Nghiệp lực của chúng sinh khó nói được. Mọi người sinh ra trong cõi này đều có vô số nghiệp lực đeo theo. Ta đã tạo ra nghiệp từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, tích tụ và tùy duyên mà phát sinh quả báo. Cõi này là khổ, chúng ta đã gây nhân tội lỗi nên phần nhiều là quả khổ. Trong kinh Phổ Hiền nói: “Nếu ác nghiệp chúng sinh đã tạo mà có hình tướng thì khắp cõi hư không chẳng thể đựng chứa hết được”. Những nghiệp ác này chỉ có tu hành theo Pháp Phật mới có thể giảm thiểu lần lần, chỉ khi nào dứt hẳn không còn mảy tơ thì chủng tử ác mới thật sự dứt sạch. Người thời nay tu hành cho sạch nghiệp được giải thoát thật là khó. Do vậy Đức Phật đã vì lòng từ bi mà nói ra pháp môn niệm Phật, cầu sinh Cực Lạc, đới nghiệp vãng sinh. Nghĩa là mang cả khối nghiệp mà hư không chẳng thể đựng chứa hết được này, sinh về cõi nước của Phật A Di Đà thì an toàn, bảo đảm không phát ra quả báo khổ để phải chịu. Cõi ấy không có duyên phát khởi nên những chủng tử xấu không kết thành quả báo xấu. Chúng sinh ở đó do công năng tu hành mà những nghiệp dư ấy dần dần tiêu trừ, cho đến không còn nữa. Ở cõi này, ngay như thân cuối cùng để thành Phật của Đức Thích Ca cũng còn phải chịu những dư báo xấu sót lại như bị kim đâm, ăn lúa ngựa… huống là những bậc thấp hơn, nói gì đến chúng ta là hàng phàm phu, nghiệp lực dẫy đầy.
Người đời nay trong khi tu hành rất dễ sa vào nghiệp tăng thượng mạn, xem kinh thấy có chút hiểu biết, cứ tưởng mình đã được, mình là người cứu độ chúng sinh. Ta đọc trong kinh Kim Cang có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, nghĩ tới ngẫm lui rất đắc ý, tưởng rằng đã được đến chỗ Như trong kinh nói nhưng không được vậy, không những là Bồ Tát mà phải là bậc Đại Bồ Tát mới được như thế. Chúng ta là phàm phu ăn những thức ăn bất tịnh, lúc tiêu hóa phải thải ra cặn bã mà chính mình còn không chịu nổi.
Kinh Duy Ma Cật nói, ngài Duy Ma đi xin cơm ở nước Chúng Hương của Phật Hương Tích để cúng dường chúng hội, mọi người ăn vào đều được nhẹ nhàng, sảng khoái. Ngài Xá Lợi Phất bạch Phật, cơm ấy chừng nào mới tiêu? Đức Phật dạy: "Nếu người ăn vào mà được tăng thượng quả chứng, từ quả vị này bước qua quả vị khác thì cơm ấy sẽ tiêu, bình thường thì thế lực của nó được trong bảy ngày, nghĩa là trong bảy ngày người ấy không thấy đói, vẫn nhẹ nhàng, sảng khoái, khi tiêu hủy hết sẽ tan thành hơi thơm mà ra ngoài, không có cặn bã." Cũng vậy, ở cõi nước Cực Lạc, tưởng ăn thì thức ăn hiện ra rồi mình tưởng như đã ăn, chớ thật ra không có ăn nhưng vẫn cảm thấy no đủ, nhẹ nhàng. Kinh A Di Đà đã diễn tả ở Cực Lạc ngày đêm sáu thời rưới hoa trời Mạn Đà La. Hoa ấy sẽ tự tan biến rồi rưới hoa mới, không còn cặn bã, không như vậy thì hoa mới chồng lên hoa cũ mỗi ngày một cao lên không biết đến đâu. Đó chính là quả báo thù thắng. Chúng sinh ở cõi Sa Bà nghiệp lực sâu dày, thứ gì cũng có cặn bã. Nói như thế để chúng ta luôn nhớ mình là phàm phu, nghiệp lực dẫy đầy. Nhiều khi mình quên mình là chúng sinh, cứ nghĩ là bậc này, bậc nọ đang cứu độ chúng sinh thì thật là sai lầm. Vì thế tôi mỗi khi tụng kinh, niệm Phật đều hồi hướng cho tất cả chúng sinh, nghĩ mình là người được hồi hướng chớ không nghĩ là người đang hồi hướng.
Qua việc nghiệp lực, tôi khuyên nhắc các huynh đệ cố gắng tu hành, bớt việc ngoài, dành nhiều thời gian để tụng kinh, niệm Phật. Chúng ta phải chí thành tha thiết thì nghiệp lực nhiều đời mới nhẹ bớt, chỉ có sinh về Cực Lạc mới có thể mang được dư nghiệp mà tiến tu đến ngày thành Phật.
HT. Thích Trí Tịnh