Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Inline image

Đức Phật từng dạy rằng:

 

"Ở đời có năm thứ báu rất khó có được. Những gì là năm ?"

 

1/ Một là: "Bậc Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời, rất khó có được":  

 

 

Inline image

 

Gặp được Phật ra đời là rất khó. Những ai được sống cùng thời với Đức Phật Thích Ca là những người thật sự có vô lượng phước lành. Vì được sống cùng thời với Ngài, họ đựơc diện kiến Ngài, được trực tiếp nghe những lời giáo huấn từ Ngài, được học những bài học từ khẩu giáo và thân giáo của Ngài. Chính vì thế mà thời Đức Phật, có hàng ngàn vị tỳ kheo tu tập rất mau có kết quả, chóng chứng ngộ, đạt được quả vị cao. Đệ tử của Ngài có hàng ngàn vị A la hán, và đã có rất nhiều vị được Ngài thọ ký sẽ thành Phật tương lai. 

 

2/ Hai là: " Người có thể giảng thuyết đúng Chánh pháp của Như Lai, rất khó có được":

 

Ngày nay, có quá nhiều người giảng pháp, nhưng không phải ai cũng truyền bá đúng đắn những giáo lý mà Đức Phật đã lao tâm khó nhọc trong suốt 80 năm với mục đích giúp chúng sanh thoát khổ, giác ngộ và giải thoát. 

 

Thời Đức Phật ngày xưa, chỉ các đệ tử nào được Ngài chứng nhận đã sạch hết lậu hoặc và đã đạt đạo quả, được Ngài cho phép thì mới có thể đi hoằng pháp. Đó là những vị đã có những chứng nghiệm của chính bản thân trong việc tu hành. Thời nay đa phần các giảng sư là những người thông thạo về kinh sách nhưng kinh nghiệm tu chứng thì hết sức hiếm.

 

Inline image

 

Phải chăng Như Lai, cách đây 2500 năm, cũng đã tiên liệu trước được việc này khi Ngài đã báo trước rằng sẽ tới thời mạt pháp khi mà nhiều giảng sư mạnh ai nấy thuyết pháp theo suy nghĩ và sự diễn giải của riêng mình, khiến người phật tử dễ lẫn lộn, phân vân không biết đâu là con đường đích thật phải đi theo. 

 

3/ Ba là: "Người có thể tin và hiểu pháp mà Như Lai diễn thuyết, rất khó có được": 

 

Nghe được Phật pháp đã là khó, hiểu và tin tưởng vào giáo lý Phật đà thì lại càng ít người làm được. 

 

a/ Tin vào Chánh pháp: Ngày nay, với sự tân tiến của khoa học và kỹ thuật, con người đâm ra có khuynh hướng "phải tận mắt thấy thì mới tin". Chính vì vậy mà rất nhiều người không tin vào Nhân quả, bởi không phải Nhân nào cũng trổ Quả trong kiếp này. Ngay cả những Phật tử đã quy y, thọ 5 giới, nhưng sao vẫn tạo Nghiệp bất thiện? Bởi vì họ chưa thật sự có niềm tin sâu sắc vào Nhân quả. 

 

Inline image

 

Sống trong xã hội, khi bộ luật hình sự quy định rằng giết người là một trọng tội, thì hầu hết mọi người đều không dám phạm tội nghiêm trọng này. Vì ai cũng rất sợ án chung thân hay tử hình. Thế nhưng, tuy biết rằng sát sanh là một Nhân bất thiện mà chắc chắn sẽ phải nhận lãnh Quả báo xấu ác, con người vẫn giết hại súc vật một cách dã man chỉ để thỏa mãn khẩu vị của mình với những món ăn tàn nhẫn: tiết canh vịt, thịt chó, óc khỉ, mật gấu, patê gan ngỗng, etc... Bởi vì sao? Vì chúng sanh chưa thật sự tin Nhân quả. Chưa tin nên chưa sợ!

 

Inline image

 

Tuy nhiên, đạo Phật không bảo con người cứ nhắm mắt mê tín mà tin. Đức Phật Thích Ca có dạy: “Tin ta mà không hiểu ta, ấy là bài báng ta”. Theo đạo Phật, lòng tin chân chánh phải đi kèm với sự xét đoán sáng suốt. Hiểu rồi mới tin, thì lòng tin ấy mới là chánh tín. Ðối với đạo Phật, tin mà không hiểu thì sẽ đi sai lối, lạc đường.

 

b/ Hiểu Chánh pháp: Phật pháp mênh mông, không phải chỉ nghe một vài lần thì có thể hiểu ngay. Người Phật tử ngày nay cứ ỷ y vào sự hiểu biết của mình, cho rằng mình đã thấu hiểu hết, vô thường, khổ, vô ngã. Nhưng thật sự cái hiểu của chúng ta còn cạn cợt lắm. Vì cạn cợt nên ta vẫn cứ bon chen, hưởng thụ cuộc đời. Vì chưa hiểu sâu sắc nên ta vẫn cứ hẹn nay, hẹn mai chưa chịu tu rốt ráo. Từ hiểu biết nông cạn dẫn đến thực hành chưa có kết quả, con người ta đâm ra hoài nghi, rồi bỏ dở đường tu.

 

4/ Bốn là: "Người có thể thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết, rất khó có được": 

 

Tin và hiểu giáo pháp đã khó, thành tựu pháp lại càng cực kỳ khó. Thời nay có mấy ai giữ được tâm thản nhiên bất động trước 8 ngọn gió đời ? Có mấy ai làm chủ được sinh già bệnh chết ? Có chăng thì cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

 

Có thể nói không quá rằng người tu Phật thì như lá trong rừng, còn người thành tựu Chánh pháp thì chỉ là chút nắm lá nắm trong tay. Bởi thế nên ngày nay, trên con đường tâm linh đầy gập ghềnh, người Phật tử chúng ta cần phải sáng suốt tìm các bậc Chí Chân, các vị Chánh tăng đã tu chứng mà theo học Đạo.

 

5/ Năm là: "Hiểm nguy được cưu ách mà biết đáp trả, hạng người ấy cũng rất khó có": 

 

Khi hoạn nạn được người cứu giúp, con người ta thường không biết ơn, hay thường quên ơn rất mau, thậm chí có khi còn lấy oán báo ơn. Người xưa có câu "Cứu vật vật trả ơn, Cứu nhân nhân trả oán". Vì sao vậy? 

 

Inline image

 

Bởi lẽ chúng sanh vô minh, dễ bị danh lợi làm mờ mắt, sẵn sàng làm những điều nguy hại đến người ơn nghĩa ngày xưa, miễn sao có lợi cho bản thân. Chúng sanh vô minh nên tham ái, ích kỹ, sẵn sàng quay lưng lại với ân nhân mà làm điều xấu ác, vô lương tâm.

 

Đời người là một quá trình trả nợ. Người khác có thể cho ta thứ gì đó mà không cầu báo đáp, nhưng đó không phải là nghĩa vụ của họ mà là ân huệ đối với ta. Vì thế chúng ta phải ghi nhớ mối ân tình đó và tìm cách đền đáp nó một cách xứng đáng.

 

Phương thức tốt nhất để báo đáp ân huệ chính là "chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng". Hãy dùng tất cả tấm lòng thành để trả ơn, trả cho đến khi hết.

 

 

Inline image

 

Hạnh biết ơn và đền ơn không chỉ là một phẩm hạnh tốt người con Phật phải ghi nhớ và thực hành, mà còn là một đức tính mà con người đạo đức cần phải có.

 

Nhìn lại 5 điều quý báu trên, chúng ta có đã làm được mấy điều? 

 

- Là người Phật tử, tuy không được sinh ra cùng thời với Đức Phật, nhưng chúng ta vộ cùng tri ân Ngài đã tìm ra các chân lý bất biến của thế gian này và đã chỉ cho chúng ta con đường thoát khổ. Ta cần ghi nhớ công ơn các vị Chánh tăng đã mang giáo lý Phật đà khai mở tâm hồn ta. Không chỉ tin tưởng vào con đường giải thoát mà Ngài đã chứng ngộ, chúng ta cần quyết tâm thực hành Bát Chánh đạo, tu tập theo pháp môn mình đã chọn, để một ngày nào đó sẽ được thành tựu.

 

- Là người con Phật, không chỉ khắc ghi và đáp trả ơn nghĩa, chúng ta còn cần mở lòng ra, sẵn sàng giúp đỡ người khác không vụ lợi, không mong cầu báo đáp. Thực tập tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ, tâm Xả sẽ giúp ta có cuộc sống vui tươi, thanh thản và hạnh phúc

 

Làm được chừng đó thôi, người phật tử chúng ta đã thực sự giàu có lắm rồi. Bởi vì ta đang nắm giữ trong tay những báu vật quý hiếm của cuộc đời.

 

Như Chiếu

 

31-07-2020

 

Inline image

 

 

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm