Tánh không, không kể trong tâm hay ngoại cảnh của tất cả mọi hiện tượng là nét đặc thù của Trung quán. Hiểu thấu đáo điểm này mới có thể giải thoát được toàn bộ mọi ràng buộc phiền não. Tiếng Phạn gọi phiền não là klesha, tiếng Tạng gọi phiền não là nyon mong, nghĩa là “xung đột nội tại.” Xung đột trong lòng đưa đến đau khổ thân tâm.
Một khi đã nói về tự tánh chân thật của thực tại thì nội tâm ngoại cảnh chỉ là không hai ... tánh không.
Tôi nghe như vầy, giác tường tận, ngộ thấu đáo tính chất của tánh không là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát toàn diện khổ đau luân hồi.
Trong Tam giải thoát môn. Nếu xét về chính bản thân của sự vật, sẽ thấy sự vật không có tự tánh và không có đặc tính. Ðây là cánh cửa giải thoát thứ nhất, cửa Không. Nếu xét về nhân, sẽ thấy sự vật không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh. Ðây là cánh cửa giải thoát thứ hai, cửa Vô Tướng. Nếu xét về quả, sẽ thấy sự vật không thiếu, không đủ. Ðây là cánh cửa giải thoát thứ ba, cửa Vô Nguyện.
Ba lối thoát từ 3 vô tự quan này thật ra chỉ là ba diện mục của cùng một bản lai không của vô môn quan.
Vô môn quan ràng buộc vô ngã hay vô ngã tự ràng buộc bởi vô tự quan?
Cái gì trói buộc được tánh không?
Kinh Phật có nói trí tuệ chứng ngộ tánh Không không những là cánh cửa chân thật duy nhất, mà cũng là con đường độc nhất đưa chúng ta ra khỏi vòng kềm tỏa của vô minh mang đến lo ngại, khổ đau, sinh tử luân hồi.
Ngài Tịch Thiên, một vị cao tăng Ấn Độ sống vào thế kỷ thứ tám, có nói như sau,
“Phật tử chân chính / Khi gặp nghịch cảnh,
An định vững vàng / Đứng yên như cây”.
Ngài Tịch Thiên nhắc nhở nghịch cảnh từ ngoài tự nó không nhất thiết phải khiến nội tâm xáo trộn. Ngay trong cảnh ngộ khắc khe nhất, nguyên do chính của khổ đau vẫn là vì thâm tâm chưa thuần nên bị phiền não chi phối, động tâm. Nếu không hiểu được điều này, chúng ta sẽ tiếp tục dung túng phiền não, để nó tự tung tự tác, bất kham.
Trong Bài Kinh về Mũi Tên (Sallatha Sutta, Tương Ưng Bộ Kinh, SN 36.6) đã phân tích, sự khổ đau gồm có hai thể dạng khác nhau đó là sự đau đớn trên thân xác, và các xúc cảm trong tâm thần. Đức Thế Tôn so sánh hai thể dạng ấy với bản thân bị trúng hai mũi tên: mũi tên thứ nhất là những sự cảm thọ đau đớn của vật lý trên thể xác, và mũi tên thứ hai là những nỗi đau buồn, và lo lắng do tâm lý tạo ra bởi tâm thức.
Cái đau của cơ thể, và các xúc cảm khổ phát sinh từ tâm lý chỉ là các hình thức khổ đau của tục đế, khổ trong khổ, đau trong đau.
Bài viết Buddhism's Pain Relief của học giả Phật Giáo Rick Heller được Hoang Phong bình luận rất viên diệu, “sự đau đớn đôi khi không nhất thiết phát sinh từ một nguyên nhân mang tính cách vật lý mà là những sự "tạo tác tâm thần," chẳng hạn như những chứng đau đớn nhưng không có một sự chấn thương nào xảy ra.”
Hoang Phong chú thích:
“Specificity theory/théorie de la spécificité/thuyết đặc thù hay chuyên biệt phát sinh từ quan điểm triết học của triết gia Décartes (1596-1650) chủ trương tính cách "cơ học" (mechanism/cơ giới) của tất cả các hiện tượng qua sự liên kết giữa nguyên nhân và hậu quả. Quan điểm triết học này đã đưa đến một cuộc cách mạng khoa học trọng đại ở Âu Châu vào thế kỷ XVII, đặc biệt nhất là trong các lãnh vực Thiên Văn, Vật Lý và Y Khoa. Quan điểm triết học này của Décartes đã ảnh hưởng sâu đậm đến toàn bộ các nền văn hóa, khoa học và tư tưởng Tây Phương. Tính cách "duy lý" (cơ học/cơ giới) đó cũng đã ít nhiều đi ngược lại với tín ngưỡng độc thần của Âu Châu vào thời bấy giờ, có nghĩa là sự vận hành của mọi hiện tượng mang tính cách máy móc và không tùy thuộc vào một "ý chí tối thượng" nào cả. Trở lại với lãnh vực Y khoa thì quan điểm triết học trên đây cho rằng sinh vật là một bộ máy (animal-machine/động vật máy), từ đó đã làm phát sinh ra ngành Y Khoa Cơ Học (medicine-mechanisthic/médecine-mécanique) và sau đó đã chuyển dần sang một hình thức tân tiến hơn là ngành Y Khoa Khoa Học (Medical-Scientific/Médecine Scientifique) như ngày nay. Theo ngành Y Khoa Cơ Học thì tất cả các hiện tượng bệnh lý đều là do các nguyên nhân mang tính cách vật lý gây ra.”
Hoang Phong ghi chú, Phật Giáo quan niệm khổ đau còn mang những thể dạng tinh tế, và sâu kín hơn thế rất nhiều. Đó là "khổ đau của khổ đau," "khổ đau vì vô thường," và "khổ đau vì sự hiện hữu trói buộc.
Nói một cách khác là các nỗ lực của khoa học gia uyên bác ngày nay với những khối óc thật thông minh, xuất thân từ những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, được trang bị bởi các kỹ thuật hiện đại và tinh xảo nhất chẳng hạn như máy chụp hình não bộ bằng từ tính, cũng chỉ là để đẩy một cánh cửa mà Đức Phật đã mở sẵn cho chúng ta đã hơn hai mươi lăm thế kỷ trước.”
Các khoa học gia chỉ có thể giải thích về hai thể dạng khổ đau của vật chất, và tinh thần đó dựa vào kiến thức, và kinh nghiệm của những ngành khoa học tân tiến hiện đại như Tâm Lý Học, Phân Tâm Học, Thần Kinh Học, Y Khoa Học, Vạn Vật Học, v.v.... chứ họ đa số tối đa không hiểu biết gì về trí tuệ Phật Giáo.
Hoang Phong viết:
“Chữ khổ đau/suffering/souffrance chỉ là một từ thông dụng. Ý nghĩa của sự "khổ đau" trong giáo lý Phật Giáo (tiếng Phạn là dukkha tiếng Pali là duhkha) gồm có ba thể dạng: 1) Dukkha dukkha: là các thứ khổ đau thô thiển nhất trên thân xác và cả trong tâm thần: đau đớn và các xúc cảm đủ loại, kể cả sự sinh, bệnh tật, sự già nua và cái chết, tóm lại là sự khổ đau này được biểu trưng bởi cả hai mũi tên: một đâm vào thân xác và một đâm vào tâm thần; 2) Viparinama dukkha: là những thứ khổ đau mang lại từ bản chất vô thường của mọi hiện tượng, sự khổ đau này thường được diễn đạt bằng thuật ngữ "bất toại nguyện". Đối với Phật Giáo, sự khoái cảm - kể cả các thứ lạc thú dục tính - sự thanh thản hay hạnh phúc... cũng là khổ đau, bởi vì mình muốn những thứ thứ này phải kéo dài thế nhưng chúng lại không kéo dài như mình mong muốn; 3): Sankhara dukkha: là khổ đau của sự hiện hữu, một thể dạng khổ đau thật tinh tế, sâu kín và cùng khắp, liên quan đến tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ và trong tâm thần của mỗi cá thể, xuyên qua quy luật của sự tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng (pratityasamutpada), còn gọi là sự "tạo tác do điều kiện mà có", tóm lại là sự hiện hữu của chúng ta là một sự trói buộc vô cùng chặt chẽ với sự hiện hữu của tất cả các hiện tượng khác, từ hữu hình cho đến vô hình. Thuật ngữ "Giải Thoát" trong Phật Giáo có nghĩa là vượt thoát khỏi tất cả mọi hình thức trói buộc mang tính cách khổ đau đó, tức là Sự Thật Thứ Ba trong Bốn Sự Thật Cao Quý.”
Buddhism's Pain Relief được Rick Heller phân tích qua y học, và tâm lý học, được Hoang Phong giải thích, và kết luận như sau:
“Thiền định hay việc luyện tập tâm linh tỉnh thức nhằm đối đầu với các thứ khổ của khổ đau hầu mang lại cho mình sự thanh thản chưa hẳn là Phật Giáo. Đấy cũng chỉ là một cách đánh lạc hướng chủ đích cao quý và tối thượng trong giáo huấn của Đức Phật là sự Giác Ngộ và Giải Thoát. Khuynh hướng áp dụng giáo huấn Phật Giáo vào việc tìm kiếm sự thoải mái trên đây phản ảnh một góc cạnh nào đó về sự phát triển hiện nay của Phật Giáo trong thế giới Tây Phương.
Tóm lại những gì nêu lên trong bài viết Buddhism's Pain Relief của Rick Heller cũng chỉ lẩn quẫn ở thể loại khổ đau thứ nhất tức là dukkha dukkha mà tác giả Rich Heller gọi là suffering trong đó gồm có sự đau đớn trên thân xác và xúc cảm trong tâm thần. Giải thoát khỏi những thứ khổ đau này cũng chỉ mang lại một sự thanh thản, và đấy chưa phải là cách giúp mình đạt được sự Giác Ngộ.”
(http://palousemindfulness.com/docs/buddhism-pain.pdf).
Các khoa học gia đó dù đã có kiến thức để chứng nghiệm được sự thật về hai mũi tên của đau đớn trong đau khổ với phương pháp an thần tạm thời nhưng họ không có được trí tuệ để có thể diệt được đau khổ mà vẫn còn lẩn quẩn trong vòng phàm phu nhất của khổ đau tục đế mà thôi.
(Trích trong bài trường pháp luận, Như Như Bất Động, tác giả Lê Huy Trứ sẽ xuất bản trong một ngày rất gần đây)
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it." /> |
Reply allReplyForward |