Con đã từng phá thai . Tuy cái thai còn nhỏ nhưng con luôn ray rứt ân hận từng ngày. Xin thầy hãy giúp con.
HỎI:
Con đã từng phá thai . Tuy cái thai còn nhỏ nhưng con luôn ray rứt ân hận từng ngày. Xin thầy hãy giúp con.
TRẢ LỜI
Chào em,
Quan điểm của Phật giáo về vấn đề phá thai, trước hết, đạo Phật là đạo từ bi, luôn tôn trọng sự sống và bảo vệ sinh mạng của mọi loài. Đạo Phật không phản đối các biện pháp hạn chế sinh đẻ bằng cách ngừa thai nhưng không ủng hộ việc phá thai. Bởi lẽ bào thai là một mầm sống, là sinh mạng, do đó cần được bảo vệ. Phật giáo quan niệm sự sống hay sinh mạng có mặt khi mới bắt đầu thụ thai.
Em cũng như những người cùng hoàn cảnh, sau khi phá thai xong, bị đau khổ, lương tâm dằn vặt và mong muốn sám hối là điều dễ hiểu và dễ thông cảm. Dẫu sao thì sự phát tâm sám hối của em vẫn là điều rất tốt, còn hơn là tìm mọi cách để biện minh cho hành động của mình. Sám hối theo Phật giáo là ăn năn với lỗi lầm đã tạo trong quá khứ và nguyện không tái phạm lỗi ấy ở tương lai. Sai lầm sống buông thả theo dục vọng khi chưa cưới hỏi hay không sử dụng các biện pháp ngừa thai có thể đã khiến nhiều người chịu nhiều khổ đau, và giờ đây đã hối hận thật nhiều về sự nông nổi, bất cẩn với lối sốngbuông thả của mình. Sau khi đã ăn năn sám hối, quan trọng hơn là nguyện không tái phạm lại việc ấy. Đó là cách sám hối thiết thực nhất.
Không biết em đã đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung chưa. Đâu đó trong các quyển tiểu thuyết này, người ta thường nghe thấy câu thành ngữ “Buông đao đồ tể, lập tức thành Phật”. Đồ tể là người làm nghề giết mổ, chuyên giết mổ súc vật; trong khi đó, một trong những trọng giới của nhà Phật là giới cấm sát sinh. Người Phật tử đã không được phép hại mạng sống của chúng sanh, lẽ nào người sống bằng nghề giết mổ, cả đời lấy đi mạng sống của biết bao sinh vật, chỉ cần buông đao xuống là đã có thể thành Phật, lại còn thành Phật ngay lập tức?
Tất nhiên, người đọc cũng hiểu, thành ngữ này nói quá hơn sự thật, để nhắc nhở rằng mọi người đều có Phật tính; khi buông đao là khi nhận thức được hành vi mang nghiệp nặng của mình, và lúc ấy hạ quyết tâm từ bỏ, thì có thể bước lên con đường tu tập tiến đến thành quả Phật. Kinh điển nhà Phật có đề cập nhiều trường hợp phạm ác nghiệp nặng nhưng khi biết hối cải và tiến tu thì đạt được thánh quả.
Trường hợp tiêu biểu là câu chuyện về kẻ sát nhân Angulimala trong kinh điển Pàli đã minh họa một cách hùng hồn cho tâm từ bi vô lượng của Đức Phật đã chuyển hóađược tâm của một tên sát nhân hung bạo như thế nào và cũng cho thấy sức mạnh của lòng từ bi của Angulimala do tu tập về sau, bao giờ cũng mạnh hơn bất cứ ác nghiệp nào mà y đã tạo tác.
Angulimala là một kẻ sát nhân khét tiếng. Tên của ông được lấy từ sự kiện ông đeo trên cổ một xâu chuỗi kết bằng những ngón trỏ tay phải của các nạn nhân mà ông đã giết hại. Quân lính của triều đình lùng bắt ông, còn dân chúng thì hoảng sợ không dám ra khỏi nhà.
Một buổi sáng, Đức Thế Tôn vào thành, đang bưng bát đi khất thực thì nghe có tiếng chân chạy phía sau. Ngài biết rằng Angulimala đang đuổi theo, nhưng vẫn bình thản bước đều. Angulimala lớn tiếng gọi:
“Ông Khất sĩ kia, đứng lại!”
Thế Tôn vẫn tiếp tục đi, không mau hơn, không chậm hơn. Phong độ của Ngài rất an nhiên tự tại.
Thấy vậy, Angulimala lớn tiếng hơn: “Đứng lại! ông Khất sĩ kia, đứng lại! “
Đức Thế Tôn thản nhiên tiếp tục bước đi, vẻ tự tại vô úy. Angulimala chạy mau hơn chỉ trong khoảnh khắc đã đuổi kịp và la lên:
“Tôi bảo ông dừng lại, tại sao không dừng?”
Thế Tôn vẫn bước đi, nói với giọng bình thản:
“Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính anh mới là người chưa dừng lại”.
Angulimala không thể hiểu được ý nghĩa của những lời này. Vì thế y lại hỏi:
“Này khất sĩ, tai sao ông nói rằng ông đã dừng lại còn tôi vẫn chưa dừng?”
Đức Phật đáp:
“Ta nói rằng Ta đã dừng lại vì Ta đã từ bỏ việc giết hại chúng sanh. Ta đã từ bỏ thói bạo hành, tàn sát mọi loài và Ta đã an trú vào lòng từ đối với muôn loài, lòng kham nhẫn và trí tuệ do tư duy quán sát. Song ngươi vẫn chưa từ bỏ việc giết hại và đối xử tàn bạo với người khác cũng như chưa an trú vào lòng từ bi và kham nhẫn đối với mọi loài hữu tình. Do đó, ngươi vẫn là người chưa dừng lại”.
Thái độ điềm đạm và câu trả lời của Phật đã làm cho Angulimala kinh ngạc và đột nhiên buông dao hối hận. Phật liền làm lễ thế phát cho Angulimala trở thành một tu sĩ ngay tại chỗ. Từ đó về sau, Angulimala (pháp danh là Ahimsaka) đã tu tập rất tinh tấn, trở thành một trong những đệ tử lớn của Phật và đạt được giác ngộ sau đó.
Như vậy, kẻ sát nhân đã buông dao, đồng thời buông luôn tâm ác, đó là trường hợp “Buông dao đồ tể thành Phật”.
Em ơi!
Em đã biết lỗi, đã ăn năn, và hạ quyết tâm không tái phạm làm các chuyện ác và bây giờ em hãy cố gắng làm các việc lành thiện từ tâm ý, đến lời nói và hành động. Em nên nhớ rằng Tâm chúng sinh thìvô thường, không cố định. Con đường giải thoát của nhà Phật rộng mở thênh thang, bất cứ ai phạm tộimà biết hối cải, biết sám hối tội ác mình làm và tu tập để chuyển hóa Tâm ác trở thành lành thiện, thì nghiệp dữ cũng theo đó mà hoán chuyển theo, khi “tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”.
Chúc em an lạc.
Cô Tịnh Thủy