56. Vài Trải Nghiệm Trong Tu Tập
Với tâm chân thật tu hành, người viết ghi lại vài điều có thực đã xảy ra trên bước đường tu học. Trong khi trình
bày sự việc, nếu có những ngộ nhận trong cách hành văn hay lý giải, đều là ngoài ý muốn của người viết. Nếu các bậc thức giả hữu duyên đọc bài này và có ý kiến cần chỉ giáo, người viết xin nghinh đón bằng cả tấm lòng thành và trân trọng cám ơn.
Những trải nghiệm sau đây đến với tôi đã lâu rồi, thế nhưng sự kiện nào tôi cũng nhớ rất rõ, nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua. Thời gian ấy tôi cũng đã tu tập thiền định, và tu tập khá đều đặn. Những buổi tọa thiền êm ả, nhẹ nhàng và sâu lắng đã khiến tôi càng ngày càng tha thiết với cái tâm tư yên ắng, lặng lẽ của mình; nó trống vắng, rỗng rang, nhẹ nhàng… thật dễ chịu. Nhưng nếu có ai hỏi đã tu tới đâu, đã được những gì, thì tôi chịu thua không thể trả lời được; chỉ biết là bản thân rất yêu thích những giờ hành trì đó và không thể rời xa nó. Dù có bận việc gì, trong ngày ít nhất tôi cũng phải ngồi lại soi rọi tâm tư mình vài lần. Có người hỏi tại sao tôi phải chọn pháp tu khó khăn như vậy, mà không chọn pháp niệm Phật cho dễ dàng và thảnh thơi hơn. Tôi chỉ biết trả lời tất cả đều do duyên, và cũng chính vì muốn tâm trí được thảnh thơi cho nên tôi chọn ngồi thiền.
I: Kinh nghiệm hai tiếng “tắt ý” tự chữa lành bệnh khủng hoảng thần kinh.
Trải nghiệm này đến với tôi sau năm 1978.
- Hoàn cảnh xã hội. Những năm đó đất nước đang ở trong một hoàn cảnh đầy khó khăn: miền Nam sau ba năm thay ngôi đổi chủ, phần đông người dân đều lâm vào cảnh túng quẩn; nạn thất học, nghèo đói lan tràn, phương tiện y tế thuốc thang thiếu thốn. Ai nấy đều rơi vào bế tắc, gia đình nào có thân nhân đi quân đội hay làm trong chính quyền cũ đều được đưa vào trại tập trung cải tạo. Riêng bản thân tôi lúc đó cũng không còn nhìn thấy hướng đi tương lai của mình, một tương lai mà trước đó, khi còn là sinh viên, người ta thường mơ đến. Viễn cảnh tương lai mờ mịt, tôi như người vừa rớt xuống vũng lầy, chới với không biết bám víu vào đâu để sống còn; một trạng thái chênh vênh, lạc lõng.
Một ngày nọ, tôi bị cảm sốt nặng mà không tự biết; lúc những người bên cạnh phát hiện ra thì cũng đã mấy hôm rồi. Có người đã cho tôi mấy viên thuốc ký ninh còn sót lại ở đâu đó, và bảo tôi uống vì nghĩ tôi bị bệnh sốt rét!
- Diễn biến cơn bệnh Tôi còn nhớ rõ lúc đó, sau khi đã uống viên thuốc ký ninh, thay vì nghỉ ngơi tịnh dưỡng để có thêm sức vượt qua cơn cảm sốt, tôi lại quay ra tham dự vào những câu chuyện thời sự đang dở dang của mọi người. Bỗng lúc đó trong đầu tôi tự nhiên có hai tiếng nổ lớn, mắt lạc thần, không còn nhìn rõ người và đồ vật; đầu óc bắt đầu đi vào tình trạng nửa nhớ nửa quên. Thử cố nhớ lại một điều gì thì tôi không thể hình dung ra nổi. Trải qua hơn ba tuần sống trong tình trạng khủng hoảng thần kinh: nói sàm, nói một cách vô ý thức vì không tự kềm chế được những điều đang diễn ra trong nội tâm. Nói chung, lúc đó tôi cứ nhớ và kể lại việc những người thân xung quanh gặp nạn. Cũng trong cơn bệnh, có lúc tôi còn nhìn thấy những linh ảnh các vị Phật và Bồ tát chói lòa với ánh hào quang nhiều màu sắc
ngự giữa bầu trời. Hoặc có lúc cảm giác toàn thân như bị châm chích bởi hàng trăm ngàn những mũi kim... Những lúc đó tôi không hề có chút phản ứng, chỉ nằm im mà cảm nhận những gì đang xảy ra nơi thân tâm mình...Tình trạng khủng hoảng với những cảm giác như thế kéo dài hơn 3 tuần lễ mà không có một chữa trị y khoa nào. Có điều là tuy đang trong cơn khủng hoảng, trong thâm tâm tôi cũng nhận biết là mình đang bị bệnh. Tôi tự hỏi tại sao căn bệnh kéo dài lâu thế, mình phải chịu đựng đến bao giờ? Chẳng lẽ cứ để như thế mãi ư? Hay là bây giờ mình phải ngưng nói sàm bằng cách tịnh khẩu? Tự hỏi như thế, và tôi quyết định thực hiện ngay pháp tịnh khẩu…
- Diễn tiến của năng lượng tự chữa lành. Qua đến ngày thứ ba thực hành tịnh khẩu, tôi nhận ra là tuy đang tịnh khẩu, giữ mồm giữ miệng không nói sàm nữa, nhưng trong đầu vẫn còn có những ý nghĩ lăng xăng này nọ! Khi trực nhận ra điều đó là lúc tôi đang đứng trong phòng, thơ thẩn nhìn lên bức tường trắng trước mặt. Liền khi đó tôi thấy trên tường cao xuất hiện một “linh ảnh” lạ lùng: một bàn tay đang cầm chiếc khăn, cứ lau đi lau lại một chỗ trên tường! Đứng trước linh ảnh kỳ lạ đó, trong đầu tôi chỉ còn có sự im lặng đầy sững sốt, kinh ngạc. Đột nhiên, ngay lúc đó, âm thanh hai tiếng “tắt ý” xẹt lên trong đầu! Lập tức, với phản xạ tự nhiên, tôi ngồi xuống cái phản gỗ ngay sau lưng, trong tư thế chuẩn bị ngồi thiền với “pháp tắt ý” đó. Nhưng thân chưa chạm vào cái phản, tôi đã có cảm giác từ hai bàn tay và hai bàn chân như có các luồng khí thi nhau chạy ra ngoài... Lập tức tôi nhận ra đầu óc mình đã trở lại trạng thái bình thường, y như chưa hề có bệnh. Thật kỳ diệu!
Thời gian đột biến đó xảy ra rất nhanh - chỉ trong khoảnh khắc của một cái chớp mắt- đã lôi tôi ra khỏi cơn khủng hoảng thần kinh! Tôi còn nhớ rất rõ là khi những diễn tiến đó xảy ra, từ đầu đến cuối tôi vẫn còn đứng nguyên một chỗ trong phòng. Trong thời gian đột biến đó, đầu óc tôi không có lấy một ý tưởng nào, chỉ còn cái nhận thức “biết như vậy là như vậy” thôi! Ngay
sau khi vừa thoát khỏi căn bệnh, tâm hồn tôi liền bị xâm chiếm bởi một cảm giác buồn thảm tột độ. Tôi nhận ra mình đang trở về với cái thế giới đầy dãy những thứ ô trược, phiền toái và nặng nề! Nó không giống cái trạng thái “trên mây” của ba tuần lễ trầm mình trong cơn bệnh, với ảo giác tách khỏi cái thế giới vật chất này, tách khỏi nó và quên hẳn nó. Trong cơn khủng hoảng, hành động nói năng không có ý thức mà lại thấy nhẹ nhàng, bay bổng, tự do, muốn nói gì thì nói, muốn thấy gì thì thấy! Thậm chí thấy luôn cả “linh ảnh” tráng lệ của chư Phật kết toàn bằng hào quang, ở giữa bầu trời trong xanh, cao thăm thẳm, mênh mông, đẹp vô ngần, cho dù đó chỉ là những ảo giác không hơn không kém!
- Lý giải về sự tự chữa lành. Mọi người sau đó biết tôi đã ra khỏi cơn khủng hoảng thần kinh, nhưng không biết ra khỏi bằng cách nào. Có người hỏi nếu bị trở bệnh một lần nữa tôi sẽ có thể tự lành được không. Tôi gật đầu! Gật đầu vì biết rõ rằng “pháp tắt ý” đã giúp tôi tự chữa lành. Pháp “tắt ý” đó được tự động kiến giải từ “cái thấy linh ảnh bàn tay” cầm khăn lau tường, ngụ ý bảo tôi rằng “hãy xóa sạch hết những ý nghĩ và những lời nói thầm trong đầu.”
Nhưng đến bây giờ tôi vẫn còn ngạc nhiên không biết tại sao lúc đó tôi lại “thấy linh ảnh” và “nghe trong đầu âm thanh hai tiếng “tắt ý”, rồi tức khắc trút hết ra ngoài cái luồng năng lượng bệnh hoạn xấu ác đã hành hạ tôi trong hơn ba tuần lễ! Nếu cho là tất cả những hình ảnh và âm thanh đó đều là ảo giác cũng đúng. Hay nói đó là những năng lượng có công năng tự chữa lành cũng đúng; bởi vì trong thực tế nó đã chữa lành tình trạng khủng hoảng thần kinh mà tôi đã thật sự trải qua. Đó chính là một pháp tự chữa lành kỳ diệu, một phương pháp hoàn hảo; hoàn hảo như một phép mầu từ chư Phật Bồ Tát, đã giúp tôi ra khỏi căn bệnh. Đồng thời qua đó, chư Phật Bồ tát cũng đã ban cho tôi một pháp tu vi diệu, qua cách “tắt ý”, mà hơn mấy mươi năm sau tôi mới có dịp thực tập trở lại tại một thiền viện với pháp
“không nói”. Bằng những giải thích khoa học tiến bộ, liên quan đến việc “không nói thầm trong não”, mà kinh sách thường mô tả là “không chạy theo vọng tưởng” và “giữ tâm ý thanh tịnh”, tôi có thể lý giải sự tự chữa lành này
- Thiền đối chiếu khoa học não bộ. Khi đọc về thiền đối chiếu với khoa học não bộ, tôi được biết mấu chốt chữa lành căn bệnh nằm trong việc dừng lại cái tâm suy nghĩ. Ngay trong giây phút kinh ngạc và sủng sốt không kèm theo cảm xúc, cũng không kèm theo phản ứng, dù chỉ là phản ứng bằng một lời nói thầm trong đầu, hay một tác ý nào trong não. Lúc đó không phản ứng qua cảm xúc, ý nghĩ hay lời nói, không nghĩ tưởng hay phân biệt suy lường, thân khẩu ý đều không lay động, chỉ còn lại cái biết thuần khiết, cái “biết như thật” vốn có của bản tâm. Cái giây phút sững hồn đó đã làm bật lên cái nhận thức thầm lặng, “nhận thức không lời” về cái “như vậy” của sự việc đang xảy Trạng thái nhận thức hay thấy biết đó đã tự động xóa sạch đám mây mù trong tâm thức. Đứng về phương diện khoa học não bộ mà giải thích, thì ý thức muốn chữa lành đã tác động như một cái lệnh đưa tín hiệu vào các tế bào thần kinh nằm trong hệ thống viền não (limbic system), kích thích chất dẫn truyền thần kinh (transmitters) vốn có để chữa lành bệnh tật. Sự kích thích này có thể gọi là “phản xạ thụ động” của não bộ. “Cái tôi” không hề có mặt trong giây phút hiện tại đó, và sự “kinh ngạc tột độ” đi kèm theo tâm bất động đã dẫn tới một sự bật tung chớp nhoáng trong vùng nhận thức, giúp giải mã (hay kiến giải) ra âm thanh hai từ “tắt ý” khiến cho các chất dẫn truyền thần kinh chữa lành xuất hiện, tạo ra phản ứng sinh học (bioaction), làm trung hòa hay triệt tiêu các chất độc (tức năng lượng xấu, tiêu cực) và trút hết mầm bệnh ra ngoài.
- Đôi điều về Thiền Đông độ. Điều tôi vừa nói trên xem ra cũng tương đồng với các pháp tu thiền trong Phật giáo: khi tâm lắng yên, vọng tưởng tiêu trừ, tức thì trí tuệ bừng sáng. Các vị tổ trong thiền Đông độ ngày xưa đã dùng các tuyệt chiêu như
hét vào tai học trò, dùng gậy gọc để đập đệ tử, hay những câu nói bâng quơ không ăn nhập gì với cái hoàn cảnh lúc đó. Mục đích làm cho các hành giả sững hồn, trở về với thực tại, không còn suy lường phân biệt hay đắn đo suy nghĩ, khiến người đệ tử trong giây phút bất chợt được trở về với cái trực giác và bừng sáng nội tâm, đưa tới khai thông trí tuệ mà sáng đạo. Xin nhắc lại câu chuyện thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn. Ngài đã từ lâu tinh thông thiên kinh vạn quyển nhưng vẫn không thấy chỗ tỏ ngộ, liền đốt hết sách vở đi vào núi tu. Một hôm đang phát cỏ trong núi, bỗng một hòn sỏi văng chạm vào thân cây trúc phát ra âm thanh, ngài nhân đó mà ngộ đạo. Hay như ngài Bách Trượng Hoài Hải qua câu chuyện Mã Tổ hỏi ngài đàn vịt trời đang bay đi đâu, ngài trả lời “bay qua”, liền bị Mã Tổ bất ngờ nắm chặt chóp mũi vặn mạnh một cái, đau quá thét lên, Mã Tổ bảo “ngươi lại nói bay qua đi”. Nghe tổ nói, ngài chợt bừng ngộ!
- Vai trò của ký ức trong tu tập. Trở lại trường hợp cơn bệnh tôi kể trên. Cũng do cơn sốt làm cơ thể và đầu óc suy nhược, lại còn nói năng suy lường, phân biệt lung tung nên rơi vào cơn khủng hoảng thần kinh. Chính sự xáo trộn dòng năng lượng, vốn cân bằng nơi thân tâm, đã đưa đến chỗ tắc nghẽn mà sanh bệnh. Lại cũng chính nhờ vào chỗ thiết lập lại trật tự và cân bằng năng lượng đúng thời điểm, mà những tắc nghẽn gây bệnh đã được giải quyết. Dòng năng lượng chữa lành này vốn sẵn có trong cơ chế của não bộ, hay trong “bản thể thanh tịnh tự nhiên” của mỗi chúng sanh mà kinh điển nhà Phật thường đề cập. Nếu hàng ngày ta có tu tập, các pháp thiền sẽ khiến cho tâm bớt lăng xăng, giúp tâm làm quen với sự buông bỏ ngoại cảnh và quay trở về với bản tâm thanh tịnh vốn có đó. Tất cả công phu tu tập sẽ được lưu lại trong ký ức của Trong cuộc sống, khi tâm trí bị mất thăng bằng và phát sinh bệnh hoạn nơi thân, nhất là những thứ tâm bệnh, ký ức tu tập lúc đó sẽ trồi lên giúp tái lập trật tự cho thân tâm, đem ta trở về với dòng năng lượng trong sáng cố hữu. Đó chính là cái “bản tâm thanh tịnh” hay “Phật
tánh”. Đó cũng là lúc ta kinh nghiệm được sự nhiệm mầu của Phật pháp đang soi rọi vào tâm trí ta.
Ở đây tôi muốn nói rằng, ký ức tu tập lưu trữ trong quá khứ đã giúp tôi thoát khỏi cơn bệnh này. Sự tự chữa lành cơn khủng hoảng thần kinh đã đến với tôi theo một diễn tiến “có trình tự lớp lang”; và khởi đầu vào thời điểm ký ức nhắc nhở tôi phải quay về với pháp tịnh khẩu. Khi tịnh khẩu tôi mới phát hiện ra tâm mình còn đang lăng xăng. Ngay khi phát hiện ra tâm còn lăng xăng thì lập tức cái “linh ảnh bàn tay” xuất hiện. Trong lúc tâm còn quá đỗi sững sốt, kinh ngạc và bất ngờ trước cái thấy “linh ảnh” thì âm thanh hai tiếng “tắt ý” lập tức được kiến giải ra từ cái thấy đó. Âm thanh này khi vang lên trong não, tạo ra năng lượng như một tín hiệu truyền lệnh, kích thích và tác động nhanh chóng vào vùng nhận thức, tức khắc tái lập sự cân bằng năng lượng và tâm tự chữa lành, ra khỏi cơn khủng hoảng.
Như vậy có thể nói trong trường hợp này, dù phép tịnh khẩu không trực tiếp giúp chữa lành cơn bệnh, nhưng nó đã giúp đưa tâm trở lại một thói quen tu tập được lưu trữ trong ký ức từ trước, để truyền vào trong tâm dòng năng lượng của tỉnh thức, chánh niệm. Bớt vọng tưởng một chút thì tâm trí sáng ra một chút, tạo nên một sức mạnh hay một năng lượng tự chữa lành. Một điều mà tôi có thể chắc chắn là do cái thói quen hàng ngày tu tập có được chút “năng lực định tâm” lưu giữ trong ký ức từ trước, lúc đó đã trở lại trong nhận thức, kích hoạt và làm xuất hiện cái “linh ảnh” kia. Ngay khi đó, do quá kinh ngạc trước linh ảnh này, cả tâm và thân tôi trở nên bất động, sững hồn, và trong cái bất động đó của thân khẩu ý, tâm chỉ còn lại cái biết thuần khiết (pure awareness), cái “biết đang là”, cái “biết như thật”, cái “biết như vậy” của trạng thái “thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe...” đã đưa tâm tôi thoát khỏi cơn khủng hoảng thần kinh. Dù giải thích thế nào đi nữa thì pháp “tắt ý” hay “ thiền chỉ” đã là một phương pháp chữa lành, giúp đưa tâm tôi ra khỏi căn bệnh thần kinh ngặt nghèo lúc đó: tức là dừng lại tất cả những ý
niệm hay vọng tưởng trong tâm, không nói thầm trong não, tâm chỉ còn lại “cái biết” tự nhiên sẵn có nơi mỗi người.
Nhắc đến đây tôi lại liên tưởng đến bài kinh Bahiya. Qua chút kinh nghiệm kể trên về sự tự chữa lành, tôi hoàn toàn tuyệt đối tin tưởng rằng khi xưa Đức Phật chỉ cần dạy cho ông Bahiya có một câu vào đúng thời điểm đã giúp ông đắc quả. Trước đó dù đã tu tập lâu rồi nhưng ông vẫn chưa tỏ ngộ. Nay được gặp Phật chỉ ra chỗ mấu chốt, ông liền được khai thông, và lập tức đắc quả A la hán, một trường hợp chứng ngộ nhanh nhất trong lịch sử chứng ngộ của đạo Phật: “Trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái cảm giác chỉ là cảm giác, trong cái nhận thức chỉ là nhận thức. Do vậy ông không là chỗ ấy, ông không là đời này, không là đời sau, không là chặng giữa. Như vậy là đoạn tận đau khổ …”
- Thiền định
Trải nghiệm thứ hai xảy ra vào khoảng năm 1997, liên quan đến việc tu tập thiền định.
Đó là thời gian tôi trở về tu tập nơi ngôi chùa do Sư Trưởng tôi thành lập, tại một tỉnh miền Trung. Giờ công phu khuya các chùa tịnh độ Bắc tông chúng tôi là thời khóa tụng Lăng Nghiêm, nhưng rất nhiều lần tôi đem y áo lên nhà tổ đường ngồi thiền một mình, như đã từng thực tập trước kia. Theo những gì đã lãnh hội được từ các bản kinh như Quán Niệm Hơi Thở, Tứ Niệm Xứ, Đại Kinh Xóm Ngựa, v.v… tôi nhất định phải tìm một chỗ thanh vắng, yên tịnh để tiếp tục công phu. Từ đó dù bận rộn cách mấy, tôi luôn tìm thời gian để hành thiền. Bản thân tôi vốn phù hợp với việc thực tập quán niệm hơi thở. Nó đã cho tôi một dưỡng chất cần thiết để trưởng dưỡng thân tâm. Hơn thế nữa nó còn giúp tôi nhận ra sự có mặt thật sự của mình trong từng giây phút hiện tại của sự sống; một thứ chân hạnh phúc đến từ bên trong, ở ngay nơi chính mình, không phải tìm kiếm đâu xa!
Phật dạy nên tìm chỗ vắng người, yên tịnh để tọa thiền, và khi ngồi thiền nên đặt tâm trước mặt. Đây là điểm rất quan trọng cần lưu ý; vì khi đặt tâm trước mặt là lúc ta lôi tâm về lại với thân, không để tâm chạy theo ngoại cảnh, ngồi đây mà nghĩ kia, tâm chạy lăng xăng có khi đi xa đến muôn dặm. Đặt sự chú tâm trước mặt, tôi nhìn thấy rõ chóp mũi của mình và giữ cái biết hơi thở đang ra vào tự nhiên. Khi mắt nhìn đã mõi thì tự động khép lại. Chừng vài chục phút sau, tùy theo năng lực của từng hành giả, nếu tâm được yên ắng, sự chú tâm cũng tự động chuyển từ vị trí chóp mũi lên đến khoảng giữa hai chặng mày… Khi thân tâm yên ắng, nhẹ nhàng dễ chịu, một vầng sáng trắng, nhẹ, êm, tựa như “đốm lông trắng”, nhả ra từng đợt từ giữa hai chân mày… Rồi từ màu trắng lại chuyển qua một màu vàng nhạt, có khi là những vòng tròn ngũ sắc, cũng liên tục từng đợt nhả ra
… Phần nhiều khi ngồi thiền trong căn phòng hoàn toàn tối đen, không có một tia sáng nào, tôi thấy những vòng tròn ngũ sắc liên tục nhả ra giữa hai chặng mày. Tôi có chút hoài nghi là mình đang bị ảo giác, nên tò mò mở mắt ra để xem chúng vẫn còn đó hay đã biến mất. Khi mở to hai mắt trong bóng đêm, những vòng sáng ngũ sắc đó vẫn còn tiếp tục nhả ra từng đợt, rất đều và nhu nhuyễn; cả thân và tâm lúc đó không mảy may xao động và vô cùng nhẹ nhàng, an lạc. Thấy như vậy và biết như vậy thôi, tôi không hề thêm thắt một ý nghĩ riêng tư nào vào cái thấy đó, và không để ý đến nó lúc ngồi thiền.
Đọc kinh Pháp Hoa do Hòa Thượng Trí Tịnh Việt dịch, tôi để ý đến cụm từ “tướng lông trắng giữa chặng mày” trong quyển một, phẩm Tựa thứ nhất, nơi câu: “Bấy giờ, Đức Phật từ nơi tướng lông trắng giữa chặng mày phóng ra luồng hào quang chiếu khắp cả một muôn tám nghìn cõi ở phương Đông, dưới thời chiếu đến địa ngục A-tỳ, trên suốt thấu trời Sắc Cứu Cánh. Chúng ở cõi này đều thấy cả sáu loài chúng sanh ở các cõi kia.” Tôi tự hỏi “tướng lông trắng giữa chặng mày” trong kinh nói, thực ra là gì? Có phải như ý một vài vị Thầy ngày nay khi giảng
đã mô tả, đó là “cọng lông trắng nằm trên trán giữa hai lông mày…”? Và có vị còn nói thêm “cọng long trắng” này là tướng đăc biệt khi thành Phật mới có; nếu người đời ai có “cọng lông trắng” nằm giữa trán giống như vậy là có các khả năng như nói gì có đó, hoặc nói được ý nghĩ người khác, v.v… và có trí tuệ tuyệt vời, học một biết mười! Như vậy là sao? Sự kiện Đức Phật nhập định, nơi tâm phát ra ánh sáng giữa chặng mày, được kinh sách gọi là “tướng lông trắng”, hay ý kinh muốn nói giữa chặng mày Đức Phật thiệt có một “cọng lông trắng”? Theo thiển ý của tôi, nếu một hành giả bình thường khi ngồi thiền tâm lắng yên đi vào định, tùy mức định sâu hay cạn, cũng có thể tự thấy được giữa hai chặng mày có ánh sáng trắng từ bên trong tâm thanh tịnh nhả ra từng vòng; ánh sáng trắng đó rất mềm mại, rất nhu nhuyến. Đối với Đức Phật, do phước trí của Ngài quá cao sâu, Phật lực quá thậm thâm vi diệu và hoàn hảo, nên từ ánh sáng đó hay từ “tướng lông trắng” đó, phóng ra luồng hào quang chiếu khắp mười phương các cõi. Nhưng qua sự diễn dịch của vài vị Thầy giảng dạy ngày nay, ánh sáng trắng đó lại là “cọng lông trắng”, một vật chất, mọc bên ngoài, trên trán, giữa chặng mày của Phật, rồi đem ra giảng dạy theo kiểu suy đoán của nhân tướng học! (Thành thật xin lỗi các vị ấy, nếu tôi nhớ không lầm, trong kinh Kim Cang, Đức Phật Thế Tôn có dạy “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, được diễn dich là: nếu ai lấy sắc cầu ta, lấy âm thanh cầu ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai).
Trở lại việc tu tập thiền tôi đang nói đến. Một ngày nọ, khi tôi đang nhắm mắt ngồi thiền trong phòng thờ chỉ được chiếu sáng bằng ngọn đèn dầu leo lét, với không gian im ắng của giấc khuya; bất chợt trong tâm tôi hiện ra rõ ràng hình ảnh Sư Trưởng đứng trước mặt, một tay tựa lên cạnh bàn, ánh mắt hướng nhìn về phía tôi trong bóng đêm, như thể đang quan sát sự tu tập của đệ tử. Hình ảnh trong tâm bất ngờ lúc đó khiến tôi quyết định mở mắt ra xem có đúng như mình thấy khi vào định không, hay
chỉ là do cái trí tưởng tượng vẻ ra. Đây là lần đầu tôi gặp hiện tượng này. Dù chỉ là một trải nghiệm nhỏ và ngắn ngủi trong không gian của căn phòng vài mét vuông, nhưng với ý muốn xác minh sự thật để trừ đi cái tật hoài nghi là một trong năm chướng ngại của thiền (tham dục, sân hận, hôn trầm thùy miên, trạo cử hối quá, và hoài nghi). Qủa nhiên, khi thầm hé mắt ra nhìn để kiểm chứng, rõ ràng trước mắt tôi, Sư Trưởng đang đứng đó, cánh tay phải tựa nhẹ cạnh bàn, tay trái buông thỏng, mắt nhìn tôi không chớp trong bóng đêm. Như muốn nín thở, tôi vội nhắm mắt lại làm như không hay biết gì, và tiếp tục quán hơi thở cho đến hết giờ thiền. Sáng ra, khi gặp Sư Trưởng, tôi đem sự việc trình thưa, và được xác nhận là người có mặt vào giờ đó để quan sát việc tu tập của chúng. Người dạy tôi nên bỏ qua, đừng bao giờ chấp vào những hình tướng đó. Sau này tôi cũng được nghe nhiều hành giả kể lại, trong định sâu, mắt nhắm vẫn có thể thấy được những hình ảnh thật ngay trước mặt, hoặc định sâu hơn nữa thì thấy được những hình ảnh thực đang xảy ra từ xa nghìn dặm. Có lần đem việc này trình lên một vị Thầy, tôi cũng được Thầy xác nhận đó là một việc rất bình thường, nhiều hành giả khi vào định sâu cũng có những trải nghiệm tương tự; nhưng nên bỏ qua, không mừng, không sợ, và cũng không bám chấp vào nó; cứ tiếp tục công phu để tiến lên. Càng thực tập thiền định, tôi càng tin sâu vào lời Phật dạy, rằng nơi tự tâm chúng sanh có sẵn trí tuệ Phật; nhưng hàng ngày vì mãi dong ruổi theo vọng cảnh bên ngoài, bị đời sống vật chất chi phối, bị lôi cuốn theo danh vọng tiền tài, hơn thua, vinh nhục, nên năng lực tiêu tán, đèn tâm không còn nhiên liệu để được thắp sáng, tâm trở nên u tối mê mờ. Lại không được giáo hóa bằng Phật pháp, nên phải sống trong vô minh, giống như bầu trời trong sáng trên cao bị áng mây đen che lấp. Khi vô thường chợt đến, tâm sanh hoang mang không biết nương vào đâu, không biết đi đâu về đâu trên con đường dài vô tận của sanh tử luân hồi.
Thực tập thiền định sẽ giúp ta nắm bắt được cái giây phút
sống trong hiện tại, thấy rõ được sự có mặt của thân tâm mình. Từ đó sẽ khai thông trí tuệ, tâm sẽ không còn mờ mịt tối tăm, sẽ thấy rõ cái hư ngụy giả tạm của cuộc đời, giúp nhìn ra cái vô thường, cái “thực tướng không tướng” của vạn pháp mà buông bỏ những nguyên nhân gây đau khổ. Đối với mọi giai tầng trong xã hội, thực tập thiền định luôn mang lại những lợi ích thiết thực; như giúp mọi người có năng lực tập trung trong giờ làm việc, giữ vững được chánh niệm trong công việc đang làm giúp đưa ra những quyết định sáng suốt. Thiền định cũng giúp cho học sinh sinh viên học tập có hiệu quả hơn, giúp người tài xế tập trung tốt hơn khi lái xe đường trường. Cũng có người đôi khi cảm thấy mỏi mệt vì bị vây bủa bởi những gánh nặng của đời sống, lúc đó thiền định rất cần thiết để làm mới lại năng lượng thân tâm, tương tự như một bình điện đã xài cạn nay cần được sạc điện lại. Chẳng những năng lượng thiền định làm cho thân khỏe mạnh lên mà đồng thời còn giúp tâm giảm đi sự căng thẳng, chữa trị được các bệnh tim mạch, huyết áp cao, mỡ cao, hay bệnh lo âu hồi hộp mà không cần phải dùng đến thuốc. Chưa kể, việc thiền định sẽ giúp cho não chậm lão hóa. Hơn thế nữa, về mặt trí tuệ thế gian, người hành thiền sẽ có thêm rất nhiều năng lực tinh thần, nhiệt thành phấn chấn, giúp tâm trở nên kiên định hơn, khả năng trực giác bén nhạy tinh tế hơn và óc sáng tạo được phát huy mạnh mẽ. Còn đối với người đang tu tập hướng Phật, trí tuệ tâm linh ngày càng phát triển, giúp khai phóng được tiềm năng giác ngộ.
Chút trải nghiệm thô thiển nói trên đã giúp tôi càng thêm tin sâu vào lời dạy của Đức Phật. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám dịch, nơi quyển năm, mục bốn Đức Phật hỏi đại chúng về Viên Thông, có nhắc đến hai mươi lăm pháp tu viên thông của các đệ tử Ngài. Chẳng hạn, trường hợp Ngài A-na- luật-đà, sau khi đã mù hai mắt, được Phật dạy pháp tu quán nhãn căn. Kinh kể lại rằng “khi đi sâu vào bản tánh của nhãn căn, ông chứng được tánh viên thông, cái
sáng suốt của tự tâm xuất hiện rõ thấu mười phương, không gì ngăn ngại…” Hoặc như ông Chu Lỵ Bàn Đặc Ca, do không có tuệ đa văn, khi học thì quên trước quên sau, cố nhớ một câu kệ cũng không được. Phật dạy cho pháp điều hòa hơi thở ra vào nơi mũi. Ông thuật lại khi quán hơi thở, “cùng tột các tướng sanh trụ dị diệt nhỏ nhiệm, đến từng sát na tâm tôi rỗng suốt, được đại vô ngại, sạch hết các lậu hoặc, thành quả A-la-hán…”
Thật không nói hết được cái diệu dụng của Phật pháp mà trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Đức Phật đã dạy rõ. Ngày nay tuy không gặp Phật, nhưng lời dạy của Ngài để lại trong kinh sách rất đầy đủ, rõ ràng. Chỉ cần chúng ta nỗ lực, chân thật học hỏi và hành theo, không hoài nghi, áp dụng trong tu tập sẽ chứng nghiệm những cái vi diệu mà Đức Phật đã chỉ dạy. Nói như thế để thấy rằng trong đạo Phật, thiền có vai trò quan trọng cốt lõi trong tu tập. Chính Đức Phật Thế Tôn đã do ngồi thiền ròng rã suốt 49 ngày đêm dưới cội cây tại khu rừng pipphala, bên bờ sông Ni liên thiền, chứng ngộ đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. Ngài đã để lại cho chúng ta một tấm gương kiên trì nhẫn nại vĩ đại, sáng ngời trên đường tu học để thoát ly vòng luẩn quẩn của sanh tử luân hồi.
- Cận tử nghiệp
Trải nghiệm thứ ba tôi muốn kể ra đây có liên quan đến cận tử nghiệp.
Đó là giây phút lâm chung của thân mẫu tôi. Vào 7 giờ sáng mùng 8 tháng 2 năm Canh Dần (nhằm ngày 23 tháng 3 năm 2010), Mẹ thân yêu của chúng tôi từ giã cõi đời, sống thọ 93 tuổi. Trước đó một tuần, Mẹ tôi đã rơi vào hôn mê do đột quỵ não, nằm bất động và không còn nói năng gì nữa. Từ bệnh viện, các y bác sĩ đã quyết định cho Mẹ tôi xuất viện về nhà chăm sóc vì không còn hy vọng chữa trị. Khi đưa Mẹ về nhà, chúng tôi đã chuẩn bị bình oxy, những mong Mẹ có thể còn lưu lại với
chúng tôi trên dương thế, dù chỉ trong tình trạng đời sống thực vật! Ngày xưa, khi bà nội qua đời, rồi đến lượt cha tôi, tôi đều không kịp về để có mặt ở phút cuối tiễn đưa. Từ đó tôi quyết định khi Mẹ sắp lìa đời, dù đang ở đâu, tôi cũng phải nhất định về cận kề bên Mẹ để chăm sóc và đưa tiễn người lúc ra đi. Sáng hôm đó, cả nhà chúng tôi, anh chị em, con cháu tề tựu đông đủ, quay quanh giường bệnh. Ai nấy đều im lặng nhìn Mẹ đầy lo âu, và đều mong Mẹ tỉnh dậy để thấy đàn con cháu đang ngồi đây, cùng chia sẻ sự sống với Mẹ trong những giây phút cuối đời. Sau khi tắm rửa Mẹ xong, em gái tôi chuẩn bị bữa ăn sáng cho bà bằng cách tiếp nước uống và sữa qua ống thông dạ dầy, và cũng không quên mở máy niệm Phật để Mẹ nghe như mọi khi. Mẹ thân yêu của chúng tôi nằm đó, bất động; qua lớp áo phập phồng tôi thấy hơi thở của người thoi thóp, rất yếu.
Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ khung cảnh ấy, thời gian ấy, Mẹ tôi đã ra đi linh thiêng như thế nào. Trong phòng Mẹ lúc bấy giờ, đàn con cháu đang quay quanh giường bệnh, từ chiếc máy niệm Phật vẫn vang ra tiếng niệm đều đều. Riêng tôi, ngồi nơi chiếc ghế đặt sát tường ngay đầu giường bệnh, không nói lời nào và giữ tâm tĩnh lặng trong trạng thái thiền định.Tận thâm tâm tôi muốn lặn sâu vào tâm thức Mẹ, những mong tâm tôi được gần kề tâm Mẹ trong giờ phút cuối giã từ. Đang im lặng lắng nghe từng hơi thở của Mẹ, tôi chợt thấy lồng ngực người bấy giờ cử động lên xuống mạnh hơn và rõ ràng hơn, dường như đang cố sức hớp từng đợt hơi thở ra vào. Chúng tôi không ai bảo ai đều như nín thở. Không gian và thời gian dường như ngưng đọng lại. Bỗng nhiên trên gương mặt bất động của người có nét biến đổi; và ô kìa! đôi môi Mẹ đang mấp mấy những lời gì, cuối cùng bật ra tiếng niệm Phật và tiếp theo là người mỉm miệng cười, nét mặt rạng rỡ vô cùng. Sau câu niệm Phật, Mẹ mỉm miệng cười; cứ như thế đúng ba lần. Cuối cùng thì toàn thân Mẹ bất động và trút hơi thở sau cùng. Ngay lúc tôi còn đang chăm chú nhìn Mẹ ra đi trong trạng thái tâm thiền định, bỗng nghe có
một tiếng nói lạ, thì thầm như rót vào tai tôi mấy tiếng rõ mồn một “người ở cõi cao”...
Trước sự vô thường của cuộc sống, chúng ta không thể làm gì khác hơn là chấp nhận. Sự ra đi của Mẹ là một mất mát lớn lao trong đời mỗi người làm con. Là một người xuất gia đầu Phật, tin Phật, và cũng đã từng đi hộ niệm cho người sắp lâm chung, tôi càng tin vào sự nhiệm mầu của Phật pháp. Có lần một bà cụ Phật tử sống gần chùa, đến viếng thăm và bảo với chúng tôi rằng khi nào bà sắp ra đi nhất định phải mời các Sư đến tụng kinh cho bà nghe. Bẵng đi một thời gian, khoảng hai hay ba năm sau đó, một hôm con gái của cụ đến thưa với Sư Trưởng rằng Mẹ cô ấy gần tuần nay đã bỏ ăn, chỉ uống chút nước nhỏ giọt, người rất yếu, và không nói năng gì được nữa; chốc chốc lại há miệng như đang cố nói điều gì, muốn sống không được mà muốn chết cũng không xong. Gia đình bây giờ muốn thỉnh quý Sư đến tụng kinh cầu nguyện cho bà được khỏe lại, hoặc là ra đi thì cũng được thanh thản. Nghe cô ấy nói, tôi chợt nhớ ra đây chính là ý muốn của bà ngày trước. Thế là chư Ni chúng tôi liền mang y áo đến thăm và tụng kinh cho bà. Tôi còn nhớ khi ấy giường bệnh của bà kê trong phòng thờ, gần bàn tụng kinh, có lẽ gia đình biết bà không còn bao lâu nữa sẽ ra đi nên sắp xếp như thế cho tiện. Chúng tôi tụng kinh cầu nguyện cho bà cụ, đến lúc tụng xong Tam Quy để kết thúc thời kinh, tôi quay ra, liền nghe tiếng các con bà đồng khóc thét lên. Cũng ngay lúc đó tôi nhìn thấy thân thể bà hoàn toàn bất động, và nhận ra bà trút hơi thở cuối cùng khi chúng tôi vừa kết thúc bài kinh! Như vậy bà cụ đã ra đi với cái tâm hân hoan, mãn nguyện và an lành. Giây phút cuối đời bà được nghe những lời kinh, tiếng kệ, những lời dạy răn của chư Phật Bồ-tát, và mang những câu kinh ấy theo mình qua kiếp sống mới, như bà hằng ước ao lúc còn sinh tiền.
Trở lại trường hợp Mẹ tôi, những ngày sau cùng người đã ở trong trạng thái hôn mê của đời sống thực vật. Nhưng trước khi tắt thở người đã nhép môi niệm Phật và mỉm miệng cười, tuần tự
ba lần như thế. Điều này đã xảy ra trước mắt mọi người có mặt trong phòng. Nhưng duy chỉ có mình tôi, khi đó vẫn đang trong trạng thái định tâm trong thiền và nhìn Mẹ không chớp mắt, tôi đã nghe bên tai một giọng nói lạ thì thầm bốn tiếng “người ở cõi cao”. Giọng nói rõ ràng như thể muốn báo cho tôi biết Mẹ tôi đang ở trong cảnh giới cao hơn cảnh giới của chúng tôi đang sống. Có thể “cõi cao” là một cõi trời nào đó, hay vẫn là cõi thế gian này, nhưng có một trình độ phước báo cao hơn người bình thường chúng tôi? Kinh A Di Đà có dạy nếu người nào trì niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà một ngày, hai ngày…cho đến bảy ngày, tâm không tạp loạn, lúc lâm chung Đức Phật A Di Đà cùng hàng thánh chúng hiện ra trước mặt người đó... Lúc chết tâm không điên đảo, người đó liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà... Và vì những lợi ích đó chúng sanh nên phát nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc…” Pháp môn niệm Phật, hay hộ niệm vãng sanh cho người lâm chung là một nghi thức tốt đẹp, hữu hiệu và trở nên rất quen thuôc, được mọi người tu niệm Phật rất tin tưởng. Có nhiều tài liệu kể lại những thành công trong việc hộ niệm như thế. Cho dù suốt trong quá trình sống, một người ít biết làm việc thiện, nhưng trong giây phút lâm chung có được duyên lành hỗ trợ, chẳng hạn được thiện tri thức nhắc nhở quán vô thường, hay quán thân này không phải của ta, ta không phải thân này... Hoặc lúc đó tâm nghĩ nhớ điều lành, tâm tha thiết hướng đến Phật, nghĩ nhớ đến Phật thì người đó vẫn có cơ hội ra đi an lành. Trong Vi Diệu Pháp, khi nói về thức hấp hối nơi một người “đang chết” thì tiến trình Javana, tức cái khoảnh khắc tốc hành đi đầu thai, là quan trọng nhất, được xem như khoảnh khắc quyết định tái sanh về đâu. Lúc đó mọi thứ đã xong, nghiệp đã được thi hành trong chớp nhoáng! (Tiến trình javana này chỉ kéo dài trong 7 sát-na tâm! so với một ý nghĩ bình thường kéo dài trong khoảng 17 sát-na tâm! ). Đức Phật thường dạy là sự tái sanh diễn ra ngay lập tức dù tái sanh về cõi nào. Cho nên điều thiện nào làm được thì hãy làm, để có một tái sanh tốt trước khi quá muộn! Về phần tôi, tôi tin rằng
trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta hành xử, suy nghĩ và nói năng ra sao đã tạo nên phẩm chất đạo đức và đều được lưu lại trong ký ức, trong a-lại-da thức chúng ta. Thêm vào đó, sự tu tập hàng ngày các pháp môn Phật dạy, dù thiền hay tịnh, đã đóng một vai trò quan trọng trong giây phút cận tử nghiệp của mỗi người.
Ở đây tôi không có ý định ca ngợi đời sống đạo đức của Mẹ tôi, mà tôi chỉ muốn nói lên một điều là tác động của một đời sống rất thiện lành và biết giữ giới hạnh, cộng với việc giữ được một nội tâm an tịnh, dù cho trải qua những thăng trầm trong đời, dù cuối đời bị đột quỵ não, không còn biết gì, nhưng đã giúp người có một kết thúc viên mãn với nụ cười trên gương mặt rạng rỡ lúc ra đi. Tuy nhiên đến nay tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của bốn tiếng “người ở cõi cao” mà tôi được nghe thì thầm bên tai lúc đó. Tại sao không phải là câu “người về cõi cao” mà lại là “ở”? Phải chăng vì lúc đó Mẹ tôi đã có mặt ở “cõi cao” đó rồi, đã an vị nơi cõi cao đó rồi? Hay là Mẹ tôi vốn từ “cõi cao”đó xuống cõi tạm này, rồi bây giờ lại quay về đó sau khi hết “nhiệm vụ” với một bầy con nơi cõi thế gian đầy khổ lụy này? Tại sao tiếng thì thầm đó không nói là “Người về miền Cực Lạc”, hay “Người ở Tây Phương Cực Lạc” mà lại là “người ở cõi cao”?
Nhớ lại trong các kinh điển Nguyên thủy, Đức Phật thường dùng cụm từ “cõi lành” để nói về một người nào đó vừa từ giã cõi đời và liền có một tái sanh tốt đẹp nơi cõi khác. Thí dụ hình ảnh một con chim bay đến đậu trên cành cây đang soi bóng xuống sân; thời gian hai hiện tượng này xảy ra đồng thời, không có một khoảnh khắc nào xen giữa hình ảnh thực và bóng chim trên sân. Như vậy một người sẽ tái sanh về cõi nào đã được xác định theo các nghiệp thân khẩu ý của người đó lúc còn sống, cộng thêm một cơ hội được dẫn dắt tái sanh bởi một vị thiện tri thức, sẽ hội đủ duyên lành trong giờ phút cận tử nghiệp để có một tái sinh tốt đẹp.
Nhưng dù cho danh từ nào tôi vẫn đã rất an tâm rằng trong
giờ phút thiêng liêng ấy, Mẹ tôi đã ở nơi “cõi cao,” một cõi rất tốt đẹp và hạnh phúc, chứ không phải là một cõi nhiều phiền lụy như chốn hồng trần này. Sinh ra trong một truyền thống gia tộc sẵn có tín tâm nơi Phật pháp, về sau khi tu tập và trải qua chút kinh nghiệm thô thiển nói trên, tôi lại càng tin sâu lời Phật dạy.
Và cuối cùng, để kết thúc bài viết nhân mùa Vu Lan đang trở về, tôi xin mạn phép ghi lại nơi đây bài thơ Tiễn Mẹ, như một kỷ niệm, để nói lên nỗi lòng của người con trong giây phút cuối tiễn đưa.
Tiễn Mẹ
Trong khoảnh khắc thời gian thành vô nghĩa, Cả không gian thành mờ ảo mông lung,
Con nít thở, dâng Mẹ nghìn hơi thở, Tim thôi đập, dâng Mẹ khúc hồi sinh.
Trong huyết quản, máu con xin ngừng chảy, Để lắng nghe sự sống Mẹ trở về.
Trong xác con, triệu tế bào lịm chết, Để thân Mẹ, mạch sống lại bừng lên. Con vẫn tin con còn Mẹ bên mình…
Cuộc đời Mẹ, một hành trình gian khó, Không than van, không tiếc hận bao giờ. Bờ sanh tử còn lưu câu niệm Phật, Miệng mỉm cười rạng rỡ phút chia phôi.
Bên tai con, lời chư Thiên mách bảo Con yên lòng, giờ “Người ở cõi cao”. Tiễn Mẹ đi, con nhớ mãi hôm nào Sụp cúi đầu, dòng lệ nhỏ vào tim.
Con vẫn tin con còn Mẹ bên mình…
Viết xong mùa Vu Lan tháng bảy, năm Nhâm Dần 2022.
Như Như.
(Menifee, California) (On the occasion of Venerable Thich An Hue’s 84th Birthday)