Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

 

48 Mot Chiec La

Cô đã được đọc nhiều bài các em ghi lại cảm nghĩ, suy tư và phương cách các em ứng dụng chủ đề thực tập “Một chiếc lá”, trong tuần trước. Tuần này cô tạm đúc kết lại các phương thức ứng dụng, cũng như kết quả ra sao cho mình.

 

Nói chung, đây là mình bắt đầu thử ứng dụng phương thức đơn giản nhất, thường gọi tên là Thiền Quán, hay Quán Chiếu, mà trong kinh Nikàya, nhiều lần dùng tên là: “Như Lý Tư Duy” hay “Như Lý Tác Ý”, có khi Phật dặn dò đệ tử “ Các ông hãy khéo tác ý, ta sẽ nói...”

Vậy phương thức này cho mình sử dụng suy tư ngẫm nghĩ, còn dùng tầm tứ. Cũng là bước “Tư” trong tiến trình <Văn- Tư- Tu>.

 

Chủ đề của mình là một chủ đề cụ thể, một chiếc lá, có thể dùng mắt nhìn ngắm, có thể dùng tay nhặt lấy nó, cũng có thể ngữi mùi hương v..v..để nhận ra nó đang có mặt trước giác quan của mình.

 

-       Khi mình khởi ý thực tập “thấy một chiếc lá”, tâm mình lúc đó đã dừng lại trên chiếc lá rồi. Tâm không còn phóng ra biết các cảnh khác, cũng  không tưởng nhớ tới quá khứ hay tương lai khác. Đó là kết quả trước nhất của “cái Biết một chiếc lá”. Muốn nhìn sâu vào chiếc lá, mình đã ứng dụng “chú tâm cảnh giác”, toàn tâm toàn ý chuyên chú vào “chiếc lá” mà thôi. Cũng có thể xem như trạng thái ”nhất tâm” (one- pointedness of mind”.

 

-      Khởi đầu, qua giác quan, mình thấy rõ ràng “Cái Đang Là” : chiếc lá màu xanh, hay nâu, tươi mát hay khô héo, hình dáng nhỏ mỏng manh hay thô nhám v.v... Lúc này mình thấy “như thật” (Yathàbhùta). Tâm yên lặng, chưa suy nghĩ.

-      Mình sẽ biết tên của chiếc lá, hay chỉ đoán thôi. Tới đây bắt đầu trí năng đoán tên, hay ký ức bung ra tên của chiếc lá.

 

-      Nhìn ngắm chiếc lá, mình nhận ra chiếc lá từ thân cây mà ra, nhờ có đất để nương tựa, lại phải tưới nước cây mới sống, có ánh nắng mặt trời, có mình chăm sóc v.v..Nếu thiếu một hay nhiều điều kiện thì cây sẽ không lớn, sẽ không ra lá, sẽ không ra hoa, sẽ không có quả. Tất cả  chúng ta đều nhận ra ảnh hưởng liên hệ mật thiết giữa vô số điều kiện trong thiên nhiên: mặt trời, đất, nước, gió, lửa, cây, lá, hoa, quả và con người...Điều nhận ra này giúp mình “thấy rõ” định lý Duyên khởi Duyên sinh đã học. Tới đây, tạm xem là bắt đầu có phát huy  được Tuệ trí (insight) hay Pháp trí.

 

-      Nhìn chiếc lá trong tay, nhìn các chiếc lá khác trên cành, mình sẽ nhận ra chiếc lá thay đổi từng phút giây, đời sống của chiếc lá vô thường. Nó không có gì bền chắc bên trong chính nó, nó vô ngã.

-      Nếu mình khởi ý muốn nó phải tươi tốt hoài, làm sao được? Từ đó là bất như ý, kinh nói là khổ. Hiểu Tam pháp ấn.

-      Cho tới đây, chư Tổ tạm xếp là cái thấy của Tục đế Bát nhã.

-      Tiếp theo là cái thấy của Chân đế Bát nhã.

 

-      Chiếc lá sống, biến đổi theo vô số điều kiện, trong cái chu kỳ sinh- tru- hoại- diệt không thể nào đứng dừng. Dòng sống của một chiếc lá chỉ là sự hội tụ tạm thời của duyên mà thôi. Duyên hội tụ rồi duyên sẽ rã rời, tan tác. Rồi duyên khác sẽ gặp gỡ, rồi cũng sẽ tách ra. Dòng lưu chuyển của duyên cứ như thế mãi mãi. Ngàn đời. Làm thành ra những chiếc lá . Làm thành ra con người. Làm thành ra cả thế gian này. Bởi vô số nhân duyên. Vì thế tạm gọi bản thể của chiếc lá, của con người, của thế gian là Không (Sùnyatà/ Emptiness).

-      Tuy nhiên, con người có giác quan tiếp xúc với thế gian, nên nhận ra thế gian và tưởng là thế gian có thật bền chắc, hay mong muốn là bền chắc. Người có trí thì mới nhận ra cả thế gian này hiện hữu như cảnh Huyễn (Màyà/ Illusion) mà thôi.

-      Thấy được tới đây, mình sẽ không còn ham thích, mê hoặc gì trong thế gian nữa. Tâm mình mới từ từ đứng dừng lại. Tiến trình tâm này tạm nói là như như bất động. Đó là thấy được Chân như của cảnh và của tâm.

Trên đây, cô tạm đúc kết lại tiến trình cái thấy của mình, bắt đầu qua một chủ đề tầm thường, nhỏ nhoi, thực tiễn, là “một chiếc lá”.

Mà chiếc lá có nói gì với mình không, hở các em?

Tới đây, mình đã hiểu “Kinh Vô Tự”, mới là chân kinh.

 

Vậy, một chiếc lá cũng là “trang kinh vô tự”, một đóa hoa, một tảng đá, một dòng sông, một con thỏ, một người, một ngọn gió... có giảng pháp được không? Mỗi mỗi vật, mỗi mỗi cảnh đều đang giảng pháp cho mình. Mình có nghe, có thấy hay không, là do ai vậy?

Mình còn buồn, còn khỗ là tại sao?

Các em có tin các vị Tổ Thiền đoan chắc là Đức Phật Thích Ca vẫn đang giảng pháp tại núi Linh Thứu không?

Không những Phật vẫn đang hiện hữu ở núi Linh Thứu, mà Phật đang hiển hiện khắp nơi.

 Ai thấy? Ai không thấy? Ai nghe, ai chưa nghe?

 

Tóm lại, mình thực tập “dễ như chơi ” mà “ kết quả là thiệt” . Kết quả  tốt không ngờ đó các em ơi!

Hôm nay, cô cho một chủ đề khác thực tập tiếp theo.

 

Mình sẽ Thiền hành khoảng 5 hay 10 phút, rồi tiếp theo mình sẽ Ngồi khoảng 5 hay 10 phút.

-      Thời gian có thể kéo dài hơn, tùy ý mỗi người, Tuy nhiên nếu kéo dài có khi mình không còn chú tâm nữa mà nghĩ tới chuyện khác.

-      Mình có thể tập ở trong phòng khách hay trong sân vườn cũng được.

-      Thiền hành, giữ cái Biết minh đang Đi.

-      Ngồi: không cần phải bán già, chỉ ngồi, bình thường, ngồi trên ghế ở sân vườn hay trong phòng khách. Biết mình đang Ngồi.

-      Không cần nhắm mắt. Có thể thấy, nghe, hay xúc chạm. Tất cả giữ cái Biết rõ ràng. Đơn giản vậy thôi.

-       Biết cái gì? Thân mình lúc đó ra sao? Tâm mình lúc đó ra sao? Cảnh ra sao?

-      Nếu các em thực tập lần thứ nhất chưa nhận ra rõ thi làm lại lần thứ nhì, lần thức ba, cho tới khi nào nhận ra rõ ràng có thể ghi lại được thì tốt.

-      Viết chân thật thì mới đặc sắc của mình.

Thích Nữ Triệt Như

15- 7- 2020

 

 

   

P

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm