Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 

Làm cho tâm an có nghĩa làm tìm được sự quân bình đúng mực. Nếu ta dụng tâm nhiều quá thì sẽ đi quá xa, còn nếu không vận động tâm đủ thì sẽ không đi đến đâu cả và không đạt được sự quân bình đúng mực.
 
 
Bình thường tâm chúng ta không đứng yên một chỗ, mà chuyển động liên miên. Ta phải làm cho tâm mạnh hơn. Làm cho tâm mạnh và làm cho thân mạnh không giống nhau. Muốn làm cho thân mạnh, ta phải vận động, thúc đẩy để cho nó được mạnh mẽ hơn, nhưng làm cho tâm mạnh có nghĩa là làm cho tâm được an bình, không suy nghĩ lan man hết chuyện này qua chuyện khác.
 
Bởi vì hầu hết chúng ta đều chưa bao giờ có được tâm an bình, chưa bao giờ có được định lực, nên ta phải dùng phương tiện, qua một khuôn khổ nào đó, để tạo ra điều đó. Ta ngồi tọa thiền, dừng lại một chỗ với “chủ thể đang thấy biết”.
Nếu ta cưỡng ép hơi thở mình dài quá hay ngắn quá, ta sẽ không được quân bình, và tâm sẽ không an được. Cũng giống như khi ta bắt đầu học cách xử dụng bàn đạp trong máy may. Đầu tiên ta phải tập đạp máy để điều khiển cho đúng, rồi sau đó mới may được.
Theo dõi hơi thở cũng tương tự như vậy. Chúng ta không cần quan tâm là hơi thở dài hay ngắn, yếu hay mạnh, chỉ cần ghi nhận như vậy thôi. Ta chỉ cần buông xả mọi sự, đi theo hơi thở tự nhiên của mình.
 
Khi đã đạt được sự cân bằng, ta xem hơi thở như đối tượng để quán chiếu. Khi thở vào, nơi khởi đầu của hơi thở là ở mũi, đến điểm giữa là ở nơi ngực, và điểm cuối cùng là ở nơi bụng. Đó là lối đi của hơi thở. 
 
Khi thở ra, điểm khởi đầu của hơi thở là ở nơi bụng, điểm giữa ở ngực và cuối cùng là ở mũi. Chỉ cần ghi nhận lối đi của hơi thở này qua mũi, ngực và bụng, rồi lại từ bụng, ngực và mũi. Chúng ta ghi nhận ba điểm này để làm cho tâm được mạnh hơn, để giới hạn những hoạt động trong tâm trí nhằm làm cho có sự tỉnh giác và tự thấy biết khởi lên dễ dàng hơn.
 
Khi đã hướng được sự chú tâm đến ba điểm này rồi, ta có thể buông xả và biết đến hơi thở vào ra, trụ tâm vào điểm chính là mũi hoặc môi trên, nơi không khí vào ra theo lối đi của hơi thở.  Ta không cần theo dõi hơi thở, chỉ cần có sự tỉnh giác trước mặt, trên đầu mũi, và chú ý đến hơi thở ở điểm này – vào, ra rồi lại ra, vào.
Không cần phải quán chiếu điều gì đặc biệt, chỉ cần chú tâm như vậy ngay trong giây phút hiện tại, cho có sự tỉnh thức liên tục.  Không cần phải làm gì hơn, chỉ có thở vào và thở ra.
 
Chẳng mấy chốc tâm trở nên yên tĩnh, hơi thở vi tế hơn. Thân và tâm trở nên nhẹ nhàng khinh an. Đó là trạng thái thiền định đúng cách. 
 
Khi tọa thiền tâm trở nên vi tế hơn, nhưng dù ở trong bất cứ trạng thái nào ta cũng phải có sự tỉnh giác tự biết mình. Ngay trong trạng thái an tĩnh, những hoạt động tinh thần vẫn hiện diện. Trong tiếng Sanskrit, Vitakkha (Tầm) chỉ cho tâm tìm kiếm, hướng về một đối tượng nào đó (ở đây, tác giả muốn nói đến sự hướng tâm về đối tượng quán chiếu). Nếu không tỉnh giác, sẽ không có vitakkha nhiều được.
 
Rồi sau đó đến Vicara (Tứ), là niệm liên tục trên đối tượng quán chiếu (hay nói cách khác, là trụ tâm trên đối tượng quán chiếu). Thỉnh thoảng, cũng có những tạp niệm yếu ớt khởi lên, nhưng sự tỉnh giác tự biết mình là điều quan trọng nhất; bất cứ điều gì đang xẩy ra cũng được ta liên tục nhận biết đến. Khi đến mức sâu xa hơn, ta thường xuyên tự biết mình đang ở trong trạng thái định như thế nào, biết tâm đã được an định vững chắc hay chưa. Như vậy, sự chú tâm và giác tâm đều cùng hiện diện.
 
Có một tâm an bình không có nghĩa là không có một khởi động nào xẩy ra; trong tâm trí chúng ta lúc nào cũng có những khởi niệm tự nổi lên. Nói ví dụ, khi nhắc đến tầng đầu tiên của mức độ thấm thấu trong thiền định, ta nói là có năm yếu tố. Cùng với tầm (vitakkha) và tứ (vicara), trạng thái hỷ (piti) theo sau một tâm nhất quán, và rồi trạng thái lạc (sukha) cũng khởi lên.
 
Yếu tố thứ năm là Ekaggata, tức là nhất tâm. Chắc bạn sẽ tự hỏi rằng làm sao có nhất tâm nếu còn có những yếu tố kia hiện diện. Đó là bởi vì chúng đã trở thành đồng nhất với nhau trên nền tảng của một tâm tĩnh lặng. Sự hợp nhất đó gọi là trạng thái thiền định. Đó không phải là những trạng thái tâm hàng ngày, mà là những yếu tố thấm thấu của thiền định.
 
Tuy có năm yếu tố này, nhưng chúng không làm nhiễu loạn nền tảng tĩnh lặng của tâm. Hướng tâm về đối tượng quán chiếu (vitakkha) không làm tâm nhiễu động, trụ tâm trong đối tượng quán chiếu (vicara), hỷ và lạc tuy khởi lên nhưng không làm động đến tâm. Những yếu tố ấy đã trở nên đồng nhất với tâm. Tầng thấm thấu của thiền định đầu tiên là như thế.
 
Ta không cần phải gọi đó là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền v.v.. hãy chỉ gọi đó là một “tâm an bình”. Khi tâm càng ngày càng an định hơn, tự nó sẽ buông bỏ tầm và tứ, chỉ còn lại trạng thái hỷ và lạc.
 
Tại sao tâm lại buông bỏ tầm và tứ? Đó là bởi vì, khi tâm đã trở nên vi tế hơn, những hoạt động của tầm và tứ lại thành ra quá thô lậu để mà tồn tại. Đến tầng mức này, khi tâm đã buông được tầm và tứ, những cảm giác hỷ lạc dâng trào đến nỗi nước mắt phải ứa ra.
 
 
Nhưng khi ở trong thiền định sâu hơn nữa, trạng thái hỷ cũng bị buông bỏ, chỉ còn lại sự an lạc và một tâm nhất như, cho đến cuối cùng ngay cả trạng thái an lạc cũng hết và tâm đã đến tầng mức vi tế cao nhất. Lúc đó chỉ còn lại tâm bình đẳng và nhất như, tất cả những thứ khác đã đều bị buông xả. Tâm ở trong trạng thái bất động. 
 
Khi tâm an định, những điều trên có thể xẩy ra. Bạn không cần phải nghĩ nhiều quá đến điều đó, tất cả đều sẽ tự diễn ra khi các nhân duyên đã chín mùi. Đó gọi là năng lực của một tâm an định. Trong trạng thái này tâm không bị buồn ngủ; năm chướng ngại chính, tham dục, sân hận, trạo cử (xung động), hôn trầm, nghi hoặc đều đã cao chạy xa bay.
 
Nhưng nếu năng lực tinh thần vẫn chưa mạnh và sự tỉnh giác vẫn còn yếu, thỉnh thoảng sẽ có những ấn tượng khởi lên trong tâm trí. Tâm vẫn yên tịnh, nhưng dường như là có một đám mây nào đó đang che phủ trong đó. Đó không phải là một loại hôn trầm thường tình, sẽ có một vài ấn tượng hiện lên – có thể là ta sẽ nghe một âm thanh nào đó, hay thấy một con chó, hay một vật nào đó. Nó không thật sự rõ ràng, nhưng cũng không phải là mộng. Đó là bởi vì năm yếu tố của tâm đã trở nên bất quân bình và yếu đi. 
 
Tâm trí thường hay khởi lên những trò chơi quấy phá trong những tầng lớp này của thiền định. Một “ảo giác” đôi khi sẽ hiện ra khi tâm ở trong trạng thái này, xuyên qua một giác quan nào đó, và hành giả sẽ không nói được chính xác điều gì đang xẩy ra. “Tôi có đang ngủ không? Không. Đó có phải là giấc mơ không? Không, đó không phải là giấc mơ…” Những ấn tượng này khởi lên từ một trạng thái an định nửa chừng, nhưng nếu tâm thực sự yên bình và sáng suốt, ta sẽ không có sự nghi hoặc đối với những ấn tượng đang khởi lên trong tâm trí.
 
Những câu hỏi như: “Tôi có thiếp đi không? Tôi có đang ngủ không? Tôi có đi lạc lối không?..” không khởi lên, bởi vì chúng là đặc tính của một tâm vẫn còn nghi hoặc. “Tôi đang ngủ hay đang thức đây?”… Ở đây, tâm trí đang bị mù mờ. Đây là tâm đang bị lạc mất trong những trạng thái của mình. 
 
Đó cũng giống như mặt trăng đang đi qua sau một đám mây. Bạn vẫn có thể thấy được trăng nhưng đám mây che chắn làm cho trăng mờ đi, không giống như khi trăng xuất hiện ra khỏi đám mây, trông thật rõ ràng, sắc nét và sáng ngời.
Khi tâm đã an và trụ vững chắc trong sự tỉnh giác và tự thấy biết, sẽ không còn những nghi ngờ gì về muôn hiện tượng mà chúng ta gặp phải. Tâm ta sẽ thực sự vượt qua mọi chướng ngại.
 
Ta sẽ biết rõ ràng những gì khởi lên trong tâm là như thị, chỉ là như thế mà thôi. Ta không còn nghi hoặc, vì tâm đã sáng tỏ. Đó là tâm đã đạt đến mức thiền định.

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm