Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Ở tại chùa, thỉnh thoảng chúng con nhận những cuộc điện thoại của các Phật tử gọi đến thắc mắc: “Con đang tu pháp môn Niệm Phật mà lên mạng nghe Thầy giảng pháp môn tu thiền rất hay làm cho lòng con lay chuyển và muốn đổi pháp tu.

 

Image result for buddha and his great disciples

 

Không biết con có nên niệm Phật tiếp tục hay nên chuyển sang pháp môn tu thiền?” Những điều đó đã gợi lên trong con những suy nghĩ về vấn đề niềm tin của người Phật tử khi chọn pháp môn tu tập. Người Phật tử phải thiết lập cho mình niềm tin như thế nào để con đường tu tập tại gia của mình thật sự có an lạc hạnh phúc?

Trong thời đại này, thông tin truyền thông rất phong phú, chúng ta ngồi tại nhà mà có thể xem khắp thế giới, chuyện gì cũng biết được. Hoặc một người Phật tử vì bận rộn công việc nhà, không thể đi chùa, cũng có thể ở nhà nghe giảng. Thậm chí còn nghe được phong phú và như ý hơn. Nghĩa là chúng ta thích nghe vị giảng sư nào thì mở youtube lên lập tức đáp ứng như cầu bản thân muốn. Chính việc quá thuận tiện này cũng đem lại không ít trở ngại cho niềm tin của người học Phật.

Khi một người Phật tử học tập giáo lý của đức Phật để áp dụng vào cuộc sống, nếu niềm tin và sự hiểu biết chưa thấu suốt thì khó thiết lập cho bản thân một pháp môn vững chắc. Khi chúng ta nghe vị giảng sư này giảng về pháp môn tu thiền, cảm thấy pháp môn này có vẻ cao siêu, là phương pháp của bậc thượng trí. Cho rằng, bản thân mình nên tu pháp thượng trí thượng căn này. Lập tức thực hành pháp môn tu thiền, tu một thời gian, ngồi thiền không thấy tin tức gì từ biển tâm, cũng không thấy sự mầu nhiệm xảy ra, liền sanh chán nản.

Thực ra, không phải không có sự mầu nhiệm, mà là sự mầu nhiệm xảy ra mà chúng ta không nhận thấy được. Khi chúng ta ngồi thiền, tâm lắng dịu, tuy đã xả thiền, nhưng bước chân đi của chúng ta khác trước rất nhiều, không còn vội vả, hấp tấp; những phản ứng không còn mãnh liệt, gắt gỏng khi nghe ai đó nói lời xúc phạm mình. Chính những phản ứng trên tự thân chúng ta cho thấy được đó là một sự mầu nhiệm từ một người có tu tập. Tâm chúng ta đã thấm nhuần sự tu tập và có sự chuyển hóa. Do vì không nhận diện được những giá trị ấy, chúng ta cứ đi tìm một phép mầu mà mình tưởng tượng ra. Thế nhưng chúng ta không nhìn thấy được sự mầu nhiệm ấy nên dễ dàng thối tâm.

Lại nghe một vị giảng sư khác giảng pháp môn niệm Phật, là một pháp môn dễ tu, dễ chứng, có thể tu mọi lúc mọi nơi. Nghe qua có vẻ hấp dẫn, ngay lúc ấy, chúng ta lập tức chuyển pháp môn quay sang niệm Phật và thực hành một cách siêng năng để mong được sanh về Cực Lạc, lâm chung được Phật, Bồ tát đến rước. Nhưng sau khi tu một thời gian, bản thân không thấy có sự cảm ứng, hoặc là mong được thấy Phật nhưng cảnh giới ấy không hiện ra. Chúng ta liền sanh chán nản và mất niềm tin với pháp môn.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi chúng ta niệm Phật, tâm duyên theo danh hiệu Phật, tức ngay lúc ấy tâm thanh tịnh, miệng đang niệm Phật thì khẩu nghiệp được thanh tịnh, thân đang ngồi niệm Phật thì thân nghiệp được thanh tịnh. Vậy ngay phút giây ấy ba nghiệp được thanh tịnh. Trong kinh dạy: “Ba nghiệp hằng thanh tịnh, cùng Phật vãng Tây Phương”. Vậy thì ngay đó chúng ta đã đủ điều kiện vãng sinh Tây Phương. Chỉ cần chúng ta giữ vững niềm tin duy trì, chắc chắn kết quả vãng sinh không xa. Do vì không đủ niềm tin, tâm lo hướng theo những mong cầu mầu nhiệm. Thế nhưng khi điều mầu nhiệm đến mình không nhận ra liền sinh tâm chán nản.

Lại nghe ai đó dạy pháp môn trì chú linh thiêng, hiệu quả ngay hiện đời liền tin theo. Chúng ta biết, thần chú là những mật ngôn, chú thường không phiên dịch, người thực hành không cần hiểu nội dung trong đó nói gì, chỉ cần chuyên tâm hành trì. Hơn nữa, chú thường là những hiệu lệnh hoặc danh hiệu của chư Phật, Bồ tát và các vị thần. Nếu hành giả trì tụng thần chú, tâm thanh tịnh thì có kết quả. Tuy nhiên, người tu tập phải biết ứng dụng để đưa tâm đi đến thanh tịnh, trong khi hành trì không để tâm tham xen vào. Mục đích trì chú để được nhất tâm, nhờ tâm chuyên chú, không cần phân tích, suy nghĩ hay hiểu biết gì trong nội dung câu thần chú ấy. Do đó, tâm dễ chuyên nhất, chứ không phải trì chú để cầu buôn may bán, công danh thăng tiến.

Thế nên, khi dụng công, nếu chúng ta không chuyên nhất một pháp môn nào thì sự tu tập không đi đến một mục đích nhất định nào cả. Như vậy thì rất uổng phí công lao tu tập của chúng ta. Thời gian bỏ ra tu tập thì nhiều mà tâm vẫn bất an. Muốn kết quả tu tập của mình thật sự có an lạc hạnh phúc, người Phật tử phải chọn cho mình một pháp môn thích hợp và thiết lập cho mình một niềm tin vững chắc trước khi đi vào thực hành.

Người Phật tử thiết lập niềm tin như thế nào? Trước hết phải tin vào kinh mà mình đang y cứ tu tập. Tin rằng, Kinh đó là có thật và do Đức Phật nói ra. Thứ hai là tin vào pháp môn tu ấy là có kết quả, chư vị tiền bối, tổ sư đã kinh qua và có kết quả, chúng ta y theo đó tu tập chắc chắn có kết quả. Thứ ba là tin vào bản thân chúng ta, chư vị tiền bối tu tập chứng chắc, bản thân chúng ta cũng có thể đạt được như vậy. Chỉ cần chúng ta nỗ lực tu tập đúng phương pháp, thì sẽ có kết quả.

Niềm tin là sức mạnh, là lực đẩy đưa chúng ta đi đến mục đích hoàn mãn nhất. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”. Có niềm tin chúng ta mới mạnh mẽ thực hành và thực hành không biết mệt mỏi. Trong khi thực hành, không có tâm mong cầu sự mầu nhiệm xảy ra. Vì còn tâm mong cầu là còn phiền não, mà phiền não còn thì tâm khó yên tĩnh được. Do vậy, chúng ta tu tập là để tâm yên tĩnh, khi tâm yên tĩnh, là tâm có định, tâm có định chính là an lạc và trí tuệ cũng theo đó mà thành tựu. Như vậy mục đích chúng ta tu tập đã thành công.

Vậy nên, người tu tập theo đạo Phật phải biết chọn cho mình một pháp môn tu tập thích hợp để nếm được mùi vị an lạc hạnh phúc ngay hiện tại, không luống uổng một đời. Kinh Tâm Địa Quán, Đức Phật dạy: “Như người không có tay, tuy đến núi châu báu cũng không lấy được gì; người không có lòng tin, dù gặp Tam bảo cũng không ích gì”. Vậy chúng ta không nên để cho mình thành kẻ không tay, mãi là chàng cùng tử lang thang thì thất uổng phí. Kính chúc tất cả người học Phật đều trải nghiệm được niềm an lạc trên tự thân.

Phú Mỹ, ngày Trọng Đông, năm Kỷ Hợi.

Thích nữ Nguyên Thanh

Địa chỉ mail: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm