55. Lạy Phật Dược Sư
Tự Chữa Bệnh Ung Thư Tuyến Giáp
Phạm Ngọc Châu
Lời Nói Đầu
Câu chuyện sau đây là một trường hợp tự chữa khỏi u ác tính ở tuyến giáp bằng phương pháp tụng kinh và
lạy Phật Dược Sư trong suốt 3 năm kết hợp với sử dụng các bài thuốc dân gian. Đây là sự linh ứng màu nhiệm không thể nghĩ bàn khi ứng dụng Phật pháp vào đời sống để chuyển hóa thân bệnh.
Bệnh nhân nay đã khỏe mạnh hoàn toàn và đang dốc lòng phụng sự nhân sinh. Kết quả việc trị bệnh của cô là minh chứng cho những ai có niềm tin sâu sắc vào Phật pháp. Sau khi lành bệnh, như để tạ ơn Phật pháp, chư Phật và chư Bồ Tát đã cứu mình, cô đã tinh tấn tu học, kiên trì học tập Đông Y và các phương pháp gia truyền với những kinh nghiệm truyền thống dân gian từ các Danh y, Đạo sỹ và các Đại lão khắp nơi. Cô đã chữa trị cho nhiều bệnh nhân mắc chứng bệnh nan y và được cô cứu sống (các bệnh nhân này đã trị bệnh nhiều nơi, vô phương cứu chữa và cuộc sống đi vào bế tắc). Việc chữa bệnh từ thiện của cô chủ yếu bằng thuốc Đông Y do cô tự bào chế (cô đã tốt nghiệp khóa đào tạo chuyên môn và có giấy phép bào chế) nên người bệnh yên tâm không phải tốn bất kỳ chi phí nào. Nếu bệnh nhân ở xa, còn được cô tự tay chăm sóc và lo cho chỗ ăn
ở miễn phí ngay tại chùa. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành trong nước và cả ở nước ngoài tìm đến cô để được chữa bệnh. Ngoài việc trị bệnh từ thiện cứu người nói trên, cô còn gửi thuốc do mình bào chế biếu các chùa trong toàn quốc cùng những ai và các nơi nào cần.
Đó là trường hợp của Sư cô Thích Nữ Giác Minh, hiện đang là Trụ trì chùa Linh Bửu, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thế danh của cô là Phan Thị Mỹ Linh, sinh ngày 22/01/1976 tại ấp 8, xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Duyên Xuất Gia
Sư cô là người con thứ 5, được sinh ra trong gia đình có 3 đời theo đạo Phật. Ông nội cũng là người xuất gia và tu hành ở tổ đình Thiên Thai. Cha cô là cư sỹ tại gia với pháp danh Thiện Niệm, ông thích làm phước, bố thí, phóng sanh. Đặc biệt, ông rất tinh tấn trì tụng kinh kệ vào 4 giờ khuya, mỗi ngày đều đặn không bỏ sót hôm nào. Thừa hưởng phước báu trong gia đình kính tín Tam Bảo, cô đã dần bén duyên với đạo Phật. Năm 12 tuổi, cô được bà nội dẫn đến chùa Từ Ân ở xã Tam Bình kế bên để nghe Kinh vào mùa Vu Lan báo hiếu. Tiếng chuông ngân nga, tiếng mõ khoan nhặt, lời kinh trầm bổng đã khắc sâu vào tâm trí. Từ đó, khiến niềm vui phát khởi trong cô về việc tụng kinh. Cô được sư trụ trì Thích Nữ Long Chơn đặt pháp danh là Diệu Minh. Từ khi được quy y vào những ngày rảnh rỗi và sau mỗi buổi đi học về, cô thường thích ghé chùa vui chơi cùng chúng bạn và phụ làm công quả cùng các sư cô. Những khi ấy, lòng cô cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản với khung cảnh bình yên, tĩnh lặng chốn thiền môn. Sự yêu mến chùa trong tâm trong trắng ngây thơ của cô ngày càng tăng dần nên cô xin cha cho cô vô chùa ở để xuất gia nhưng không được ông chấp thuận. Ông nói với cô: “con nít mà tu hành gì.” Dù không được ủng hộ, cô vẫn âm thầm nuôi chí xuất gia.
Lúc đó, gần nơi cô ở có những gia đình làm thuốc nam từ thiện để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, với lòng thiện lương, cô đã hăng hái ủng hộ bằng việc đi tìm các loại cây làm thuốc nam (như nhãn lồng, bồ ngót, lá cách, đinh lăng, tam thất...) mang về cùng đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc từ thiện đó.
Vài năm sau, cô lại xin cha cho xuất gia một lần nữa nhưng vẫn bị ông cương quyết từ chối. Lúc này, do chí nguyện xuất gia của cô đã lớn nên vào một đêm trăng sáng, cô quyết định trốn vào chùa Từ Ân ở xã Tam Bình để đi tu. Sáng sớm như thường lệ, cha cô thức dậy tụng kinh không thấy cô nên ông đã đi tìm và bắt cô quay trở về nhà.
Năm 1996, một lần nữa, cô lại quyết chí trốn đến chùa Nữ Trung ở ấp 9, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, chùa này xa hơn chùa Từ Ân lần trước đó và cô nghĩ sẽ không bị cha bắt về. Đến chùa này, cô đã trình bày hết sự tình cho sư bà Trí Ngọc – Trụ trì chùa Nữ Trung, mong được Sư Bà che chở. Tuy nhiên, vâng lời cha, em gái cô vẫn tìm đến được ngôi chùa cô đang ở. Đến chùa, em gái không tìm thấy cô do được sư bà giấu ở phòng riêng nên đành phải ra về. Ở trong phòng riêng, nghe được cuộc nói chuyện giữa sư bà và em gái, cô biết gia đình và cha mẹ rất thương con, nhưng vì lòng đã quyết xuất gia nên cô không trở về.
Buổi sáng hôm sau, Sư bà Trí Ngọc đã dẫn cô đến chùa Vạn Phước ở 621/6 tỉnh lộ 10, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh cho cô tá túc ở đó. Cha mẹ cô tìm kiếm khắp nơi từ chùa Phật Cô Đơn (Bình Chánh-TP.HCM) đến Đại Tòng Lâm (Vũng Tàu) và đã đăng tin tìm người trên tivi. Biết được tin này, Ni trưởng Thích Nữ Viên Giác – Trụ trì chùa Vạn Phước (TP.HCM) đã đến gặp cha mẹ cô trình bày sự việc và xin gia đình cho cô được xuất gia. Đến đây, ý nguyện xuất gia của cô mới thành tựu và lần này đã được cha cô chấp thuận. Vì vậy, Ni trưởng đã chính thức cử hành nghi lễ xuất gia cho cô và ban pháp danh là Giác Minh. Năm ấy, cô vừa tròn 20 tuổi. Ni trưởng đã cho cô học lớp sơ cấp Phật học niên khóa 1998 – 1999 tại
chùa Vạn Phước và cô được thọ Cụ túc giới vào năm 2000. Tiếp theo đó, cô được gửi đến chùa Dược Sư để học lên trung cấp Phật học niên khóa 2000 – 2004 tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM). Cô tốt nghiệp cử nhân Phật học niên khóa 2005-2009 tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam cơ sở I (đường Nguyễn Kiệm).
Nương Nhờ Oai Lực Chư Phật Để Tự Chuyển Hóa Thân Bệnh
Cùng thời gian này, tình trạng sức khỏe của cô bắt đầu có dấu hiệu không ổn do bướu ác tính ở tuyến giáp khiến cô không thể nằm nghỉ được vì khối u luôn chặn ngay ở cổ họng rất khó thở. Thay vì nằm ngủ, cô lại chỉ có thể ngồi dựa vào tường để thở một cách mệt nhọc. Sau khi có kết quả sinh thiết ở bệnh viện ung bướu TP.HCM, cô uống thuốc theo toa nhưng chỉ được 3 ngày thì cô bỏ thuốc do không chịu được tác dụng phụ của thuốc làm cho cô bị nóng bức trong người rất khó chịu.
Lúc đó, cô uống thuốc theo toa mà tình trạng bệnh không thuyên giảm, người nóng bức khó chịu, bệnh nặng thêm, cô đã tuyệt vọng chẳng còn hy vọng sống và nghĩ rằng chỉ có chư Phật, chư Bồ Tát mười phương mới cứu được mình thoát khỏi lưỡi hái tử thần nên cô quyết tâm trì niệm kinh chú và lạy Phật Dược Sư mỗi ngày.
Ở chùa Dược Sư có bàn thờ Tam Bảo thờ Phật Dược Sư dành cho Ni chúng trì kinh niệm Phật hàng ngày. Mỗi ngày, trừ lúc phải lên lớp học, cô dành toàn bộ thời gian còn lại cho việc lạy Phật không kể giờ ăn, nghỉ hay ngủ mà chỉ kiên trì lạy Phật trong suốt 3 năm.
Với lòng quyết tâm lạy Phật cầu gia hộ, những Ni sinh, bạn cùng tu học của cô đã lấy dành riêng phần ăn cho cô mang về phòng giúp cô không phải đến trai đường vì những lúc đó cô vẫn còn lạy Phật một cách miên mật.
Thương cảm cho hoàn cảnh bệnh tật của cô nên nhiều người đã chỉ bày các phương thuốc dân gian giúp cô mau lành bệnh nhưng cô vẫn kiên trì lạy Phật không hề thoái chuyển.
Lúc này việc ăn uống của cô có khó khăn nên cô dùng gạo lứt theo phương pháp thực dưỡng được 1 tháng thì cân nặng của cô còn 38 kg. Hai mắt của cô bị lồi hẳn ra ngoài và tay chân thì run rẩy không còn khả năng kiểm soát.
Tuy bị bệnh như vậy, cô đã cố chịu đựng và âm thầm điều trị bằng mọi cách mà không hề hé lộ than thở với ai. Khi thấy sắc diện cô tiều tụy khác thường, Sư bà ở chùa Dược Sư đã vô cùng ái ngại khi để cho cô ở chung với Ni chúng trong chùa.
Với hai mắt lồi ra một cách đáng sợ như vậy, cô đã kết hợp nhiều phương pháp chữa trị qua kinh nghiệm dân gian để hỗ trợ nhưng cô vẫn chủ yếu lạy Phật cầu mong được gia hộ. Quả nhiên, sự linh ứng màu nhiệm của Phật pháp đã giúp 2 mắt của cô trở lại bình thường sau một thời gian tự trị.
Mặc dù phải nỗ lực trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, cô đã nhất định không chịu dùng đến phương pháp mổ tuyến giáp theo lời khuyên của cha cô và mọi người.
Cô đã lạy Phật suốt ngày đêm không còn thời gian nghỉ ngơi đến nỗi không có cả thời gian phơi giặt y áo. Ngày qua ngày, mồ hôi luôn thấm đẫm nên y áo của cô nổi đầy những nốt thâm kim.
Vào năm 2003, sau khoảng 3 năm nhờ kiên trì với phương pháp lạy Phật và cảm thấy sức khỏe có tiến triển tốt hơn nên cô trở lại bệnh viện Ung Bướu để tái khám và xét nghiệm. Kết quả thật tuyệt vời hơn mong đợi, cô đã khỏe mạnh như người bình thường và tuyến giáp của cô đã không còn u ác tính như trước nữa. Bệnh của cô hoàn toàn biến mất nhờ tinh tấn thực hành lạy Phật hàng ngày trong suốt thời gian 3 năm đó. Trong lúc bệnh nan y, cô chỉ một dạ chí thành nương nhờ Tam Bảo và Phật pháp nhiệm màu đã cứu cô khỏi lưỡi hái tử thần. Đó là sự màu nhiệm không thể nghĩ bàn và là bước ngoặt trong cuộc đời tu hành của cô.
Tầm Sư Học Chữa Bệnh Cứu Độ Nhân Sinh
Khi sức khỏe ổn định, cô đã tin tưởng và quyết tâm tìm nơi học chữa bệnh để cứu người. Cô biết rằng để được trị bệnh công khai thì cần phải có bằng cấp và chứng nhận chính thức nên cô đã tìm khóa học và đến bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Hồ Chí Minh. Vì không những mong muốn học phương thuốc chữa bệnh mà cô còn mong muốn tự bào chế được Nam Dược một cách hợp pháp để cứu người nên cô đã tìm học một khóa chính quy 4 năm ở Trường y dược Lê Hữu Trác tại chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng thời gian đó, chùa Dược Sư yêu cầu các Ni sinh tham gia khóa học tiếng Anh nhưng cô đã âm thầm dành toàn bộ thời gian này để theo học khóa Đông Y chính quy tại trường Lê Hữu Trác, niên khóa 2003 – 2007. Với cô, thời gian học tập 4 năm trôi qua rất nhanh, ngày nhận bằng tốt nghiệp đã đến, cô được đi thực tập ở bệnh viện Y học Cổ truyền để thực hành và nâng cao tay nghề tại 179-187 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.
Cô còn tranh thủ thời gian để tham gia dạy trẻ em vẽ hình Phật ở các khóa tu mùa hè tại các cơ sở tự viện để gieo duyên Phật pháp cho thanh thiếu niên. Cô yêu thích trẻ em khi thấy chúng ham học hỏi và cô nhiệt tình hướng dẫn trong các khóa tu. Thấy cô đi cả ngày không biết đi đâu và làm những gì, Sư bà đã điện thoại về chùa Vạn Phước để báo cho sư phụ của cô. Những việc thiện lành cô làm đều được cô thực hiện một cách âm thầm và chỉ sư phụ mới thấu hiểu được đệ tử của mình một lòng một dạ tu học. Năm 2009, sư phụ đã rước cô trở lại chùa Vạn Phước.
Cô tiếp tục tìm đến những địa chỉ chữa bệnh Đông Y được nhiều bệnh nhân tín nhiệm khắp thành phố hay ở tận Long An để xin thực tập dù cô phải một mình đơn độc di chuyển quãng đường xa hàng chục cây số trên chiếc xe máy cũ. Thời gian đó, cô đã
được thực tập bắt mạch, kê đơn thuốc và thực tập cả phương pháp truyền dịch từ các phòng khám chữa bệnh từ thiện cứu người. Nhờ vậy, cô đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền và truyền dịch trong y học. Bên cạnh đó, cô cũng đã được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và được cấp Giấy phép hành nghề Y học Cổ truyền của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vào năm 2013. Cô không những đủ điều kiện chữa bệnh mà cô còn được phép bào chế thuốc Đông Y.
Trở Về Quê Đảm Nhiệm Trụ Trì Chùa Linh Bửu Vào năm 2012, cô đủ duyên được về quê nhận làm trụ trì chùa Linh Bửu ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là cơ duyên lớn
hy hữu vì nay cô lại được trở về và cống hiến cho quê hương sau
những năm tháng tu học cần mẫn nơi đất khách quê người.
Trong 3 tuần từ khi nhận chùa Linh Bửu, cô đã thành lập đạo tràng để hướng dẫn Phật tử duy trì lạy Phật và trì niệm thần chú Đại Bi đều đặn vào lúc 6 giờ 30, ngày 19 âm lịch hàng tháng vì cô đã trải nghiệm và cảm nhận được sự linh ứng màu nhiệm không thể nghĩ bàn của Phật pháp.
Theo đó, đạo tràng Phật tử chùa Linh Bửu cùng cô dành 50 phút trì niệm thần chú Đại Bi và thực hành lễ lạy 500 danh hiệu của Bồ Tát Quan Thế Âm trong Kinh Ngũ Bách Danh – 500 danh hiệu của Ngài. Trước hết là để cô tưởng nhớ và đền ơn đáp nghĩa công sanh thành dưỡng dục của đấng sinh thành. Đặc biệt, cha cô vì tha thiết mong cô được trở về quê hương nên đã cầu nguyện đến sự gia bị của Bồ Tát Quan Thế Âm và hành trì lễ lạy dù tuổi già sức yếu. Ông đã tạ thế vào năm 2014 sau khi cô kịp báo hiếu trong chừng ấy thời gian kể từ khi về quê làm trụ trì chùa Linh Bửu. Đến nay, đạo tràng chùa Linh Bửu có hàng trăm Phật tử thường xuyên thực hành lạy Phật không gián đoạn mỗi tháng.
Nguyện cho tất cả những ai thấy nghe, trì niệm lễ bái, tán
thán danh hiệu của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hết thảy đều được diệt trừ khổ não cũng như ác nghiệp trọng tội để mau chóng thành tựu quả vô thượng Bồ Đề.
Năm 2013, cô đã mở Phòng chẩn trị y học cổ truyền Tế Minh Đường tại khuôn viên chùa Linh Bửu để bào chế Nam Dược và chữa bệnh từ thiện giúp cho nhiều bệnh nhân ở địa phương cũng như từ các tỉnh thành khác đến.
Từ những ngày đầu, bà con quanh vùng đến thăm viếng chùa và khi gặp tình huống khó khăn không tiền chữa bệnh, cô đã thăm khám và chữa khỏi cho những bệnh nhân bệnh cấp tính cũng như mãn tính, phong hàn thử thấp,.... Có cả trường hợp bệnh nhân bị mắc chứng bệnh lạ mà dân gian cho là vong nhập, cô cũng tùy duyên ứng dụng Phật pháp để xử lý ổn thỏa cho người dân. Thậm chí, khi gặp trường hợp người nhà tự tử, người dân cũng chạy đến tìm cô mong được cứu giúp. Bằng phương pháp dân gian và y học cổ truyền, cô đã bình tĩnh sơ cứu cho bệnh nhân giải độc. May mắn thay, người bệnh thoát qua cơn hiểm nghèo nhờ đã được ứng cứu kịp thời.
Nhiều bệnh nhân được cô chữa trị khỏi bệnh đã trở lại chùa ủng hộ duy trì nguồn thuốc Nam giúp cô có đủ dược liệu để tiếp tục bào chế thuốc. Dược liệu này được người dân cung cấp từ các địa phương phía Nam như núi Cấm, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang,... Người dân địa phương khen ngợi cô có “bàn tay phục dược” nên thuốc cô bào chế “cung không đủ cầu”, thậm chí thuốc chưa kịp đóng gói đã hết. Có khi thiếu nguyên liệu cô phải tự mua bằng nguồn tài chính của gia đình cha mẹ.
Tiếng lành đồn xa, người bệnh tìm đến chùa ngày càng đông những mong được cô trực tiếp thăm khám và chữa khỏi bệnh. Chính vì thế, thời gian đầu cô bận rộn quay cuồng với việc vừa bào chế thuốc vừa tiếp đón bệnh nhân cả tuần. Sau này, cô đã điều chỉnh thời gian làm thuốc trong tuần và thăm khám bệnh
vào cuối tuần để duy trì năng lượng cho những ngày tháng dài lâu. Hằng năm hạ về, cô và đoàn y bác sĩ TP. HCM thăm viếng và khám chữa bệnh cho quý chư Tôn đức Tăng Ni tại các Hạ trường như Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm, trường hạ chùa Liên Hoa, chùa Phước Thiện huyện Bình Chánh, làng Chuyên tu ở núi Thị Vải Vũng Tàu,…
Nhờ ơn chư Phật hộ trì, cô đã quy y cho 4 đệ tử có duyên với Phật được cô thực hiện nghi thức xuất gia và đặt pháp danh. Thật là hữu duyên, những người đệ tử Phật này lại chính là những thanh thiếu niên được cô hướng dẫn vẽ hình Phật trong các khóa tu trước kia. Hiện các Sư Cô đang theo học các trường Cao đẳng Phật học tại Thủ Đức (2 cô); Học viện Phật giáo Việt Nam tại cơ sở 2, quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh (1 cô); và một cô được học ở chùa Vạn Phước, nơi Sư Bà trụ trì đã từng che chở cho Sư Cô Giác Minh trong suốt thời gian tu học ở Sài Gòn.
Bên cạnh việc làm thuốc chữa bệnh và hướng dẫn đạo tràng, cô còn tham gia nhận bệnh nhân cho chương trình mổ mắt từ thiện do bệnh viện Trưng Vương Sài Gòn và mạnh thường quân tài trợ tịnh tài. Mỗi khi nhận đủ số lượng bệnh nhân từ các tỉnh thành đăng ký, cô lại sắp xếp thời gian quý báu của mình để đưa đón đoàn bệnh nhân lên mổ mắt ở bệnh viện Trưng Vương Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh.
Để có nơi làm thuốc chữa bệnh cứu người và làm nơi tu tập cho đạo tràng được khang trang hơn, cô đang tu bổ, xây dựng lại chùa Linh Bửu trên nền đất cũ. Công trình vẫn còn đang dang dở, do bởi nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Mỗi đêm cô đều cầu Phật gia hộ cho công trình sớm được hoàn thiện. Sư cô chỉ cầu chư Phật gia hộ và đón nhận những tấm lòng chung tay ủng hộ của những nhà hảo tâm để công trình sớm được hoàn thành làm nơi tu học cho đạo tràng để cô tập trung cho việc tu tập và chữa bệnh cứu người, mang lại lợi ích cho đời.
Lời Kết
Những việc làm thiện nguyện độ đời của Sư Cô Giác Minh xuất phát từ tâm thiện lành, thương xót bệnh nhân, thể hiện tinh thần Từ bi – Trí tuệ của đạo Phật. Người từng trải qua thương đau, đến mức tưởng chừng sắp chết, mới thấu hiểu hết được nỗi đau của nhân sinh. Cơn bạo bệnh mà sư cô đã trải qua như một vị Bồ Tát thử lòng người tu đạo. Vượt qua cơn đau, chiến thắng bản thân bằng sức mạnh nội lực là bước đệm vững chắc để cô thẳng tiến trên con đường thực hành hạnh Bồ Tát. Trước độ mình, sau độ người, lắng nghe tiếng cứu khổ của mọi chúng sanh. Sư cô đã vận dụng những phương tiện thiện xảo ‘Y phương minh’ để chữa bệnh thân cho người. Đồng thời từ đó đưa giáo lý của Phật (Nội minh) để giúp người giải thoát khổ đau từ nơi tâm. Ánh sáng Phật pháp được lan truyền, ngọn đèn chư tổ được tiếp nối bởi những bậc chân tu như sư cô. Nghị lực và tình người của sư cô là bài học quý giá không phải chỉ có những bệnh nhân, mà kể cả tất cả những ai, dù tại gia hay xuất gia cũng nên học tập.
Phạm Ngọc Châu PD: Thanh Nguyên Pháp (Tân Bình, TP.HCM)