Khi chúng ta quy y, chúng ta được nhận Ngũ giới để gìn giữ.
Năm giới này chắc các em đã quy y rồi đều biết rõ, cô chĩ lược kể ra:
- Không sát sanh
- Không gian tham trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống rượu
Năm giới này dành cho tất cả người Phật tử còn sống trong gia đình, dù tu học theo pháp môn nào.
Riêng trong Thiền, Giới được giải thích rộng hơn và sâu sắc hơn. Ngoài năm giới căn bản trên, Đức Phật còn trình bày về Phạm Hạnh. Đây là giới của hàng tỳ kheo.
- Này các Tỳ kheo, chớ có nói lời tranh luận lẫn nhau: "Ông theo tà hạnh. Tôi theo chánh hạnh. Điều đáng nói trước, ông lại nói sau... Những câu chuyện tranh luận không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm Hạnh, không đưa đến yếm ly (nibbidà = chán ghét = aversion, ghê tếm = disgust), ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn..." (Tương Ưng V, S. V. 419)
Cũng trong kinh Tương Ưng, về Lời Nói, Phật dạy:
- Này các Tỳ kheo, chớ có nói những câu chuyện của loài súc sanh, những câu chuyện về vua chúa, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về binh lính, câu chuyện về hãi hùng, câu chuyện về chiến tranh, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về giường nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng xóm, câu chuyện về thị tứ, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về đàn ông, câu chuyện về vị anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện người đã chết, các câu chuyện tạp thoại, các câu chuyện biến trạng của thế giới, câu chuyện về biến trạng của đại dương, câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu. Vì sao ?
Những câu chuyện này không đưa đến mục đích, không phải căn bản làm cho Phạm Hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn. Có nói chuyện, này các Tỳ kheo, các Ông hãy nói chuyện: "Đây là khổ" "hãy nói chuyện: "Đây là Con Đường đưa đến Khổ diệt..."
Kinh Tương Ưng Bộ V, Phẩm Định, tr. 609. (S. V. 149)
Qua hai bài kinh này, Đức Phật nhấn mạnh tới giới về Vọng ngữ:
- Tránh mọi sự tranh luận, bàn luận vô ích.
- Chỉ được nói một vấn đề mà thôi: đó là Tứ Diệu Đế: làm sao thoát khổ.
Chúng ta nhận thấy Đức Phật dạy rất rõ ràng, không thể hiểu lầm. Mình chỉ ứng dụng theo. Nếu mình phạm lỗi về lời nói, thì là do mình hay quên, lơ là, không quán sát tâm mình chặt chẽ. Do cái Ngã nó thao túng, nó dính mắc, nên nó thích xen vào chuyện thị phi của người khác. Từ chuyện nhỏ xíu, lần hồi nó lan ra thành chuyện lớn lúc nào không hay. Làm phiền tới người khác.
Tới đây, cô muốn đố các em:
- Vậy chớ làm sao để mình không dính mắc tới những chuyện phức tạp, xung đột trong cuộc đời phiền toái này? Những chuyện không liên quan trực tiếp tới mình, ngay cả những chuyện có liên hệ tới mình. Làm sao không dính mắc?
- Câu trả lời dễ lắm. Có nhiều câu trả lời, nếu các em đã học hết các khóa Bát nhã rồi. Nói gọn lại là: Phải nhớ cái bản thể của cuộc đời là ...Là gì? Là Trống Không. Là Như Huyễn mà thôi.
Thì lập tức cái tâm của mình dừng lại ngay.
Nếu cái tâm mình không chịu dừng lại, thì làm sao? Thì phải ráng mà học lại khóa Bát nhã 3 thêm nữa! Còn cách nào nữa đâu?
A ! Tuy nhiên, các em có thể nhắc thầm, hay nói lớn cũng được, nếu cái tâm của mình ương ngạnh quá, nói gì? Nói:
- Như Huyễn thôi mà! Như Mộng thôi mà!
Mình cứ ngọt ngào vỗ về cái tâm của mình, nó sẽ ngoan ngoản dịu lại rồi dừng thôi. Đây cũng là một phương thức sống, không cần phải ngồi bán già mới là tu. Tâm mình sẽ dừng, trong sinh hoạt hàng ngày, bằng trí tuệ. Thầy đã nói trong bài học về Huyễn : “Huyễn là chiếc gươm bén tuyệt vời của trí huệ Bát nhã, cắt đứt tất cả những dính mắc” thì đạt được cái gì? Là giải thoát.
Tóm lại, lúc đầu bài, chủ đề là Giới, tới cuối bài lại là Huệ và Định. Hóa ra Giới- Định và Huệ không thể tách rời ra.
Thích Nữ Triệt Như
26- 6- 2020