Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

VoNga_DinhVaKetQua

 

1) VÔ NGÃ Làm sao thấy được bản thân là vô ngã, trên lý thuyết con hiểu được nhưng trên mặt thực hành con chưa kinh nghiệm được, cho nên con còn bị buồn vui... chi phối một lúc, rồi mới trở về nhìn lại tâm xem niệm gì đang khởi lên trong tâm mình.

 

2) ĐỊNH VÀ KẾT QUẢ Thưa Cô, nếu mình không có học giáo lý của Phật mà chỉ chuyên tu thiền định thì mình có được định không? (chẳng hạn như mình thực hành miên mật pháp "Không Nói " cho đến khi đủ lâu để "Không nói" đi vào nhận thức... phản xạ của mình, thì lúc đó tâm mình ở trong không lời, vậy tức là định có phải không thưa Cô? Con nghĩ như vậy có đúng không ạ?). Và như vậy thì có trí sáng tạo, biện tài..... không ạ? (Ý con muốn biết nếu có được định thì kết quả của định này sẽ cho mình được lợi ích gì? Hoặc bất lợi gì nếu có)

 

Được thư một em thiền sinh gởi cô 2 câu hỏi này. Cô trả lời lần lượt.

 

Câu 1- VÔ NGÃ:

Inline image

 

Chủ đề Vô ngã là một chủ đề quan trọng nhất trên con đường tu của mình. Vì sao?

Cái Ngã là đầu mối của ý, của lời và của hành động. Từ đó là Nghiệp.

 

Khi nói tới Ngã, là nói tới khát ái, ích kỷ, là dục, là tham, là lậu hoặc v.v....

Đức Phật vẫn thường giảng dạy cho đệ tử quán chiếu về ngũ uẩn là vô thường, là khổ, và vô ngã. Ví dụ như: sắc là vô thường. Cái gì vô thường là đưa tới khổ. Cái gì vô thường, đưa tới khổ thì không hợp lý khi nói cái đó là ta, hay là tự ngã của ta, hay thuộc về ta. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức ....

 

Inline image

 

Em nói là em hiểu trên mặt lý thuyết rồi, nên cô chỉ phớt qua thôi. Tuy nhiên, nếu hiểu sâu sắc hơn nữa, thì mình cũng cần quán chiếu tiếp tới bản thể của ngũ uẩn. Tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mỗi khối thành lập do vô số nhân và duyên kết hợp, nên bản thể là trống không, tuy có hiện hữu mà sự hiện hữu đó chỉ là giả tạm, là huyễn. Khi những sự thực này trở thành nhận thức của chính mình rồi, thì mình sẽ sớm tỉnh thức để không bị thế gian chi phối. Mình sẽ nhận ra Ngã, hay cái Ta chỉ là một khái niệm sai lầm. Cái Ngã không phải là một cái gì vững chắc.

 

Đây xem như con đường của quán chiếu, mình sẽ có tuệ trí, là trí cao hơn trí thế gian, giúp ích mình rất nhiều, làm cho tâm mình thăng bằng, trầm tĩnh, hài hòa với những biến chuyển của cuộc đời. Con đường Quán chiếu đòi hỏi thời gian huấn luyện tâm.

 

Con đường của Định cũng cho mình kinh nghiệm vô ngã. 

 

Inline image

 

Ngã có mặt khi mình có lời. Lời thì thầm trong tâm, nó cũng đã hiện hữu rồi. Do vậy, khi mình không nói thầm thì không có mặt Ngã. Cho nên khi có cái Biết không lời, lúc đó không có ngã, tương đối thôi. Khi tiến tới Nhận thức không lời, vô ngã càng vững chắc hơn. Lúc đó mình sẽ kinh nghiệm quả thật lúc đó mình không cảm nhận cái gì là sắc, là thọ, là tưởng, là hành, là thức. Tất cả đều không hiện hữu - trong giây phút mình ở trong chỗ nhận thức biết không lời.

 

Tuy nhiên khi ra khỏi định, có khi mình trở lại giao động. Cho nên cần phải có tuệ trí để giữ cho tâm vững chắc hơn.

 

Hơn nữa định cũng là một tiến trình lâu dài đòi hỏi thời gian, tâm mới trở nên nhu nhuyến, trầm tĩnh.

 

Kết luận là Định và Tuệ luôn luôn đi với nhau mới giúp ta tiến mau và hoàn chỉnh trong việc đào luyện tâm và trí tuệ của mình.

Câu 2 - ĐỊNH VÀ KẾT QUẢ

 

Em đã quên định nghĩa của Định rồi nên em mới hỏi cô câu đó. Hơn nữa, mỗi khi cô hướng dẫn một phương thức thực tập nào, cô đều có giảng lý thuyết rõ, trong đó có nói đến giáo lý của Đức Phật dạy ra sao. Thí dụ khi hướng dẫn dùng giác quan để thực hành, tai nghe, mắt thấy, chân đi v..v.. cô có nhắc lời dạy trong kinh Nikàya: đi chỉ biết đi, đứng chỉ biết đứng, ăn chỉ biết ăn v.v...và không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng v.v...

 

Tiếp theo cô cũng thường trình bày kết quả của mỗi cách tập sẽ đưa tới gì. Nếu tập sai thì sao ? và như thế nào là tập sai ? Tuy nhiên em đã bỏ thì giờ viết thư hỏi thì cô sẽ trả lời vắn tắt thôi.

 

Định nghĩa Định là: Biết không lời. Và Thầy ngày xưa nhấn mạnh chữ Biết  là sự nhận biết / awareness. Không phải mindfulness, có sự cố gắng, có tập trung, hay chú ý.

 

Tuy vậy, Biết là một tiến trình, có nhiều mức độ. Chúng ta tạm xem trạng thái biết không lời chưa vững chắc lắm là Chỉ/ Samatha

 

Khi biết không lời tương đối vững chắc mới là Định/ Samàdhi.

 

Khi trở thành nhận thức biết không lời vững chắc cũng là Định / Samàdhi.

 

Vậy có rất nhiều mức độ Định, tự mình phải nhận ra tâm mình thôi. Không ai khác nhận ra được tâm mình bằng chính mình. Cho nên, luôn luôn nhìn lại tâm mình, thì không bị cảnh lôi cuốn.

 

Kết quả của kinh nghiệm Định cũng tùy nơi mức độ Định vững chắc hay chưa vững chắc. Nói khái quát thôi, mình sẽ tự nhận thấy:

 

-      Tâm mình lần lần bình tĩnh hơn, trước nhữnh biến cố trong cuộc đời.

-      Thanh thản hơn, có lòng thương mến đối với những người thân, anh em, bạn bè, lần lần lan tõa ra những người xa lạ, mình cũng muốn giúp đỡ.

-      Thấy khách quan, bớt thành kiến, bớt xét đoán người khác.

-      Khiêm nhường (vì bớt ngã mạn) không khoe khoang mình giỏi, Phật thường nói: <không khen mình, không chê người>

-      Hiểu sâu sắc hơn Phật pháp, vì mình đã thực sự kinh nghiệm Không, Huyễn- Chân Như rồi, nên có thể giảng pháp lưu loát. Kinh gọi đó là biện tài vô ngại. Đây là kết quả tất nhiên thôi. Lời giảng có sáng tạo của riêng mình, không phải học thuộc lòng, hay bắt chước người khác. Thiền Tông thường nói đó là: <nói từ hông ngực>. Trong bài Thập Địa Bồ tát mà mình đã học trong lớp Bát nhã 3, Chư Tổ trình bày phần này rõ lắm. Sau khi kinh nghiệm< Bất động địa, hay là Chân như tự ngộ>, thì đạt tứ vô ngại giải, thông hiểu từng chữ, từng câu, từng ý nghĩa, và biện luận lưu loát. Cho nên mình xem kết quả để biết mình tu tập đúng hay không và tu tới mức nào.

 

Inline image

 

Nếu mình tu một thời gian mà không thấy tiến bộ, thì nên bình tâm xem xét lại, mình không đúng chỗ nào, thiếu sót chỗ nào? Nếu mình không rõ, thì phải nhờ thiện tri thức chỉ dạy thêm.  

 

Còn nếu mình tự cho mình đủ rồi, mãn nguyện rồi, thì chịu thua thôi.

 

Vì chỉ chuyên tu định mà không tiến bộ thì chư Tổ nói có thể rơi vào: si định, hay vô ký hay trầm không.

 

Còn vài kết quả nữa:

- Về thần sắc, trong sáng, an vui luôn, hài hòa với mọi người.

- Có từ trường từ- bi- hỷ- xả, cảm hóa hài hòa với người khác, chứ không gây sóng gió xung đột.

- Sức khỏe tốt hơn.

- Có trí nhớ tốt, đây cũng là một yếu tố của huệ tự phát và biện tài.

- Giải thích tất cả pháp học pháp hành, không bị chướng ngại vì đã kinh nghiệm rồi. Nếu chưa có biện tài thì là chưa thực sự tu tập có kết quả đúng.

Cô nghĩ tới đây chắc cũng tạm đủ rồi.

 

 Thích Nữ Triệt Như

Tổ Đình 19- 5- 2020

 

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm