Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Inline image

Ðối với vật có chủ, dù ít hay nhiều, nếu chẳng cho mà lấy thì đều là trộm cắp. Hạnh trộm cắp vốn bắt nguồn từ tam độc (tham, sân, si). Các ác này hỗ trợ lẫn nhau thành ra tội trộm cắp. Người tham dục, keo kiết thì dễ sanh tâm trộm cắp.

Kinh nói, những người có địa vị lợi dụng quyền thế lươn lẹo, dung túng thuộc hạ bắt muôn dân đút lót, đoạt ngang của người, vơ vét, tổn người lợi mình, hại nước, hại dân… tạo đủ các thứ ác nghiệp, chính là người trộm cắp. Kinh nói, đấy là do nhà nước cầm quyền không sáng suốt, các quan lại và công chức không chánh trực nên mới có những việc trộm cắp này xảy ra ngay trong chính quyền nội bộ. Ăn hối lộ đã thuộc về hạnh trộm cắp, huống hồ là còn hay ganh ghét đố kỵ người hiền, hãm hại người trung lương để bảo vệ, che lấp tội ác trộm cắp của mình. Kẻ đó ắt lời nói xảo ngụy chẳng trung, a dua để cầu tự lợi, phỉ báng người lương thiện, vu oan tội cho người lành, tâm khẩu bất nhất. Những kẻ lọc lừa, mưu mô, dối trá này thường hay khéo nói lời nịnh bợ cho đẹp lòng người, nhằm lung lạc ý người để làm chuyện gian trá.

Những kẻ ác như thế, nào cần biết đến tôn ty, thượng, hạ, nội, ngoại, thân, sơ; đối với ai họ cũng đều dối trá, lừa lọc cả.  Hai độc sân và si khiến tâm tham của họ càng thêm tăng trưởng. Ba ác (tham, sân và si) hỗ trợ lẫn nhau khiến tà dục càng thêm lừng lẫy, ham hố tài vật của người khác, chỉ muốn tom góp về cho riêng mình, biển dục sâu rộng chẳng biết chán đủ. Dẫu là tôn quý hay thấp hèn, dù là nghèo hay giàu, không ai lại chẳng mong tom góp, chộn rộn, bôn ba cầu cho được nhiều. Do tranh nhau lợi hại, tổn người ích mình nên lúc nào cũng tính toán hơn thua lợi hại; vì thế mà kết những nổi sân giận thành hận thù. Căm hận đến mức làm cho nhà tan, mạng mất, chẳng nề hà gì hết, chẳng chịu cẩn thận suy nghĩ nhân trước, quả sau.

Trước chẳng nề hà là việc làm và lời nói của mình đúng hay sai;  sau lại chẳng quan tâm lời dạy dỗ, chê trách của các bậc hiền trí, cũng chẳng ngại quỷ thần ngầm quán sát và ghi chép. Hoặc trước chẳng quan tâm đến tội lỗi nơi ba nghiệp (thân, ngữ, ý) của chính mình, sau lại chẳng tính đến quả báo trong tương lai. Người như thế chỉ mong tranh thắng lợi về mình, chỉ cốt để khoái ý, chẳng sợ cả hai bên cùng thua thiệt, tổn thương lẫn nhau, chẳng quản ngại hết thảy, cứ mặc sức tạo đủ các chuyện ác.

Dẫu là kẻ giàu có, nhưng vì lòng tham lam, keo kiệt đã thành tánh nên chẳng chịu đem tài vật ra để bố thí cho người khác mà chỉ thích giữ rịt cho riêng mình. Tâm tham sâu nặng như thế nên trọn đời phải chịu khổ sở, nhọc nhằn; cho đến khi chết đi rồi cũng chỉ là một mình mình đến, một mình mình đi, chẳng mang theo được gì! Mọi thứ đều chẳng cùng đi theo lúc lâm chung, chỉ có mỗi cái nghiệp tùy thân cứ mãi theo đuổi bên mình như hình với bóng. Những nghiệp thiện/ ác đã tạo lúc sống và cái quả phước/ họa do nghiệp cảm thành chẳng hề lìa bỏ mình, cùng đi theo mạng căn đến chỗ mình sẽ sanh về. Bởi thế nên đời sau có lúc sanh vào chỗ vui (tức ba đường lành: người, a tu la, trời), hoặc có lúc phải sanh vào nơi khổ độc (tức ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).

Người đời thường thấy người làm thiện, không hâm mộ, bắt chước mà lại còn sanh tâm ganh ghét, hủy báng, những người như vậy chẳng có thiện niệm lẫn thiện hạnh, trong bụng ôm ấp toàn là những ý nghĩ tranh đua, xâm đoạt của cải, đất đai của người khác, luôn tìm cách tổn người lợi mình, mong mỏi hưởng cái lợi của người khác để cung cấp cho bản thân mình. Đó cũng chính là phạm giới trộm cắp!

Của bất nghĩa dễ dàng đạt được nên cứ mặc tình tiêu xài hoang đàng, cho nên nhanh chóng tiêu hết, hoặc bị kẻ khác cướp đoạt mất hết, chẳng thể giữ được bền lâu. Những điều như vậy, thần minh đều rõ biết, rốt cuộc lúc chết bị sa vào đường ác, chịu khổ vô lượng.

Thần minh là như bản kinh Hoa Nghiêm nói: “Người ta sanh ra, có hai vị trời thường theo sát hai bên. Một vị tên là Ðồng Sanh, vị kia tên là Ðồng Danh. Hai vị trời ấy thường thấy người đó, nhưng người đó chẳng thấy được trời.” Ðồng Sanh Nữ ở bên vai phải chép điều ác đã tạo. Ðồng Danh Nam ở bên vai trái chép điều thiện đã làm. Vì có thần minh ghi chép những điều thiện ác của mỗi người, nên báo ứng chẳng hề sai trật.

Cả hai nơi, bên trong là “nội thức” và bên ngoài là “thần minh,” đều ghi chép những việc thiện ác của mình rõ rành như nhau thì làm sao mà chối cải với vua Diêm La đây? Nên đành phải theo ác nghiệp của mình mà xoay vần trong tam đồ ác khổ, nhiều kiếp khó thoát ra, nổi đau đớn này không làm sao mà kể xiết!

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm