Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

  Ý NGHĨA VÀ NGUỒN GỐC "PHẢN QUAN TỰ KỶ"

 

        Là người Phật tử, dù tu tập theo pháp môn nào chúng ta cũng thường được nghe chư tôn đức dặn dò: "Tu tập phải luôn quay vào bên trong, quay về chính mình, không nhìn ngó ra ngoài". Không nhìn ngó ra ngoài, không có nghĩa là chúng ta lúc nào cũng nhắm mắt không nhìn ngoại cảnh. Chúng sanh có mắt để nhìn. Có tai để nghe. Có mũi để ngửi. Có lưỡi để nếm. Có thân để biết lạnh nóng. Có tâm để biết suy nghĩ, phán xét... Đó là phước báu của một con người sinh ra đời được lành lặn, thì tại sao không xử dụng những căn này để học hỏi, để thưởng thức một cuộc sống lành mạnh. Nhưng nếu là người muốn thoát khổ, muốn có cuộc sống an bình ở đời này, hay cao thượng hơn là muốn giác ngộ giải thoát trong tương lai, thì hiện tại người đó cần tu tập làm chủ tâm ngôn, ý ngôn, đồng thời làm chủ ba nghiệp của mình. Đó là Ý nghiệp, Thân nghiệp và Khẩu nghiệp.

 

        Trong lúc tu tập, các giác quan tức sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của những vị này vẫn được tự do ghi nhận, nhìn ngắm, nghe, ngửi, xúc chạm với ngoại trần như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhưng không để sáu thức chạy theo ngoại trần, khiến cho tâm bình thản bị ảnh hưởng nổi tham sân si. Vì thế, các Ngài mới dạy chúng ta: "Không nhìn ngó ra ngoài" có nghĩa là không để tâm bị cảm xúc: vui buồn, ghen ghét, oán hận, thương yêu... bởi ngoại cảnh, mà phải quay vào trong, tức là quay vào tâm của mình, trong kinh gọi là "thu thúc lục căn".

 

        Có khi các Ngài nói ngắn gọn là "Nhìn vào tâm", mà nhìn vào tâm để làm gì? Đó là để tự mình quan sát cái tâm của mình. Xem lúc đó tâm mình ra sao? Nó yên lặng hay đang phóng chạy lung tung với những dính mắc bởi ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Hành động quay lại nhìn vào tâm, tự quán xét lấy mình gọi là "Phản Quan Tự Kỷ"

        

Phản có nghĩa là: Ngược lại. Quan có nghĩa là: Quan sát, ngắm nhìn, xem xét, quán chiếu. Tự kỷ nghĩa là chính mình. Như vậy "Phản quan tự kỷ" là quay lại soi xét bản thân mình về cả ba mặt ý nghĩ, lời nói và hành động.

 

        Phát nguyên của câu nói này do vua Trần Nhân Tông lúc còn là Thái Tử Trần Khâm, được vua Cha là Trần Thánh Tông cho theo học đạo lý với Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ. Khi Thái tử sắp về triều, đã đặt câu hỏi với Thầy của mình như sau:

        -  "Kính bạch Thượng sĩ, pháp yếu của Thiền Tông là gì?".

          Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ đáp:

        -  Là "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc", có nghĩa quay lại soi sáng tâm mình là bổn phận gốc, chứ không từ bên ngoài mà có được.

 

        Từ đó và sau này Đức Điều Ngự Giác Hoàng là Tổ Sư Thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam đã ứng dụng "Phản Quan Tự Kỷ" như là một pháp tu thiền của Ngài, và Hoà Thượng Thích Thanh Từ nối tiếp dòng thiền Trúc Lâm ngày nay cũng lấy "Phản Quan Tự Kỷ Bổn Phận Sự, bất tùng tha đắc" làm câu châm ngôn dạy đệ tử hành trì miên mật.

PHÁP TU "PHẢN QUAN TỰ KỶ"

 

        Pháp tu "Phản Quan Tự Kỷ" là pháp tu tổng quát, bao trùm hết giáo lý của nhà Phật.

 

        - Thí dụ như tu thiền Định. Trong kinh "Định Niệm Hít Vào Thở Ra" (Anapànasati Samàdhi), khi chúng ta lặng lẽ xem xét sự sanh diệt của từng hơi thở, thầm rõ biết tinh tường những biến chuyển của nội tâm hay sự thay đổi bản thân trong lúc toạ thiền thì đây chính là "Phản quan tự kỷ".

 

        - Hay tu theo pháp "Lục diệu pháp môn" là sáu môn quán chiếu hơi thở, quay lại mình như: Quán sổ tức, Tuỳ tức, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Sổ tức là đếm hơi thở: Hít vô cùng, thở ra sạch đếm là 1. Đếm như thế tới 10, rồi bắt đầu đếm lại từ 1. Cứ như thế tu tập đến khi thuần thục thì bước sang giai đoạn quan sát hơi thở vô, hơi thở ra một cách rõ ràng gọi là Tuỳ tức. Chỉ là tâm dừng lại để nhìn hơi thở. Quán là xem xét hơi thở ra vô là mạng sống, mạng sống thì vô thường không vững bền. Hoàn là xoay trở lại xem hơi thở vô thường là cái gì. Cuối cùng tâm hoàn toàn yên lặng không phóng ra ngoài nữa là Tịnh. Như thế pháp tu "Lục Diệu Pháp Môn" là pháp quay về trong tâm tu tập để tâm hoàn toàn dừng niệm, thì đó cũng chính là "Phản Quan Tự Kỷ".

 

        - Hệ thống kinh A-Hàm, Đức Phật dạy thiền quán bốn xứ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

 

        1) Quán thân bất tịnh, nghĩa là xem xét phân tích chi tiết từng bộ phận của thân, thấy rõ thân này nhớp nhúa, ô uế... nhằm giúp con người không chấp trước vào thân, không say đắm ham mê sắc dục.

        2) Quán thọ thị khổ, nghĩa là khi giác quan tiếp xúc với ngoại cảnh, chúng ta biết những cảm giác hay cảm nhận của thân và tâm lúc đó là vô thường, không thật. Nếu chấp thường hằng hay thật có, thì đó là nguồn gốc của khổ đau.

        3) Quán tâm vô thường, là quay vào tâm, thấy rõ tâm niệm mình luôn luôn sinh diệt không dừng. Suy nghĩ này vừa dứt thì suy nghĩ khác tiếp nối.

        4) Quán pháp vô ngã, tức là quán tất cả các pháp, từ tâm pháp, sắc pháp (nơi mình và ngoại cảnh) đều không thực chất tính, do tương duyên hợp mà thành, rồi cũng do duyên thay đổi mà biến thành pháp khác.

 

        Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Trung Bộ I ghi rằng "Đây là con đường duy nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết Bàn."  Còn kinh A-Hàm ghi lại rằng: "Phật dạy vị nào cột tâm trong Tứ Niệm Xứ được bảy ngày không dời đổi, người đó sẽ chứng quả A-Na-Hàm, chẳng những bảy ngày mà qua ba ngày cũng chứng quả, rồi chẳng những ba ngày mà một ngày cột tâm ở Tứ Niệm Xứ không dời đổi cũng chứng quả A-Na-Hàm." Quán như thế là phản chiếu lại mình, soi sáng lại mình, xem xét lại mình. Như vậy Tu thiền quán Tứ Niệm Xứ cũng chính là ứng dụng pháp tu "Phản Quan Tự Kỷ" nhìn lại bốn xứ của mình để tu tập.

 

        - Ngoài ra phải kể đến Ngũ Đình Tâm Quán dạy chúng ta năm loại quán. Đó là quán sổ tức, quán bất tịnh, quán từ bi, quán nhân duyên, quán giới phân biệt (sáu căn, sáu trần, sáu thức).  Công dụng của năm pháp quán tưởng này nhằm giúp người tu trụ tâm để soi sáng lại mình. Như vậy các loại quán này cũng áp dụng pháp tu "Phản Quan Tự Kỷ" là nhìn lại tâm mình để tu tập.

       

TÓM LẠI

 

        Hiểu được ý nghĩa của "Phản Quan Tự Kỷ" chúng ta nhận thấy mọi pháp tu dù Tịnh Độ Tông, Mật Tông hay Thiền Tông phương pháp hành trì có khác nhau nhưng chung quy đều ứng dụng pháp "Phản Quan Tự Kỷ" này để tu tập. Vì thế nếu lúc nào chúng ta cũng quay về với tâm để quán sát, kiểm soát tâm của chúng ta thì con đường tâm linh ngày một phát triển, bởi vì khi tâm không còn dính mắc với ngoại cảnh mà quay về với cái biết không lời của tự tâm, thì tức khắc tâm chúng ta sẽ được yên lặng, vọng tưởng lúc đó nếu có, sẽ tự động im bặt. Tại sao thế? Đó là vì khi tâm quay về quan sát tâm bằng cái biết lặng lẽ thầm lặng nhưng rõ ràng đầy đủ mà không phản ứng gì cả thì ngay lúc đó ta quay về với chánh niệm bây giờ và ở đây, tức chúng ta đang an trú trong Tánh Giác, mà đặc tính của Tánh Giác là hoàn toàn yên lặng. Khi Tánh Giác xuất hiện bao lâu thì ba nghiệp được trong sạch bấy lâu. Còn như nếu chúng ta buông lung để tâm ý lang thang dính mắc với đủ mọi thứ ở thế gian này thì chúng ta đang sống với Vọng tâm. Sống với Vọng tâm là chúng ta sống quên mình, tức là quên cái bản tâm vốn tự nó trong sạch sáng suốt tròn đầy, mà chỉ sống với tâm ích kỷ, chấp nhất, tham, sân, si...  tạo nghiệp tốt lẫn xấu, để rồi khi thân hoại mạng chung nghiệp sẽ dẫn chúng ta đi tái sanh, nhưng không biết sẽ tái sanh vào nơi nào trong sáu cõi luân hồi: Trời, Người, A-Tu-La, Súc sanh, Ngạ quỷ hay Địa ngục.

 

        Tóm lại sự tu hành cốt ở chỗ chúng ta phải nhớ lại mình là cái gốc, là bổn phận. Ngoài không dính sáu trần, trong không để vọng tưởng lấn áp thì bản tâm chân thật mới hiện tiền. Tâm chân thật đó chính là Tánh Giác. Khi nó hiện tiền thì nó chính là cái nhân thành Phật. Là người xuất gia hay tại gia đều phải "phản quan tự kỷ" soi chiếu lại tâm mình thì đó là người biết tu, sau này mới thoát khỏi luân hồi sanh tử. Cho nên chư Tổ mới nói "Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc" là châm ngôn cho người tu là như thế./

THÍCH NỮ HẰNG NHƯ

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Pháp thoại

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm