Nghiệp báo đã sinh ra chúng ta, hiện diện trên cõi đời này không thể thiếu đôi bàn chân và khối óc. Hay nói cách khác mỗi bước chân sẽ gắn liền chúng ta đến hết cuộc đời và lặng lẽ nâng bước ta đi vào cuộc sống. Theo thời gian tưởng chừng là đơn giản, chỉ là một bàn chân hay bước chân, không có giá trị vĩ đại. Nhưng luôn đồng hành sát cánh trong những thăng trầm một kiếp người. Đa phần chúng ta chỉ quan tâm tới những việc gì lớn lao, vĩ đại như thành công, danh vọng, đâu đó bẵng quên đi những thứ nhỏ nhặt. Nó âm thầm đóng góp vào sự thành công, không phải là sự ngẫu nhiên. Thật hiếm khi chúng ta quan tâm để ý từng bước chân đi của mình, đi như thế nào, đi trong tư thế ra sao? hay đi thì chỉ biết đi vậy thôi, đi giống như người vô cảm, đi trong dục vọng. Không để tâm vào từng bước chân đi của mình, không phải đi trong chánh niệm mà đi trong điên đảo, đi như ma đuổi, đi trong sân hận… Có thể nói như đi trong thất niệm (không có chánh niệm). Một khi chúng ta không làm chủ bước chân của mình thì với việc làm chủ tâm rất khó, vốn dĩ tâm của chúng ta luôn thay đổi trong từng hơi thở. Hay nói cách khác nữa, tâm của chúng ta giống như luồng gió nhẹ thôi đưa, không bám trụ tâm một nơi nhất định, tâm luôn biến động theo hoàn cảnh do thế, cuộc đời không có thể đứng yên và làm chủ được.
Chính vì lẽ đó chúng ta là những hành giả trẻ hôm nay, những vị kế thừa tài sản trí tuệ của Như Lai. Ngài đã tìm ra một chân lý sống vi diệu cho nhân loại. Khi đức Phật còn tại thế, ngài từng dạy hàng đệ tử, mỗi bước chân đi là một trải nghiệm của đời sống tu tập, cho nên khi đi phải hết sức chánh niệm, không chỉ chánh niệm trong từng bước chân mà chánh niệm trong từng giờ, từng phút, từng hơi thể, bởi vì cuộc sống vốn dĩ thuận theo lý vô thường. Cho nên khi đi thì biết đi, khi làm thì biết làm, khi ăn thì biết ăn… Đừng để thất niệm chen vào tâm, phải giữ tâm chánh niệm tức là tâm chân chánh, đa phần chúng ta sống trong vọng niệm quá nhiều. Chúng ta đi tìm chân lý giải thoát tức là tìm lại bản tâm của mình đã mất. Phải tìm ra chơn tâm và trụ tâm lại một chỗ, tâm điên đảo mà mình không biết để giữ tâm. Nếu biết rõ tâm mình thì cuộc sống hàng ngày chúng ta vô cùng an lạc không có chướng duyên trở ngại. Tâm mình tốt thì cả cuộc đời mình tốt. Chính vì lẽ đó, trước tiên hành giả phải biết thúc liễm thân tâm, đừng để tâm tiếp xúc sáu trần bên ngoài quá nhiều.
Ngược lại quá khứ, nhìn vào dòng lịch sử của chư vị tổ sư. Chúng ta thấy có một lần ngài Thần Quang đến xin tổ Đạt Ma chỉ dạy phương pháp an tâm. Tổ Đạt Ma bảo đem tâm ra đây ta an cho, nhưng ngài Thần Quang tìm tâm hoài không thấy. Tổ Đạt Ma liền bảo ta đã an tâm cho ngươi rồi. Nghe đến đây, Thần Quang liền khế ngộ và từ đó được tổ Đạt Ma đổi tên thành Huệ Khả. Qua câu chuyện cho chúng ta thấy, khi định tâm lại một chỗ, tất cả mỗi phiền não, ố trược trong tâm sẽ dần gọt bỏ, còn lại viên ngọc sáng của tâm chơn như tức là tâm đã an. Làm chủ bước chân cũng là một pháp môn tu tập. Nếu biết vận dụng trong cuộc sống thì trên bước đường tu tập chúng ta sẽ được an lạc vô cùng. Sở dĩ ngày nay phương tiện vật chất ngày càng hiện đại phong phú nhưng nhân cách đạo đức ngày một đi xuống bị suy thoái vì chúng ta không biết tu tập làm chủ từng bước chân của mình. Hành giả nên tìm thời gian để quán chiếu từng bước chân đi của mình, hôm nay ta đã đi như thế nào? Đi trong chơn hay đi trong vọng? Quán chiếu như vậy thật kỹ thì lúc đó mình mới làm chủ được tâm. Nếu không làm chủ bước chân thì sẽ đồng nghĩa như cuộc đời phía trước sẽ là một chặng đường khó khăn. Không làm chủ tâm tức là gánh nặng không những cho chúng ta mà còn làm tăng thêm gánh nặng cho xã hội.
Thời đức Phật và các thánh đệ tử của ngài còn tại thế, mỗi bước chân của các ngài đi tới đâu là mỗi bước chân chánh niệm, là nơi đó có sự bình yên, hỷ lạc. Bởi vì từ các ngài đã lan tỏa ra năng lượng từ bi đến tất cả chúng sanh đang chìm đắm trong ngũ dục. Đó là một con người vĩ đại của tha nhân, cho nên chúng ta là những hậu học của Đức Như Lai, phải để tâm và huân tập tâm, và tuyệt nhiên nên học làm chủ bước chân của mình, tức là quán sát để buông bỏ vọng niệm, giữ chánh niệm, sáng suốt, trí tuệ thì lúc đó cuộc đời chúng ta sẽ có giá trị cho chính mình và nhân loại. Đó là vấn đề chủ yếu cho hành giả xuất gia cũng như tại gia.
Tại sao đức Phật dạy hàng đệ tử phải làm chủ bước chân, bởi lẽ ngài thấu rõ và biết được khi ngài nhập Niết Bàn, đệ tử của ngài sẽ dễ mất chánh niệm, bị lôi cuốn trong điên đảo, ngu si và phân biệt tính toán. Trước những cám dỗ của thất tình, lục dục hành giả sẽ khó nhìn lại bản thân mình. Cho nên tập làm chủ bước chân thì lúc đó cuộc đời mình mới có ý nghĩa và con đường đi đến giác ngộ, cánh cửa giải thoát mới mở rộng lớn cho mỗi hành giả chúng ta.