Sức mạnh của niềm tin nơi Thánh đường St-Joseph
Hoàng Thanh/Viễn Đông
MONTREAL - Một thành phố nửa tân, nửa cổ, với rất nhiều nét đặc thù, Montréal, Canada, còn nổi tiếng với Thánh đường St-Joseph, được xem là lớn nhất cả vùng Bắc Mỹ, và là chốn linh thiêng nhiều người đến cầu nguyện để mong đạt được những điều mong ước.
Tôi đến thánh đường này lần đầu tiên vào năm 1993. Ngay khi vừa đến định cư tại Montréal năm 1990, tôi đã nghe nhiều huyền thoại về sự linh thiêng và nhiệm màu của ngôi thánh đường. Nhưng thời gian đó, tôi quá bận rộn với việc học hành lại vừa đi làm, nên tôi chưa có thời giờ đến chiêm ngưỡng.
Ba năm sau, thì tôi sắp có cuộc thi tốt nghiệp ra trường. Tôi tin vào khả năng của mình, nên không hề có ý định đi đâu mà cầu xin cả. Thế nhưng trong lớp tôi có bác Mai, năm đó bác đã gần 60 tuổi. Bác qua Canada với 4 con nhỏ, tuổi già, trí nhớ sa sút, nên lúc đầu bác đi làm đủ các ngành nghề khác để kiếm sống nuôi con. Với đồng lương tối thiểu ít ỏi, 5 mẹ con đùm bọc lẫn nhau. Có người khuyên bác nên cố gắng học mà thi lấy lại bằng dược sĩ thì cuộc sống sẽ khá hơn, và thế là bác ráng "thử vận mệnh" một lần xem sao.
Giúp bác Mai học mỗi ngày, nên tôi biết, trí nhớ của bác rất kém, cả sức khoẻ cũng yếu; tôi cứ nghĩ bụng là làm sao mà bác có thể đậu được kỳ thi cam go này cho nổi. Còn hai ngày trước khi thi, bác Mai nhờ tôi chở bác đến Thánh đường St-Joseph để cầu nguyện, vì bác không biết lái xe. Tôi cự ngay: "Thi cử mà bác cầu nguyện? Vậy thôi con cũng không học bài làm gì, cứ đợi đến ngày thi rồi đến cầu nguyện, là ai ai cũng sẽ thi đậu hết sao?". Thế là bác năn nỉ tôi.
Xiêu lòng, tôi chở bác đến đó. Tôi chỉ đi vào một vòng thăm viếng thánh đường, chứ không hề cầu nguyện gì cả. Quay qua không thấy bác Mai đâu, tôi vội đi tìm, thì bắt gặp bác đang quỳ gối, lần theo từng nấc thang một mà đi lên thánh đường, trong cái lạnh căm căm của mùa Đông. Hình ảnh đó đã làm tôi thật sự xúc động. Tôi đứng co ro trong chiếc áo choàng mùa Đông, vậy mà vẫn còn run; trong khi bác Mai, người đàn bà gần 60 tuổi, có thể làm được cái điều mà một cô gái chưa đầy ba mươi - là tôi, không làm nổi.
Và rồi sự màu nhiệm đã xảy ra, khi bác Mai thi đậu, dù chỉ với số điểm vừa đủ đậu. Cả lớp học ngạc nhiên, bác thì chỉ cười, không giấu được niềm vui. Bác cám ơn tôi, và khi thấy tôi có vẻ bán tin bán nghi về chuyện bác thi đậu, bác chỉ nói, "Vì bác có niềm tin, con à". Niềm tin - tôi tự hỏi, lẽ nào lại có sức mạnh đến thế sao?
Khách viếng thăm quỳ lạy trên từng bậc thang một dẫn lên Thánh đường St-Joseph – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông
* Ngôi thánh đường dựng lên từ niềm tin mãnh liệt
Khi nói về Thánh đường St-Joseph, người ta thường nhắc đến công ơn của Brother André - người đã xây dựng nên ngôi thánh đường này. Ông tên thật là Alfred Bessette, sinh ngày 9-8-1845 tại Saint Grégoire d'Iberville, một vùng phía đông nam của Montréal, trong một gia đình nghèo khó với 9 anh chị em. Ba ông mất khi ông vừa 9 tuổi và Mẹ ông mất 3 năm sau đó. Lăn lóc với đủ mọi nghề để mưu sinh, nhưng với vóc dáng ông mảnh mai, yếu đuối, và sức khỏe rất kém, ông chỉ còn biết cầu nguyện Thánh Joseph cho ông có đủ nghị lực, để vượt qua những chướng ngại của cuộc đời. Với niềm tin mãnh liệt vào Thánh Joseph, ông thường khuyến khích giúp đỡ và khuyên bạn bè, những người đang lâm vào những hoàn cảnh khốn khó mà ông quen biết: “Hãy có niềm tin vào Thánh Joseph và cầu nguyện Ngài”.
Tiếng lành đồn xa, những người bệnh nan y, những kẻ bất hạnh đều tìm đến ông, như một cứu cánh cuối cùng của đời họ. Và hầu như sau đó ai ai cũng nhận được những phép lạ nhiệm màu làm thay đổi cuộc đời họ. Nhưng Brother André luôn luôn nói: “Tôi không có phép lạ, nhưng chính niềm tin của mọi người vào Thánh Joseph đã cứu họ”.
Số người tìm đến ông ngày càng đông, nên ông có ý nghĩ cần phải xây một nhà thờ nhỏ làm nơi tiếp đón họ. Thế là ngôi nhà thờ nhỏ (chapel) đầu tiên ra đời năm 1904, những chẳng bao lâu thì lại trở nên quá nhỏ với hằng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Năm 1908, chapel được nới rộng ra thêm, nhưng chẳng bao lâu thì lại trở nên quá chật, và mọi người cùng có chung ý nghĩ là cần phải xây một ngôi thánh đường lớn hơn nữa, thì mới đủ chỗ chứa hằng ngàn người từ mọi phương kéo về hằng năm. Năm 1917, nhà thờ Crypt-Church ra đời, với sức chứa hơn một ngàn người, và Brother André luôn luôn nuôi ước mộng trong tương lai sẽ có thể xây được một thánh đường thật vĩ đại, nhằm vinh danh và cám ơn Thánh Joseph, vì sự cứu rỗi của Ngài.
Linh mục đang làm lễ trong Thánh đường St-Joseph – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông
Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 đã làm cho công trình xây dựng lịch sử này bị đình trệ. Năm 1936 thì hội đồng thành phố có cuộc họp để quyết định có nên tiếp tục công trình này hay không. Khi được hỏi ý kiến, Brother André chỉ trả lời rằng, “Đây là một công trình lịch sử để vinh danh và cám ơn Thánh Joseph, thế thì chúng ta hãy nên hỏi ý Ngài. Hãy đặt tượng của Ngài ngay giữa tòa building nơi sẽ diễn ra cuộc họp”. Thế là chưa đầy một tháng sau, ngay cả trước khi cuộc họp diễn ra, thì nhà thờ nhận đủ số tiền cần thiết - một số tiền không nhỏ, từ các tổ chức từ thiện, và các tín đồ... và công trình thế là được tiếp tục. Thật là một phép lạ nhiệm màu...
Brother André mất ngày 9-1-1937, khi ông tròn 91 tuổi. Hơn một triệu người từ khắp nơi đổ về dự tang lễ ông. Thân thể ông được tẩm liệm đặc biệt trước khi được đặt nào một lăng mộ và được di chuyển lên Thánh đường St-Joseph trên ngọn núi Mount Royal, trong sự thương tiếc của cả ngàn dòng người đưa tiễn. Ngày nay khi đến viếng Thánh đường, người ta có thể vào xem và cúi người trước lăng mộ ông.
Thánh đường St-Joseph, nơi ca ngợi, vinh danh Thánh Joseph lớn nhất trên toàn thế giới, nằm trên đỉnh núi Mount Royal, thoai thoải theo dốc lộ Côte des Neiges. Hằng năm có hơn hai triệu khách tứ phương kéo về đây để chiêm ngưỡng và cầu nguyện.
* Niềm tin tiếp sức
15 năm sau, tôi có dịp về lại Montréal thăm Mẹ và các em. Lúc tôi sắp đi, cô Kim Anh (một người tôi quen, cô đang trong thời kỳ hấp hối, vì bác sĩ đã "chịu thua", và ước đoán là cô chỉ còn sống vài tháng nữa mà thôi) gọi cho tôi và hỏi thăm rất chi tiết về sự nhiệm màu của ngôi thánh đường này. Tôi nói cô nghe tất cả những gì tôi biết. Thế là cô Anh và con gái quyết định sẽ đi một chuyến qua Montréal để cầu nguyện. Nhưng khi cô hỏi bác sĩ, thì ai ai cũng lắc đầu, vì sức khoẻ cô quá yếu, sẽ không đi nổi một chuyến bay dài 6 tiếng như vậy. Cô gọi cho tôi, hỏi tôi có cách nào giúp cô không. Tôi suy nghĩ rồi nói, "Hay là qua đó con sẽ đến Thánh đường St-Joseph. Con sẽ gọi cho cô biết trước ngày giờ, rồi khi vào trong thánh đường, con gọi cô và hai cô cháu mình cùng cầu nguyện...". Và cô đồng ý...
Một ngày Hè cuối tháng 7, tôi lái xe dọc theo dốc lộ Côtes Des Neiges (con đường này thật ra là một con dốc, vào mùa Đông luôn luôn phủ đầy tuyết, nên mới có cái tên này), rồi lên dốc để từ từ rẽ vào Thánh đường St-Joseph. Con đường nhỏ, ngoằn nghèo dẫn khách thập phương lên thánh đường ở trên đỉnh núi Mount Royal, với những bãi cỏ xanh mướt hai bên đường, sao mà bình an một cách lạ lùng.
Ngoài con đường dành cho xe hơi, còn có một dãy thang lầu dành riêng cho người đi bộ. Hơn cả trăm nấc thang dẫn từ chân núi lên đến đỉnh núi, là nơi mà người ta tin rằng nếu mình vừa quỳ để đi lên bằng từng nấc thang, vừa cầu nguyện, thì điều ước nguyện sẽ thành sự thật.
Thả bộ theo con dốc dẫn lên thánh đường, tôi bất chợt nhìn thấy một người đàn ông đang dìu một người phụ nữ, mà tôi đoán là hai vợ chồng, họ quỳ theo từng nấc thang, và cứ xong mỗi nấc thang, thì hai hai người dừng lại, xem cái gì đó trong tay của người đàn bà. Tò mò, tôi bước đến hỏi xem tôi có thể giúp gì được không, thì người đàn ông cho biết là vợ ông bị ung thư tử cung giai đoạn cuối, nên ông và vợ lặn lội từ Pháp sang đây để cầu nguyện. Trong tay người vợ là cuốn Thánh kinh nhỏ, và cứ thế mỗi nấc thang là hai vợ chồng cùng đọc một trang Thánh kinh. Tôi hỏi tên người phụ nữ, Linda Coulombe, để lát nữa khi vào trong tôi sẽ cầu nguyện cho bà.
Bước vào thánh đường, tôi thấy ngay bức tượng Thánh Joseph được tạc vào năm 1955. Kế bên là một bình "dầu màu nhiệm". Tục truyền rằng xưa kia, sau khi làm lễ cầu xin Thánh Joseph, thì Brother André luôn luôn dùng bình dầu này xức vào nơi đau của người bệnh, và đã chữa lành cho rất nhiều người. Bên trong thánh đường, đã có cả hàng ngàn người đang làm lễ. Tiếng vị linh mục trên cao đọc Thánh kinh, và phía dưới biết bao người đang thành kính chắp tay cầu nguyện. Tôi đạo Phật, vậy mà vẫn cảm thấy lòng mình bình an chi lạ.
Nghiêm trang cầu nguyện – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông
Bên trong thánh đường thật đẹp, với đầy những ánh đèn vừa sáng lại vừa huyền ảo. Tôi cũng đứng dự cho hết buổi, rồi khi lễ tan, mọi người bước sang khu cầu nguyện.
Khu Cầu nguyện được chia làm 6 khu vực nhỏ, tùy theo mình muốn cầu gì. Trung tâm chính là nơi thắp nến, với bức tượng Thánh Joseph sừng sững trên cao, và phía dưới là những ngọn nến lung linh mờ ảo. Hầu như ai ai cũng đến đây, châm một ngọn nến để tạ ơn Ngài. Tôi cũng vậy, tôi dẫn cô cháu bé 4 tuổi - Christina - đến thắp nến. Na lăng xăng giành châm nến, rồi quỳ xuống thành khẩn nói nho nhỏ gì đó trong miệng. Tôi hỏi bé, "Con nói gì vậy? Con niệm A Di Đà Phật hả?". Na nói ngay, "No, trong đây là nhà thờ, mình phải niệm Amen, là Chúa đó. Phật thương mình, mà Chúa cũng thương mình nữa...". Tôi xoa đầu cô cháu nhỏ dễ thương, hỏi tiếp: "Thế con cầu gì nè?". Bé nhanh nhẩu nói ngay, "Na cầu cho tất cả family có nhiều sức khỏe và hạnh phúc".
Bỗng dưng tôi gặp một phái đoàn đang quay phim, từng người một xếp hàng lần lượt bước lên, để vị linh mục đặt bàn tay lên đầu của từng người, trước ánh sáng chập chùng của ngàn ngọn nến. Hỏi ra thì được biết đó phái đoàn hành hương của một nhà thờ ở châu Âu, và cuối chuyến hành hương thì mỗi người sẽ được nhận một tấm hình khi làm lễ như thế, như một kỷ niệm về chuyến đi đầy ý nghĩa. Dắt tay cháu qua các khu phụ kế bên, tôi nhìn thấy có tất cả 6 khu nhỏ:
nơi dành cho người bệnh tật, mong cầu sức khoẻ;
nơi dành cho gia đình lục đục, cầu hạnh phúc;
nơi dành cho người mất việc, cầu công ăn việc làm;
nơi dành cho những người đang hấp hối, cầu phép lạ hồi sinh hay ra đi an bình;
nơi dành cho những người bất hạnh, cầu xua đuổi ma chướng;
nơi cầu nguyện tìm được người bạn đời hợp ý, dành cho những ai còn độc thân.
Và tôi gọi điện thoại cho cô Anh. Cô thành khẩn cầu nguyện ở bên kia đầu dây, trong khi bên này tôi quỳ xuống ở khu vực cầu cho những người hấp hối. Cả hai người, một ở Montréal, một ở Cali, đều gửi hết niềm tin vào Thánh Joseph. Cô Anh thường bảo tôi rằng, “cô không sợ chết, vì dù gì cô đã thọ rồi, cô chỉ cầu cho cô được ra đi thật nhẹ nhàng, bình an”, và tôi đã thành tâm chuyển ý muốn của cô đến với Ngài...
Tôi hơi ngạc nhiên khi nhận ra là có khu vực dành cho những người còn độc thân, và có vài thanh niên, thiếu nữ đang quỳ ở đó. Tình cờ thấy một nhân viên của thánh đường trong bộ đồng phục đi ngang, tôi hỏi cô, “Nơi này là dành cho những người muốn tìm chồng, hay kiếm vợ à?”. Cô cười, thật dễ thương, và đáp bằng một giọng nhỏ nhẹ: “Có thể, nhưng nói chung là cho những ai đang đi tìm một người tri kỷ trong đời. Người đó có thể là người bạn thân mất tin tức từ lâu, hay cũng có thể là một người nào đó mà mình có thể chia sẻ mọi buồn vui...”. Cám ơn cô, tôi bước đến, quỳ xuống và cầu nguyện...
Những chiếc nạng gỗ mà người tàn tật để lại trong Thánh đường St-Joseph sau khi lành lặn – ảnh: Hoàng Thanh/Viễn Đông
Ngước nhìn lên cả hai bên tường, tôi thấy đầy những chiếc gậy, và những cặp nạng gỗ treo đầy trên cao. Người ta bảo tôi đó là những "chứng tích" mà những bệnh nhân tàn tật đã bỏ lại, sau khi ước nguyện của họ thành hiện thực và họ có thể đi đứng lại bình thường. Cô hướng dẫn viên còn nói thêm, là hằng năm số lượng những chiếc nạng này càng lúc càng nhiều, nên thánh đường đành phải từ chối nhã ý của những người thành tâm muốn để lại những cặp nạng như một bằng chứng cụ thể của niềm tin. Hầu như du khách nào đến đây cũng chụp hình những chiếc nạng gỗ đặc biệt này....
Bước ra ngoài, chiều Montréal thật đẹp. Gió lộng, trời xanh. Đứng trên cao nhìn xuống, những dòng xe nối đuôi nhau, những hàng người tiếp nối lên dốc để vào viếng thánh đường. Tôi bỗng nhìn thấy một phụ nữ lớn tuổi, tóc bạc trắng, đang quỵ xuống bên thành cầu thang. Tôi chạy lại đỡ bà dậy. Tôi hỏi "Are you ok?", thì bà gật đầu, nhưng gương mặt bà trông mệt mỏi, và hơi thở bà nặng nề. Tôi tiếp, "Tôi dẫn bà vào trong ngồi nghỉ nhe", thì bà lắc đầu. Một lát sau, có lẽ khỏe hơn, bà nói, bằng thứ tiếng Anh chắp vá, "Tôi đến đây cầu nguyện cho con trai tôi đang ở chiến trường Afghanistan, cả mấy tháng rồi không được tin gì của nó, tôi lo lắm...". Tôi ái ngại, "Chúa nghe được lời mong cầu của bà mà. Bà đứng dậy, vào nghỉ đi, không sẽ có hại cho sức khỏe của bà đó”. Bà lắc đầu, mắt ươn ướt, "Thank you, I'm ok", rồi bà tiếp tục quỳ lần từng nấc thang đi lên. Tôi nhìn theo, lòng chết lặng. Chỉ có lòng mẹ mới bao la đến thế. Chỉ có sức mạnh của niềm tin và tình yêu dành cho con mới giúp bà có được sức mạnh phi thường đến vậy...
Gần 4 giờ chiều. Montréal vẫn lộng gió. Tôi cứ đứng trên cao, mãi nhìn xuống khung cảnh quang đãng, đẹp tuyệt vời và thật bình an. Bãi cỏ xanh phía dưới. Nắng chiều vàng hoàng hôn ngả dần về hướng Tây. Nhìn mãi, không chán, chẳng muốn về.
Bé Na đứng kế bên tôi, bỗng dưng bé chỉ tay về phía người phụ nữ tóc bạn phơ khi nãy - bà vẫn còn hì hục quỳ lết lên từng bậc thang để cầu nguyện cho con trai. Bé hỏi, "Dì biết tại sao mà bà này không lạnh hôn? Tại sao bà ta quỳ hoài mà không mệt hôn?". Tôi cười hỏi, "Tại sao vậy con?". Na giải thích, theo cái lý luận rất con nít của nó, "Tại bà tin, bà tin là bà mà quỳ vậy, Chúa sẽ thương thì All her wish will come true...". Tôi xúc động gật đầu, bồng bé Na lên, mắt vẫn nhìn xuống phía dưới.
Bao nhiêu người, đủ mọi sắc dân, già có, trẻ có, nam phụ lão ấu đều đủ cả. Họ đến từ mọi miền khác nhau. Họ đến đây chỉ vì một ước nguyện duy nhất: có được sức khỏe, hạnh phúc và sự bình an. Người da trắng có, da vàng có, cả da đen, đủ loại màu da, thế nhưng trong mắt tôi, họ không hề khác nhau, bởi vì ở họ có cùng một điểm chung, đó là sức mạnh của niềm tin.
Hoàng Thanh / Viễn Đông
2 tháng 9, 2010
Xin mời xem toàn bài viết với hình ảnh minh họa: Sức_mạnh_của_niềm_tin.pdf