Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 images 1

     6.  Bài Học Của Bành Gia

Nguyên Lộc

1.

Từ dạo gặp tai nạn ở trong rừng, Lão Thành phải nghỉ ngơi hẳn gần cả tháng để ở nhà dưỡng thương. Cả làng ai cũng nói Lão may mắn, gặp Ông Trăn to như vậy mà còn giữ được mạng đã là một cái Phước lớn.

Nghe trên xóm Hương Lộc có ông thầy chùa mới về. Vợ Lão - bà Nu, sắm sửa nhang đèn mang lên chùa khấn vái mong cho chồng sớm hồi phục. Là người ở lâu trên vùng đất mới này, không ai trên cái Huyện Nam Đông này là không biết đến Lão Thành, Bà Nu. Nhà có cơ ngơi ruộng đất, ao vườn. Mỗi khi nhà ai có đứa nhỏ bị rắn cắn, bị đau lưng, đau đầu là đều ghé xin nhờ thuốc của Lão. Ngay cả những người làng khác cũng đã nhiều lần đến để xin nhờ thần dược. Bốn mươi năm đi rừng, lão đã từng thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, mỡ trăng, mật gấu, sừng tê giác… Mỗi khi ai đến nhà Lão cũng phải trầm trồ:

  • Ôi, cây đèn lưu ly này làm bằng gỗ gì mà thơm quá. Cháu ngồi tận trên lầu vẫn còn nghe thấy mùi thơm thoang thoảng cơ.

Đứa cháu người thành phố tròn xoe mắt hỏi.

  • Gỗ Trầm Đỏ ngàn năm đấy cháu.

Lão bắt đầu kể về những chiến tích sở hữu trong nhà:

 

  • Đây là cái đầu trâu rừng già, chú thu được từ khi dì mày chưa đẻ cái Lố; Bộ bàn này là gỗ sến trăm tuổi. Hít một hơi thuốc lá thật dài, Lão nói tiếp - Đợt có người trên tỉnh xuống trả gần trăm triệu mà dượng tiếc chưa bán đó con. Không đợi đứa cháu tròn mắt, há miệng rồi lại lia mắt để nhìn theo những món đồ lần lượt được Lão kể. Đứa cháu có cảm tưởng mình đang ở trong một bảo tàng về hoang dã. Ngoại trừ chiếc ti vi siêu mỏng và chiếc điều hòa mát rượi đang dùng là đồ hiện đại công nghệ, còn đâu tất cả đều có nguồn gốc từ rừng. Rễ cây, Gỗ trầm, gỗ lim, gỗ sến, đầu trâu, sừng hươu… như một khu triễn lãm thể hiện sức mạnh của con người.
  • Chà, mấy con đó mà chú cũng săn được, đại tài!

Nhưng từ đầu tháng ba, kể từ đợt gặp tai nạn nghề nghiệp đó, lão ở nhà riết rồi sinh ra buồn chán. Mấy bụi Lan quý nhìn hoài cũng thấy vô vị. Thỉnh thoảng, cảm giác cơ thể bị bó chặt do ám ảnh lần bị con trăn quấn, Lão rùng mình, tim như bóp chặt. Lão Chỉ ước mà lúc đó có cái dao hay cái búa, lão sẽ nện một phát vào cái đầu nó, đảm bảo là giờ này nó đã nằm yên trong hủ rượu sâm nhà Lão rồi.

  • Con trăn đó hên ghê! Lão lầm bầm.

Ba đời nhà Lão đã làm nghề săn bắt và cưa gỗ già gỗ quý. Không có một cánh rừng nào mà lão không biết. Mỗi tảng đá, mỗi con sông trên những khu rừng sâu đều có dấu ấn của gia tộc Họ Bành nhà lão để lại. Chỉ cần nghe tiếng kêu của một con chim Lão có thể biết tiếng chim gì, đang trong quá trình sinh sản hay đang họp đàn; hay ngửi mùi của những chiếc lá cũng đủ để khiến Lão nhận dạng được cây gì, bao nhiêu năm tuổi. Chưa bao giờ lão bị khuất phục bởi một điều gì mà tự nhiên hoang dã thách đố. Ấy vậy mà hôm nay lại xém mất mạng bởi một con trăn cỏn con. Nghĩ có tức không chứ! Càng có nhiều thời gian rãnh rỗi, Lão lại càng nghĩ ngợi lại nhiều chuyện trong cuộc đời của Lão. Những luồng suy nghĩ bất tận, tuông chảy hiện rõ lên

 

gương mặt đầy vết nhăn. Đôi mắt và cặp lông mày xếch ngược lại càng khiến cho lão nhìn thêm hung dữ.

Tiếng con khỉ Đỏ trước nhà đang mừng bà Nu từ chợ trở về. Cơ ngơi hoành tráng, mà chỉ có hai ông bà già lụm cụm sống với nhau, tiếng khỉ tiếng sáo, tiếng của những con chim quý cũng không đủ để làm lão bớt đi sự cô độc.

  • Ông ăn gì chưa? - Bà Nu vừa treo áo ngoài lên chiếc tường vừa hỏi
  • Mai mình sắp xếp ra trại mồ côi xin một đứa con về nuôi. Vợ chồng mình còn phải có một người để hương hỏa. Cái cơ ngơi này phải có người kế tự.

Bà Nu như bỗng hạ đi tông giọng. Không ai nói với ai lời nào. Bà xuống nhà sau chuẩn bị bữa trưa cho hai mạng người và nom hai chục con chim, sáo và năm con khỉ quý. Chỉ còn lại một mình Lão Thành ngồi ngẩn ngơ trong tiếng khọt khẹt của con sáo đang tập nói: “Tao giết mày, tao giết mày”!

2.

Lố, Nông, Cui là ba đứa con trai nổi tiếng của Lão Thành. Lố đẹp trai, thân hình vạm vỡ với sức mạnh lực điền. Lên mười tuổi, Lố đã nghĩ học theo cha đi phá rừng, săn thú. Là con trưởng của Lão Thành, Lố thừa hưởng sức mạnh quyền lực, sự bản lĩnh và gan dạ của Bành gia. Mười bốn tuổi, một mình Lố đã có thể vác được cả một coi heo rừng đi xuyên qua suối về nhà mà không một chút sợ hãi; hay những mùa Hạt Đười ươi chín, một mình lố có thể đốn một ngày mấy cây đười ươi và vác cả trăm ký hạt Uơi băng rừng về. Hai đứa em song sinh Nông và Cui thì cách Lố năm tuổi, thông minh hoạt bát. Bảy tuổi Nông và Cui đã đại diện làng đi thi cờ tướng, cờ vua trong ngoài tỉnh. Thể chất không mạnh khỏe bằng anh cả nhưng bù lại hai đứa trẻ có những khả năng đặc biệt ít ai bì được. Ai cũng nói con cái Bành

 

Gia lên rừng là làm bá chủ, xuống nước thì làm không thua con trai của Long vương, ý muốn nói Lố; dưới buông làng thì làm quán quân của các cuộc thi làng trong, làng ngoài. Lão Thành nghe nhiều người khen ngợi vậy thì vui lắm, trong bụng thầm tự đắc với những chiến công của lão.

Năm Lố 16 tuổi, Nông và cui lên 11, bà Nu có chửa thêm đứa nữa, siêu âm dự là một cô công chúa. Lão Thành mừng rỡ vì có con đông là sung túc. Để mừng cho sự xuất hiện nàng công chúa thứ tư của gia tộc họ Bành, Lão vác súng đi vào rừng.

  • Lần này phải mang thịt heo nái rừng về đãi cho bà con chia vui cùng gia đình mình.

Nói rồi lão và Lố vác súng đi. Không mang theo gì ngoài hai cây súng trường dài, băng đạn và những con dao găm để mổ thịt.

Đến bìa rừng, Lão Thành và Lố chia nhau đi mỗi người một hướng. Lố thấy một con hươu già đang ăn ở phía xa, sự kích thích nổi lên, Lố lao nhanh theo từng gốc cây để đảm bảo có thể bắn chuẩn chí mạng vào con Hươu trong một cự ly chuẩn. Nhưng tiếng động làm kinh sợ con hươu, nó bắt đầu bỏ chạy, Lố cũng chạy đuổi theo. Chạy băng qua một con vực sâu thì con Hươu sập bẫy. Lố cũng bất ngờ rơi vào cái bẫy Hươu cách đó không xa. Cái hố được đào sâu dưới lòng đất, phía trên miệng là nắp hầm đã được gắn sẵn một mũi tên to và sợi dây thòng lọng bằng cước chắc chắn. Điều này giúp cho con mồi một khi đã bị sập bẫy thì không thể trốn thoát, càng vùng vẫy chiếc thòng lọng trong hầm sẽ càng siết con vật hơn; Chiếc mũi tên có chức năng làm cho con vật đau đớn và suy giảm sự chống cự. Ấy vậy mà trong một phút sơ hở, Lố đã trở thành nạn nhân của chính cái bẫy do mình là từng là chủ nhân. Chiếc mũi tên đâm vào bắp đùi Lố, Lố rơi xuống hầm và bị một chiếc dây thòng lòng treo trong cái hầm tối ẩm. Không những đau đớn mà đó còn là một sự đọa đày. Xưa nay chưa một con vật nào có thể thoát được lưỡi bẫy của Bành Gia. Giờ đây đứa con trai trưởng của Bành Gia lại như

 

một con thú đáng thương đang nằm trong lồng bẫy. Lố biết điều đó, và Lố biết rằng cuộc đời của Lố sẽ chấm dứt từ đây hoặc sáng mai. Cái mũi tên khiến Lố mất nhiều máu, tay thì bị chấn thương. Lố cảm giác như có hàng ngàn mũi tên đang đâm sâu vào trong da thịt, nước mắt chảy trong bức lực, tiếng hú của khỉ, của chim chóc lấn át tiếng kêu cứu trợ của Lố và nay lại càng vô vọng hơn khi Lố đã không còn đủ sức nữa. Lú lịm dần trong tiếng hú vang dội của khu rừng.

Khi Lố được đưa về nhà thì cánh chân đã tiêu hủy. Thân thể đã biến dạng nhiều phần. Cả nhà Lão Thành lịm đi trong tiếng nấc. Cả làng im lìm đến viếng thăm, xót xa cho một chàng trai trẻ.

  • Anh Lố ơi, anh Lố ơi… Nông và Cui đứng ở góc nhà thút thít gọi, chúng không dám nhìn vào thân xác ấy, chúng vẫn không thể tin là anh Lố đang nằm ở đây, mùi hôi thối rữa khiến ai cũng phải bịt mũi. Bà Nu chỉ còn có thể bật ra những tiếng nấc, nước mắt làm ướt cả hai vạt tóc hai bên, rũ rượi.

Sau khi chôn cất Lố, lão Thành trở nên bặm trợn hơn và không còn nói nhiều như trước. Ngay sau buổi sáng hôm đó, Lão về nhà và vác súng đi vào rừng, Lão bắn hết tất cả những loài thú nào Lão gặp, dù đó là con khỉ con hay một con chồn nhỏ. Bắn và xả đạn như những cuộc chiến tàn sát, không phải để lấy thịt, lấy da chúng. Lão bắn để trả thù cho người con xấu số của Lão.

  • Tao sẽ giết hết, Tao sẽ giết hết. Câu nói còn sót lại khi lão trở về nhà sau ba ngày chạy trong khu rừng để trả thù cho đứa con tội nghiệp ấy.

Trong lồng chiếc lồng chim sang trọng được chạm khắc tinh tế, con chim sáo nhảy rộn ràng, khọt khẹt “Tao giết mày, Tao giết mày.”

 

3.

Nỗi đau âm ỉ còn đó, thời gian kinh qua, nỗi đau khiến Lão Thành trở nên mãnh liệt hơn với khát vọng săn thú, chặt cây. Mỗi lần lão bắn hạ được một con thú, Lão cảm thấy như trút được một cục tức trong lòng, nỗi đau như được xoa dịu thêm một chút:

  • Chúng mày hại chết con ông, để xem ông làm gì với chúng mày! Đoằng, Đoằng, Đoằng. Tiếng súng nổ liên thanh vào những con thú trước mắt lão. Đối với Lão giờ đây, săn bắn không chỉ để thu hoạch chiến công mà còn để trả thù cho những mất mát, xoa dịu nỗi đau trong lòng của Lão.

Chiều đó, Lão về nhà với một gùi thịt rừng trên vai. Không quên dặn Bà Nu lấy phần thịt lưng của con Nai làm mồi nhắm cho Lão. Gùi thịt rừng này đem ra chợ tỉnh bán chui, luôn là món quà đáng giá của những người háu ăn và sành ăn. Nông và Cui thì luôn được mẹ để dành cho phần óc tươi ngon nhất:

  • Óc làm món canh hầm, hấp lên thì đại bổ cho óc của trẻ

Bà Nu luôn nói câu đó mỗi khi bưng món óc lên cho Nông và Cui.

  • Chiều nay có món óc khỉ, món này là chỉ có bậc quyền quý ngày xưa mới ăn được thôi - vừa nói bà vừa xoa đầu Cui, dặn chúng ăn thật no rồi đi tắm.

Tối hôm đó, Nông và Cui lên cơn sốt, mặt mũi tái nhợt hẳn. Thường ngày thể trạng hai đứa trẻ này vốn đã yếu. Vài ba bữa là lại cảm, sốt, ho nên Bà Nu ngỡ chắc là do chiều nay chúng chạy dỡn ngoài mưa, giờ thì thấm lạnh. Thức dậy lúc nửa đêm, lấy cho chúng thuốc giảm đau hạ sốt, thấy chúng đã nằm yên mê man bà an tâm về phòng mình.

Sáng hôm sau, khi bà vào phòng đánh thức Nông và Cui dậy đi học thì thấy Cui đã bất tỉnh, miệng xùi bọt mép trắng. Trên mặt đất Nông đang quằn quại, thều thào không còn hơi

 

thở. Bà hét toáng lên, gọi Lão Thành thì mới hay Lão đã lên rừng từ sớm. Trấn an Nông, bà ôm Cui đang bất tỉnh lao vụt ra đường. Hàng xóm nghe tiếng hét thì cũng vội vàng chạy đến giúp. Nhưng khi xe cấp cứu đến thì Cui đã không còn hơi thở, Nông đang thổ huyết trên nền nhà, những vệt máu dài đỏ khiến tim Bà Nu như bóp chặt.

Buổi chiều trở về từ rừng, hàng xóm báo tin, Lão Thành tức tốc vào bệnh viện.

  • Tình hình không khả quan lắm, người nhà nên chuẩn bị tinh thần. Bác sỹ cúi đầu, nói nhỏ với giọng điệu hối tiếc.

Chiều hôm ấy, Cui đã được bệnh viện trả về. Nông thì chuyển lên bệnh viện thành phố, nhưng nghe đâu tình hình không mấy khả quan. Bà Nu cũng nhập viện vì thai nhi trong bụng bị ảnh hưởng. Lão Thành bôn ba trở về nhà để lo hậu sự cho đứa con bé bổng của Lão. Đứa trẻ năng động, hoạt ngôn giờ đây nằm trước mặt ông, thân thể mềm nhũn, gương mặt trắng bệch đến đáng thương. Lão ôm đứa trẻ vào lòng, mắt đỏ ngầu. Bộ đồ bận từ rừng về vẫn chưa có thời gian đổi khiến Lão không khác gì một con khỉ đang ôm lấy con khỉ con, rũ rượi, đau đớn. Lão không khóc thành tiếng, chỉ nghe rõ những tiếng sụt xùi như đứa trẻ đang ấm ức khóc vì mất đi thứ gì đó quý giá, thiêng liêng.

Những ngày sau đó không dễ dàng gì với Lão khi Nông cuối cùng cũng ra đi. Mặc cho lão đã nhiều lần đến bệnh viện tuyến trên van nài bác sỹ hãy hết sức để cứu lấy con mình. Cô công chúa chưa kịp chào đời của Lão cũng không chịu nổi cú sốc mà ra đi theo anh chị của nó. Lão Thành và Bà Nu gần như sụp đổ.

  • Theo như chúng tôi đã kiểm tra kỹ càng, hai đứa trẻ đã ăn phải động vật bị nhiễm bệnh. Do thể tạng của trẻ quá yếu nên đã không qua khỏi. - Bác sỹ cúi đầu nói về nguyên nhân cái chết của đứa trẻ.

Phải rồi, Lão nhớ ra, hôm đó lão thấy mẹ con nhà khỉ đang ngồi trên mỏm đá. Khi đó, khỉ mẹ đang ôm khỉ con vào lòng.

 

Lão cứ nghĩ là khỉ mẹ chỉ đang ôm khỉ con vỗ về, nên dễ dàng bắn chết hai mẹ con nhà khỉ mà không để ý là con khỉ con đang bị bệnh.

  • Con khỉ con đang bị bệnh…
  • Trời ơi! trời ơi…! Lão gào lên đau đớn.

Chưa bao giờ người làng Hương Lộc nhìn thấy bộ dạng thảm hại đấy trên người lão. Trước nay, nhắc đến lão Thành, người ta vừa kính sợ, vừa kiêng nể Lão bao nhiêu thì giờ bộ dạng ấy lại càng nhếch nhác, thảm hại bấy nhiêu.

Chỉ trong vòng một năm, Lão đã mất bốn đứa con mà Lão xem như báu vật. Một sáng thức dậy, Lão cố gắng lắng nghe, nhưng không còn nghe tiếng Nông và Cui đang đùa dỡn trước sân nhà nữa. Lão cũng không còn nghe thấy tiếng Lố dạy cho con sáo nói chuyện. Mọi thứ xung quanh lão dường như im ắng đến đáng sợ.

Thỉnh thoảng chỉ còn nghe thấy tiếng con sáo đang tập nói mãi một câu: “Tao giết mày, tao giết mày!”

4.

Đầu tháng chín năm ấy, một cơn bão tràn vào miền trung Việt Nam. Không giống mọi cơn bão khác, cơn bão năm nay được cho là mạnh hơn bao giờ hết trong những cơn bão đã từng trong lịch sử. Cả mấy ngày liền Lão Thành ở trong nhà không đi đâu được. Sau lưng nhà của Lão có một con sông nhỏ. Vậy mà giờ nước trên rừng đổ về, con sông nhỏ bỗng lớn dần, ào ào nước chảy như đang gào thét. Từ sáng sớm, nước đã ngập vào sân nhà sau. Mấy con chim trong nhà Lão thì cứ thỉnh thoảng lại kêu lên sợ hãi. Bà Nu phải đem mấy con Khỉ dời lên trên gác mái, chim thì treo lên bệ cửa cao, lấy tấm màn phủ kín để chúng không phải sợ.

  • Coi chừng đêm nay còn mưa lớn nữa - Lão đi từ nhà trước

 

ra nói với Bà Nu, sau khi đã quan sát trước sau suốt cả một ngày.

  • Bà Hằng ở xóm trên mới điện xuống, nói là ông Lãm ra đồng dắt bò về thì bị nước cuốn, tới giờ vẫn chưa tìm ra ông ạ! Hít một hơi, bà nói tiếp - Vậy là làng mình mất tích sáu người rồi. Nước ở đâu cuốn mà thất nhơn quá vậy không biết nữa! Lão Thành lẳng lặng không đáp, nhìn sâu về khoảng không vô định ra con sông trước mắt Lão. Chỉ có con sáo trong lồng bất ngờ trả lời bà: “Tao giết mày, Tao giết mày”.

Bữa cơm trưa của hai vợ chồng khi con nước đang lên nhanh gọn hẳn vì còn phải sắp xếp khiêng bàn thờ gia tiên để lên cao. Bởi với tình hình này thì sớm muộn gì nước cũng tràn vào nhà sớm. Bưng xong tủ và bát nhang của ông bà thân cụ lên cao, Lão mới thấy dưới góc bàn thờ có một quyển sách mỏng, nâu sòng đã bạc màu. Bìa để tựa “Phật Pháp căn bản”. Quyển sách này chắc là của mẹ lão để lại. Lão bỗng nhớ, khi xưa lão cũng đã từng là một cậu bé Oanh Vũ theo mẹ đi chùa mỗi ngày chủ nhật. Được anh huynh trưởng trong chùa tặng cho một cái áo Lam, một chiếc mũ cối rất vui. Mà cũng không biết gọi là mũ cối có đúng không nữa, đã lâu quá rồi nên lão không thể nhớ cái tên của nó. Nán lại bưng cho xong cái đôn thờ, không quên với lên tìm cái mắt kính rồi Lão bắt đầu đọc. Những trang sách ở đầu đã bị bay màu gần hết cả, càng như vậy càng kích thích lão phải đọc cho bằng được. Bắt đầu từ những trang đầu tiên, lão đã thấy những nét gạch chân bằng bút mực tàu cũ của mẹ Lão. Điều này càng thôi thúc lão phải đọc cho bằng được quyển sách này. Ở những phần như “Quy y tam bảo, Ngũ giới tam quy, Tứ diệu đế…” Lão cảm thấy mơ hồ chưa hiểu hết. Nhưng khi đọc đến phần Bát Chánh Đạo thì bỗng nước mắt lão cứ ứa ra:

“Này các Tỳ - kheo, người cư sĩ không nên làm năm nghề này: Buôn bán vũ khí, buôn bán động vật còn sống, buôn bán thịt, buôn bán các chất gây nghiện, buôn bán thuốc độc.”

Đến đây, Lão bỗng nghĩ về cái nghề săn bắn gia truyền của

 

nhà Lão bao nhiêu năm nay. Nghĩ đến những con vật mà ông nội Lão, cha Lão, con trai Lão và Lão đã từng xuống tay với cảm giác hả hê thõa mãn. Lão Thành hít một hơi sâu rồi đọc tiếp. Từng chữ từng chữ như đang được viết dành tặng Lão. Ngoài kia tiếng thác nước đổ ào ào. Con sáo vẫn lặp lại câu nói: “Tao giết mày, tao giết mày” như một thói quen.

“Ác nghiệp sẽ bắt kịp ngươi, dù sớm hay muộn. Khi ác nghiệp chưa chín, người ngu nghĩ mật ngọt. Nhưng khi ác nghiệp chín muồi, người ngu chịu khổ đau. Nghiệp ác đã được làm, không như sữa đông ngay; như lửa vùi dưới tro, ngầm đi theo kẻ ngu.”

Tay lão run bần bật, mắt lão nhòe đi và không còn đọc được chữ trên trang giấy nữa. Lão bắt đầu xâu chuỗi lại cả hành trình gia tộc lão đã đi qua. Bành Gia đã lên vùng đất này từ thuở đầu lập nghiệp. Ông nội Lão chết khi cha Lão vừa tròn 17 tuổi. Cha lão vẫn chưa bao giờ kể về cái chết của ông nội cho Lão nghe, nhưng Lão vẫn luôn nghe bàn tán rằng có một con cọp đã xuống núi, ăn thịt ông nội Lão và chỉ chừa lại một cánh tay. Năm lão vừa cưới vợ, cha lão trong lúc đốn hạ cây cổ thụ đã bị chính cây cổ thụ đè chết. Và đến đời của Lão, đứa con trai đáng thương của lão đã chết như một con hươu trong cái bẫy do chính tay nó đặt, đau đớn và đày đọa. Ngay cả hai đứa con ngây thơ và trong sáng chưa một lần nhuốm máu trên tay cũng ra đi vì chính cái óc khỉ mà lão đã mang về từ rừng cho chúng. Rõ ràng cái nghề của Lão đã khiến cho gia tộc của Lão phải tận diệt, phải đau khổ. Vậy mà…

  • Kẻ ngu! kẻ ngu! Lão ôm mặt khóc như chưa bao giờ được khóc, Tiếng khóc của Lão chưa bao giờ to và rõ ràng đến vậy. Hòa lẫn với tiếng khóc là những dòng nước mạnh xiết đang ào ảo chảy về từ rừng sâu.

Lão đã từng một thời được mẹ đưa đến chùa để học Phật Pháp. Thời còn sinh tiền, Mẹ của lão luôn cố gắng để khuyến hóa

 

cả gia đình từ bỏ công việc phá rừng, săn thú. Nhưng những cái lợi trước mắt khiến cho cha lão chưa bao giờ đếm xỉa đến lời của bà. Bà đã từng dạy cho lão rằng: - Trên đời này vạn vật đều theo quy luật nhân - quả. Gieo nhân xấu nhất định sẽ có ngày gặt quả xấu. Chẳng trách, trước lúc nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn cố gắng nắm tay lão mà dặn dò: - Con đổi nghề đi, kiếm nghề gì thiện lương mà làm, con nhé! Nhưng lão chưa bao giờ đặt những lời bà dặn vào tai. Nhà cao cửa rộng là thứ mà con người vẫn luôn cố gắng để đạt được như là đích đến của sự thành công, thì cớ gì mà lão lại rũ bỏ những thứ có sẵn này để đi làm một nghề khác nặng nhọc tay chân để chỉ nhận được vài đồng bạc cắc.

  • Rừng rú, thú vật là thứ có sẵn, là thiên nhiên ban tặng, tội gì mà phải nhường cho kẻ khác làm giàu - Suy nghĩ đó đã tồn tại trong đầu lão gần 30 năm Giờ đây, lão nhận ra mình như đang sống lại, đang được trở lại thời Oanh vũ theo mẹ đến chùa. Nhìn ra dòng thác đang đổ ào ào về từ nguồn rừng, Lão nhận ra chính Lão đã góp vào đó một phần gây nên cơn bão. Lão cảm thấy vô cùng dằn vặt và hối hận nhưng đồng thời lão thấy một khuôn mặt từ mẫn hiện lên trong đầu mình. Khuôn mặt mà bấy lâu nay lão đã quên bẵng đi khi chập chững bước vào đời.

Suốt một tối, Lão đã ngồi đọc lui đọc tới hết quyển sách mỏng trên tay. Đó là một báu vật mà lão tìm lại được sau bao nhiêu năm Lão lăn lộn mưu sinh. Tập trung đọc thật kỹ đến quên mất giờ cơm tối, Lão nhận ra con sáo cũng đã im lặng từ bao giờ, không còn bập bẹ “Tao giết mày, Tao giết mày” inh ỏi nữa. Nó dường như đang ở từ trên chiếc lồng gỗ quý để nhìn lão, nhìn thật kỹ, thật kỹ...

5.

Cơn bão cuối cùng cũng đi qua. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong dòng nước chảy. Mấy hôm nay, ở đầu làng ai ai cũng đang tò mò về một người đàn ông đang nhiệt huyết phụng sự

 

cho bà con bị bão làm thiệt hại. Người đàn ông đó đưa bà con đến nơi di tản, cung cấp đồ sinh hoạt cá nhân cho bà con bị thiệt hại nặng nề. Những ai không có nơi để về có thể ghé đến nhà của anh để tá túc. Thì ra đó là anh Thành. Người mà trước đây được dân làng miền xuôi miền ngược gọi là lão Thành một cách kính cẩn đầy sợ hãi.

Tự bao giờ, ánh mắt anh đã trở nên hiền đến lạ. Không ai còn nhớ có một Lão Thành từng là bá chủ của thôn trước đây.

Một ngày nắng đẹp trời. Anh Thành mang những chú chim quý giá, những con khỉ quý vào rừng. Anh biết, điều cuối cùng anh có thể làm để sám hối với tự nhiên là mang chúng trả về cho tự nhiên. Dù anh vẫn yêu tiếng khọt khẹt của con khỉ có cái đuôi dài ngoằng, thích lắm con sáo với nhúm lông bảy màu trên cổ này. Nhưng anh biết, đã đến lúc anh cần phải trả chúng về nơi chúng đã sinh ra.

Nắng ấm xuyên qua từng kẻ lá Chim về rừng

Khỉ con về với mẹ

Người, đã tìm thấy khuôn mặt của mình.

6.

Chủ nhật mỗi tuần, trẻ em trong làng được ba mẹ đưa đến chùa Phật Ân sinh hoạt. Gần đây, những em Oanh Vũ cảm thấy thích được đến chùa hơn hẳn. Không chỉ bởi vì các em được các sư thầy, sư cô và các anh chị thương yêu mà các em luôn hằng mong được đến ngày chủ nhật để gặp Anh Thành.

Anh Thành là người huynh trưởng già của Gia đình Phật tử Nam Đông. Dù đã nhiều tuổi lắm rồi, nhưng bằng một cách nào đó, những em Oanh Vũ quý mến anh như một người bạn, người thầy. Những bài học huynh trưởng Thành dạy cho các em lúc nào cũng đi kèm với những ví dụ cụ thể. Khiến các em dù còn

 

nhỏ, học một lần là đã có thể hiểu ngay.

Ngay giờ phút này, Anh Thành vẫn đang miệt mài giảng bài cho các em Oanh Vũ với cái tựa mang tên “Bài học của Bành Gia”.

  • Này các em, anh muốn các em biết là những nghề nghiệp không chân chánh làm tổn hại đến đời sống, sinh mạng của con người và muôn loài sẽ khiến con người phải hứng chịu nghiệp quả của chính mình.

Một em nữ oanh vũ đứng dậy chắp tay hỏi:

  • Thưa anh, nhưng nếu em làm nghề không chân chánh nhưng hiện tại em vẫn thấy thật hạnh phúc mà không hề có đau khổ chút nào. Vậy thì có gì mà phải sợ ạ?
  • Nếu vậy ta đâu cần phải thực hành Chánh nghiệp, chánh mạng chi cho mất công hở anh? Em oanh vũ ngồi kế bên cũng chắp tay hỏi tiếp.

Mỉm cười nhìn em một cách trìu mến, anh Thành dừng lại sau vài giây để thở thật sâu rồi trả lời:

  • Nè em, hạnh phúc cũng có nhiều loại lắm. Có thứ hạnh phúc tạm thời, có thứ hạnh phúc cá nhân, và có thứ hạnh phúc lâu dài đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho tha nhân và cho những người ta thương yêu nữa. Dừng một nhịp, anh nói tiếp: - Nếu em chọn hạnh phúc cho cá nhân mình thôi thì khi nhìn thấy người thân mình đau khổ em có còn hạnh phúc chăng?
  • Thưa anh, em nghĩ là không ạ! Nếu em hạnh phúc mà ba mẹ em đau khổ, anh chị em đau khổ thì em cũng không hạnh phúc thật sự… Em Oanh Vũ dường như đã nhận ra vấn đề.

Anh nhìn lần lượt từng bé Oanh Vũ rồi cười thật tươi.

  • Đúng vậy, các em ạ. Bát chánh đạo có công năng vi diệu lắm; Tùy vào nhận thức nền tảng của mỗi người mà có thể hiểu được từng bậc diệu dụng của giáo lý này. Nhưng đối với các em, anh không đòi hỏi các em phải hiểu thật uyên thâm, các em

 

chỉ cần hiểu những điều cơ bản là đã có thể bước đầu bước chân vào con đường tỉnh giác rồi. Đặc biệt là Chánh mạng và chánh nghiệp… Nói đến đây, nước mắt anh Thành bắt đầu rưng rưng.

- Hôm nay anh sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện có thật, anh hy vọng các em có thể hiểu được những nội dung cơ bản để lựa chọn cho mình một đời sống chơn chánh, tính cách chơn chánh, một mục đích nghề nghiệp chơn chánh… Câu chuyện này có tên là Bài học của Bành Gia.

Nguyên Lộc

(Quận Thủ Đức, TP.HCM)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm