Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

ducphatthichca-02Đức Phật là đấng đạo sư, là bậc thầy của nhân loại, nhưng ngài cũng là nhà luận lý phân tích, nhà triết học, nhà giáo dục vĩ đại. Kinh tạng Pāli cho chúng ta thấy rõ về các phương phápgiảng dạy của đức Phật một cách chi tiết. Tùy theo từng đối tượng nghe pháp mà Ngài có phương thức truyền đạt khác nhau. Chúng sanh có vô lượng trần lao, phiền não, thì Phật pháp có vô lượng pháp môn tu. Nếu sử dụng đúng phương pháp thì hiệu quả giảng dạy sẽ đạt được kết quả tốt. Tri thứcPhật học là nguồn tri thức minh triết, là giáo lý để thực hành, lối sống, do đó phương pháp giảng dạy là vấn đề vô cùng cần thiết để giới thiệu nguồn tri thức minh triết ấy.

Chính vì điều đó nên trước mỗi thời pháp, Đức Phật đã hình thành một ý tưởng hợp lý trong từng buổi giảng. Ngài đã vận dụng hết tất cả mọi tính năng của các phương pháp, để chọn một chủ đề phù hợpnhất, đưa hành giả đến sự liễu ngộ nhanh nhất. Có nhiều phương thức giảng dạy trong giáo lý của Đức Phật, và mỗi hình thức đều có một chức năng, ý nghĩa riêng. Ở đây, chúng tôi lần lượt giới thiệu một số phương thức giảng dạy của Đức Phật được tìm thấy trong kinh tạng Nikāya.

  1. Phương phápgiảng dạy dần dần

Một trong những đặc điểm cơ bản trong giáo lý của đức Phật là đó là một quá trình học tập dần dần, đào tạo dần dần và cải tiến dần dần. Ngài chỉ ra rằng, hiểu biết sâu xa không đến với con người một cách đột ngột, mà nó phải tuần tự với việc đào tạo dần dần, kiểm soát dần dần và tu tập dần dần.[1] “Ví như, này Pahārāda, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahārāda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình.” Từ quan điểm này, đức Phật đã đề xuất các giải pháp mà bất cứ ai muốn đi tìm chân lý sự thật trước tiên nên quán sát toàn diện rằng nó có xứng đáng là con đường thánh thiện để mình gia nhập. Nếu sau khi quán sát toàn diện, vị ấy thấy rằng đó là bậc thầy xứng đáng cung kính, tôn trọng, xứng đáng hầu cận cúng dường, từ đó vị ấy bắt đầu thực hành theo một số bước xem xét như sau: ( 1) xem xét kiểm tra, (2) Có niềm tin, (3) đi đến gần, (4) tiếp cận tỏ sự kính lễ, (5) vị ấy lóng tai, (6) vị ấy nghe pháp, (7) vị ấy thọ trìpháp, (8) vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì, ( 9) các pháp được hoan hỷ chấp nhận, (10) ước muốn sanh khởi, (11) vị ấy nỗ lực, (12) vị ấy cân nhắc, (13) vị ấy tinh cần  phấn đấu chứng được sự thậttối thượng.[3] Theo Đức Phật, mười ba bước như vậy là hoàn toàn cần thiết cho việc thực hiện sứ mệnh đi tìm chân lý sự thật và mỗi bước có một nhiệm vụ nhất định trong việc đạt đến mục đích khác. [4]

Phương pháp đào tạo dần dần là phương pháp giáo dục khoa học, ứng dụng phổ biến. Qua phương thức này, con người có thể tiếp cận giáo lý từ sơ cơ đến chuyên sâu. Chúng ta có thể thấy rõ phương pháp này trong Tam vô lậu học giới, định, tuệ. Giới là bước đi căn bản đầu tiên trên lộ trình tu học, định là bước tiếp theo, và tuệ để hoàn thiện trọn vẹn lộ trình đó. Kinh Ganaka Moggallāna, thuộc Trung Bộ Kinh cho chúng ta thấy quá trình đào tạo dần dần diễn ra trong Tam vô lậu học giới, định, tuệ. Đầu tiên là chế ngự với sự chế ngự trong giới bổn; tiếp theo là an trú chánh niệm, đoạn diệt các dục tham đưa đến chứng và trú vào các tầng thiền; và cuối cùng là tuệ để chứng nghiệm giải thoát và giải thoát tri kiến. Rất nhiều bài kinh khác trong kinh tạng đều sử dụng phương thức giảng dạy này và cho thấy tính hiệu quả tối ưu của nó trong việc tiếp cận, hướng dẫn và đưa mọi người đến với đạo giải thoát.

  1. Phương phápgiảng dạy chi tiết và súc tích

Một hình thức truyền thống khác của Đức Phật truyền đạt giáo pháp là những bài giảng ngắn gọn và chi tiết. Thỉnh thoảng, Ngài thuyết giảng Pháp một cách đầy đủ, nhưng đôi khi cũng giảng dạy một cách ngắn gọn. Sự dài hay ngắn trong bài thuyết pháp tùy thuộc vào đối tượng nghe pháp. Đôi khi, Đức Phậtchỉ nhắc đến một vấn đề cốt lỏi, sau đó một trong những đại đệ tử của Ngài khai triển thêm. Thông thường là những vị Thánh đệ tử như: Tôn giả Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên hay Tôn giả Ca Diếp và A Nan, Tôn giả Ca Chiên Diên, được Đức Phật dạy triển khai thêm nội dung chi tiết. Một số bài kinh trong kinh tạng Nikāya được giảng dạy trong theo hình thức này. Chẳng hạn như trong trường hợp bài kinhTổng thuyết và Biệt thuyết (Uddesavibhangasutta) thuộc Trung Bộ, bản kinh 138, đã ghi lại câu chuyệntrong một bài thuyết giảng. Đức Phật đã xuất hiện trong đoạn đầu của bài pháp thoại như một người truyền cảm hứng với những lời dạy ngắn gọn: “Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối. Này các Tỷ-kheo, nếu thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối, sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh, già, chết trong tương lai.” Đức Thế Tôn thuyết giảng một cách vắn tắt như vậy rồi đi vào Tịnh xá. Sau đó, do vì không thấu hiểu triệt để nghĩa lý này, Chư vị Tỷ kheo ấy liền tìm đến Tôn giả Đại Ca-chiên-diên (Mahakaccana) để cầu thỉnh diễn giảng nghĩa lý đoạn kinh trên. Thế rồi, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên tuần tự trình bày chi tiết về nghĩa lý lời Thế Tôn dạy cho các vị Tỷ kheo khác rõ. Thế nào là thức không tán loạn bởi ngoại trần? Tức thức không truy cầu, không bị trói buộc, không bị cột chặt, không bị triền phược bởi kiết sử vị của sắc tướng. Tương tự như vậy làm cho thức Không tản rộng. Thế nào là tâm không trú trước nội trần? Tức tâm không trú trước nơi sự chứng đắc bốn cấp độ thiền định, từ Sơ thiền đến Tứ thiền. Thế nào không bị chấp thủ quấy rối? Do thức không bị tùy chuyển bởi sự biến hoại trong sắc pháp, nên các pháp quấy rối không khởi lên, xâm nhập tâm và tồn tại. Nhờ sự giải thíchchi tiết như vậy, chư vị Tỷ kheo đã thấu hiểu rõ nghĩa lý. Bài kinh này cho chúng ta thấy một lối thuyết giảng mang tính đặc thù được ghi lại trong kinh tạng.

Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy súc tích và chi tiết này có thể được hiểu là sự chuẩn bị của mình cho mục tiêu giáo dục lâu dài. Việc truyền bá giáo pháp vì hạnh phúc an lạc cho loài người là công việc đáng trân trọng của tất cả các nhà sư Phật giáo. Bằng cách đưa ra những điểm chính của một câu hỏi và để cho các đệ tử ưu tú của mình làm rõ chúng. Trên thực tế Đức Phật đã trao cho họ cơ hội để diễn giảng giáo lý, từ đó họ có thể tự tin tuyên bố mình là một trong những người có khả năng đem giáo lýgiác ngộ của Đức Phật đến với mọi người.

  1. Phương phápđặt câu hỏi và trả lời

Dựa trên tinh thần bảo vệ sự thật (saccānurakkhana), khẳng định chân lý và làm sáng tỏ một số vấn đề, đôi khi cuộc đối thoại của Đức Phật được tiến hành dưới hình thức câu hỏi và câu trả lời. Bằng cách này, Đức Phật đã làm cho giáo lý của mình được phổ biến rộng rãi đến với mọi người. Phương pháp đặt câu hỏi và trả lời làm cho hành giả rất dễ tiếp nhận lời dạy một cách thấu triệt. Vì câu hỏi sẽ tác độngtrực tiếp đến tâm thức người nghe. Từ đó dần dần tháo gỡ những vướng mắc, nghi ngờ, đưa đến đoạn tận phiền não, lậu hoặc.

Thật là tự nhiên khi sự ra đời của Đức Phật và Đạo quả Giác ngộ mà Ngài đã đạt được trong lĩnh vực tư tưởng đã thu hút sự chú ý của giới trí thức đương đại. Canon Pāli thuật lại rằng, có quá nhiều người thuộc dòng tộc Bà la môn (Brahmans) và những tu sĩ ẩn dật đã cải đạo sau khi đã xem xét kỹ lưỡng các định hướng triết học của Đức Phật. Đối với những vị này, vì phần lớn họ đã có một nền tảng niềm tin tôn giáo truyền thống. Do đó, phương pháp đặt câu hỏi và trả lời để tháo gỡ những vướng mắc trong niềm tin tôn giáo truyền thống ấy. Phương thức giảng dạy này được tìm thấy trong rất nhiều kinh trong Tạng (canon) và Hậu tạng (non-canon). Trong Hậu tạng chúng ta thấy điển hình như kinh Na Tiên Tỷ kheo(Milindapanha). Hầu như toàn bộ nội dung của bản kinh này đều được trình bày dưới hình thức câu hỏi và trả lời. Tựa đề của bài kinh cũng cho thấy rõ điều này.

Những trường hợp như vậy xuất hiện khá nhiều trong kinh tạng, đơn cử là cuộc đàm thoại của đức Phậtvới Kāpathika, một thanh niên Bà La Môn thông minh học giỏi, cùng với dân làng của mình do người Brahman Cankì dẫn đầu đến thăm Đức Phật Gotama, khi Ngài đang trên đường đi qua Kosala, dừng lại tại Opasāda. Trong cuộc đối thoại này, thanh niên Bà La Môn Kāpathika đã thảo luận với Đức Phật về quan điểm của Bà La Môn liên quan đến chân lý dựa trên truyền thống Vệ đà. Họ khẳng định rằng, chỉ có những điều được nêu trong thẩm quyền của Vệ Đà là chân lý, còn tất cả những điều khác là giả dối. Đức Phật đã hỏi Kāpathika liệu có ai trong số những người Bà la môn, các thầy dạy Bà La Môn, các tác giả của Vedas, tuyên bố rằng ông ta biết rõ và nhìn thấy: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm.” Kāpathika đã thẳng thắn trả lời: “Thưa không, Tôn giả Gotama.” Rồi Đức Phật đi đến kết luậnrằng: tuyên bố của những Bà la môn về chân lý là hoàn toàn không có căn cứ. Giống như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Cuối cùng, Ngài đã thể hiện quan điểm của riêng mình bằng cách nói rằng, bảo vệ sự thật là không đủ để một người thông minh chắc chắn đi đến kết luận: “Chúng tôi biết việc này, chúng tôi thấy việc này. Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm.” Cuộc đối thoại tiếp tục với những câu hỏi của Kāpathika, và Đức Phật đã tuần tự giải đáp một cách thỏa đáng, dần dần khai ngộ, chứng đạt chân lý, đưa đến tịnh tín hoan hỷ. Sau cùng Kāpathika quy ngưỡng Thế Tôn trở thành cư sĩ Phật tử trọn đời.

Trong các bài thuyết pháp cho các vị Tỷ kheo, những người đại diện cho mô thức truyền bá lời dạy của Đức Phật trên thế gian này được tìm thấy trong Đại kinh Mãn Nguyệt (Mahāpunnama sutta) thuộc Trung Bộ Kinh. Bài kinh này được xây dựng theo hình thức câu hỏi và trả lời liên quan đến một loạt các khái niệm và đề xuất Phật giáo mô tả quan điểm của Đức Phật về con người năm uẩn (pancakkhandhā). Các câu hỏi về sắc, thọ, tưởng, hành và thức được đưa ra và câu trả lời của Đức Phật đã lý giải về tự tínhvô ngã của năm uẩn. Từ đó, dần dần đưa hành giả đi đến sự liễu ngộ về tự tính vô ngã của con ngườivà thế giới, xả bỏ chấp thủ về ‘cái tôi’, ‘của tôi’ và chứng đắc giác ngộ, niết bàn.

Có thể thấy rằng, phương pháp giảng dạy đặt câu hỏi và trả lời đã giúp các vị Tỷ kheo tháo gở rất nhiều sự vướng mắc trong các khái niệm, phạm trù. Và họ cảm thấy sự tín nhiệm cao trong giáo lý, vốn là một loạt các khái niệm và cách tiếp cận bẩm sinh. Trong một hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến vai trò của trí tuệ như là phương tiện đầu tiên và cuối cùng để đạt đến chân lý giải thoát trong Phật giáo, thì tất cả mọi nỗ lực trước hết là để nắm bắt các khái niệm cơ bản và những ý tưởng được thấy trong các lời dạy của Đức Phật. Sau đó, trên cơ sở nhận thức hay chánh kiến (sammāditïtïhi) đưa đến việc hiểu biết thực tế của Pháp cho đến khi có kiến thức giải thoát cuối cùng.

  1. Phương phápphân tích lý luận

Các phương pháp giảng dạy đã làm cho Đức Phật trở nên nổi tiếng là một nhà biện luận đã vượt quanhững nhà hùng biện đương thời. Trong các cuộc tranh luận, Đức Phật thường áp dụng phương phápluận lý phân tích, nhằm làm sáng tỏ vấn đề và thuyết phục đối phương. Đây là phương pháp khoa học thực nghiệm, sử dụng luận lý để chứng minh và khẳng định một vấn đề. Đạo Phật được bảo tồntrong Pāli Canon là sản phẩm của trí tuệ, bắt nguồn từ những lời dạy của Ngài dành cho các đệ tử, cũng như những cuộc thảo luận của Phật với những người Bà la môn, những vị ẩn sĩ. Phương pháp hợp lýhóa được sử dụng trong tất cả các cuộc hội thoại của Đức Phật rõ ràng là phân tích. Chính Đức Phật đã tuyên bố Ngài là một nhà phân tích chứ không phải là một nhà tín ngưỡng thuần túy bình thường.

Trong một trích đoạn từ bài kinh Assalāyana, mô tả Đức Phật tranh luận với một vị học giả Bà la môn về lời tuyên bố của các người Bà la môn về hệ thống giai cấp. Bất cứ khi nào đối mặt với tuyên bố của các người Bà la môn rằng họ cao thượng hơn, Đức Phật đều tranh luận mạnh mẽ chống lại quan điểm bảo thủ của họ. Ngài cho rằng những tuyên bố ấy là vô căn cứ, không thuyết phục. Bài kinhKinh Assalāyana Trung Bộ 93, cho thấy sự tranh luận quyết liệt này.

Thanh niên Assalāyana bạch Thế Tôn: Thưa Tôn giả Gotama, các vị Bà-la-môn nói như sau: “Chỉ có Bà-la-môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là màu da trắng, giai cấp khác là màu da đen; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp phi Bà-la-môn không được như vậy. Chỉ có Bà-la-môn mới là con chính thống Phạm thiên, sanh từ miệng Phạm thiên, do Phạm thiên sanh, do Phạm thiên tạo ra, là con cháu thừa tự Phạm thiên.” Sau lời tuyên bố này, Đức Phật lần lượt đưa ra những luận lý của mình để giải thích, chứng minh rằng lời tuyên bố đó là vô căn cứ. Ngài nói rằng, sự thanh tịnh là kết quả của việc thực hành giới hạnh, không phải do sinh ra mà có. Đức Phật thậm chí tước bỏ tính di truyền của danh từ ‘Bà la môn’ và đem danh từ đó trở về ý nghĩa ban đầu của một người thánh thiện, xác định một người Bà la môn thực sự chính là vị A La Hán. “Không biết chỗ sở thủ, “Thiên, Nhân, Càn-thát-bà, Lậu hoặc được đoạn trừ, Bậc Ứng Cúng, La-Hán, Kẻ ấy Ta mới gọi, Chánh danh Bà-la-môn.”

Không còn nghi ngờ gì nữa, phương pháp phân tích lý luận khoa học của Đức Phật trong tất cả những lời dạy của mình đã chinh phục được những tư tưởng bảo thủ từ những người Bà la môn. Những người luôn tin tưởng vào lý thuyết về sự ra đời và khẳng định đẳng cấp vị trí tuyệt đối tối cao trong xã hội. Theo Đức Phật, không có lý do nào để người ta có thể nhìn nhận một cách tích cực rằng một vị Bà La Môn cao hơn những người khác đơn giản bởi vì ông được sinh ra trong một gia đình Bà La Môn. Bởi vì, không có giai cấp trong dòng nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ.

Tất cả mọi người đều có khả năng trở thành một con người hoàn thiện. Vì vậy, mọi người đều xứng đáng được tôn trọng. Đây là điểm lý thuyết quan trọng trong cuộc tranh luận rằng: giống như một Sát đế lợi, một Phệ xá, một Thủ đà la hay một Bà la môn nếu trong lời nói, hành động và suy nghĩ vô đạo đứcthì họ sẽ chịu một kết quả xấu; nhưng nếu họ sống có đạo đức, thì tất nhiên sẽ được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Đức Phật khẳng định rằng giá trị của một con người nằm ở chỗ phẩm hạnh đạo đứcchứ không phải nơi chốn sinh ra.

  1. Phương phápgiảng dạy bằng ẩn dụ và ảnh dụ

Phương pháp ví dụ so sánh được tìm thấy rất nhiều trong kinh điển Đại thừa. Thậm chí phương phápnày còn được sử dụng trong một cuốn kinh đặc trưng đó là Kinh Bách dụ. Tính năng của phương phápnày được đưa lên một tầm cao hơn trong các ảnh dụ được sử dụng trong Pháp Hoa Kinh. Chẳng hạn ảnh dụ Ngôi nhà lửa, ảnh dụ về Tháp đa bảo,…Thông qua những ảnh dụ này hành giả có thể tiếp cận được chân lý đằng sau ngôn ngữ ảnh dụ đó. Bởi chân lý sự thật thì không thể mô tả bằng ngôn ngữkhái niệm. Thành ra ngôn ngữ ảnh dụ đưa hành giả thấu hiểu qua một tầng nghĩa cao hơn, sâu hơn trong lộ trình ngộ nhập tri kiến Phật.

Phương pháp ẩn dụ xuất hiện rất nhiều trong kinh tạng Nikāya. Theo bà C. A. F. Rhys Davids đây là một đặc điểm rất nổi bật trong Kinh tạng, ghi lại khá nhiều phương pháp dụ ngôn và sử dụng ảnh dụ. Việc giảng dạy giáo lý của Đức Phật được kết nối chặt chẽ với các dữ liệu và sự kiện sống động được rút ra từ cuộc sống thực tiễn hằng ngày. “Hoạt động của con người cũng như đời sống tự nhiên là những lĩnh vực cần quan sát. Với những hình ảnh này nó đã mô tả trọn vẹn đời sống tinh thần, nỗ lực để chuyển hóa, và cung cấp lộ trình để đi đến giải thoát.”[12] Theo HW Schumann, những hình ảnh mà Đức Phậtsử dụng để phản ánh thế giới con người một cách sống động được ghi lại trong kinh tạng. “Hơn tám trăm hình ảnh đã được tính trong Canon Pāli, được vẽ ra từ tất cả các lĩnh vực của cuộc sống đương thời tại Ấn Độ và từ trong môi trường thiên nhiên. Chúng ta thấy rõ các ảnh dụ được khắc họa trong kinh như: thợ kim hoàn đang làm việc, người thợ khắc ngà voi, người tạo mũi tên và thợ gốm; người bán hàng, cắt cỏ cho bò, người thương gia, tiểu thương gia, được sử dụng trong các dụ ngôn. Đức Phậtcũng vẽ những hình ảnh từ thiên nhiên như: sư tử và voi, lòng tham điên dại của con khỉ, sự nhút nhát hào nhoáng của linh dương, sự xảo quyệt của cá sấu… tất cả những điều này được đề cập đến, cũng như thế giới các loài thằn lằn, hoa sen, xoài.” Có thể thấy rằng, trong khi phương pháp phân tích sử dụng thuật ngữ để diễn giải. Các thuật ngữ này trở nên rất rõ ràng trong Văn học A Tỳ Đàm, một bộ phận văn học mang tính phân tích, luận lý. Mô thức này chỉ có thể thích hợp cho những hành giả “Thiện xảo trong Pháp”; trong khi phương pháp giảng dạy minh họa bằng dụ ngôn và so sánh phục vụ cho mục đích quần chúng phổ thông.                                                                                                                                                                                                                                        Theo G. C. Pande, phương phápnày phù hợp với đặc tính bình thường của phần lớn thính chúng. Nhưng nó truyền cảm hứng và đặc tính nguyên thủy trong thông điệp của Đức Phật phù hợp với tình trạng phát triển văn chương trong thời đại của Ngài.  Rhys Davids nhận xét: “Phương pháp giảng dạy bằng những dụ ngôn của Đức Phật có sức thuyết phục lớn, đã gây sự chú ý và thu hút sự hướng tâm của thính chúng. Một dụ ngôn chắc chắnkhông phải là một cuộc tranh luận, nhưng tâm trí và thậm chí cả trí tuệ bị ảnh hưởng nhiều bởi một dụ ngôn còn hơn ngàn luận cứ. Đức Phật rất thông thạo trong nghệ thuật nói chuyện với việc sử dụng một số dụ ngôn và các môn đệ bị thuyết phúc theo Ngài trong vấn đề này.”

Quan sát trên đây của cựu chủ tịch của Hiệp hội Văn học Pāli là hoàn toàn hợp lý và có tính thuyết phụctrong văn học Pāli nói chung, đặc biệt là đặc trưng của Kinh tạng Pāli. Vì sự độc đáo này, các dụ ngôn được sử dụng trong các bài kinh thuộc ngôn ngữ Pāli cho thấy tính sáng tạo ban đầu của nó so với những quy tắc được áp dụng tự động trong Kinh Na Tiên Tỷ kheo (Milindapanõha), một trong những tác phẩm thuộc Hậu tạng. Sự phong phú của các dụ ngôn và phép ẩn dụ tìm thấy trong kinh điển cùng với những dịp cụ thể mà chúng được sử dụng chứng minh sự sáng tạo của Đức Phật và các Thánh đệ tửđầu tiên trong lĩnh vực giảng dạy. Theo Richard F. Gombrich, Đức Phật có một thông điệp đơn giản, khẩn cấp để truyền đạt và khéo léo trong việc tìm kiếm các thuật ngữ mới với những điều tương tự để chuyển tải nó. Vì vậy, các bài kinh đầy trí tưởng tượng của ngài. Bất cứ khi nào có thể, Đức Phật đã áp dụng kiến thức phổ biến của mình vào các cuộc nói chuyện để nó có thể làm cho người nghe nắm bắt được ý tưởng của mình. Việc sử dụng ngôn ngữ đại chúng, bình dân và khái niệm để truyền đạt tư tưởng tôn giáo là điển hình trong cách giảng dạy của Đức Phật.

Trong Tăng Chi, bản kinh (Upakkilesa Sutta, A 5,23), Đức Phật đưa ra một ví dụ, so sánh năm triền cáigiống như năm loại các tạp chất chứa trong vàng. Và trong Āvaraṇa sutta (AN 5,51) so sánh các triền cái giống như năm con đập được xây dựng trên một dòng sông, do vậy chúng sẽ làm chậm hoặc thậm chí ngăn chặn dòng chảy của nó.’ Trong Mahā Assa, pura sutta (MN. 39) cảnh báo rằng: “Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc.”

Mục đích của việc tỷ dụ một số hình ảnh để giúp hành giả dễ dàng nắm bắt khái niệm, từ đó áp dụngthực tập hạnh xã ly, ly tham, đoạn tận, đưa đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Mặc khác những ví dụ để thấy được sự nguy hiểm, vị ngọt và xuất ly của các dục, thấy được các pháp là vô thường, khổ đau và vô ngã để thể nhập chân lý của vạn pháp. Đối với điều này, đôi khi Đức Phật khuyên các đệ tử suy gẫmvề tính tạm thời, vô ngã tính của năm uẩn (pancakkhandha) và của toàn thể thế giới hiện tượng bằng cách xem chúng như một hiện tượng tự nhiên nhất định.  Chẳng hạn ví dụ như một cục bọt, một bong bóng trên mặt nước, hay một ảo ảnh để thấy rõ năm uẩn là giả tạm, vô ngã, vô thường. Tương Ưng Bộ Kinh, Tập III - Thiên Uẩn, phẩm Hoa, Đức Phật dạy: “Sắc ví với đống bọt, Thọ ví bong bóng nước, Tưởng ví ráng mặt trời, Hành ví với cây chuối, Thức ví với ảo thuật.” (Quán sắc như tụ mạc, thọ như thủy thượng bào, tưởng như dương thời diệm, chư hành như ba tiêu, quán thức vô ngã.)

Đặc điểm điển hình của phương pháp giảng dạy của Đức Phật là minh hoạ học thuyết của mình với rất nhiều hình ảnh. Đó là những sự kiện rút ra từ cuộc sống của con người và thế giới tự nhiên để mọi người có thể nhận ra ý nghĩa đích thực từ lời dạy của Ngài. Từ một Chủ hộ trong khi nghĩ về an ninhnhà mình có thể hiểu được tầm quan trọng của lời dạy của Đức Phật về việc kiểm soát tâm trí, và một vị tu sĩ có thể nhận thức được bản chất tạm thời và biến đổi của các sự vật hiện tượng khi vị ấy thấy dòng sông chảy, hoặc ngọn lá rơi. Theo tài liệu của Trưởng lão tăng kệ (Theragatha) và Trưởng lão ni kệ (Therìgatha) có một số tăng ni Phật giáo đã đạt được mục tiêu cuối cùng của quả vị A La Hán (Arahanthood) vì bị kích động bởi những sự kiện ngẫu nhiên từ những lời dụ ngôn của Đức Phật đã đề cập đến. Điều này cho thấy những lời dụ ngôn và những câu chuyện của Đức Phật đã cung cấp rất nhiều chủ đề về thiền định sống động mà tất cả mọi người tùy thuộc vào sự hiểu biết và sự kết hợp của Đức Phật có thể làm tăng khả năng kiểm soát.

  1. Phương phápgiảng dạy bằng những câu chuyện ngụ ngôn

Thỉnh thoảng, trong bài thuyết pháp của mình Đức Phật đã khéo léo đưa vào một câu chuyện ngụ ngôn làm cho nội dung bài nói chuyện của Ngài trở nên thú vị hơn. Trong kinh điển Đức Phật dạy các môn đệcủa mình bằng một câu chuyện ngụ ngôn về động vật, đôi khi là lịch sử của những sự kiện xảy ra kỳ lạ, và tất cả các hành động của con người, niềm vui hay nỗi buồn ... vào cuối mỗi sự kiện xuất hiện, là hàm ý giáo dục phù hợp với nền tảng đạo đức.

Câu chuyện ngụ ngôn trong Phật giáo được tìm thấy khá nhiều trong kinh Bách dụ. Một trăm câu chuyện ngụ ngôn mang tính giáo dục cao, được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Hàng loạt câu chuyện ngụ ngôn khác xuất hiện trong kinh tạng Nikāya, chẳng hạn như câu chuyện người mù rờ voi. Câu chuyện này nói lên sự mù mờ của chúng sinh đối với chân lý sự thật. Khi nào mà chưa liễu ngộđược sự thật của tất cả các pháp thì chúng sinh vẫn còn như người mù rờ con voi cho rằng các bộ phận trên cơ thể con voi là voi. Câu chuyện rùa và cá. Câu chuyện ngụ ngôn này mô tả đến thế giới chân nhưNiết bàn. Khi con người cảm nhận qua thức, mô tả bằng các ngôn ngữ khái niệm thì sẻ không bao giờ biết rõ về thế giới chân như Niết bàn. Cũng giống như con rùa biết cả thế giới trên khô và dưới nước, còn cá chỉ biết thế giới của nước thì dù rùa cố tìm cách giải thích về thế giới trên cạn bao nhiêu cá vẫn không thể tưởng tượng ra được. Câu chuyện Bốn con rắn. Câu chuyện ngụ ngôn này xuất hiện nhiều yếu tố. Bốn con rắn tượng trưng bốn yếu tố (tứ đại) cấu thành phần vật chất của con người. Năm tên lính là ngũ uẩn. Người bạn thân trở mặt làm thù là cái gọi là ‘bản ngã’ của con người. Sáu cái nhà bỏ không là lục căn. Sáu tên cướp lùng bắt tên trộm là lục trần. Rắn, lính, bạn, tướng cướp, tất cả mười sáu điều đó là những pháp làm cho chúng sanh phải đắm đuối trong vòng luân hồi. Sự tham dục, sự luyến ái theo đời sống, tà kiến và vô minh là bốn giòng nước lũ. Chiếc bè là Bát Chánh Đạo, và ba cù lao là ba đạo quả thánh Tu-đà-hườn, Tư-đà-hàm và A – na - hàm. Khi đắc đạo quả thứ tư – A - la - hán - là bước chân lên bờ bên kia, bờ giải thoát của Niết bàn.

Chắc chắn, phương pháp giảng dạy sử dụng truyền thuyết này, không xuất hiện nhiều trong kinh điển, mà thường được áp dụng bởi các nhà sư Phật giáo sau này. Theo M. Winternitz[22], đó là một phương tiện truyền thông có ý nghĩa quan trọng có thể xâm nhập sâu rộng vào các truyền thống văn hóa, tín ngưỡng dân gian cùng với Phật giáo. Không nghi ngờ gì nữa, phương pháp giảng dạy này đã mở đường cho nguồn gốc và sự phát triển của các câu chuyện tiền thân của Đức Phật được ghi lại trong Jātakas, phần lớn là những sáng tạo sau này nhưng có thể phục vụ một số mục đích nhằm thực hiệncác hoạt động đạo đức tâm linh.

  1. Các phương phápkhác

Đức Phật cũng áp dụng các phương pháp truyền dạy đặc biệt cho từng môn đệ. Phương pháp này chú trọng về giáo dục cá nhân. Mục đích của Ngài là làm cho mọi người ý thức được những khó khăn hiện tại và chỉ ra cho thấy cách để vượt qua. Đức Phật đã kiểm tra và xem xét nội tâm Rāhula để nhắc nhở khuyến tấn khi La hầu la thiếu tự chủ. Angulimāla đã được khuyến khích để phát triển trái tim từ bi của mình và thực hành hạnh nhẫn nhục để vượt qua những hành động xấu trong quá khứ. Nandā và Kimbila được nhắc nhở và suy gẫm nhiều về sự ô uế và nguy hiểm của thân xác, vì hai hoàng tử cao quý và đẹp trai này thường tự hào về sự xuất hiện của chính mình và tâm hồn luôn chứa đựng những tư tưởng yêu thương. Cũng vậy, Ngài đã khuyên nhủ Khobar Khemā, Sundarī Nandā, Abhirūpa Nandā vì đã nhìn thấy thái độ tự hào về vẻ đẹp của họ. Ngay cả đối với người Phật tử, Đức Phật đã đưa ra lời khuyên mang tính cá nhân hoặc khuyên họ trên con đường tu học chánh Pháp để giúp họ vượt qua một số vấn đề trong đời. Pasenadi, vua của Kosala, đã được khuyên nên sử dụng chế độ ăn uống để có được sức khoẻ và tuổi thọ cao. Anāthapindika, một thương gia giàu có của Kosala, đã được dạy làm thế nào để giải quyết hợp lý về thu nhập hợp pháp của mình để làm cho anh ta và nhiều người khác có lợi.

Tất cả điều này cho thấy tính thực tiễn và tính phổ quát trong lời dạy của Đức Phật. Nó nhấn mạnhnhiều đến sự cải tiến và giải phóng cá nhân. Từ đó đưa ra những phương pháp phù hợp với trình độtrong lời giảng, phù hợp với căn cơ của mỗi con người.

Ghi chú:

[1] SeeI.B.Horner, The Collection of the Middle Length Sayings ,Vol.II, Motilal Banarsidass,Delhi,  p.154;363.

[2] E. M. Hare, The Book of the Gradual Sayings, Vol. IV, Motilal Banarsidass,Delhi, 2006, p.138.

[3] Tỳ khưu Bodhi, Những lời Phật dạy, (Bình Anson dịch), NXB Thanh Niên, 2016, p. 146.

[4]Opcit, pp. 363-365.

[5] Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Kinh Trung Bộ, tập 2, NXB Tôn Giáo, 2016, p. 563.

[6] SeeI.B.Horner, The Collection of the Middle Length Sayings ,Vol.II, Motilal Banarsidass,Delhi, pp.359-66.

[7] Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Kinh Trung Bộ, tập 2, NXB Tôn Giáo, 2016, p. 209.

[8] SeeI.B.Horner, The Collection of the Middle Length Sayings,Vol.II, Motilal Banarsidass,Delhi, p.386.

[9] Đại Tạng Kinh Việt Nam Nam Truyền, Kinh Trung Bộ, tập 2, NXB Tôn Giáo, 2016, p. 185.
Thích Trung Định
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 327

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm