Bất cứ vị tu sỹ Phật giáo nào, sau khi bỏ cuộc sống thế tục, cạo tóc xuất gia để bắt đầu một nếp sống tu hành, đều phải trải qua một giai đoạn học và hành hạnh Sa-di. Những người này trong chùa thường được gọi là chú tiểu hay chú điệu.
Tập sống trong cửa thiền
Giai đoạn làm tiểu có khi 5 năm, 10 năm, cũng có khi là 2 năm, 3 năm tùy thuộc vào tuổi đời lúc xuất gia cũng như khả năng cố gắng học hỏi của những người tập tu.
Đại đức Thích Minh Trí, trụ trì chùa Phúc Lâm (Biên Hòa) cho biết: "Người mới vào tu, để được đăng đàn thọ Cụ túc giới làm thầy trong Phật giáo, ngoài việc hàng ngày phải thức khuya dậy sớm lễ Phật, tụng kinh, và làm việc trong chùa, họ phải học nằm lòng và thực hành bốn quyền luật căn bản dành cho Sa-di, đó là Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi và Cảnh sách."
Tỳ-ni, đó là những bài kệ chú giúp người tập tu tự huấn luyện tinh thần tự giác, tự biết, tự trách nhiệm, sự chú tâm, lòng từ ái và thái độ sống thanh thản, chấp nhận một đời sống giản dị.
Còn việc học thuộc lòng mười giới Sa-di nhằm để các chú tiểu loại bỏ tâm ác, tránh gây tổn hại đến chúng sinh, bảo vệ hạnh phúc, niềm tin giải thoát cho đời; ngoài ra còn giúp loại bỏ tham, sân, si của tự tâm, chế ngự dục vọng hầu tăng trưởng định và tuệ (tịnh tâm và trí tuệ – PV) hướng đến sự giải thoát.
Những người mới vào chùa để tập tu thường được gọi là chú tiểu
24 bài học về oai nghi dạy cung cách hành xử của Sa Di. Trong đó, xây dựng cho Sa di lối sống và xử sự của một người xuất gia như: thể hiện lòng cung kính Tam bảo; khao khát giải thoát; tế nhị trong các việc nói năng, đi, đứng, nằm, ngồi; chân thật và lịch sự đối với người đời; tránh tranh cãi phải trái; tránh các ngộ nhận và phiền phức có thể xảy đến cho người tu.
Riêng đối với Cảnh sách, đây là những lời sách tấn, khuyến khích và cảnh tỉnh người mới tu cần thấy rõ nếu đã vì mong cầu giải thoát mà xuất gia thì không vì lý do gì mà lại không siêng năng tu tập; biết hổ thẹn về những việc cần làm mà không làm; cảnh báo cho họ thấy nếu vụng tu (tu không tốt - PV) thì sẽ nhận lấy hậu quả đau khổ trong hiện tại và khuyên nên tinh cần thực hiện giải thoát tự thân qua thiền định.
"Bốn quyển luật trên là để dạy cho người tập tu các kỹ năng sống, tu tập hướng đến sự thăng tiến tâm linh và cách đối nhân xử thế trong môi trường nhà Phật. Ngày xưa, những quyển luật này do các bổn sư truyền dạy trực tiếp cho đệ tử nhưng hiện nay có rất nhiều trường Phật học tại các tỉnh, thành nên các bổn sư thường gửi đệ tử của mình đến đó nhờ các giáo thọ giảng dạy." - thầy Minh Trí chia sẻ.
Người tập tu ngoài việc thức khuya dậy sớm lễ Phật, tụng kinh, làm việc trong chùa
còn phải học nằm lòng và thực hành bốn quyền luật căn bản
Tập tu để có sự sàng lọc
Thời Đức Phật còn tại thế, đối với người đến xin Ngài xuất gia, Ngài chỉ cần nói "lành thay, Tỳ kheo!" là người đó đã trở thành vị Sa-môn.
Nhưng, theo thầy Minh Trí, ngày nay trong đạo Phật không có chuyện người vừa cạo đầu xuất gia là đã trở thành nhà sư được, mà phải trải qua giai đoạn làm chú tiểu - là giai đoạn thử thách và uốn nắn suy nghĩ, lời nói, hành vi theo lối sống của nhà Phật cho người mới vào tu, dù người đó xuất gia lúc trẻ tuổi hay lớn tuổi.
Lý giải về vấn đề này, thầy Minh Trí cho rằng người khởi tâm đi tu cũng có nhiều lý do khác nhau, hoặc do thất tình, hoặc do sa cơ thất thế, hoặc do gia đình nghèo khó, hoặc do trốn tránh pháp luật, hoặc do thực tâm muốn tìm sự giải thoát v.v.
Giai đoạn làm chú tiểu là khoảng thời gian thử thách và uốn nắn suy nghĩ, lời nói, hành vi theo lối sống của nhà Phật
Vì thế, cũng giống như sàng gạo để chọn những hạt gạo chắc, tốt, nhà Phật bắt buộc người tập tu muốn trở thành một thầy Tỳ-kheo phải có thời gian làm chú tiểu/ hành điệu để thầy bổn sư sàng lọc, theo dõi xem người đó có thích nghi được với môi trường cửa Phật, có thực tâm cầu đạo hay không.
Trên thực tế, vị Sa di nào không thích nghi được với môi trường nhà Phật trong giai đoạn tập tu đều trở về lại với cuộc sống đời thường. Còn vị nào có căn tu, tức thực tâm xuất gia thì sẽ vượt qua giai đoạn làm tiểu để tiến đến hiến trọn đời mình cho lý tưởng giải thoát.
"Hơn nữa, nhờ trải qua giai đoạn này mà từ lời nói, suy nghĩ và hành động của vị chân tu khác hẳn với người giả sư. Nhìn người chân tu thì ta dễ phát sinh tâm cảm mến, tin tưởng. Nhìn kẻ giả sư, tự nhiên ta sinh tâm nghi ngờ họ" - thầy Minh Trí cười nói.
Sa-di, tiếng Pāli là Sāmanera hay Samanuddesa, nghĩa là con của bậc Sa-môn (Tỳ-kheo), hay người đang tập tu để trở thành vị Sa-môn. Trung Quốc dịch Sa-di là ’tức từ’, nghĩa là dừng làm các việc xấu ác, thực hành các hạnh từ bi. |
Quần Anh - Hoài Lương