2. Lạy Phật Con Đã Về...
Thích Nữ Uyển Thông
Đôi dòng tự sự…
Tôi vốn sinh ra trong một gia đình không biết đến Phật pháp. Bởi cuộc sống của gia đình rất khó khăn phải lo từng miếng cơm manh áo thì lấy đâu ra thời gian để đi chùa, nghe kinh, học đạo. Khi cơm còn không có để ăn, áo không đủ để mặc, thân không an thì cũng thật khó để hướng tới một đời sống tinh thần cao đẹp. Có lẽ nếu không có cái nghèo khó ấy chắc giờ này chưa hẳn tôi được ở chùa, được làm một người đệ tử Phật. Thật biết ơn những năm tháng đói khổ trong đời, dù là nhân duyên nào đi nữa cũng đã đưa tôi bước trên đường đạo cho đến ngày hôm nay.
Gia đình tôi nuôi đến 8 miệng ăn, lên cấp ba, tôi được bố mẹ gửi vào nhà bà con xa để đi học cho gần và cũng bớt gánh nặng trong nhà. Cuộc đời tôi từ đó đã bước sang một ngã rẽ khác. Nhà của “O” làm nghề nông, không giống nhà tôi gần biển quanh năm giết bắt cá tôm… Gia đình “O” không giàu, nhưng cơm ăn áo mặc luôn đầy đủ và không phải lo toan như gia đình tôi. Điều quan trọng hơn là mọi người đều biết đến Phật pháp. Cứ mỗi ngày rằm, ngày mùng một cả nhà “O” lại đưa nhau lên chùa tụng kinh theo khóa lễ, rồi lại sinh hoạt với gia đình Phật tử. Nào là ca hát, diễn kịch, chia sẻ Phật pháp, hay những hội thi… tôi
đã bị lôi cuốn bởi sự mới mẻ này. Nhà “O” có một người con trai xuất gia từ bé, nay đã lên Thầy. Sau những lần lên chùa theo khóa lễ tôi bắt đầu có mong muốn trở thành một tu sĩ. Gia đình biết chuyện tôi muốn đi tu, bố la mắng dọa dẫm, mẹ khóc lóc van xin. Thế là những tháng ngày cố gắng cho hết cấp ba cũng xong. Tôi bỏ nhà đi, không một lời tạ từ.
Đã 12 mùa xuân trôi qua, xuân năm nay lại đến bên hiên chùa. Giữa muôn vàn đổi thay của đất trời, giữa sự thay đổi và lớn lên của chính tôi. Tắm mình trong dòng pháp nhiệm mầu, mỗi mùa xuân trôi qua tôi không còn buồn và hay khóc như trước nữa. Ở nơi đây tôi có niềm vui, có tình thương của Thầy tổ, huynh đệ và quan trọng hơn là tôi vẫn luôn giữ mãi hình ảnh Bụt trong tôi. Tôi biết Ngài sẽ luôn dõi theo tôi trên con đường này, Ngài là động lực, để tôi bước tiếp và vượt qua những khó khăn thử thách. Câu kinh tiếng mõ sớm khuya, đã cho tôi thêm sức mạnh, thêm niềm vui mỗi ngày ở chùa. Tôi không hiểu hết ý nghĩa của từng câu kinh, chỉ biết mỗi lần tụng như thế lòng tôi thấy nhẹ nhàng, thấy lâng lâng. Sư phụ tôi bảo từ từ thì mới thấm được tương chao, mới hiểu được ý nghĩa của câu kinh bài kệ. Điều quan trọng là phải tìm được niềm vui trong việc đọc tụng bài kinh đó. Tôi dành thời gian rãnh rỗi để phát nguyện lạy Phật và chép kinh. Mỗi lần đứng trước tôn dung của Ngài, lòng tôi lại thấy bình yên. Chỉ đơn giản là tôi tin Ngài vẫn luôn ở đó, Ngài có thể nghe thấy và nhìn thấy dù đó chỉ là một bức tượng đá vô tri.
Từng câu kinh tôi chép, chợt nhận ra sự thay đổi của bản thân qua mỗi ngày. Không còn vội vã chép cho xong như ngày đầu tiên nữa; sự nhẫn nại, kiên trì trong từng nét bút đã huân tập và hằn sâu lên tâm trí tôi từng ngày từng giờ. Sau mỗi lần chép kinh, tôi dần sống chậm lại và hài hòa hơn như những nét bút mềm mại trên từng trang giấy. Tôi chưa từng tự hào vì mình đã chép xong gần hết các bộ kinh Bắc truyền, hay việc đã lạy từng câu từng chữ trong các bộ kinh. Mà động lực để tôi kiên trì đến hôm nay,chính là niềm tin sắt son với Bụt và niềm vui trong mỗi
việc đã làm. Bởi chẳng có gì là đáng giá nếu như bạn không cảm thấy hạnh phúc. Chính nhờ thế mà tôi bớt đi những việc làm hay lời nói không lợi mình lợi người, thậm chí có thể làm thương tổn đến người khác.
Mặc dầu chưa thấm nhuần giáo pháp của Như Lai và chưa được tỏ ngộ hay chứng đắc như các vị tổ, vị Thánh. Nhưng tôi vẫn luôn cố gắng huân tu để xứng đáng làm người con Phật, giữ cho mình những tâm nguyện thiện lành, chỉ mong mọi người yêu thương nhau, mong đời người bớt khổ đau. Nguyện dâng hết cuộc đời cho chúng sinh, báo ân Đức Như Lai:
“Thế Tôn là tình yêu đầu Thế Tôn là tình yêu tinh khôi Nghĩa là không bao giờ
Sẽ cần tình yêu cuối”.
Lại một mùa xuân nữa đã về….
Cái lạnh của những ngày đầu xuân nhẹ nhàng xuyên qua từng lớp áo. Cơn mưa phùn như một nét đặc trưng ngày tết, thêm thấm lạnh, thêm bâng khuâng… Những nét mặt rạng ngời hạnh phúc. Có lẽ rằng mùa xuân là mùa của những gì đẹp nhất cả tâm-hồn lẫn tình cảm con người. Bởi lẽ rằng những âu lo, muộn phiền và khó khăn của năm cũ đã được gửi theo ông Táo về trời; niềm tin và hy vọng của một năm mới đầy hứa hẹn tạo thêm sức sống cho người ta nỗ lực, thấy yêu đời, yêu người hơn. Những luồng sống mới mẻ tiếp thêm sức mạnh cho tâm hồn. Bởi mấy ai được như các vị thiền sư đắc đạo mà chiêm nghiệm được về cuộc đời, giác ngộ trong cái tươi mới của mùa xuân.
Giờ này…
Chắc cả nhà giờ này đang xum vầy với nhau, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa để đón tết. Ba cùng anh lo cho ngôi nhà thêm vững chắc, mẹ và em gái thì quét dọn, trang hoàng nhà cửa. Mẹ chứa
nước thật nhiều trong các xô chậu, còn tưới luôn từ nhà ra ngoài ngõ, với quan niệm năm mới tiền tài vào nhà tràn đầy như nước vậy. Có lẽ cuộc sống khốn khổ đã biến những ước mơ trở nên đời thường như thế!
Chắc cả nhà đang xum vầy bên bếp lửa, với những khuôn bánh in đủ họa tiết cổ truyền: long, lân, quy, phụng hay các nét chữ cổ xưa. Bố nhẹ nhàng ấn từng ngón tay trên những khuôn bánh, mẹ dùng hết sức sau những ngày dọn dẹp nhà cửa để tạo nên chiếc bánh thật đẹp, cô em nhỏ “vận hết nội công” đè hai ngón tay cái để khuôn bánh tạo nên những họa tiết rõ nét. Mùi bánh được nướng bằng than thơm nức bay khắp nhà. Mẹ muốn có bánh đặt cúng ông bà, để ngày tết thêm sum xuê. Mẹ muốn giữ lại những chiếc bánh cổ truyền của quê hương nên làm bánh in. Mẹ biết kinh tế cả nhà còn khó khăn nên dành dụm cho các con có thêm chiếc áo, cái quần mới đi chơi tết. Mẹ làm bánh in...
Giờ này, chắc cả nhà đang xum vầy bên nồi bánh chưng, bánh tét. Những chiếc bánh được gói thật chặt và vuông vức, nhân bánh mẹ làm luôn có hương vị thật riêng của nhà mình. Tối đến ngồi canh nồi bánh thì nhà cửa cũng đã trang trí xong. Ba đốn về một bếp củi xếp ngăn nắp để mẹ có nấu đầu năm, còn những khúc củi sần sùi, xấu xí thì để dành đun bánh đêm 30. Nhà chỉ gói vỏn vẹn 20 chiếc bánh, có năm mẹ còn làm ít hơn thế nữa tùy vào việc buôn bán năm đó có suông sẻ hay không. Nhưng mẹ muốn gói cho có không khí ngày Tết, phần đặt bàn ông bà thêm ấm cúng, phần cho cả nhà cùng ăn vào những ngày đầu năm. Nhà người ta tết đến xuân về thì đi chơi, đi ăn nhà hàng, ăn quán,…còn nhà mình mẹ muốn làm bữa cơm đạm bạc ấm cúng, rồi cả nhà quay quần bên nhau coi những chương trình ngày Tết. Có khi bên bếp lửa bố mẹ kể chuyện ngày xưa, những tháng năm khổ cực, bánh trái không có đầy đủ để ăn như bây giờ, đến cơm còn không có để ăn thì làm sao có đủ thứ bánh mà ăn cơ chứ. Thời ba mẹ chiến tranh loạn lạc, ở không an thì làm sao có thể mà ấm no đầy đủ cho được. Mấy chị em ngồi nghe ba mẹ kể khổ lắm, khổ lắm! Những
chuyện ngày xưa ấy năm nào cũng nghe ba mẹ kể “thời của ba mẹ khổ lắm”, ánh lửa hằn trên khuôn mặt khắc khổ, cơ cực của ba mẹ. Mãi sau này lớn lên mới thấu hiểu được nỗi khổ của ba mẹ là gì, sự cơ cực đã hiển hẳn trên khuôn mặt của ba mẹ qua từng nếp nhăn, muốn có nhiều thời gian để phụng dưỡng ba mẹ. Các anh chị em trong nhà thấu hiểu được sự cơ cực của ba mẹ, muốn dành nhiều thời gian để quay về ngôi nhà phụng dưỡng, nhưng thời gian ngày một trôi đi tuổi của ba mẹ ngày một lớn nên thời gian gần gũi ở bên cạnh không có nhiều chỉ ước mong thời gian quay trở lại nhưng mà thời gian đã không thể quay trở lại. Đêm giao thừa bên bếp lửa ngày xưa, cả nhà cùng xem chương trình Táo quân, cùng nghe kể chuyện thời xưa ấy,…nay còn đâu nữa!
Nhớ hôm nào gần tết, mấy chị em rủ nhau cắt những đôi dép cũ mong mẹ mua cho đôi dép mới mang đi chơi Tết. Còn bây giờ, thì ngược lại muốn mang mãi một đôi, muốn dành dụm mua cho ba mẹ những thứ gì tốt đẹp nhất.
Quả thật không sai là con người khi lớn lên toàn làm những thứ trái ngược hồi còn bé.
Không biết giờ này nhà mình đã đi lễ chùa chưa?
Còn ở đây…dòng người tấp nập, những ánh mắt, khuôn mặt rạng ngời, những lời khấn nguyện lâm râm, nhà nhà dắt nhau đi lễ chùa!
Mỗi độ Tết đến mẹ thường gọi hỏi “Khi mô Cô mới về?, bao giờ cả nhà mới đông đủ các anh chị em đón tết như nhà người ta”. Có bao giờ mẹ biết được câu trả lời chắc chắn hay một lời hứa hẹn, nhưng năm nào mẹ cũng muốn hỏi. Mùng một Tết hằng năm mẹ luôn là người gọi chúc Tết đầu tiên, nghe giọng mẹ run run ở đầu dây, chắc mẹ đang ngóng con lắm. Mới hôm nào gọi về thăm nhà thấy mái tóc ba mẹ đã ngả màu; giật mình nhận ra phải trân quý những tháng năm còn lại, thấy bản thân cần phải nỗ lực hơn nữa. Nhìn từng nhà nô nức đến chùa, chạnh lòng nhớ ba nhớ mẹ, nhớ mái nhà nhỏ.
Ta bỏ niềm vui nhỏ, để đến với niềm vui lớn, phụng sự chúng sanh, đó chẳng phải hạnh nguyện của một người xuất gia hay sao? Chắc chưa được như các vị thiền sư đắc đạo nên vẫn còn nặng lòng trước mỗi độ tết đến xuân về. Bởi sự nhạy cảm của tâm hồn, nên đối trước cảnh bên ngoài dễ xúc động, dễ bâng khuâng. Chỉ mong đem cái nhạy cảm này, đem cả tâm hồn này để thương cảm được với người - với đời. Hôm nay có rất nhiều rất nhiều người trở về bên mái chùa, dù chỉ là thắp hương khấn nguyện. Nhưng cũng là một lần về dưới chân Ngài, một lần buông bỏ những phồn hoa nhộn nhịp, những ồn ào khói bụi ngoài kia mà TRỞ VỀ.
Mong rằng mỗi người đều có ít nhất một lần quay về nương tựa Bụt không chỉ ngày Tết!
Lớp áo nâu có lẽ không đủ ấm, nên để cái lạnh len lỏi vào bên trong…Buốt lòng!
Tiếng nhạc nhà ai vang vọng tới cửa chùa: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con. Khi thấy mai đào nở vàng bên nương. Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về. Nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…”
Nhân ngày đầu xuân, xin đem những tháng năm tu hành này cầu nguyện hai đấng sinh thành được một đời an yên. Nguyện cầu cho mọi người đều biết quay trở về nương tự Bụt, nương tựa hải đảo tự thân. Mong cho mỗi người đều giữ trong mình lý tưởng, ước mơ có thể theo đuổi.
Lạy Phật con đã về!
Viết cho những mùa xuân Kỳ Thiên.
Thích Nữ Uyển Thông
(Phường Thủy Xuân, Huế)