HÀNH TRÌNH CỦA ĐỜI NGƯỜI
HÀNH TRÌNH CỦA NGHIỆP
Pháp thoại giảng tại
Trung tâm Thiện Đức – Fairfax, VA (23-4-2016)
(Phật tử Nguyễn Trường Thành, Quảng Trị ghi lại)
“Còn hoa, thì bướm tìm về
Còn kinh, còn chữ, tỉnh mê còn bàn
Còn lý sự, còn lan man
Ra sông, úp chiếc đò ngang, khỏe liền!”
Cũng lạ lùng làm sao, hai câu thơ cuối cùng gần gần như là phần kết luận của đề tài mà tôi sắp nói chuyện hôm nay. Khi mà chúng ta còn lan man lý sự là chúng ta chưa thấy Cái Thực, khi đã thấy Cái Thực rồi thì chẳng còn lý sự đâu nữa mà lan man!
Thật ra, cuối cùng, bờ này bờ kia chỉ là một thôi, như mấy câu kinh Pháp Cú:
“Bên này sông,
Bên kia sông
Cả hai không có, cũng không bờ nào
Thoát ly phiền não buộc rào
Là sa-môn gọi đúng sao danh người!”
Hóa ra, sự giác ngộ giải thoát là tức khắc, tức thời khi mình buông xuống hết, rỗng rang mọi sự; và ngay khi ấy “bản lai diện mục” sẽ lộ diện, Niết-bàn sẽ hiển lộ, không cần phải mất công tìm kiếm ở đâu xa xôi.
Tuy nhiên, từ từ đã, chúng ta hãy cùng nhau đi qua đề tài hôm nay tôi trình bày về “Hành trình của đời người và cũng là hành trình của nghiệp” để biết rõ từ cái “hữu” sang cái “không”, từ cái đa đoan, phức tạp đến cái nhẹ nhàng, rỗng không nó như thế nào? Hay đôi khi ngay chính nơi cái “hữu” ấy mà nó vẫn “không” như thường; hay ngược lại là “chân không - diệu hữu”?
Sáng nay, do một sự tình cờ, tôi đọc được một đoạn văn của J. Krishnamurti, thấy hay quá; và dường như nó nói ra cái điều mà tôi vừa trình bày ở trên.
Câu chuyện bắt đầu khi ông quan sát hình ảnh: “Một cô gái vừa bước xuống đường thì trời bắt đầu nổi gió, một vài hạt mưa lắc rắc. Cô gái lấy trong túi xách ra một chiếc dù. Gió bắt đầu thổi mạnh, cô gái một tay giữ cán, một tay đưa lên đè cánh dù xuống để tránh gió hất bay. Gió càng lúc càng mạnh, mưa càng nặng hạt. Thế mà, cô gái bước đi thật bình thản, tự nhiên, thanh thoát. Trong phong thái, dáng dấp ấy của cô gái, ta không tìm thấy dấu hiệu gì của lo lắng, bất an, hay là thái độ vội vã, gấp gáp bởi tác độngmưa gió của ngoại cảnh. Cô vẫn bước đi thanh thản nhẹ nhàng như vậy, với đôi bàn tay giữ chặt chiếc dù hơn...”
Thế đó. Một câu chuyện, một hình ảnh thôi. Trời nổi gió, mưa, mưa nặng hạt, gió càng lúc càng thổi mạnh... là hình ảnh của các pháp, những chướng ngại, những bất như ý, những phiền não chướng... sẽ tới tấp đánh vào ta trên cuộc đời này. Cô gái xử lý ra sao? Cô gái một tay giữ cán, một tay đưa lên đè cánh dù xuống để tránh gió hất bay. Vậy là cô ta đã sử dụng năng lực hữu vi để giữ gìn mình trước bão tố của cuộc đời. Cái đó phải chăng là giới và định? Rồi sao nữa? Cô gái bước đi thật bình thản, tự nhiên, thanh thoát. Ta không tìm thấy dấu hiệu gì của sự lo lắng, bất an... hay là thái độ có vẻ vội vã, gấp gáp bởi những tác động mưa gió của ngoại cảnh. Cô vẫn bước đi thanh thản nhẹ nhàng như vậy, với đôi bàn tay giữ chặt chiếc dù như vậy... Đấy chính là tuệ, tuệ rỗng không, có định, dẫu ngoại cảnhcó tác động thế nào, cô ta vẫn bình yên như thị. Sự giải mã ấy chẳng biết có đúng ý tác giả không nữa?
J. Krishnamurti muốn nói về “sự rỗng không của tâm trí” khi đưa hình ảnh cô gái bước đi trong cơn mưa ướt lạnh, gió bão. Suy ngẫm một hồi thấy quả là tuyệt; ông bao giờ cũng mở đầu buổi pháp thoại bằng “những câu chuyện vớ vẩn” như vậy đó! Rồi dần dần, từ từ, ta mới hiểu ra, thấy ra, thông điệp mà ông muốn trao gởi cho chư vị thức giả, trí giả đầy đặc lý trí, kiến thức ở Âu Mỹ. Phải thế chăng?
Kính thưa chư đạo hữu,
Thu nạp, cưu mang, tích luỹ, chứa giữ những kiến thức, những hiểu biết, những kinh nghiệm là bản chất vốn có của lý trí. Rồi dần dà, lý trí hình thành bản ngã, ví như “tôi hiểu” điều này, “tôi kinh nghiệm”điều kia! Rồi khi xử lý mọi chuyện qua tương giao, qua các mối quan hệ, chúng ta lấy cái kho dữ liệu ấy – lý trí và bản ngã - để quyết định, hình thành thái độ, hành động. Bao giờ cũng thế, nó như quán tính, không thay đổi. Quan tính ấy nó gói chặt, ép chặt sự thật, đóng đinh chân lý vào trong cái thấy biết hạn hẹp, riêng tư của chúng ta, rồi suy luận, rồi phán đoán, rồi kết luận!
Trở lại vấn đề tiên khởi. Nói tâm Rỗng Không không phải là không có gì, không có hiểu biết, kiến thứcvà kinh nghiệm. Chẳng phải thế. Nó có tất cả nhưng vẫn “rỗng không” tất cả. Đây là điều ít người lãnh hội được. Phải có thật nhiều nội lực, định lực, tuệ lực mới có cái tâm Rỗng Không ấy để đối trị với các pháp chướng ngại ở xung quanh. Tâm Rỗng Không như vừa nói, nó còn xử lý được cả những tình huống bất ngờ do hoàn cảnh đưa đến. Mà cả trong hai trường hợp, ta vẫn an nhiên như thị.
Có người nói rỗng không là giữ tâm rỗng không, không có chi cả, đấy là sự rỗng không do trước ý, do cố ý, do chủ ý – chính chúng là sản phẩm có được bởi lý trí và bản ngã lập định. Rỗng Không mà tôi muốn nói, J. Krishnamurti muốn nói, thật sự nó hoàn toàn khác thế. Có thể tâm trí ta đầy ắp kiến thức, uyên thâm hiểu biết, kinh nghiệm, kinh chữ mà vẫn “rỗng không” như thường! Nói cách khác, là ở giữa thế giới “hữu” mà tâm ta vẫn “không”; nó có tất cả nhưng ta không dính mắc gì cả, trạm nhiên, giải thoát!
Cũng đề tài Rỗng Không đó, bây giờ chúng ta hãy cùng nhau khảo sát, chiêm nghiệm thử coi.
Xem nào, từ khi vừa mở mắt chào đời, rồi bước vào cuộc sống, rồi nghiệp thế nào đưa ta đến đây? Hành trình của nghiệp nương nhờ nơi mình ra sao? Cái nghiệp ấy đưa đẩy đời sống của chúng ta về đâu? Đó là những gợi ý để chúng ta bắt đầu quan sát. Hãy xem, tất cả những thói quen, sở thích được trưởng dưỡng trong cuộc đời nó tích lũy sâu dày “cái tôi” riêng tư chẳng ai giống ai! Ở đó, nó chứa đầy quan niệm, tình cảm, kiến thức, sở tri... Thế là một thành luỹ đã được thiết định giữa “cái tôi” này và “cái tôi” khác. Muốn kết nối với nhau, hài hoà, tương giao... thì phải biểt rỗng không “cái tôi”, có phải thế chăng?
Chúng ta đến cuộc đời này do sự dẫn dắt và tác thành của nghiệp. Giàu, nghèo, sang, hèn, trí, ngu... gì đó đều là kết quả của nghiệp. Đức Phật dạy trong Abhidhamma rõ ràng cô đọng như thế này: Trong đờinày, người nào đến (tái sinh) do hai nhân “vô tham” và “vô sân” nhưng không có "vô si"; nghĩa là trước đây (kiếp trước) có làm việc thiện, có bố thí, cúng dường, lễ bái, cung kính… mà “không có trí” nên họ đến đây rất ít phước, đói nghèo, cơ cực, lắm khi ngũ quan không toàn vẹn, mắt tai mũi lưỡi thân không hoàn hảo, khiếm khuyết. Trong khi đó, người nào đến cuộc đời với đầy đủ ba nhân “vô tham”, “vô sân”, “vô si” thì sinh ra trong gia đình đầy đủ tiện nghi, vật chất, sắc tướng hoàn hảo, trí tuệ thông minh, rộng hơn nữa là sống trong xã hội lành mạnh, đất nước phát triển.
Bây giờ, chúng ta hãy quan sát cuộc đời của hai đứa bé, hai số phận xem nó diễn tiến thế nào.
Đứa trẻ thứ nhất sinh ra trong gia đình bần hàn cơ cực, thiếu thốn mọi thứ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngũ quan không toàn hảo, sự hiểu biết của trí năng thì hạn chế, chậm lụt bởi đứa bé sinh ra với hai nhân “vô tham” và “vô sân” mà “không có vô si”. Không có vô si tức là không có trí. Đứa trẻ thứ hai sinh ra trong gia đình sung túc giàu có, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều toàn hảo, tươi sáng; trí tuệ bén nhạy, sắc sảo, kiến thức dày dặn, uyên bác… ở đó hội tủ đẩy đủ tất cả những cái hay, cái tốt từ bản thân, gia đình và xã hội vì đứa bé này sinh ra với đủ ba nhân “vô tham”, “vô sân”, “vô si”. Vô si nghĩa là có trí.
Đứa trẻ cơ cực, khốn khó, sống trong một môi trường mà xung quanh cũng đầy rẫy những thói hư tật xấu, xì ke, hút chích, đâm thuê chém mướn... thì mắt lúc nào cũng thấy những cảnh sắc xấu xí, tai thì nghe những âm thanh ồn ào, cay độc, mũi luôn phải ngửi mùi xú uế, tanh tưởi... Nó có thể đi theo hai con đường: Thứ nhất, do vấy nhiễm bởi hoàn cảnh xung quanh nơi nó đang sống nên rất dễ đi theobăng đảng tội phạm, cướp giật, gây rối, nghiện ngập. Đó là từ hoàn cảnh đen tối đi vào con đường đen tối. Thứ hai, nếu đứa trẻ này gặp duyên lành may mắn, chẳng hạn một nhà hảo tâm đem về nuôi nấng, hướng dẫn đời sống tốt, có học hành chu đáo, rồi nghe kinh, nghe pháp…từ đó nó biến đổi cuộc đờixấu xa của nó thành tốt hơn, sáng hơn. Trường hợp này là từ dưới đen tối, sống trong đen tối mà vươn ra ánh sáng. Duyên xấu thì bước theo tội phạm, duyên tốt thì gặp những thiện trí thức hướng dẫn, dìu dắt lìa xa những xấu ác do nghiệp cũ quy định.
Ngược lại, đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh tốt thì ngoài việc được hưởng sự giàu sang phú quý của gia đình, còn được thầy thương bạn mến.., mắt nhìn thấy những cảnh vui tươi, mát dịu; tai nghe âm thanhnhẹ nhàng, êm ái; ngũ quan tiếp xúc với thế giới sắc, thanh, hương, vị, xúc khả hỷ, khả ái. Nó cũng có thể có hai hướng đi. Thứ nhất, vì ở hoàn cảnh ấy, nó có nhiều cơ hội học hành đỗ đạt, gặp được bạn bè, đồng nghiệp hiền lành, gặp thiện nhân trí thức hướng dẫn đi theo con đường chơn chánh, được phú, được quý mà cải thiện được tất cả những tính tình xấu ác trong mình; đồng thời tăng trưởng, phát triển những nhân thiện sẵn có, ươm mầm thêm nhiều nhân thiện mới. Như vậy, trường hợp này, đứa bé từ chỗ sáng, sống trong chỗ sáng, tìm về chỗ sáng. Nếu sau này thành tài, thành danh, con đường sự nghiệp phát triển rực rỡ nhưng phát sinh tâm tính tà vạy, bất chánh vì địa vị, danh vọng, quyền lực, áp bức người này người kia, mưu cầu thủ đoạn này nọ để đem lại quyền lợi cho mình. Như vậy, trường hợp này là từ chỗ sáng tìm về chỗ tối. Đó là 4 nhân khác nhau, 4 quả khác nhau dành cho tất cả chúng ta khi đến cuộc đời này.
Quý vị sống trong hoàn cảnh tốt; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc sắc, thanh, hương, vị, xúc đều khả ái, khả hỷ; đó là cái hạnh phúc của thế gian, từ đó quý vị không ngừng trau dồi, tầm cầu học hỏi thêm để mong cho mình tốt hơn, để cho nghiệp sáng hơn; hoặc là tu tập để lắng dịu tham sân phiền não cũng là người từ chỗ sáng tìm đến chỗ sáng.
Trở lại vấn đề nói về tích lũy và rỗng không. Ai bước tới cuộc đời này, từ trong thâm sâu, mỗi người đã tự mang vác trong mình một dòng nghiệp lành tốt để gặp cha, gặp mẹ, gặp bạn bè thân hữu thì duyên xưa, nghiệp cũ ấy được được vun bồi, chăm sóc, tăng trưởng bội phần, từ cái tốt trở thành tốt hơn. Từ khi mở mắt chào đời, bắt đầu đứa bé tiếp thu, nhìn ngắm, lắng nghe thế giới xung quanh, lớn dần nó bắt đầu gọi tên, chỉ danh sự vật, tức là bắt đầu học hỏi những hình ảnh, âm thanh từ ngoại giới. Đến khi vào nhà trường, từ thời mẫu giáo là bập bẹ à ơi thưa hỏi, học cách ăn uống, ngồi nằm, rồi bước vào học lớp 1, lớp 2 bắt đầu học con chữ, cái số, từ đó mà bước tới trung học, đại học, ra trường, làm ăn buôn bán… Những kiến thức về chuyên môn, kiến thức để tìm một nghề nghiệp sinh sống hầu như giúp cho đứa trẻ, cậu thanh niên biến mình thành con người của xã hội với những hiểu biết rất cần thiết đủ để xây dựng một sự nghiệp, lập định chỗ đứng vững chắc ở cuộc đời, hoặc thành bác sĩ, hoặc thành kỹ sư, hoặc thành thương nhân buôn bán. Kiến thức chuyên môn của mỗi lĩnh vực giúp họ có tiếng tốt, danh thơm, tức là bắt đầu có tiền bạc, địa vị.
Thế là chúng ta thấy gì? Chúng ta thấy rằng, quá trình từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành, đứa bé ấy, cậu thanh niên ấy hoàn toàn sống với thế giới bên ngoài, không hề biết gì về thế giới bên trong (nội tâm)cả. Nghĩa là không biết gì về mình cả. Đến nỗi nhà văn hào người Pháp Albert Camus có viết một cuốn sách về “Kẻ Xa Lạ” để nói về cái vong thân, vong tính ấy. Hành trình của đời người là tiếp thu thế giớibên ngoài biến thành của mình suốt 50 năm, 70 năm như thế. Chúng ta khoác mang vào “con người thực của chúng ta” không biết bao nhiêu lớp lớp kiến thức, khái niệm, tư kiến? Lớp lớp ấy chất dày thêm kinh nghiệm chuyên môn của nghề nghiệp, chất dày thêm tư thế, vị thế, địa vị trong xã hội nữa. Và rồi chuyện gì xẩy ra? Ba bốn mươi năm sau, có ai chợt nhìn lại, là mình chưa từng sống một phút giây nào cho mình cả, mà sống bởi, sống với danh vọng, sự nghiệp, tiền tài... sống với những cái bên ngoài mình? Cái bên ngoài ấy bây giờ biến thành bản ngã thứ hai, “Kẻ Lạ Mặt” ấy nghiễm nhiên chiếm lĩnh con người thực của chúng ta. Tất nhiên, khi sống có trách nhiệm vì vợ, vì con, vì gia gia đình và xã hộithì cũng tốt, nhưng có nhiều người quá đặt nặng sự nghiệp, danh vọng, tiền bạc, địa vị, quyền lực... thậm chí có người chấp thủ đời sống bên ngoài ấy, như vậy thì thử hỏi họ sống cho ai? Nếu được chỉ mặt đặt tên thì chính là, họ sống cho bản ngã thứ hai, bản ngã thật tạm thời bị mất dấu! Tất cả dòng nghiệp cũ được kín đáo che đậy, tất cả những tích lũy bản ngã liên tục được hình thành để rồi trong suốt cả cuộc đời ta là “kẻ lạ mặt” với chính mình! Ta sống với “con người xa lạ” đó như hình với bóng. Sở dĩ chúng ta chạy theo quyền lực, danh vọng, bạc tiền không biết mệt mỏi, vì chính “kẻ lạ mặt” ấy thúc hối chúng ta lên đường, thúc hối chúng ta đạt cái này, đạt cái kia giữa thế giới cướp giật, tranh giành! Mà động lực bên trong là tham, sân, si càng ngày càng tăng bội. Ôi! Chúng ta là những sinh linhbé nhỏ, đáng thương, bị bỏ quên; và cứ chạy theo lớp nguỵ trang bên ngoài, hình thành nên xã hội và con người đang băng hoại một cách nhanh chóng giữa dòng đời bất tận huyên náo, bất tận đảo điên. Chỉ khi nào từ bỏ trò chơi vô nghĩa và phù phiếm này, thì may ra chúng ta mới có được cái nhìn toàn vẹn, toàn diện về cuộc đời, mới thấy được ánh sáng của chánh pháp.
Rất nhiều chính trị gia, thương gia, họ sống giữa cuộc đời với sự nghiệp, địa vị và tiền tài... nhưng có thể họ không bao giờ thực sự sống với chính mình dù chỉ một hơi thở; họ đang sống chung, sống cùng với bản ngã thứ hai, với kẻ lạ mặt!
Tương tự như vậy, người tu tập cũng có hai căn bệnh trầm kha khó mà bước ra. Thứ nhất, là sống bởi ký ức, những hình ảnh đẹp đẽ, tươi vui và có thể cả hạnh phúc hoặc vinh quang của quá khứ. Họ ngồi đây để hồi tưởng lại, những việc đã trải qua từ thuở trẻ thơ hồn nhiên trong sáng, thuở thanh niên với tình yêu đầu đời lịm ngọt xúc cảm, lúc trưởng thành với tiền tài danh vọng… để rồi mình vui buồn với những hồi tưởng đó, tiếc nuối với tuổi trẻ đó. Người sống với ký ức, với quá khứ thì lôi ra thực tại hiện tiền này những hình sương bóng khói không thực để rồi đau khổ, phiền muộn, thương tiếc, nuối tiếc vì chúng. Căn bệnh thứ hai là sống với bản ngã mình tạo ra. Khi con người nhân danh thế này, nhân danhthế kia, tôi là bác sỹ, kỹ sư, tôi là triết gia, tôi là chính trị gia… người nào cũng sống vì “nhân danh”, vì “danh nghĩa” gì đó! Họ lấy cái “nhân danh”, “danh nghĩa” ấy để khoác lên con người thực của mình những ảo tưởng phù phiếm mà cứ tưởng là thật, tưởng là sự sống của mình, rồi thì sống chết, hơn thua, được mất để bảo vệ chúng!
Vậy thì, trước hết, muốn rỗng không, cấp độ thứ nhất là rỗng không quá khứ, rỗng không ký ức; rỗng không ở đây không có nghĩa là không tồn tại quá khứ và ký ức. Rỗng không là mình đừng nối đèn, truyền lửa cho quá khứ để nó có “năng lượng sống” trong hiện tại. Chúng ta ai cũng chỉ “tồn tại và sống thực sự” trong từng giây khắc, từng sát-na một! Và chỉ khi chúng ta biết sống trong “thực tại đang là”,đang trôi chảy này là đã rỗng không quá khứ rồi. Lúc ấy, tâm trí chúng ta không còn bị dính mắc về hồi ức quá khứ nữa. Nó rỗng không để đón nhận những sát-na tinh khôi, mới mẻ. Cấp độ thứ hai, khi chúng ta tích lũy kiến thức một đời để sống cho “bản ngã lạ mặt” thì phải trực thức, phải trở lại bây giờ và ở đây, tức khắc. Tại sao vậy? Biết bao nhiêu đau khổ, biết bao nhiêu bất an, bất hạnh bởi cái “hư danh” ảo mộng mây khói ấy. Những “nhân danh”, “danh nghĩa” chúng đều là những khái niệm không có thực. Chỉ hơi thở này, sát-na hiện tại này, khi mắt thấy tai nghe thế giới duyên khởi trong ngoài hiện tại bây giờ đây, ở đây, mới là cái có thực, cái như chơn như thực.
Những thanh niên, thanh nữ lớn lên, có tình yêu đôi lứa, có gia đình, con cái, rồi sự nghiệp. Đó là những hạnh phúc của đời sống bình nhật. Nhưng hạnh phúc đó còn quá tạm bợ, quá mong manh, chỉ khi người nào sống với từng giây khắc mà rỗng không với mọi phiền não thì may ra mới có cái hạnh phúcnội tâm thực sự, vì đó là căn bản, là vấn đề mà mỗi người phải tự tìm kiếm và trở lại để nương tựa.
Cách đây ba mươi mấy năm, khi thấy xã hội sống với bởi danh từ và chữ nghĩa nhiều quá, người ta hô hào những giá trị tinh thần, giá trị của bình đẳng, tự do, giá trị về chân phúc, cũng chỉ là danh từ chữ nghĩa không thực. Thuở ấy, Thầy có làm bài thơ nói về sự giả danh, nói về khái niệm không thực chi phối tất cả kiếp sống sinh tử của chúng sanh. Bài thơ khá dài, thầy đọc để mọi người cùng thấy bộ mặt hư nguỵ của cái danh: Bài thơ tên là “Huyền không cửu khúc ca”[1].
1. Ngàn xưa ai gọi danh
thân gầy con nước trôi
ngàn xưa ai gọi danh
bến vàng sinh tử trôi!
Cuộc người có còn chi
phận người có sầu bi
dặm dài sa mạc đắng
ngựa buồn trăm dặm phi
2. Ngàn xưa ai gọi danh
bên này và bên kia
vực thầm che con mộng
vực thầm còn ngăn chia
Tuổi đời ta bạc phơ
ước mơ này hư vô
ước mơ này sinh tử
bến vàng lá vàng khô
3. Ngàn xưa ai gọi danh
tâm vời con nước mau
tiếng hú đầu sơn lĩnh
tiếng hú vào tim nhau
Một ngày những ngày qua
hạc ngàn giữa hồn hoa
đất trời như lộng ngọc
đêm ngời cung Hằng nga
4. Ngàn xưa ai gọi danh
ngu phàm và thánh nhân
nguyệt về soi bóng nhỏ
nguyệt về dấu phù vân
Cung đàn nhớ trần ai
cung đàn chốn thiên thai
cung đàn như sinh tử
cung đàn như hôm mai
5. Ngàn xưa ai gọi danh
vô cùng có trước sau
chợ triền con dốc thẳm
dốc dài biết về đâu
Lối nào đây quê hương
mây vờn khói tóc vương
bao giờ quên quán trọ
bao giờ quên yêu thương
6. Ngàn xưa ai gọi danh
thú rừng hát đồi mê
nhạc cuồng như điên loạn
nhân tình sầu lê thê
Hãy về đi người ơi
tiếng ca ngày bên nôi
lời ca dao như mộng
lòng ca dao trùng khơi
7. Ngàn xưa ai gọi danh
đêm vàng trăng biếc treo
sum vầy bên Không trạm
trạm Huyền này buông neo
Một đời kiếp cỏ cây
vạn đời vẫn loay hoay
phất tay chào sinh tử
phất tay chào mây bay
8. Ngàn xưa ai gọi danh
trăng trời một chiếc thôi
ngàn xưa ai gọi danh
mắt nhòa khóc dòng trôi
Tiếng chuông đồng vô chung
lời kinh vàng vô ngôn
ta đã từ vong nguyện
ta đến từ vô môn
9. Ngàn xưa ai gọi danh
cát bụi còn phân ly
trăm lời đà vô vọng
trăm đời có làm chi
Hãy về đi người ơi
khóc cười chi biển dâu
khóc cười chi sinh tử
mấy ngàn, mấy ngàn sau!
Đó, đó là bài thơ nói lên tiếng réo gọi bi thống muôn đời của kiếp nhân sinh bèo bọt, nổi trôi. Thế mà sao con người lai cứ mãi chạy theo danh từ chữ nghĩa vô ích, vô vọng như vậy. Trong lịch sử nhân loại, từ thời đại này đến thời đại kia, ra đời không biết bao nhiêu chủ thuyết, triết thuyết, học thuyết; và ai cũng bảo học thuyết của tôi là đúng, chủ thuyết của tôi mới đem đến hạnh phúc cho mọi người… Rồi chúng hình thành những hệ thống tư tưởng rất bài bản, có cả chiến lược, chiến thuật đem ra áp dụng vào xã hội, vào các quốc gia non trẻ về văn hoá, non trẻ về tâm linh. Những học thuyết, chủ thuyết ấy còn hình thành cả một hệ thống “cơ bắp” và “sức khoẻ” quyền lực để bảo vệ chúng nữa. Thế là họ đã làm đau khổ, bi khổ, thống khổ không biết bao kiếp nhân sinh? Rồi một đế chế diệt mất, một đế chế khác phục sinh - đã làm lụi tàn bao nhiêu nền văn minh của nhân loại, đã tàn phá biết bao nhiêu thánh tích mà ở đó chứa đựng giá trị văn hóa tâm linh to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử. Nghiêm trọng nhất là những học thuyết ma mị, đầu độc nhân loại; chúng thò móng vuốt của quỷ dữ, tạo tội ác, chiến tranh, bạo loạn, bóc lột… đây đó trong lịch sử từ cổ đại đến hiện nay. Những cụm từ như “thánh chiến”, “tử vì đạo”, “khủng bố”, “tự sát tập thể”... ai trong chúng ta cũng đã nghe quen tai. Khá hơn, có những học thuyết mang trong mình tư tưởng nhăn văn, nhân đạo; nó cũng “đúng”, nhưng là cái “đúng” phiến diện, chủ quan, chỉ áp dụng được trong một vài giai đoạn lịch sử nào đó. Giá trị ấy rất giới hạn, vì chúng thuộc phạm trù của tư duy lý tính hoặc tư duy ngã tính - từ Đông sang Tây.
Các triết gia thời cổ đại Hy Lạp, nhất là Aristotle, một triết gia kỳ vĩ, đầu óc lớn của nhân loại; học thuyếtcủa ông bao trùm nhiều lãnh vực, từ tri thức thuần lý, luận lý đến cải thiện xã hội, nhân sinh. Tuy nhiên, cái Aristotle tôn sùng, tin cậy chính là lý trí luận lý, nên ông được xem như là thuỷ tổ của môn luận lý học Tây Phương. Cũng khởi từ Aristotle, trải qua hơn hai ngàn năm, các triết gia Tây phương đã dựa vào “tư duy lý tính”, tức là “tư duy hữu ngã” để xây dựng học thuyết. Các học thuyết ấy chỉ là danh từ chữ nghĩa, đao to búa lớn không có y cứ trên cái thực, chỉ do lý trí nặn ra. Họ đã vẽ hoa đốm giữa hư không. Nhưng học thuyết như duy tâm, duy vật, duy sự, duy nghiệm, duy thực, duy danh, duy lý... chính là sản phẩm của nhận thức què quặt, chia manh xẻ mụn thực tại toàn bộ và toàn diện của cuộc đời. Những học thuyết ấy đã làm đảo điên nhân loại, đã làm si cuồng tâm thức và trí khôn của con người. Chính những khái niệm trừu tượng “không có thực ấy” lại là chỉ dấu của văn minh tư tưởng, tràn đầy tất cả mọi ngõ ngách, từ sách báo, tạp chí, đến các trường đại học, thư viện... trên toàn thế giới!
Than ôi! Danh từ, chữ nghĩa khô rỗng ấy, không bao giờ “bén một chút thực bên trong”. Cái thực ấy đang ở đây này, cái thực là nắng qua kẽ lá, gió lay bụi trúc, trăng treo đầu núi, tôi đang uống trà, tôi đang quét rác, tôi đang ăn cơm quây quần đoàn tụ với cha mẹ, chồng vợ, con cháu… Đơn giản thế thôi, nhưng đó là đời sống, là cuộc sống có thực, chứ không phải là học thuyết, lý thuyết! Câu này của ai, nghe hay ghê gớm: “Tất cả lý thuyết đều màu xám, còn cây đời thì mãi mãi tươi xanh!” Rồi thì nắng thì phải đội mũ, che dù, rét thì mặc áo dày, áo ấm; rồi thì xuân, hạ, thu, đông, sáng trưa, chiều, tối… đang ở đây và bây giờ mà thiên hạ lại bỏ quên, quay lưng, cứ chạy theo danh ngôn, lý sự khô rỗng, không phải là thực tại, không phải là cái có thực! Người tu Phật thời nay cũng vậy, chạy theo kinh văn, chữ nghĩa và quá nhiều lý sự lan man, rồi mơ tưởng thế giới này, cõi sống kia mà bỏ quên cái thực. Quá đáng hơn, có người còn bỏ vợ con, cha mẹ già yếu để đi xuất gia, sống chết mặc kệ, như vậy là sống trong ảo tưởng, mơ mộng, điên đảo...
Nên nhớ rằng, con mắt giác ngộ, giải thoát trang bị cho chúng ta một cái nhìn như thực, như thị! Vậy thìtất cả mọi phương pháp tu hành được lập định sẵn bởi khái niệm, hay một hướng đi nào đó, dẫu nó có đúng, cũng chỉ đem đến phước báu nhân thiên. Chỉ riêng người nào nhìn thấy cái thực, sống với cái thực, cái rỗng không của bản ngã, tư kiến; rỗng không quá khứ, hiện tại, vị lai thì ngay giây khắc ấy, vị ấy mở được cánh cửa giải thoát, Niết-bàn. Trong những bài thuyết giảng của J. Krishnamurti, ông luôn nói đến cái rỗng không của kiến thức, rỗng không của không-thời-gian, rỗng không những giá trị định ước, định thức của xã hội, sống thực với chính mình trong từng hơi thở, lắng nghe trong từng hơi thở là vì vậy! Nghe nói ông ta đã là một vị thánh Tu-đà-hườn!
Tất cả chúng ta đều do nghiệp sanh, là chủ nhân thừa tự của nghiệp. Trong tâm thức, dòng nghiệp của mọi chúng sinh, bao giờ cũng có vô lượng hạt giống tốt có, xấu có; nghĩa là còn vô lượng năng lực ngầm (tuỳ miên kiết sử) không biết khi nào nó bùng lên, tác động chi phối mọi sinh mệnh. Lại nữa, trong hành trình đời người, ta phải tiếp thu, học hỏi, trải nghiệm chuyện này, việc kia là điều tất yếu. Tuy nhiên, muốn sử dụng chúng, ta phải để tâm trí rỗng không, nếu không, lúc nào “cái tôi” xuất hiện, ngay khi ấy là đau khổ và phiền não. Chính tâm rỗng không mới nhìn ngắm mọi sự mọi vật một cách như thực. “Cái tôi”, bản ngã, xen vào là đã đánh mất như thực rồi. Phải rỗng không bản ngã. Vậy, trong đờisống thường nhật này, khi ăn nói, đi đứng, làm việc phải luôn cẩn trọng, phải lấy chánh niệm, tỉnh giácmà dẫn đường. Chánh niệm tỉnh giác có công năng phát hiện những “năng lực ngầm” bùng phát; đồng thời, nó cũng có công năng giúp ta rỗng không bản ngã để tất thảy mọi đối tượng giữ nguyên trạng như thực.
Người tu minh sát khi nghe một âm thanh thì cảm nhận sự dịu dàng hay chát chúa như thực; khi đốt một nén hương, thỏi trầm mình biết rằng mùi thơm dễ chịu, ấm cúng như thực; khi ngửi những mùi xú uếkhó chịu thì mình cảm nhận mùi tanh hôi như thực…Tất cả đều phải thấy biết rõ ràng chân xác. Người nào tiếp nhận thế giới xung quanh như thực là người hoàn toàn lắng dịu tham, sân, phiền não.
Có nhiều người hỏi rằng, giả như tuổi trẻ mà tu hành như vậy làm sao học hành, thi cử, làm sao kiếm người yêu, lập gia đình; như vậy là đạo ngăn cách đời, không đem đạo ra sống giữa cuộc đời này được? Xin thưa! Mọi người cứ sống hoàn toàn theo đúng hoàn cảnh của mình như vậy, không cần phảithay đổi hoàn cảnh, ví như học chuyên cần, chăm chỉ học tốt, thức khuya dậy sớm cũng áp dụng giáo pháp được. Đức Phật dạy, bất cứ muốn thành tựu một việc gì trên đời đều phải áp dụng “tứ như ý túc”,đó là “dục”, “cần”, “tâm”, “quán”. Khởi lên một ước muốn học hành để đỗ đạt bác sĩ (dục) nên trong thời gian còn là học sinh, sinh viên phải nỗ lực suốt ngày đêm, tinh cần theo ước muốn này mà chăm chỉ học hỏi (cần), rồi thì nhất tâm với ước muốn trở thành bác sĩ (tâm). Cuối cùng là quán xét lại tiến trình khởi sanh ý muốn và những cố gắng nỗ lực trong suốt chặng đường của mình (quán) để trở thành bác sĩ. Vậy thì, vẫn áp dụng được giáo pháp trong đời sống, khi học hành, thi cử, khi làm ăn, buôn bán; nó không trái với giáo pháp bao giờ. Khi gặp người thương yêu, người có học giáo pháp biết rằng đây là duyên (có thể là nợ), nhưng mà khi quyết định lập gia đình với cô A, cô B thì phải suy xét cho kỹ càng, phải tiên lường tất cả những gì có thể xảy ra để cân nhắc, suy ngẫm; bởi vì khi đã đến với nhau là sống trăm năm đầu bạc chứ phải đâu tình cảm nhất thời. Lẽ thường, cái cảm xúc hời hợt ban đầu ấy biến ta sống trong viễn mộng, khó đoán định được trung thực tình cảm, tính cách của người mình yêu. Khi đã quyết định nên duyên vợ chồng thì phải có bổn phận với người đó suốt cuộc đời, sống phải có tình, có nghĩa. Rồi con cái ra đời thì phải cưu mang, dạy dỗ. Con cái đến với chúng ta đứa tính này, đứa tật kia, đứa có hiếu, đứa ham chơi…ta cũng phải chấp nhận tất cả. Hơn ai hết, cha mẹ phải là người đọc được tâm hướng của con, thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của con để dẫn đường, soi lối, mở mang nhận thức, hiểu biết để chúng tự lên đường trên chính đôi chân của mình. Giáo pháp Phật còn khuyên một điều rất tế nhị rằng: Thương một người, yêu một người thì phải yêu thương trọn vẹn cả tính tốt, tính xấu; yêu cả những điều mình không thích hoặc là đôi khi trong cuộc sống xảy ra những tranh cãi, nặng nhẹ nọ kia cũng phải biết dung hoà, cư xử cho êm ấm, có như vậy hạnh phúc gia đình mới toàn vẹn.
Mình có thể thay đổi hoàn cảnh để trở nên tốt hơn, khi xử lý những tương quan duyên hệ với xung quanh, với cha, mẹ, con cái, bạn bè. Con đường hướng thượng là con đường tu tập chuyển hóa những nghiệp nhân bất thiện, hướng đến sự đoạn tận khổ đau, đạt đến quả vị giải thoát. Con đường hướng thượng ấy, mỗi người là chủ nhân của chính mình và phải tự mình cất bước để tự chuyển hoá đời mình.
Như ở trên có đề cập hai hạng người mà sinh ra 4 nhân, 4 quả khác nhau:
Người từ bóng tối đi vào bóng tối;
Người từ ánh sáng đi vào bóng tối;
Người từ bóng tối đi vào ánh sáng;
Người từ ánh sáng đi vào ánh sáng.
Nhân đây, thầy kể câu chuyện xảy ra trong ngôi chùa của thầy để chúng ta dễ hình dung được có những con người từ chỗ cơ cực đen tối mà vươn ra ánh sáng.
“Kỳ đó, có một ông người Quảng Bình khoảng chừng 60 tuổi mà trông già lọm khọm, dáng người gầy guộc cơ hàn, ông vào Huế đạp xe thồ để sinh sống, kiếm ăn qua ngày. Duyên may một lần gặp thầy, tự dưng ông quỳ xuống sụp lạy và xin được đi tu, thầy nâng đỡ cho ông xuất gia, ở chùa sớm hôm học kinh kệ. Từ khi xuất gia, ông sống cuộc đời phạm hạnh gương mẫu, bao giờ cũng cẩn cẩn nghiêm minh trong đời sống giới luật. Thời kỳ ông ở với thầy, xung quanh có mấy bụi tre mà không có chiếc lá vàng nào tồn tại với ông được, rơi xuống là ông quét, ông lượm rất tinh tươm, sạch sẽ. Ông sống chan hòa với mọi người, từ tu sĩ đến cư sĩ nên ai cũng thích, cũng mến. Là người đánh chuông sớm chiều cho chư tăngtụng kinh, luôn là người lên chánh điện sớm nhất và ra về muộn nhất. Khi chư tăng lao động bên ngoài, ông cũng mặc y, bắc chiếc ghế nhỏ ngồi trong góc chánh điện suốt ngày để nhắc nhở phật tử lạy Phật là thế này, cắm nhang phải thế kia, đi đứng nói năng thì nên nhỏ nhẹ từ tốn... Và nhiều năm vị sư già này đã làm được như vậy chớ không phải vài ba ngày. Khi trì bình khất thực, dầu là nắng mưa sương gió, xa xôi hiểm trở ông cũng chẳng ngại. Sáng nào cũng đi bát vào sâu trong núi, đi bộ 4-5 cây số trong rừng mà không gặp nhà nào thế mà cũng đi! Rồi đi vào vùng kinh tế mới, được củ sắn, củ khoai ông cũng đi. Không ngờ rằng hình ảnh ấy lôi cuốn được một cậu thanh niên trong vùng đó. ‘ Sư ơi! Cho con đi tu với!’ Cậu thanh niên này sức khỏe cường tráng, là lao động chính của gia đình nhưng thấy hình ảnh vị sư già đi khất thực mà cậu xúc động thế nào đó rồi đòi đi tu. Có cái hay là ông cha cậu ấy cũng vui vẻ cho đi. Ở hoàn cảnh kinh tế mới rất cơ cực, lao động suốt năm tháng mà vẫn thiếu ăn thiếu mặc, nhà cửa tềnh toàng, giường ghế ọp ẹp. Nhưng duyên lành gặp ông sư già mà xuất gia, nghe kinh, học pháp, bây giờ đã là trụ trì một ngôi chùa ở Huế; và suốt hơn mười mấy năm nay, ông sửa sang xây dựng lại trở thànhmột chốn già lam rất đẹp.
Khi mà ông anh ra chùa tu học, có đứa em trai khoảng 10 tuổi đang học lớp 6, mỗi lần ra thăm anh hay ở lại chơi năm mười ngày gì đó. Thấy đứa bé thông minh, lanh lẹ thầy thương và nói ngọt với nó rằng:‘Con ơi, con đi tu đi’. Nó nói ngang ‘Tu mần chi, tui không đi tu mô’. Một lần khác, trong chùa ai cũng mặc áo vàng, thầy nói ‘Con coi trong chùa ai cũng mặc áo vàng, con cũng mặc cho giống mọi ngườichơ’. Nó nói: ‘Không, tui thích mặc cái áo rách xấu xí ni thôi!’ Động viên một hồi, ông đồng ý mặc áo như mấy điệu. Lần thứ hai đi cạo đầu, thầy nói ‘Con nì, trong chùa ai cũng cạo đầu, con để tóc rứa coi chi được, mặc dù lên thăm sư anh năm bảy ngày nhưng mình phải giống người ta chớ!’ ‘Rứa à, rứa thì cạo’. Có một lần thầy vào chùa Tam Bảo, Đà Nẵng để thuyết pháp và dạy thiền, dẫn ông đi theo. Nó nói: ‘Ui chao! Chỗ ni răng sáng dữ ri, chùa răng mà to dữ ri!’ Hôm nọ thầy lấy quyển kinh Pāḷi ra có câu Namo tasa…rồi nói: ‘Nì nì, con đọc thử cái ni có được không?’ ‘Được chơ!’, nó nói, thế là ông đọc trôi chảyngon ơ! Ở chùa, đến bữa, phật tử dọn cho thầy mâm ăn riêng, rất thịnh soạn. Mỗi khi dùng xong nó được thừa tự phần dư đó. Ở với thầy mấy tháng mà da dẽ trắng trẻo, sạch sẽ ra, ‘tướng hảo quang minh’ trông thấy. Vậy là, cuối cùng, ông em ‘bị thầy dụ dỗ’ đi tu luôn. Giai đoạn năm 90-95, thầy nhập thất 2 năm trên núi, ông là người đi chợ nấu ăn cho thầy, không bỏ sót buổi nào, nấu xong chạy lên 300m trên núi, đến trước cốc thầy đúng 11h, rất chăm chỉ, cẩn thận, chu đáo... Sau này xuất gia, học xong lớp 12 là học cao, trung phật học sau đó du học lấy cử nhân Phật học ở Miến, rồi qua Tích Lan học thạc sĩ, tiến sĩ để sau này về phụ trách công việc chung của HKST.
Chúng ta thấy đó, ba hoàn cảnh, ba số phận, sinh ra trong hoàn cảnh xấu, bước ra từ chỗ tối nhưng gặp một duyên lành tốt biến đổi hoàn toàn số phận của đời người. Ông sư già đã có một đời sống phạm hạnh, viên mãn, đã ra đi an lành lúc 80 tuổi. Cậu thanh niên ngày nào giờ là sư Tánh Hiền - Trụ trì chùa Tăng Quang. Cậu em đã học hành thành đạt, giờ là sư Tánh Thuận, sau này cùng với sư Chơn Tín, thầy giao lại cho hai huynh đệ cùng dẫn dắt chư tăng, đại chúng ở HKST.
Cũng vậy, tất cả chúng ta đều có thể thay đổi số phận nếu gặp duyên lành tốt, nếu gặp bạn bè trí thức, lương thiện khuyến bảo mở lối những duyên lành thì tương lai nó xán lạn, là từ chỗ tối tìm về chỗ sáng hay từ chỗ sáng tìm về chỗ sáng.
Câu chuyện của thầy hình như nó cũng rời rạc, không được cô đọng lắm xoay quanh chủ đề. Nhưng mà, trong tất cả mọi số phận, giàu nghèo, tốt xấu đều bị phiền não đoanh vây và chi phối. Khi chưa trở lại cái gốc của tâm mình, nghĩa là chưa trở về nội quán thì ta còn lang thang phiêu dạt, lấy cái bên ngoài ấy - người lạ mặt - làm của mình rồi sống chết với nó. Chúng ta phải biết từ giã thế giới hướng ngoại bên ngoài để trở về sống với nội tâm thì bắt đầu mới thấy được cái máy động của tham lam, sân tật thế nào. Cuộc đời muôn hình vạn trạng, chúng ta là bác sĩ, là kỹ sư, là người làm ăn buôn bán… mỗi người mỗi hoàn cảnh và công việc khác nhau, đó là sự khác biệt do nghiệp từng người. Nhưng trên lộ trình tu tập chỉ gặp nhau một điểm, ai cũng nên trở về với thế giới minh sát nội tâm, sống với chính mình. Chúng ta đã tích lũy, đã sống với thế giới bên ngoài quá nhiều rồi, thế giới đó là nơi duyên sinh mọi sầu, bi, khổ, ưu, não. Trở về tâm là thấy cái gốc của vấn đề. Quý vị nên tu tập Minh Sát Tuệ, tu tập Tứ Niệm Xứ để quan sát từng giây khắc, những dấy động, những hệ khởi của từng sát-na tư tưởng mà từ đó chúng biến hiện ra tất cả. Trở về nội quán để lắng nghe cái rỗng không của mình để từ đó quan sátduyên khởi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Quan sát duyên khởi vô thường, vô ngã của tâm và pháp, lúc đó mới trực nhận ra, ngay giây phút tĩnh lặng của tuệ giác như thực đó thì chúng ta mới rỗng không và giải thoát mọi sự. Không phải là danh từ chữ nghĩa đâu, đó là cái thực đấy. Rỗng không mà vẫn tiếp thuthế giới bên ngoài, rỗng không mà vẫn lắng nghe trọn vẹn bên trong. Từ “rỗng không” này chính là không chấp thủ, không dính mắc, nên Đức Phật dạy: “Bậc giải thoát thì không dính mắc bên trong, không dính mắc bên ngoài” trong lúc vẫn vui sống với thế giới sum la vạn hữu, sống với tất cả mọi tương quan, duyên hệ, sống với cha mẹ, bằng hữu, gia đình, công việc…
Thời pháp sáng nay, thầy muốn trao đổi với chư vị phật tử như vậy đó. Hành trình của đời người cũng chính là hành trình của nghiệp, từ chỗ đa đoan, phức rối để đi đến chỗ nhẹ nhàng, thanh thản, rỗng không phải như thế nào. Nói thì nhiều nhưng cuối cùng cố gắng trở về đời sống nội quán để thấy phiền não phát sanh mà chấm dứt cũng tại đó, ở trong tấm thân một trượng này cùng với cảm giác và tư tưởng.
Kính chúc tất cả chư phật tử tiếp thu được bài pháp để sống an lạc, hạnh phúc lâu dài.
Phần Hỏi Đáp
(Chiều ngày 23/4/2016)
Hỏi: “Kính bạch thầy, thầy có nói rằng khi ghi nhận ngoại giới thì có hai trường hợp, hoặc là ghi nhậnxong rồi cho qua, hoặc ghi nhận rồi phân tích, chia chẻ, âm thanh to nhỏ, trầm bổng, ưa, ghét…Trước đây con có nghe một số giảng sư nói rằng: Khi mình nghe một âm thanh thì chỉ cần ghi nhận nó là được, không nên phân tích, đánh giá. Xin thầy giải minh cho con điều này?”
Trả lời: Chắc đạo hữu nghe chưa rõ, thầy nói ghi nhận, suy nghĩ về ngoại giới thì có hai huynh hướng. Khuynh hướng nghiêng về chánh tư duy thì áp dụng trong giai đoạn mình mới tu tập, mục đích là xử lý âm thanh ấy trong giai đoạn đang cần đối trị để tu tập. Khuynh hướng thứ hai nghiêng về tuệ tri thì phải ghi nhận như thực, không phân tích, không đánh giá, không lựa chọn, so sánh…
Hỏi: “Vậy thì cả hai pháp đều tu minh sát được hay sao?”
Trả lời: Tùy theo trình độ của mỗi người, từng giai đoạn mà dùng cách đối trị, không áp dụng cho tất cả. Người nào dùng trạch pháp nghiêng về chánh tư duy thì cứ phân tích đánh giá như vậy; còn người trình độ minh sát đã vững rồi thì không cần làm chi hết, nghe thì cứ ghi nhận trọn vẹn như thực để thấy nó sinh diệt thế nào. Không phân tích, không đánh giá, không xen dự bản ngã vào, nó nghiêng về tuệ phần.
Hỏi: “Dạ, nhưng theo con hiểu thì khi nghe mà phân tích (chánh tư duy) đó là điều bình thường, vậy thìngười tu cần gì phải đi sâu vào điều này?”
Trả lời: Hiểu chánh tư duy như thế là chưa thấu đáo, chưa trọn vẹn. Chánh tư duy (sammāsankappa)không phải là “có một cái chánh” để suy nghĩ. Nó đơn giản là không có sân tư duy, không có dục tư duy, không có hại tư duy (sân tầm, dục tầm, hại tầm), tức là phải biết tránh xa, loại trừ 3 tà tư duy, còn gọi là ba bất thiện tầm (akusalavitakka):
“Vitakka” là tìm kiếm; tuy nhiên, tương tự như sankappa nó có cùng một trường nghĩa với nghĩ tưởng, suy tầm, suy ngẫm nữa. Vậy, muốn có chánh tư duy, người tu Phật phải biết lìa xa 3 bất thiện tầm sau đây:
- Dục tầm (kāmavitakka): Lả lục lọi, bới tìm, tìm kiếm, suy nghĩ, nghĩ tưởng, suy tưởng, suy tầm... tìm cách thỏa mãn những ham muốn dục lạc qua mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Khi đắm chìm trong khao khát, tham muốn ấy, và do chúng dẫn dắt, ta có thể dễ dàng tạo nên những nghiệp bất thiện.
- Sân tầm (byāpādavitakka): Gặp những đối tượng sinh ganh ghét, đố kỵ, tỵ hiềm; gặp những hoàn cảnhtrái ý, nghịch lòng, tâm ta như chìm đắm trong những suy nghĩ, nghĩ tưởng bực bội, giận tức, bất mãn, phẫn nộ, sân hận.
- Hại tầm (vihiṃsavitakka): Từ sân tầm ở trên nếu không được thấy rõ (tuệ tri) thì tâm trí càng ngày càng bị nung đốt, có thể dẫn đến những suy nghĩ, nghĩ tưởng về mưu kế, thủ đoạn ác độc, bạo tàn để họa hại người khác.
Người có chánh kiến, thêm chánh tư duy tiếp năng lực sẽ lấy “tư duy ly dục” để đối trị với “dục tầm”, lấy “tư duy ly sân” đối trị với “sân tầm”, và lấy “tư duy vô hại” để đối trị với “hại tầm”.
- Tư duy ly dục (nekkhammakāmavitakka):
Những trạng thái tâm như khát vọng, tham muốn dục lạc lúc nó xen dự vào “cái thấy”, nó sẽ tung hỏa mù, nó sẽ làm lệch chiều, lệch hướng để tạo tác những nghiệp bất thiện qua thân khẩu ý nên ta phải có tư duy ly dục để đối trị với dục tầm.
Như vậy có nghĩa là những đối tượng của ngũ trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc), khi chúng thuộc đối tượng “rất lớn”[2] dễ kích thích, tác động đến ta, nó duyên khởi với tâm ái dục của ta tức khắc thì nên thu thúc, gìn giữ (giới) hay tránh xa, viễn ly nó; đấy được gọi là tư duy ly dục.
Tư duy ly sân (nekkhammabyādavitakka):
Những trạng thái tâm như nóng nảy, khó chịu, bực bội, không vừa lòng, không thích ý – nếu khôngđược nhìn thấy thì nó sẽ dẫn đến sân si, giận dữ, biểu hiện qua thân khẩu ý để tạo nghiệp bất thiện. Do vậy, ta phải thu thúc, gìn giữ, tìm cách xa lánh nó, viễn ly nó, đấy được gọi là tư duy ly sân - còn được gọi là tư duy vô sân. Vì theo Abhidhamma, vô sân đồng nghĩa với tâm từ (mettā) nên nuôi dưỡng tâm từ cũng là cách đối trị với tâm sân vậy.
Tư duy ly hại (nekkhammavihiṃsavitakka):
Trạng thái tâm sân (dosa) nó thường như bị lửa đốt, nếu không được dập tắt thì nó sẽ như than hồng âm ỉ ngày đêm để trở thành phiền ưu (domanassa-ưu). Nếu phiền ưu này không được nguội tắt nó sẽ gia tăng cấp độ mà biến thành ưu hận (paṭighā-hận). Và nếu khi đã phẫn hận rồi sẽ sinh ra hung ác, bạo tàn... có khả năng hủy diệt đối tượng mà không kềm giữ nổi. Biết rõ sự nguy hại như vậy - hại mình, hại người, hại cả hai - nên ta phải nuôi dưỡng tư duy ly hại.
Chánh tư duy trong Bát Chánh Đạo là vậy chứ không phải ngồi phân tích, chia chẻ như phàm nhânđâu? Phân tích theo phạm trù không sân tư duy, không dục tư duy, không hại tư duy áp dụng cho giai đoạn đang còn tu tập, đang còn xử lý, chưa có được tuệ phân tích như minh sát tuệ.
Hỏi: “Xin thầy chỉ dạy cho biết sự khác nhau giữa “tâm” và “tánh”. Trong câu “kiến tánh thành Phật” bên Thiền Tông thì nó là “tâm” hay là cái gì khác?”
Trả lời: Các kinh điển đại thừa khi giải minh, giải nghĩa có vẻ rối rắm quá, nào là “vọng tâm”, “chơn tâm”, “chân ngã” “bản thể” “tánh”, “tướng”, “thể”, “dụng”… rất khó thấy cái chân xác. Trong kinh điển nguyên thủy giảng dễ hiểu lắm. Ngài không cần phân tích tâm như vậy, tánh như kia, Ngài nói đơn giản như thế này: Tất cả chúng sanh thường có sáu tánh: Tánh tham nhiều, tánh sân nhiều, tánh si nhiều, tánh tínnhiều, tánh trí nhiều, tánh tầm nhiều. Sau đó Ngài giảng tùy theo từng loại “tánh” mà tu tập như thế nào. Tất nhiên “tánh” ở đây là cá tính riêng của mỗi chúng sanh đã tích lũy trong dòng nghiệp từ vô thủy đến nay. Thế gian hay nói như thế nầy: Tính thằng ni tham ăn, tính thằng kia mê ngủ, tính con bé này lười biếng… là tánh đồng với tính, nó hiển lộ qua những hành động, cử chỉ, thói quen. Ví dụ, người có tánh tham thì khi ăn uống nó thể hiện ra như là: thích ăn vật thực ngọt ngào, béo bổ. Trong lúc ăn, không ăn từng miếng quá lớn hay quá nhỏ. Ăn chừng mực, vừa phải, biết thưởng thức vị ngon. Đôi khi, thấy một cái gì ưng ý, người gốc tham nhìn ngắm lâu, tỉ mỉ, dường như ngạc nhiên, thú vị lắm, tiếc nuối, không muốn rời...
Vậy, khi biểu hiện cái gì thì “tánh” biểu hiện qua “tâm”, cho nên, những kiến giải của Đại thừa hay Nguyên thủy cũng gặp gỡ nhau cùng một chỗ như nhau. Như bên Thiền tông có nói: “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Tổ Đạt-ma nói đại ý rằng: “Thiền của ta không y cứ trên văn tự, chữ nghĩa, nó là đường truyền riêng không lệ thuộc từ chương kinh giáo; chỉ cứ việc đi thẳng vào tâm người, nếu thấy rõ tánh thì tức khắc thành Phật”. Tuyên ngôn này rất rõ ràng, là đừng kiếm tìm nơi văn tự chữ nghĩa, kinh giáo nữa, mà hãy hạ thủ công phu tu tập nội quán, thấy rõ pháp như thực tánh (sabhāva dhamma), là giác ngộ, giải thoát. “Pháp như thực tánh” tương đồng chữ tánh, kiến tánh bên Thiền tông. Thấy được “pháp như thực tánh” ấy là “thấy pháp”, là “ngộ”; còn nói thành Phật thì hơi đại ngôn, vì công hạnh của một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác không đơn giản như thiền tông tuyên ngôn đâu.
Nhưng coi chừng, đi thẳng vào “tâm người” là phức tạp rồi, thực ra ta không chỉ ra được cái “tâm”; có người hỏi tâm ở đâu thì quả là câu hỏi khó có lời giải cho thoả đáng. Tâm chỉ là những sát-na tư tưởngsinh diệt trùng trùng; người học Phật, tu Phật cần phải liễu tri, chứ không thể mơ mơ hồ hồ được. Cũng không nên đưa những ví dụ có vẻ văn hoa hoặc những cụm từ vô thưởng, vô phạt như cách nói “huề vốn” kiểu như “tôi tu tâm”, “tức tâm tức Phật”. Chúng đã trở thánh sáo ngữ. Cũng không nên lấy kinh điển mà bảo Phật nói như thế này, Phật bảo như thế kia – vì bao giờ “cái thực” cũng khác với những khái niệm khói sương! Trong “tâm” đó có 89 tâm và 52 tâm sở đi kèm, là những sở hữu của tâm, phụ tùy của tâm, thuộc tính của tâm, phát sanh cùng lúc với tâm (Tâm và tâm sở đồng sanh, đồng diệt, đồng căn môn và đồng đối tượng). Tâm tham khởi thì kéo theo các tâm sở tham tương ưng khởi theo, tâm sân khởi cũng kéo các tâm sở sân tương ưng khởi theo, vậy thì biết tâm nào để mà “trực chỉ”. Cho nên “trực chỉ nhân tâm” phải được hiểu là nội quán, trở về để soi xét toàn bộ vận hành tư tưởng sát-na đó thì thấy tánh, người tu minh sát tuệ thì khi tánh tham, tánh sân khởi lên đều ghi nhận như thực. Thiền tông còn có câu này “Vô minh thật tánh tức Phật tánh, huyễn hóa không thân tức Pháp thân”. Nghĩa là khi thấy cái tham, cái sân trọn vẹn như thực là thấy “tánh”, là “ngộ”.
Hỏi: “Thưa hòa thượng, ‘tánh’ không bao giờ mình biết được, nhưng mà ‘tánh’ có thể biểu hiện của cái ‘dụng’ của ‘tánh’. Con đưa ra một hình ảnh, nếu nước biển là ‘tánh’ thì sóng biển là ‘tâm’, vì sóng nó dập dờn, lên xuống, như vậy có hợp lý không?”
Trả lời: Ví dụ này cũng được, nó rơi vào câu “bản lai tâm thường thanh tịnh”, thường thanh tịnh giống như nước, còn hiện tượng chập chờn trôi nổi của tâm là sóng, những cụm từ đó khi giải thích kiểu này, khi kiểu khác rất phức tạp. Trong kinh nguyên thủy cũng nói rằng mình vốn là tánh giác, vốn chói sáng, rực rỡ cũng giống như “bản lai tâm thường thanh tịnh” vậy. Nhưng khi sóng nổi lên (tham, sân khởi) thì mang đến cho ta bao nhiêu phiền não, cũng giống như trăng rằm chói sáng rực rỡ nhưng mây che mờ, tâm vốn thanh tịnh nhưng bị phiền não đoanh vây, cho nên tâm, tánh một nơi giải thích khác nhau.
(Ghi chú: Khi tôi chỉnh sửa và nhuận sắc lại pháp thoại này, tôi biết khi trả lời như trên là do tôi dè dặt, thận trọng không muốn bàn sâu. Vì, thật ra, khi lý luận về “bản thể” (nước), và “hiện tượng” (sóng), hoặc luận về tánh, tâm thì rất dễ rơi vào cái tròng của Ấn Độ giáo. Nó như sau:
Đạo Phật trong các kinh Nikāya không nói đến Trung quán, Duy thức nhưng có nói đến duyên khởi tính, vô ngã tính - Long Thọ (rồi Thánh Thiên) dựa theo để lập thuyết Trung quán, không tính; có nói đến tâm chủ, tâm tạo tác, sự vận hành của tâm và tâm sở trong Abhidhamma, duyên sanh các pháp - để Vô Trước (rồi Thế Thân) lập Duy thức tông. Sau đó Ấn Độ giáo lại dựa theo Trung quán và Duy thức để lập ra thuyết Bất nhị và thế giới Māyā (huyễn hóa).
Ấn Độ giáo nói rằng: “Chỉ có Atman được tách rời từ Brāhman là thực ngã, còn tất thảy thế gian, thế giớiđều không thực, không có tự tính. Tuy nhiên, cả hai thế giới ấy chẳng phải là một chẳng phải hai. Một bên là bản thể thường hằng thanh tịnh, một bên là hiện tượng sinh diệt, chúng ‘bất nhị’!”
Nhưng dẫu Ấn Độ giáo có mượn “duyên khởi vô thực tính” để làm giàu tư tưởng của mình, họ cũng giữ lại nền tảng hữu thần luận: “Bản ngã phạm thể thường hằng thanh tịnh”, mà sau này, một số học giả, các nhà nghiên cứu Phật học bị mắc mưu, thường đưa vào các điểm luận giải của mình.
Ấn Độ giáo còn đánh cắp tư tưởng của Duy thức tông - khi Duy thức cho rằng, thế gian và thế giới đều do thức biến hiện nên chúng đều không thực. Họ nói rằng: “Chỉ có trí tuệ sau cùng, tối cao, siêu việt là không thấy, không nói được (Phạm thể bất khả thuyết) - còn tất thảy thế gian đều không thực, đều hư ảo. Tất thảy đều là Māyā (huyễn hóa)”. Có lẽ người Ấn Độ giáo còn đọc cả kinh Bát-nhã, nói đến tính không của các pháp như ảo, như lửa, như trăng trong nước, như ảnh, như hóa, như giấc mơ... để kiện toàn cho thuyết Māyā của mình. Nikāya thì thường nêu các ví dụ ấy để chỉ trạng thái, tính chất của các uẩn sắc, thọ... để tu tập, để quán chiếu, minh sát mà thôi.
Ngay chính Abhidhamma của Theravāda là tạng xương cốt của Phật học, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho các bộ phái y cứ để dẫn lập và phát triển tư tưởng , hiển lộ hai thế giới: tục đế (khái niệm, paññatti) và chân đế (chân thật nghĩa, paramattha) - thì Ấn Độ giáo cũng mượn để đánh tráo nghĩa. Long Thọ có mượn để nói trong Trí-độ luận: “Vì là tục đế nên nói có chúng sanh, vì là đệ nhất đế nên nói không có chúng sanh”. Còn Ấn Độ giáo mượn để nói kiểu khác: “Do là chân đế nên biết có Thượng Phạm (Phạm thể tối cao, bản thể), sinh ra thượng trí để biết cái chân thật. Do tục đế nên biết có Hạ Phạm (thần Tự Tại hay thần Sáng Tạo), sinh ra hạ trí để biết thế giới hiện tượng, không thực, hư ảo”)
Do vậy, chúng ta chớ nên sa đà rơi vào lý luận mà hay nên im lặng mà tu tập, mà thực nghiệm thôi.
Hỏi: “Khi thầy giảng về ‘tiệm tu’, trong chúng ta, ai có chủng tử thiện và chủng tử ác. Người tu Phật phải làm lắng dịu chủng tử ác, vun bồi chủng tử thiện, cố gắng không tạo thêm nghiệp bất thiện. Như vậy nghiệp thiện được tăng trưởng nhưng nghiệp ác vẫn còn đó chứ có vơi bớt đâu? Thêm nữa, mục đíchviệc tu tập là diệt luôn cả thiện và ác hay chỉ làm tăng trưởng nghiệp thiện mà thôi. Bậc thánh đã giác ngộ giải thoát thì đã bước ra ngoài thiện, ác, thì sẽ như thế nào?”
Trả lời: Câu hỏi này chứng tỏ chuyện tu tập của đạo hữu còn vướng kẹt chỗ này, chỗ kia, thầy giải minhrõ ràng thế này. Hôm qua, ở bên Thiền Viện Chân Lý thầy đề cập vấn đề này trong một bài pháp, có câu “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”, nghĩa là “không làm các điều ác, nguyện làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy”. Đức Phật là đấng Toàn Giác, Ngài luôn dạy việc thiện thì cứ làm hoài, làm mãi, việc ác thì phải tránh xa. Trên phương diện tục đế, làm thiện nhiều thì hưởng phước báu nhân, thiên, làm ác nhiều thì mở rộng cửa đi vào bốn đường ác. Cấp độ cao hơn là giữ tâm ý trong sạch, thanh tịnh, đó là “tịnh” của định và “tịnh” của tuệ. Định (samādhi), với nghĩa thông thường, là tâm không loạn, luôn luôn trầm tĩnh, bình tĩnh, ổn định, trạm nhiên, không lay động, không xao động trước mọi tình huống, cảnh trạng của cuộc đời. Đấy là định trong đời sống thường nhật, định thế gian, có ba cấp độ: Sát-na định (định một chớp mắt), phiến thời định (định một khoảng thời gian), cận hành định (chuẩn bị đi vào định thâm sâu). Định thâm sâu là định trong các tầng thiền định (jhāna), được gọi là an chỉ định (appanā), tức sơ thiền tùy mức độ sâu cạn của nó mà hành giả có thể trú tâm, ngưng dứt mọi xao động của phiền não, thức tri… từ 2,3 giờ đồng hồ đến 5,7 ngày! Có một định khác nữa là định trong tuệ (paññā), vẫn làm mọi việc, vẫn đi đứng ngồi nằm, giao tiếp, ứng xử – nhưng lúc nào cũng chánh niệm, tỉnh giác, sáng suốt, thanh bình. Định của tuệ hoặc định tuệ chiếu soi, thì thanh lọc hoàn toàn mọi chướng ngại của sở tri, nó bứng nhổ tất cả những tùy miên kiết sử ngủ ngầm tâm trong vô lượng kiếp (sở tri chướng). Đến đây mới có thể nói tới giác ngộ giải thoát. Đây được gọi là vượt thiện, ác vì còn thiện, ác là còn tới lui trong ba cõi.
Vậy thì, mục đích phạm hạnh là giác ngộ giải thoát, khi bước đi trên con đường tu tập, mỗi một người, hành giả phải trang bị cho mình cả duyên lành và phước báu để làm hành trang, lấy giới, định, tuệ làm kim chỉ nam mà lên đường. Khi tuệ đã chín muồi thì lửa giác ngộ sẽ bùng cháy, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu rọi, và bóng tối vô minh sẽ tự lui.
Hỏi: “Tại sao bậc giác ngộ khi làm các điều thiện (tuyệt đối không làm điều ác), mà không chấp, không dính mắc, không tạo nghiệp như chúng ta?”
Trả lời: Đây là điểm rất tinh yếu của giáo pháp, rất tế vi, rất nhiệm mầu, khó thấy khó biết, chỉ những bậc giác ngộ mới rõ được. Khi các ngài vào đời hóa độ chúng sanh, cũng đi đứng, nói năng, ngủ nghỉ rất bình thường nhưng hoàn toàn vô nhiễm, hoàn toàn “vô vi, vô tác, vô hành”. Còn chúng ta, những kẻ phàm phu vẫn tác, vẫn hành, vẫn bị các pháp hữu vi chi phối. Cách nhau sợi tóc thôi, khi chúng ta xử lý việc nọ việc kia, ta dùng “tư tác” (tư tâm sở) dẫn đầu, chỉ huy các tư tâm sở thiện, bất thiện đi theo mà tạo tác nên phát sanh nghiệp. Theo Abhidhamma, trong 52 tâm sở, có tư tâm sở (cetanā) và tuệ căntâm sở (paññindriya); chúng ta thì xử lý mọi việc bằng tư tâm sở, tức là tạo nghiệp; còn chư thánh nhânxử lý mọi việc bằng tuệ căn tâm sở nên không còn tạo nghiệp [3] (Abhidhamma nói rằng, hành giả đi vào dòng (Nhập Lưu), hay đi vào thánh đạo lộ - thì tư tâm sở đã được thay thế bởi tuệ căn tâm sở, nghiệp dần dà sẽ vô hiệu hoá).
Để rõ hơn, chúng ta xem và quan sát ví dụ sau:
Tư tâm sở: Thấy bông hoa đẹp, mình bắt đầu nghĩ “chà, bông hoa này đẹp quá, tươi quá, mình hái đem cúng Phật thì phước báu nhiều lắm đây”. Suy nghĩ như thế gọi là “tư tâm sở” với đầy đủ ba nhân “vô tham, vô sân, vô si”, nghĩa là với tâm hài hòa mát mẻ, dâng hoa cúng Phật biết rằng mình sẽ có phước lớn, sẽ thâu hái quả lành mai cho sau.
Tuệ căn tâm sở: Khi nhìn thấy bông hoa đẹp, dùng chánh niệm (định), tỉnh giác (tuệ) ghi nhận đóa hoa, màu sắc, từng hạt sương đọng lên lá, cẩn thận hái đóa hoa, cắm vào bình; giữ chánh niệm từng bước dâng hoa cúng Phật! Rứa thôi, rất dễ, ai cũng có thể làm được. Ngay khi sử dụng “tuệ căn tâm sở” tức là có “chánh niệm, tỉnh giác” thì không có nghiệp nào xen vào hết, không gieo 6 nhân “tham”, “sân”, “si” và “vô tham”, “vô sân”, “vô si”. Cho nên chánh niệm, tỉnh giác đại diện trọn vẹn cho Bát Chánh Đạo. Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn nói đều sử dụng Bát Chánh Đạo thì không lo đi trật ra khỏi tà lộ.
Hỏi: “Thưa thầy, như vậy lúc đó có phải đã diệt hết tham, sân, si chưa?”
Trả lời: Khi có chánh niệm, tỉnh giác thì tham sân si không xen vào đấy được. Nhưng nếu thất niệm (tư tâm sở tạo tác) thì 6 nhân xen vào và thành nghiệp liền.
Hỏi: “Trong một lần ngồi thiền, tự nhiên con nhận ra hiện tượng sinh diệt liên tục của tâm thức trong sự tĩnh lặng rõ ràng vô cùng, như thể chạm vào lửa, xin thầy giải thích?”
Trả lời: Câu ni hỏi đúng đó, nhưng “như thể chạm vào lửa” thì thầy không hiểu. Ngồi tĩnh lặng đôi khi cảm nhận rất rõ những cảm giác, những tư tưởng sinh diệt liên tục như thế. Nó khá thâm sâu đấy. Chỉ có hành minh sát mới được vậy.
Nhân tiện thầy nói thêm điều này khi chúng ta ngồi tĩnh lặng. J. Krishnamurti có kinh nghiệm riêng và kiến giải riêng: Ngồi tĩnh lặng, ông theo dõi các dòng tư tưởng liên tục, nhưng thỉnh thoảng ông còn ghi nhận được khoảng trống giữa hai tư tưởng. Và ông xác định rằng “thiên thu là khoảng yên lặng vĩnh cửugiữa hai tư tưởng”. Rồi, còn nữa, khi ông đi tới đi lui trong phòng, ông nói “nó đến”, tức là sự yên lặng vĩnh cửu nó đến. Trong khoảng yên lặng riêng tư đó ông tìm thấy cái tịch lặng bao trùm tất cả.
Cách đây trên dưới 30 năm thầy đã đọc và chiêm nghiệm nó rồi coi thử đúng hay sai. Qua quá trình xét nghiệm lại bản thân, với giáo pháp, thầy thấy nó chưa đúng, chưa tới, nghĩa là khoảng cách im lặnggiữa hai tư tưởng dẫu là im lặng tuyệt đối nhưng chưa phải là Niết-bàn. Khi chúng ta ngồi tĩnh lặng theo dõi tâm sinh diệt thì đến lúc nào đó thì tâm như chạm phải miền yên lặng, đó đơn giản chỉ là định vắng lặng mà thôi. Đây là tuệ có định; tuệ là theo dõi tâm sinh diệt, và định là miền yên lặng. Cũng như ngài Quán Thế Âm dạy rằng “động tịnh nhị tướng, liễu nhiên bất sanh”; khi đối tượng vào đã lặng rồi thì hai tướng động và tịnh tự nhiên không còn sinh khởi nữa. Đến đây, hành giả đã vào định rốt ráo, xuyên suốt, khi đó không còn ta, không còn đối tượng, cứ vậy mà tiến dần lên. Cái “tịnh” này vô ngại với tiếng động, vẫn “thanh tịnh” trong tiếng động. Đức Phật ngài nói rằng: “Khi tâm ta thanh tịnh thì cả thế gian thế giới thanh tịnh”. Cái yên lặng này rất rõ ràng cụ thể, mọi người có thể sờ chạm được khi mà mình ngồi hoàn toàn tĩnh lặng theo dõi những tư tưởng chảy trôi trong dòng tâm thức. Thì đây là định trọng tuệ. Định là ngồi hoàn toàn yên tĩnh và tuệ là theo dõi những tư tưởng sinh diệt. Nó phức tạp vậy đó. Ai uống nước, nóng lạnh tự biết.
Hỏi: “Khi ngồi thiền có sự tĩnh lặng, con không rõ cái “tánh biết’ và ‘thức uẩn’ nó khác nhau thế nào?”
Trả lời: Câu hỏi hay! Có bốn cái biết khác nhau. Biết của tưởng, biết của thức, biết của trí, biết của giác.
Cái biết của tưởng: Là cái biết khái quát qua dấu hiệu, hình tướng, màu sắc, âm thanh, mùi vị…(ngũ trần - sắc đối tượng) và xác định được nó là cái gì (nhận thức ban đầu).
Ví dụ:
- Đi vào một khu vườn, nhìn thoáng qua là đã biết đây là cây, đây là lá, đây là hoa, đây là quả, đây là xanh đây là vàng...
- Thoáng mùi chiên, xào, kho từ nhà bếp bay ra; ta biết đó là mùi kho, mùi cháy...
- Vào khu rừng rất nhiều tiếng chim; ta nghe được tiếng chim cao thấp, trầm bổng, dài ngắn...
Tuy nhiên, không phải lúc nào tri giác ấy cũng đúng; chúng có thể bị ký ức, hồi tưởng, tưởng tượng của chúng ta xen vào làm cho tri giác ấy sai lệch đi.
Cái biết của thức: Là biết qua kiến thức học hỏi, qua nhận thức kinh nghiệm và lý trí chủ quan. Nó sẽ lục tìm trong kho tàng ký ức của mình để đối chiếu, so sánh với đối tượng đang được quan sát. Nó có nhận thức sâu, tỉ mỉ, chi tiết nhiều hơn là tưởng tri. Ví dụ, biết đó là cây chanh, cây quýt, biết đó là tương cháy, biết đó là chim cà cưỡng hay hoạ mi...
Cái biết của trí: Trí thế gian thì giới hạn trong lĩnh vực phân chia biện biệt, đúng, sai, tốt, xấu… Trí xuất thế gian (tuệ tri) là nhìn ngắm mọi sự mọi vật đúng với thể tính, tướng trạng của nó. Ví như tham tuệ tritham, sân tuệ tri sân, nhưng chưa phải là cái thấy toàn diện của giác tánh.
Cái biết của giác: Là cái biết của những bậc đã đạt ngộ, đó là giác tánh. Cái thấy biết này nhìn ngắm được tưởng tri, thức tri, tuệ tri; là cái thấy biết rốt ráo, thâm viễn, mầu nhiệm vô cùng. Khi nào đạt đượccái thấy biết này mới gọi là có giác tánh chiếu soi, nhìn ngắm mọi sự mọi vật như chân như thực mà không phản ứng, đánh giá, tức là đã “vô vi, vô tác, vô hành”. Và cũng có nghĩa là liễu tri (ājānāti) cái thấy biết rốt ráo, bằng giác tri (bodhiñāṇa) của bậc đã giác ngộ. Người nào tu tập mà lấy “tánh giác” để soi chiếu là đang đi đúng con đường Bát Chánh Đạo.
Hỏi: “Có phải dùng “tánh giác” để soi chiếu, thấy biết những sự vận hành, duyên khởi của những cái gọi là tưởng vọng, thức vọng, hành vọng, thọ vọng… Nó vận hành ở trong tâm hay ở đâu?”
Trả lời: Không biết nó vận hành ở đâu, nhưng vận hành ở đâu thì “tánh giác” biết đấy. Thầy đưa một ví dụ đã nói đi nói lại nhiều lần. Xưa kia, Đạt Ma an tâm cho Huệ Khả. An mà không an gì cả! Truyền tâmmà chẳng truyền cái tâm nào cả. Hóa ra, Đạt Ma dạy quán “tâm pháp” đó thôi! Tại sao? Vì khi Huệ Khảquay lại tìm kiếm tâm, quán tâm, lắng nghe tâm thì khi ấy chính ông ta đã khởi tuệ tri (pajānāti) để nhìn ngắm. Và ông ta đã “tuệ tri được cái tâm bất an” ấy, đã nhìn như thực nó, nhìn ngay cái bản lai diện mụccủa nó, không đánh giá, không phê phán, không thủ, không xả! Và cũng tương tự như trong các kinh văn nguyên thủy “tâm tham tuệ tri tham, tâm sân tuệ tri sân”... Trường hợp này cũng áp dụng chung công thức đó “tâm bất an tuệ tri tâm bất an”. Rõ ràng, khi không làm gì cả thì cái tham, sân, bất an đó tự diệt mất.
Có thời, thầy lý luận câu ni chưa chắc đúng, khi ta chiếu soi xuống cái “bất an” đó thì “bất an” đã vọt tới chỗ khác rồi. Ý là những sát-na tâm bất an sinh diệt trùng trùng, trôi chảy liên tục thì làm sao mà chụp bắt chúng được trong cùng chiều kích của thời gian và không gian? Vậy thì không bao giờ thấy được “bất an” đang trôi chảy đó, luôn luôn chạy sau chân của nó thôi. Tất cả chúng ta đều lý luận như thế này phải không? Xin thưa! đó là lý luận của “lý trí” chứ không phải của “tuệ tri”. Khi thả lỏng cơ thể để coi cái “giác tánh” nó tự chiếu soi, đừng có lý luận theo kiểu “đuổi bắt” như trên, nó chỉ đúng trên phương diệnluận lý, rất logic, rất chặt chẽ nhưng không đúng với sự thật. Hãy để ý xem, khi để tâm rỗng rang trong sáng bỗng dưng nghe một tiếng chửi, điều gì sẽ xảy ra? Có phải nổi sân lên không. Nếu thấy mình nổi sân là cái biết của “giác tánh” rồi đó, đừng phân tích, lý luận mà rơi vào bình diện của lý trí nhị nguyên. Trước đây thầy cũng giải thích như vậy, nhưng hóa ra mình nói trật, mình nói theo lý trí khoa học, phân tích dựa trên khoa học. Quý vị chiêm nghiệm lại coi, một sự đau nhức thì biết đau nhức, một điều khó chịu thì biết ngay khó chịu…có phải thế không. Rõ ràng có “giác tánh” thường trực chiếu soi, ở trên logic, luận lý, vượt qua phải, trái, đúng, sai.
Hỏi: “Xin Sư giảng thêm cho con rõ ‘qua sông úp chiếc đò ngang khỏe liền’”
Trả lời: Cười! Hôm nào chèo đò qua sông thử “úp” coi thế nào. Nói vui vậy, câu chuyện chỉ muốn nói là đừng sắm thuyền bát nhã nữa, sắm thuyền là tích lũy kiến thức, hiểu biết, sở tri, để chở đầy thuyền “sở tri” để hy vọng ra khơi không sợ sóng lớn. Ngay chính phước báu cũng vậy. Không ngờ, phước báu nhiều chừng nào thì bản ngã to dày chừng ấy, dính mắc nhiều chừng ấy, phải ở lại thế gian hoặc thiên giới hưởng cho hết phước đó đã, chứ không thể chở mang qua bờ kia dễ như thế được. Vậy thì, nếu đã tích lũy những kiến thức, sở tri thì buông xả hết đi, úp đổ xuống sông biển hết đi, không chứa giữ cái gì cả, buông xả toàn diện tự nhiên như thế là…khỏe liền.
Thường thường người tu tập để cầu phước báu hữu vi, kiếp cuối cùng bồ tát cũng tu tập để tích lũyphước báu, cũng bố thí tiền bạc, tài sản, vợ con… để chín muồi, thuần thục năng lực ba-la-mật. Khi ba-la-mật đã viên mãn thì tu tập mới giác ngộ giải thoát một cách trọn vẹn được. Còn chúng ta, đức Phậtđã tu cho mình rồi, không phải mày mò như đức Phật trong vô lượng kiếp như thế, chỉ cần y cứ trên những lời dạy tinh yếu của Ngài mà lên đường, có thể chúng ta còn thiếu ba-la-mật nên phải tích lũy, còn tích lũy là còn trở lại với nhân thiên để hưởng phước báu. Khi ba-la-mật, tâm, tuệ đã đủ đầy sẽ tự động thấy được con đường, khi đó mới thấy ngang đây là đủ rồi, đừng đa mang nữa, qua sông phải để thuyền rỗng không. Khi có được tuệ không, tuệ minh mới “Mãn thuyền không tải nguyệt minh qui - Về chở đầy thuyền ánh nguyệt không! được”.
Hỏi: “Nói về tâm xả, khi cùng một cảnh, có lúc nhìn thì tâm sở này (tâm sở xả) khởi lên, có lúc thì tâm sởkhác khởi lên. Tại sao lại có sự khác nhau như vậy?”
Trả lời: Điều này ai học Abhidhamma sẽ rõ hơn, nhưng khổ một điều, những người học Abhidhamma bị kẹt trong con chữ con số, đếm tâm này, đếm tâm kia rất phức tạp, rối bù rối mờ. Nhưng nếu lấy tinh thần của Abhidhamma mà tu tập thì hiệu quả hơn. Cách đây khoảng 40 năm, ở chùa Kỳ Viên có mở lớp học Abhidhamma, do ngài Viên Minh chủ trì, ngài nói với lớp học rằng: Quý vị cứ học Abhidhamma đi, đây là lớp “nhập môn Abhidhamma”. Sau khi xong lớp căn bản, quý vị phải học thêm một lớp “xuất môn Abhidhamma” nữa để khỏi cần ghi nhớ chi hết.
Trở lại câu hỏi, chúng ta hãy quan sát, khi nhìn một đóa hoa, và thích đóa hoa này thì có 7 tâm sở cùng phát sanh gọi là biến hành tâm sở, gồm xúc, tác ý (hướng tâm), thọ, tưởng, tư , nhất tâm , mạng căn. Khi nhìn ngắm, khởi tư tác tất cả những cái gì ở cõi Dục giới, Sắc giới hoặc Vô sắc giới thì 7 tâm sở này xuất hiện đầu tiên. Nếu là tâm tham thì có các tâm sở tương ưng với tham – là tham, mạn, tà kiến đi theo. Nếu là tâm sân thì có các tâm sở tương ưng với sân – là sân, tật, xan, hối cùng có mặt. Và dẫu tham hay sân, tức là hành động xấu ác thì 4 bất thiện biến hành tâm sở là si, vô tàm, vô quý, trạo cửnhư 4 vị tướng dẫn đầu các tâm sở xấu ác khác chạy theo.
Thầy nói qua thế thôi, đại chúng cũng biết khái quát như vậy rồi…thì hãy quên đi. Cách đây 6 năm, thầy có viết rất kỹ về Abhidhamma trong bộ sách Phật học tinh yếu II, phát hành năm 2011, sau thầy không phát hành nữa, sợ mọi người dính vào đó. Đời sống nhẹ nhàng cho khỏe, ngồi mà đếm tâm này tâm kia mệt lắm. Ai học thì cứ học nhưng cố gắng nắm những điểm căn bản tinh yếu nhất thôi, đi sa đà sâu trong con chữ con số khi bước ra khó lắm. Nói tóm lại, khi một tâm khởi lên, kéo theo những tâm sởtương ứng phụ thuộc vào tâm này nhảy theo, nó cũng tương tự như những trạng thái tâm lý vậy, tạo thêm năng lực, năng lượng cho tâm tạo tác, hành động.
Nó phức tạp như vậy chứ không đơn thuần như câu hỏi đâu. Tâm xả không có trong 24 tâm tốt lành(tịnh quang tâm sở), nhưng có một tâm sở tương ưng, đấy là tâm sở trung tánh, quân bình. Thiện hay ác, tốt hay xấu đều có cả hàng loạt tâm sở đi theo, không thể định danh một vài tâm sở được.
Hỏi: “Vậy thì khi tâm sân khởi lên mình nhìn một cách đơn thuần thôi sao?”
Trả lời: Đúng rồi, khi nóng nảy bực bội vẫn còn trong giới hạn tự chủ được thì đưa đến sân, cấp độ tiếp theo là ưu và hận. Ví dụ, hôm trước giận ông hàng xóm (sân), tối nằm ngủ suy nghĩ lan man nên trong lòng bực bội khó chịu, ưu tư phiền muộn cả đêm (ưu). Lâu ngày, không còn chịu đựng được nữa (hận),vác gậy (tự ý) qua đánh ông hàng xóm. Nói rộng hơn, sân là không bằng lòng, không vừa ý, không ưng ý. Tất cả trạng thái tâm nóng nảy, bất như ý, muốn chối bỏ, muốn xua đuổi, muốn quay lưng, khó chịu, muốn phủ nhận... là lực đẩy, tất cả đều được gọi là sân. Ưu là từ một việc, một vật, một hiện tượng ta không thích, khiến ta bực bội, càng lúc đối tượng ấy càng làm ta chán ghét hơn, đến nỗi mỗi lần nghĩ đến nó là ta cảm thấy sự nóng nảy cứ âm ỉ thiêu đốt ở trong lòng (có sân rồi mới có ưu). Hận là khi trạng thái ưu gia tăng cường độ, cứ kích thích, nung nấu mãi khiến ta muốn chối bỏ, triệt tiêu, đánh đập, huỷ hoại đối tượng.
Cho nên hành giả tu minh sát phải quan sát tiến trình nó sinh khởi đến lúc tâm sân khởi lên thì minh sátdạy rằng "sân tuệ tri sân", bằng không nó sẽ tự phát, tạo tác qua thân, khẩu, ý liền.
Hỏi: “Vậy thì hành giả làm sao tăng trưởng được ‘tuệ tri sân’, rồi ‘diệt cái sân’?”
Trả lời: Làm sao mà diệt sân được, cứ quan sát, ghi nhận trọn vẹn với chánh niệm, tỉnh giác thì sân nó tự lui. Nói một cách bóng bẩy hơn, mình nhìn ngắm nó như là nhìn đám mây trời trôi vô định vậy, nó trôi xa dần, xa dần rồi tan loãng ra. Cũng vậy, khi quan sát cái sân một hồi nó sẽ tự lắng dịu cho đến hết. Các pháp đến tâm mình thì cứ nhìn như đám mây trắng vậy đó, mình không làm gì cả thì tự thân nó vẫn trôi, vẫn tan; nó vốn là pháp trần, khách trần, nó không vào trú trong tâm ta được, nó là khách qua đường, chỉ khi ta rót nước mời trà nó mới đến. Tương tự, như khi ta đau nhức, thực ra cái đau là một pháp trần, nếu ta tuệ tri, nhìn ngắm “cái đau như nó là” thì tự động chấm dứt, vậy là ta không mời nó đến. Nếu ta cứ than vãn, trách móc, kêu la thì giống như mời cái đau xen dự vào cái đau hiện hữu, đau càng đau thêm.
Vậy, tuệ tri là không làm gì cả, minh sát là quan sát cho rõ ràng thôi, không có người quan sát, không có đối tượng để quan sát. Khi quan sát cái sân thì thấy chỉ là một dòng "sân" đang trôi chảy miên tục mà thôi. Khi lập định rằng: Tôi đang nhìn nó (có chủ thể và đối tượng) thì vấn đề rắc rối phát sanh, có bản ngã tham dự, có năng, có sở tức khắc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng nhìn ngắm một cách nhẹ nhàng như vậy được, sống giữa cuộc đời đôi khi có những sự việc đến rất đột ngột, mình xử lý không kịp, nói như người Huế là "tá hoả tam tinh", nổi “tam bành lục tặc” luôn. Mình cầm cục vàng trên tay, thằng kia tới nó giật mất, khi đó có chánh niệm, tỉnh giác được không, kịp tuệ tri "sân à, sân à" được không. Trong cuộc sống, đôi khi tham, sân phát sinh rất mạnh mẽ, bởi vì đối tượng đầy uy lực, nó tước đoạt tất cả vũ khí của ta, làm cho khả năng phòng ngự của ta bị tê liệt hoàn toàn.
Vậy, hãy nghe mấy câu kệ của ngài Viên Minh để mà tu tập:
“Nói, làm thường thận trọng
Luôn trọn vẹn chú tâm
Lắng nghe, quan sát rõ
Đến, đi pháp lặng thầm”.
Mình không biết "cái sự" nó đến lúc nào (hữu sự). Bình thường khi không có việc gì, đi tới đi lui, làm việc này việc nọ ai cũng thong thả, tự tại cả. Nhưng khi ra ngoài chợ chắc là không thể thong thả tự tại được, đôi khi cướp bên này, giật bên kia là chuyện bình thường.
"Nói, làm thường thận trọng" là giữ gìn cho thân, khẩu được trong sạch, thanh tịnh, không thì rơi vào tà vạy liền, đó là Giới.
"Luôn trọn vẹn chú tâm", mình làm cái gì thì phải niệm, chú tâm vào đó mới mong hoàn thành, đó là Định
"Lắng nghe quan sát rõ" chính là Tuệ.
"Đến, đi pháp lặng thầm". Phải trang bị cho mình đầy đủ Giới, Định, Tuệ để mà sống, để mà đối trị với Pháp, đối trị với những sự việc đến, đi bất chợt trong cuộc sống này
Hỏi: “Hành giả phải tu tập như thế nào để khi tham, sân, phiền não khởi lên thì hành giả có thể ‘tuệ tri’như thực mà không có ý niệm chủ quan của tư kiến?”
Trả lời: Thứ nhất, phải học lại giáo pháp, trang bị cho mình một kiến thức căn bản, tối thiểu. Thứ hai là phải thực hành. Dù ta có tích luỹ kiến thức lớn lao như cả vũ trụ này cũng không đưa đến trí tuệ, chỉ thuần tuý là kiến thức (đôi khi làm trở ngại cho sự giác ngộ giải thoát). Phân biệt về Tuệ phổ thông nhất là: Văn, Tư, Tu. Văn là đọc kinh, nghe pháp, tích luỹ kiến thức. Tư là tư duy, chiêm nghiệm, thẩm sát. Tu là thực hành theo đúng pháp. Nói theo kinh điển, nếu trọn vẹn ba cái này mới phát sanh tuệ giác. Tuy nhiên cũng có người không cần đủ ba cái này, có khi nghe đức Phật hoặc các bậc thánh A-la-hán dạy một câu liền phát sanh tuệ giác liền (không cần Văn, Tu), Như ngài Sāriputta chỉ cần nghe dứt hai câu kệ do tôn giả Assaji đọc lên, ngài liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Hoặc như Bà-la-môn Bāhiya, sau khi nghe đức Phật thuyết pháp tóm tắt, tâm của Bāhiya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ, đắc quả vị A-la-hán (tất nhiên các vị này đã tích lũy đầy đủ ba-la-mật, đã có “văn”, “tu” từ vô lượng kiếp rồi, chỉ khai mở là chứng ngộ).
Trí tuệ có 3 cấp độ, đầu tiên là làm lắng dịu phiền não, cấp độ thứ hai là thấy rõ sự thật, thứ ba là bứng nhổ phiền não, đoạn lìa vô minh và ái dục, minh hiện thì vô minh diệt; mặt trời soi chiếu thì bóng tối tự lui. Đến đây mới thấy rõ Niết -bàn.
Vậy ở bình diện lý trí mới có tư kiến; ở tuệ tri, tuệ giác là đã đang và sẽ nhìn ngắm như thực, không còn tư kiến nữa đâu.
Hỏi: “Thưa thầy, ‘tánh biết’ hay ‘sự nhận biết không lời’ có nằm trong 52 tâm sở không?”
Trả lời: Thầy đọc một câu kinh văn đức Phật nói về Tứ Diệu Đế: “Trong tấm thân một trượng này, cùng với cảm giác và tư tưởng, Như Lai tuyên bố thế gian, Như Lai tuyên bố nguyên nhân của thế gian, Như Lai tuyên bố sự đoạn diệt thế gian, Như Lai tuyên bố con đường đi đến sự tận diệt của thế gian[4]”. Vậy thì tất cả, dù tại thế hay xuất thế đều nằm trong tấm thân một trượng này cùng với cảm giác và tư tưởng, không có cái gì ở ngoài, cho nên “tánh biết” hay “sự nhận biết không lời” nằm sẵn trong 52 tâm sở. Có thể gọi “tánh biết” là cấp độ 1 của “tuệ tâm sở”. Dùng “tuệ tâm sở” nhìn ngắm gọi là “tuệ tri”. Khi tu tập như vậy thì từ “tuệ tri” bước lên cấp độ “tuệ giác” và cuối cùng là “tuệ minh”. Tánh biết rốt ráochính là tuệ minh. Nó không nằm ngoài mấy câu này: “Mắt thấy sắc như thực, tai nghe âm thanh như thực, mũi ngửi mùi như thực, lưỡi nếm vị như thực, thân xúc chạm như thực”.
Và cái gọi là “sự nhận biết không lời” cũng chính là tánh giác đó vậy.
Hỏi: “Cho con hỏi câu về ‘vô ngã’, chúng ta cứ tưởng rằng có một cái ‘ngã’ hay cái ‘tôi’ hường hằng nên chấp vào đó rồi phát sinh ra biết bao trần lao gian khổ. Đức Phật muốn chúng ta từ bỏ cái ‘ngã’ đó đi. Vậy "giác tánh" có thể coi là của mình không hay như thế nào (ý nói ‘giác tánh’ có phải là một cái ‘ngã’không?)”
Trả lời: Vô thường, vô ngã là bản chất của tất cả các pháp, là cái đương nhiên của tâm và pháp, muôn đời là vậy và không thay đổi. Một đoá hoa nhờ vô thường, vô ngã nên sớm nở tối tàn, rồi thì hạt rơi xuống đất, theo thời gian lại nở, lại tàn... Nhờ vô thường vô ngã nên có sum la vạn tượng, có trăng sao nhật nguyệt; rồi các tâm niệm, sắc thân cũng sinh diệt trùng trùng. Tức là thân tâm này, ngoại giới này cũng vô thường, vô ngã. Mình biết vô thường, vô ngã qua khái niệm, qua kinh sách, qua hiểu biết mà chưa thực chứng thì coi như chưa thấy vô thường, vô ngã. Khi tuệ giác phát sanh, dùng minh sát mà chiếu soi, khi đó mới thấy rõ vô thường, vô ngã của tâm và pháp; còn lấy trí phân tích đến tận cùng ở phạm trù hiểu biết của trí năng thì rơi vào vong luẩn quẩn, rơi vào vòng hữu ngã. Tư duy hữu ngã, tư duy ngã tính nó thường trực có trong chúng ta, tôi suy nghĩ điều này, tôi nhận thức điều kia...bao giờ cái "ngã" cũng thường trực, hiện hữu “chình ình” ra đấy. Tuy nhiên, những vị đạt ngộ, họ đã thấy rõ được sự thật nên vẫn đi, đứng, ngồi, nằm như ta mà vẫn không dính mắc. Như các vị thiền sư Việt Nam xưa kia, do kinh nghiệm tâm linh tu chứng, họ thường vô ngại trước mọi chướng duyên, vô ngại trước vô thường biến đổi của cuộc đời: “Gẫm chuyện thịnh suy không sợ hãi[5]. Có vị, càng chướng ngại chừng nào thì tâm tuệ càng sáng trong, càng cao đẹp chừng ấy: “Trên non ngọc đốt màu thêm nhuận, sen nở trong lò sắc chẳng phai[6]. Có vị không cần hỏi gì cả, chỉ tin vào nắm tay quyền biến phương tiện của mình: “Trước mắt, nắm tay dùng việc lớn, biết chi phàm thánh với tây đông[7]. Tuy nhiên, có lẽ, câu nói sau đây của ngài Viên Minh - một vị thiền sư đương đại, nó gần với văn mạch luận chứng của chúng ta: “Tự do là ung dung trong ràng buộc, hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”.
Một cảm thọ chỉ là cảm thọ, một nhận thức chỉ là nhận thức, tiến trình xảy ra nơi thân, thọ, tâm, pháp đều ghi nhận như thực vậy để biết rõ nó khởi sanh, tồn tại và diệt mất. Vậy thì, nếu tu tập trình tự thì mình tu tập minh sát, ngồi lắng nghe, vì duyên khởi, vì vô thường, vô ngã nên không tánh. Do vậy, Trung Quán Luận của ngài Long Thọ hay Kim Cương Bát Nhã cũng y cứ trên sự thật duyên sinh, vô thường, vô ngã, không tánh mà lập luận, lập tông.
Vậy thì người tu tập minh sát không cần diệt ngã – vì có ngã đâu mà diệt? Chỉ cần ghi nhận như thực mọi trạng thái của tâm và pháp, và lưu ý cho một điều rằng: Vô thường, vô ngã theo định luật tự nhiêncủa trời đất không phải là vấn đề, vì không đưa đến khổ. Vô thường, vô ngã của nội tâm (thương, ghét, vui, buồn…) mới đưa đến khổ.
Còn câu hỏi: Vô ngã có phải là ngã không – thì người ấy chưa thật sự thấy vô ngã, mà chỉ là tưởng tri hay thức tri vô ngã. Tưởng tri, thức tri vô ngã là còn ngã; tuệ tri, giác tri, minh tri vô ngã mới thật sự trọn vẹn thân chúng vô ngã!
Tỳ khưu Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
[1] Viết để kỷ niệm ngày Huyền Không từ giã đỉnh núi mây mù, Hải Vân, Lăng Cô, thiên di đến thôn Nham Biều, bên sông Bạch Yến, ngày 17/11- Mậu Ngọ, 1978
[2] Abhidhamma có nói đến 4 đối tượng của tâm đó là rất nhỏ, nhỏ, lớn, rất lớn; và nếu là “rất lớn” thì tham và sân dễ khởi động
[3] Ý nói là bậc thánh A-la-hán
[4] Thế gian ở các câu kinh văn này là “loka” và “dukkha”
[5] Nhậm vận thịnh suy vô bố úy – Vạn Hạnh
[6] Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận, liên phát lô trung thấp vị can – Ngộ Ấn
[7] Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ, thùy tri phàm thánh dữ tây đông – Khánh Hỷ