Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

image



Hán Văn: "A-la-hán giả, năng phi hành biến hóa, khoáng kiếp thọ mạng, trú động thiên địa."

 

Dịch Nghĩa: "Các bậc A-la-hán đều có thể phi hành, biến hóa, có thọ mạng lâu dài tới cả khoáng kiếp và làm động trời đất nơi họ an trụ."

 

Lược giảng:

"Các bậc A-la-hán có thể phi hành, biến hóa." Thế nào gọi là "A-la-hán"? Vừa rồi, chúng ta nói đến Tứ quả A-la-hán. Chứng đắc được quả vị thứ tư trong hàng A-la-hán tức là ở vào vị trí không cần phải học nữa, nên gọi là Vô-học-vị. Riêng các bậc A-la-hán từ Sơ-quả đến Tam-quả thì đều ở vị trí còn phải học hỏi thêm, gọi là Hữu-học-vị. Tứ-quả A-la-hán còn được gọi là Chứng-Đạo-vị, tức là vị trí đắc Đạo; Nhị-quả và Tam quả thì đều được gọi là Tu-Đạo-vị, tức là vị trí đang còn tu Đạo; và Sơ-quả thì được gọi là Kiến-Đạo-vị, vị trí thấy được Đạo.

Phần sau của Kinh Phật Thuyết Tứ Thập Nhị Chương này có dạy rằng:

 

"Thận vật tín nhữ ý, nhữ ý bất khả tín."

(Hãy thận trọng, chớ tin nơi ý nghĩ của ông; ý nghĩ của ông chẳng thể tin được.)

 

Quý vị cần phải đặc biệt lưu tâm, đừng nên tin tưởng ý niệm của mình. Mọi ý niệm của quý vị đều không đáng tin cậy! Phải chứng được quả A-la-hán rồi, thì mới tin được ý mình. Chỉ khi nào quý vị chứng được quả vị thứ tư của hàng A-la-hán, bấy giờ, quý vị mới có thể tin tưởng ở ý niệm của chính mình được. Bậc Thánh nhân đã chứng đắc Tứ-quả A-la-hán thì không còn ái dục - các ngài đều đã cắt được lòng tham ái và lòng tham dục.

 

image

 

Căn cứ vào đâu để biết được đó là một bậc Thánh nhân đã chứng đắc quả vị thứ tư của hàng A-la-hán? Khi bậc Thánh nhân hàng Tứ-quả bước đi, chân không hề chạm đất - bàn chân ngài thường ở cách mặt đất khoảng ba phân, vì như thế mới khỏi giẫm chết các côn trùng hoặc kiến. Ngài chẳng phải như phàm phu chúng ta, thường đạp chết côn trùng và kiến trên lối đi. Ngài không hề giẫm lên trùng và kiến ở dưới chân; điều này chứng minh rằng ngài đã chứng Thánh quả! Không những bậc Thánh nhân ở hàng Tứ-quả, mà ngay cả các bậc ở hàng Sơ-quả cũng có được khả năng ấy; cho nên trong Kinh mới dạy rằng: "Các bậc A-la-hán đều có thể phi hành, biến hóa." Các bậc Tứ-quả A-la-hán muốn đến nơi nào là có thể đến ngay nơi đó, và các ngài đều có khả năng biến hóa khôn lường.

 

Lúc ở Đài Loan, tôi có viếng thăm ngài Quảng-Khâm, một vị sư tu hành đã lâu năm. Khi tôi tỏ ý mời ngài sang Mỹ, thì ngài chỉ vào ngực mình và nói rằng ngài có thể đến bất cứ lúc nào ngài muốn! Ngài muốn đến là đến được; và ngài tự biết mình có đến, chứ người khác thì vẫn không hay biết gì cả. Chỉ những người đã khai nhãn mới có thể thấy được là ngài có đến mà thôi.

 

image

 

Các bậc Tứ-quả A-la-hán không những chỉ có khả năng chuyển dịch tinh thần mà còn có thể chuyển dịch cả nhục thể của các ngài đến bất cứ nơi nào tùy ý nữa. Các ngài không cần mua vé máy bay, mà chỉ du hành trong không trung; cho nên nói: "Có thể phi hành, biến hóa." Các bậc A-la-hán có mười tám phép biến hóa, và những phép biến hóa ấy đều bất khả tư nghì.

 

"Có thọ mạng lâu dài tới cả khoáng kiếp." "Khoáng kiếp" tức là trường-viễn-kiếp, và cũng là vô-lượng-kiếp; nghĩa là quãng thời gian lâu xa, không thể nào tính đếm được. Các bậc Tứ-quả A-la-hán muốn sống bao nhiêu lâu cũng được, không trở ngại gì cả. Khi thân thể này hư hoại, già nua cằn cỗi, thì các ngài có thể đổi lấy một thân thể khác. Vì các ngài có thể thay đổi thân thể một cách rất dễ dàng, cho nên nói rằng các ngài "có thọ mạng lâu dài tới cả khoáng kiếp."

 

Các Thánh nhân chứng đắc Tứ-quả A-la-hán đều đạt được sự tự do về vấn đề sanh tử. Các ngài thật sự được tự do - muốn sống, thì cứ tiếp tục sống; muốn chết, thì bất cứ lúc nào cũng có thể chết được. Các ngài muốn chết đứng, thì đứng mà chết; muốn chết ngồi, thì ngồi mà chết; muốn chết khi đang đi, thì chết khi đang đi; muốn chết trong lúc ngủ, thì chết trong lúc ngủ! Các ngài rất tự do, không ai có thể cai quản được cả. Chính vì thế mà nói là các ngài "có thọ mạng lâu dài tới khoáng kiếp" và được gọi là bậc "Vô-sanh" - không sanh ra mà cũng chẳng chết đi!

 

image

 

"Và làm động trời đất nơi họ an trụ." Các bậc A-la-hán trú ngụ ở nơi nào, thì Thiên-thần và Địa-thần đều sanh lòng cảm động, và đều thọ nhận sự giáo hóa của các ngài; đó là ý nghĩa của câu "trụ động thiên-địa - làm rúng động trời đất nơi các ngài an trụ." Nơi nào các ngài an trụ cũng đều có Trời, Rồng, cùng Tám bộ chúng thường xuyên lui tới hộ pháp. Hễ nơi nào có một bậc A-la-hán an trụ, thì nơi đó rất bình yên, không hề có các loại tai nạn như gió lốc, gió xoáy, mưa bão, động đất, vỡ đê, sóng thần...xảy ra. Đó là vì các Thiện-thần và các vị Hộ-pháp luôn luôn ủng hộ bậc A-la-hán làm cho mọi việc có liên quan đến ngài đều được may mắn, thuận lợi.

 

image

 

Tuy nhiên, lắm lúc các bậc A-la-hán cũng gặp phải chuyện không may. Đó chính là "nghiệp-cảm sở hiện" - sự ứng hiện của những nghiệp chướng mà các ngài đã gây ra trong đời quá khứ. Thỉnh thoảng những tình cảnh như thế cũng có xảy ra. Bởi vì nếu sự tu hành ở nhân-địa không được viên mãn, thì lúc ở quả-địa sẽ phải chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ. Cho nên nói rằng:

 

Tu phúc bất tu huệ, tượng thân quải anh lạc,

Tu huệ bất tu phúc, La-hán ứng cúng bạc.

 

(Tu phước mà không tu huệ, thì cũng như thân voi đeo chuỗi ngọc;

Tu huệ mà không tu phước, thì chẳng khác nào vị La-hán ít được cúng dường.)

 

Có nhiều khi các bậc A-la-hán cũng không có cơm ăn, đi hóa duyên khất thực mà chẳng ai cúng dường cả! Đó là vì lúc ở nhân-địa các ngài chỉ biết tu huệ chứ không biết tu phước, nên sau khi chứng được quả vị A-la-hán, các ngài không có phước báo, rất ít người cúng dường các ngài!

 

image

 

Câu "Trụ động thiên địa" cũng có thể được giải thích theo cách khác: Bất luận bậc A-la-hán làm gì, nhất cử nhất động của các ngài cũng đều làm cho trời đất bị chấn động, rung chuyển!

 

Trên đây là phần giải thích vắn tắt của từ ngữ "A-la-hán."

 

(Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng năm 1974 Tại Kim Sơn Tự,  San Francisco)


 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm