Những tính chất đặc biệt của đạo Phật
1) Tự mình giải thoát
Từ trước thời đức Phật xuất hiện trên thế gian này, cuộc đời vẫn thường
đầy dẫy những
sự đau khổ, bất trắc, đấu tranh, lừa đảo, chứ không phải chỉ
có thời hiện tại mà thôi. Do đó,
giáo lý của đạo Phật thường được ví như chiếc thuyền,
gọi là thuyền bát nhã, dùng từ bi và trí tuệ
giúp đỡ con người vượt qua bể khổ,
sông mê, lướt qua bát phong của cuộc đời, đến bến bờ giác ngộ
và giải thoát.
Ðức Phật vẫn sống ngay trên thế gian này, vẫn gặp bao nhiêu khổ nạn của cuộc đời,
nhưng tâm trí của Ngài vẫn an nhiên tự tại, không cần phải đợi đến lúc vãng sanh
về tây phương
cực lạc hay thăng lên thiên đàng!
2) Giác ngộ thành Phật
Mọi người trên thế gian đều có thể trở thành một vị Phật, một bậc sáng suốt
giác ngộ,
không phân biệt nam nữ, xuất xứ, đẳng cấp, trẻ già, thời đại, đã có
gia đình hay chưa, nếu người đó
biết tu tập theo đúng chánh pháp. Có hằng hà sa
số các vị Phật, từ quá khứ, đến hiện tại và vị lai.
Chứ không phải chỉ có một
vị Phật duy nhất làm giáo chủ là đức Phật Thích ca, còn tất cả các loài
chúng
sanh khác đều phải thờ lạy theo tinh thần van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực.
3) Ứng dụng thực tế
Thực chất Ðạo Phật không phải là một tôn giáo, tuy đạo Phật có mang tính
tôn giáo
nhưng không phải là một tôn giáo chỉ xây dựng trên sự cầu nguyện
thuần túy, cho nên cũng có
những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện,
để giúp đỡ những người đang đau khổ trên thế gian
này tìm đến với đạo,
trong những bước ban đầu. Nhưng nếu như con người, dù tại gia hay xuất gia,
đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện
mà thôi, cứ giữ y như
vậy bao nhiêu năm trời, cho rằng như vậy là đủ rồi, không
chịu bước thêm bước nữa, bước đó là:
tìm hiểu xem Ðức Phật dạy những gì,
chánh pháp ở đâu, để áp dụng trong cuộc sống
hằng ngày, thì đau khổ vẫn
hoàn khổ đau, có khác chi bao nhiêu người khác.
4) Cứu cánh mầu nhiệm
Các buổi lễ của Phật giáo, quan trọng nhất là Lễ Phật Ðản, đều nhằm
mục đích dẫn dắt
con người đến với đạo, xoa dịu bớt những nỗi khổ đau
của cuộc đời. Và mục đích quan trọng
hơn hết là: "hãy bước vào cửa đạo",
hay "Phật Đạo", chứ không phải chỉ bước vào cửa chùa rồi thôi,
hoặc vẫn cứ đi lang thang, lòng vòng bên ngoài, bằng lòng với các hình thức
cúng kiến, lễ lạy, các buổi
văn nghệ xổ số, các cuộc vận động cầu vãng sanh
lưu xá lợi, kêu gọi đóng góp tạo chùa to tượng lớn,
chiêm bái, lễ hội, đam mê
chuyện trời rải hoa mạn đà la, hay hoa trời linh thiêng, thích chuyện linh thiêng
huyền bí hấp dẫn, mà không quan tâm việc tu học, tu tâm dưỡng tánh, không
biết đến chánh pháp là gì?
Bước vào cửa đạo, viên thành Phật đạo,
nghĩa là phải
biết tu học theo lời đức Phật dạy trong các
kinh sách, để đạt giác ngộ và
giải thoát, chứ không phải tu mù,
ai bảo sao làm vậy, ai nói sao nghe vậy.
5) Bình đẳng tuyệt đối
Ðức Phật không phải là vị thần linh, hay thượng đế tưởng tượng, chuyên
ban phước ra ơn
hay giáng họa trừng phạt. Cho nên những ai cúng kiến,
tin tưởng, thờ lạy đức Phật theo tinh thần
van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực,
dù ở chùa hay ở nhà, đều không đúng chánh pháp, không đạt
được những
ước muốn như ý. Bởi vì, xin xỏ nhiều thì thất vọng nhiều, cúng kiến nhiều
thì buồn
phiền nhiều, tin tưởng nhiều thì thất vọng, đau khổ nhiều. Trái lại,
những người sống đúng theo
tinh thần những lời dạy của đức Phật,
dù tại gia hay xuất gia, dù có thờ lạy đức Phật hay không,
dù có theo tông
phái nào hay không, thảy đều được an lạc và hạnh phúc hiện thời,
giác ngộ và giải thoát mai sau.
'' Đạo Phật, đạo của mọi người
Gặp nhau trong một nét cười Từ bi
An lành trên mỗi bước đi
Sống theo lời Phật đời ni Niết Bàn..''
Như Nhiên