho tới khi nó gặp một mực độ tương đồng thì nó mới ngừng lại.”

Vong linh ngụ tại cảnh nào trên Trung giới, có nghĩa là vong linh đó cảm ứng đặng những cái rung động của cảnh ấy. Ta biết suốt một cảnh nào, có nghĩa là ta cảm ứng đặng tất cả hiện tượng của cảnh ấy.

Một người khi có một đời sống trong sạch và đẹp lành, với những nguyện vọng vị tha và thanh diệu, thì khi thác rồi, cõi Trung giới không thu hút đặng y. Nếu y có trải qua miền âm cảnh, thì cũng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi mà thôi. Những ham mê thấp hèn của y đã được chế ngự trong lúc sanh tiền; và ý chí của y đã dùng vào những mục đích cao thượng thì mãnh lực của cái Vía không đủ sức mạnh để thu hút y vào cõi thấp được.

Một người kia – do những tiền kiếp xấu xa - có trong Vía một số chất khí nặng nề, nay dù nhờ sự trong sạch của kiếp nầy, chất Thanh khí có thay vào chất trược đi nữa thì cũng chỉ một phần thôi; chớ trong Vía y vẫn còn đọng lại một số chất trược. Nhơn đó, y phải trải qua một thời gian nơi cảnh thấp của cõi Trung giới, cho tới khi nào chất trược ấy tan mất mới thôi. Nhưng có một điều đặc biệt nầy là: chất trược trong Vía người ấy (vì thiếu chất bồi bổ nên không linh động) có một tri thức bán khai, mơ mơ, màng màng, như còn say ngủ, trong khi con người phải còn lưu lại một thời gian ngắn tại cảnh thấp ở Trung giới. Vì lẽ đó mà nó không làm khổ cho chủ nó hiện giờ được, và chủ nó, tự nhiên nhẹ nhàng hơn, có thể nhập vào cảnh cao hơn.

Chất trược trong cái Vía mơ mơ màng màng đó lâu ngày (vì thiếu chất bổ) sẽ kết tinh lại rồi rút vào hột nguyên tử trường tồn [4] của cái Vía, để chờ khi đầu thai lại - nếu có đất tốt – nó sẽ nảy nở y như kiếp trước.

Giữa hai thể trạng hồng trần, đều có một điểm bất định: tỷ như nước; khi nó lạnh đến nhiệt độ số không (Oo) thì trở thành nước đá. Trong trạng thái đó, nếu ta cho một tí hơi ấm vào, thì nước đá tan một phần. Cũng như nước nấu sôi đến 100 độ (1000) nếu ta thêm vào một tí hơi nóng thì một phần nước sẽ hóa ra hơi, bốc bay lên.

Trên cõi Trung giới cũng y như vậy: vì chất khí của mỗi cảnh có thể đi đến một mật độ thanh nào mà hễ có thêm vào một tí chất thanh nữa, thì liền hóa ra chất khí của cảnh cao hơn kế đó. Nếu một người kia rán tinh lọc tình dục mình bằng cách ấy, thì thể trạng của cái Vía liền thay đổi lẹ làng, và y sẽ sang qua cảnh cao hơn kế đó. Vong linh đi từ cảnh thấp lên cảnh cao một cách mau chóng, chỉ trong nháy mắt.

Mỗi người chúng ta, sau khi từ giã cõi trần thường phải trải qua mỗi cảnh của cõi Trung giới rồi mới đến cõi Thượng giới đặng. Nhưng trình độ tri thức, đối với mỗi cảnh, là tùy thuộc ở mấy yếu tố trên.

Vì có nhiều lý do như vậy mà phạm vi tri thức của con người trên cõi Trung giới cùng thời gian trú ngụ tại đó, trước khi sang qua cõi Thượng giới, có thể biến đổi trọng đại. Có vài người chỉ sống trên Trung giới chừng ít giờ. Có kẻ đọng lại đó hằng năm, có khi hàng thế kỷ cũng chưa tách khỏi ! . . .

Đối với người thường, thời gian trung bình tại cõi Trung giới từ 20 đến 30 năm.

Thời gian giữa hai kiếp sống dưới trần không thể nói được vì đó là một vấn đề hết sức phức tạp. Xin xem quyển “L’occultisme dans la nature” (Khoa pháp môn trong vũ trụ) do tác giả C. W. Leadbeater.

▲▲▲

Đời sống bên kia cửa tử không phải là một đời sống mới lạ. Nó chỉ là một đời sống nối tiếp với đời sống ở thế gian nầy. Ta không lìa xa những người quá vãng mà ta thương mến. Họ luôn luôn ở xung quanh ta. Chỉ cái tâm thức hữu hạn của ta làm cho ta tưởng mình xa cách họ mà thôi. Ta không mất họ, mà ta chỉ mất cái năng khiếu thấy đặng họ. Ta có thể nâng cao tâm thức của ta, để cho ta thấy được họ và nói chuyện đặng với họ. Ta luôn luôn có làm như vậy, trong lúc ta ngủ. Nhưng khi thức ta không nhớ đặng rõ ràng. Muốn được vậy ta cần phải có một sự điêu luyện đặc biệt để mở thần nhãn. Sự điêu luyện nầy đối với người thường, cần phải mất nhiều ngày giờ. Mặc dù ta không nhớ được người mà ta gặp gỡ trong lúc chiêm bao, chớ mối dây tình cảm là một điều tốt đẹp, nó không hề mất đi mực độ của nó. Và khi ta thác rồi, những người quá vãng thân yêu của ta lập tức tìm ta. Ấy vậy, chỉ có một điều khác là ta sống với họ trong ban đêm chớ không phải lúc ban ngày.

Ta không thấy được những gì trên cõi vô hình bởi mắt xác thịt của ta không đồng nhất với cõi Trung giới nên không thấy đặng. Vậy sự thấy của ta rất bị hạn chế. Có nhiều người nói rằng: “Cái gì tôi thấy đặng, rờ đặng, nghe đặng tôi mới tin”. Nhưng có biết bao điều mắt phàm không thấy đặng mà vẫn có: tỷ như ta không thấy khí trời mà vẫn có khí trời; ta khộng thấy điển khí mà vẫn có điển khí. Ấy vậy ta sống trong một cái võ trụ bao la, mà ta chỉ thấy có một phần bé nhỏ mà thôi ! Khoa học đã chứng tỏ cho ta thấy bằng cách miêu tả nhiều thế giới, trong đó có những sinh vật đang sống và đang hoạt động. Có thứ nhỏ tí mắt ta không thấy đặng. Những con vi trùng nhỏ tí ti đó không phải là không quan trọng đối với ta; bởi vì sức khỏe và sự sống của ta tùy thuộc ở sự sinh tồn của chúng nó.

Bởi giác quan của ta bị hạn chế, ta không thấy và rờ đặng chúng nó. Ta không có bằng cớ gì về sự hiện tồn của chúng nó, trừ phi lúc chúng nó xao động, ta mới biết rằng có chúng nó. Ta đã nói: ta không thấy đặng khí trời; nhưng trong khí trời có một mãnh lực phi thường: nó có thể nhận chìm tàu bè to lớn nhất của con người ! Nó có thể xô ngã tất cả dinh thự vĩ đại của ta. Xung quanh ta còn có biết bao mãnh lực phi thường khác mà mắt phàm thấy không đặng. Ta như người tội nhơn bị nhốt trong khám tối. Ngũ quan của ta là những cửa sổ bé nhỏ, chỉ mở ra có một phía mà thôi, nên ta tuyệt nhiên không thấy được những phía khác.

Thần nhãn và sự xuất vía chỉ mở cho ta một vài cái cửa sổ ấy. Chúng nó mở tầm thấy của ta để cho ta biết được những chân trời mới lạ hơn và vĩ đại hơn.

▲▲▲

Vậy trước nhất, ta thấy gì, khi nhìn đặng chơn trời mới lạ và bao la ấy ? Thí dụ như ta đem được tâm thức của ta lên cõi Trung giới thì ta thấy gì trước nhất ?

- Thoáng qua, thì chắc chắn ta không thấy cái chi khác biệt nơi cõi trần và ta tưởng đâu mình vẫn còn sống ở thế gian. Tại sao vậy ? Bởi vì trạng thái của chất khí cõi trần có nhiều thứ: đặc, lỏng, hơi. Đối với cõi Trung giới thì ai cũng giống như vậy. Mỗi thứ đều liên quan với thứ đồng tính với nó tại cõi trần. Nhơn đó, mà người quá vãng vẫn thấy vách tường, bàn ghế của mình thường dùng. Nhưng, những đồ vật trần gian, mà người chết thấy đặng nó, không phải làm bằng chất hồng trần mà làm bằng chất cõi Trung giới. Chính nó là cái Vía của đồ vật chớ không phải đồ vật. Vong linh sống trong cái Vía của mình nên chỉ thấy đặng cái Vía của món đồ mà thôi. Cũng tỷ như người sống trong xác thịt, thì chỉ thấy đặng những vật chất trần gian, chớ không thấy được cái Vía của chúng nó. Cái Vía của đồ vật còn giữ nguyên hình của đồ vật, nên vong linh thấy chúng nó, rồi lầm tưởng mình còn sống dưới thế gian. Thật ra, nếu y quan sát kỹ chúng nó, thì sẽ thấy những phần tử của chúng nó xoay chuyển không ngừng và rất mau lẹ chớ chẳng phải nằm im như chất hồng trần. Nhưng ít có vong linh nào nhìn kỹ, nên thường không thấy được những cái sai biệt ấy.

Người quá vãng dòm xung quanh mình thấy nào là vợ con, cha mẹ, nào là bè bạn, láng diềng, nào là nhà cửa, vườn tược. Nhưng y chỉ thấy cái Vía của người và của vật mà thôi. Lúc ban đầu, y không phân biệt được cái Vía của đồ vật với đồ vật, cái Vía của con người với con người bằng xương bằng thịt. Nhưng lần lần y thấy được sự sai biệt nầy và khởi biết mình sống trên cõi Trung giới chớ không phải tại cõi hồng trần.

Nhiều người, nhất là bên Tây phương, không hiểu chi về cõi vô hình và đời sống bên kia cửa tử, nên khi từ trần họ vô cùng khổ sở. Họ thấy bạn hữu xung quanh họ mà họ không liên lạc được. Họ nói mà không ai nghe. Họ khởi sự lo âu, sợ hãi. Họ không biết mình ở đâu, rồi sẽ xảy ra điều gì: bởi vì tình trạng của họ lúc bấy giờ không phải như họ đã phỏng định lúc sanh tiền. Có một vị Đại tướng Anh nói rằng: “. . . Và nếu tôi chết tôi đi về đâu ? Tôi ở đâu ? Lên trời ư ? Tôi không chắc. Xuống địa ngục ư ? Tôi ghê sợ quá !”

Đó là cái kết quả của sự tin tưởng sái quấy về cõi vô hình. Có nhiều sự âu lo vô ích, nhiều cảnh đau khổ thương tâm đều do sự hiểu biết sai lầm mà ra cả. Người ta cho rằng: kẻ ác sẽ bị cưa hai nấu dầu, sẽ bị đập giã cho xương tan, nát thịt hay là bị lửa đốt cháy ra tro bụi v.v. . . Chớ nào dè người đã từ bỏ cõi trần rồi thì thịt xương đâu còn mà đâm, mà giã ? Sự hình phạt kẻ tội ác sẽ diễn hành một cách khác tại cõi Trung giới. Điều này ta sẽ giải ở sau.

Cái thuyết địa ngục, từ nghìn xưa, là cái thuyết vi phạm thần thánh. Nó gây nhiều tai hại mà chính kẻ bịa đặt nó không dè ! Tại sao vậy ?

Lẽ thứ nhất: Trên cõi Trung giới, những tư tưởng và tình cảm đều có hình dạng. Nếu người từ trần có ý nghĩ ghê tởm địa ngục, thì sẽ tưởng tượng thấy mình bị hình phạt đủ cách tàn nhẫn. Nhưng sự thật chỉ là ảo ảnh mà thôi. Nhơn đó, vong linh đau khổ do sự tưởng tượng mà ra !

Lẽ thứ nhì: Cái thuyết địa ngục là vi phạm thánh thần bởi người ta gán cho các Ngài sự hành phạt ác độc đối với người có tội.

Khi người ta nói “địa ngục” là người ta tưởng tượng nó ở giữa ruột trái đất với một tổ chức hết sức dữ dằn, ác độc để trừng trị những kẻ phạm tội. Nhưng ý niệm ấy rất sai lầm. Địa ngục chẳng phải ở trong ruột trái đất, mà ở cảnh thứ bảy của cõi Trung giới. Vong linh có tội chẳng phải bị cầm nhốt nơi ngục tối mà vẫn được lưu thông trong cảnh ấy một cách thong thả. Nhưng người tội ác phải ở cảnh trọng trược, không lên cõi cao được (mà đó chỉ là tạm thời thôi). Tỷ như kẻ sát nhơn, khi thác rồi sẽ bị nạn nhơn rượt đòi thường mạng mà y không thể nào thoát khỏi. Y ngồi đâu cũng thấy nạn nhơn, chạy đâu cũng thấy nạn nhơn than khóc, kêu la và nguyền rủa.

Cái cảnh tượng hãi hùng ấy cứ tiếp diễn trong nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm như vậy. Đến một ngày kia vong linh ăn năn hối quá, thì tình trạng khốn khổ ấy sẽ tiêu tan mất. Bài học của Hóa công rất là nghiêm khắc; nhưng về sau nó rất độ lượng và khoan hồng. Vì nó đưa linh hồn đến đài Minh triết bằng sự cảnh cáo của Bàn Tay Quả Báo mạnh lành.

Dần dần người quá vãng sẽ gặp được người tiến hóa cao hơn, có khả năng chỉ dạy y để cho y có một đời sống hợp lý.

6.- NHỮNG TRƯỜNG HỢP THƯỜNG

Dưới đây là những ví dụ gương mẫu của vài vong linh trên cõi Trung giới do nhãn quang của ông C. W. Leadbeater thấy được.

Một người thường nhơn kia, không tốt, không xấu. Lên cõi Trung giới, y không đau đớn nhiều mà cũng không vui sướng nhiều. Nếu trong kiếp sống y chỉ lo nói chuyện khào, lo thể thao, thích chuyện đời, lo ăn mặc cho hạp với thời trang chớ không mục đích gì rõ rệt, thì tự nhiên trên Trung giới, y thấy ngày giờ dài đăng đẳng: bởi vì những chuyện xa hoa vật chất không thể thực hiện trên đó được.

Một người kia đắm say nhiều dục vọng thấp hèn, tỷ như nghiện rượu hay dâm dục, thì phải lâm vào cảnh khổ sở vô cùng. Chẳng những dục vọng ấy còn y nguyên, mà chúng nó còn trở nên muôn phần mãnh liệt: bởi vì chúng được biểu lộ tự do xuyên qua thể của chúng nó là thể Vía, chớ chúng nó không còn bị xác thịt nặng nề cản trở nữa.

Người như thế ấy phải lâm vào cảnh thấp của cõi Trung giới. Y ở rà rà mặt đất để có cơ hội hưởng những mùi rượu thịt v.v. . . mà y đang thèm khát. Y lân la những hộp đêm, những tửu quán, để thưởng thức mùi rượu thịt cùng những cảnh ô trược. Y chỉ thưởng thức thôi, chớ không thỏa mãn dục vọng cuồng nhiệt của y đặng: bởi vì y không có xác thịt làm trung gian.

Một vong linh bợm rượu kinh niên, đôi khi tự bao xung quanh mình một tấm bằng chất dĩ thái để hiện hình một phần, tỷ như hiện ra cánh tay hay cái mặt. Nhờ chất dĩ thái ấy mà y hưởng đặng mùi rượu, nhưng y không ngửi đặng mùi rượu như lúc còn sống ở cõi trần.

Chính vì lẽ ấy mà y xúi giục kẻ khác uống rượu đặng y có thể nhập vào xác họ một phần nào để hưởng hơi cho thỏa thích. Sự nhập xác ấy có thể vĩnh viễn hay tạm thời.

Chính mắt tác giả bài nầy đã chứng kiến một đám cúng bịnh điên, do một pháp sư điều khiển. Trên bàn cúng có để rượu và một thủ vĩ heo luộc cùng trái cây và nhang đèn v.v. . . Khi pháp sư đứng ra cầu đảo vong linh mà y cho rằng phá khuấy bịnh nhơn, thì đồng tử nhảy dựng lên la hét là “Ta đã về, hỏi muốn gì ?”.

Pháp sư nói:

- Ta bảo ngươi hãy buông tha bịnh nhơn.

- Được, nhưng trước khi ta tha, hãy đem rượu thịt ra đây.

Nói đoạn, đồng tử là người (không biết uống rượu) nhảy lại bàn thờ bưng chai rượu lối 1 lít núc ráo trọi, rồi còn đòi thêm nữa ! Người ta chạy lấy thêm 1 lít rượu nữa cho y. Uống xong cả mà y không say. Đoạn y đến bàn cúng, hai tay ôm thủ vĩ lợn, cúi mặt xuống, hít khắp cùng, một cách say mê đắm đuối, mà trên đời nầy chưa hề có ai ngửi đồ ăn như thế. Y lật đầu heo lên, y hít từ sớ thịt, từ miếng xương; y trở đầu heo lại, y hít từ lổ tai, từ cái mỏ, từ con mắt. Y hít như vậy trọn cả nửa giờ ! Cử chỉ đam mê của y trông thấy mà rợn cả người, cho đến đỗi khổ chủ, nhà nghèo xơ xác, mà phải ghê gớm cái đầu heo ấy: nên sau khi cúng rồi, y đem nó cho hàng xóm ! Đó là vong linh nghiện rượu và mê ăn nhập vào đồng tử để hưởng chút mùi vị trần gian. Trên cõi Trung giới, vong linh như thế bị muôn phần khổ sở: vì y thiếu cơ quan xác thịt để thực hiện sự ham muốn ấy.

Người ta biết nhiều chuyện thần thoại diễn tả cảnh thèm khát hãi hùng của vong linh không được thỏa mãn nơi cõi Trung giới. Đây là chuyện người Tantale bị hình phạt nặng nề là: nhịn khát. Y khô cả cổ, rát cả họng, thèm một giọt nước ngon lành mà không ai cho, trong khi người ta bẹo trước mắt y một thứ nước trong long lanh như mắt mèo ! Nhưng ô hô ! khi môi y vừa kề thì người ta lại giật đi, trước mắt thèm thuồng khao khát của y ! . . .

Còn một chuyện thần thoại khác nữa: là ông Sysiphe. . . Ông bị hình phạt như là: phải lăn tảng đá lên đỉnh núi. Nhưng khi ông cố gắng, hè hục gần hụt hơi để lăn đá, mà hễ nó vừa đến chót núi, thì nó lại rơi xuống chân núi để ông phải lăn nó trở lên nữa. Cảnh tượng đó cứ luôn luôn tiếp diễn.

Tảng đá đó là biểu tượng của lòng tham lam mà con người cứ mãi nuôi nấng lúc ở trần gian. Bao giờ hết tham lam thì con người hết bị bắt buộc lăn tảng đá đó nữa.

Một đời sống dưới thế gian vô dụng, ích kỷ, không giá trị là một điều hết sức tai hại cho vong linh trên cõi Trung giới. Nơi đây điều kiện sống thác khác hẳn với cõi trần. Ở âm cảnh không có chuyện làm ăn cần phải bàn tính và vong linh không thể dùng lời xảo trá đặng: vì tư tưởng và tình cảm đều bộc lộ rõ ràng không che giấu được.

Người đồ tễ, hay kẻ giết thú vật để thí nghiệm sẽ bị những hình thú cụt chơn, gãy cánh, gãy đầu, run rẩy, rên siết, kêu gào vây xung quanh, và vô tình biểu diễn lại tấn tuồng giết chóc đã gây ra tại thế.

Cái cảnh tượng hãi hùng ấy cứ tiếp diễn trong nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm như vậy, cho đến khi nào vong linh ăn năn hối quá thì tình trạng khốn đốn đó mới tiêu tan cho.

Bây giờ hãy nói đến hạng người cao hơn như nhà âm nhạc, triết học hay khoa học chẳng hạn. Trên Trung giới con người không cần làm lụng mới có mà sống, nên có nhiều thì giờ để đeo đuổi quan niệm của mình. Trong khi sanh hoạt trên Trung giới, ta có thể nghe một nhạc điệu rất hay, rất tuyệt diệu, mà dưới trần nầy không ai diễn được.

Còn đối với nhà mỹ thuật, thì ôi thôi, biết bao là sự tốt đẹp diễn ra trước mắt. Nhơn đó mà vong linh có thể biểu dương tài nghệ của mình. Người ta có thể đi đây, đi đó một cách mau lẹ nên thấy đặng những kỳ quan trong võ trụ dễ hơn khi ở thế.

Nếu vong linh là nhà sử gia hay nhà khoa học, thì tất cả thơ viện và phòng thí nghiệm dưới trần đều đặt dưới quyền xử dụng của y. Lại nữa, vong linh hiểu đặng những hiện tượng thiên nhiên rõ ràng hơn là lúc còn mang xác thịt: bởi vì y thấy đặng bên trong của vạn vật, chớ chẳng phải chỉ phớt bên ngoài mà thôi. Trong bất cứ trường hợp nào, sự vui của vong linh cũng tăng cường: vì y không biết mệt mỏi như ở trần gian.

Nhà triết học có thể đeo đuổi được công việc hữu ích của mình một cách đắc lực và dưới tay sẵn có những điều kiện thuận tiện hơn là khi có xác thịt.

Trên cõi Trung giới, vong linh có khả năng học tập những điều mới lạ.

Dưới đây là 7 cảnh của cõi Trung giới.

Cảnh thứ bảy: Nơi cảnh thấp nhứt của cõi Trung giới – là cảnh thứ bảy – vong linh thường hướng về những chuyện thấp hèn dưới thế gian và hay lân la những nơi trụy lạc trần ai.

Cảnh thứ sáu: Trên cảnh thứ sáu có những vong linh chỉ nhớ đến vật chất và công việc làm ăn. Họ ở sà sà trên măt đất.

Cảnh thứ năm và thứ tư: Trên mấy cảnh ấy vong linh cũng còn tư tưởng đến những chuyện trần gian, nhưng không mãnh liệt bằng lúc ở cảnh thứ sáu và thứ bảy.

Cảnh thứ ba và thứ hai: Trên mấy cảnh ấy, vong linh ở cách biệt trần gian rất xa. Muốn thông đồng với người dương thế, vong linh phải rán sức đặc biệt bằng cách dùng đồng tử.

Cảnh thứ nhứt: Trên cảnh thứ nhứt – là cảnh cao hơn hết của cõi Trung giới – vong linh muốn thông đồng với thế gian là một chuyện hết sức khó khăn, dù bất đắc dĩ phải dùng đồng tử.

Đa số người thường nhơn hiền hậu, chết một cách tự nhiên, họ gặp được nhiều may mắn, nhờ những vị cứu trợ vô hình chỉ dẫn, nên họ có thể tiến mau lẹ. Nhưng có vài trường hợp, họ có thể bị cõi phàm lôi cuốn; vì họ nặng tình với một cá nhân nào còn sống.

Sự xót xa thương tiếc của cha mẹ, vợ con, bè bạn có thể níu kéo vong linh trở lại trần, và tìm cách nhập xác đồng để chuyện trò với gia quyến. Điều nầy làm trễ bước tiến hóa của vong linh và tạo cho đồng tử bao nỗi ưu phiền, đau khổ ở tương lai. Nhơn đó mà vong linh phải gánh quả nặng, và kẻ ở cõi trần vì vô tình mà làm hại người mình thương nơi âm cảnh !

Giáo lý Pháp môn không hề dạy ta phải quên người chết, mà còn khuyên ta nên gởi cho họ tình thương chơn thật, nồng nàn, trong sạch và vô tư. Chính tình thương vô tư đó giúp đỡ vong linh trên bước đường mới lạ ở Trung giới, để họ sang qua cõi Thượng giới mau lẹ.

7.- NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT

Về mặt thực tế, thì sau khi chết, trí thức của con người không khác chút nào. Những tai nạn rủi ro, sự chết bất đắc kỳ tử không làm cho đời sống trên Trung giới quá khổ sở hơn. Nhưng đối với đa số người đời, sự lâm chung tự nhiên là tốt hơn hết: bởi vì xác thân bị sự già nua và bịnh hoạn lâu ngày làm cho mau tan rã và những tế bào cái Vía cũng vì đó mà đã ly tan một phần nào; nên khi con người sang qua cõi Trung giới, thì con đường nơi âm cảnh đã dọn sẵn rồi.

Tuy nhiên, khi sự sống của xác thân thình lình bị ngưng hẳn, sợi dây dục vọng và sinh lực (Kama Prâna) chưa dứt, nên cái Vía còn mạnh mẽ dồi dào; những yếu tố cao cả của thần hồn khó lìa ra khỏi xác liền đặng. Một số dư Thanh khí trọng trược còn bám vào bản ngã phàm nhơn, kéo trì phàm nhơn xuống cảnh thấp nhứt của cõi Trung giới là cảnh thứ bảy.

Cái chết bất đắc kỳ tử luôn luôn tạo ra sự kinh khủng và sự tán loạn tâm thần, khiến cho đời sống trên cõi Trung giới hóa ra tối tăm và khổ sở. Trong vài trường hợp, cái tình trạng hỗn loạn tâm thần đó kéo dài khá lâu.

Những kẻ tội nhơn bị xử tử, chẳng những họ phải chịu cảnh đau đớn của sự phân chia đột ngột giữa cái Vía và cái xác, mà họ còn có cái Vía đang run rẩy, oán hờn, giận dữ và thù hằn. Như thế họ sẽ là những phần tử đặc biệt nguy hiểm trên cõi Trung giới. Vậy người tử tội là một mối hại cho xã hội; mà khi y bỏ xác rồi, y cũng sẽ còn là một mối hại gấp ngàn lần cho trần gian nữa. Vì lẽ xã hội có thể chống với kẻ sát nhơn còn sống trong xác thịt, chớ không thể chống với kẻ sát nhơn vô hình bị phóng thình lình lên Trung giới với tất cả uy lực giông tố của dục tình ! Những người như vậy có thể trở thành những tay phiến động cho những vụ sát nhơn. Bằng chứng thiết thực là những vụ sát nhơn tương tợ thường xảy ra trong một xóm, một làng hay một xứ.

Thường thường những người có một đời sống hung dữ, ích kỷ và vật chất nên mới bị kết án tử hình. Nhơn đó mà họ chỉ tri thức đặng cảnh chót của cõi Trung giới mà thôi; họ có thể trở thành một phần tử ghê gớm nơi âm cảnh và luôn cả chốn trần gian nữa !

1) Một là: họ xui giục người yếu tánh làm theo họ.

2) Hai là: cái Vía của họ đang run rẩy vì sự đam mê và oán hận, hóa ra một động lực nguy hiểm cho cõi Trung giới như ta đã nói ở trước. Muốn biểu lộ những cái phản động thấp hèn của họ tại cõi trần, họ mới tìm cách nhập xác đồng, hầu thực hiện được ý muốn xấu xa của họ, để rửa hận hay thỏa dục.

Những người chết bất đắc kỳ tử như tự vận, là những hạng người mắc quả xấu vì sự ô trược và trụy lạc, thì họ sẽ là những hồn ma bóng quế khốn nạn ! . . . Họ đi tầm vơ. . . cho tới chừng nào mãn kiếp sống dưới trần mới thôi. Tỷ như họ phải sống tới 90 tuổi mà mới 20 tuổi họ tự vận, thì họ phải kéo dài đời sống vu vơ trên cõi Trung giới tới 70 năm nữa mới sống được đời thường lệ như các vong linh khác, nghĩa là mới có thể trú ngụ tại cảnh riêng biệt của họ để tinh luyện hầu sang qua cõi Thượng giới mới đi đầu thai được.

Ôi ! sự đau khổ đang chực hờ họ ! Bao nhiêu thất vọng nặng nề tràn ngập tâm hồn họ ! Cái tư cách trước khi lâm chung của người tự tử luôn luôn tạo ra nhiều hoàn cảnh tốt hay xấu ở cõi Trung giới, bởi vì động lực bên trong của sự tự tử là quan trọng . . . Người ta đánh giá nó tùy trường hợp, từ cái chết nghĩa cử tốt đẹp của ông Socrate và ông Phan thanh Giản, tới cái chết thất vọng vì tình, cái chết khốn nạn của người hèn nhát để chạy tội.

Thường cái hậu quả của sự tự tử thật là trọng đại, chắc chắn nó di hại trong kiếp nầy mà còn ảnh hưởng sâu xa cho kiếp tới nữa. Vì con người trong kiếp tới, sẽ phải gặp lại những hoàn cảnh khắt khe tương tợ như hoàn cảnh của kiếp nầy, xúi giục y tự vận một lần nữa. Nếu con người ấy thấy đặng cuộc thử lòng nầy, thì ở vị lai, sẽ không còn gặp lại cuộc thử lòng như thế nữa. . . Bằng thất bại, thì con người sẽ phải lâm vào hoàn cảnh ấy một lần, hai lần nữa . . .; có khi trong 5 – 3 kiếp liên tiếp, mới thoát khỏi. Người ta có biết một linh hồn tự thú nhận là y tự vận trong 5 kiếp liên tiếp. Mỗi lần lên Trung giới, linh hồn rất khổ sở, mà thấy mình đã thất bại trước hoàn cảnh đau thương đó, nên hằng cầu nguyện được giúp đỡ, để cho y nhớ lại kịp lúc cái hậu quả của sự tự vận trước khi muốn hủy mình; y cầu nguyện cho mình có đủ can đảm để làm chủ hoàn cảnh, dù là khó khăn và đau khổ.

Người ta tưởng rằng: “Chết thì hết chuyện !” Nhưng không phải hết đâu. Hủy mình trước số Trời đã định là một điều hết sức sai lầm và tai hại ! Cái cảnh rắc rối dưới trần, - mà mình giải quyết không đặng nên phải tự vận, - sẽ đeo đuổi theo mình tại cõi Trung giới một thời gian khá lâu, làm cho mình biết bao ân hận ! Nhưng ô hô sự đã rồi ! Vả lại, sự tự tử là một tội trọng đối với nhân quần xã hội, đối với cha mẹ, ông bà và đối với Hóa công nữa; bởi vì nó trái với luật nhân quả đã định kiếp sống dưới trần nầy là bao nhiêu năm; nay vì uất hận và tự ái hay buồn rầu mà bất kể thiên điều, thì dù có ăn năn cũng đã muộn rồi ! . . .

Vì lẽ mỗi người phải trải qua một đời sống sung sướng hay khổ cực tại thế gian, tùy theo số mạng do chính mình đã tạo ra trong kiếp nầy hay kiếp trước, thì phải an lòng, ẩn nhẫn, rán vượt qua cảnh thử lòng ấy để sống cho rồi một kiếp, chớ đừng tìm đường trốn tránh. Vả lại có muốn trốn cũng chẳng đặng nào ! Vì đó là định luật !

Ta biết rằng: cái mực độ tâm trí con người, lúc từ trần, hoạch định cảnh giới mà vong linh phải sống. Vậy cũng đồng tự tử, mà người vì mục đích bác ái vị tha như hiền nhơn Socrate, còn người, thì vì mục đích ích kỷ, giận hờn, tức tối và hèn nhát, trốn tránh sự cực nhọc, nên hai vong linh nầy cách xa nhau tuyệt vời trên cõi Trung giới.

Những người có tấm lòng trong sạch, có nguyện vọng cao thượng, mà rủi ro bị tai nạn bỏ mình, thì sẽ sang qua cõi Trung giới một cách bằng an. Tỷ như ngủ một giấc ngon lành, trong mộng điệp, không có chi là đau khổ cả. Trong vài trường hợp, có khi họ tri thức trong chốc lát, cái cảnh cuối cùng của kiếp sống trần gian. Dù họ là người tốt, nhưng vì chết sớm hơn thời hạn, họ chỉ sống tạm trong cảnh phù hạp với lớp ngoài của cái Vía họ, đợi cho tới thời kỳ mãn kiếp dưới trần, họ mới khởi sống thật sự trên Trung giới.

Ta đã nói rằng: cõi Trung giới cao đẹp hơn cõi trần nhiều. Nhưng đừng vì lẽ đó mà hoan nghinh sự tự tử ! Sở dĩ con người sanh sống ở cõi trần là có mục đích gì. Và muốn thực hiện nó, thì chỉ phải sống trong xác thịt mà thôi: vì những bài học ấy, chỉ phải học tại cõi trần mới được; chớ nếu học tại cõi khác, thì sẽ hỏng mất và nhân duyên mà ta gây tại cõi trần sẽ không trả được. Rồi làm sao giải thoát ? Bởi vậy, hễ ta học bài học ấy sớm chừng nào, thì ta sẽ được giải thoát sớm chừng nấy, nghĩa là ta sẽ hết luân hồi, sanh tử, vùi thân giữa đám bụi hồng. Chơn Nhơn rất cực nhọc mới đầu thai, sống trong xác thịt nặng nề nầy. Trong thời kỳ ấu trỉ của con người, Chơn Nhơn phải kéo chuỗi ngày vô bổ trong một cái thân bé tí; Chơn Nhơn phải lao công mệt nhọc để kềm vững và chủ trị những hạ thể mới. Và khi trẻ con trở thành niên thiếu là lúc Chơn Nhơn được hài lòng, vì nó hy vọng rằng: với cái khí cụ xác thân mạnh lành, nở nang đầy đủ ấy, mình sẽ hoạt động đắc lực dưới trần ! Nhưng nào dè, đến lúc nhờ cậy được, thì phàm nhơn lại hủy mình ! Thành thử công phu của Chơn Nhơn hóa ra vô dụng ! như “dã tràng xe cát bể đông !” Mà đứng về mặt Chân Lý, thì công phu của Chơn Nhơn không được phung phí bao giờ ! Nhơn đó, tự nhiên cái xác thân luôn luôn có “bản năng tự vệ”. Bổn phận của mỗi cá nhân là phải lợi dụng trọn cả kiếp sống dưới trần để kéo dài ngày giờ sống, hầu học hỏi, kinh nghiệm và tạo công, bồi đức cho kiếp sống tương lai.

Những người chiến sĩ tử nạn ở bãi chiến trường không thuộc về những hạng bất đắc kỳ tử ấy: bởi lẽ họ chiến đấu vì bổn phận. Mà hễ nói là bổn phận, thì dù cái động lực của nó là thể nào đi nữa, nó cũng đều là chánh đáng cả. Trước tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, họ tự ý hy sinh đời sống của họ một cách vô tư. Lại nữa, mặc dầu giặc giã đem lại một kết quả ghê tởm, hãi hùng, nhưng nó cũng là một động lực của cơ tiến hóa. Nhà Hồi giáo cho rằng : “Kẻ chiến sĩ chết nơi bãi chiến trường vì tranh đấu cho một đức tín tốt đẹp, sẽ sống một đời sống hạnh phúc trên cõi Trung giới”.

Trong trường hợp của những đứa trẻ chết yểu, thì thường thường chúng nó chưa nhiễm những tánh xấu trần gian, nên chúng nó không ở cảnh thấp của cõi Trung giới. Nhơn đó mà người ta ít gặp chúng nó trên cảnh thứ 6 và thứ 7 của cõi nầy. Chúng nó được trong sạch hơn người lớn nên rất có phước. Chúng nó chưa nhiễm dục tình của người lớn nên lòng được thanh thoát và vui vẻ lắm. Chúng nó không chia lìa cha mẹ, anh chị, cùng bạn bè yêu quí của chúng nó đâu: chỉ ngặt một điều là chúng nó giao thiệp với họ lúc ban đêm, khi họ ngủ, chớ chẳng phải lúc ban ngày. Bởi vậy chúng nó không cảm thấy sự ly biệt như ta đâu. Lại nữa, trong lúc ban ngày của ta tại cõi trần đây, thì chúng nó, trên cõi Trung giới, tựu họp với mấy đứa trẻ khác vui chơi với nhau chẳng khác nào như hồi còn ở cõi phàm; chúng nó cũng chạy đua, cũng tập lính, cũng hát xướng theo đủ thứ vui chơi của chúng nó. Chúng giả làm vua, làm tướng. Nơi cõi Trung giới, ý muốn trở thành hình ảnh, nên hễ chúng nó tưởng mình là anh tướng mạnh bạo, thì tự nhiên chúng nó thấy y như vậy. Nếu chúng nó tưởng thấy một tòa lâu đài nguy nga, tức thì chúng nó thấy liền. Nếu chúng nó tưởng một đạo binh ra trận, thì đạo binh đó hiện ra trước mắt chúng nó.

Trẻ con thường có tánh hay giúp đỡ và khuyên dỗ, nên khi lên cõi nầy thì chúng nó hay an ủi những kẻ còn dốt nát mê muội.

Có người hỏi rằng: những trẻ con còn bồng ẵm trên tay, mà rủi thác đi, thì làm sao hưởng sự vui vẻ được ? Ta chớ lo, trên cõi Trung giới cũng có những bà mẹ sẵn lòng săn sóc chúng nó, vuốt ve và yêu mến chúng nó. Chẳng bao giờ chúng nó bị lẻ loi và cô độc cả !

Có hạng người bám víu một cách tuyệt vọng cõi đời vật chất nầy, nên lúc bỏ xác, cái Vía của họ không thể tách xa cái Phách liền đặng. Nhơn đó, mà trên Trung giới, họ vẫn còn bị chất dĩ thái của cái Phách bao vây, làm tấm bình phong che mất cảnh ấy, thành thử họ ở nơi âm cảnh mà không biết âm cảnh là gì. Đồng thời họ khó mà thông cảm với cõi trần: vì họ thiếu cơ quan xác thịt ! Chung qui, họ là những hồn ma xiêu lạc, cô đơn hãi hùng ! Họ có miệng mà chẳng thốt ra lời ! Họ xa lạ tất cả hai cõi: vì họ không thông cảm đặng với những nhơn vật trong đó. Họ không thể hiểu đặng rằng: nếu họ hết bám víu một cách điên cuồng vào vật chất, thì tri thức của họ sẽ đổi ngay, và họ sẽ sống một cuộc đời thông thường như các vong linh khác. Còn nếu họ cố nắm níu cõi đời đen tối nầy mãi với cái bán tri thức khốn nàn của họ, thì họ sẽ tưởng thấy mình sa vào “địa ngục” theo trí tưởng tượng của người đời. Thời gian qua, chất dĩ thái của thể Phách tan rã và đời sống dị thường của vong linh sẽ được lập lại trật tự: vì luật Trời luôn luôn Công bằng và Bác ái, không bao giờ để cho ai mãi chịu khốn nàn, như câu: “Lửa địa ngục thiêu đời đời” vậy đâu; bởi vì rốt cuộc rồi, tự nhiên sẽ có những bàn tay cứu trợ đến giúp đỡ và chỉ dạy.

Nếu vong linh nghe theo thì sẽ được kết quả tốt. Những lời chơn chánh và đạo lý của ta sẽ giúp đỡ vong linh rất nhiều. Vậy, khi ta đến một đám xác nào, thì ta nên thầm vái cho vong linh sớm trì tâm học Đạo, tìm người lành để nhờ chỉ dạy.

Đôi khi có những vong linh vì quá đau khổ nên đâm ra chán nản, họ không còn ham muốn, đam mê điều chi cả. Họ chỉ mong sao cảnh hiện tại khốn nạn nầy sớm được tiêu diệt ! Nhưng nào dè sự mong ước ấy đem lại cái cảnh tốt đẹp bất ngờ, làm cho họ quá đổi ngạc nhiên ! Nếu ta hiểu rõ cảnh Trung giới thì điều nầy không có chi là lạ: vì lẽ hoàn cảnh biến đổi theo tâm thức con người. Hễ con người càng bám vào những sự thấp hèn, ích kỷ và đam mê thì tự nhiên bị chất khí trược ấy vây chặt, khiến cho họ sa vào cảnh đen tối và đau khổ.

Nay vì thấy mình càng bám víu thì càng thất bại nên hóa ra chán nản. Trong khi quá thất vọng, vong linh thay đổi tư cách là : “không thèm ham muốn cái gì nữa”. Trước cái tư cách của tâm thức đó, hoàn cảnh tự nhiên thay đổi; vì vậy mà vong linh thấy mình được nhẹ nhàng, thơ thới và sống trong hoàn cảnh tốt đẹp sáng sủa hơn.

Đôi khi, vong linh xâm chiếm xác thịt của một em bé bằng cách đuổi bản ngã yếu ớt của em ra khỏi xác thân em. Hoặc giả vong linh – trong cơn dục tình sôi nổi – cũng chiếm cứ xác thân của một con thú. Vong linh thành công dễ dàng trong trường hợp nầy: vì lẽ con thú còn yếu ớt, không chống cự lại đặng. Sự xâm nhập xác thú có khi trọn vẹn, có khi chỉ một phần thôi. Vong linh nhờ xác thịt thú làm trung gian để gần gũi với cõi trần hơn. Vong linh thấy đồ vật xuyên qua mắt thú. Nếu có ai làm cho con thú đau đớn, như đánh đập hoặc cắt cổ nó, thì vong linh cũng cảm thấy đau đớn như mình bị đánh đập hoặc bị cắt cổ vậy.

- Tạo sao trong lúc thú thọ nạn, vong linh lại không xuất ra khỏi xác nó, để chịu chi cảnh khổ sở ấy ?

- Vì lẽ, vong linh một khi nhập vào xác thú khó tự ý xuất liền ra đặng. Muốn xuất ra, vong linh phải cố gắng nhiều ngày mới được. Như thế, y phải tổn phí thần lực rất nhiều. Thường thường chỉ khi nào thú vật chết, vong linh mới xuất ra khỏi xác nó được mà thôi. Nhưng dù xuất ra khỏi xác thú đặng đi nữa, vong linh cũng còn phải cắt đứt sợi dây Thanh khí nối mình với con thú. Đôi khi, lúc con thú chết, nếu y còn đắm trần, thì y rán nhập vào con thú khác hoặc một cá nhân nào yếu đuối vô nghị lực. Những con thú dễ bị chiếm xác là những con thú ít tiến hóa, như heo, trừu chẳng hạn. Loài thú khôn ngoan như chó, mèo, khỉ, ngựa, có ý chí kháng cự, nên không dễ gì chiếm xác chúng nó được. Tuy nhiên, có khi chúng nó tránh không khỏi nữa !

Tất cả sự xâm chiếm xác thân, dù là của người hay của thú, đều là một chướng ngại cho sự tiến hóa. Người bị chiếm cứ cũng đều bị ngưng trệ tinh thần. Vong linh càng nhập xác đồng chừng nào, thì càng say trần nhiều chừng nấy. Còn đồng tử thì thường mất cả nghị lực để học hỏi và kinh nghiệm. Y sẽ thụ động hơn là linh động. Đồng thời vong linh nhập xác tự tạo cho mình một nhân quả hết sức xấu. Còn người cầu đảo vong linh trở lại trần cũng phải chia một phần cái nhân quả xấu ấy.

Nếu vong linh nhập vào xác con thú là đã gây nhơn duyên với nó rồi. Lúc y đầu thai, cái Vía của y có nhiều đặc điểm của con thú ấy. Có thể mặt y giống với mặt thú mà y có tánh tương đương.

Trong trường hợp tuyệt đối, cái Vía của vong linh kết chặt với cái Vía của con thú: hễ con thú đi đâu, thì vong linh đi theo đó, giống như kẻ tù nhơn của con thú. Trên cõi Trung giới, vong linh ấy có thể tri thức đặng, là y có những đức tánh của con người. Nhưng khi ở trong xác thú, thì y không kiểm soát đặng hành vi của nó, hoặc giả y không biểu lộ ý muốn của y – là một con người - dưới thế gian. Thế thì, xác thú là ngục tù của vong linh, chớ không phải là khí cụ để cho vong linh dùng. Lại nữa, khi con người nhập vào xác thú, thì hồn của con thú ấy có xuất ra khỏi xác nó một cách trọn vẹn đâu, mà nó vẫn còn làm chủ thật sự cái nhà của nó (tức là cái xác của nó).

Vì lẽ trên đây, ta có thể hiểu được một phần nào: tại sao người Phương Đông hay tin tưởng rằng: “kẻ dữ sẽ đầu thai làm thú vật.”

8.- KẾT LUẬN

Trước khi kết thúc bài nầy, ta hãy quan sát vài câu hỏi hiện có trong trí của những học giả về cõi Trung giới.

Câu hỏi thứ nhứt: Ta có thể tiến hóa trên cõi Trung giới chăng ?

- Tự nhiên là đặng: bởi vì sự tiến hóa là luật chung của Trời Đất. Ta tiến hóa nhiều hay ít là tùy chúng ta. Người làm nô lệ cho dục tình, tiến hóa được là khi nào dục tình ấy tiêu mòn và kết tinh lại trong trạng thái tiêu cực ở trong hột nguyên tử trường tồn của cái Vía.

Những kẻ nào tử tế và có lòng nhơn đức, thì sẽ học hỏi nhiều và sẽ được nhiều sự cứu trợ do các vị tiến hóa cao hơn. Do sự hy sinh và tính vị tha của vong linh trên cõi Trung giới mà y hối thúc cuộc tiến hóa của y. Và khi trở lại trần, y sẽ giàu quyền năng và đức hạnh. Vậy ta đừng lo cho y ở đọng lại một chỗ.

Câu hỏi thứ hai: Ta có nhìn ra những người thương yêu của ta đã quá vãng trước ta không ?

- Chắc chắn là ta nhìn ra; bởi vì họ và ta không ai thay đổi cả. Lúc ở trần gian ta sống trong cái xác. Khi lìa trần ta ở trong cái Vía. Mà cái Vía lấy hình giống hệt cái xác. Chỉ cái Vía túa hào quang ra – dài, ngắn tùy theo sự tiến hóa - Vậy làm sao mà ta không nhìn ra được người thân yêu của ta tại cõi Trung giới ?

Tình thương như miếng đá nam châm. Nó thu hút những người thương yêu nhau thật sự để cho họ hợp hòa với nhau. Nó là một mãnh lực mạnh mẽ, thiêng liêng trường tồn, bất diệt. Dù người thương của ta có lên cõi Thiên Đàng trước ta đi nữa, thì ta cũng sẽ gặp họ lại như thường khi ta bước qua cõi Thượng giới.

▲▲▲

Khi bức tranh “vân cẩu” đã vẽ xong và bút nghiên đã dẹp lại rồi, thì tấm màn nhục thể từ từ buông xuống. Bấy giờ, vong linh mới nhận thấy sự thật rõ ràng, mới thấy được cái trạng huống của mình tốt hay xấu, phúc lạc hay đau buồn. Sự tiến lên cảnh cao hay lưu lại cảnh thấp là tổng kết sự thăng trầm của một kiếp sống nhơn sinh. Nó hạn định số mạng của y một cách công bình, dẫu một mũi kim cũng không dễ lọt được ! Đơn giản thay, mà cũng huyền diệu thay ! Dưới thế gian nầy, không ai lập được cái trật tự điều hòa như thế đó. Nguyên lý tinh vi, khiết bạch của Hóa Công qui định tất cả và nó đặt để mỗi người theo Ngôi vị thích nghi của mình. Nó biến chuyển những mãnh lực tinh thần để biểu lộ sự Công Bình tuyệt đối !

Ta ở cảnh cao trên cõi Trung giới cũng do ta, mà ta lâm vào cảnh u minh cũng là tại ta cả.

Tất cả tư tưởng, tình cảm và hành vi của ta đều có hình dạng. Chúng nó ghi vào con người của ta như một cuốn sổ to. Lúc ta sanh tiền thì nó đóng kín lại; xác thân vật chất của ta ví như một cái màn đen che khuất nội dung của nó. Nhưng khi ta từ giả cõi trần, thì nó từ từ mở ra: những trang giấy của nó phô bày trước mắt. Ta mang nó trên lưng ta, khiến cho ai cũng đều thấy đặng cái Thiên Đàng hay cái Địa Ngục của ta cả.

Trên những thể vô hình (đối với mắt ta) của vong linh đều có ghi tội, phước của kiếp trần đã qua. Chúng nó là bằng chứng cụ thể của đời sống tốt đẹp hay xấu xa đã qua. Chúng nó biện hộ cho vong linh hay kết tội y, và không ai có thể làm cho tiếng nói của chúng nó im lặng được. Vậy lúc sanh tiền con người đang đẻo gọt cái “Ngai” của mình tại dương thế để cho mình ngồi khi quá vãng. Quyền cầm cân tội phước là ở mỗi người chúng ta đây. Nếu chúng ta muốn được hạnh phúc nơi cõi vô hình, thì ngay bây giờ, chúng ta nên bắt tay vào việc. Chúng ta hãy rán tạo những hành vi lành, từ bỏ những hành vi xấu, và rửa lòng cho trong sạch như lời dạy của Đức Phật Thích Ca trên hai ngàn rưởi năm về trước.

Dưới đây là bài thơ ngụ đời của một vị đạo tâm:

Phút chốc đầu xanh hóa bạc râm,

Mấy ai hưởng thụ ngoại tuần trăm ?

Thoi đưa, thoi đến bao lâu nhỉ ?

Mây hợp, mây tan một kiếp trần;

Danh lợi mãn say quên nẽo chết,

Bịnh, già, sực nghĩ đến bên chân;

Than ôi, trần thế xem như thế,

Sớm khá tu tâm học Đạo Thần.

Còn đây là bài thơ kết luận mà tôi xin hiến cho quí vị:

Ôi thôi, ngắn ngủi kiếp con người !

Ba vạn sáu ngàn, có mấy mươi ?

Thấm thoát xuân xanh như én luyện,

Lơ phơ tóc bạc, tợ mây trôi;

Rồi ra mồ quạnh, cùng hoa héo,

Chỉ thấy trăng soi với gió cười ! . . .

Ớ hỡi, ai người tâm sáng suốt,

Mau vun cội đức kẻo qua thời !

HẾT

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm