Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Inline image

CÙNG NHAU THẢO LUẬN 

 

Thân chào các cô chú anh chị thiền sinh,

 

Trong chương trình "CÙNG NHAU THẢO LUẬN" kỳ 4, chúng ta đã cùng nhau đóng góp ý kiến về câu hỏi " Tại sao chư Tổ xếp Tứ Diệu Đế vào Tục Đế Bát nhã ?"(trong bài viết "Khổ đau và Hạnh phúc" của Ni sư Triệt Như) (Xem ở phần dưới cùng).

 

Nay xin chuyển bài viết trả lời của Ni sư.

 

Nay tuổi cũng cao, nên Ni sư Triệt Như hạn chế di chuyển nhiều. Tuy nhiên rất nhiều thiền sinh đã đề nghị thỉnh mời Ni sư sang Montreal trong những năm tới. NC đã chuyển lời thỉnh cầu đến Ni sư. Rất mong mỗi người chúng ta cố gắng tu tập tinh tấn, thực hành miên mật để không phụ công lao khó nhọc của Ni sư.

 

TỨ DIỆU ĐẾ là TỤC ĐẾ BÁT NHÃ

Thích Nữ Triệt Như

 

23 Tuc De Bat Nha

Trong bài viết 12 của cô tựa là: Khổ đau và Hạnh phúc, câu cuối cùng cô hỏi:

<Vậy tại sao chư Tổ xếp Tứ Diệu Đế thuộc Tục đế Bát nhã ?>

 

Một đạo tràng nhỏ, mới thành lập, nhưng từ mấy năm nay vẫn sinh hoạt đều đặn theo đúng Thanh Quy, gồm nhiều vị cao niên và số ít trẻ hơn, cùng nhau tu tập hài hòa. Trong thời gian bệnh covid-19 này, đạo tràng cũng không tụ họp đông người theo qui định của chính quyền Canada, nên đạo tràng sinh hoạt online . Nội dung là ôn tập những chủ đề đã học, cùng nhau thảo luận chung. Cô khen ngợi đạo tràng các em thầm lặng tu học, cùng nhau tiến từng bước vững chắc trên con đường tâm linh, vừa tuệ, tìm hiểu giáo lý, vừa thực hành định, và giới hạnh: đó là mức độ tu của mình biểu hiện ra trong nếp sinh hoạt tập thể: đoàn kết, hài hòa, trầm tĩnh, và thanh thản. Không ồn ào, không hấp tấp. Cô sẽ qua thăm đạo tràng khi thuận duyên, theo mấy lần thư thỉnh mời của ban điều hành của các em  gởi cho cô.

 

Một em thiền sinh của đạo tràng vừa đề nghi cô trả lời câu hỏi mà cô đã nêu ra đó. Cô đã đọc qua tất cả phần thảo luận. Mỗi em –cô xin phép gọi chung là em, có thể có một vài vị lớn hơn cô vài tuổi-  đều hiểu đúng về tục đế của thế gian, về tục đế bát nhã và chân đế bát nhã. Bây giờ, cô chỉ tóm gọn lại thôi.

 

Inline image

 

-      Tục đế (hay chân lý qui ước): về mặt hình thức là dùng lời nói, chữ viết, âm thanh, dấu hiệu, cử chỉ để biểu hiện ra những suy nghĩ, xúc cảm, suy đoán, phân biệt của tâm. Về mặt nội dung: là những cái thấy thông thường qua giác quan của người đời, thí dụ thấy núi sông thì cho là núi sông có thật, là vững bền, nghe lời nói châm biếm thì cho là thiệt nên buồn phiền đau khổ. Thấy mình tóc bạc, bệnh yếu thì lo buồn, không dám nghĩ đến cái chết v.v... Đó là cái thấy của hầu hết chúng ta , gọi là chân lý của thế gian, hay tục đế.

 

-      Tục đế bát nhã: Đức Phật cũng đứng trong chỗ đứng của thế gian mà dẫn dắt con người từng bước đi lên. Ngài cũng đồng ý: Phải rồi, cuộc đời là đau khổ, con người có tới 13 thứ khổ. Sanh ra đời là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ v.v....Như vậy, cái thấy tương tự người thế gian: sanh là có thiệt, già là thiệt, bệnh là thiệt, chết cũng là có thiệt, khổ nào cũng là thiệt v.v...Đó là Chân lý thứ 1. Nếu Đức Phật chỉ ngưng ở đây, thì đó cũng là Tục Đế, tức y hệt cái thấy của thế gian. 

 

Inline image

 

Nhưng ngài tiến tới nữa, nên không gọi là tục đế, mà là Tục đế bát nhã, để nói lên sự khác biệt.  Từ đó, Đức Phật trình bày tiếp tới Chân lý thứ 2 . Nguyên nhân của khổ là do cái ngã của mình. Chúng ta thấy mình có thiệt, nên sinh ra tham ái, ích kỷ, gom góp tất cả về cho mình. Từ đó phát sinh ra: tham, sân, si, lậu hoặc v.v... Chân lý thứ 2 cũng được Chư Tổ xếp là Tục đế bát nhã.

 

Khi đã biết rõ căn bệnh Khổ của chúng sanh do Ngã, hay do Tham Ái, hay do Lậu hoặc, thì mình biết cách chấm dứt Khổ. Đó là thành đạt Vô ngã, đó là không tham ái, đó là chấm dứt lậu hoặc. Đây là Chân lý thứ 3, kết quả là đạt được thoát khổ, giải thoát khỏi lậu hoặc, không còn vô minh, thì là giác ngộ, niết bàn. Chư Tổ xếp chân lý thứ 3 thuộc Chân Đế Bát nhã, vì qua tới bản thể của khổ là trống không, là huyễn. Mới có thể tu tập để chấm dứt khổ.

 

Chân lý thứ 4 Đức Phật trình bày 8 chi, tu tập đạt tới chánh trí  và chánh giải thoát, tức A la hán quả. Đây cũng thuộc Chân đế bát nhã.

Tóm lại, Tứ Diệu đế, được xếp là Tục đế Bát nhã, nhưng hướng nhắm là dẫn đến Chân đế Bát nhã. Xem như thông suốt ý nghĩa từng chân lý rồi phải thực hành thiền Định mới hoàn chỉnh Tứ trí: Khổ trí, Tập trí, Diệt trí và Đạo trí, gọi chung là đạt Chánh trí và chánh giải thoát.

 

 Về sau, chư Tổ cũng xếp Tứ Điệu Đế là gồm đủ Tam học:  

 

Inline image

 

     Giới: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng

     Định: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định

     Huệ: chánh kiến, chánh tư duy.

 

Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi Tứ Điệu Đế được xem là phương thức quan trọng tu tập trong Phật giáo. Nhưng vì chân lý thứ 1 và 2 cũng đồng ý cho cuộc đời là khổ thiệt, nên được xếp tạm là Tục đế Bát nhã.

Việc xếp loại như thế nào là quan điểm của chư Tổ đời sau, bàn luận, phân biệt, giải thích ra, có giá trị tương đối mà thôi.

 

Thích Nữ Triệt Như

Tổ Đình

1- 6- 2020

 

*****

 

KHỔ ĐAU  HẠNH PHÚC

 

Thích Nữ Triệt Như

 

Inline image

 

Một hôm, lướt qua đầu một quyển sách của vị thiền sư hiện đại- Ajahn Brahm- cô đọc vài hàng “....cuộc đời là những xung đột, bất toại nguyện ....” , nhớ tới 4 chân lý phổ thông, ai là người con Phật chắc đã biết. Tứ Diệu đế. Phải rồi, thế gian này, từ ngàn xưa, bây giờ và mãi về sau nữa, con người ai cũng trải qua biết bao nhiêu là đau khổ. Khổ về thân, bệnh tật, già yếu, rồi chết, rồi lại sinh ra. Tâm cũng chịu biết bao nhiêu cay đắng: lúc thương, lúc ghét, lúc hối hận, lúc ngậm ngùi...Mà thân đau lại ảnh hưởng tới tâm, làm cho tâm khổ. Còn tâm không toại nguyện cũng chi phối tới thân, làm cho thân thêm đau.

 

Nói chung lại, Khổ là một cái bệnh muôn đời của con người. Đức Phật phân tích ra thật rõ ràng, những nổi khổ của con người không ra ngoài 13 loại này: sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, ái biệt ly, oán tăng hội, cầu bất đắc, chấp thủ ngũ uẩn.

 

Nguyên nhân vì đâu ? Cái khổ thứ 12 có thể trả lời: tại vì mình mong muốn mà không được như ý nên khổ. Cũng nói là vì Tham, là vì Ái, cũng là Dục, là vì dính mắc quá nhiều với hiện tượng trên thế gian. Tuy nhiên, tham, ái hay dục chỉ là biểu hiện của một chủ thể, đó chính là cái Ngã. Cái khổ thứ 13.

 

Inline image

 

Vì tưởng rằng mình có thiệt, nên sinh ra tham đắm, lo tích lũy tiền bạc, để bồi dưỡng thân với ăn, với ngủ, với vui chơi, lo đạt tới danh vọng quyền lực, lo chiếm lấy nhiều kiến thức, địa vị, để cái ngã được nhiều người biết tới. Hễ được danh thì sẽ được lợi. Hai cái này thường đi đôi với nhau. Đây là chân lý thứ 2.

 

Chân lý thứ 3: Biết được nguyên nhân thực sự của khổ rồi thì mới biết phương thức thoát khổ. Vậy thì bài toán khổ đã có giải pháp rõ ràng: không tham, không ái, không dục, không dính mắc là không khổ. Còn lý luận nào logic hơn.

 

Cũng nói gọn lại: biết Không Ta / vô ngã là thoát khổ. Biết tức là trí tuệ. Không phải vô minh. Hễ vô minh là đau khổ. Vô minh đồng nghĩa với Đau khổ. Cho nên ai còn đau khổ là còn vô minh.

 

Vậy hạnh phúc là trí tuệ. Có trí tuệ là có hạnh phúc. Tuy nhiên, trong nhà Phật không nói hạnh phúc. Cái chữ “Hạnh phúc” là ngôn ngữ thế gian. Trong kinh chỉ nói: hỷ lạc, an lạc, thoát khổ, hay giải thoát hay niết bàn. Hễ thoát ra khỏi biển khổ, thì là đạt được trạng thái vắng lặng tịch diệt, an nhiên tự tại, vào ra 7 cảnh giới tự do. Đó là A la hán đạo hay Bồ tát đạo, hay Phật đạo.

 

Cuối cùng làm sao đạt được kết quả đó ? Con đường đi chung của 3 thừa đó là con đường mòn mà chư Phật 3 đời đã đi: Bát Chánh đạo.

 

Mở đầu là Chánh kiến. Nói lên địa vị quan trọng của Trí Tuệ.

 

Inline image

Gút lại, tiến trình tu phổ biến là: Giới- Định- Huệ.

Huệ là 1 tiến trình, nghĩa là có vô số mức độ phát huy Huệ.

Mức độ ban đầu của Huệ, học từ những chân lý qua Đức Phật dạy, tạm gọi là Tuệ Trí (insight), có thể tương đương với chánh kiến. Mức độ cao hơn là những tiến trình phát huy, kiến giải sâu sắc hơn, trong Thiền tông tạm nói là: Ngộ, chứng ngộ (realization), triệt ngộ, đại ngộ (enlightenment). v.v...

Tuệ trí thì cần có trí năng tỉnh ngộ để học Phật pháp, nghe hiểu, suy tư thêm. Còn những tiến trình chứng ngộ, triệt ngộ, đại ngộ thì tâm phải hoàn toàn vắng lặng, mới may mắn trãi nghiệm khi mình bị bế tắc vì những vấn đề nào đó. Đúng khi tâm rơi vào trạng thái Định thì tiềm năng giác ngộ có thể bật ra kiến giải.

Vậy Định là điều kiện cần để phát huy Huệ. Định là phương tiện để phát huy Huệ, không phải là mục tiêu cuối cùng của con đường.

Bài kinh “Cội rễ sự vật”, trong Tăng Chi bộ, Phật nói:

1)

 "Này chư Hiền, các pháp lấy dục làm căn bản.

2) Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi.

3) Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi.

4) Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ tụ hội.

5) Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ.

6) Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng.

7) Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng.

8) Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây".

Kết luận lại, con đường tu đã được đức Phật trình bày thật rõ ràng, dứt khoát, lý luận thật vững chắc, không ai bắt bẻ được. Thời xưa cho đến nay, Tứ Diệu Đế vẫn được xem như là con đường tu quan trọng khuôn mẫu để ra khỏi cảnh đời đau khổ trần gian.

Vậy mà tại sao chư Tổ xếp Tứ Diệu Đế vào Tục Đế Bát nhã ?

 

Thích Nữ Triệt Như

Tổ Đình

16- 5- 2020

 

   

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm