Home Page by K2 Home Page by JSN PageBuilder

 images 2

    2. Về Bên Chân Phật, Nghe Lòng An Yên

Thích Nữ Nhuận Nguyên

Mẹ thương mến của con,

Chỉ cần nghĩ đến mẹ thôi, lòng con đã cảm thấy tràn đầy năng lượng của sự bình an và ấm áp rồi. Mẹ biết không, mẹ đã cho con quá nhiều điều mầu nhiệm mà con nghĩ rằng con cần phải trân quý suốt cuộc đời. Cảm ơn vì mẹ đã mang con đến cuộc đời này, cho con tiếp xúc được với những mầu nhiệm của tình yêu thương – của sự sống. Cảm ơn vì mẹ đã can đảm gác lại giấc mơ còn dang dở nơi giảng đường đại học, dành trọn thanh xuân tươi đẹp nhất để cho sự sống con có mặt. Cảm ơn mẹ, vì dẫu có bị người đời ném ánh nhìn không mấy thiện cảm về phía mình, mẹ vẫn quyết không từ bỏ đứa con đỏ hỏn trên tay mang đầy bệnh tật. Cảm ơn mẹ vì mẹ đã rất kiên cường, làm mọi điều mà mẹ cảm thấy nên làm, ngay cả khi mẹ ở trong hoàn cảnh biệt lập và cô độc. Cảm ơn mẹ vì mẹ vừa là mẹ, vừa là ba, vừa là người bạn đồng hành cùng con trong những năm tháng cuộc đời, dẫu con biết điều đó thật không dễ dàng với mẹ. Và cảm ơn mẹ, vì mẹ còn đó, có mặt cho con trong giây phút nhiệm mầu này!

Năm tháng tuổi trẻ của con, thật hạnh phúc khi có mẹ kề bên, nâng đỡ bước chân con tập tễnh vào đời, ê a cùng con trong những trang giấy còn thơm mùi mực, dìu dắt đôi bàn tay nhỏ bé ấy từ những việc làm nhỏ nhất. Thật hạnh phúc, cuối con đường

 

của những buổi học hành, thi cử vất vả luôn có một nụ cười toả rạng chờ đón con trở về trong mâm cơm tràn đầy tình thương. Thật hạnh phúc khi ở tuổi trưởng thành hơn một chút, có một người mẹ mang trong mình hình bóng một người chị dịu hiền sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu những đòi hỏi vô cớ của con vô điều kiện. Thật hạnh phúc khi mỗi lần con va vấp nơi cuộc đời sống gió đầy chông gai này, luôn có một bàn tay dịu dàng phủi sạch những “nhơ nhớp” cuộc đời dính nơi con.

Mẹ biết không, khi còn nhỏ con luôn sống trong nỗi tự ti, mặc cảm vì thiếu đi một người ba – một người đàn ông trong gia đình, người có thể đem đến cho con và mẹ cảm giác vững chãi và an tâm trong cuộc đời. Con đã từng dùng ánh mắt ngưỡng mộ trộm nhìn bạn học được ba mẹ đưa đến trường trong những ngày đầu tiên, trộm nhìn khuôn mặt hạnh phúc của bạn học khi có ba mẹ tham gia chương trình ngày hội gia đình, trộm nhìn sự sung sướng nơi các bạn khi khán đài thi đấu luôn có bóng dáng của cả ba và mẹ cổ vũ,… Cái cảm giác mà dù một lần trong đời thôi, con muốn có thể cảm nhận được sự ấm áp ấy!

Con thèm cái cảm giác được nằm trọn trong vòng tay rắn chắc của ba để thủ thỉ về những ngày đầu tiên đến lớp, những khó khăn trong học tập. Con thèm cái cảm giác được ba cho ngồi lên cổ để phóng tầm mắt ngắm nhìn công viên mỗi chiều cuối tuần. Con thèm cảm giác được cùng ba chạy trên sân cỏ để đá những trái banh thật cao, thật xa hay chỉ là để cùng ba chơi những trò chơi cảm giác mạnh mà mẹ không đủ can đảm. Mẹ nhớ không, năm đó mẹ bị tai nạn phải nhập viện, ngoại và dì đi xa chưa về, con lại chẳng thể giúp được gì nhiều cho mẹ những ngày đó. Con đã ước có ba ngay lúc này, ba sẽ chia sớt những khó khăn cùng với mẹ, đôi vai gầy của mẹ theo đó cũng không còn phải oằn xuống. Vô số điều con muốn làm với ba, nhưng có lẽ chưa bao giờ bà ngoại cho con nhắc đến.

Nỗi nhớ nhung, thèm khát ấy đã dệt lên trong tâm tưởng con vô số hình dáng vừa thân thuộc nhưng cũng đầy xa lạ nơi những

 

giấc mơ đêm về. Đã rất nhiều lần con vẽ lên trong đầu, và thậm chí nơi những mảnh giấy mà con nhặt được khuôn mặt của ba, nhưng nó thật mơ hồ, mờ ảo mẹ ạ. Hàng vạn lần con suy tưởng đến lần đầu tiên trong cuộc đời gặp được ba, ba sẽ ôm con trong vòng tay ấm áp, véo nhẹ nơi cánh mũi của con mà rằng “ôi con ai đây mà cánh mũi thật cao, đôi mắt thật to tròn”… Con sẽ cười thoả thích trong niềm sung sướng ấy! Cũng vô số lần, con muốn được một lần trách ba, rằng tại sao ba lại không nhìn nhận đứa trẻ như con, tại sao ba lại bỏ con khi mẹ và con cần ba nhất, ba có biết sự có mặt của con nơi cuộc đời này không… Nhưng con biết, con không nên ích kỷ như vậy, vì chỉ cần nhắc đến ba thôi, đôi mắt mẹ trở nên đỏ hoe, trực trào những giọt nước mắt của sự tủi hờn.

Có lẽ mẹ thấu được những mong muốn nơi con, nên dẫu rằng sợ độ cao đến nỗi phải nhắm tịt đôi mắt, mẹ vẫn hăng hái cùng con trải qua những trò chơi cảm giác mạnh. Dẫu chẳng thể có bất cứ một trái bóng nào lọt lưới thủ môn, mẹ vẫn nhiệt tình cùng con chạy khắp sân cỏ. Cầu thủ mang tên mẹ ấy đã mang đến cho con rất nhiều động lực, truyền cho con ngọn lửa của niềm đam mê, sự thích thú cũng như lòng dũng cảm để con có thể bước tới ước mơ của mình. Dẫu chưa từng lắp được bất cứ một ổ điện nào trong nhà, mẹ vẫn xuất sắc hoàn thành tác phẩm “lắp đặt mach điện” để sớm mai con có tác phẩm lên lớp. Dẫu chưa khéo léo trong việc “sáng tạo”, mẹ vẫn mỗi ngày một hình thù ngộ nghĩnh nơi hộp cơm yêu thương dành cho con, khiến bạn bè ai cũng ghanh tỵ…

Con biết rằng, đôi khi mọi việc thật không dễ dàng với mẹ, khi mẹ vừa chăm sóc bà ngoại ở bệnh viện, vừa phải tất tả lo việc ở cửa hàng, rồi còn phải lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ. Có những hôm thật sự mẹ đã rất mệt, con biết mẹ ạ! Mẹ muốn bỏ cuộc vì không muốn phải sống những ngày tủi nhục như thế nữa, nhưng tình thương với ngoại và con quá lớn khiến mẹ đã gạt đi những giọt nước mắt, tiếp tục đứng lên. Con đã thấy mẹ

 

nhìn vào khoảng không nơi bệnh viện, rơi giọt nước mắt trên đôi tay gân guốc của ngoại, con bước vào mẹ chỉ lẳng lặng gạt đi. Nhiều lúc mẹ cảm thấy thật cô đơn, lẻ loi phải không mẹ? Mẹ không thể chia sẻ, con lại chẳng có can đảm để nói ra những điều thực sự trong lòng mình với mẹ. Con từng nghĩ, khi lớn hơn một chút, con sẽ trở thành một người mạnh mẽ, có một bờ vai vững chãi để mẹ có thể tựa vào, có thể dựa dẫm và có thể khóc thật to. Có như vậy, những đau thương mẹ gánh lấy mới vơi đi phần nào, phải không mẹ!

Năm đó, con được tham dự một khoá tu mùa hè – khoá tu đầu tiên mà mẹ không nỡ rời xa con hơn một tuần đó, mẹ còn nhớ không? Khoá tu ấy đã đem đến cho con những cái thấy thật thú vị, mở cho con một cánh cửa mới để nhìn cuộc đời và nhìn về cuộc đời chính con. Từ rất nhỏ, con đã được theo ngoại lên chùa những ngày rằm, mồng Một để nghe kinh, lễ Phật, làm công quả, nhưng đức Phật với con lúc đó là một điều gì đó rất mơ hồ; những tứ đế - vô thường - vô ngã - Niết-bàn,… được nơi những cuốn kinh Phật thật xa vời, khó hiểu. Mẹ cũng từng than trách, rằng đức Phật thương chúng sanh như con đẻ, Bồ- tát Quán Âm với hạnh nguyện nghe sâu thế kia, nhưng tại sao lại không nghe thấu tiếng kêu khổ nơi mẹ. Những ngày tháng nơi đất khách quê người, mẹ một mình gắng gượng sanh con ra, đau đớn trăm bề nhưng mẹ đều cắn răng chịu đựng. Sự thờ ơ chẳng quan tâm của ba, tiếng trách mắng cùng lời từ mặt của ông ngoại, lời gièm pha từ những người xung quanh khiến mẹ không thể gượng dậy nổi. Nhưng nỗi đau đó có thấm vào đâu, khi cái tin đứa con “chín tháng mười ngày” mẹ “mang nặng đẻ đau” sanh ra lại mang bệnh tim tai quái quật thẳng vào mặt mẹ. Bế trên tay đứa con đỏ hỏn còn khát sữa, mẹ đi suốt trong đêm như người mất hồn, lòng thầm trách: “Đức Phật ơi, người có thấu hiểu, Chúa Jesus ơi, người mang đứa con trai bé bỏng của con đến để làm gì để rồi mang đi?”. Mẹ không tin vào Phật, chẳng tin vào Chúa, bất tín con người. Những hạt giống ấy cũng

 

được tưới tẩm nơi con, với con – Phật có đó, nhưng người quyền năng quá, không thể chạm tới được, Chúa xa quá, chẳng nghe được tiếng kêu cứu của muôn loài.

Thế mà, khoá tu đó con lại chạm được đến những điều trước nay con chưa bao giờ nghĩ đến – một đức Phật hiền từ, bao dung ngồi uy nghiêm nơi toà sen có vẻ xa lạ, nhưng cũng thật gần gũi, chân thật. Vị Phật ấy chính là sự hoá hiện mầu nhiệm của sự giác ngộ, của tình yêu thương, của sự hiểu biết mà trong bất cứ người nào nơi chúng ta đều có. Và với con, cuộc đối thoại với Phật là cuộc đối thoại đẹp nhất, hạnh phúc và an nhiên nhất mẹ à. Phật ấy hiển hiện nơi cuộc sống khổ đau nhân sinh, nghiêng xuống từng lầm lũi của kiếp người để lắng nghe và hiểu thấu. Đạo Phật ấy thật gần gũi và cần thiết cho cuộc đời này, có thể giúp ta chế định hỷ lạc để nuôi dưỡng ta và người ta thương ngay giây phút hiện tại, có thể giúp ta biết cách xử lý nỗi khổ niềm đau bằng lòng yêu thương và sự hiểu biết. Những trang sách cùng những điều con được thực tập ấy giúp cho con nhận ra rằng, hạnh phúc không phải là một điều gì đó xa vời, đợi đến khi đạt được một điều gì đó con mới cảm nhận được, mà hạnh phúc chính là nơi đây – một hơi thở thật sâu để mở ra nhìn cuộc đời. Con đã cảm thấy rất hạnh phúc mẹ ạ! Con chỉ có cảm nghĩ, rằng con phải chia sẻ điều thấy biết này cho mẹ, cho ngoại, cho dì và cho tất cả người xung quanh. Lúc đó, con mong có thể chạy thật nhanh về xà vào lòng mẹ để chia sẻ niềm hạnh phúc ấy.

Mẹ ơi, mẹ thấy không, bầu trời hôm nay thật cao rộng và trong xanh phải không? Đám mây trắng trên bầu trời xanh kia trôi thật hiền hoà, những chú chim non vẫn ríu rít hót ca trong vườn buổi sáng hôm nay, những bông hoa reo mình đón nắng mới,… mẹ có thấy không. Thật nhiệm mầu đúng không mẹ? Dẫu có những ngày nắng gắt, con vẫn thấy thế giới thật nhiệm mầu, thật đáng để yêu thương. Con thấy mình may mắn lắm mẹ ạ! Con từng gặp những người khiếm thị khi đi đến trung tâm khuyết tật, họ không thể nhìn bầu trời trong xanh sáng hôm nay, không thể thấy khuôn

 

mặt dễ thương của người họ thương, nhưng con thấy họ vẫn rất hạnh phúc, vì biết mình còn có mặt ngày hôm nay, nghe tiếng chim kêu ríu rít ngoài kia mẹ ạ. Con đã có dịp ghé thăm bệnh viện phổi, và nơi đây – mỗi hơi thở đều đều của sự vào ra đều được các bệnh nhân trân quý, vì với họ “hạnh phúc chỉ là được thở thôi” mẹ ạ! Người ta không cầu mong có được tiền tài, danh vọng, địa vị hay quyền lực mà chỉ là được thở thôi, được nhìn bầu trời thôi. Vậy mà, bản thân con đang có đầy đủ duyên lành để thụ hưởng những điều ấy lại chẳng mảy may quan tâm, luôn đi về phía trước kiếm tìm hạnh phúc.

Con biết, mẹ đã đau khổ trong một thời gian dài, đau khổ đó là một sự thực – là một thực tại chúng ta phải chấp nhận, không thể trốn chạy. Nhưng mẹ ơi, nắng sớm mai nay rất đẹp, con đường đến trường rất vui, người đời cũng rất dễ thương. Khi con không có ba ngàn đồng lẻ để đi xe buýt, chú tài xế nói với con khỏi cũng được cháu à; khi con đang loay hoay móc tiền ra mua gói xôi trước cổng bệnh viện, cô bán xôi đã nói tặng cháu gói xôi buổi sớm mai; khi con bị lủng lốp xe trong lúc chạy trên đường phải đẩy bộ, chú bên đường đã đẩy giúp con một đoạn đường xa mẹ ạ. Mẹ thấy không, cuộc sống này có những điều thật dễ thương, có những người thật dễ mến, phải không mẹ?

Con cũng biết những khúc mắc của mẹ với ông ngoại, với ba không dễ gì tháo gỡ, con cũng chưa đủ khả năng để kéo mẹ ra khỏi điều đó, nhưng con biết chắc mẹ có thể chuyển hoá. Con cùng ngoại đã lên kế hoạch cho mẹ, một khoá tu mà mẹ không tình nguyện lắm đã được thực hiện. Mẹ đã khóc rất nhiều ở khoá tu ấy, con biết mẹ khóc được là một niềm hạnh phúc, vì rồi đây mẹ sẽ tìm lại được chính mình và thấy được sự tươi đẹp của đời người. Dẫu lần này chưa thành công, con sẽ cùng mẹ đến đây và thực tập vô số lần nữa!

Trở về từ khoá tu mùa hè năm đó, nằm bên mẹ con thủ thỉ, rằng “Mẹ ơi, mẹ có ước mơ không?”, “Ước mơ của mẹ là gì, hả mẹ?” đôi mắt mẹ thoáng chút ngạc nhiên, rồi rơi vào trầm tư

 

rất lâu. Khi phát hiện mắt mình chực trào dòng lệ, mẹ mới vỗ về con mà bảo rằng: “Ước mơ lớn nhất đời mẹ là được nhìn con mẹ sống hạnh phúc.” Nhưng con muốn mẹ thực hiện ước mơ còn dang dở của mẹ kia, cái ước mơ trở thành một luật sư tài ba, sẵn sàng chiến đấu vì công lý ấy. Không lâu trước đó thôi, khi lục tìm món đồ trong chiếc tủ gỗ cũ kỹ, con đã nhìn thấy cuốn album dính bụi của mẹ. Một tấm hình rơi ra, con chắc là mẹ đã từng ngắm nhìn bức hình ấy rất nhiều lần. Nó thật đẹp, đẹp bởi nó chứa đựng đôi mắt trong sáng, tinh khôi, thuần khiết cùng nụ cười tươi trẻ tràn đầy sức sống của mẹ bên cạnh những người bạn trong khoa Luật. Nụ cười thật đẹp, thật hạnh phúc, nhưng dường như từ lâu đã tắt nơi mẹ.

Từ ngoại và dì, con biết được mẹ đã khao khát trở thành sinh viên ngành Luật, dẫu ông ngoại lúc đó cấm cản biết bao nhiêu lần. Ý chí, lòng kiên định và sự dũng cảm của mẹ khi ấy đã chiến thắng, vậy tại sao giờ đây mẹ lại không thực hiện nó. Vì sự xuất hiện của con đúng không mẹ? Mẹ đã đánh đổi ước mơ của mình cho sự ra đời của một sinh linh bé bỏng là con. Và rồi, cuộc mưu sinh với bao nỗi lo toan cơm, áo, tã, sữa đã quật ngã ước mơ tươi đẹp đời mẹ, có phải không?

Con từng nói với mẹ, ước mơ của chúng ta dẫu được hiện thực hoá ở khoảng thời gian nào trong cuộc đời cũng không bao giờ là trễ cả, quan trọng là ta có can đảm để lại một lần nữa thực hiện nó hay không mà thôi. Mẹ còn nhớ không? Con đã được thầy hướng dẫn khoá tu mà hè năm đó dạy. Con biết, ở cái tuổi gần bốn mươi, vẫn còn rất nhiều thời gian để mẹ thực hiện ước mơ của riêng mẹ, con đã cổ vũ mẹ rất nhiều, ngoại và dì cũng đã yểm trợ mẹ trên con đường đó.

Con đã rất sung sướng khi thấy nụ cười hạnh phúc kịp nở trên môi mẹ, dẫu những ngày đầu tiên ấy con có mệt hơn rất nhiều để lo giúp việc nhà thay mẹ. Nụ cười hạnh phúc ấy đã cho con biết, mẹ được là chính mẹ, sống cuộc sống của riêng mình, bước đi trên con đường mang theo ước mơ. Con đã thấy những

 

hôm mẹ thức rất khuya để chuẩn bị bài vở, nhưng mẹ vui lắm vì được trao đổi với những người bạn cùng học về vấn đề mẹ quan tâm, về luật pháp và công bằng xã hội. Con lo cho sức khoẻ của mẹ, nhưng cũng thấy vui lây mẹ ạ! Mẹ như trẻ lại rất nhiều khi cứ ríu rít hỏi con, làm thế nào để cái tấm hình này được cắt đẹp như vậy, làm thế nào để màn hình trình chiếu powerpoint trông sinh động hấp dẫn hơn, làm thế nào, làm thế nào,… Con vui sướng lắm!

Người ta bảo rằng, chết là hết. Con cũng từng nghĩ như vậy, nhưng khi được tiếp xúc với giáo lý của Phật, con hiểu ra rằng người ta không thể từ hư vô mà đến, cũng chẳng thể trở về hư vô khi mất đi. Người ta không thể từ không mà có, cũng chẳng thể từ có mà trở lại không, chỉ là chuyển từ hình hài này sang hình hài khác, hay ẩn tàng đi để khi đủ duyên lại hiển hiện. Vậy nên giờ đây, con cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi có mẹ kề bên! Con cũng không còn ý niệm tìm ba cho chính mình nữa, vì hình bóng của ba vẫn hiển hiện trong con như chưa bao giờ mất đi. Con chính là sự tiếp nối của ba mẹ, ông bà và tổ tiên. Sự có mặt của con ngày hôm nay cũng chính là sự có mặt của ba mẹ, tổ tiên ông bà. Nơi những huyết quản chảy trôi trong con luôn chứa tình yêu của ba và mẹ, nơi tế bào con luôn là sự chuyên chở tế bào của tổ tiên ông bà. Nơi đôi mắt to tròn đầy mầu nhiệm để nhìn trời xanh, mây trắng, nắng vàng ngày hôm nay đây có đôi mắt của ba, của mẹ, của người con thương và có cả vũ trụ bao la trong đó. Nơi đôi tay bé nhỏ của con ngày hôm nay chứa đựng luôn những đường chỉ tay mà ba, mà mẹ đã truyền trao từ muôn thuở. Ba vẫn còn đó, mãi trong con mà chẳng bao giờ mất đi!

Còn cái hình hài bé nhỏ con muốn tìm kiếm kia, nếu gặp được, con sẽ thật trân quý để nói cảm ơn người đã mang con đến trần gian xinh đẹp này. Dẫu có những ngày khó khăn, gian khổ, dẫu có những ngày buồn đến không thể gượng dậy được, dẫu có những ngày chỉ muốn đếm thời gian trôi đi, con vẫn thấy được

 

những ngày đáng sống. Con biết, không có ba sẽ không có con của ngày hôm nay, vì thế con thấy mình không nhất thiết phải truy vấn “tại sao ba không chấp nhận đứa con này?”, “tại sao ba lại rời bỏ mẹ khi nơi đó mang một sinh linh nhỏ bé?”,… Sự có mặt của ba ngày hôm nay, nếu con có gặp là hạnh phúc rồi, phải không mẹ.

Những khoá tu của con được ngoại, mẹ và dì yểm trợ rất nhiều, điều đó làm con rất vui! Và con sung sướng hơn nữa là mẹ, ngoại và dì cũng cùng con tham dự vào khoá tu ấy, mặc dù chính mẹ ban đầu cũng chẳng tình nguyện là bao. Sau những khoá tu ấy, mẹ đã trở về, yêu đời hơn rất nhiều, sống thật tích cực để theo đuổi ước mơ đời mẹ. Con đã thấy mẹ đứng rất lâu trước bàn thờ của ngoại, truyền thông giữa mẹ và ông ngoại đã được tái thiết lập. Mẹ cũng rất vui vẻ kể lại cho con nghe những câu chuyện về tuổi thơ, những câu chuyện mà mẹ đã giấu rất lâu rồi, chưa bao giờ nhắc đến. Trong lời kể của mẹ tràn đầy tình yêu thương với ngoại, dẫu hồi đó ông ngoại đã trách phạt và cấm cản mẹ rất nhiều. Mẹ cũng nói với con về ba, người chưa bao giờ con gặp mặt ấy. Mẹ bảo, những ngày bên ba, mẹ đã rất hạnh phúc, dẫu cái hạnh phúc ấy không kéo dài lâu – như chính cái tính vô thường mà đức Thế Tôn đề cập đến, nhưng mẹ đã được sống hết mình cho những năm tháng ấy.

Trong mái ấm của chúng ta, giờ đây đã có một căn phòng để thở, căn phòng ấy thật ấm áp phải không mẹ? Nhưng rồi chúng ta sẽ biến tất cả những nơi chúng ta đặt chân đến, mọi nơi trên mặt đất yêu thương này thành căn phòng để thở ấy. Bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có hạnh phúc, có an lạc, mẹ nhé! Con biết điều đó không dễ dàng thực hiện, thành ra mỗi nơi trong căn nhà đều treo chữ “thở”, “Phật”, “tỉnh thức” như tiếng chuông thức tỉnh ta trở về với hơi thở nhiệm mầu, tại đây và ngay lúc này. Chúng ta cùng cố gắng mẹ nhé! Khi có bình an thực sự nơi tâm hồn, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ để thực hiện những điều mình mong muốn trong tỉnh thức, và con biết mẹ sẽ cống hiến cho xã

 

hội bằng cách riêng của mẹ - tình thương và công lý.

Những ngày gần đây, khi bước qua một trận đại dịch thế giới, cùng với đó là cuộc chiến tranh tàn khốc đẫm máu giữa Nga và Ukraina, con đã suy nghĩ rất nhiều mẹ ạ! Tại sao thế giới phải hứng chịu trận đại dịch khủng khiếp như vậy, những khuôn mặt của vô số người mà con thấy được trên báo, ai cũng dễ thương, ai cũng dễ mến, vậy mà trong chỉ vài ngày thôi, ta không thể nhìn thấy sự hiện diện của khuôn mặt ấy nữa. Những cơn sốt co giật hành hạ thân thể họ, hình hài ấy phải trở về trong những chiếc quan tài và khi người thân nhận lại chỉ còn nắm tro cốt xám bạc. Chiến sự Nga – Ukraina nổ ra, khuôn mặt dính máu bê bết của những cụ già, khuôn mặt thơ ngây của đứa trẻ được người mẹ ôm trân quý trong đôi bàn tay cầu xin sự sống từ những y bác sĩ nhưng bất thành. Thành phố làng mạc bởi bom đạn mà nát tan, hàng ngàn ngôi nhà bị phá huỷ, những cảnh đau thương của vợ mất chồng, cha mất con, chồng mất vợ, con mất mẹ…Thành phố còn lại gì sau một trận bom đạn qua? Mẹ ơi, tội tình gì nơi những đứa trẻ còn khát sữa như vậy hả mẹ? Rồi mai đây, khi hoà bình lập lại trên quê hương, ngôi nhà xưa có thể dựng xây trên hoang tàn đổ nát, nhưng mẹ ơi, làm sao có thể dễ dàng thắp sáng được ánh lửa bên bữa cơm chiều cho những gia đình ấy? Mất bao lâu để người ta chấp nhận nhau, mất bao lâu để niềm tin nơi đối phương trở lại hả mẹ?

Ở cái tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất đời người, nhiều người phải vác trên mình những súng ống để bảo vệ đất nước tươi đẹp, để mong cầu bình yên cho quê nhà. Nhưng cũng rất nhiều người lính ra đi, rất trẻ - họ còn rất trẻ mẹ ạ, họ không hiểu tại sao phải chém giết, chưa hiểu hết được điều khủng khiếp mà họ đang mang đến cho thế giới con người. Người ta đã đánh rơi nhân tính nơi nào hả mẹ? Quán chiếu những điều đó, những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt con, con thương họ quá chừng mẹ ạ. Biết đâu chừng họ đã từng là ba, là mẹ, là anh, là chị, là người mình thương trong vô lượng kiếp. Những khuôn

 

mặt ấy vẫn khao khát nhìn ngắm bầu trời trong một ngày nắng, vẫn khao khát đem tuổi trẻ cống hiến cho sự vững bền của tổ quốc, vậy mà… chẳng thể nữa rồi.

Trước những đàn áp của bạo lực, bất công, thù hằn ấy, giáo lý đạo Phật dạy con trở về quán chiếu thật sâu để nhìn thấy được những khổ đau, sợ hãi, lo lâu của cả hai bên lâm chiến. Đức Phật dạy con phải biết nhìn thật sâu để thấy được những khổ đau, sợ hãi, lo âu đang ngập tràn trong tâm khảm người gây ra chiến tranh. Vì không có khả năng chuyển hoá những tâm niệm bất thiện nơi mình, họ mới vung vãi đau thương ấy lên những người xung quanh, gây nên sự đổ vỡ cho tổ quốc bạn bè. Họ đáng thương hơn rất nhiều! Nhưng mẹ ơi, để cảm được điều đó thật khó đúng không mẹ? Làm sao người ta có thể thương cho được kẻ đã dã man tàn sát gia đình, người thân của mình; làm sao người ta có thể dễ dàng chấp nhận kẻ đã đốt đi làng mạc, quê hương, biến ta thành những kẻ “mất căn cước” nơi đất khách; làm sao ta có thể thương cho được hả mẹ? Nhưng nếu mãi sống với nhau trong nỗi nghi kỵ, hận thù của bạo tàn, chiến tranh ấy, thế hệ tương lai của chúng ta cũng sẽ chẳng bao giờ có được bình yên chân thực.

Con đã nghe, đã đọc, đã thấy những người sẵn sàng hy sinh cho hoà bình của loài người, dù có chịu cô đơn tủi nhục nơi ngục tù gông cùm, họ vẫn can đảm đứng lên để đấu tranh, hát lên bài ca nhân quyền mẹ ạ. Họ yêu đời chứ mẹ, mong được sống hạnh phúc bình yên trong tình thương của gia đình chứ mẹ, nhưng họ không thể trơ mắt nhìn khi đồng bào mình đau khổ. Họ đã can đảm biết bao nhiêu! Con biết, dẫu việc thực tập mang tâm từ đến với kẻ thù của chúng ta sẽ rất khó khăn, nhưng mình vẫn có thể vượt qua lằn ranh của hận thù, sân giận ấy đúng không mẹ. Mình còn phải thực tập, thực tập rất nhiều.

Nhờ giáo lý đạo Bụt mà con nhận ra được sự tương tức của con với vạn vật trong vũ trụ này. Con người không thể sống một mình, là một cá thể hoàn toàn biệt lập với thế giới xung quanh.

 

Thân thể, hình hài của con có được hôm nay đây, là sự kết hợp, là mối tương duyên của những nhân – những duyên không phải của con, của tinh cha huyết mẹ, của ông bà tổ tiên bao đời trao gửi, của ánh mặt trời, của dòng nước chảy trôi, của đất – nước

– lửa – gió và vô vàn tình thương của những người xung quanh. Vì vậy, thương cái hình hài này, con phải thương luôn những thứ không phải là hình hài này mẹ ạ. Con “giết” đi những thứ không phải là con đó, nghĩa là con cũng đang “giết” đi chính mình phải không mẹ.

Nhờ những buổi thực tập ngồi thiền, quán chiếu những lời Bụt dạy, con nhận ra rằng kẻ thù của chúng ta không thể là con người – mãi mãi như vậy, kẻ thù chúng ta chỉ có thể là những cái thấy biết sai lầm của sự lo âu, sợ hãi, hận thù, bạo động,… mà thôi. Chính cái tưởng, cái thấy biết sai lầm của chúng ta đã gây ra những điều vô cùng nguy hiểm cho mọi loài. Vì cái tưởng ấy, ta nghĩ rằng người kia sẽ tranh mất vị trí số một của ta, và do đó ta phải hạ gục họ trước khi bị họ cướp mất. Vì cái tưởng ấy, ta nghĩ rằng người kia là kẻ thù, gây đau thương cho người thân ta, ta phải giết,… Và do đó, tranh giành, bạo lực, hận thù, chiến tranh mãi sẽ còn với thời gian; khi nào những quả bom hẹn giờ của sự nghi kỵ ấy chưa được tháo gỡ, chiến tranh sẽ không bao giờ chấm dứt, dịch bệnh sẽ không có cơ hội qua đi.

Những ngày này, mẹ đang đêm ngày cặm cụi đèn sách, “trau dồi kinh sử” để chuẩn bị cho khoá luận tốt nghiệp nơi giảng đường đại học, con và ngoại bận rộn hơn rất nhiều! Có những hôm thức dậy, con phát hiện ra thức ăn sáng vẫn chưa chuẩn bị, mẹ còn ngủ gục nơi chồng sách. Có hôm đi dự lễ ở khoa, con phát hiện ra chiếc áo sơ mi còn nhờ mẹ ủi tối qua vẫn còn treo trên giá. Có những buổi cơm cả nhà ăn trong tiếng cười giòn tan bởi mẹ đã thêm nhiều muối hơn bình thường vào món canh khổ qua, nhiều đường hơn trong món cà tím xào, hay mọi người được thưởng thức món “đậu đen sa mạc” do đôi bàn tay khéo léo quên tắt lửa của mẹ. Mẹ đừng nghe con nói vậy mà bỏ giữa

 

chừng những thành quả của mình mẹ nhé, con chỉ thấy hạnh phúc hơn vì những điều mà mình có thể làm cho mẹ mà thôi!

Mẹ thương, cơn mưa đầu mùa đã trở về nhưng cũng không đủ để xoá tan cái nắng nóng Sài Gòn những ngày cuối tháng tư, hạt mưa bay bay nơi hành lang ký túc xá cùng ánh nắng vàng ấy cũng mầu nhiệm như chính tình yêu thương của ta vậy, phải không mẹ! Cảm ơn đức Phật, nhờ giáo pháp của ngài mà hôm nay con có thể xử lý được những vết thương nơi mình và chế tác những niềm vui trong cuộc sống. Cảm ơn những vị thầy đã gìn giữ và truyền trao giáo lý ấy đến với nhân sinh, đem hạnh phúc tô vẽ cuộc đời. Cảm ơn mẹ, vì chính là mẹ - có mặt với con trong giây phút này. Cảm ơn tất cả, những nhân duyên đến đi nơi cuộc đời này để con biết cách trân trọng, yêu thương cuộc sống này!

Thích nữ Nhuận Nguyện

(Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Lịch sự kiện trong tháng

Thứ 2 Thứ 3 Thứ 4 Thứ 5 Thứ 6 thứ 7 Chủ nhật
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30

Tủ sách Bảo Anh Lạc

Thư viện

Pháp âm