Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 Truyền thống của Thiền tông là:

Chẳng lập văn tự
Ngoài giáo riêng truyền
Chỉ thẳng tâm người
Thấy tánh thành Phật.

Thấy tánh ở đây là thấy Phật tánh. Phật tánh mà mỗi chúng ta sanh đều có. Như kinh Đại Bát Niết-bàn nói: “Bậc thập trụ có thấy Phật tánh, nhưng chưa được rõ ràng. Thấy hoàn toàn Phật tánh thì thành Phật”.
Cho đến Lục tổ Huệ Năng, chữ “thấy tánh” hầu như là một thành ngữ để chỉ Nền tảng, Con đường và Quả của Thiền tông. Ngay khi ngộ tự tánh, hay thấy tánh, Lục tổ thưa với Ngũ tổ rằng:

Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh
Nào ngờ tự tánh vốn không sanh diệt
Nào ngờ tự tánh vốn tự viên mãn
Nào ngờ tự tánh vốn chẳng động lay
Nào ngờ tự tánh thường sanh muôn pháp.

Chúng ta thấy những lời nói về tự tánh này không khác với những câu kinh nói về Phật tánh trong kinh Đại Bát Niết-bàn.
Những từ để chỉ Phật tánh thì có nhiều tùy theo thiền sư. Ngài Lục tổ thường gọi là tự tánh; ngài Mã Tổ gọi là tâm(Tức tâm tức Phật), ngài Lâm Tế gọi là tâm pháp hay người đang nghe, thấy; ngài Nam Tuyền gọi là tâm bình thường, ngài Trần Nhân Tông gọi là tính sáng… Một từ các thiền sư hay dùng là bổn lai diện mục, khuôn mặt xưa nay của chính mình. Khi được thầy trực chỉ và thấy ra, lãnh ngộ được bổn lai diện mục này thì gọi là được truyền tâm ấn, tức là con mắt pháp thanh tịnh, pháp nhãn thanh tịnh, mà kinh điển thường nói.
Sơ tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi (? – 594), khi truyền Thiền tông vào nước ta, đã trao truyền Phật tánh này:

Tâm ấn chư Phật Trọn không mờ dối
Tròn đồng thái hư
Không thiếu không dư
Không đi không đến
Chẳng một chẳng khác
Chẳng thường chẳng đoạn
Vốn không chỗ sanh
Cũng không chỗ diệt…

Kinh Đại Bát Niết-bàn nói rằng, “Phật tánh không sanhkhông diệt, không đến không đi, chẳng phải quá khứ dị lai hiện tại, chẳng phải do tạo tác, chẳng phải tướng chẳng phải không tướng….” (Phẩm Thánh hạnh).
Sơ tổ của phái Thiền thứ hai của Việt Nam là Vô Ngôn Thông (759 – 826), dạy bài kệ cho đệ tử Cảm Thành nói về tâm hay Phật tánh như sau:

Các nơi đồn đãi
Dối tự rao truyền
Rằng thủy tổ ta
Gốc từ Tây thiên.
Truyền pháp nhãn tạng
Gọi đó là Thiền
Một hoa năm cánh
Hạt giống liên miên.
Ngầm hợp lời mật
Muôn ngàn có duyên
Đều gọi tâm tông
Thanh tịnh bản nhiên.Tây thiên cõi này
Cõi này Tây thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay sơn xuyên (núi sông).
Chạm, tô thành trệ
Phật, Tổ thành oan
Sai nói mảy may
Mất nó trăm ngàn.
Người khéo quan sát
Chớ lừa cháu con
Dẫu có hỏi ta
Ta vốn Vô Ngôn.

Ở đây, Phật tánh là thực tại “thanh tịnh bản nhiên,” không gì có thể làm nó sạch thêm, không gì có thể làm cho nó dơ đi. Thực tại ấy luôn luôn có mặt tại đây và bây giờ: “Tây thiên cõi này, cõi này Tây thiên, xưa nay nhật nguyệt, xưa nay sơn xuyên.” Nói theo ngôn ngữ Thiền, nó là cái “đương xứ tiện thị, đương niệm tức chân.”
Phẩm Bồ-tát Quang minh Biến chiếu, Đức Phật nói: “Thể Niết-bàn (Phật tánh) chẳng phải trước không mà nay có. Nếu thể Niết-bàn trước không mà nay mới có thì chẳng phải là vô lậu. Pháp thường trụ (Phật tánh) thì có Phật xuất hiện ở đời hay không có Phật xuất hiện ở đời, tánh tướng của pháp ấy vẫn thường trụ.”
Đụng chạm đến để sửa sang tô đắp cho nó là sai lầm, vì nó thanh tịnh bổn nhiên, không cần con người mó tay vào, dù bằng những kỹ thuật tâm thức cao cấp  nhất. Người ta chỉ việc trực tiếp thấy nó và sống với nó cho đến khi nó chuyển hóa toàn bộ cuộc đời mình, thân ngữ tâm của mình hoàn toàn là Phật tánh.
Điều này tương tự với Dzogchen (Đại toàn thiện), khởi nguồn từ Phật giáo Ấn Độ và vẫn được truyền thừa tới nay trong Phật giáo Tây Tạng. Tổng quát, Đại toàn thiện phân làm Nền tảng, Con đường, và Quả. Về mặt thực hành là Kiến (thấy), Thiền định, Hạnh, và Quả. Kiến là được một vị thầy đích thân khai thị để thấy Nền tảng Phật tánh của mình. Kế đó, Thiền định về cái thấy Phật tánh để nó không còn xa cách, xa lạ mà luôn luôn gần gũi, bình thường. Tiếp theo là Hạnh, nghĩa là thấm nhuần tất cả mọi mặt hoạt động của đời sống chúng ta với Phật tánh. Thiền định và Hạnh là Con đường, để cuối cùng chỉ còn một vị Phật tánh Thường Lạc Ngã Tịnh, sanh tử đã biến mất. Nói theo ngôn ngữ của Duy thức, thức tạo ra sanh tử đã biến mất, đã hoàn toàn chuyển thành Trí. Đây là Quả Phật tánh viên mãn.
Truyền thông Ấn Độ, Trung Hoa và Tây Tạng (và cả kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm Thánh hạnh) đều cho rằng Phật  tánh hay Như Lai tạng là thời chuyển pháp luân thứ ba của Đức Phật, trọn vẹn nhất, toàn thiện nhất, viên mãn nhất.
Sau đây chúng ta lược qua một ít những thiền sư Việt Nam để thấy cũng một Phật tánh Trung đạo Chân Không Diệu Hữu này (phẩm Bồ-tát Sư tử rống) được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo thành dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Thiền sư Thuần Chân (? – 1101), đời 12 dòng Tỳ-ni- đa-lưu-chi có bài kệ thị tịch:

Chân tánh thường Không tánh
Nào từng có diệt sanh
Thân là pháp sanh diệt
Pháp tánh chưa từng diệt.

Thiền sư Chân Không, đời 16 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi trước khi tịch nói bài kệ:
Gốc diệu hư không sáng tự phô Gió hòa khởi dậy khắp Ta-bà Người người rõ biết: vô vi lạc Được cái vô vi mới là nhà.
Thiền sư Y Sơn (? – 1216), đời 19 dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi, dạy học trò: “Các ngươi nên biết, Như Lai thành Chánh đẳng Chánh giác, với tất cả nghĩa không có chỗ nào không thấu triệt, với pháp bình đẳng không có nghi hoặc, không hai không tướng, không đi không dừng, không lượng không hạn, xa lìa hai bên, trụ nơi Trung đạo, vượt khỏi hết thảy văn tự, lời nói. Truyền được thân bằng lượng của tất cả chúng sanh, được thân bằng lượng của tất cả cõi Phật, được thân bằng lượng của tất cả ba cõi, được thân bằng lượng của tất cả chư Phật, được thân bằng lượng của tất cả ngôn ngữ, được thân bằng lượng của chân như, được thân bằng lượng của pháp giới, được thân bằng lượng của hư không giới, được thân bằng lượng của vô ngại giới, được thân bằng lượng của tất cả nguyện, được thân bằng lượng của tất cả hạnh, được thân bằng lượng của tất cả tịch diệt”.
Lại nói kệ rằng:

Như Lai thành Chánh giác
Tất cả lượng bằng thân
Hồi hỗ chẳng hồi hỗ
Trẻ nhỏ sáng mắt thần.

Lại nói:

Chân thân thành muôn tượng
Muôn tượng thành chân thân
Cung trăng tươi quế đỏ
Quế đỏ trăng một vầng.

Đoạn văn xuôi của Thiền sư Y Sơn ở trên lấy từ kinh Hoa Nghiêm. “Chân thân,” “thân bằng lượng của tất cả” này là Pháp thân Phật tánh, nói theo kinh Đại Bát Niết- bàn thì đó là “thân vô biên,”“thân kim cương vô tận của Như Lai,” là “pháp giới thường trụ,” là “Như Lai với Pháp thân vi mật thường trụ không biến đổi.”
Ở trên là ba thiền sư của phái thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Sau đây là các thiền sư dòng Vô Ngôn Thông.
Thiền sư Thiện Hội (? – 900), đời thứ 2 dòng Vô Ngôn Thông một hôm vào thất Tổ Cảm Thành hỏi : “Kinh có nói: ‘Đức Thích Ca đã từng tu vô số kiếp mới được thành Phật’. Nay thầy dạy rằng Tức tâm tức Phật, con chưa hiểu, cúi xin thầy một phen khai thị cho”. Thiền sư Cảm Thành bảo: “Trong kinh là người nào nói?”. Sư thưa: “Đâu chẳng phải là Phật nói sao?”. Thiền sư: “Nếu là Phật nói thì tại sao trong kinh Văn Thù lại nói: ‘Ta ở đời 49 năm, chưa từng nói một chữ cho người nào.’ Vả lại cổ đức nói: ‘Người tìm văn lấy chứng thì thêm vướng mắc.’ Khổ hạnh cầu Phật là mê, lìa tâm cầu Phật là ngoại đạo, chấp tâm là Phật bèn là ma”. Sư hỏi: “Như vậy tâm này là cái gì, cái gì chẳng phải Phật? Như vậy tâm này là Phật gì?”. Thiền sư nói: “Xưa có người hỏi Mã Tổ: ‘tâm tức là Phật, cái nào là Phật?’ Mã Tổ nói: ‘ông nghi cái nào chẳng phải Phật chỉ ra xem?’Người kia không đáp được. Mã Tổ nói: ‘Đạt thì khắp tất cả cảnh, chẳng ngộ mãi trái xa.’ Chỉ một câu thoại đầu này, ông lại hiểu chăng? Sư ngay đó thưa rằng: “Con hiểu rồi.” Thiền sư hỏi : “Ông hiểu thế nào?” Sư đáp: “Khắp tất cả chỗ không đâu chẳng phải là tâm Phật.” Rồi sụp lạy. Thiền sư bảo: “Cần làm thế sao?”. Nhân đó đặt tên cho Sư là Thiện Hội.
Phật thân, Phật tâm, Phật tánh là những từ để diễn tả cùng một thực tại “khắp tất cả chỗ không đâu chẳng phải là tâm Phật.” Đây là sự nhìn thấy Phật tánh.
Thiền sư Ngộ Ấn (1019 – 1088), đời thứ 8 dòng Vô Ngôn Thông nói: “Pháp Vương vô thượng, ở thân là Phật, ở miệng là Pháp, ở tâm là Thiền. Tuy có ba nhưng chỉ là một. Ví như nước ba con sông, tên gọi tuy chẳng đồng nhưng tánh nước không khác”.
Bài kệ thị tịch của ngài :
Tánh diệu rỗng không chẳng thể vin
Rỗng không tâm ngộ chẳng khéo khó tìm Ngọc cháy đỉnh non màu thường thắm Sen nở trong lò mãi vẫn tươi.
Ngọc cháy trên đỉnh núi màu vẫn thường thắm. Hoa sen nở trong lò lửa mà vẫn mãi tươi. Viên ngọc ấy, hoa sen bất hoại ấy là Phật tánh của mỗi chúng ta.
Thiền sư Thường Chiếu (? – 1203) đời thứ 12 dòng Vô
Ngôn Thông có bài kệ về Như Lai tạng (tức Phật tánh):

Ở đời làm thân người
Tâm là Như Lai tạng
Rạng chiếu khắp muôn phương
Tìm nó lại càng rỗng.

Bài kệ thị tịch của ngài nói về Phật tánh Trung đạo Chân Không Diệu Hữu, đó cũng là quê nhà đích thực của con người:
Đạo vốn không nhan sắc Mỗi ngày mới mẻ khoe Ngoài đại thiên thế giới Nơi đâu cũng là nhà.
Về sau, chúng ta có thêm một phái Thiền nữa là phái Thiền Trúc Lâm do đức vua Thiền sư Trần Nhân Tông (1258 – 1308) sáng lập. Đây là một dòng Thiền mang nhiều tính cách của người Việt Nam.
Bốn thế kỷ sau, Thiền sư Chân Nguyên (1647 – 1726), người trùng hưng phái Thiền Trúc Lâm, tổng kết toàn bộ lịch sử Thiền tông Việt Nam trong Thiền tông Bản hạnh. Trong sách này, ngài nói Phật tánh là đóa hoa sen được truyền từ Phật Thích Ca, và Phật tánh ứng dụng ra toàn bộ hoạt động của đời sống:

Thuở xưa hội cả Kỳ Viên
Bụt cầm một đoá hoa sen giơ bày
Ca-diếp trí huệ cao tay
Liễu ngộ tự tánh bằng nay mỉm cười
Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tánh trạm viên
Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng
Hậu học đà biết hay chăng
Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời
Thiêng liêng ứng khắp mọi nơi
Lục căn vận dụng trong ngoài thần thông…

Toàn sách Thiền tông Bản hạnh nói về việc khai thị ngộ nhập Phật tánh qua cuộc đời các vị Tổ Việt Nam. Ở đây chỉ xin trích một đoạn về Thượng sĩ Tuệ Trung và Trần Nhân Tông:

Tuệ Trung thượng sĩ chỉ nam
Nhân Tông tác lễ mới tham đạo thầy
Tuệ Trung trỏ bảo liền tay
Tức tâm thị Phật xưa nay Bụt truyền
Tâm kinh vốn thấy căn nguyên
Tâm là nhất tự pháp môn thượng thừa
Tâm bao bọc hết thái hư
Tâm năng ứng dụng tùy cơ trong ngoài
Tâm hiện con mắt lỗ tai
Hay ăn hay nói mọi tài khôn ngoan
Tâm năng biến hóa chư ban
Vạn pháp cụ túc lại hoàn Như Như…

Con đường chung của Phật giáo là Giới, Định, Huệ. Trong bối cảnh Phật tánh, giới là tin và sống theo niềm tin xác quyết “chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen”. Giới đó được diễn tả trong Phạm võng Bồ-tát giới:

Đại chúng hãy tin chắc
Mình là Phật sẽ thành
Ta là Phật đã thành
Thường tin được như vậy
Giới phẩm đã trọn vẹn.

Định là tập trung sâu vào bản tánh của tâm thức để thấy được bản tánh của tâm thức là Phật tánh.
Với giới và định đã đầy đủ thì huệ khai mở, “hoa khai thấy Phật ngộ vô sanh”. Thiền tông Bản hạnh nói về sự hoa khai hay thấy Phật tánh như sau:

Ai ai đạt giả đồng đồ
Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà
Mùa xuân vạn thụ khai hoa
Cành cao cành thấp vậy hoà chứng nên.

Phật giáo Việt Nam đã có những mùa xuân như vậy. Những mùa sen vẫn nở từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác… „■

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 175

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm