Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

 

Image result for monk

 

Với chiều dài lịch sử hơn 2500 năm của Phật giáo kể từ ngày đức Thế Tôn ra đời đến ngày nhập Niết Bàn là sự kiện làm chấn động xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Và theo chiều dài lịch sử hơn 49 năm hoằng hóa, Ngài đã không ngừng đưa hàng đệ tử bước đến quả vị an lạc hạnh phúc. Cuối cùng, những gì Ngài để lại cho hàng đệ tử là kho tàng giáo pháp vô giá. Đặc biệt, Ngài đã dạy hàng đệ tử phải biết ứng dụng Ngũ Quán vào nghi thức thọ trai thường nhật, không những ngắn gọn, hàm ý súc tích mà đó là đặc điểm tinh hoa trí tuệ của Phật giáo. Vậy Ngũ Quán có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tu tập của hàng đệ tử xuất gia?

Đầu tiên, chúng ta phải hiểu về khái niệm của Ngũ Quán? Ngũ Quán tức là năm điều quán căn bản khi ăn cho mỗi người đệ tử xuất gia tu học. Ngũ Quán là một phần của nghi thức thọ trai thường nhật, là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người con Phật.

Năm điều quán tưởng đó như sau: “Nhứt kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ”. Nghĩa là thứ nhất xét công lao tu tập của mình được nhiều ít để nhận của người mang đến. Chúng ta là người xuất gia, thọ nhận sự cung kính cúng dường của đàn na tín thí. Chúng ta phải làm được chút công đức gì để hồi hướng phước đức cho họ. Bởi lẽ công ơn của họ rất lớn đối với chúng ta. Từ miếng cơm, manh áo, sách vở, thuốc men,… thảy đều của đàn việt dâng cúng. Chúng ta – những người xuất gia chỉ thọ nhận mà thôi. Thời Thế Tôn còn tại thế, các vị Tỳ kheo đi khất thực để “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, trên xin giáo pháo của đức Phật để nuôi tâm, dưới xin cơm đàn việt để nuôi thân. Nhưng ngày nay thì khác, đàn na tín thí đem tài vật đến cúng dường cho chúng ta. Nếu bản thân chúng ta không siêng năng tụng Kinh, niệm Phật thì tín thí gieo trồng phước điền trên mảnh ruộng của chúng ta, liệu có gặt hái được gì chăng? Bởi vậy, khi bưng bát cơm, chúng ta hãy quán tưởng những hạt cơm này chứng đựng nhiều khổ nhọc, nhà nông gieo mạ, cày cấy, tưới nước, bón phân. Các bác nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Lý Thân đã từng viết:

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thanh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.”

Không những vậy, để làm ra được hạt cơm cần có yếu tố ánh sáng, đất, nước,… Nếu quán được như vậy, chúng ta sẽ thấy bản thân mình đang mang một nguồn ơn nghĩa vô tận. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng tinh tấn tu tập, phải tu sao để trở thành một mảnh ruộng màu mỡ cho đàn na tín thí gieo trồng hạt giống vào ruộng phước, phải tu sao để lợi ích chúng sanh và phải tu sao để tự thân chế tác ra được năng lượng bình an và giải thoát. Đặc biệt, chúng ta không nên có suy nghĩ việc cúng dường là bổn phận của đàn việt. Cho nên trong khi ăn, chúng ta phải quán tưởng để để mỗi phút giây tự nỗ lực tu tập cho xứng đáng khi thọ nhận bát cơm của tín thí.

          Phép quán thứ hai: “Nhị thổn kỹ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng”. Có nghĩa là xét lại đức hạnh của mình, xem chỗ nào đầy đủ, thiếu sót để chỉnh sửa. Nhìn bát cơm, hãy quán niệm về bản thân mình, xem có đủ tư cách xứng đáng thọ dùng bát cơm ấy không? Ngài Bách Trượng chủ trương: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” nghĩa là một ngày không làm thì ngày đó không ăn. Chúng ta phải bỏ một phần công đức vào việc làm để xứng đáng dùng bát cơm này. Chúng ta không nhất thiết phải dắt trâu đi cày hay xay lúa, giã gạo, chúng ta chỉ cần siêng năng tu học để khi bưng bát cơm lên, chúng ta không cảm thấy hổ thẹn.

Kinh Tương Ưng Bộ 1, phẩm Cư Sĩ, phần Cày Ruộng nói rằng: “Một thời, Thế Tôn ở Magadha, tại làng Ekanàlà. Lúc bấy giờ là thời gian gieo mạ, Bà la môn Kasi Bhàradvàja sắp đặt khoảng năm trăm lưỡi cày, đang phân phát đồ ăn cho nhân công thì Thế Tôn đi đến.

Bà la môn Kasi Bhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng khất thực, liền nói:

Này Sa môn, tôi cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, tôi ăn. Còn ông, ông có cày và gieo mạ không, nếu không thì lấy gì ông ăn?

Này Bà la môn, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn.

Nhưng chúng tôi không hề thấy cái ách, cái cày, cái lưỡi cày, cây gậy hay các con bò của ông. Ông nói là nông phu nhưng không hề thấy ông cày cấy. Hãy nói cho chúng tôi biết là ông thực sự có cày cấy?

     Này Bà la môn: Lòng tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa móc, trí tuệ đối với ta là cày và ách mang, tàm quý là cán cày, ý căn là dây cột, chánh niệm đối với ta là lưỡi cày…. đưa ta tiến dần đến an ổn khỏi ách nạn, đi đến không trở lui, chỗ ta đi không sầu. Như vậy cày ruộng này, đưa đến quả bất tử, sau khi cày ruộng này, mọi đau khổ được giải thoát”.

     Đức Phật khẳng định Ngài và các đệ tử chính là những người lao động thực thụ, được hưởng thành quả lao động thực thụ, tuy có lao động chân tay cầy bừa nhưng cũng lao động bằng trí tuệ, hoàn thiện tự thân, để cho ra những thánh nhân giúp ích cho đời, tìm ra chân lý cho chúng sanh thực tập giải thoát mọi khổ đau ràng buộc. Đó là sự tu tập thực sự mà người xuất gia cần thực hành.

          Phép quán thứ ba là “Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tôn”. Tức là xét ngừa tâm của mình, mà trong đó tham, sân, si là cội gốc. Trong mâm cơm khi chúng ta dùng thì món ngon không khởi tâm tham, món dở không khởi tâm sân. Chúng ta phải quán được một điều rằng: Cái thân tứ đại “nay có mai mất” này chỉ là phương tiện, là cái đòn bẩy giúp đưa chúng ta về bờ giác một cách nhanh chóng. Thức ăn dù ngon đến đâu nhưng khi nuốt qua khỏi cổ thì nó trở thành đồ bất tịnh. Đức Phật ví dụ rằng: “Khi chúng ta muốn sang sông, chúng ta mượn chiếc bè làm phương tiện để qua, khi qua đến bờ rồi chúng ta phải để chiếc bè xuống để đi tiếp chứ chẳng thể ôm nó đi theo”. Cũng như vậy, chúng ta chẳng nên tham chấp vào cái thân này, hay phải ăn cái này cái kia cho thân chúng ta thon gọn, đẹp đẽ,… Vì vậy, khi ăn, chúng ta phải ăn trong chánh niệm, ăn trong sự tỉnh thức để ngừa tâm tham ấy, chớ đòi hỏi, ăn sao miễn sống để tu hành là quí lắm rồi.

          Phép quán thứ tư là “Tứ chánh sự lương dược, vị liệu hình khô”. Tức là chúng ta nên xem việc ăn uống chỉ là món thuốc để trị bệnh thân khô gầy. Khi nhìn bát cơm trước mặt, chúng ta hãy quán tưởng để thấy đó là nguồn năng lượng vi diệu dùng bảo vệ và nuôi sống cơ thể, trị chúng ta khỏi căn bệnh đói, căn bệnh khô gầy. Hằng ngày có hàng triệu trẻ em Châu Phi chết vì đói, vì thiếu thức ăn, nước uống. Nếu quán được điều này, chúng ta sẽ phát khởi tâm từ bi rộng lớn, sẽ trân trọng bát cơm hơn. Chúng ta ăn để có sức khỏe tu tập đạo nghiệp được viên thành. Giả sử khi chúng ta bị bệnh, chân tay ủ rũ, thì khi có thuốc chữa, chúng ta sẽ uống ngay lập tức. Mà đã là thuốc thì đắng, ngọt gì cũng uống, cốt để trị bệnh, chứ không khen chê gì cả. Nếu chúng ta ăn mà nghĩ ngon dỡ tức vẫn bị lệ thuộc vào cái lưỡi, chỉ vì ba tấc lưỡi mà con người ta phải khổ sở vất vả cung phụng thỏa mãn nó. Nếu ăn vì để trị bệnh thì đừng nên phân biệt ngon dỡ gì cả, miễn trị được bệnh đói là đủ rồi.

          Phép quán thứ năm là “Ngũ vị thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực”. Tức, người xuất gia ăn với mục đích là để tu tập, có thành quả, thành tựu đạo nghiệp, đền ơn thí chủ. Chúng ta thọ nhận thức ăn, không phải để no đủ mà để thành tựu đạo nghiệp. Chúng ta thấy có nhiều người khi ăn thường phán xét: ăn cái này bổ để lên cân, ăn cái kia thì sụt ký. Vậy thì chúng ta ăn vì để chăm chút cái thân này, chớ có phải ăn vì thành tựu công hạnh viên mãn đâu?

          Cho nên, Ngũ Quán chính là thông điệp đánh thức chúng ta quay về với thực tại, không tán tâm, tạp thoại khi ăn để thầm nguyện cầu cho thí chủ và xét soi lại bản thân mình. Chúng ta cũng biết rằng: “Vạn vật sống nhờ vào thức ăn”. Cho nên, ở chốn thiền môn, trước cửa trai đường thường khắc hai câu đối:

“Ngũ quán nhược tồn thiên kim dị hóa

Tam tâm vị liễu, trích thủy nan tiêu.”

Nghĩa là nếu chúng ta luôn giữ đủ năm phép quán thì dù ăn ngàn vàng cũng tiêu. Nếu trong khi ăn không làm chủ tâm, để cho tham sân si khởi lên thì dù có uống một giọt nước cũng khó tiêu. Đây là nhằm cảnh tỉnh người xuất gia khi bước vào trai đường phải tỉnh thức trong khi dùng cơm để không bị đọa lạc.

Đức Phật đã từng lấy ví dụ cho A Na Luật rằng: “Thí như con mắt dùng ngoại cảnh làm thức ăn, lỗ mũi dùng mùi hương làm thức ăn, lỗ tai dùng âm thanh làm thức ăn, miệng dùng vị nếm làm thức ăn, cơ thể dùng xúc chạm làm thức ăn …” ( Trích Thập đại đệ tử truyện – NXB Tôn giáo 2012, trang 218) cũng như vậy, trong tu tập, chúng ta cần một cơ thể tráng kiện để tu tập vì “có thực mới vực được đạo”. Để mở đường cho lộ trình tu tập hoàn thiện bản thân, chúng ta thọ nhận vật phẩm từ đàn na tín thí. Họ nhịn ăn, nhịn mặc, làm lụng vất vả, san bớt phần ăn của bản thân để cúng dường chúng ta, chúng ta hãy quán sự cực khổ, nhọc mệt ấy làm động lực cho sự tu tiến của bản thân. Đối với người xuất gia, điều căn bản là tu tập sao chế tác được năng lượng bình an, để bước đến chân trời “bất sinh bất diệt”.

          Chúng ta có thể thấy, ngày nay, có nhiều người đến chùa cũng xuất gia nhưng không tinh tấn tu học. Họ xuất gia với tâm bất thiện, hơn thua, ngã mạn. Họ gây bao chuyện rắc rối, lôi thôi cho chùa, tu học với tâm bất thiện như vậy, thật là uổng phí. Họ tranh chấp, cãi vã, gây nên sự chia rẽ trong Tăng đoàn. Cũng có nhiều người, đi học không phải để giải thoát mà mưu cầu lợi ích cho bản thân. Họ ỷ vào nguồn lương thực do đàn na cung cấp. Họ cống cao, ngã mạn, bản thân họ bị lửa sân si đốt cháy, nay lại còn lan tỏa đến người xung quanh. Họ ở chùa cao cửa rộng, thong thả quanh năm, trong khi đàn na tính thí vất vả làm ăn, nhà tranh vách đất. Lấy sự cực nhọc của họ để cung phụng cho chúng ta, thử hỏi xem, chúng ta liệu có xứng đáng thọ nhận hay không? Nếu chúng ta không tỉnh táo quán xét, e rằng “phi mao đới giác, phụ trái hàm oan” thì thật uổng phí cho một đời xuất gia vậy.

          Là một người xuất gia chân chánh, vì sự nghiệp hoằng dương giáo pháp, cứu độ chúng sanh, chúng ta phải nỗ lực tu tập, siêng năng tụng kinh, lạy Phật để trở thành mảnh ruộng phước điền màu mỡ, không phụ công ơn đàn việt, xứng đáng thọ nhận bữa cơm của đàn na tín thí mà không cảm thấy hổ thẹn. Bằng không sẽ như Tỳ kheo Đề Bà phải làm cây nấm để trả ơn cho ông trưởng giả Phạm Ma.

          Chỉ với năm phép quán trên, Đức Phật đã giáo dục về trách nhiệm và bổn phận của chúng ta trong đời sống tu tập. Ngũ Quán là nền tảng giúp chúng ta suy xét về công lao, đức hạnh của mình xem chỗ nào thiếu sót mà sửa đổi. Hơn thế nữa, Ngũ Quán giúp chúng ta phòng ngừa tâm mình mà trong đó tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến,… làm gốc. Để từ đó, chúng ta nhận ra rằng, việc thọ thực là giúp nuôi cơ thể khỏi căn bệnh đói, để tu tập thành đạo nghiệp. Bấy nhiêu đó thôi, đã làm cho chúng ta vượt khỏi dòng thác của Vô thường, của phiền não, và là chiếc bè đưa chúng ta đến bờ giác. Chúng ta mỗi người xuất gia hãy nỗ lực để hoàn thiện tự thân và giúp tha nhân cùng đi trên đường giải thoát mãi mãi được an vui.

Địa chỉ mail tác giả: 

Nhuận Huy

This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm